Hàng năm, cứ đến thứ tư Lễ Tro, cũng là ngày mở đầu cho mùa chay thánh là các ca
đoàn trong các nhà thờ thường vang lên những điệp khúc “Hãy trở về với Ta nối
kết tình cách xa bao năm qua…”, “Hãy thật lòng trở về với Chúa… “ Hãy trở về với
Chúa nhân từ…” “Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi. Con nay trở về lòng
sầu thống hối khôn nguôi…” v.v…
Vâng, bài hát “Con Sẽ Trở Về” như là một lời thưa từ cõi lòng với tâm tình chân
thành và khiêm tốn. Con sẽ trở về bên Cha, nơi mà từ đó con đã ra đi “Cho
con sinh ra trong ngàn người rồi Cha sẽ gọi con đi…”.
Thật vậy, vào đời là một cuộc ra đi. Đi đâu ? Đi tìm gì ? Cách thức đi như thế
nào ?…, còn tuỳ thuộc vào sự tự do của mỗi cá nhân. Nhưng với tôi, dù đi đâu hay
tìm gì thì tôi cũng cần phải đi cho hết cuộc đời này, dù thời gian ngắn dài, dù
tuổi thọ gần xa, tôi cũng phải đi. Và cuối cùng của chuyến đi là tôi lại quay
trở về nơi xuất phát, “con
sẽ trở về”
bên Cha.
Khi nói về cuộc sống của con người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, để chỉ sự
trọn vẹn. Ít khi người Việt Nam dùng cụm từ “trọn
đời”
người, nhưng lại rất thường dùng cụm từ “một
đời”
người. “Này
một đời của người tôi tớ, một đời trung kiên theo Chúa đến hơi thở cuối cùng,
đây một đời thuộc trọn về Chúa, một đời dâng lên hy lễ tình yêu…”.
Trong tiếng Việt Nam và văn hóa của người Việt Nam, “một”
cũng có nghĩa là ít, ít đối lập với nhiều, số ít đối lập số nhiều. Chẳng hạn như,
“một”
trong “có
một không hai”
nghĩa là hiếm có, ít có; trong “một
cây làm chẳng nên non”
nghĩa là ít, không đủ, không trọn vẹn... Nhưng “một”
trong văn hóa Việt Nam cũng có nghĩa là trọn vẹn, chẳng hạn: “một
đời người”
là trọn cả cuộc đời, “một
khối tình”
là tình trăm năm, là trọn vẹn, “một chân trời” là rộng lớn, bao hàm... “một
niềm vui”,
“một
cay đắng”,
“một
dại khờ”
và “một
tôi”...
có thể hiểu là trọn vẹn, không thể hiểu theo nghĩa số đếm của toán học. Bởi vì “tình
yêu, hạnh phúc, niềm vui, cay đắng, dại khờ, chân trời...
” không thể cân đo đong đếm được mà phải “cảm”
để “nếm”,
để “nhận
biết”,
để “hiểu”
vị ngọt của hạnh phúc và vị đắng của khổ đau qua kinh nghiệm sống ; kinh nghiệm
ấy trưởng thành theo tuổi tác, theo thời gian…
Phát xuất từ Ba Ngôi, Thiên Chúa đã gởi con của Ngài là Ngôi Hai vào nhân gian
làm người, rồi lên đường rao giảng Tin Mừng, chịu khổ hình, chịu chết và cuối
cùng của chuyến đi, Đức Giêsu lại trở về bên Thiên Chúa Cha. Có ra đi, mới có
quay về, ra đi là khởi điểm cho ngày trở về, đó là định luật muôn đời bất biến,
Đức Giêsu cũng không nằm ngoài định luật ấy.
Nếu Đức Giêsu trở về bên Cha với một thân hình tan nát, lem luốc vì nhân loại,
theo cách nhìn của tôi, thì trong dụ ngôn “người con hoang đàng”, người con thứ
là hình ảnh rõ nét nhất. Nếu hôm nay, tôi phải trở về bên Cha, thì thân xác của
tôi cũng lấm lem bởi bụi trần, bởi những cuộc kiếm tìm không chân lý, bởi sự mệt
mỏi của đam mê, bởi những thứ mà tôi cảm nghiệm là không có hạnh phúc. Nhưng tôi
tin rằng, cũng như Đức Giêsu, cũng như người con thứ, một khi chịu quay trở về
thì tình yêu của con là trọn vẹn và đó là điều mà Cha cần.
Có ra đi mới có quay về, người con cả trong dụ ngôn cùng tên, không ra đi nên
không cảm nghiệm được sự quay về, không cảm nghiệm được hạnh phúc của sự tự do
khi quyết định ra đi, không cảm nghiệm được sự nghiệt ngã khi quyết định quay về
và lại càng không cảm nghiệm được tình yêu của sự tha thứ.
Cảm nghiệm về Thiên Chúa và trước khi trở thành bài hát để cho ca đoàn, cho
người khác hát, thì tôi đã tự sáng tác cho chính mình, đã ấp ủ, đã sống, đã thấu
hiểu những điều mình muốn chia sẻ trong tác phẩm.
“Giêsu! Giêsu ơi! Con quyết trở về, lỗi lầm ngày qua, nguyện xin thứ tha và ban
cho con tình thương hải hà. Giêsu! Giêsu ơi! Con sẽ quay bước trở về, quyết tâm
từ bỏ đam mê, ăn năn thống hối. Tìm về Thiên Chúa tình yêu”.
Nếu cuộc ra đi của người con thứ mà cuối cùng tìm được hạnh phúc thật sự, thì
còn lâu mới có chuyện quay trở về. Nếu không tin vào tình yêu của Thiên Chúa
Cha, thì Đức Giêsu đã không lên Giêrusalem để chịu chết mà chắc hẳn sẽ thua cuộc
ngay khi chịu ma quỷ cám dỗ. Tôi cũng vậy, nếu đã tìm được niềm vui và hạnh phúc
ngoài Thiên Chúa, thì chắc hẳn đã không thốt lên những lời van xin tha thiết như
trên, nếu tìm được cái gì khác có giá trị hơn Thiên Chúa, thì đã không tìm về
Thiên Chúa.
Ngụp lặn trong thân phận làm người, tôi đã hiểu được “không có con đường nào
khác, không có sự chọn lựa nào khác ngoài Thiên Chúa”, cùng đích của tôi vẫn là
Thiên Chúa, chọn lựa cuối cùng của tôi vẫn là Thiên Chúa.
Khi suy tư và tìm chất liệu để sáng tác ca khúc Con Sẽ Trở Về, ít nhiều giúp tôi
ý thức hơn về sự ra đi của tôi : ra đi phục vụ, tôi tìm thấy tha nhân ; nơi tha
nhân, tôi hoàn thiện con người của tôi hơn ; nơi tha nhân, tôi học được bài học
yêu thương, phục vụ quên mình bằng cách nào, dù rằng những bài học ấy đã nhiều
lần khiến tôi phải trả giá bằng nước mắt, bằng sự hy sinh, bằng cả cuộc đời của
tôi.
Giúp tôi nhận thức hơn sự trở về của chính tôi, trở về với căn nhà nội tâm để
tôi nhìn lại tôi, nơi đây bao lần tôi đã ra đi vì sự lôi cuốn của cuộc sống, vì
những đam mê trần thế và vì thế đã nhiều lần tôi quên lối về. Trở về để sửa chữa,
để tu chỉnh lại, trang hoàng lại như lúc ban đầu trong ngày tôi nhận lãnh bí
tích rửa tội.
Giúp tôi tìm lại chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, tôi ý thức rằng
Thiên Chúa lúc nào cũng ở bên cạnh tôi, Ngài đi vào tâm hồn tôi những bước lặng
lẽ, nhưng đôi khi những bước chân của tôi và nhịp sống xung quanh cuộc đời tôi
ồn ào hơn, hấp dẫn hơn, làm cho những bước chân của Thiên Chúa trở nên nhàm chán.
Trở về để xin lỗi, để ca ngợi, để tạ ơn… vì Ngài đã tác tạo nên tôi cách hoàn
hảo, đã yêu thương tôi và đã gởi tôi vào trong cuộc đời này, cũng chính nơi đây,
tôi cảm nghiệm được thân phận làm người của tôi, có biết bao những kỷ niệm vui
buồn, cảm nếm được sự ngọt ngào của hạnh phúc, xót xa của khổ đau… Và cũng chính
nơi đây, đã tạo cho tôi có biết bao cơ hội để tôi thực hiện được những ước mơ,
những hoài bão của đời mình là : sống tốt, sống đẹp và ý nghĩa, là sự nghiệp, là
tình yêu, là cho đi, là tha thứ và ủi an…
Cuối cùng, giúp tôi ý thức hơn sự trở về chung cuộc, ngày tôi ra khỏi trần gian
này, ngày tôi sẽ rời bỏ tất cả những thứ mà cả cuộc đời tôi tìm kiếm, trở về với
hai bàn tay trắng, với thân phận lấm lem vì bụi trần… Với thân phận đó, tôi
chẳng còn gì ngoài tiếng : Thưa Cha “CON ĐÃ TRỞ VỀ”
Văn Duy Tùng