Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
Bài Viết Của
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
DỌN ĐƯỜNG
KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN
HÔN NHÂN VÀ TRẺ EM
LINH MỤC TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA
ĐIỂM HẸN CỦA CHÂN LÝ ĐỨC TIN
CHỖ Ở
GIUSE ĐỊNH BỎ MARIA
Vươn tới sự phục vụ đích thực
NGÔN SỨ BỊ KHƯỚC TỪ
ĐỤNG VÀO CHÚA
Cảnh báo về vấn đề giữ vệ sinh
ĐỪNG SỢ
Đạo Tha Thứ
Trái tim không ngủ yên
Tiệc Cưới Con Vua
Chúa đi trên biển
Đi tìm địa chỉ nghỉ ngơi
ANH EM LÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
Chúa Có Máu Ghen
Từ chuyện tình của Mátthêu
Kế hoạch làm ăn của Chúa Giêsu
Chuyện tình Tôma và Lòng Thương Xót Chúa
Quà tặng độc nhất của Thiên Chúa
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA
Giàu có và Nước Trời
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
MẤY NÉT CHẤM PHÁ CHO LINH MỤC
MẤY CỤ GIÁM MỤC THẬT LÀ BUỒN CƯỜI !
THẦY LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG
SUY TƯ VỀ VĂN HÓA NGHỆ THỤÂT VÀ THỬ HƯỚNG TỚI MỘT LỐI MỤC VỤ
ĐỨC GIÊSU QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI
Ý nghĩa của Thánh giá
KHI CÁI CHẾT CẬN KỀ
ĐI TÌM PHƯƠNG PHÁP RAO GIẢNG TIN MỪNG
CHẠY THEO CHIẾC BÓNG
THEO Đức giê-su đi gieo giống
THA HÓA QUYỀN LỰC
SỐNG THEO THÁNH THẦN
TRONG QUỸ ĐẠO TRUYỀN THỐNG
HÃY TẬP ĐÓN NHẬN TIẾNG NÓI CỦA NGÔN SỨ
LINH MỤC TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

  

 

Càng ngày người ta càng đòi hỏi cao nơi người mục tử. Phải chăng sự đòi hỏi của dân chúng cũng chính đáng, vì thời nay khác thời xưa. Chủng sinh có nhiều điều kiện để trau dồi học hỏi hơn, bắt bụôc phải thay đổi và tiến bộ trong mọi vấn đề là phải lẽ.

 

Chúng ta không đưa ra những mặt yếu ở đây để phê bình, chỉ trích hay bôi bác tầng lớp, thế hệ mà là nhìn nhận tình trạng trong giáo hội để đi vào con đường của Chúa Giêsu Kitô là ‘mục tử nhân lành’. Thực tế, đời tu đang được nhìn dưới lăng kính khác, hoặc phiến diện, hay tiêu cực như ở nhiều nước Tây phương. Việc nhìn nhận, đánh giá và đối xử với người tu trì đã khác hẳn ngày xưa và còn đi xa hơn nữa. Chúng ta không tìm đến với môi trường này để mong ước khai thác điều gì cho lợi ích cá nhân nhưng để tái khám phá và minh chứng tích cực cho lời mời gọi sống cho những giá trị Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô trong bối cảnh xã hội, văn hoá, nền kinh tế thời WTO đang làm giao động lương tâm ; tôn giáo trở nên xa lạ, thậm chí không còn cần thiết nữa.

 

Tư cách của người được sai đi làm công tác mục tử có còn sức hấp dẫn thực sự đối với người đương thời hay chỉ là ‘nhãn hiệu’ để cho người ta đánh giá, phê bình và so sánh như chất lượng hàng hóa thời kinh tế thị trường. Sức năng động của Tin mừng và ân sủng còn giá trị thực tiễn hay đáng bị nghi ngờ qua đời tu và giá trị độc thân. Điều ấy, thúc bách chúng ta phải luôn ý thức về nguồn gốc sứ mệnh được trao ban trong khung cảnh thời đại tục hóa và đầy mâu thuẫn. Quả thật, "trong môi trường giáo hội, người ta cũng thấy những hiện tượng bất ổn và tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống và tác vụ của linh mục : chẳng hạn một số đông tín hữu thiếu hiểu biết về tôn giáo ; giáo lý vốn đã ít gây ảnh hưởng, lại bị những phương tiện truyền thông xã hội bóp nghẹt bằng những sứ điệp phổ biến hơn và tác động mạnh mẽ hơn; chủ trương đa nguyên trong thần học, hiểu sai văn hoá và mục vụ, dù đôi khi chủ trương này phát xuất do thiện ý, nhưng rốt cuộc lại làm cho việc đối thoại đại kết trở nên khó khăn và gây nguy hại cho sự cần thiết phải có một đức tin duy nhất; vẫn còn thái độ ngờ vực và hầu như cố chấp đối với huấn quyền của hàng giáo phẩm; những khuynh hướng một chiều và giản lược sứ điệp phong phú của Tin Mừng, và biến lời loan báo và chứng tá đức tin chỉ còn thuần tuý là nhân tố giải phóng con người và xã hội, hay chỉ là một nơi ẩn náu gây tha hoá trong mê tín dị đoan, hay trong một lòng đạo không có Thiên Chúa" (Tông Huấn ‘Các mục tử’, số 7).

 

Vì vậy, người mục tử cần để ý đến các mối liên hệ sau:

 

1.      Linh mục là người có đời sống nhân bản, tương quan xã hội

 

Là người "được lựa chọn giữa nhân loại và được cắt đặt lo cho nhân loại trong những việc về Thiên Chúa, để hiến dâng những của lễ đền tội (Dt 5,1) nên linh mục sống với mọi người như anh em vậy". Đừng quên rằng "Thượng tế nào cũng là người được chọn từ những con người để can thiệp cho loài người trong những mối tương quan với Thiên Chúa" (Dt 5,1).

 

Ý thức mình vừa cao trọng nhưng cũng rất tầm thường bởi họ vẫn là con người như bao người khác; hơn thế nữa, "mối tương giao với người khác có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một yếu tố thực sự thiết yếu đối với người được mời gọi để lãnh trách nhiệm về một cộng đoàn và trở thành một 'con người hiệp thông'. Điều này đòi buộc linh mục không được cao ngạo, gây hấn, nhưng phải nhã nhặn, niềm nở, thành thật trong lời nói và tâm hồn, khôn ngoan và thận trọng, quảng đại và sẵn sàng phục vụ, có khả năng thiết lập với người khác và khơi dậy nơi mọi người những mối tương quan chân thành và huynh đệ, mau mắn thông cảm, tha thứ và an ủi(x. 1Tm 3,1-5 ; Tt 1,7-9)" (số 43 tt).

 

Linh mục phải là người có"sự trưởng thành nhân bản, nhất là sự trưởng thành tình cảm, đòi phải có một sự đào tạo rõ ràng và vững mạnh để sống tự do, một sự tự do mang những sắc thái của lòng tuân phục đầy xác tín và thân tình đối với 'sự thật' về chính mình, về 'ý nghĩa' cuộc sống, tức là về sự thành thật dâng hiến con người mình, như là con đường và nội dung nền tảng của việc thể hiện chính mình cách đích thực". Do đó, "nếu không có việc đào tạo nhân bản thích hợp, toàn bộ việc đào tạo linh mục sẽ thiếu nền tảng cần thiết.... Được kêu gọi trở nên 'hình ảnh sống động' của Đức Giêsu Kitô, Thủ lãnh và mục tử của giáo hội, linh mục phải cố gắng phản ánh nơi chính mình, trong mức độ có thể, sự hoàn hảo về phương diện nhân bản, sự hoàn hảo này đã ngời sáng trong Con Thiên Chúa làm người và được bày tỏ đặc biệt qua thái độ của Người đối với người khác, như các tác giả Tin mừng trình bày"(Tông huấn các mục tử, số 43)

 

Nói chung, tương quan này xác định một mục tử có phải là con người khoa học văn minh thời nay hay thời xưa ; giao tế có dựa trên sự kính trọng phẩm giá và quyền căn bản của con người hay là sự phân biệt đẳng cấp xã hội và phẩm trật trong hội thánh. Đó cũng là nguyên nhân thất bại hay thành công trong mục vụ.

 

a. Là người giao tiếp với mọi thành phần

 

Linh mục được sai đến để phục vụ mọi người nên việc gặp gỡ mọi người là chuyện đương nhiên. Việc gặp gỡ này mang tính chất mục vụ nhưng lại đặt trên và bắt đầu từ việc giao tế nhân bản nên phải làm sao cho việc giao tiếp trở thành một cuộc tiếp xúc đầy thiện cảm, chân tình ngay từ đầu.

 

Nhận biết được sứ mệnh cao cả của mình là người được đặt lên để trở thành phát ngôn viên của Lời Chúa trong mọi môi trường, mọi tình huống với tha nhân, nên trong giao tiếp, linh mục phải đem lại bình an và động viên người ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân dù lời ấy được nói trong tương quan xã giao bình thường. Cũng không được phân biệt hạng người để rồi đối xử với người ta theo kiểu quá cách biệt. Thật vậy, Luther King nói : "chúng ta học bay như chim trên trời, học bơi như cá dưới nước, nhưng lại chưa học sống với nhau như anh em" có thể vì cứ bám chặt vào tên gọi, địa vị, chức vụ quá nhiều chăng.

 

Tuy nhiên, cũng phải học tập lẽ khôn ngoan đã được đúc kết ở đời để ứng dụng vào xã giao xử thế như các nhà tâm lý sáng tạo đã tổng hợp trong‘5 không’: không nghe một phía, không nghĩ một chiều, không nhìn một hướng, không làm một cách, không nói một kiểu.

 

Biết bao hạng người mình phải tiếp xúc, gặp gỡ đối thọai qua đó làm nên thành công hay thất bại trong công tác mục vụ. Cũng qua đó, lâu dần trở thành một thói quen tốt hoặc xấu rất khó thay đổi, đó là tính nết thường xuyên của người mục tử. Hãy có tâm tình như Đức Kitô khi gặp gỡ bất cứ ai đó (x.Pl 2,5-11). Văn hào John Powell viết : "Thiên Chúa sai mỗi người đến thế gian với một sứ điệp đặc biệt  để loan báo, với một bài ca đặc biệt để hát lên, với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng". Quả thật đây là sứ mệnh lớn lao, không dễ thực hành.

 

Hơn nữa, phải nhìn trong viễn tựơng con người ngày càng tự do, tôn giáo ngày càng mở rộng, sợ tương lai không còn đoàn chiên cho mục tử coi sóc hay chỉ còn những đoàn chiên, con chiên lạc lõng. Khi ấy liệu ta có đủ sức can đảm đi tìm chiên lạc và quy tụ chúng về một đoàn chiên duy nhất không?

 

  1. Là người hiếu khách

 

Thật quý hóa một linh mục hiếu khách vì nó làm thay đổi và dịu dàng trong nhiều tình huống phức tạp. Thực tế, chúng ta đã từng gặp những con người rất hiếu khách đã gây được thiện cảm và đem lại nhiều thành công bất ngờ.

 

"Linh mục được đặt giữa giáo dân là để dẫn đưa họ đến chỗ hợp nhất bác ái, ‘yêu nhau trong tình huynh đệ và tôn trọng lẫn nhau' (Rm 12,10). Các ngài phải hoà hợp các tâm địa khác nhau, để trong giáo đoàn Kitô hữu không một ai cảm thấy mình là người xa lạ"(Sắc Lệnh ĐTLM, số 8).

 

Đuợc đặt lên để lo phần rỗi cho anh chị em, nên “Tất cả những người Chúa Cha đã ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không lọai ra ngoài” (Ga 6,37) linh mục cũng đừng bao giờ đi ra ngòai con đường này của Thầy mình. Chính những con chiên lạc cần được chăm sóc và đón nhận một cách trân trọng hơn.

 

Phải chăng hiếu khách cũng là lòng kính trọng sự khác biệt của tha nhân và nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa nơi họ. Thể hiện được điều này, người ta sẽ nhận ra linh mục đúng là con người của mọi người, con người thuộc về Thiên Chúa: không thiên tư tây vị ai, luôn thấy điều hay điều tốt nơi người khác. Vì thế, thánh Phaolô nói : "anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch”(1Tm 4,12).

 

c. Là người cởi mở, vui tươi

 

"Phẩm hạnh vui tươi nơi một linh mục thì có sức quyến rũ người ta đến với Chúa hơn là một linh mục đạo mạo mà cách biệt giáo dân" (Lm. Nhân tài, Công dung ngôn hạnh của Lm. Chúa Kitô). Dung mạo bên ngoài bộc lộ tâm hồn, biểu hiện dung mạo Chúa Giêsu. Đúng như cha ông ta nói ‘trông mặt mà bắt hình dong’, ‘người hiền hiện ra mặt’.

 

"Thánh thiện đâu phải là nhăn nhó, cực khổ, đau thương. Thánh thiện là vui tươi liên lỉ vì được Chúa, 'được Đất Hứa trên trời làm gia nghiệp của mình vậy' (ĐHY Px. Nguyễn Văn Thuận, ĐHV 532). Một ông thánh buồn là ông thánh đáng buồn !

 

Tất cả những đức tính tốt đều phải có nơi người mục tử để có thể bắc nhịp cầu cho người ta đến với Chúa. 'Thân xác con người chỉ là phù vân, nhưng danh thơm tiếng tốt chẳng bao giờ phai nhạt" (Hc 41,11). Người mục tử sống giữa cộng đòan là đi gieo giống-gieo rắc cả hương thơm, tức là dấu vết của đời sống hay những lời nói hoặc cử chỉ, nó còn lưu lại nơi những mảnh đất ta đã đi qua. Ơ một số ngôi mộ các linh mục, người ta khắc vài dòng chữ ghi rõ tính nết nổi bật của các ngài. Rất may, chưa thấy ghi nết xấu !

 

Ngược lại với tính cởi mở, vui tươi cần tránh những điều như các thánh tông đồ đã khuyên:"người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ"(2 Tm 2,24) và“ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16) “nhưng bác ái thì xây dựng” (x.1 Cr 8,1).

 

Chợt nhớ câu nói của văn hào Francois Mauriac :“Một ngày của chúng ta không thắp lên ngọn lửa yêu thương, vì thế có biết bao người chết vì giá lạnh”.

 

d. Là người kiên nhẫn, kiềm chế

 

Ai cũng biết ‘bá nhân bá tánh’. Bình thường có thể chưa bộc lộ ra, nhưng khi làm việc mới biết ruột của nhau. “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hòan hảo, có khả năng kiềm chế tòan thân....Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hỏa ngục đốt cháy” (Gc 3, 2b.6b).

 

Có khi ‘khôn ba năm dại một giờ’ cũng chỉ vì thiếu kiên nhẫn, kiềm chế. Trong công tác mục vụ phải hết sức lưu ý điều này. Biết bao chương trình, tổ chức, cá nhân, tập thể bị đổ vỡ hoặc dang dở cũng chỉ vì người đứng đầu thiếu kiên nhẫn, kiềm chế. Trong tòa giải tội còn cần biết bao. Do đó, thánh Phaolô đã khuyên người môn đệ của mình"hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà" (1Tm 6,11).

 

Đôi khi nỗi đau khổ dằn vặt tâm hồn nào ai thấu hiểu cho người mục tử, vì "khi tụi tôi thổi sáo cho các anh, các anh không nhảy múa; khi tụi tôi hát bài đưa đám, các anh cũng chẳng khóc than" (Lc 7,32). Thái độ dửng dưng của con người đương thời làm ta khó chịu, thất vọng, chán nản, bỏ cuộc, nghi ngờ sứ mệnh của mình chăng? Có những mảnh đất như thế thôi. Đừng ngạc nhiên hoảng hốt mà phải bình tĩnh, kiên nhẫn, phó thác cho Chúa khi mình đã làm hết mọi nỗ lực.  Đâu phải lúc nào người ta cũng nghe mình dù chân lý vẫn là chân lý. Chưa nói tới lời ăn tiếng nói và cung cách cư xử của chúng ta hoàn toàn xa lạ với giáo lý của Chúa mà lại cứ đời họ phải nghe cách tuyệt đối thì thật là vô lý!

 

e. Là người quảng đại - quyền hành

 

Linh mục phải chứng minh cho sự hiện diện của Đức Kitô là Đấng đã đến "không phải để cho người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,46 ; x.Ga 13, 12-17) ; "tôi đến cho chúng được sống dồi dào" (Ga 10,10). Cũng như bắt chước Phaolô "trở nên tôi tớ mọi người hầu cứu chuộc được nhiều người hơn" (1Cr 9,19).

 

Như vậy, chúng ta đã rõ, quyền hành trong giáo hội là để phục vụ. "Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người" ((1Tm 1,12).

 

Chúng ta không chấp nhận một người đối xử với mình cách kẻ cả, hống hách, trịnh thượng, quan liêu thì chính mình cũng đừng bao giờ làm như thế cho một ai. "Vì thế, chúng tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực và kiên trì dấn thân, để vừa xoa dịu nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại, vừa làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong lòng xã hội chúng ta đang sống"(thư HĐGMVN, Sống đạo hôm nay, vai trò của linh mục và tu sĩ, số 8). Thật là đẹp đẽ hình ảnh người tông đồ Chúa Giêsu sống như Ngài là"mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta".

 

Gần thời đại chúng ta có những con người thánh thiện đã qua đi, nhưng gương sáng và lời dạy còn nóng hổi. Như Mẹ Têrêxa Calcutta: "việc yêu thương luôn đem lại bình an. Yêu thương là trái cây có quanh năm trong tầm tay hái của mọi người". Như  ĐHY Px. Nguyễn Văn Thuận nói: nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Đức Giêsu (bởi vì Người là tình yêu). Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Mẹ Maria. Và Mẹ Têrêxa Calcutta phát biểu: “Để yêu mến một người cần phải tiến tới gần người đó…Tôi không bao giờ săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc các con người cụ thể thôi” (Chúa mang cho con tình yêu, Roma 1979, tr.48). Yêu thương là cách loan báo Tin mừng tốt nhất vì đạo chúng ta là đạo yêu thương-bác ái.

 

Một cách năng động hơn là luôn ý thức rằng"khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gl 6,9-10) như thánh Augustinô đã tâm sự : vì anh em tôi là linh mục, với anh em tôi là kitô hữu. Đúng thế, “Thiên Chúa luôn luôn gọi các linh mục của Người từ các môi trường nhân loại cũng như từ các giáo hội nhất định; các linh mục không thể không mang đậm những dấu ấn của những môi trường đó để phục vụ Tin mừng của Đức Kitô" (Tông Huấn các mục tử, số 5).

 

Quảng đại còn bộc lộ bằng sự hiệp thông có dựa trên nền tảng tình yêu cứu chuộc của Đức Kitô, niềm khao khát mãnh liệt hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Nên hãy tránh tìm lợi lộc cá nhân, phe nhóm chủ nghĩa, mua tiếng khen danh vọng ; vô tình tạo ra hàng rào biên giới trong cộng đoàn hay giữa giáo xứ này với giáo xứ kia, tầng lớp này với tầng lớp khác. Thời đại cần chứng nhân hơn thầy dạy, không có nghĩa là coi thường thầy dạy nhưng đề cao giá trị của lời nói đi đôi với việc làm, nhất nữa là sống theo gương mẫu Đức Kitô sống chết vì đoàn chiên, đến để được phục vụ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

 

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế cả kẻ gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ ‘kẻ này gieo người kia gặt’ quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ” (Ga 4,36-38). Thật là yên ủi. “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại” đấy chứ !

 

2. Tương quan với bản thân

 

a. Nhân đức : khó nghèo

 

"Chúa Giêsu, Đấng vốn giầu có, đã vì chúng ta trở nên nghèo, để chúng ta được giàu có bởi sự nghèo khó của Người (2 Cr 8, 9). Mẫu gương tuyệt vời đó dạy ta"Nhớ rằng ân huệ  mình lãnh nhận là nhưng không, linh mục sẽ sẵn sàng ban cho nhưng không và sử dụng vào thiện ích của giáo hội và vào các việc bác ái tất cả những gì mình nhận được khi thi hành phận vụ sau khi bảo đảm cuộc sống và chu toàn mọi bổn phận của đấng bậc mình. Xét cho cùng mặc dù ngài không sống đức khó nghèo do lời khấn công khai, linh mục vẫn phải sống một cuộc sống giản dị và xa lánh hết những gì là phù phiếm, tự nguyện sống khó nghèo để theo sát Đức Kitô. Trong mọi lãnh vực (nhà ở, phương tiện đi lại, nghỉ ngơi....) linh mục phải loại trừ mọi kiểu cách và xa hoa(chỉ nam LM tr.73). "Sống bình dị trong cách ăn mặc là biểu hiện một tâm hồn đơn sơ rộng rãi và không cố chấp, đó là đức hạnh của linh mục. Sống bình dị trong cách ăn uống là biểu hiện một tâm hồn đạo đức hi sinh và vui tươi, đó là đức hạnh cuả linh mục"(Lm.Nhân tài, tr. 88). Phải xếp đặt nhà ở mình làm sao cho mọi người có thể lui tới, và không một ai, dù là kẻ nghèo hèn, phải sợ hãi không dám lui tới".(17).

 

Dĩ nhiên không ai phủ nhận giá trị và hấp lực của tiền của vật chất. Vì “Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý, là chân lý cuộc đời”.

 

Trong Tin mừng có rất nhiều chỗ nói về Chúa Giêsu liên quan đến tiền của. Dụ ngôn những nén bạc (Mt 25, 14-30; Lc 19,11-27) ; Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10) ; Dụ ngôn người quản gia bất lương (Lc 16,1-8) ; Dụ ngôn tên mắc nợ không biết xót thương (Mt 18,23-35). Ngài cũng nói đến mối nguy hiểm của nó: Chuyện người thanh niên có nhiều của cải (Mt 19,16-22) ; Người giầu có khó vào Nước Trời (Mt 19,23-26) ; Dụ ngôn ông nhà giầu và Lagiarô nghèo khó (Lc 16,19-31) ; Đức Giêsu đánh đuổi những người đang mua bán trong đền thờ (Mt 21,12-17) ; Xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (Ga 12, 4-6) ; Giuđa nộp Đức Giêsu (Mt 26,14-16) cũng vì tiền rồi Giuđa đi thắt cổ (Mt 27,3-10). Cho nên Ngài cũng khiển trách người Pharisêu ham tiền (Lc16,14-15) ; khi sai 12 tông đồ (Lc 9,1-6) và 72 môn đệ đi rao giảng (Lc 10,4) Ngài cũng dặn họ đừng mang tiền bạc. Nhưng trong hành trình truyền giáo của mình, Đức Giêsu cũng cần đến tiền của khi phải nộp thuế cho Xê-da (Mt 22,15-22; Lc 20,20-26); trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 5); vì thế, đã có những người phụ nữ lấy tiền của của mình để giúp đỡ cho Chúa và các môn đệ (Lc 8,1-3). Cuối cùng, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải nhìn thấy nơi tiền của có một giá trị tương đối : Hai đồng tiền nhỏ của bà góa (Lc 20,1-4) nên phải biết sử dụng nó một cách đúng ý nghiã và mục đích : Bán của cải đi mà bố thí (Lc 12,33-34) ; Khi đãi khách hãy mời những người nghèo khó (Lc 14,12-14) ; và Trung tín trong việc sử dụng tiền của (Lc16,9-12). Đó là một minh chứng thực tế về tiền của là con dao hai lưỡi.

 

Cao hơn nữa"con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" (Lc 9, 58). Vậy "là đầu giáo đoàn, các linh mục sẽ thực hiện hiện đời sống tu trì riêng biệt của các Chúa chiên : từ bỏ những tiện nghi cá nhân, không tìm kiếm lợi ích riêng tư của mình, mà công ích đông đảo quần chúng, để họ được cứu rỗi(1Cr 10,23) (số 13).

 

“Trên thực tế, nhiều người chọn sai đường. Không những không biết sợ, mà còn hãnh diện. Nếu cả đến người môn đệ Đức Kitô, mà lại sống đời hưởng thụ ở mức độ cao, ít cầu nguyện, nghèo bác ái, ngại dấn thân, không thường ngày tập luyện nhân đức, không nhận thấy sự có Chúa trong mình và thực thi ý Chúa mới là tài sản lớn nhất của mình, thì còn đâu là chứng nhân cho sự lựa chọn con đường Chúa muốn. Hơn nữa, con đường thênh thang lại được người môn đệ Chúa bình thường hoá, thì người đời sẽ dễ bị dụ dỗ theo gương sai lầm đó. Chính mình đi sai đường, lại khuyến khích người khác đi theo mình. Sự kiện này rất nguy hiểm” (Đức cha GB. Bùi Tuần, Hãy biết sợ, báo CGDT số 1483, trang 17).

 

b. Khiết tịnh

 

Đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời là một ân huệ lớn lao Thiên Chúa ban cho giáo hội Công giáo nói riêng. Nó có một giá trị đặc biệt mà chỉ những ai sống đời sống này mới cảm nghiệm được mà thôi. Nên nếu có đưa ra những lập luận, những lối giải thích xem ra cũng chẳng bao giờ thỏa đáng hết được. Phải đón nhận như một mầu nhiệm ơn gọi.

 

‘Thật vậy, sự độc thân là một ơn huệ mà giáo hội đã lãnh nhận và luôn chăm lo gìn giữ vì xác tín rằng đó là một thiện ích cho mình và thế giới" (Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 57). "Người ta sẽ còn mãi trong tình trạng ấu trĩ nếu sống độc thân như một ‘sắc thuế phải trả cho Chúa’ để được tiến tới chức thánh, chứ không phải như ‘một ân huệ Chúa ban vì lòng nhân từ’, và mình tự do chọn lựa và vui vẻ chấp nhận một ơn gọi đặc biệt để mến Chúa và yêu người" (số 59). "Đời độc thân của linh mục đem lại cho đức khiết tịnh một số nét đặc trưng, theo đó 'một khi khước từ đời sống hôn nhân vì Nước Trời (x. Mt 19,12), họ kết hợp với Chúa bằng một tình yêu không san sẻ, phù hợp hoàn toàn với giao ước mới, họ làm chứng cho sự sống lại đời sau (x. Lc 20,36) và tìm được một trợ lực thích hợp nhất để không ngừng thực thi đức ái hoàn hảo, nhờ đó họ có thể trở nên mọi sự cho mọi người trong tác vụ linh mục" (TH Các mục tử, số 50).

 

Nhận thức được như thế chưa đủ, vì đó mới là lý thuyết. Thực tế, đời sống độc thân thật phức tạp và đầy khó khăn sóng gió trong tương quan với người khác phái. Phải hiểu được sự trong sạch và đời độc thân linh mục là một khó khăn cần có ơn Chúa(đời sống cầu nguyện) và cần cố gắng liên lỉ (khổ chế và hi sinh) với ý thức rằng "chúng ta gìn giữ kho tàng ấy trong những chiếc bình bằng sành" dễ vỡ (2 Cr 4, 7). Sự trinh tiết trọn lành, ngày nay có nhiều người cho là không thể giữ được đó lại là một lý do để linh mục khiêm tốn và kiên nhẫn, hợp ý với giáo hội mà nài xin sự trung thành trong ơn đó, Chúa không từ chối kẻ cầu xin.

 

"Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người" (1 Cr 7, 32).

 

Tuy nhiên, không chỉ nêu ra về mặt nhận thức, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến những phương thế bảo tòan ơn cao trọng này, vì "nó vừa là biểu hiện vừa là động cơ cho bác ái mục vụ, lại là nguồn mạch phát sinh một đời sống thiêng liêng rất phong phú trên thế giới" (số 16). Chính lời khuyên của thánh Phaolô"Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hoà cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch" (2 Tm 2, 22) làm cho đời độc thân linh mục được bảo vệ cách ý thức bằng việc đặc biệt giữ cảnh giác cảm xúc và toàn bộ cách cư xử của mình(x. Mt 19,10-12).

 

c. Vâng phục

 

Như một liều thuốc chữa trị căn bệnh kiêu ngạo, tự đắc, tham quyền và thích hưởng thụ phải nhờ đến tinh thần vâng phục và sự hy sinh. Đây lại là những điều người mục tử phải kiên quyết sống triệt để như Chúa Giêsu và dạy giáo dân sống như thế. "Nhờ đức khiêm tốn và vâng phục, óc trách nhiệm và thong dong mà linh mục nên giống Chúa Kitô, cảm nghĩ như Chúa. Đấng "hạ mình làm nô lệ,....vâng phục cho đến chết" (Pl 2,7) và nhờ sự vâng phục đó ngài đã chiến thắng và đền bù sự bất phục của Adong, như thánh Phaolô minh chứng "vì sự bất phục của một người mà muôn người mắc tội, thì cũng vì sự vâng phục của một người, mà muôn người được thánh hoá" (Rm 5,19).

 

Kinh nghiệm đau thương của nguyên tổ chúng ta đã để lại hậu quả bi đát cũng chỉ tại không vâng phục Thiên Chúa nên đã sa ngã. Ngày nay cũng thế thôi. Sống đời độc thân linh mục là đi vào con đường vâng phục tuyệt đối như Chúa Giêsu ngang qua giáo hội và bề trên tối cao của mình. Chắc hẳn không phải là đi vào con đường mòn cổ xưa thiếu tính tóan và đầy mù quáng mà là một sự ý thức đầy đủ với trái tim an vui trong cung cách vâng phục. Nhờ thế, kết quả mục vụ của người mục tử mới có tính giáo hội và mang giá trị cứu rỗi vì nó đã được lồng vào trong lòng giáo hội theo chiều hướng của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha(x. Lc 22, 41-46).

 

Người mục tử cũng rất dễ rơi vào thói thích an nhàn khi thấy những thành quả công tác mục vụ, nhất là đã làm việc lâu mà quên khía cạnh hy sinh để thăng hoa mọi kết quả cho dẫu nó tầm thừơng cỡ nào đi nữa. Mẫu gương các thánh đã dạy chúng ta nhân đức giá trị này trong hành trình nên thánh, chẳng lẽ mình lại có kiểu nên thánh cách khác chăng ?

 

d. Nhiệt thành - học tập

 

Còn ai nhiệt thành bằng Chúa Giêsu với sứ mạng được giao. Người đã quên ăn, quên ngủ, quên tất cả đến nỗi người nhà phải đi tìm về vì cho rằng Người đã mất trí! Đúng là‘vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân’; nên Ngài sẵn sàng đi hết làng này sang làng khác; làm việc không có đồng hồ, bất chấp thời tiết, đối tượng hay mối tuơng quan, tất cả vì con người. "Chúa Giêsu không bảo thủ ý kiến hay cơ chế mà chỉ lo cho con người, cho từng cá nhân" (Jean Vanier). Vì ‘Ta còn nhiều đàn chiên khác, cũng phải đưa chúng về’.

 

Đến lượt mình "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa" (1Pr 4,10). Người mục tử có thể thất bại cả trong những điều chính đáng nhưng không bao giờ được thất vọng. Chúa Giêsu là người xem ra bề ngoài bị thất bại thảm hại nhất. Từ phía dân chúng cho đến các môn đệ,....lúc dưới chân thánh giá họ đi đâu cả.

 

Dù vậy, đừng quên ‘nhiệt thành cộng với ngu dốt là phá họai’. "Đời nay, nền văn hoá nhân loại cũng như các khoa thánh học tiến bộ rất nhanh, cho nên các linh mục cần phải phát triển khoa học đạo và đời của mình một cách thích nghi và liên tục, và như vậy, sẽ được chuẩn bị thuận tiện để đối thoại với người đồng thời"(19). "Đặc biệt việc chuyên chăm nghiên cứu thần học là điều tối cần để linh mục có thể trung thành chu toàn  tác vụ giảng Lời Chúa, loan báo Lời Chúa một cách đúng đắn và minh bạch, phân biệt Lời với những ý kiến thuần tuý nhân loại, dù đó là ý kiến rất thời danh và được phổ biến rộng rãi. Nhờ đó linh mục sẽ có thể thực sự phục vụ Dân Thiên Chúa bằng cách giúp họ biết trình bày về niềm hy vọng Kitô giáo của mình cho tất cả những ai yêu cầu họ”(x.1Pr 3,15) (TH Mục tử, 72). Tiếp tục học hỏi và học hỏi không ngừng sau khi đã kết thúc chương trình đào tạo ở chủng viện là trách nhiệm quan trọng của linh mục. Như tham gia các khóa bồi dưỡng, tu nghiệp, thường huấn, trau dồi qua sách vở,....để khỏi tụt hậu, bảo thủ, lỗi thời tránh những thành kiến, độc tài và cái nhìn thiển cận kiểu ‘ếch ngồi đáy giếng’.

 

“Chúng ta có thể bị trói chặt vào công việc đang làm đến nỗi quên mất lý do khiến chúng ta làm việc ấy. Chúng ta có thể quá bận rộn với cuộc sống đến nỗi quên mất mục đích của đời sống. Chúng ta có thể bị lôi kéo để theo đuổi những gì mà tiền bạc có thể mua được đến nỗi quên mất những gì mà tiền bạc không mua được” (Vui sống với nụ cười, trang 49). Sự nhiệt thành của linh mục có đủ đáp ứng nhu cầu tâm linh cho con người thời đại không nếu họ không biết tiếp 'nhiên liệu' cho nó thì làm sao có thể bốc cháy lửa?  Tất cả vẫn luôn là những đòi hỏi gay gắt, mang tính thời sự khi dám theo Đức Giêsu là Chúa, là Thầy, là người chỉ đạo của tất cả chúng ta. Vậy"hãy vâng nghe Lời Người" .

 

e.Viễn ảnh về căn tính Lm Á châu

 

Bài diễn văn của Cha Lawrence Pinto, trình bày tại Thái lan ngày 15/5/2006 mới đây đưa ra 10 yếu tố của cái viễn ảnh về căn tính linh mục tại Á châu thật quan trọng. Linh mục là:

- một con người trưởng thành tòan vẹn – nhân bản, tri thức, tu đức, mục vụ

- một con người có cảm nghiệm về Thiên Chúa

- một con người bị Nước Thiên Chúa lôi kéo

- một con người của những khuyến cáo Phúc Am

- một con người của người nghèo

- một con người của cộng đòan

- một con người của đối thọai và bình an

- một con người của truyền giáo, tại chức truyền giáo, được đức ái mục vụ hướng dẫn

- một đồng bạn, người anh, người cha, người mẹ, một người bạn đường hành trình về vương quốc trên trời.

- một người lãnh đạo – tôi tớ có lòng trắc ẩn.

(trích Lm. Trần Minh Huy, thách đố và định hướng trong việc đào tạo & tự đào tạo nhân bản của linh mục tương lai, 2006, tr. 63).

 

3. Tương quan với Chúa

 

a. Cầu nguyện

 

Mối nguy cơ sụp đổ toà nhà nhân đức mong manh khi phải đối diện với thế giới tục hoá, tràn ngập thông tin, hình ảnh, trào lưu tự do, giáo phái dễ dãi và những luận điệu hấp dẫn khác... linh mục phải đối phó làm sao đây?

 

Không thể phủ nhận sức mạnh và sự nhàm chán đôi khi của việc cầu nguyện, lãnh nhận hay cử hành bí tích và tiếp xúc với Lời Chúa vì chúng ta luôn ở trong tư thế là con người nên có thể nay thay mai đổi rất bất ngờ và khó lường trước. Cho nên Chúa Giêsu đã dạy:‘hãy cầu nguyện luôn đừng nản chí. Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ. Cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”(x. Mc 14, 38).

 

Sau ba lần thẩm vấn và trắc nghiệm Phêrô "Anh có mến Thầy hơn những anh em này không?" Phêrô đã trả lời chân thành: "Thầy biết con yêu mến Thầy" nên Chúa đã trao đoàn chiên, trao hội thánh, trao cộng đoàn giáo xứ tiên khởi cho Phêrô lãnh đạo, phục vụ(x. Ga 21, 15-17). Quả thật, trách nhiệm càng cao, địa vị càng lớn thì càng phải được thử thách  và thanh luyện về lòng mến nhiều hơn. Đôi khi đòi một sự trả giá rất đắt nữa. "Cho được trung thành làm tròn chức vụ của mình, linh mục phải quý trọng sự đàm đạo với Chúa Kitô hằng ngày khi viếng Mình Thánh một mình"(18).

 

Có khi mình phải ở trong cuộc chiến nội tâm diễn ra thật cam go mà không thể tâm sự cùng ai được, chỉ có thể tìm nơi thanh vắng mà thưa lên với Chúa Cha thôi. Biết bao lần Chúa Giêsu đã bị rơi vào tình trạng này, nhất là những giờ phút cuối cùng khi phải đối diện với thập giá thì Chúa Cha lại cứ im lặng từ đầu đến cuối.

 

b. Bí tích

 

Cuộc đời linh mục là những khỏanh khắc cầu nguyện và cử hành bí tích liên lỉ. Điều này phải đi vào máu xương làm nên sức sống mãnh liệt trong ta nếu không chỉ là họat động máy móc vô hồn, trỗng rỗng làm hao tổn sứ khỏe và thời gian. "Anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh" (2Pr 1,10). "Anh em đã nhận lãnh ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu"(2 Cr 6,1).

 

Việc lãnh nhận vàcử hành bí tích phải được chuẩn bị hết sức chu đáo bề trong bề ngòai. Đây là cuộc tiếp xúc với mầu nhiệm Chúa Kitô và không có gì bù đắp cho cân xứng. “Thực ra các bí tích ban ân sủng, nhưng việc cử hành các bí tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng đó một cách hữu hiệu, để phụng thờ Thiên Chúa đúng cách và để thực thi bác ái” (HCPV số 59, 1b). Linh mục phải ý thức được vai trò của bí tích trong đời sống đức tin một cách mạnh mẽ, sâu xa hơn hết. Công hiệu thiêng liêng của bí tích có giá trị thánh hóa và biến đổi mình cũng như cộng đòan, mời gọi người mục tử phải xác tín quyết liệt và cẩn thận tuyệt đối trong từng bí tích. Cũng cần nói thêm việc đặt giá trị và hình thức trao ban bí tích được đánh giá qua tiền của vật chất là cái không chấp nhận được, đã từng gây ra nhiều ngộ nhận và phức tạp trong việc mục vụ. Được nhận nhưng không thì phải ban phát nhưng không. Ban chứ không phải là bán !

 

Dung mạo và tư cách mục tử được thấy qua cung cách cử hành các bí tích và sống nó trong đời thừơng. Đừng ngại mau mắn khi có thể. Cũng đừng nhẹ dạ, hời hợt, qua loa chiếu lệ như việc của công chức.

 

Chúa Giêsu đã cử hành bí tích bằng cả cuộc sống và sống chết vì bí tích do Ngài sáng lập. Người mục tử phải họa lại cách trung thực vô điều kiện.

 

c. Lời Chúa

 

Bàn tới phạm vi Lời Chúa thật quá rộng lớn. Ơ đây, chỉ bàn những điều cơ bản thực tế trong mục vụ Lời Chúa.

 

Hằng ngày, linh mục tiếp xúc, lắng nghe, suy gẫm, công bố và giảng giải Lời Chúa cho dân chúng. Phải ý thức sứ mệnh quan trọng này làm nên bản chất giáo hội là truyền giáo, là thông truyền Chúa Kitô cho người khác. "Con hãy suy gẫm các điều đó, và hãy hiến trót thân mình cho ơn phước đó để mọi người nhìn nhận thấy sự tiến bộ của con. Con hãy giữ mình và chăm lo đến lời con giảng. Hãy bền chí ; có làm như vậy, con mới cứu được con và cứu được kẻ nghe con" (1Tm 4,15-16)."Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ,với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ" (2 Tm 4, 2). Noi gương "Phaolô rao giảng không công cho anh em Tin mừng của Thiên Chúa(2 Cr 11,7b) không phải Tin Mừng do loài người (x. Gl 1,11).

 

Bổn phận giảng dạy Lời Chúa của người mục tử  dẫn đến nhiều mối quan tâm khác (phạm vị bài này không cho phép nói rộng hơn) nhưng phải nắm vững điều cơ bản : "Giảng là truyền đạt đời sống đức tin, nên nội dung được truyền đạt phải được tiêu hoá, trở thành lương thực. Để được như vậy linh mục phải cầu nguyện trước khi dọn bài giảng, trước khi giảng, cầu nguyện xin ơn đức tin cho mình và cho những người nghe. Linh mục phải suy niệm trong lòng và quyết tâm thi hành. Phải xác tín "Lời Chúa tồn tại đến muôn thuở. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin mừng" (1Pr 1,25). "Khi giảng, nếu linh mục quyết tâm giảng cho chính mình, để cho mình được hoán cải và trở nên tốt hơn, thì lời nói của linh mục sẽ có sức tác động mạnh mẽ, vì nó phát xuất từ nơi thâm sâu nhất của con người linh mục. Linh mục đã lắng nghe được tiếng nói của Thánh Thần nơi mình, và Thánh Thần chắc chắn sẽ nói qua lời lẽ của linh mục. Muốn là mục tử tốt hãy là con chiên ngoan"(Canh tân việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ, ĐCha Paul. Bùi Văn Đọc). "Nhà tài trợ" lớn nhất (number one) của người đi loan báo Tin mừng là Chúa Thánh Thần. Người sẽ dẫn đưa chúng ta tới sự thật toàn vẹn. Chúa Thánh Thần dạy người mục tử phải "đặt mình vào hoàn cảnh người nghe, để cho việc loan báo của mình thích ứng với trình độ và mức trưởng thành của người nghe, và theo hình thức ngôn ngữ phù hợp" (Tông huấn GHAC).

 

“Nhờ phương tiện vận chuyển, nhờ việc thông truyền lời nói mà tư tưởng của Chúa, Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người đến được với các linh hồn. Có thể khẳng định rằng Chúa nhập thể trong chúng ta khi chúng ta chấp nhận cho Lời của Ngài đến sống trong chúng ta” (Giáo huấn của ĐTC Phaolô VI năm1968). Có người hỏi cha Huvelin: sao ngài không cho in các bài giảng của mình để có thể tới tay nhiều người ? Ngài nói: tôi viết vào các tâm hồn chứ không viết vào sách. Vì "Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích" (2 Tm 2, 9b).

 

4. Là người có lòng sùng kính Đức Mẹ, các Thánh

 

"Mọi linh mục đều biết rằng Đức Maria vì là Bà Mẹ nên cũng là nhà giáo dục tài hoa của chứcc tư tế mình, bởi vì chính Mẹ biết hình thành con tim linh mục, chở che khỏi hiểm nguy, mệt nhọc, thất vọng, và canh chừng với lòng ân cần từ mẫu để linh mục lớn lên về khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và loài người(x. Lc 2, 40). Nhưng chỉ những đứa con hiếu thảo mới biết bắt chước các nhân đức của mẹ mình. Do đó, linh mục phải chiêm ngắm Đức Maria, để trở nên một thừa tác viên khiêm tốn, vâng lời, khiết tịnh và để làm chứng cho đức ái qua sự hiến thân hoàn toàn cho Chúa và giáo hội" (Kim chỉ nam LM tr. 75).

 

Sự gắn bó với Mẹ Maria cách thân mật làm cho đời độc thân linh mục trở nên nhẹ nhàng và bớt khó khăn hơn nhiều trong công tác mục vụ. Chính Mẹ dạy chúng ta thái độ sống và làm việc như Chúa Giêsu. Hoặc nếu cần làm những gì Ngài bảo (x. Ga 2,1-11). Việc cầu nguyện với Mẹ không phải để bắt Chúa phải chiều theo ý mình nhưng để Mẹ giúp ta nhận ra ý Chúa trong mọi việc mục vụ. Vì không ai hiểu Chúa bằng Mẹ Maria.

 

“Lòng tôn sùng đích thực Đức Trinh Nữ Maria được đặc trưng qua thái độ sống đơn sơ và khiêm tốn theo gương của Ngài. Lòng sùng kính này được phát sinh từ việc chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Lòng sùng kính này hướng dẫn đời sống nội tâm và việc dâng hiến đời mình theo gương mẫu Đức Maria, trong lễ Mẹ dâng mình....cầu nguyện bằng chuỗi mân côi là tham dự vào đời sống  và sứ vụ của Chúa Cứu Thế và Mẹ Người, đấng đã trở nên mẹ của hàng linh mục cách đặc biệt” (Lm. Trần Minh Huy, đào tạo và tự đào tạo thiêng liêng của các linh mục tương lai trong bối cảnh VN ngày nay, tr. 233-234). Gương các vị thánh như Gioan Maria Vianey, M.Kolbe, các Đức Giáo Hòang,... có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt, có khi điên cuồng nữa dạy ta siêng năng nhìn lên các ngài để cầu khẩn, bắt chước.

 

Sau hết, vai trò của các thần thánh cũng rất trong việc thúc đẩy ta nên thánh mỗi ngày. Đừng quên vai trò của vị thánh bổn mạng, thiên thần bản mệnh. “Thiên sứ của Ta sẽ đi trước mặt con và dẫn con vào Thiên Đàng” (Xh 23,23); “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, đấng ngự trên trời” (Mt 18,10). “Ôi quý biết bao sự sum vầy giữa thiên thần và người thanh khiết” (Augustino).

 

Nhìn lên các ngài như người anh người chị đã đi trước và như người bạn đồng hành với mình trong đời tận hiến sẽ cảm thấy an vui và thanh thóat hơn nhiều.

 

Còn hơn thế nữa, mục tử được mời gọi vươn lên tới tầm mức Thiên Chúa. Hãy suy nghĩ và hành động cao thượng như "Đức Giêsu, Chúa chúng ta, là mục tử cao cả của đoàn chiên, vì đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu" (Dt 13,20-21).

 

Kết luận :

 

Đối diện với thời đại, người mục tử phải bén nhạy và tế nhị hơn để ứng dụng vào hòan cảnh mục vụ của mình. Hành trang đời mục tử không vững vàng ‘đủ món nghề’ thì cũng khó mà đối phó với những vấn đề phải cập nhật thường xuyên. Nhưng điều thành công không phải dựa trên phương pháp kỹ thuật và mánh lới ở đời. Trên hết hãy lồng bàn tay mình vào bàn tay Chúa Giêsu, đặt trái tim mình vào trong trái tim Ngài trong sự kết hợp mật thiết, sâu xa để cảm nghiệm như thánh Phaolô “tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Và cũng nói được như Chúa Giêsu : "Tôi chính là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành hy sinh mạnh sống cho đoàn chiên"(Ga 10,11).

 

Lm.Pet. Bùi Trọng Khẩn

www.trongkhan.net

Tác giả: Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!