.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời mở đường - "Kho nấu" cuộc đời

Chương một - Đối thoại là một tiến trình sáng tạo

Chương hai - Nắm vững mục đích, tối hậu của Đối thoại

Chương ba - Ưu tiên số một cần đặt lên hàng đầu khi đối thoại : Biết mình, biết người

Chương bốn - Lắng nghe và gọi ra ánh sáng

Chương năm - Xây dựng một quan hệ Tình Người bình đẳng và đồng hành

Chương sáu - Đối thoại là tương tức và tương sinh

Lời nói cuối - Một danh hiệu khác của đối thoại là thứ tha

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đối Thoại Một quê hương Tình Người
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
LỜI NÓI CUỐI - MỘT DANH HIỆU KHÁC CỦA ĐỐI THOẠI LÀ THỨ THA

         Ở đâu có con người chung sống, ở đó tự khắc có vấn đề.

Ở đâu có tiếp xúc trao đổi, vấn đề đụng chạm nhau là lẽ thường tình.

Và khi hai người đụng chạm nhau, chúng ta có xu thế giải quyết bằng bạo động, xung đột, chiến tranh, nghĩa là hủy diệt, tàn sát thành viên đã gây ra vấn đề cho chúng ta. Cách giải quyết vấn đề nầy, như trước đây tôi đã nhấn mạnh, chỉ làm cho vấn đề thêm gia trọng, và đẻ ra một chuỗi dài thòng lọng với bao nhiêu vấn đề nan giải khác. Hẵn thực, đưa tay chỉ phe bên kia và kết án họ là nguyên nhân sinh ra vấn đề... theo P. Senge, thể thức thấy vấn đề và xác định vấn đề như vậy tự nó là một vấn đề nan giải. 

 

Đưa tay chỉ phe bên kia và kết án họ là nguyên nhân độc nhất sinh ra vấn đề : Cái thấy ấy là một vấn đề hoàn toàn nan giải.

 

Nói cách khác, trong cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và xác định nguồn gốc của vấn đề với một lối nhìn nghị nguyên, chúng ta càng trầm luân và ngụp lặn trong vấn đề. Hẳn thực lối nhìn nầy đòi buộc chúng ta phải loại thải, khai trừ, kết án và triệt tiêu những gì tạo nên phía bên kia. Nhưng rồi phía bên kia cũng trở lại kết án và triệt tiêu chúng ta. Trong lối nhìn của họ, chúng ta là phía làm nên vấn đề.

***

 Cách giải quyết vấn đề với lối nhìn nhị nguyên "Tao tốt - mầy xấu" đã có mặt từ thời nguyên thủy của con người. Cho đến hôm nay, trước ngưỡng của của một thời đại mới, con người vẫn tiếp tục loại thải, khai trừ nhau.

Đi đó đây, nhìn thấy rác lan tràn nhầy nhụa, nhất là trong các đô thị lớn như Paris, Luân đôn, Rôma, thành phố Hồ Chí Minh... tôi mới mở mắt ý thức được phải giải quyết thế nào những vấn đề có mặt giữa con người với con người.

Ý thức nầy bao gồm một số điểm then chốt sau đây.

Thứ nhất : Rác có mặt khắp muôn nơi. Ở đâu có hình bóng con người, ở đó rác xuất hiện. Thế giới ngày nay phải đương đầu đối mặt với bao

nhiêu thứ rác khác nhau, từ những phế liệu nội trợ đến những vật tư từ các lò nguyên tử loại thải ra mỗi ngày...

Thứ hai : Trước đây cách giải quyết rác là thiết lập những vùng đổ rác hay là xây cất những địa điểm chôn cất còn được gọi là "nghĩa địa" dành cho những loại rác nguyên tử. Với cách giải quyết nầy, thế giới văn minh sẽ tràn ngập, bị ô nhiễm. Nếu không có cách giải quyết khác, thế giới của con người, bắt đầu bằng những thành thị, sẽ là một đống rác khổng lồ, to tướng. Bầu khí quyển không còn trong lành. Những đường nước ở dưới đất cũng như những con sông bị ô nhiễm sẽ mang bệnh hoạn cho mọi nơi và mọi người.

Thứ ba : Chuyển luân rác đang là cách giải quyết được các nước văn minh áp dụng, cổ võ và ngày ngày nghiên cứu một cách khoa học. Nhiều nhà máy biến rác thành phân bón cho cỏ cây. Những nhà máy khác biến phế liệu công nghiệp thành thành vật tư xây cất... và cứ như vậy các đội ngũ khoa học đang tìm cách chuyển hoá một cách nhanh chóng những phế liệu do các lò nguyên tử sản xuất hằng ngày.

Thứ bốn : Trong tinh thần và ý hướng hành động, như vừa được trình bày, rác không còn là rác bị con người phế thải và trở lại gây tai họa cho con người. Rác phải trở nên một chất liệu phục vụ con người, xây dựng thế giới.

 Rác trở nên một chất liệu phục vụ con người, xây dựng thế giới 

 Trong những quan hệ giữa người với người, bao nhiêu vấn đề đều phát xuất từ những khác biệt đương nhiên và ắt có giữa người nầy với người khác. Không có hai người hoàn toàn giống nhau như hai hạt nước, thậm chí đó là hai chị em sinh đôi.

Trong lịch sử của thế giới, một vài chính thể xưa và nay đã muốn đồng phục, đồng dạng con người. Đó là một cách giải quyết những vấn đề nhân sinh. Nhưng cách giải quyết nầy làm cho con người suy vong, tàn lụi, tha hoá hơn là "trở nên chính mình".

Để chuyển luân "rác" trong quan hệ giữa người với người, chỉ còn lại một con đường đối thoại và thứ tha.

Khi thứ tha, chúng ta đón nhận vô điều kiện người anh em trước mặt mình. Họ sinh ra như vậy. Họ sống khác chúng ta. Họ làm khác chúng ta. Họ suy nghĩ khác chúng ta. Chúng ta đón nhận họ như vậy, "as he or she is", như tiếng Anh thường nói. Đó là "chân như của họ".

Tuy dù khác và nhờ khác, họ bổ túc và kiện toàn những gì đang thiếu sót trong chúng ta.

Thứ tha là khả năng chuyển luân người trước mặt, bất kể họ là ai, thành người anh chị em.

Thứ tha ấy không phải là khả năng bẩm sinh. Không phải là một đắc thủ, cho dù được tôi luyện qua nhiều gian nan công khó và nghiệp quả.

Thứ tha là một đức sáng rất mong manh. Mỗi lần tôi lo sợ, khả năng nầy có thể bị chính tôi dập tắt hay là chối từ. Hẵn thực, chỉ có khả năng thứ tha những ai không sợ. Nhất là họ không sợ chết. 

 Chỉ có khả năng thứ tha, những ai không sợ. Nhất là họ không sợ chết. 

 Trái lại, khi còn sợ, chúng ta còn tự vệ, còn co rút mình lại trong một vỏ ốc do chúng ta bài tiết ra. Và chúng ta gọi đó là nhu cầu an toàn. Khi ai đụng đến nhu cầu nầy nơi chúng ta, chúng ta lo sợ bị họ xâm phạm. Căn cước hay là bản chất làm người của chúng ta sẽ bị tan rã và tiêu vong. Cuộc sống làm người do đó bao gồm nhiều nỗi lo sợ : lo sợ về miếng cơm manh áo. Lo sợ bị ức hiếp, cướp bóc, lạm dụng. Lo sợ về ngày mai. Lo sợ mất nhà, mất cửa, mất vợ, mất con. Lo sợ bị vào tù. Và nỗi lo sợ làm mẹ đẻ cho tất cả mọi nỗi lo sợ khác là con người sợ chết.

 Trong tinh thần và lăng kính ấy, chỉ biết thứ tha, những ai ý thức về bản chất hay là căn cước bất diệt của con người. Cái chết không phải là tận cùng nhưng là cánh cửa mở ra một cuộc sống mới cao cả và diệu vợi hơn. Thứ tha là một chứng từ, chứng liệu về mầm mống bất diệt đang có mặt trong cõi lòng của mỗi người !

 Sứ mệnh, ơn gọi hay là thách đố làm người phải chăng là ngày ngày cố quyết làm bồ tát Thường Bất Kinh ?

Đi đâu, ở đâu, làm gì, chúng ta cũng rỉ tai bằng con đường đối thoại thứ tha, ngày ngày đốt sáng ý thức trong lòng mỗi người :

 "Em bất dìệt !

Em sẽ không bao giờ chết !"

 Nói cách khác, với những hình tượng đầy thi vị, con người đối thoại là những ai :

"Giữa bão tố, hồn Đại Dương vẫn lặng,

"Ngày sương mù, lòng Trời cao cứ nắng."

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!