Kính thưa Quí Độc giả CGVN,
Ngày 15.07.2007 chúng tôi có gởi đến Quí Độc giả một vài tin tức trong nước. Chỉ sau ít giờ, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Thật là quí hóa thay!
Khen hay chê là chuyện bình thường. Điều bất ngờ là ở chỗ người khen cũng đúng, mà người chê cũng phải, khiến cho BBT càng cảm thấy lúng túng. Dù sao, trong thâm tâm, chúng tôi xin cảm tạ mọi người đã góp ý kiến. Góp ý kiến, đó là cách tốt nhất để Quí vị giúp chúng tôi điều chỉnh những thiếu sót. Khả năng chúng tôi rất giới hạn, nhưng chắc chắn chúng tôi có thiện chí sửa sai, vừa học vừa làm, biết ơn và quí trọng hết mọi người.
Nội dung Bản tin vừa nêu chẳng có gì đáng kể, chỉ mong sao góp được một vài điểm sáng cho một bức tranh có quá nhiều điểm tối đã và đang được trải rộng từ nhiều góc nhìn khác nhau. Nếu không đạt được như lòng mong ước, thì ít ra cũng hy vọng có thể góp phần đem lại chút thư giãn nào chăng!?
Ngôn ngữ có những giới hạn của nó!
Từ trước tới nay, mỗi khi dạy giáo lý hôn nhân, có một Lm. không bao giờ quên dạy một vài chi tiết nằm ngoài "giáo án"; chẳng hạn như : Người cha thường phàn nàn về đứa con trai yêu quí của mình sao mà "chịu nghe vợ nó quá", để rồi chẳng biết bênh cha mẹ ruột một chút nào cả, thay vì khuyên khích vợ chồng nó biết nghe nhau mới phải.
BBT vừa bị phàn nàn là vì đã "bênh vực, biện hộ" cho... cha mẹ của mình! Thật ra ai dám cho rằng mình có thể bênh vực cho cha mẹ mình là HĐGMVN, hay GHVN, ngoại trừ chính Thiên Chúa.
Một vài sự kiện xem ra khó tin, nên một số người đã hoài nghi, trong đó nguyên nhân đơn giản chỉ vì chúng tôi không nói dối, nhưng cũng không thuận tiện để trình bày chi tiết.
Trong Bản tin, chúng tôi không hề có ý “thiên tư”, mà chỉ thuần túy cung cấp tin tức, vì có thể một số độc giả chưa biết. Chắc chắn đã có nhiều thiếu sót! Chỉ không làm gì thì mới không thiếu sót mà thôi… Nhưng nếu “không làm gì” thì đối với chúng tôi lại là một trọng tội! Nhưng quan trọng hơn, chính là chúng tôi muốn tránh những hiểu lầm, nên Bản Tin đã được “đem xuống” để chờ hiệu đính!
Tuy bị giới hạn, ngôn ngữ vẫn là nhịp cầu thông cảm
Chúa thương ban cho con người rất nhiều phương tiện để chu toàn ơn gọi "yêu thương", nhưng có lẽ ngôn ngữ (chữ viết + tiếng nói) là phương tiện dễ sử dụng nhất? Trong hoàn cảnh chúng ta thì chỉ có thể dùng chữ viết trên vi tính mà thôi.
Phong phú thì dễ công nhận, nhưng giới hạn thì lại là một thách đố cho mọi người, không trừ một ai! Chính vì vậy, “Xin Chúa nói thay cho chúng con những gì còn thiếu sót.”
Nếu phải cam kết, theo thông lệ trên thế giới, thì chỉ cần cam kết đúng sự thật: "Chúng tôi cam đoan những điều đã trình bày trên đây là đúng sự thật, theo sự hiểu biết và những thông tin chúng tôi nhận được, vào thời điểm đã trình bày".
Ngược lại, nếu theo khuôn mẫu trong nước thì rất đáng sợ - nhưng vẫn phải thực hành, vì luôn được in sẵn trong các loại giấy tờ: "Tôi cam đoan những lời khai trên là đúng sự thật, nếu có gì sai sót tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm truớc pháp luật".
Để có thêm thông cảm, chúng tôi xin góp một vài suy nghĩ:
Có một cha già rất thích giảng lễ cưới với ý tưởng sau đây: "Nếu vợ thích ăn canh rau đay, chồng lại thích ăn canh rau muống, thì vợ nên nhường chồng mà nấu canh rau muống". Các bạn trẻ phản ứng : sao không dạy chồng nhượng bộ mà lại chỉ thấy dạy vợ nên nhượng bộ là thế nào? Rồi một bạn trẻ khác còn "cao cơ" hơn, anh đặt vấn đề một cách rất khoa học và thực tiễn: Rau nào cũng rẻ như bèo, vậy thì nấu cả hai loại canh mà ăn với nhau có phải là hạnh phúc tròn đầy không? Cần gì phải hy với sinh cho mệt?
Có một giáo sư đại học, chuyên ngành Ngữ văn Báo chí, một hôm ông lên lớp chẳng giảng giải gì cả (có thể vì mệt chăng?), ông viết lên bảng đen hai câu nhìn thoáng qua giống hệt nhau:
Quân ta đã đánh thắng quân địch.
Quân ta đã đánh bại quân địch.
Sau đó, ông nêu câu hỏi cho các sinh viên:"Theo các anh chị, câu nào đúng?"
Giờ học hôm ấy bỗng trở nên hết sức sôi động, với nhiều lời phát biểu đến nỗi giờ đã hết mà ý kiến vẫn còn. Vị Giáo sư tóc đã hoa râm, chỉ tủm tỉm cười và nói rất nhẹ nhàng: "Xin lỗi các bạn nhé, đã hết giờ rồi, hẹn gặp lại sau!" Ông bước ra khỏi lớp học mà không kết luận gì cả!
Có một vài chuyện xảy ra ngay trong nội bộ BBT. Một bài viết dùng câu : "trên búa dưới đe", nghe có vẻ hơi lạ tai, vì người ta thường nói "trên đe dưới búa". Đúng thật, nếu câu trên được áp dụng thì nạn nhân sẽ chết tức khắc, nhưng nếu là câu dưới thì cũng chẳng cứu được, vì cả đe lẫn búa đều bằng sắt.
Và mới nhất, một bạn trẻ gởi thư cho BBT để nói : "Mưu sự tại Thiên, thành sự tại nhân" xem ra đôi lúc cũng đúng? Chuyện nhỏ mọn thế mà chúng tôi vẫn lúng túng!
Thông thường, đáp số đúng chỉ có một, nhưng đáp số sai thì nhiều vô kể. Tuy nhiên với phương trình bậc hai, người ta vẫn hy vọng tìm được hai đáp số khác nhau, có khi đối xứng nhau. Ngược lại, dù là phương trình bậc "n" thì cũng sẽ có thể vô nghiệm chẳng tìm được đáp số nào!
Nhớ lại lời kêu gọi của ai đó: "Yêu cầu TGM ra lệnh... mở cửa cho Dân oan vào..."! Đọc xong, giật mình vì nghĩ rằng có chỗ nào Dân oan đến gõ cửa xin giúp đỡ mà bị từ chối chăng? Một anh em đã đến tận nơi Dân oan.... và thực sự rất bối rối chỉ biết khóc chứ biết làm gì với tư cách "chim én"?
Một Độc giả đã thường xuyên nhận các tài liệu của CGVN, ngày kia ông buồn phiền giận dỗi viết cho BBT vài chữ: "nếu các ông không làm gì cho cha X thì đừng gởi báo cho chúng tôi nữa!” Lạy Chúa! Biết trả lời ông sao đây? Làm sao Độc giả biết rằng chúng tôi không làm gì?
Hoặc có người cho rằng: "Một việc làm dù nhỏ, cũng đáng giá gấp ngàn lời nói". Câu văn rất hay. Nhưng có phần hơi oan cho chính người viết, vì viết cũng là một việc, còn khó hơn cả nói? Và "nói" đôi khi cũng là một việc khá vất vả đấy chứ? Muốn nói cho hay, lại càng cần phải viết (soạn) một cách miệt mài...Thậm chí im lặng để suy nghĩ, trăn trở, lo âu..., còn mệt mỏi nhiều hơn bội phần ! Như vậy, im lặng, tự nó đã có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, im lặng là chưa muốn nói, chưa làm ngay, nhưng sẽ nói hay làm nay mai. Hơn nữa, im lặng cũng có thể hiểu là chưa tìm được giải pháp thoả đáng, tối ưu để hành động tức khắc. Vả lại, im lặng thường có nghĩa là không nói lớn tiếng, nhưng vẫn có thể nói nhỏ trong chỗ riêng tư, cẩn mật…
Ngoài ra, im lặng có khi còn là một gánh rất nặng; ví dụ, im lặng để giữ ấn tín tòa cáo giải, im lặng khi bị vu oan vì muốn bảo vệ người khác... Có khi vì ích lợi chung, hoặc vì chưa cần thiết phải nói, hoặc vì nói cũng vô ích, bởi không đem lại kết quả chăng? Thực vậy, áp lực trên sân cỏ không phải lúc nào cũng đạt được như ý muốn!
Rất tiếc chúng tôi đã quên mất tác giả của câu nói bất hủ sau đây:
"Sự thinh lặng là quê hương của những người hùng!
(tất nhiên điều gì cũng có thể có ngoại lệ)
"Cầu nguyện cũng là một việc đôi khi rất khó!”
Giờ đây, ước chi chúng ta dành vài phút im lặng, cùng hiệp thông với nhau trong yêu thương và tín thác vào Chúa :
“Lạy Chúa! Xin Chúa thương ban cho GHVN, các Mục tử, toàn thể Đàn chiên, cùng tất cả các gia đình CGVN hải ngoại biết nhận ra Thánh Ý Chúa, và thi hành đúng theo cung cách Chúa muốn. Cách riêng, xin Chúa ban cho chúng con biết dùng ngôn ngữ thế nào để thông cảm hơn là bắt bẻ lẫn nhau. Xin ban cho chúng con lòng quảng đại, sự khôn ngoan để có thể cùng nhau vượt qua mọi giới hạn và thách đố của ngôn ngữ, nhất là chúng con chỉ có chữ viết bằng vi tính.
Xin Chúa ban bình an, sức khỏe hồn xác cho những anh chị em đang đau khổ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: bất công, tù đầy, nghèo đói, bệnh tật, cô đơn, hiểu lầm nghi kỵ …
Lạy Chúa! Xin thương xót tất cả chúng con.
BBT. CGVN