.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - "Kho nấu" cuộc đời

Chương một - Đối thoại là một tiến trình sáng tạo

Chương hai - Nắm vững mục đích, tối hậu của Đối thoại

Chương ba - Ưu tiên số một cần đặt lên hàng đầu khi đối thoại : Biết mình, biết người

Chương bốn - Lắng nghe và gọi ra ánh sáng

Chương năm - Xây dựng một quan hệ Tình Người bình đẳng và đồng hành

Chương sáu - Đối thoại là tương tức và tương sinh

Lời nói cuối - Một danh hiệu khác của đối thoại là thứ tha

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đối Thoại Một quê hương Tình Người
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG HAI - NẮM VỮNG MỤC ĐÍCH, TỐI HẬU CỦA ĐỐI THOẠI

Chủ đề được cứu xét trong chương hai nầy là chí hướng làm người không hàng rào kẽm gai, không phòng tuyến tự vệ phải được cưu mang lựa chọn trong quan hệ giữa người với người, khi chúng ta dấn bước vào con đường Đối thoại.

Hẵn thực, bước thứ hai của con người có khả năng đối thoại là xác định mục đích tối hậu mà mình theo đuổi, thực hiện trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi thường ngày. Không nắm vững cùng đích, chúng ta chỉ nhắm mắt đưa chân, gặp đâu hay đó. Và khi một con thuyền trôi dạt bập bềnh, không nhắm hướng một bến bờ rõ rệt, không một ngọn gió hay một con nước nào là thuận lợi cho mình. Trái lại, khi mục đích đã được xác định, tất cả trời đất, trăng sao, cảnh vật đều trở thành điểm mốc, những dấu hiệu giúp chúng ta điều chỉnh hành trình. Lúc bấy giờ không một trở ngại nào có thể khống chế chúng ta, trên bước đường đi tới. Thậm chí đau khổ chồng chất, đối với người có chí hướng và hoài bão, cũng trở thành những chất liệu quí hoá có khả năng nắn đúc và tạc tượng cuộc đòi. Bài thơ "Đường chúng ta..." nói lên tâm tình và ý nguyện ấy :

 Em đừng ngại cạm bẩy trong cuộc đời :

Vàng thau lẫn lộn, giả dối khắp nơi,

Bộ mặt huy hoàng che lấp thối nát,

Chiêng trống rùm beng, ngôn từ to tát,

Hứa hẹn rêu rao, điệp khúc cưởng sáo.

Nhưng thực chất là láo khoét, giả tạo...

                    ***

Tuy nhiên Người, vốn đầu tư cao quí !

Một ngôi nhà do chính em trang bị;

Một mầm non chờ phân bón, mưa sương;

Cần ánh sáng, hơi ấm của tình thương,

Để đâm chồi, nở hoa và kết trái.

Không em, ai cho đời mùa gặt hái ?

                    ***

Công việc em là biến Không thành Có,

Hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ,

         Chuyển luân rác, nuôi sống những cánh đồng,

Giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông

Trong chết chóc vun trồng hạt mầm sống

Đường chúng ta " Thứ thaHy vọng".

 Để xác định đích điểm của đối thoại, chúng ta cần nêu lên một cách rành mạch những câu hỏi như sau :

Tôi muốn điều gì khi đối thoại ?

Đối thoại để làm gì ?

Điều quan trọng nhất trong đối thoại  là gì ?

Tại sao phải đối thoại ?

 Trong thực tế, khi bàn đến mục đích cuối cùng, tâm lý ngày nay đề cập cùng một lúc những vấn đề có liên quan mật thiết với nhau như mục tiêu, kế hoạch dài hạn, kế hoạch ngắn hạn, lịch trình, đánh giá những bước đi cụ thể, những thực hiện hằng ngày. Nói cách khác , một đàng chúng ta hãy ý thức rõ rệt về giá trị mà chúng ta muốn theo đuổi, thâu đạt. Đàng khác, những giá trị ấy được thể hiện với những tác phong cụ thể nào trong cuộc sống hằng ngày ? Giá trị ấy nằm trong một viễn tượng rộng lớn, trên một con đường xa xăm. Nhưng ở đây và bây giờ những giá trị ấy được diễn tả với những tương đương cụ thể nào ?  Dựa vào những tiêu chuẩn khách quan nào như thấy gì, nghe gì, cảm gì, tôi đánh giá những giá trị của đối thoại ?

 Khi tiếp xúc và trao đổi, trong bất kỳ hoàn cảnh hoặc môi trường nào, tôi thực sự tìm kiếm cái gì ?

Hoà hợp yêu thương hay là tranh chấp xung đột ?

Sống an hoà, an lạc hay là chiến tranh ?

Trong mỗi trao đổi, tiếp xúc qua lại, tôi muốn hơn, có lý, kiểm soát hay là quí trọng sự khác biệt ắt có của kẻ khác; đón nhận lập trường, ý kiến của họ ?

Trong mỗi gặp gỡ, tôi học hỏi, đón nhận hay là phê phán, chỉ trích, loại trừ...?

Tôi đến với người khác để cho hay là để nhận? Tôi đòi hỏi hay là trao ban không điều kiện, không chờ đợi ?

Tôi chia sẻ hay áp đặt lối nhìn độc tài, độc lộ của tôi ?

 Trong ngôn ngữ thời trang ngày nay để giúp chúng ta có ý thức rõ ràng về đường đi nẽo về của mình, tâm lý sử dụng lối nói "bản đồ tâm lý", nghĩa là những gì được cưu mang trong nội tâm nhưng có khả năng đều hướng chúng ta trong mọi quan hệ tiếp xúc trao đổi hằng ngày.

Theo chiều hướng nầy, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát :

1- Bản đồ tâm lý bao gồm những đặc điểm nào ?

2- Để đối thoại chúng ta sử dụng loại bản đồ nào ?

Và khi gặp những trở ngại, chúng ta có thể qui định vị trí của chúng nó ở đâu.

1- Bản đồ tâm lý

1.1- Định nghĩa bản đồ

Để đi du lịch và tìm hiểu một xứ sở, chúng ta có thể xử dụng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó chúng ta không thể phủ nhận vai trò trọng yếu của bản đồ.

Bản đồ không phải là xứ sở.

Bản đồ trình bày, giới thiệu một xứ sở.

Căn cứ vào bản đồ, chúng ta có thể khám phá và hiểu biết một số đặc điểm về xứ sở ấy: đường đi, núi sông, phương hướng, những miền tiếp cận...

1.2- Đặc điểm của bản đồ

Không một loại bản đồ nào, thậm chí những loại bản đồ chuyên môn được dùng trong địa hạt quân sự và quốc phòng, có thể dung nạp tất cả mọi yếu tố và chi tiết có mặt thực sự trên xứ sở.

Cho dù đầy đủ đến đâu, một bản đồ không thể phản ảnh trọn vẹn và toàn diện. Quan sát và

phân tích mọi bản đồ, chúng ta luôn luôn bắt gặp ba hiện tượng :

1.21- Khuynh hướng tổng quát hoá :  Như chúng ta vừa mới thông qua, không một bản đồ nào cung ứng cho chúng ta thực tế của xứ sở, với đầy đủ tin tức cụ thể. Trái lại, bản đồ chỉ có những nét đại cương, cho ta một cái nhìn, một hình ảnh, một quan niệm tổng quát, đại loại. Do đó, bao lâu chúng ta chưa tiếp xúc trực tiếp với thực tế của xứ sở ấy, chúng ta chỉ có một hình ảnh trừu tượng, mơ hồ.

1.2.2- Khuynh hướng thanh lọc :  Tác giả vẽ ra bản đồ đã làm công việc chọn lọc một số tin tức cần thiết, cơ bản và loại thải những tin tức còn lại, tùy vào chủ đích chủ hướng của bản đồ.

Trên một bản đồ khí hậu, yếu tố tỷ lệ dân cư có thể không có mặt.

Trên một bản đồ sông ngòi, phương tiện và các trục lộ giao thông có thể không được trình bày, mặc dù đó là những tin tức  tối quan trrọng, nếu chủ đích của chúng ta là tìm đường đi từ miền nầy qua miền khác.

         1.2.3- Khuynh hướng xuyên tạc :  Một yếu tố cụ thể trên xứ sở có thể được giải thích khác nhau, tuỳ lập trường tư tưởng, chính trị...Nói cách chung tuỳ tin tưởng, tình cảm của tác giả đã họa nên bản đồ. Ví dụ hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều được ghi lại trên bản đồ vùng Đông Nam Á. Bản đồ được lưu dụng tại Trung Quốc và bản đồ được tham khảo tại trung tâm nghiên cứu địa lý của một Đại học Việt Nam có thể trình bày hai tin tức hoàn toàn mâu thuẫn. Xuyên tạc có nghĩa là bóp méo theo quan điểm của một người.

Một nhận xét khác tối quan trọng về bản đồ là tính chất "thích thời và thích hợp" của nó. Tôi không thể sử dụng bản đồ Đông Dương thời Pháp thuộc để nghiên cứu tình hình chính trị, cách thức tổ chức và phân chia các tỉnh, miền của nước Việt Nam sau 1975.

Do đó, trước khi tìm hiểu một tin tức địa lý của một xứ sở trong tình thế hiện thời, chúng ta phải sử dụng một bản đồ hiện thời bao gồm những tin tức đã được "cập nhật hoá" nghĩa là được kiểm chứng về tính hiện tại và đương thời của những tin tức ấy :

- Một số tin tức đã không còn thích hợp, vì xứ sở đã thay đổi theo ngày tháng. Những con đường đã đổi tên. Thủ đô nước Việt Nam không còn là Huế. Từ 1975 thành phố Sài-gòn đã mang danh hiệu khác.

- Trái lại một số tin tức khác luôn luôn có giá trị : Sông Hương vẫn chảy ngang qua Thành phố Huế. Cầu Trường Tiền nối kết hữu ngạn và tả ngạn của dòng sông nầy.

1.3- Nhìn bản đồ với tinh thần bất nhị

Chúng ta sẽ nghĩ tưởng làm sao khi có người hôm nay vẫn cứ khư khư : Thủ đô nước Việt Nam là thành phố Huế ? Phản ứng thông thường, thường tình nhất của đại đa số, trong đó có nhiều thành phần, thậm chí những người bao dung nhất giữa chúng ta, là lời phê phán nhị nguyên, nghĩa là đánh giá tiêu cực con người ấy theo tiêu chuẩn phân biệt giai cấp hay là phân biệt luân lý đạo đức :

- người ấy vô học,

- người ấy hoài cổ,

- người ấy loạn trí,

- người ấy cổ hủ,

- người ấy lỗi thời.

Lời phê phán ít nghiêm nhặt nhất có lẽ theo thiển ý của tôi là câu nói cuối cùng. Tuy dù vậy, câu nói ấy vẫn nhấn mạnh một khía cạnh tiêu cực

Tâm lý ngày nay đề nghị một lối nhìn khác biệt mang tên là bất nhị.

Nếu chúng ta định nghiã một cách tiêu cực :  Bất nhị là không phê phán theo tiêu chuẩn Xấu - Tốt  trong quan điểm đạo đức luân lý. Thông thường trong ngôn ngữ của chúng ta, tiêu chuẩn Đúng - Sai cũng mang ý nghĩa luân lý. Đúng là tốt. Sai là xấu.

         Nếu chúng ta định nghĩa "Bất nhị" một cách tích cực, chúng ta chú trọng mô tả hơn là phê phán. Nghĩa là xem lời nói của người phát biểu như một loại bản đồ, khác bản đồ của ta.

Tôi có một bản đồ xuất bản năm 1993. Bản đồ của người kia xuất bản trước 1945.

Bao lâu chúng ta chưa làm công việc xác định thời gian và nguồn gốc xuất xứ của bản đồ do người đối diện trình bày, chúng ta không thể trao đổi, tiếp xúc, truyền đạt và chia sẻ với người ấy. Trái lại chỉ có xung đột.

Tìm lại nguồn gốc xuất xứ và thời gian xuất hiện của một bản đồ : công việc ấy được mang tên là "Môi trường hoá", nghĩa là đặt lại tin tức trong những điều kiện cụ thể và nguyên khởi của nó.

1.3.1- Môi trường hoá một tin tức là cố gắng trả lời chi li những câu hỏi sau đây: ai, cái gi, ở đâu, thế nào, khi nào, bao lâu...

1.3.2- Thêm vào đó, một yêu cầu thứ hai để chúng ta có thể môi trường hoá một tin tức là mô tả, nghĩa là trình bày những gì mắt thấy, tai nghe, tay chân có thể va chạm và xúc cảm; sử dụng những từ ngữ liên hệ đến các giác quan, nhất là thị, thính và xúc; xúc giác ngoại quan cũng như nội quan.

1.3.3- Yêu cầu thứ ba là ngôn ngữ chính xác; hay là chánh ngữ theo lối nói của Phật học.   Nghĩa là có sao nói vậy, không thêm vào cũng không bớt đi.

- Không vơ đũa cả nắm nghĩa là không tổng quát hoá,

- Không lọc lựa nghĩa là không giữ lại những gì có lợi cho ta và nhấn mạnh những điều có hại cho người,

- Không bóp méo sự thật nghĩa là không khoác vào cho sự kiện những ý nghĩa hoàn toàn chủ quan của ta.

Chánh ngữ là đặt mình vào vị trí của người : cố gắng lắng nghe với hai tai của kẻ khác; tạm thời mượn hai con mắt của người đối diện, khám phá cái mà tâm lý gọi là "khung qui chiếu" của người mà chúng ta đang tiếp xúc.

Mặc dù với bao nhiêu cố gắng như vậy, tin tức được ta phát đi và truyền đạt cho kẻ khác vẫn còn giữ lại bao nhiêu là quặng sản chủ quan. Chánh ngữ là lúc bấy giở sử dụng những sứ điệp ở ngôi thứ nhất để can đảm chấp nhận và thú nhận tính chủ quan trong các lời phát biểu của mình. Những lối nói như "tôi thiết nghĩ, tôi cảm thấy, ý kiến của tôi là..." cần được chúng ta trọng dụng để thay thế những sứ điệp ngôi hai đầy tính chất phê phán, trịch thượng, kết án, khả dĩ gây hận thù chia rẽ, xung đột giữa ta và người anh em.

1.4- Bản đồ của người và bản đồ của ta

Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với người khác, cơ hồ người khách du lịch, chúng ta đang đi thăm viếng một xứ sở xa lạ, mang sẵn trên mình một chiếc bản đồ. Chúng ta xem đó là một phương tiện cần thiết, để có thể định hướng trên khắp mọi nẻo đường.

Trong lãnh vực giao tế giữa người với người, mặc dù chúng ta không thấy, chiếc bản đồ mà chúng ta mang theo ở ngay trong tâm tưởng của chúng ta. Thay vì đối chiếu thường xuyên bản đồ tâm linh của ta với thực tế xứ sở là con người trước mắt chúng ta, để kiểm chứng thực hư thế nào... Chúng ta có khuynh hướng vi phạm nhiều lầm lỗi.

Lầm lẫn thứ nhất là đồng hoá bản đồ với xứ sở. Chúng ta quên rằng: bản đồ chỉ trình bày một vài đường nét của xứ sở. Cái mà chúng ta biết về một người, dựa vào chiếc bản đồ tâm linh của ta, chưa hẳn là toàn thể thực tế khách quan của người ấy. Cũng như mọi bản đồ, bản đồ tâm linh của chúng ta có khuynh hướng tổng quát hoá, thanh lọc và xuyên tạc các sự kiện.

         Lầm lẫn thứ hai là chúng ta đang sử dụng một bản đồ cũ kỹ, với nhiều tin tức đã thay đổi theo ngày tháng, không còn thích hợp với thực tại và thực tế của xứ sở. Chúng ta quên rằng, để tìm hiểu người, xích lại gần người, chúng ta phải "nhật nhật tân, hựu nhật tân". Mỗi ngày kiểm

chứng lại những tin tức đã thu lượm được hôm qua, mỗi ngày nhìn lại người với con mắt đơn sơ của một em bé chưa mang những chiếc kính cận thị hoặc viễn thị.

Lầm lẫn thứ ba mang lại nhiều hậu quả rất tệ hại. Nhưng đây là một lầm lẫn rất thường tình trong lãnh vực giao tiếp và thông đạt với kẻ khác. Lầm lẫn nầy là lẫn lộn bản đồ của người nầy với bản đồ của kẻ khác. Chỉ một lần, trong tuổi thời thơ ấu, một người đã ức hiếp tôi. Từ đó, mọi người trong xã hội đều mang bộ mặt đe dọa. Tôi mất hết lòng tự tin, mỗi lần tôi phải đương đầu với một kẻ khác, trong bất cứ một trường hợp hay hoàn cảnh nào. Thậm chí tôi có thể khẳng quyết rằng : người khác - bất kể là ai - đều là muông sói. Chính J. P. Sartre đã viết: Tha nhân là địa ngục.

Trong hoàn cảnh đất nước chúng ta, có rất nhiều bản đồ đã được ấn hành thuộc loại nhãn hiệu nầy :

- người Phật giáo thế nầy

- người Công giáo thế kia

- người Bắc...

- người Nam...

- người Trung...

Chừng nào chúng ta dứt điểm với những loại bản đồ như vậy, chúng ta sẽ có cơ may như mấy đồ đệ trên đường về thành Ê-mau, mở mắt nhìn nhận và nhận ra khuôn mặt của "người anh em" trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Lúc bấy giờ "mỗi người là một niềm vui", như lòng của chúng ta thường mơ ước ! 

1.5- Bốn bản đồ cùng một lúc

Vấn đề trở nên phức tạp và phiền toái hơn, khi hai người gặp nhau; không những chỉ có một bản đồ về phía ta cung cấp tin tức liên hệ đến xứ sở của người. Về phía người cũng có một bản đồ đưa ra những lời chỉ dẫn về ta.

Cộng vào đó, tôi cũng như người kia, mỗi người cũng có thêm một bản đò về chính mình.

Hai loại bản đồ ấy từ hai phía lắm lúc không trùng hợp nhau, mâu thuẫn với nhau ! Thay vì ngồi lại với nhau, nói cho nhau biết một cách chính thức những mâu thuẫn ấy, một cách thanh thản và bình tâm. Để mỗi người có tự do, khả năng và quyền lợi điều chỉnh những tin tức không thích ứng của mình.

Thay vì làm như vậy, chúng ta đã giữ kín, ôm ấp những quả trứng nghi kỵ về người trong đáy sâu của lòng mình. Được ôm ấp lâu ngày, những quả trứng ấy đã biến thân thành những trái bom nguyên tử nổ tung, huỷ hoại bao nhiêu mầm non và nhựa sống của lòng yêu thương và hạnh phúc trong mỗi người.

1.6- Bản đồ và ngôn ngữ

Tiến trình kiến tạo một bản đồ tâm linh bao gồm nhiều giai đoạn, chúng ta có thể phác họa môt cách sơ lược như sau :

Giai đoạn 1 : Tôi tiếp xúc một người khác, tôi thấy người ấy di động. Tôi nghe người ấy phát biểu. Giữa người và tôi có thể có những va chạm, cọ xát thể lý. Tôi cũng có thể có những xúc động dễ chịu hay khó chịu đối với người ấy.

Giai đoạn 2 : Kinh nghiệm tiếp xúc ấy, với biết bao nhiêu tin tức dưới hình thức âm thanh, ảnh tượng, cảm xúc, cảm tình, làm điểm xuất phát. Từ điểm xuất phát ấy, tôi kiến tạo trong nội tâm của tôi một bản đồ về người mà tôi tiếp xúc. Tuy nhiên thực tại không đơn thuần như vậy. Lúc họa lại chiếc bản đồ, tôi đã có nhiều vật liệu chất sẵn từ bao nhiêu đời, trong tâm tư của tôi : những kinh nghiệm tiếp xúc suốt thời tuổi thơ ấu, nền giáo dục, học vấn, tín ngưỡng, những thành bại trong quan hệ giữa cha mẹ tôi và tôi... Chính vì vậy chiếc bản đồ không thể chỉ phản ảnh một cách khách quan những điều mắt thấy tai nghe. Nó còn phản ảnh toàn bộ tâm tư vui, buồn, sợ hãi của tôi chính lúc ấy. Thêm vào đó, những điều kiện sinh lý và thể lý như đau đầu, đói bụng, áp huyết cao có thể mang đến những sắc thái khác để biến đổi tâm trạng của tôi.

Nói như thế để chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng: bản đồ mà người khác tạo dựng về tôi, không thể nào phản ảnh một cách trung thực, toàn diện và hoàn toàn khách quan thực tại của tôi hay là xứ sở tâm linh của tôi. Bản đồ ấy còn phản ảnh những tâm trạng chủ quan của chính người ấy.

Về phía tôi cũng vậy, mỗi lần tôi có một bản đồ về người khác, bản đồ ấy mang nhiều tin tức hoặc dữ kiện hoàn toàn chủ quan, tùy vào tâm trạng của tôi lúc ấy. Chính vì vậy cái mà chúng ta tin chắc như đinh đóng là do người khác làm nên, lắm lần chỉ là tin tưởng hoàn toàn chủ quan của tôi.

Giai đoạn 3 : Chiếc bản đồ, một phen đã được cấu tạo trong những đường nét trọng yếu, trở lại ảnh hưởng nội tâm của tôi nhất là trong lãnh vực cảm thức bao gồm nhiều xúc động và nhiều tình cảm khó chịu, hay dễ chịu, làm tôi hạnh phúc sung sướng hay tạo nên nhiều khổ đau mất mát trong cuộc đời của tôi.

Giai đọan 4 : Chiếc bản đồ cùng bao nhiêu màu sắc tình cảm tô đậm, được diễn tả và biểu lộ ra ngoài bằng ngôn ngữ của tôi. Ngôn ngữ ấy gồm có hai loại khác nhau :

Loại thứ nhấtngôn ngữ câm nín, không phát ra bằng tiếng nói, nhưng bằng điệu bộ, cử động, sắc mặt, nhịp tim... tất cả những gì chúng ta có thể quan sát. Danh từ tâm lý chuyên môn gọi tất cả những cách diễn tả ấy bằng từ ngữ: tác phong hay là phong thái.

Phương pháp "Phân tích cơ cấu" 7 sử dụng một từ khác là ngôn ngữ tương tự. Ngôn ngữ ấy có tính chất đa năng, đa diện, có thể diễn tả một ý hướng nầy , nhưng đồng thời cũng có thể diễn tả một ý hướng khác hoàn toàn đối nghịch.

"Trao một tặng phẩm cho người vợ" có thể diễn tả một tình yêu đậm đà. Nhưng cũng có những cơ hội trong đó, người chồng mượn một món quà để che lấp hành động phản bội của mình.

Loại thứ haingôn ngữ phát ra bằng tiếng nói, hay là những dấu hiệu, biểu hiện đã được ước định và quy định một cách chính xác. Những qui tắc ấn định các thể lệ sử dụng được gọi là Ngữ pháp hay là Văn phạm. Trên mặt lý thuyết, đây là ngôn ngữ chính xác. Mỗi sự vật có một danh xưng rõ rệt, không thể lẫn lộn với một danh xưng khác . Tôi không thể chỉ vào "cái chén" và sử dụng từ ngữ "cái ly" . Tuy nhiên, con người là con vật có thể "nói dối". Đó là vấn đề chính yếu trong địa hạt thông đạt, mang tên là trung thực : Điều tôi nói ra, diễn tả có trùng hợp với điều tôi suy nghĩ, tin tưởng ?  Những con người "hai mặt" hoặc "hai lưỡi" nói một đàng làm một nẻo. Đó là loặi ngôn ngữ lưỡng năng, chất chứa hai ý hướng hoàn toàn đối nghịch nhau.

Chính vì những loại ngôn ngữ tương tự, lưỡng năng và không trung thực, ngôn ngữ của tôi không diễn tả đầy đủ tất cả mọi khía cạnh của bản đồ tâm linh mà chính tôi là cha đẻ, tác giả.

Nói tóm lại, thực tại ở ngoài đi vào nội tâm bằng năm cánh cửa của giác quan thị, thính, cảm, vị và khứu. Thực tại ấy đã bị bóp méo lần thứ nhất khi tôi kiến tạo bản đồ nội tâm. Bây giờ bản đồ ấy lại bị bóp méo lần thứ hai khi tôi ngoại hiện, diễn tả nó ra ngoài. Nó sẽ bị bóp méo lần thứ ba khi người đối diện tiếp thu nó trong tâm tư của mình. Lần sau cùng nó bị bóp méo là khi người đối diện trình bày loại bản đồ đã được tiếp thu, bằng ngôn ngữ của mình.

Những phân tích cặn kẽ ấy muốn chứng minh một điều : Bản đồ không phải là xứ sở. Khi tam sao, thì thế nào cũng thất bản.

Chấp nhận sự thật chua chát ấy là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể tiếp xúc và truyền đạt với kẻ khác một cách hữu hiệu.

Thứ nhất, chấp nhận vô điều kiện người đối diện khác biệt với tôi. Họ có quyền khác biệt và tôi có bổn phận tôn trọng sự khác biệt ấy, quyền lợi ấy.

Thứ hai, bản đồ không phải là xứ sở, cho nên tôi phải mãi hoài xét lại, vẽ lại chiếc bản đồ ấy, để

mỗi ngày xích lại một bước gần người anh em. Mỗi ngày kiểm chứng những sự kiện khách quan. Và mỗi ngày loại bỏ những quặng sản chủ quan.

Sau cùng, để hiệp thông và trao đổi với người đối diện, chúng ta phải tích cực đón nhận. Chấp nhận vô điều kiện người ấy là người anh em có cùng chung với tôi chất Trời, chất Đất và chất Người. Tóm tắt một điều, mỗi ngày thay đổi lối nhìn, cách nhìn của chúng ta.

  7 JOSIEN M - Techniques de Communication interpersonnelle - Ed. Org. Paris 1991.

 2- Bản đồ tâm lý của con người mang kỳ vọng đối thoại

Những gì được phát biểu có liên hệ đến bản đồ tâm lý cũng có thể được áp dụng cho những cách nói tương tự như lối nhìn, khung qui chiếu, kiến giải, vũ trụ quan, cách nhìn đời, lề lối nhận thức. Như trên đây chúng ta đã nhấn mạnh, lối nhìn không phải là thực tại...bản đồ không phải là xứ sở hiện thực, khách quan. Cho nên bao nhiêu kiến giải, lối nhìn chỉ là những chọn lựa, cưu mang. Một đàng những khẳng định ấy phản ảnh một phần nào thực tại khách quan hay là xứ sở.

Đàng khác, lắm khi đó là những giả định, những thành kiến, những "tin tưởng chắc nịch như đinh đóng" đã lỗi thời, lạc hậu không còn được cập nhật hoá, kiểm chứng. Tuy nhiên nó vẫn tác yêu, tác quái trong từng hơi thở và nhịp tim của chúng ta. Gai gốc và lúa mùa đang tranh giành đám đất tâm tưởng. Chính vì vậy không sáng suốt gọi ra ánh sáng để chọn lọc một cách can đảm, chúng ta phá hoại hơn là xây dựng. Chúng ta xuyên tạc thực tại, thay vì xích lại gần. Vậy kiến giải hay là bản đồ tâm lý của con người dấn thân vào con đường đối thoại bao gồm những yếu điểm nào ? Nói cách khác, con người cưu mang trong mình hoài bão đối thoại, có những lựa chọn cơ bản nào trong cuộc sống làm người. Hơn ai hết, hai tác giả G. G. JampolskyD. V. Cirincione 8 đã giúp chúng ta định hướng cuộc đời với những chọn lựa sau đây . Đó cũng là những chìa khoá khả dĩ mở ra một thời đại của "Văn minh Tình thương" theo lời kêu gọi của Giáo chủ Gioan Phaolô II :

         Chọn lựa 1 : Kẻ khác, bất kể là ai ở môi trường nào, đều là người anh chị em đồng hành, đang cùng chia sẽ con đường tình thương với tôi. Thậm chí đằng sau những tác phong hận thù, chia rẽ, bạo động, bốc lột, chiến tranh, họ đang là

những người anh chị em đầy lo sợ và thiếu tình thương. Hành động tiêu cực của họ là một lời kêu cứu. Hơn bao giờ, họ cần tình thương của tôi. Tôi có trách nhiệm làm một người đầu tiên mang đến cho họ "kinh nghiệm được yêu thương và coi trọng" một cách vô điều kiện. Chính tôi hãy đốt lên một que diêm, thay vì ngồi chờ một rừng lửa !

Chọn lựa 2 : Trong mối quan hệ tiếp xúc và trao đổi, dưới bất kể hình thức nào, động lực duy nhất thúc đẩy và điều hướng đời tôi, chính là tâm hồn an lạc. Những hiện tượng có mặt ở ngoài chỉ là bèo bọt sóng nước không thể thay đổi thực chất của nội tâm. Nói cách khác, an lạc bên trong và thái hoà bên ngoài là cùng đích của đời tôi, được tôi cưu mang, nuôi nấng, trân trọng bao lâu tôi còn sống, còn thở...

Chọn lựa 3 : Tôi không phải là nạn nhân của một ai khác, của một biến cố hay hiện tượng ở ngoài. Tác giả của đời tôi là tôi. Tôi làm chủ. Tôi là nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng có khả năng cưu mang những gì xảy ra cho tôi, trong đời tôi. Tôi khổ cũng tại tôi. Tôi vui sướng cũng do tôi. Trên đường đi của cuộc đời, tôi chọn lựa nhìn ngắm những bông hoa tô điểm cho tâm hồn. Cũng chính tôi chọn lựa nhìn ngắm bùn lầy, để ta thán, trách móc, chưởi rủa.

          Chọn lựa 4 : Để duy trì an lạc bên trong và thái hoà bên ngoài, tác phong của tôi là thứ tha.

Một đàng thứ tha là thấy được  liên hệ tương tức : Trong tôi có người, trong người có tôi. Chúng ta liên đới chặt chẽ, trên con đường làm người. Thứ tha là khả năng thấy được chức năng tích cực ở dưới mỗi hành động tiêu cực của kẻ khác. Sau cùng, thứ tha dựa vào một ý thức sáng suốt : điều tôi thấy chỉ là một lối nhìn phiến diện. Thực tại toàn diện không thuộc tầm nắm bắt của tôi. Tôi chỉ vươn tới đó mỗi ngày.

Chọn lựa 5 : Khi đòi hỏi, chờ đợi, đặt điều kiện còn được gọi là nuôi dưỡng ý đồ kiểm soát hoặc thay đổi kẻ khác một cách đơn phương, tôi tự trói buộc mình vào những quan hệ xung đột, tranh chấp, nhị nguyên. Hệ quả là an lạc nội tâm bị tan vỡ thành mãnh vụn.

Chọn lựa 6 : Khi có một vấn đề xảy ra trong quan hệ giữa tôi và người, chỉ thấy người khác là nguyên nhân tạo nên vấn đề : cái thấy nầy chỉ làm cho vấn đề thêm gia trọng. Cách giải quyết duy nhất khả dĩ mang lại câu giải đáp về lâu về dài là Tình thươngĐối thoại. Ngồi lại cùng học với nhau, để bổ túc lối nhìn cho nhau.

         Chọn lựa 7 : Tình thương là cho "không đợi chờ, không đòi hỏi, không đặt điều kiện". Tình thương như vậy cũng mang danh hiệu là "Vô úy". Tôi không lo sợ gì cả thậm chí đưa tay cho người ta trói, đưa cổ cho người ta chém, đưa thân xác cho người ta bỏ vào tù. Khi có một lối nhìn vô úy như vậy, tôi khẳng định rằng tôi không phải chỉ là vật chất, thể xác. Tôi còn là Tâm-Linh. Tôi bất diệt. Tôi vĩnh cửu ! Sự có mặt của tôi trong cuộc đời không phải là một ngẫu nhiên. Nhưng đó là một nhắn gửi, kêu mời... Đó là một sứ mệnh.

                                                         ***

Trong thực tế, khi hai người đối diện nhau, những bản đồ  tâm lý không xuất hiện một cách rõ ràng, minh bạch, trong sáng như vậy. Ở dưới những điểm được chúng ta gọi ra ánh sáng ý thức, còn bao nhiêu con ma con quái đang ẩn núp sâu xa trong những hang động vô thức từ bao nhiêu đời, từ những chuỗi ngày thơ ấu. Những bóng hình mập mờ vô thức ấy đang đục khoét tâm hồn an lạc chúng ta, có thể mang nhiều danh hiệu khác nhau như thành kiến, định kiến, những tin tưởng, những kiến lập nghĩa là những kiến giải đã đóng lớp rêu phong, đã ăn dầm ở dề từ bao nhiêu đời... Làm sao khai quật lên, gọi ra vùng ánh sáng ?

Những kỹ năng nhận diện và đối diện ấy sẽ được đề cập trong những chương tiếp theo. Không nắm vững những kỷ thuật nầy, chúng ta khó tìm ra lối thoát, khi bị bao vây trong những vòng mê cung của vô thức, của quá khứ, của khổ đau và mặc cảm trong cuộc đời.

8 JAMPOLSKY  G. G - Change Your Mind - Bantam, U.S.A 1993, tr. 375.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!