.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở Đầu

Chương 1: Về Chính Việc Mạc Khải 4*

Chương 2: Sự Lưu Truyền Mạc Khải Của Thiên Chúa 18*

Chương 3: Ơn Linh Hứng Thánh Kinh và Việc Giải Thích Thánh Kinh

Chương 4: Cựu Ước

Chương 5: Tân Ước 37

Chương 6: Thánh Kinh Trong Đời Sống Giáo Hội 42

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Mạc Khải Của Thiên Chúa - Dei Verbum
Tác giả: CĐ Vatican II
CHƯƠNG 4: CỰU ƯỚC

14. Lịch sử cứu độ trong các sách Cựu Ước

Thiên Chúa chí ái, vì ân cần dự định và chuẩn bị việc cứu độ toàn thể nhân loại, nên do một kế hoạch đặc biệt, đã tuyển chọn cho mình một dân tộc để trao gửi các lời hứa. Thật vậy, sau khi đã ký kết giao ước với Abraham (x. St 15,18) và với dân Israel qua trung gian Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và hành động mà mạc khải chính mình là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống cho dân Ngài đã thủ đắc riêng, nhờ đó Israel nghiệm thấy đâu là những đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, họ ngày càng thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu xa rõ ràng hơn, và đem phổ biến rộng rãi hơn nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17). Nhiệm cuôc cứu độ mà các thánh sử đã tiên báo, thuật lại và giải thích, còn tồn tại trong các sách Cựu Ước với tính cách là lời thật sự của Thiên Chúa. Vì vậy, các sách đã được Thiên Chúa linh hứng này vẫn giữ một giá trị trường cửu: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Thánh Kinh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). 34*

 

15. Tầm quan trọng của Cựu Ước đối với các ki-tô hữu

Nhiệm cuộc Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là để chuẩn bị và loan báo theo cách ngôn sứ (x. Lc 24,44; Ga 5,39; 1 Pr 1,10) và để chỉ ra bằng những hình bóng khác nhau (1 Cr 10,11) ngày quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài và của Vương Quốc của Đấng Mêsia. Tùy theo hoàn cảnh nhân loại trước thời Chúa Kitô thiết lập công cuộc cứu độ, các sách Cựu Ước bày tỏ cho mọi người biết Thiên Chúa và con người ta, cùng những cách thế mà Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người. Tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ, các sách ấy chứng tỏ khoa sư phạm đích thật của Thiên Chúa1. Do đó, các ki-tô hữu phải thành kính đón nhận các sách này: chúng diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta. 35*

 

16. Tính duy nhất giữa Cựu và Tân Ước

Vậy Thiên Chúa, Đấng linh hứng và tác giả các sách Cựu và Tân Ước, đã khôn ngoan xếp đặt cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ hiện trong Tân Ước2. Thật vậy, tuy Chúa Kitô đã thiết lập Giao Ước mới trong máu Ngài (x. Lc 22,20; 1 Cr 11,25), nhưng các sách Cựu Ước, đã được thâu dụng trọn vẹn trong lời rao giảng Phúc Âm3, thì đạt được và giãi bày đầy đủ ý nghĩa của mình trong Tân Ước (x. Mt 5,17; Lc 24,27; Rm 16,25-26; 2 Cr 3,14-16), và ngược lại, làm sáng tỏ và giải nghĩa Tân Ước. 36*

---------------

34*– Số này bàn về lịch sử cứu độ trong Cựu Ước,  xét như là cuốn sách và kế hoạch cứu dộ. Thiên Chúa đã phán qua các biến cố trong lịch sử dân Do-thái và qua các Ngôn sứ (nghĩa rộng): đã có Lời Chúa trước khi có sách, nhưng bây giờ Lời Chúa được tồn trữ trong sách. Nên lưu ý tới ý hướng của việc tuyển chọn dân Do-thái: phổ quát tính của ơn cứu độ. Cựu Ước gồm nhiều giai đoạn: giai đoạn các Tổ Phụ đánh dấu bằng lời hứa, giai đoạn Môsê thiết lập dân Chúa trong Giao Ước, giai đoạn Ngôn sứ trong đó Mạc khải được khai triển.

35*– Số này bàn về việc ki-tô hữu đọc Cựu Ước. Ba ý tưởng: tương quan giữa Cựu và Tân Ước, bản tính các sách Cựu Ước, giá trị của Cựu Ước đối với các ki-tô hữu. Chúa Kitô là ý nghĩa của Cựu Ước: của cả các biến cố cũng như các sách. Tất cả những gì xảy ra trước Chúa Kitô đều có mục đích chuẩn bị. Việc tuyển chọn dân Do-thái, lịch sử, văn hoá của dân này v.v… đều chuẩn bị chính con người, ngôn ngữ và tôn giáo của Chúa Kitô v.v… Bản văn nói đến những “khuôn mẫu”: không nên hiểu theo nghĩa kỹ thuật, nhưng theo ý là những biến cố quá khứ trở thành những “mẫu”, những “hình” của một biến cố tương lai nhờ đó những biến cố kia được trọn nghĩa. Việc liệt kê giá trị của Cựu Ước hơi lộn xộn. Bản văn nhắc đến tính cách tạm thời của Cựu Ước để đề phòng chống lại nền luân lý tiền Kitô giáo của dân Do-thái. Người ta nói đến “kho tàng kinh nguyện” để bênh vực các thánh vịnh, chống lại những người muốn loại bỏ thánh vịnh ra khỏi phụng vụ.

36*– Sự duy nhất của Cựu Ước và Tân Ước. Đoạn này bàn cách lẫn lộn về các sách vừa Tân Ước vừa Cựu Ước. Tân Ước đã thu gồm toàn thể Cựu Ước, ngoại trừ tính cách bất toàn và tạm thời. Như thế nghĩa là các sách Cựu Ước được sát nhập vào lời rao giảng Phúc Âm như thành phần của một Mạc khải duy nhất. Do đó, chúng hiện ở trong một ngữ cảnh mới, chúng đã được biến đổi vì đã đạt được ý nghĩa tối hậu. Nên lưu ý rằng không những Tân Ước soi sáng Cựu Ước, mà Cựu Ước còn giúp giải nghĩa Tân Ước, chẳng hạn phải hiểu Isaia Đệ Nhị dưới ánh sáng của thánh Phaolô và ngược lại.

 

1 PIÔ XI, Tđ. Mit brennender Sorge, 14-3-1937: AAS 29 (1927), tr. 151.

2 T. ÂUTINH, Quaest. In Hept. 2, 73: PL 34, 623.

3 T. IRÊNÊ, Adv. Haer. III, 21, 3: PG 7, 950 (= 25, 1: HARVEY, 2, tr. 115). – T. CYRILLÔ GIÊRUS., Catech. 4, 35: PG 33,497. – THÊÔĐÔRÔ MOPS., In Soph. 1, 4-6: PG 66, 452 D-453A.

Tác giả: CĐ Vatican II

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!