.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - "Kho nấu" cuộc đời

Chương một - Đối thoại là một tiến trình sáng tạo

Chương hai - Nắm vững mục đích, tối hậu của Đối thoại

Chương ba - Ưu tiên số một cần đặt lên hàng đầu khi đối thoại : Biết mình, biết người

Chương bốn - Lắng nghe và gọi ra ánh sáng

Chương năm - Xây dựng một quan hệ Tình Người bình đẳng và đồng hành

Chương sáu - Đối thoại là tương tức và tương sinh

Lời nói cuối - Một danh hiệu khác của đối thoại là thứ tha

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đối Thoại Một quê hương Tình Người
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
LỜI MỞ ĐƯỜNG - "KHO NẤU" CUỘC ĐỜI

Nếu ngày mai tiếng tôi hoà tan vào thinh lặng,

Lời của Người luôn luôn còn đó như trăng sao,

Như côn trùng nỉ non, như gió thổi rì rào...

Nhắc cho Em: Sau cơn mưa, Em làm Ánh nắng !

Biến bóng đêm thành ánh sáng, biến ghét thành thương hay là biến đối thoại thành cùng đích của mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi là nội dung của tập sách nầy. Phải chăng đó cũng là một thách đố làm người trong thế giới ngày  hôm nay?  Không đối diện, đương đầu, hoá giải hoặc "vượt qua"  được cái thách đố lớn lao của thời đại nầy, con người không thể và không còn "làm người" với nhau, cho nhau và nhờ nhau. Hệ quả phát xuất từ tình trạng thất bại ấy là ngõ cụt chết chóc, điêu tàn, suy vong và huỷ diệt. Và lúc bấy giờ, lời tiên tri của văn hào và triết gia J. P. Sartre sẽ trở nên hiện thực : Con người sẽ biến thân thành hoả ngục cho con người, thậm chí chính lúc họ hô hào rùm beng ở đầu môi chót lưỡi : "Bác ái, từ bi, hỷ xã, tình đồng bào, đồng chí...". 

Vậy, để ngay từ bây giờ hoá giải được tình trạng ngõ cụt ấy trong thế giới loài người, chúng ta        có thể chọn lựa, quyết định, sáng tạo như thế nào "con đường đi của chúng ta" ?

Câu chuyện sau đây sẽ châm ngòi hoặc khai hoả cho những cố gắng tìm kiếm của chúng ta:

 Câu chuyện "kho nấu" cuộc đời..

 Hôm ấy một chàng nông phu ở miền Sơn cước muốn xuống vùng Đồng bằng để làm ăn sinh       sống. Trên đường đi, chàng đã ghé thăm, chào từ biệt một vị thiền sư :

- Bạch sư ông, con có ý định xuống vùng dưới làm ăn. Sư ông đã đi khắp đó đây... làm ơn cho con biết : người dưới ấy thế nào ? Dễ hay khó? 

Sư ông hỏi lại :

- Trên vùng anh sinh ra và lớn lên cho tới ngày hôm nay, người khác đối đãi với Anh thế nào?

- Bạch sư ông, người ta xấu lắm !

- Thế thì, sư ông đáp lại, tôi sợ rằng khi anh xuống làm ăn dưới ấy, anh cũng phải gặp lại những người xấu như vậy.

Vài tuần sau, một người thanh niên khác đến tham vấn thiền sư :

- Thưa sư ông, trên đường đi xuống vùng đồng bằng tìm kế sinh nhai, trước khi ra đi con xin phép thỉnh ý sư ông : Người đồng bằng thế nào ? Họ dễ thương không ?

Sư ông hỏi lại :

- Cho đến bây giờ, Anh thấy những người sống chung quanh Anh, trong hàng xóm, bà con thân thích... họ thế nào ? Dễ thương hay dễ ghét ?

Chàng thanh niên đáp lại :

- Dạ thưa sư ông, ai cũng tốt lành với con, từ ông già bà lão, đến các em bé đang vui chơi chạy nhảy...

- Vậy thì theo tôi nghĩ - Thiền sư trả lời - xuống dưới ấy lập nghiệp, Anh cũng sẽ gặp lại

những người dễ thương... hoàn toàn giống như ở đây !

 

***

Cuối ngày hôm ấy, một thiền sinh nhỏ nhất, trong số đồ đệ của sư ông, mon men lại gần, ấp úng :

- Bạch sư ông, con đã có mặt, khi hai người khách đến chuyện trò. Họ hỏi về tính tình của người sống ở miền đồng bằng. Có khi sư ông trả lời : họ rất dễ thương. Khi khác, sư ông lại nói : họ rất dễ ghét. Vậy xin sư ông dạy thêm cho con hiểu được hai câu trả lời mâu thuẫn ấy, đều phát xuất từ một tấm lòng ưu ái !

Sư ông mĩm cười, âu yếm và nhỏ nhẹ :

- Ở đây con chứng nghiệm về cuộc đời thế nào, thì ở chỗ khác con cũng sẽ "kho nấu" lại y nguyên như vậy !

- Thế thì, thưa sư ông, con phải "kho nấu" cuộc đời của con thế nào ở nơi đây ?

- Biến ghét thành thương. Ngày ngày chọn lựa cho mình của ăn đầy chất lượng và sinh tố Tình thương. Khi con đã học được khả năng "kho nấu" như vậy rồi, thì cho dù con ở đâu, làm việc gì... cái ghét và cái thương của miệng đời không thể nào gây chấn động cho tâm hồn con. Khi người đời thương con, con không tự hào, ngạo mạn. Khi người đời ghét con, con không trầm

cảm, lo âu. Thứ tha và an lạc là bản chất đích thực của đời con !

 

 

Khi người đời thương con,

con không tự hào, ngạo mạn...

Khi người đời ghét con,

con không trầm cảm,

lo âu, hoặc chửi bới...

Thứ tha và An lạc là

bản chất đích thực của đời con

 

 Nhằm giúp mọi người thu đạt những khả năng "kho nấu cuộc đời" như vậy, cuốn sách nầy sẽ lần lượt trình bày và giới thiệu những chủ đề chính yếu sau đây :

Chương một :

Đối thoại là một tiến trình sáng tạo liên lĩ, không bao giờ có thể dứt điểm. Nó bắt đầu từ cung lòng chiều sâu của nội tâm và dần dần lan toả ra ngoài trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi.

          Chương hai :

Đối thoại xuất phát từ một bản đồ tâm lý làm bằng chất liệu Tình thương vô điều kiện, đời sống

an lạc và khả năng tha thứ. Cũng theo lời chỉ dẫn của tấm bản đồ nầy, hận thù, kỳ thị, xung đột, chia rẽ, chiến tranh... chỉ là hiện tượng bên ngoài của một tâm hồn đang khao khát tình thương và chưa một lần có kinh nghiệm được người khác yêu thương và coi trọng. Cho nên, điều chúng ta có thể làm trong hoàn cảnh gây cấn nầy  là hiến tặng cho họ một quả tim thứ tha "vô điều kiện".

Chương ba :             

Đối thoại không xẩn vẫn, vòng vo trong những quan điểm hoặc kiến giải lý thuyết và trừu tượng. Trái lại, đối thoại là một khoa học kỹ thuật "Đặt ưu tiên một lên hàng đầu". Đó là một cách biết đi, biết làm bao gồm những kỷ năng then chốt như bắt mạch, phát hiện và nhận diện nhân vật đang muốn tiếp xúc với chúng ta. Sau đó, chúng ta trả lời với chính nhân vật đã phát biểu, cho dù họ đã xuất hiện dưới bộ mặt Cha Mẹ hay là Trẻ Em. Trong gian đoạn thứ ba, chúng ta hãy dùng kỷ năng chuyển biến họ thành nhân vật Truởng Thành có khả năng đồng hành và chia sẻ.

Chương bốn :

Đối thoại không phải là dạ dạ, vâng vâng, hay là vuốt đuôi, nịnh thần, làm con kỳ nhông uốn mình theo màu sắc của người đối diện. Bằng kỹ thuật đặt câu hỏi, chúng ta gọi ra ánh sáng những

bóng hình mập mờ, những con rắn đang ẩn núp trong những địa đạo thuộc vùng vô thức. Trong tinh thần và lăng kính ấy, chỉ có khả năng đối thoại những ai khao khát chân lý, sẵn sàng ngồi lại với người khác. Lắng nghe họ. Đón nhận họ là bạn đồng hành. Chấp nhận họ là ánh sáng soi dọi vào vùng tối tăm và u uẩn của chúng ta. Cùng với họ, học ăn, học nói, học làm người.

Nhờ đó,

"Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

 Chương năm :

Trong quan hệ Đối thoại, không có kẻ thắng người thua, nhưng mọi người ai ai cũng thắng! Nhờ đối thoại,  hai bờ hữu ngạn và tả ngạn tuy dù khác biệt nhau vẫn có khả năng làm nên một dòng sông chảy ra Biển cả. Thay vì phá hoại và chống đối nhau. Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, đối thoại không thể đồng hoá với đàm thoại. Bởi vì khi đối thoại, chúng ta không dành phần thắng về mình và ép buộc kẻ khác phải chấp nhận phần thua. Chúng ta không khư khư tự phong mình là người có lý và tìm cách hạ bệ kẻ khác vì họ là "đồ phi lý". Đàm thoại lắm lúc chỉ là một hình thức độc thoại trá hình của "Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng". Đối thoại, trái lại, đòi hỏi hai người đang ngồi đối diện, tìm cách "cùng nhau nhìn về một hướng".

Và hướng ấy là chân trời chân lý không bao giờ thuộc tầm tay  nắm bắt của một ai. Phải chăng khi tách ra thành những cá nhân riêng rẽ, đứng một mình, chúng ta mỗi người chỉ là một thằng lùn, cận thị ? Họp nhau lại, chúng ta trở nên Bồ tát Quan thế âm : có trăm con mắt để nhìn đời một cách xuyên thấu và trong suốt. Có trăm cánh tay để cứu giúp đời. Có trăm đôi chân để lập tức đến gần, khi có người kêu cứu, từ những vực thẳm trần gian.

 Chương sáu :

Khi đối thoại chúng ta không tự tôn làm người hùng có khả năng cứu vãn, vớt vát, giải quyết những vấn đề của kẻ khác, cho kẻ khác, thay thế kẻ khác. Trong một quan hệ đối thoại thực sự và nghiêm túc, không một ai là người bị áp bức, ức chế, bị xỏ mũi kéo đi. Đồng thời chúng ta không biến thân làm nạn nhân cho một ý đồ ngoại lai, tuy dù cao thượng hoặc siêu phàm, vị tha hoặc tích cực. Chúng ta làm chủ tình hình làm người của chúng ta. Và gây cho người đối diện cũng ý thức về chức vị và trách nhiệm làm người của họ.

Khi đối thoại,

 

1- Chúng ta không làm người hùng giải quyết vấn đề thay cho kẻ khác,

2- Chúng ta không ức chế, xỏ mũi kẻ khác  kéo đi theo mình,

3- Chúng ta không làm nạn nhân phục vụ tham vọng và tinh thần thiếu trách nhiệm của kẻ khác.

Trong quan hệ đối thoại hai chiều qua lại, chỉ có những chủ thể ý thức về phẩm giá làm người, và giúp kẻ khác cũng làm người giống như mình.

 

Nói cách khác, mỗi người chúng ta phát xuất từ bầu trứng của mẹ Âu Cơ. Và do đó, mọi người, bất phân nguồn gốc, chính kiến, địa phương, tôn giáo... đều là anh chị em. Tôi là người. Em là người.

 Lời kết thúc :

Nhờ đối thoại, chúng ta ngày ngày "chuyển luân rác để nuôi sống những mầm non". Nói cách khác, đối thoại  là câu giải đáp duy nhất cho mọi vấn đề đang xuất phát trong lòng cuộc sống làm người. Đồng thời câu trả lời ấy sẽ không bao giờ có thể dứt điểm, "chấm hết", bao lâu con người có mặt đang chung sống với nhau trên quả đất nầy.

Theo lối nói của Kinh Thánh trong Kitô giáo, con người phải ngày ngày mài nhọn, đánh sáng khả năng đói thoại của mình, bao lâu họ chưa làm "con người mới" có khả năng chuyển hoá Trời Đất nầy thành "Trời mới, Đất mới". Trong đó ai ai cũng có quyền sống hạnh phúc, an lạc bởi vì quả tim họ tràn đầy khả năng thương yêu và tha thứ. Tha thứ là một danh hiệu khác của đối thoại .

Nhờ khả năng đối thoại, chúng ta chuyển biến cuộc đời bể dâu thành "Trời mới, Đất mới". Trong đó mọi người sống an lạc và hạnh phúc vì ai ai cũng thương yêu và tha thứ cho nhau.

 

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!