Trên thập giá
trước giờ phút hấp hối, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và thưa với Chúa Cha: “Lạy
Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Đây không phải là một câu nói
đau đớn của sự chết và hết, mà là một khởi điểm bắt đầu cho một sự sự sống. ”Ra
đi là khởi sự cho ngày trở về”
Vâng, Chúa Giêsu phó thác vào tay Chúa Cha để chuẩn bị bước vào sự sống mới sau
khi hoàn tất công việc Cha trao phó, Con phó thác Con trong Cha, Con sẽ về bên
Cha như lúc Cha sinh ra Con.
Và lời nói cuối
cùng của cuộc sống trần thế, Chúa Con thưa với Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hoàn
tất ở Con đây không phải là xong việc, cũng không phải là để trả nợ, cũng không
phải là sự chết… Nhưng là hoàn
tất một sứ vụ yêu thương của Cha trao phó.
Theo quan điểm thần học của Thánh Gioan, lúc Chúa Con trút hơi thở cuối cùng,
cũng là lúc Chúa Con Phục Sinh đồng thời Chúa Thánh Thần hiện xuống và Giáo hội
được khai sinh từ đấy và bắt đầu sự sống mới, sự sống của Chúa Thánh Thần.
Suy tư những
điều này, để có thể nói, mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là mối tương
quan của sự sống, mối tương quan tình yêu và mối tương quan cứu độ. Như thế
Giáo hội đã được khai sinh từ mối tương quan tình yêu này. Từ đây, Giáo hội
không sống riêng lẻ mà lớn lên và trưởng thành trong dòng chảy của sự liên đới
của các mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì thế, tất cả các bài
Thánh thi, Thánh vịnh, Thánh ca của Giáo hội là nhũng lời kinh tạ ơn đều bắt
nguồn và được đặt trên nên tảng của các mối tương quan này.
Thánh ca của
Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy cũng không nằm ngoài quy luật ấy, nên mỗi lời ca,
mỗi bài Thánh ca của nhạc sĩ luôn luôn là một lời kinh tạ ơn, tạ ơn Thiên Chúa
và biết ơn nhân loại. Đồng thời đưa nhân loại vào mối tương quan mầu nhiệm Ba
Ngôi và nối kết mối tương quan giữa nhân loại.
Thật vậy, mỗi
tác phẩm Thánh ca của nhạc sĩ đã vượt lên trên phong cách ngôn ngữ văn chương
nghệ thuật để thể hiện được cái đẹp tuyệt đối của Thiên Chúa. Nếu như một tác
phẩm âm nhạc thông thường, quan điểm và nghệ thuật sống của tác giả được biểu lộ
qua phong cách sáng tác, lối sáng tạo và nghệ thuật chọn lựa ngôn từ đều nhằm
đạt tới một trình độ nghệ thuật thuần tuý và nhằm đạt được một vị trí trong xã
hội, cũng như để đạt được một tình cảm nào đó trong lòng khán thính giả. Thì
ngược lại, phong cách Thánh ca, nhạc sĩ đã mang trong mình tâm tư tình cảm của
Giáo hội nói riêng và của nhân loại nói chung. Vì thế, lời ca tạ ơn Thiên Chúa
trong Thánh ca của nhạc sĩ, không phải chỉ một mình cá nhân nhạc sĩ mà có cả
Giáo hội, cả nhân loại cùng tạ ơn.
Có thể nói, nhạc
sĩ có một phong cách sáng tác Thánh ca rất riêng dễ đi sâu vào lòng người bằng
những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, về tình yêu đối với Thiên Chúa và vẻ đẹp
tuyệt đối của Thiên Chúa càng được khẳng định trong lòng Giáo hội cũng như trong
lòng các tín hữu qua các đặc tính Chân – Thiện – Mỹ. Điều đó cũng nói lên được
quan điểm và nghệ thuật sống của tác giả được biểu lộ qua phong cách sáng tác,
lối sáng tạo và sở trường nghệ thuật của nhạc sĩ không ngoài mục đích nào khác
là nhằm đạt tới trình độ nghệ thuật yêu Thiên Chúa và yêu nhân loại. Do vậy, mỗi
bài Thánh ca của nhạc sĩ không cầu kỳ kiểu cách mà rất đơn giản từ lời ca cho
đến giai điệu. Đơn giản ở đây không có nghĩa là khuôn sáo trống rỗng nhưng vừa
thoả mãn những lề luật của Giáo hội, vừa làm nên một tác phẩm nghệ thuật, vừa có
nội dung ngữ nghĩa, vừa mang bản sắc dân tộc của người Việt Nam lại vừa có giá
trị phụng vụ nữa.
Một đặc điểm
quan trọng và giá trị hơn nữa, trong Thánh ca của nhạc sĩ luôn luôn gắn liền với
Thánh Kinh và Thánh Thể. Không ai có thể phủ nhận Thánh Kinh và Thánh Thể là
nguồn lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh của Giáo hội. Vì thế, nhạc sĩ đã
không tách rời Thánh Kinh và Thánh Thể ra khỏi Thánh ca của mình mà nhạc sĩ làm
cho thi vị hơn bởi ngôn ngữ và giai điệu, vẽ lên một bức tranh sinh động muôn
màu muôn vẻ của cuộc sống nhân loại, bằng chất liệu chính từ Thánh Kinh, tìm
nguồn cảm hứng từ Thánh Kinh và sáng tác theo sự soi sáng, hướng dẫn của Chúa
Thánh Thần. Trong Thánh ca của nhạc sĩ Chúa Thánh Thần luôn luôn có một chỗ đứng
quan trọng mà người hát Thánh ca của nhạc sĩ không thể không cảm nhận được điều
đó.
Từ những bài ca
nhập lễ, đáp ca, dâng lễ, hiệp lễ, kết lễ và những bài hát về tận hiến... luôn
luôn là lời tạ ơn Thiên Chúa. Dù rằng “màu sắc” mỗi bài Thánh ca là khác nhau,
khi thì hùng tráng mạnh mẽ, khi thì khắc khoải lắng sâu, khi chiến thắng, khi
dường như chìm sâu trong tội lỗi… nhưng tất cả đều mang hình ảnh của một người
con được Thiên Chúa yêu thương và đó là lý do để tạ ơn. Hơn thế, Thiên Chúa
trong Thánh ca của nhạc sĩ là một Thiên Chúa luôn luôn ở trên cả sự cao cả của
con người và ở tận trong sự sâu thẳm của lòng người để yêu thương.
Do vậy, Thánh ca
của Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy đã sống mãi theo thời gian, có sức lôi cuốn và
có tác dụng biến đổi tâm hồn.
Thiên Chúa đột
nhập vào tâm hồn tôi bằng những buớc chân lặng lẽ, trong sự khôn ngoan vô cùng
của Ngài, Thiên Chúa xuống tận thâm sâu nhất của bản tính nhân loại. Nhưng đôi
khi những bước chân của tôi và nhịp sống trong cuộc đời tôi ồn ào hơn, hấp dẫn
hơn làm cho những bước chân lặng lẽ ấy của Thiên Chúa đã trở nên nhàm chán trong
tâm hồn tôi. Cũng thế, trong cuộc sống con nguời dù vui tươi đến đâu, lạc quan
đến đâu, tôi không thể không có những ngày chán chuờng mệt mỏi, những ngày ấy
cũng có thể là những ngày tang tóc, cũng có thể là những ngày phải xa gia đình,
xa quê hương, cũng có thể là những ngày không tìm đuợc nguồn an ủi bởi nguời
thân bạn bè, cũng có thể là những ngày không tìm đuợc nơi nương tựa, lạc lỏng
giữa dòng đời…
Dòng nhạc của
Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy đã ít nhiều nuôi lớn khôn cho chính tôi và giúp tôi
truởng thành hơn về tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Giúp tôi tìm lại chính mình
trong mối tương quan với tha nhân khiến tôi phải sống yêu thương, phải phục vụ
quên mình, phải liên đới và có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tiến về miền Đất
Hứa là Cung Lòng Thiên Chúa Cha.
Suy tư dòng nhạc
của Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy, tôi trở về với nội tâm để tìm thấy chính tôi,
ra đi phục vụ tôi tìm thấy tha nhân, nơi tha nhân tôi hoàn thiện con người của
tôi hơn. Tôi phục vụ tha nhân nhưng tha nhân cũng chính là người thầy dạy tôi
bao điều trong cuộc sống, dạy tôi làm người, làm con Thiên Chúa. Nơi tha nhân
tôi học được bài học yêu thương phục vụ như thế nào, dù rằng những bài học ấy
đôi khi khiến tôi phải trả giá bằng sự hy sinh, bằng nước mắt, bằng cả cuộc đời
của tôi…
Hơn bao giờ hết,
giúp tôi trở về với căn nhà nội tâm để tôi nhìn lại tôi. Căn nhà này đã từng
suởi ấm tâm hồn tôi, đã rất nhanh và rất nhạy giúp tôi nhận ra những yếu hèn và
giúp tôi đứng dậy sau bao lần vấp ngã. Và cũng chính nơi đây bao lần tôi đã ra
đi vì sự lôi cuốn của cuộc sống, vì những đam mê trần thế, cũng có thể là sau
những ngày tháng ra đi phục vụ tôi quên lối về.
Trở về với nội
tâm để sửa chữa, để tu chỉnh lại, trang hoàng lại như lúc ban đầu trong ngày tôi
lãnh bí tích rửa tội. Nội tâm là căn nhà kín đáo nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng
cho tôi, nơi đó tôi đã cất giữ biết bao kỷ niệm vui buồn của kiếp nguời, kỷ niệm
nào cũng đẹp và cũng đáng trân trọng.
Cuối cùng, tôi
trở về với Thiên Chúa, trở về để ca ngợi và tạ ơn, vì Nguời đã tác tạo nên tôi,
yêu thương tôi, để tôi hiện hữu và gởi tôi vào đời, cho tôi sống trong dòng chảy
của nhân loại. Nơi trần thế, tôi đã cảm nghiệm được thân phận làm người của tôi,
cảm nếm được vị ngọt của hạnh phúc, xót xa của đau khổ, cũng chính nơi đây tôi
đã thực hiện được những điều tôi mong muốn: Công danh, sự nghiệp, của cải, tình
yêu… Cuối cùng, tôi tạ ơn Thiên Chúa vì cho tôi được làm con Ngài, chắc chắn nơi
cung lòng của Ngài tôi có một vị trí thật quan trọng.
Xin cám ơn Linh
mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy đã có những bài Thánh ca đượm sắc tâm tình. Vâng, chính
những bài Thánh ca đó đẵ có một phần hướng dẫn đời sống tâm linh của tôi đến bến
bờ bình yên trong yêu thương và tha thứ, đã giúp tôi trưởng thành trong đời sống
Đức Tin và biết tín thác trong tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.
Văn Duy Tùng