.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở Đầu

Chương 1: Về Chính Việc Mạc Khải 4*

Chương 2: Sự Lưu Truyền Mạc Khải Của Thiên Chúa 18*

Chương 3: Ơn Linh Hứng Thánh Kinh và Việc Giải Thích Thánh Kinh

Chương 4: Cựu Ước

Chương 5: Tân Ước 37

Chương 6: Thánh Kinh Trong Đời Sống Giáo Hội 42

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mạc Khải Của Thiên Chúa - Dei Verbum
Tác giả: CĐ Vatican II
CHƯƠNG 5: TÂN ƯỚC 37

17. Sự trổi vượt của Tân Ước

Trong các sách Tân Ước, Lời Thiên Chúa là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi mọi tín hữu (x. Rm 1,16), được trình bày và biểu dương sức mạnh cách trổi vượt. Thật vậy, khi đến thời viên mãn (x. Gl 4,4), Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta, đầy tràn ân sủng và chân lý (x. Ga 1,14). Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian; bằng việc làm và lời nói, Ngài đã biểu lộ Cha Ngài và chính Ngài ra; và khi chết, sống lại và lên trời vinh hiển, khi cử Thánh Thần đến, Ngài đã hoàn tất công việc của Ngài. Chính Ngài, là Đấng độc nhất có những lời ban sự sống đời đời, khi được nâng lên cao khỏi mặt đất (x. Ga 12,32, bản hy-lạp), Ngài đã kéo mọi người đến với mình (x. Ga 6,68). Nhưng mầu nhiệm này chưa bao giờ được tỏ cho các thế hệ khác biết, nay đã được mạc khải trong Thánh Thần cho các thánh Tông đồ và các Ngôn sứ của Ngài (x. Ep 3,4-6, bản hy-lạp) để họ rao giảng Phúc Âm, khơi động lòng tin vào Đức Giêsu, là Đấng Kitô và là Đức Chúa, và quy tụ Giáo Hội. Về những việc này, các sách Tân Ước vẫn còn nêu ra một bằng chứng trường tồn và thần linh. 38*

 

18. Các sách Phúc Âm bắt nguồn từ các tông đồ

Không ai không biết rằng trong tất cả các Sách Thánh, kể cả các sách Tân Ước, các sách Phúc Âm xứng đáng có địa vị trổi vượt, vì là chứng tích chính yếu về đời sống và giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Trong mọi thời và ở mọi nơi, Giáo Hội đã và vẫn quả quyết rằng bốn sách Phúc Âm bắt nguồn từ các Tông đồ 39*. Thật vậy, những điều mà theo lệnh truyền của Chúa Kitô, các Tông đồ rao giảng, sau này nhờ Chúa Thánh Thần linh hứng, chính các ngài và những người sống bên các ngài đã lưu truyền cho chúng ta bằng bản văn làm nền tảng đức tin: đó là Phúc Âm dưới bốn hình thức,  theo Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan1.

 

19. Tính lịch sử của các sách Phúc Âm 40*

Mẹ thánh Giáo Hội đã và vẫn còn bền bỉ quả quyết rằng bốn sách Phúc Âm nói trên, mà Giáo Hội không ngần ngại khẳng định lịch sử tính, trung thành lưu truyền những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thật sự đã làm và  đã dạy nhằm phần rỗi đời đời của họ, cho tới ngày Ngài được đưa lên trời (x. Cv 1,1-2). Thật vậy, sau khi Chúa lên trời, các Tông đồ đã truyền lại cho những người nghe những điều Ngài đã nói đã làm với sự thông hiểu đầy đủ hơn2 mà chính các ngài có nhờ học được từ các biến cố vinh hiển của Chúa Kitô và nhờ ánh sáng Thánh Thần Chân Lý3 dạy dỗ. Vậy các thánh sử đã viết bốn Phúc Âm: các ngài chọn một số trong nhiều điều đã được truyền lại bằng miệng hay đã được chép ra rồi, tóm tắt hoặc giải thích một số điều tuỳ theo tình trạng của các Giáo Hội, sau cùng các ngài vẫn giữ hình thức lời giảng, mà bao giờ cũng nhằm truyền đạt cho chúng ta những điều xác thực và chân thành về Chúa Giêsu4. Quả thế, dựa trên ký ức hay kỷ niệm riêng, hoặc dựa trên lời chứng của những người “từ đầu đã chứng kiến và phục vụ Lời Chúa”, các ngài đã viết ra với chủ ý giúp chúng ta am tường tính “xác thực” của những điều chúng ta đã được dạy dỗ (x. Lc 1,2-4).

 

20. Các sách khác trong Tân Ước

Ngoài bốn quyển Phúc Âm, thư quy Tân Ước còn gồm các thư thánh Phaolô và những bản văn khác thời các Tông đồ, đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Do ý định khôn ngoan của Thiên Chúa, các sách ấy xác nhận những gì liên hệ đến Chúa Kitô, trình bày ngày một rõ ràng hơn giáo huấn đích thật của Ngài, rao giảng sức mạnh cứu độ của công trình thần linh của Chúa Kitô, và tường thuật lại những bước đầu và sự bành trướng kỳ diệu cùng tiên báo sự hoàn tất vinh hiển của Giáo Hội. 41*

Thật thế, Chúa Giêsu đã ở bên các Tông đồ như Ngài đã hứa (x. Mt 28,20) và đã cử Thánh Thần Bảo Trợ đến để dẫn dắt các ngài đến chân lý vẹn toàn (x. Ga 16,13).

--------------------

37*– Trong Lược đồ thứ nhất, chương này hầu như có tính cách hoàn toàn biện giáo và tiêu cực. Sau đó, người ta soạn thảo lại theo một tinh thần cởi mở hơn. Nhưng thật sự, chương này hầu như chỉ bàn về các Phúc Âm.

38*– Bản văn này phát xuất từ bản thảo thứ ba. Câu thứ nhất được coi như luận đề mà cả số này trình bày. Theo tư tưởng của chương I, Tân Ước là chính Chúa Giêsu và công trình của Ngài. Trong khi hoàn tất Cựu Ước, Tân Ước mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như Người Cha. Bản văn không nói Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội (Giáo Hội xuất hiện vào thời các Tông đồ). Như thế người ta chấp nhận sự phân biệt giữa “Nước Chúa” và Giáo Hội (x. GH 5, 8). Hoạt động của Chúa Giêsu được đặt trong lịch sử và ngày nay vẫn còn thực hiện. Bản văn dùng động từ ở thì hiện tại: Ngài “kéo” thay vì “đã kéo” của Lược đồ trước. Tiếng “mầu nhiệm” chỉ Chúa Kitô và công trình của Ngài chứ không đúng y như nghĩa của Thánh Phaolô. Lưu ý mục đích truyền giáo của Mạc khải.

39*– Giá trị chứng tích của các sách Phúc Âm là thiết yếu đối với Giáo Hội. Nhưng trước kia cách thế bênh vực giá trị đó không được thích hợp cho lắm khi đặt nền tảng trên hai lý do: các thánh sử trung thực và thấu đáo vấn đề. Điều này buộc phải chứng minh rằng các ngài là Tông đồ hay môn đệ các Tông đồ; nhưng theo lịch sử, sự kiện đó không chắc chắn. Vì thế, bản văn bỏ qua vấn đề này. Cùng với Thánh Truyền, Công đồng xác nhận rằng các Phúc Âm “bắt nguồn từ các Tông đồ” và truyền lại cho chúng ta dưới hình thức “theo Mátthêu...” v.v... Nguồn gốc này là lời rao giảng hay Phúc Âm truyền khẩu. Mối liên lạc giữa lời rao giảng và Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần bảo đảm; nguồn mạch của Phúc Âm được rao giảng là chính Chúa Kitô.

40* – Lịch sử tính của các sách Phúc Âm là điểm quan trọng của Hiến chế. Lược đồ thứ nhất nặng tính cách bút chiến và kết án các lầm lạc  của những người nghi ngờ những câu chuyện thời thơ ấu và những cuộc hiện ra v.v… Thái độ này nghịch với tinh thần của Đức Gioan XXIII (x. AAS 54 (1962) 729) và giả thuyết một ý niệm về chân lý lịch sử nặng tính cách khoa học hơn là Thánh Kinh, như có thể tìm thấy nơi những văn kiện chính thức, ví dụ: “các bản văn phải tương xứng với những sự kiện đã xảy ra trong thực tế” (Tđ. Paraclitus, EB số 457). Nhưng khoa chú giải đã cũng minh chứng việc soạn thảo Phúc Âm rất phức tạp: phải lưu tâm đến những truyền thống khác nhau, những thích ứng trong khi rao giảng, vai trò của các cộng đoàn sơ khai v.v… Nhiều Nghị Phụ sợ rằng lịch sử tính sẽ lu mờ nếu lướt qua phương pháp “văn hình sử”. Các cuộc bàn cãi sôi nổi, kéo dài, và các Nghị Phụ đã xin Đức Giáo Hoàng can thiệp để tiếng “lịch sử” được giữ lại trong văn bản. Trong khi đó, để giúp giải quyết các vấn đề, Uỷ ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh đã phát hành một Huấn Thị về Phúc Âm (14-5-1964). Sau cùng bản văn được chấp thuận đã loại bỏ mọi nghi ngờ về lịch sử tính của Phúc Âm; đó là một chân lý mà Giáo Hội đã quả quyết bằng đức tin và lý trí (đã và đang quả quyết). Nhưng “lịch sử” trong Phúc Âm lại là một loại đặc biệt, phải xác định sau khi nghiên cứu văn loại của từng đoạn. Phúc Âm truyền đạt cho chúng ta “những điều chân thật và trung thực” về Chúa Giêsu; như thế nghĩa là: những điều chính thực không thay đổi; phải hiểu tiếng “điều chân thật” theo như đã nói ở số 11. Tóm lại, Phúc Âm không phải là một bản văn phúc trình về những biến cố đã qua, nhưng là một lời truyền bá những sự kiện quan hệ cho ơn cứu độ.

41*– Số này không bị thay đổi mấy. Nó xác quyết rằng, ngoài Phúc Âm, Tân Ước còn có nhiều bản văn khác, nhưng không nêu ra danh sách. Theo Công đồng, những bản văn này có nội dung:

a) thần học: dùng những lý chứng để xác quyết sứ mệnh của Chúa Kitô. Số này chấp nhận sự tiến triển nội tại của Tân Ước, đặc biệt trong Kitô học và Giáo Hội học.

b) giảng thuyết: lời rao giảng về Chúa Kitô.

c) lịch sử: Công vụ Tông đồ thuật lại những “bước đầu” của Giáo Hội; người ta đã dùng chữ “tổ chức” ở trong bản thảo trước.

d) tiên tri: loan báo ngày kết thúc (Khải huyền).

 

1 Xem T. IRÊNÊ, Adv. Haer III, 11, 8: PG 7, 885; SAGNARD, tr. 194.

2 Xem Ga 14,26; 16,13.

3 Xem Ga 2,22; 12,16; x. 14,26; 16,12-13; 7,39.

4 Xem Huấn thị Sancta Mater Ecclesia do UỶ BAN GIÁO HOÀNG VỀ CÁC NGHIÊN CỨU THÁNH KINH xuất bản: AAS 56 (1964), tr. 715.

Tác giả: CĐ Vatican II

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!