Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
Bài Viết Của
Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng
ĐẠI HỘI CA ĐOÀN TOÀN QUỐC KỲ ĐẠI HỘI ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP - 27, 28, 29, 30 Tháng 06, Năm 2024 - Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại - 3417 W. Little York Rd. Houston, TX 77091-USA.
Thư Mời Tham Dự Đêm Hòa Nhạc Diễn Nguyện Xác Thân Làm Bánh
Đêm Diễn Nguyện XÁC THÂN LÀM BÁNH - “Hãy Làm Cho Thế Giới Biết MẸ”
GIỌT NƯỚC MẮT TẠ ƠN
Bài hát CON XIN PHÓ THÁC
Chiều
CON SẼ TRỞ VỀ
ĐẠI HỘI CA ĐOÀN TOÀN QUỐC
Nguồn Ơn An Bình
VINH CA ANH HÙNG TỬ ĐẠO
TÁC PHẨM, TÁC GIẢ VÀ NGƯỜI DỊCH THƠ
Mẹ Gánh Mặt Trời
ƠN Cha Mẹ
You Raise Me Up – Ngài Nâng Tôi Lên
Lời Tạ Ơn Trong Ngày Lễ Thanksgiving - The Thank Words on the Thanksgiving Day.
LỮ KHÁCH BÌNH AN
MỪNG CHÚA PHỤC SINH
TẢN MẠN ĐẦU NĂM
Bài hát Dâng Lễ trong những ngày Tết Nguyên Đán "LỄ DÂNG ĐẦU NĂM".
Bài hát DÂNG CHÚA HÀI ĐỒNG
Hợp xướng : VINH CA ANH HÙNG TỬ ĐẠO
Video Mừng kính Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời,
Father’s Day - TẠ ƠN CHA
Mother's Day - Mẹ Đã Ra Đi
LỮ KHÁCH BÌNH AN
Tiền và Người
Con Sẽ Trở Về
Bài hát DÂNG MẸ HOA NĂM SẮC
Lội Ngược Dòng - Níu Lấy Bản Sắc
ƠN Cha Mẹ
Mẹ Tôi
Mừng Chúa Phục Sinh,
Lòng Trời
Bài hát: XIN KHẮC TRONG CON
Thư Đầu Năm Kính Gửi Quý Nhạc Sĩ Công Giáo.
Tôi, làm diễn giả.
Thánh Ca: Một Giao Ước, file PDF
Bàn Tay Chúa Chạm Đến Hồn Con
Hải tặc Thái Lan
"Giêsu Giêsu, con muốn yêu Ngài tha thiết..."
LỘI NGƯỢC DÒNG - NÍU LẤY BẢN SẮC

 

Quý Vị và Các Bạn thân mến,

Xin được giới thiệu 2 tác phẩm Công Giáo thuộc thể loại Đàn Ca Tài Tử dưới đây của nghệ sĩ Trúc Tiên. Trước khi thưởng thức, tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về thể loại này.

ĐÀN CA TÀI TỬ

Đàn Ca Tài Tử đã có từ lâu, khoảng cuối thế kỷ XIX, là tinh hoa của âm nhạc ngũ cung và văn học dân gian, phát xuất từ giới quý tộc Kinh Đô Huế, được xem là nhạc lễ Nhã Nhạc Cung Đình Huế thời vua chúa.

Sau những biến loạn thời Nhà Nguyễn, vua Hàm Nghi đã ra chiếu Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình xuôi nam lánh nạn và sinh sống, trong đó có nghề dạy nhạc.

Hằng ngày đối diện qua các sinh hoạt của người Miền Nam, nhất là ảnh hưởng đến giọng nói của thổ dân vùng miền này, vốn đã có kiến thức và kinh nghiệm sáng tác cũng như trình tấu, các nhạc quan nói trên đã cải biến từ Nhã Nhạc Cung Đình thành những giai điệu thích ứng với người dân cũng như chất giọng địa phương, rồi khoác lên một tên gọi mới cho thể loại : "Nhạc Tài Tử". Quả thật, đây là loại hình diễn tấu dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, vì thể loại này rất thích hợp cho mọi giới lúc bấy giờ, từ giới quý tộc (nam thanh nữ tú) đến giới bình dân (nông thôn dân giả)... mà họ thường hát ca sau những giờ lao động hay những dịp trẩy hội…

Nhạc Tài Tử dần dà cải danh thành "Đàn Ca Tài Tử", vì thể loại này không lâu sau đó có luôn ca hát kèm theo tiếng nhạc cụ, nghĩa là có "đàn" có "ca". Có 4 loại đàn thường diễn tấu thể loại này gồm : đàn cò, đàn kìm, đàn tranh và đàn bầu (gọi là Tứ Tuyệt) Sau này bổ sung thêm còn có đàn guitar ô phím lõm (còn gọi việt tây cầm). Còn chữ "Tài Tử" xin đừng hiểu lầm là "không chuyên nghiệp", "nghiệp dư" (amateur) – "tài tử" theo nghĩa không chuyên nghiệp chỉ mới xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX – mà tài tử ở đây ý muốn nói là : "tài" = tài nghệ, tài giỏi, tài năng,… và "tử" = con trai (ám chỉ người) ; "tài tử" = người có tài.

Để trở thành vai trò một nghệ sĩ gồm soạn giả, ca sĩ và nhạc công trong ý nghĩa xác thực nhất của từ này, họ phải học và thực hành, cũng như quá trình trải nghiệm.

Như hương thơm và nét đẹp gợi cảm của loại hoa mộc lan (magnolia) hoặc cô gái xuân thì, Đàn Ca Tài Tử được khắp mọi giới ưa chuộng rồi lan tỏa khắp miền nam nước ta lúc bấy giờ như đã đề cập ở trên.

Vào đầu thế kỷ XX, Đàn Ca Tài Tử càng lớn mạnh hơn bao giờ và chính lúc này, nghệ sĩ cũng như khán thính giả tiếp nhận kiến thức và nghệ thuật mới về trình tấu, nên từ Đàn Ca Tài Tử đã thêm thắt các kỹ năng và nhạc cụ… để sáng tạo bộ môn Cải Lương, rồi Tân Cổ Giao Duyên (1930)… Nói rõ hơn, bộ môn Cải Lương sau này bắt nguồn từ thể loại Đàn Ca Tài Tử mà ra, và tất cả lại phát xuất từ Nhã Nhạc Cung Đình Huế – đó là điều đáng ca ngợi vì con người luôn có óc sáng tạo chứ không chịu dậm chân tại chỗ nhất là trong nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng.

 

KHÁC BIỆT GIỮA ĐÀN CA TÀI TỬ VÀ CẢI LƯƠNG

Quả thật, nếu không chú ý và không biết rõ nguồn gốc, chúng ta thường nhầm lẫn 2 thể loại này và thường gọi chung là Cải Lương.

Hãy đi tìm sự khác biệt giữa Đàn Ca Tài Tử và Cải Lương :

Đàn Ca Tài Tử vốn được xem là thú vui tao nhã cho mọi giới mọi lứa tuổi mỗi khi có dịp gặp nhau. Nhưng không vì thế mà thể loại này thiếu đi quy định sáng tác và trình tấu theo khuôn khổ của nó. Nghĩa là nó có bài bản và không thể tùy tiện hay lẫn lộn với các thể loại khác.

Sự khác biệt giữa hai thể loại này là Đàn Ca Tài Tử có thể diễn xuất phóng túng cá nhân nhiều hơn, hoặc phóng tác các tích truyện, các tác phẩm phổ thông lúc bấy giờ nhưng phải dựa theo khung bài bản cố định, trong khi Cải Lương biểu diễn phải có tuồng, có vai, và có sự chỉ đạo/đạo diễn trong khuôn khổ và thường thì diễn ra trên sân khấu.

Một điều hết sức quan trọng theo truyền thống của thể loại Đàn Ca Tài Tử chính gốc tiêu biểu cho 4 làn điệu tạo những cảm xúc và sắc thái khác nhau, gồm hơi Nam (3 bài bản chính) diễn tả sự thanh thoát, an bình… ; hơi Bắc (6 bài) diễn tả sự trong sáng, vui tươi… ; hơi Oán (4 bài) diễn tả nỗi buồn, sầu não, chia ly… ; và hơi Lễ còn gọi là Hạ (7 bài) mang tính lễ nghi, có tính trang trọng, uy nghi… Tất cả được gọi chung là 20 bài bản tổ. Nhưng do hội nhập vào Cải Lương, nên đàn ca tài tử thường bị lẫn lộn và nhiều khi khó nhận diện. Do đó, sự phân biệt 2 bộ môn này thường mang tính lý luận hơn là phân tích.

Sau gần hai thế kỷ ra đời của Đàn Ca Tài Tử, năm 1918, với tính sáng tạo, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (còn gọi Sáu Lầu) cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang. Có người hỏi "Dạ Cổ Hoài Lang" nghĩa là gì ? Đây là tiếng Hán được tác giả và giới nghệ sĩ xác định ý nghĩa theo tiếng Ta là "Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng".

Mới đầu bài này chỉ có 20 câu nhịp 2. Với tinh thần sáng tạo, cải tiến dần : năm 1924 tăng lên nhịp 4, sau đó tăng lên nhịp 8, nhịp 16… ; để đến nay, sau một thế kỷ (1918-2018), bài Dạ Cổ Hoài Lang đã có nhịp 36, được gọi chung là bài Vọng Cổ hay và đầy đủ nhất để ngự trị trong làng Cải Lương.

Như vậy, và để xác định, Đàn Ca Tài Tử đã có trước thể loại Cải Lương ít nhất cả một thế kỷ. Một điều cũng nên chú ý trong thời gian 1,000 năm đô hộ giặc Tàu, với bản chất tham lam trong máu, họ muốn cai trị thế giới, muốn xóa sổ mọi văn hóa và lịch sử của các quốc gia mà họ xâm chiếm, rồi Hán hóa nền văn minh và văn hóa những quốc gia đó mà hôm nay chúng ta và cả thế giới đã thấy rõ mưu toan côn đồ đó. Thế nên mới có các thể loại Hát Bội, Hồ Quảng xâm nhập văn hóa người Việt Nam để xóa sổ hay đồng hóa loại Đàn Ca Tài Tử của dân tộc ta.

Cũng có thể là mục đích và chủ trương thay đổi chữ Quốc Ngữ rất quái đản của phó tiến sĩ nào đó cách đây không lâu. Có phải đây là sự sáng tạo hay là âm mưu đen tối Hán hóa ?!?

 

TIẾNG HÁT NÍU KÉO BẢN SẮC VỌNG TỪ MIỀN XA

Tôi có dịp quen biết nghệ sĩ Trúc Tiên sau khi khám phá chất giọng đa dạng diễn xuất thể loại Đàn Ca Tài Tử này. Mỗi khi thưởng thức, tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống với nỗi buồn xen lẫn niềm vui rất khó diễn tả. Có lẽ chúng ta đã có kinh nghiệm nghe qua giọng hát của ca sĩ Hoàng Oanh, giọng ca rất hay và ngọt ngào đã khiến ta vương vấn hoài cái nỗi buồn man mác. Giọng ca của Trúc Tiên cũng thế. Điểm đặc biệt nổi bật nơi người nghệ sĩ tài hoa này là luôn "bơi ngược dòng". Vì trong khi chúng ta đang hướng tới những công nghệ tối tân trước mặt, những thể loại âm thanh mới loáng thoáng bên tai thì Trúc Tiên lại dẫn dắt người nghe lui về quá khứ.

Tôi vốn là một người luôn trân quý những thể loại âm nhạc và nghệ thuật tạo nên bản sắc của Dân Tộc, chính điều này làm tôi chú ý và ra công tìm hiểu người nghệ sĩ cổ nhạc hiếm hoi hiện đang định cư tại Paris sau khi nghe qua những tác phẩm của cô ấy.

Ngược dòng ở đây không có nghĩa là người nghệ sĩ này thụt lùi về thời sơ khai "ăn lông ở lỗ", mà là sự níu kéo, gìn giữ, duy trì và phát huy những cái đẹp trong nghệ thuật và âm nhạc mà cha ông đã để lại. Có lẽ chúng ta đang dần quên đi những giá trị nghệ thuật của nhân gian, trong khi người ngoại quốc lại trân quý vô vàn. Chính vì thế, những điệu Đàn Ca Tài Tử đã được Unesco công nhận là gia tài phi vật thể của nhân loại (năm 2014).

Tôi nhận được 2 bài về thể loại này, điều đặc biệt là lời ca chính là tâm tình của một tín hữu ngoan đạo. Người nghệ sĩ thì luôn săn tìm chất liệu để dựng tác phẩm ; chất liệu đó có thể là một câu chuyện, một cuộc tình, hay những thăng trầm, buồn vui của cuộc đời…, hay đôi khi là hư cấu. Trong khi đó Trúc Tiên không tìm đâu xa, mà chính trong Phúc Âm qua dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng, cũng có thể gọi dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu để đưa vào thể loại Đàn Ca Tài Tử, hay tâm tình đạo đức của một tín đồ ngoan đạo : tôn thờ Thiên Chúa, kính yêu Đức Mẹ và Giáo Hội.

 

LUYẾN TIẾC VÀ XÓT XA

Tôi có đặt câu hỏi liên quan đến thể loại âm nhạc cổ xưa này và xin lắng nghe tâm sự của người nghệ sĩ sau đây :

« Thưa anh, thường thì cái gì nghe quen thì thích. Cả gần trăm năm nay có ai hát những điệu này nữa đâu mà có người thích (…) Thương là thương gia tài của ông bà mình để lại không còn người giữ gìn ; vì lẽ không biết từ đâu mà sau này nảy sinh quan niệm "hát những điệu này là quê mùa, là lỗi thời, lạc hậu…", nên bây giờ Đàn Ca Tài Tử bất đắc dĩ trở thành thể loại… kén người nghe.»

Hãy nghe nghệ sĩ Trúc Tiên ngậm ngùi chia xẻ tiếp :

« Khi về Miền Tây, đôi lúc bùi ngùi nghe các nghệ sĩ đàn hát cho du khách thưởng thức, nhưng lại không nguyên vẹn và biến thể. Ngay cả cái tên Đàn Ca Tài Tử cũng tàn lụi dần, còn mấy ai biết là gì, may lắm thì có người ngộ là vọng cổ (!) Ở các Câu Lạc Bộ thì gọi "Cải Lương Đàn Ca Tài Tử" hay tệ hơn nữa là "Cải Lương Tài Tử" (!) Chính họ cũng không còn biết ranh giới giữa hai thể nhạc …»

 

CÂU CHUYÊN PHÚC ÂM

Tôi gửi lời khen ngợi đến nghệ sĩ Trúc Tiên vì đã có tâm, có tầm, cũng như sáng kiến đưa Lời Chúa vào thể loại âm nhạc Đàn Ca Tài Tử, điều mà từ trước tới nay chưa ai nghĩ tới huống chi là thực hiện.

Ngoài bài Đứa Con Hoang Đàng, còn có bài Xin Mẹ Nhận Con. Đây là tâm tình và ý nghĩa cho những ai đang khao khát tình Mẹ. Hãy cùng lắng nghe chia xẻ nguồn cảm hứng thánh thiện của Trúc Tiên khi sáng tác ca khúc này :

« Trúc Tiên viết lời bài Xin Mẹ Nhận Con nhân một lần về lại Mỹ Tho. Trước cổng nhà thờ Chánh Toà, Trúc Tiên thấy đứa bé gái lem luốc lối chừng 10-12 tuổi đang e dè ngó vào nhà thờ lúc hành lễ. Trời mưa lâm râm mà thấy em đầu trần đã ướt sũng, Trúc Tiên mới hỏi tại sao em không vào nhà thờ đi lễ như mọi người và cũng để đụt mưa, thì em nói là em không có đạo nên không dám vô. Trúc Tiên ngạc nhiên vì vừa rồi, rõ ràng vừa rồi Trúc Tiên nghe em đọc kinh Kính Mừng cơ ? Trúc Tiên mới nắm tay em kéo vào nhà thờ và nói "Mẹ thương hết mọi người em ạ !". Chỉ thế thôi nhưng không hiểu sao hôm đó Trúc Tiên vui lắm và thương cảm tràn ngập để viết lời bài hát này, và như thế mỗi khi nghĩ đến Mẹ Maria.»

Vâng, vì mỗi khi ta làm được một việc thiện, việc bác ái hay giúp đỡ một ai, thì lòng mình thấy thanh thản lạ lùng ! Tôi không bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu thêm "thân thế và sự nghiệp" cũng như sự đóng góp việc phục vụ Nhà Chúa không mệt mỏi của người nữ nghệ sĩ.

 

TRÒ CHUYỆN ĐÔI ĐIỀU…

Tôi gọi Trúc Tiên là "Nghệ Sĩ" là đúng và có nguyên do chứ không phải tùy tiện và theo thiển kiến cá nhân.

Ngoài vai trò Ca SĩSoạn Giả thể loại Đàn Ca Tài Tử như đã trình bày, cô còn là một Họa Sĩ có nhiều bức tranh giá trị. Tranh của cô đã được triển lãm, bày bán gây quỹ từ thiện tại Paris và rất được trầm trồ, ưa chuộng. Các ban tổ chức các hội đoàn Pháp cũng như Việt Nam thường tìm đến xin tranh của cô để bán đấu giá mỗi khi có dịp quyên góp cho việc bác ái.

Không những lấy nguồn cảm hứng từ Phúc Âm cho Đàn Ca Tài Tử, cô còn phổ cả vọng cổ vào thơ như bài Chút Duyên Thừa (tập thơ Thương Ngàn Thương) của thi sĩ Cung Chi tức linh mục Giu-se Đinh Đồng Thượng Sách. Những nhạc sĩ đã từng phổ nhạc lên thi phẩm đều biết. Khi phổ nếu giữ trọn vẹn lời bài thơ, không thay đổi, thêm bớt thì khó dường nào ! Càng khó hơn khi âm hưởng đã có sẵn như vọng cổ, thế mà Trúc Tiên đã thực hiện được điều này một cách toàn vẹn.

Được biết Trúc Tiên sang Pháp từ năm mới 10 tuổi. Thế mà văn tài không chịu kém ai, cô có nhiều tùy bút, kí sự, truyện ngắn… đăng trên các báo Việt Ngữ. Viết lời nhạc phẩm, viết văn… thì gọi Văn Sĩ là đúng lắm.

Hãy nghe Trúc Tiên nhận định thế này về mình :

« Trúc Tiên qua Pháp khi còn nhỏ nên gần gũi với văn chương Pháp hơn. Đọc một quyển sách tiếng Pháp Trúc Tiên dễ cảm nhận hơn, thấu đáo hơn – cũng giống như tranh của Trúc Tiên mang mảng màu sắc Âu Tây hơn là Á Đông – nhiều khi đọc sách tiếng Việt, có đoạn phải đọc tới đọc lui đôi ba bận để hiểu rõ từ ngữ mà nắm bắt ý tưởng của tác giả. Trúc Tiên cần học hỏi thêm nhiều nữa…» 

Đọc lời những bài ca, những bài viết bằng tiếng Việt của cô, những vở kịch cô dàn dựng và có khi thủ diễn, nếu không biết trước, tôi không nghĩ cô ấy rời đất mẹ từ thuở nhỏ như thế ! Cũng xin nói thêm : cô cũng viết cho các báo Pháp Ngữ như Made in Fan, Euro Story Daily… và có khoảng thời gian làm hướng dẫn viên cũng như góp phần soạn thảo chương trình cho viện bảo tàng Louvre của Paris… Qua Pháp từ nhỏ, chịu khó học hành rồi đỗ đạt, thông thạo tiếng Pháp là lẽ đương nhiên.

Những ai đã từng tham dự những chương trình văn nghệ Đàn Ca Tài Tử, hay ra mắt CD của Trúc Tiên đều nghe và cảm nhận cô ấy trình bày về đề tài này, cũng như thấy cô linh hoạt, lưu loát trong vài trò MC - dẫn dắt các chương trình văn nghệ tạp lục của Giáo Xứ Việt Nam Paris và của những hội đoàn khác tổ chức. Tươi thắm, duyên dáng, hóm hỉnh linh động và mời gọi mỗi khi cô cầm microphone.

Lại gọi Trúc Tiên, người con gái nhỏ nhắn này là Thi Sĩ cũng không ngoa. Vì rằng cô còn làm thơ nữa, ví dụ bài thơ Người Đã Đến, qua dòng nhạc âm hưởng Thánh Ca của nhạc sĩ Vũ Hạ, gieo rắc lòng tin yêu bằng những câu giản dị nhưng chân tình như : "Người đã đến gieo bình an cho hạt nẩy mầm / Người đã đến ban tình yêu dạt dào nồng thăm / Tình Yêu ấy như mùa xuân sum họp vui vầy… / … Tạ ơn Chúa đoái thương nhân loại / Cùng Hội Thánh con tuyên xưng niềm tin yêu…" 

Về khả năng làm thơ. Xin hãy đọc thêm bài thơ Cắt Tóc của Trúc Tiên để thấy sự diễn đạt của người thi sĩ này :

Hôm nay giận sợi tóc ngông

Đâm ngang chĩa dọc, ở không bày trò

Sợi dài sợ ngắn, nhỏ to

Nghênh ngang dưới gáy giằng co trên đầu

Sợi rỗng sợi đặc sợi sâu

Ghen tuông ganh ghét vè câu ân tình

Sợi đen sợi trắng nhục vinh

Cứng hơn dây thép nhọn hình lưỡi lê

Sợi cắt tình nghĩa phu thê

Sợi tìm ảo vọng đam mê đui mù

Cắt cho hết mấy sợi ngu

Ngày mai trời sáng vi vu nhẹ đầu...

 

Thế nên, thay vì gọi Thi-Văn-Họa-Ca Sĩ thì đầy đủ nhưng dài quá, chúng ta không trân trọng và tưởng thưởng cho cô một tên gọi tóm gọn là "Nghệ Sĩ" thì gọi gì bây giờ?

Nhưng khi tôi hỏi để xác định, thì cô khiêm tốn trả lời bằng giọng rất hồn nhiên : « Gọi là ca sĩ Đàn Ca Tài Tử đi, vì Trúc Tiên ao ước quảng bá, cổ động bộ môn nghệ thuật này của cha ông để lại.»

Không dừng lại ý kiên định nhưng thật lòng và khiêm tốn, cô ước mong :

"Gọi gì cũng được, miễn là làm thơ, vẽ tranh, hay ca hát đi nữa thì mục đích chánh của Trúc Tiên là làm sao giữ gìn văn hóa Việt Nam mình dù tha hương. Ví dụ như dạy tiếng Việt cho các em được sinh ra ở nước ngoài để các em có thể nói chuyện hay viết thư cho ông bà mình, dạy các em giáo lý bằng tiếng Việt và các bài Phúc Âm sẽ dễ nhớ hơn nếu các em biết hát nhất là hát những điệu nhạc cổ truyền của ông bà mình để lại thì càng hay. Một điều hiển nhiên là thế hệ các bác các anh chị đã và sẽ để lại cho chúng em rất nhiều những tác phẩm quý báu, nếu thế hệ chúng em sau này không còn biết thưởng thức và tiếp nối vun đắp “tài sản” các anh chị để lại thì tiếc quá. Cũng như hiện tại Trúc Tiên cố gắng “níu kéo” gia tài Đàn Ca Tài Tử mà Ông Cha mình để lại, qua những bài Phúc âm".

 

HƯỚNG ĐẾN NGÀY MAI…

Tôi thầm nghĩ : những nhạc phẩm Đàn Ca Tài Tử như bài Đứa Con Hoang Đàng, hay bài Xin Mẹ Nhận Con và những bài khác nữa do Trúc Tiên viết hôm nay không những giúp gìn giữ nét nhạc cổ mà còn là trau dồi tiếng mẹ đẻ và còn là nhận thức niềm tin Công Giáo trong xã hội chao đảo hôm nay và trong thân phận ly hương của chúng ta.

Tôi cầu chúc Trúc Tiên – Nghệ Sĩ tài hoa vất vả lội ngược dòng – thêm nghị lực và niềm tin, cùng ý chí bền vững để không những gìn giữ, duy trì mà còn phát huy thể loại Đàn Ca Tài Tử này.

Đính kèm dưới đây là link 2 bài hát Đứa Con Hoang ĐàngXin Mẹ Nhận Con :

Đứa Con Hoang Đàng – Nam Ai – Trúc Tiên par Vũ Hạ | Écoute gratuite sur SoundCloud

Xin Mẹ Nhận Con – Lý Con Sáo & Trăng Thu Dạ Khúc – Trúc Tiên par Vũ Hạ | Écoute gratuite sur SoundCloud

Trân trọng,

Văn Duy Tùng

 

Tác giả: Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!