.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Đào sâu và thực hành đặc sủng và linh đạo dòng

Chương II : Củng cố những bước đầu phân định và sống ơn gọi

Chương II : (tiếp)

Chương III : Con đường sống thánh

Chương III : (tiếp)

Chương IV : Đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm

Chương V : Sống triển nở đời sống cộng đoàn, yếu tố sống còn của tu sĩ

Chương V : (tiếp)

Chương VI : Sống tốt đời sống độc thân thánh hiến trong bối cảnh hôm nay

Chương VI : (tiếp)

Chương VII : Sống viên mãn ba lời khấn dòng

Chương VII : (tiếp)

Chương VIII : Những thời khắc quyết định

Phụ lục I

Phụ Lục II

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Người Nữ Tu Sống Tu Đức Toàn Diện
Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss
CHƯƠNG VII : SỐNG VIÊN MÃN BA LỜI KHẤN DÒNG

A.   DẪN NHẬP TỔNG QUÁT

 

I. NỀN TẢNG THÁNH KINH

   CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

 

1. Vai trò của Thánh Kinh trong việc hiểu đời sống thánh hiến. Trong lời kêu gọi của vài môn đệ sau Phục ainh, Thánh Kinh đóng hai vai trò căn bản này:

  • Lời của Đấng Phục sinh sáng tạo những hình thức mới của con đường đồ đệ đi theo Thầy (discipleship) trong cộng đoàn của Ngài. Điều đó quá rõ ràng trong suốt dòng lịch sử của đời sống thánh hiến.
  • Thánh Kinh được sử dụng như nguồn linh hứng và chuẩn mực phê phán tính chính thống của những hình thức cụ thể của con đường đồ đệ đi theo Thầy.

 

2. Các đặc điểm của lời kêu gọi của Chúa ở trong Thánh Kinh:

  • Chúa kêu gọi trong cách thức cá nhân
  • Chúa có sáng kiến đi bước đầu
  • Chúa tín trung với những ai đã được kêu gọi
  • Chúa cung cấp cho chúng ta những ơn cần thiết để đáp trả lời kêu gọi của Ngài (Chúa ban khi Chúa truyền)
  • Chúng ta được kêu gọi để phản ánh trung thực đời sống giản dị của Chúa
  • Chúa coi trọng cái không là gì và bất xứng để hạ nhục những kẻ chỉ tin vào quyền lực và sự giàu có của họ.
  • Sứ vụ đòi hỏi phải vất vả, nhưng có sự hiện diện bảo đảm của Chúa.
  • Lời kêu gọi của Chúa sinh hoa kết trái trong một đời sống phục vụ.
  • Những ai đã đáp trả nhưng có sợ hãi và nghi ngờ, hãy ý thức về sự cao cả của sứ vụ và những yếu đuối của con người mình.

 

3. Năm phần của trình thuật ơn gọi

  • Giới thiệu (mạc khải) kèm theo cuộc đối thoại giữa Chúa và con người
  • Lời kêu gọi của Chúa
  • Phản bác của con người: xác nhận rằng lời kêu gọi đến từ Chúa, con người không tự kêu gọi mình.
  • Trả lời của Chúa: Chúa bảo đảm và ký nhận: “Ta sẽ ở với con”
  • Kết luận của con người: Con người chấp nhận lời kêu gọi của Chúa.

 

II. Ý NIỆM VỀ LỜI KHẤN DÒNG

 

            Từ thế kỷ 13, lời khấn Dòng gồm hai khía cạnh: Hứa trọng thể hay cam kết; Biệt riêng ra: hiến dâng chính mình cho Chúa, được Giáo Hội chúc lành và xác nhận.

 

Chúng ta tìm thấy gì về ý niệm này trong Thánh Kinh?

1. TRONG CỰU ƯỚC

a. Khảo sát đầu tiên: Lời khấn của Giacóp (St 20, 10-22); Lời khấn của Anna (1 Sm 1,1-28); Lời khấn của Giép-tê (Thủ lãnh 11). Hình thức: “Nếu Chúa… thì tôi…” trong bối cảnh có tính cách điều kiện

 

b. Khảo sát thứ hai

BERIT (“Lời Thề” trong tiếng Dothái): Một thỏa thuận giữa hai bên. Có hai thứ:

·        Berit (lời thề) đơn phương: một bên hứa, bên kia không phải làm gì lại, trừ việc tin và chấp nhận lời hứa ấy.

·        Berit song phương hay hỗ tương (giao ước): Cả hai bên đều hứa với nhau. Trường hợp thất bại không thực hiện được các điều kiện thì sự thỏa thuận bị bãi bỏ. Ví dụ: St 1,1 -2,4. Đâu là sự thỏa thuận giữa Thiên Chúa và nhân loại?

 

Đâu là những ví dụ khác của Giao Ước?

Lv 27; Dnl 12,6-12; 23,22-24: bàn về một lời khấn hứa: Vật để riêng ra; khấn hứa với chúa súc vật, hoa quả tiến dâng, đồng ruộng, đồ vật: tất cả những thứ này trở thành thánh thiêng và được sử dụng cho phượng tự.

 

            Ds 6,1-21: Lời thề Nazarite áp đặt một số thực hành: kiêng rượu; không cắt tóc; không đến gần xác chết. Trong tất cả những trường hợp này có: để riêng ra cho Chúa, thề hứa trọng thể, phải được chăm sóc.

 

2. TRONG TÂN ƯỚC

 

Trừ lời thề hứa của thánh Phaolô trong Cvtđ  21,23-26 (x. Cvtđ 18,18) thì Thề hứa không có chỗ trong Tân Ước: Tân Ước không nói tới danh từ Khấn Hứa.

Điều này mời gọi chúng ta tương đối hóa các lời thề hứa trong các khía cạnh thánh thiêng, hiến thánh, như một diễn tả đặc ân của đời sống thánh hiến.

 

Lk 1,67-79 bắt đầu với berit đơn phương và phát triển thành berit song phương. Thiên Chúa rõ ràng là người khởi xướng.

 

Lời khấn dòng là một tiến trình. Chúa nắm lấy tôi và tôi thưa “Con là của Chúa”: một đáp trả với Chúa, Đấng đã làm một lời thề hứa với tôi.

 

Lời thề hứa đó bao gồm Đức Tin: Tất cả những gì Chúa đòi hỏi chúng ta là chấp nhận và tin, chứ chúng ta không thể kiếm được hay xứng đáng với tình yêu của Chúa:

 

Ga 3,16-17: “Vì Chúa đã quá yêu thương thế gian…”; Thiên Chúa thầm thỉ với thế giới qua con người của Chúa Giêsu cái chữ  “TÌNH YÊU”; Điểm nhấn hùng hồn nhất của tình yêu đó là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết cho người mình yêu…”

 

Chúng ta được kêu gọi đáp trả trong Tình Yêu và Tự Do: Tình yêu đáp trả Tình yêu. Khấn hứa với Chúa là con đường tôi yêu Chúa trở lại: yêu thương lẫn nhau: “cứ dấu này mà các con được nhận biết là môn đệ của Thầy”; yêu thương kẻ thù của mình (một sự bắt chước Chúa Giêsu); đáp trả đích thực với Chúa: “con sẽ tự thánh hóa như Cha là thánh” (Mt 19:21): ý nghĩa của THÁNH HIẾN, nghĩa là làm cho nên thánh thiện.

 

 

 

 

III. Các LỜi Khuyên Phúc Âm                                                 tỪ viỄn Ảnh cỦa Giao ƯỚc

 

Đời sống thánh hiến có nền tảng trong Giao Ước. Thiên Chúa đã thiết lập tương quan và một Giao ước với toàn dân và tạo thành. Phần căn bản của Giao ước này là Giới răn yêu thương.

 

Đời sống thánh hiến nỗ lực sống giao ước và giới răn yêu thương này trong tình yêu độc thân thanh khiết, nghèo khó và vâng phục. Ba lời khuyên Phúc Âm diễn tả sự hiến dâng trọn vẹn cho Giao ước.

 

Đời sống thánh hiến là đời sống phù hợp với giao ước mới: Thanh khiết biểu lộ tình yêu với tất cả con tim của chúng ta; Vâng lời diễn tả tình yêu với tất cả linh hồn chúng ta; và Khó nghèo diễn tả tình yêu với tất cả sức lực của chúng ta. Nhưng phân tích cho đến cùng thì mọi sự đều qui về một lời khuyên và giới răn là TÌNH YÊU.

 

Các lời khuyên Phúc Âm phải được hiểu trong viễn ảnh ân sủng, chứ không phải từ chính nỗ lực của chúng ta. Thực hiện một lời khấn trước hết là một quà tặng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi lãnh nhận quà tặng đó và để Chúa Thánh Thần mang quà tặng ấy đến sinh hoa kết trái phong phú.

 

Đời sống thánh hiến được đồng nhất hóa với việc theo Chúa Kitô, bắt chước cách sống của Ngài. Nhưng đàng sau cái đó phải có kinh nghiệm về Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Chỉ những ai được cứu độ (những ai đã trải nghiệm ơn cứu độ) mới có thể theo gương Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần ban quyền cho được làm như vậy.

 

Ba lời khuyên Phúc Âm có liên quan đến và nghịch lại ba lời khuyên khác do thế gian là quyền lực, của cải và giới tính:

·        Vâng Phục mời gọi chúng ta từ bỏ quyền lực thế gian để trở nên người phục vụ của Tình Yêu, lắng nghe và hành động không áp bức người khác.

·        Khó Nghèo kêu mời chúng ta từ bỏ của cải thế gian để trở nên những người anh chị em nhỏ bé của Tình Yêu, trở nên một với những ai đang đau khổ, cầu nguyện và hành động cho sự giải phóng của họ.

·        Thanh Khiết mời gọi chúng ta từ bỏ khoái lạc thế gian để trở nên những người bạn của Tình Yêu, giúp người khác khám phá ra rằng họ đang được yêu và mời gọi họ yêu thương.

 

“TÔI KHẤN VỚI THIÊN CHÚA”

(khao khát, tìm kiếm, hiến dâng trọn vẹn cho Chúa)

 

Hiến dâng cho Chúa và Nước Chúa là một quà tặng của Chúa Thánh Thần, đồng thời là một cam kết tự do (chiều kích đặc sủng)

 

Điều này nhằm tin tưởng, đi theo và bắt chước Chúa Giêsu, trong tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa và tha nhân, “với trọn vẹn con tim (độc thân thanh khiết), với tất cả linh hồn (vâng phục), và với tất cả sức lực (khó nghèo)”, luôn trung thành với giao ước.

 

Điều này hàm ý: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa trong sự công chính của Nước ấy (chiều kích thần bí); Phục vụ Nước Thiên Chúa ở trong Giáo Hội và ở trong thế giới (chiều kích truyền giáo và chính trị); Thiết lập một cộng đoàn khác (thay thế) của Nước Thiên Chúa (chiều kích cộng đoàn); Làm dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (chiều kích biểu tượng và tiên tri) và Làm chứng tá cho giao ước mới với tạo thành mới (chiều kích sinh học, môi trường)

IV. GIỚI RĂN VÀ LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

 

Một người hoàn hảo/thánh thiện sống trong liên hệ với Chúa, kết nối với Chúa, trong khi không tách biệt với dân chúng mà vẫn là duy nhất/hoàn toàn khác với các giá trị của thế gian.

 

Ý niệm phổ biến của đời sống thánh hiến được tìm thấy trong Đức Ái Hoàn Hảo (Perfectae Caritatis) nói về việc theo đuổi sự hoàn thiện kitô, về “các lời khuyên Phúc Âm”

 

Giả thiết một phân biệt giữa các giới răn/qui tắc và các lời khuyên:

·        Giới răn/Qui tắc (cấp độ thứ nhất): cái bạn phải làm, ràng buộc bất cứ ai; bó buộc vì lợi ích của tất cả mọi người.

·        Lời khuyên Phúc Âm (cấp độ thứ nhì): Lợi ích phải giữ, nhưng không bắt buộc (tự ý chọn). Tự do được ân sủng trợ lực, được hứa một phần thưởng đặc biệt.

 

Đời sống thánh hiến hệ tại một sự tự bó buộc mình phải giữ những lời khuyên không bắt buộc thêm vào những qui tắc cần thiết. Phải chăng đó là sự phân biệt thực sự được tìm thấy trong Phúc Âm? Phải chăng thực sự có thể phân biệt giữa các qui tắc và các lời khuyên trong giáo huấn của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các Phúc Âm và các thư của các tông đồ?

 

Giới răn yêu thương, tâm điểm của luật cũ và luật mới: là đòi hỏi căn bản, cần thiết cho tất cả mọi người; là một qui tắc, nhưng không thể diễn dịch ra bằng công thức pháp lý với những giới hạn cố định của nó được. Nó cũng là một lời khuyên: người ta chọn sống yêu thương, nhưng vẫn sẽ luôn luôn còn xa với lý tưởng. 

Một cách nào đó, có thể lấy lời kêu gọi của người thanh niên giàu có trong Mt 19,16-22 để phân biệt giữa giới răn và lời khuyên. 

Các ý niệm về qui tắc và lời khuyên dựa trên một tiến trình pháp lý không áp dụng được cho các đòi hỏi Phúc Âm. Tất cả các lời khuyên đều bó buộc, nhưng không như một luật mà như hậu quả của việc một người sáp nhập vào Chúa Kitô: chọn lựa được thực hiện trong tự do. 

Đặt nền tảng các lời khuyên PA trên tự do là cái đặc trưng cho “luật mới”, một luật cho phép người môn đệ của Chúa Kitô được chọn con đường tốt hơn dẫn tới ơn cứu độ và đời sống hoàn hảo, chứ không bị bắt buộc phải làm như vậy.  

Mọi kitô hữu đều ở dưới luật của tự do do ân sủng và phấn đấu tìm kiếm ý Thiên Chúa và yêu mến Ngài hết sức mình có thể. “Luật Mới” không thêm gì vào luật luân lý của Cựu Ước (x. Rm 13,10; Gal 5,14). Cái “mới” trong “luật mới” chính là ân sủng hay quyền năng của Chúa Thánh Thần để sống phù hợp với giới răn yêu thương, đồng thời chia sẻ sứ mệnh của Chúa Giêsu là hiến dâng mạng sống vì phần rỗi của thế giới trong khi chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. 

Chỗ đứng của các lời khuyên Phúc Âm là ở trong vương quốc tình yêu của Thiên Chúa: Tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta trong Con của Ngài, và bởi tình yêu đó Ngài ban quyền cho chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, để chúng ta lại sống như Chúa Kitô và với Chúa Kitô.  

Giới Răn và Lời Khuyên cùng lúc: Bắt chước Chúa Kitô bằng cách uốn nắn đời mình như một hành động tình yêu là giới răn chung cho mọi kitô hữu. Giới răn này xuất hiện cho một kitô hữu trước tiên như một lời khuyên cá nhân, như một lời mời gọi khuyên nhủ và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Giới răn và lời khuyên này có thể được sống chỉ nhờ vào ân sủng. 

Tính duy nhất và bình đẳng của con đường kitô: Mọi người đã chịu phép Rửa Tội đều phải vượt quá các qui tắc đạo đức của các giới răn nhờ việc rộng mở cho lời mời gọi muôn thuở của Thiên Chúa, hầu làm việc cho phần rỗi của mình. 

Con đường của người kitô hữu là con đường của Tám Mối Phúc Thật, chứ không phải là con đường của các giới răn.  

Cái cốt yếu của đời sống thánh hiến không còn là lời khấn (chỉ nhìn hạn hẹp về mặt pháp lý) hay là các lời khuyên Phúc Âm (nếu chỉ hiểu chủ yếu theo nghĩa khổ hạnh). Nền tảng của Phúc Âm là việc bắt chước Chúa Kitô, đồng thời chia sẻ con đường và thân phận, công việc rao giảng và cứu độ của Ngài. Chính từ viễn ảnh này mà ba lời khuyên PA đã được nhìn thấy.  

Luật căn bản của đời sống thánh hiến là luật của tình anh em và tình chị em. Luật này chỉ được thực thi ở trong các cộng đoàn với qui mô có thể điều hành được. 

Các tu sĩ phải sống giữa lòng thế giới. Họ phải sẻ chia thân phận của những ai sống trong thế giới và cùng giao hảo với họ.

 

 

V. Ý NIỆM VỀ SỰ THÁNH THIỆN TU SĨ

 

Là thánh thiện nghĩa là gì? Sống hẳn hoi về mặt luân lý đã đủ chưa? (x. Lk 18,9-14: người pharisiêu và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện). 

Phải chăng các tu sĩ là tốt hơn những người tín hữu kitô khác vì họ sống theo các lời khuyên Phúc Âm? Phải chăng các giới răn thì nói với tất cả mọi người, còn các lời khuyên Phúc Âm thì chỉ nói với một số ít linh hồn được tuyển chọn? Phải chăng chỉ có ba lời khuyên Phúc Âm thôi hay còn nhiều nữa? 

Sự thánh thiện kitô không phải chủ yếu ở sự hoàn hảo luân lý và những nhân đức nhân bản anh hùng, nhưng chủ yếu và trong ý nghĩa sâu xa nhất là vinh quang và tình yêu Thiên Chúa ban cho những người được cứu chuộc, mà không cần đến bất cứ công nghiệp nào về phía họ (x. Roma và Galat) 

Chỉ một mình Thiên Chúa là thánh: Ngài chính là sự thánh thiện (1 Sm 2,2). Chúa Kitô là thánh trong cả thần tính và nhân tính của Ngài: Ngài là Đấng Thánh duy nhất của Thiên Chúa (x. Ga 6,69) 

Sự thánh thiện của chúng ta là một sẻ chia của sự thánh thiện của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô là « sự thánh hóa » của chúng ta (1 Cor 1,30). « Từ sự sung mãn của Ngài mà chúng ta đã lãnh nhận tất cả, hết ơn này đến ơn khác » (Ga 1,16) 

Những ai được Thiên Chúa kêu gọi đến sự thánh thiện không trực tiếp nhận lãnh sự thánh thiện của Chúa Kitô, duy chỉ trong cuộc gặp gỡ tư riêng giữa hai nhân vị, nhưng là nhận lãnh ở trong Giáo Hội (là cộng đoàn của Dân Chúa). Cùng với Giáo Hội và ở trong Giáo Hội, mỗi kitô hữu đứng trước mặt Thiên Chúa, « một mình Ngài là thánh » 

Tất cả mọi người đều được kêu gọi đến sự thánh thiện, nói cụ thể là tình yêu trọn hảo, hay chính xác hơn là lòng nhân hậu trọn hảo đối với các cận nhân của mình (x. Mat 5,48; Lk 6,36). Đó là tình yêu hoàn toàn vượt quá sức lực của chúng ta, vì thế chúng ta chỉ có thể đạt được nhờ sự giúp đỡ của ân sủng Chúa. Ân sủng này là ơn thánh hóa cho nên công chính. Ơn này biến đổi một con người, kết hợp người đó với Chúa Kitô, làm cho người đó nên một người con của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, được sẻ chia trong bản tính thần linh (sự sống, sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa : 2 P 1,4). Đức Tin và Phép Rửa Tội là điều kiện tiên quyết và là nguyên nhân dụng cụ của sự thánh hóa này.

 

VI. NỀN TU ĐỨC KITÔ CĂN BẢN

 

Con đường đưa một tín hữu đến ơn cứu độ tùy thuộc cách sâu xa nhất vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự thúc đẩy của ân sủng Ngài. 

Vì thế, trong mọi lúc và ở mọi tình huống cuộc sống, người tín hữu phải lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần tỏ cho biết ý của Thiên Chúa cho mình và vâng theo. Sự vâng lời này là cái mà Phúc Âm gọi là tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong chân lý (x. Ga 4,23), và có nghĩa là tuyệt đối mở lòng ra cho Chúa và tuyệt đối ngoan ngoãn với Ngài. 

Đi theo con đường nên thánh này có nghĩa là đi theo Chúa Kitô nghèo khó và khiêm nhường vác lấy Thập giá. Trên con đường này, nhiệm vụ chính của người kitô hữu là có một đức tin sống động khơi nguồn hy vọng và hành động với tình yêu. 

Theo LG 42, Tình Yêu = Bác Ái là quà tặng đầu tiên và rất cần thiết được biểu lộ ra bằng:  Tử đạo, Trinh khiết, Khó nghèo và Vâng lời.

 

Theo 1 Cor 12,1-14,40, Tình Yêu = Bác Ái là quà tặng đầu tiên và hết sức cần thiết. Các đặc sủng luôn liên hệ tới tình yêu = bác ái :

·        đặc sủng thuyết giáo : tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, thánh sử và khuyên bảo, linh hứng, xuất thần, nói các thứ tiếng và những đường lối khác để tuyên xưng đức tin.

·        đặc sủng phục vụ bác ái : Phó tế, người chăm sóc bệnh nhân, bố thí, giúp đỡ cô nhi góa phụ. Chữa bệnh, trừ quỷ và các kiểu giúp đỡ khác.

·        đặc sủng cai quản : các chủ chăn (Giám mục, linh mục).

 

 

VII. BỐn cỘt trỤ chỐNg ĐỠ Ba LỜi KhẤn DÒng: ChÚa GiÊsu, PhÚc Âm, CỘng ĐOÀN vÀ chỨng tÁ sỨ vỤ truYỀn giÁo

 

1. Cột trụ thứ nhất: CHÚA GIÊSU

 

            Đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu và theo sát dấu chân của Ngài: Chúa Giêsu là trung tâm của Nước Trời và như chính Nước Trời. Chúa Giêsu là diễn tả tình yêu của Chúa Cha (Mk 10,45; Ga 15,9). Chỉ Chúa Giêsu là Chủ, là người lãnh đạo (Mt 23,8-10), là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên (Ga 10, 1-18). Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa: “Các con gọi Ta là Thầy là Chúa, và quả đúng như vậy”  (Ga 13,13-14)

 

Để suy tư và chia sẻ: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Đâu là hình ảnh tôi có về Ngài? Đâu là hình ảnh Thánh Kinh về Chúa Giêsu có ý nghĩa nhất cho tôi trong cuộc sống và ơn gọi của tôi bây giờ? Hình ảnh tôi có về Chúa Giêsu có thay đổi theo năm tháng trải qua những kinh nghiệm sống đa dạng của tôi không?

 

Mỗi người môn đệ đều được gọi từ trong hoàn cảnh đặc biệt và đường lối riêng của mình để: ở với Chúa Giêsu (Mk 3,13); đi theo Chúa Giêsu (Mk 1,17); Chúa Giêsu ở đâu thì ở đó với Ngài (Ga 12,26); Khẳng định Chúa Giêsu là cuộc sống của mình (Gal 2,20); ở lại trong Chúa Giêsu và trong tình yêu của Ngài (Ga 15,4.9), với đôi mắt luôn chăm nhìn vào Ngài (Dt 12,2): Tư thế chiêm niệm của người đồ đệ. 

Tư thế chiêm niệm này và tất cả sự gắn bó với Chúa Giêsu làm cho người đồ đệ có khả năng sống một đời sống từ bỏ vì Nước Trời (Mk 8,34; 9,1; Mt 10,37-39)

 

Sự ưu tiên tuyệt đối cho Chúa Giêsu sẻ đòi hỏi người đồ đệ rời bỏ gia đình, của cải và địa vị (Mt 10,24), vài quyết định quyết liệt (Mk 9,43-47), kể cả bách hại và cái chết (Mt 24,9). 

Cường lực cánh chung phù hợp với cột trụ này: chưa phải là một thực tại, mới là cái nhìn thoáng thấy trong điều kiện tốt nhất, nhưng là một trông đợi, một nỗ lực đi gấp đến ngày của Chúa (2 Pt 3,12); mời gọi chúng ta tỉnh thức (1 Pt 2,11); ra ngoài (Dt 13,12-14), hành trình; thuộc về một cộng đoàn đang được hình thành để chúng ta hợp tiếng kêu lên “Maranatha, lạy Chúa Giêsu xin hãy đến!” (Kh 22,17-20).

 

          2. Cột trụ thứ hai: PHÚC ÂM

 

            Phúc Âm như là Sứ điệp được chuẩn bị bởi lịch sử dân Israel, được rao giảng đầy đủ bởi Chúa Giêsu và được vang vọng trong lời giảng của các tông đồ, mà Nội dung là sự ngự đến của Nước Trời của Chúa Giêsu. Nhân loại cần phải nhận ra sứ điệp và nội dung đó.

            a. Tin Mừng đã được chuẩn bị bởi lịch sử dân Israel: con người không thể kiện toàn chính mình, cứu độ chính mình bởi sức riêng mình. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng con người vốn xấu Mt 7,11), nguồn gốc sự dữ ở trong lòng con người (Mk 7,21-23), và cả khi con người đã làm tất cả những gì có thể làm thì đối với chủ của mình, con người vẫn là một “tôi tớ vô dụng” (Lk 17,7-10). 

            Thánh Gioan cũng nói đến một điểm tương tự: nói rằng mình không có tội là bảo Thiên Chúa là một kẻ nói dối (1 Ga 1,8-10). Thánh Phaolô cũng nói đến trong giáo thuyết về sự công chính hóa nhờ đức tin của ngài. Quả thật, Thiên Chúa đã biểu lộ sự chấp nhận vô điều kiện của Ngài đối với những người nghèo hèn, chống đối, bất lực, tội lỗi, thù nghịch và ban cách nhưng không cho họ ơn cứu rỗi của Ngài (ở bình diện cá nhân cũng như toàn thể nhân loại).

 

      b. Tin Mừng được rao giảng đầy đủ bởi Chúa Giêsu: sự bất lực căn để của con người và Tình thương nhân hậu của Thiên Chúa. Thiên Chúa cứu độ không vì lý do nào khác ngoài Chính Ngài (Mt 5,43-48). Chính trên nền móng nghèo hèn này của nhân loại mà mầu nhiệm của Thiên Chúa “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16). Ngài đã không tha chính Con của Ngài (Rm 8,32), nhưng “ã ban chính người Con đó cho thế gian (Ga 3,16).

 

Phúc Âm gợi lên hai động thái nội tâm:

·        Tỏ lòng thán phục trước Phúc Âm, diễn tả trong ca ngợi và tạ ơn vì niềm vui vừa khám phá được.

·        Chăm chỉ lắng nghe hay Vâng phục Phúc Âm (Rm 10,16) dẫn đến sự Hoán Cải của con người, một sự thay đổi con tim và đức tin vào tin mừng (Mk 1,15), trong bối cảnh một cá nhân, cộng đoàn và hoàn cảnh lịch sử [đó là ý nghĩa Thánh Kinh sâu xa nhất của từ ngữ Vâng phục]

c. Tin Mừng được vọng lại trong lời giảng của các tông đồ. Thí dụ về kinh nghiệm hoán cải: CVTđ 16,11-15.

 

Vâng phục Phúc Âm trở thành kỳ vọng, trung tín, kiên vững (tầm quan trọng của tất cả những đề tài này rất được biết đến trong lời giảng của Chúa Giêsu). 

Đời sống thánh hiến không thể tồn tại nếu không qui chiếu vào Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Chính là qua Phúc Âm mà chúng ta biết được Chúa Giêsu và sứ vụ của Ngài. Chính nhờ Phúc Âm mà chúng ta chiêm ngắm mỗi ngày trong cầu nguyện và phụng vụ để tương quan của chúng ta với Chúa Kitô Phục sinh được đào sâu.

 

Như thế, hai cột trụ Chúa Giêsu và Phúc Âm nối kết chặt chẽ với nhau.

 

3. Cột trụ thứ ba: CỘNG ĐOÀN

 

Quan điểm Dothái-Kitô giáo về đức tin và đời sống kitô là căn bản có tính cách cộng đoàn. Đó là cộng đoàn tu, khởi đầu với hình thức tu đạo rất gần gũi với việc thực hiện lý tưởng cộng đồng của Tân Ước, như được tìm thấy trong các đoạn Thánh Kinh sau đây:

·        Mt 18

·        Cvtđ 2,42-44; 4,32-34

·        1 Cor 12,4-30

 

a. Bản chất: Cộng đoàn tự nó được hiểu như Giáo Hội, một kết quả của một cuộc triệu tập của tiếng gọi thần linh nhằm thiết lập một sự tụ họp. Cuộc tụ họp này bao gồm: sự đa dạng của các ân ban, ơn gọi, phận vụ, và nhiều sự bổ túc đa dạng; một thân mình duy nhất mà cấu trúc là chính Chúa Kitô và tính năng động của đời sống và Thần Khí của Ngài (1 Cor 12). Nguồn gốc của cộng đoàn và kiểu mẫu của hiệp nhất là sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con (Ga 17, 21-22) sống trong một không gian cụ thể, toàn thể mầu nhiệm về Giáo Hội.

 

b. Các nhiệm vụ chính yếu: Trở nên một cộng đoàn lắng nghe và vâng phục; cuộc tụ tập được thực hiện khi ở giữa nó vang lên Lời Chúa và lời dạy của các tông đồ trong viễn ảnh giao ước mới (CVtđ 2,42); Trở nên một cộng đoàn tuyên tín khi hồi tưởng và cử hành việc “tưởng niệm” các kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử Israel và của Chúa Giêsu. Đó là một tập hợp để tạ ơn (Thánh Thể) và ca ngợi được hiện tại hóa bằng việc lắng nghe và tuyên xưng cái gì đó về lý tưởng của cộng đoàn đầu tiên.

 

c. Luật nền tảng: “Hãy yêu thương cận nhân như chính mình” (Mk 12,28-34; Rm 13,8-10): Việc thực hành hiệu quả luật nền tảng này phân biệt rõ các môn đệ của Chúa Giêsu (Ga 13,34-35), bao gồm những việc phục vụ cụ thể sẽ được đền đáp (Mk 9,41; 1Ga 3,17-18), nâng đỡ lẫn nhau (Eph 4,2), yêu thương kẻ thù (Mt 5,43-48; Rm 12,20), không xét đoán (Mt 7, 1-2; Rm 14,4-10), luôn luôn tha thứ (Mt 6,14-15; Col 3,13; Eph 4,32)

 

Nhờ đó mà sống thấm đậm vừa tình người vừa tình kitô, ở đó có sự hiện diện của chính Chúa (Mt 18,20) và của Thần Khí của Ngài (Rm 5,5). Do đó, đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn là thiết yếu.

 

            d. Các cơ cấu: Vì là nhiều nên cần có: những dịch vụ phối hợp, lãnh đạo để tạo dễ dàng, khích lệ, nâng đỡ Sứ Vụ trong các hình thức đa dạng của các hoạt động tông đồ (1 Th 5,12; 1 Cor 16,16; Dt 13,17); sự bình đẳng huynh đệ của mọi thành viên (Mt 23,8-12; 18,1-4,10). Vâng phục là ưu tiên đối với chương trình của Chúa, bao gồm sự chấp nhận kẻ khác trong sự khác biệt và tự do của họ, ý muốn làm vui lòng họ (Rm 15,2) và giúp đỡ phục vụ lẫn nhau trong tình thương (Gal 5,13).

 

Cộng đoàn kitô (Giáo Hội) dựa trên 1 Cor 12,28:

·        Các Tông đồ:

·        kế vị: các giám mục

·        tình trạng: thẩm quyền Giáo Hội

·        phận vụ: giáo thuyết vững chắc dựa trên tông truyền, chủ sự Phụng vụ và ban hành các bí tích, bảo đảm sự duy nhất trong xác tín liên quan đến đức tin và luân lý,

·        những mối nguy hiểm: hấp thụ các sứ vụ đặc sủng vào trong phận vụ giáo sĩ, trở nên đình trệ trong các hình thức/đường lối truyền thống và kết thúc ở tệ quan liêu.

 

·        Các Tiên tri:

·        kế vị: các tiên tri cá biệt, các nhóm cơ cấu (cộng đoàn tu sĩ)

·        tình trạng: sứ vụ đặc sủng

·        phận vụ: biện phân ý Chúa cho Giáo Hội hôm nay, đọc ra các thời triệu; giới thiệu kiểu mẫu mới của những người theo Chúa Kitô trong các tình huống mới của xã hội, chính trị và kinh tế; đóng vai trò chỉnh sửa về khuynh hướng quá ham tiện nghi trong Giáo Hội.

·        những mối nguy hiểm: không muốn để mình chịu thử thách và thử nghiệm bởi thẩm quyền Giáo Hội; quên đi rằng sứ vụ này nhằm phục vụ hạnh phúc của toàn thể Giáo Hội chứ không phải để độc tài.

 

 

·        Các Thầy dạy:

·        kế vị: các nhà thần học

·        tình trạng: sứ vụ đặc sủng

·        phận vụ: trách nhiệm về sự đi qua của truyền thống giáo lý và Lời Chúa; chú giải truyền thống bằng cách cung cấp kiểu mẫu mới cho việc chú giải.

·        những mối nguy hiểm: trở thành cái loa của hệ thống phẩm trật; tự phụ là phận vụ giảng dạy chính thức của Giáo Hội.

 

e. Dụng cụ chia sẻ (Cvtđ 2,44; 4,32) bao gồm: Từ bỏ của cải vì cộng đoàn và vì lợi ích của sứ vụ, do đó không ai phải bần cùng (Cvtđ 4,34); Lời của Chúa Giêsu cho mọi tín hữu được thực hiện (Mk 10,21); Đặt niềm tin không đúng vào của cải vật chất là nguyên nhân của lo âu/ bận tâm (Mk 6,25-34), lừa dối/quyến dũ (Mk 4,19), một kho tàng giả (Mt 6,19-21); Bổn phận giải phóng người nghèo cũng là nhiệm vụ của người môn đệ (bao gồm cả việc chia sẻ với người nghèo).

 

f. Đời sống độc thân và cộng đoàn: Từ bỏ hôn nhân vì Nước Trời là động lực tu trì (Mt 19,10-12; 1Cor 7,25-35). Sự thân mật với Chúa Giêsu tràn xuống trên các mối tương quan của mỗi thành viên trong cộng đoàn và trong sứ vụ.

 

          4. Cột trụ thứ tư: CHỨNG TÁ / SỨ VỤ

 

Sứ vụ tông đồ kết nối với sự kế nhiệm tông đồ (những người kế vị các tông đồ và các cộng sự viên của họ: các tu sĩ chỉ nhận lãnh sứ vụ tông đồ trong một đường lối chung chung). Lời cầu nguyện như mối liên hệ thường xuyên với Chúa Giêsu là thiết yếu cho cam kết và sứ vụ của mỗi người.

 

 

Sống chết cho sứ vụ là thái độ Lắng Nghe và Đối Thoại của chúng ta, không phải chỉ cho các cá nhân, mà là cho các nền văn hóa và tôn giáo, như Chúa Giêsu đã chỉ trong cuộc gặp gỡ với người bà Samaritana (Ga 4,1-41). Chúa Giêsu nhận ra trong những người xứ Samaria sự hiện diện của các giá trị văn hóa khả dĩ làm cho họ mở lòng ra với Tin Mừng. Vì thế, chúng ta được kêu gọi phát huy thái độ căn bản này trong sứ vụ tông đồ của chúng ta.

 

Thái độ của chúng ta phải là thái độ của Chúa Kitô, Đấng đã tự làm cho mình ra không khỏi thần tính để trở nên giống mỗi người trong chúng ta (Phil 2,5tt), để liên đới với nhân loại (thái độ căn bản cần thiết cho cột trụ thứ tư này).

 

Lắng Nghe, Đối Thoại, Hiện Diện và Liên Đới là những chiều kích quan trọng của Sứ Vụ và Chứng Tá.

 

5. Nhận định Tổng quát

a. Ba Phương Hướng giải thích/áp dụng Các Hình Thức Cam Kết và Dâng Hiến:

Sứ Vụ căn bản của cộng đoàn là: Có mặt cụ thể ở giữa lòng Giáo Hội và thế giới; Sống như những môn đệ của Chúa Giêsu giống như cộng đoàn của Công vụ tông đồ hoặc giống chính Chúa Giêsu ở Nazareth; Tìm kiếm Thiên Chúa, rao giảng và cử hành Phúc Âm và quyền năng của Phúc Âm qua đời sống và lời nói, yêu thương lẫn nhau, chỉ có một con tim/một linh hồn, tiếp đón và phục vụ tất cả mọi người, đó là CHỨNG TÁ mà cộng đoàn đã được kêu gọi thực hiện. Đó là sứ vụ của cộng đoàn (Ga 13,35), để làm vinh danh Chúa vì ánh sáng đó đã được đặt ở trên giá đèn (Mt 5,14-16) 

Thừa tác vụ: Việc phục vụ của linh mục là trung tâm. Sứ vụ được thấy rõ trong việc được sai đi và được ủy thác của các môn đệ hầu rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Sứ vụ của các môn đệ là loan báo việc Nước Trời sắp đến và sự hoán cải cần thiết; chỉ bảo cho cuộc hành trình và lời hứa sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần trong cơn bắt bớ (Mt 10; 1 Cor 9,16; 1 Cor 2,2). 

Phục vụ bác ái: Thích hợp hơn cho giới phụ nữ, đặc biệt các Hội Dòng được sinh ra trong thời đại mới. Nhiệm vụ là: Phục vụ những người nhỏ bé nhất ở giữa cộng đoàn của mình (Mt 25,34-46); Qui tụ họ lại, chăm sóc họ, đào tạo họ, nghĩa là thực thi tình yêu thương hữu hiệu (1 Ga 3,17; Gc 7,14-17), “viếng thăm cô nhi quả phụ” (Gc 1,27). Trong phương hướng này, chúng ta tìm thấy tất cả các dịch vụ giáo dục, từ thiện, y tế, đồng thời hiện diện giữa những người nhỏ bé và nghèo hèn, cả những đấu tranh cho công bằng và thăng tiến nhân phẩm.

 

            b. Kết luận

Bản thiết kế được trình bày qua cấu trúc “chỗ cư ngụ” cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về đời sống thánh hiến. Không còn phải là ba lời khấn Dòng đứng ở trung tâm, nhưng là bốn cột trụ: Việc đi theo Chúa Giêsu, Phúc Âm, Cộng đoàn và Chứng tá / Truyền giáo. Kết cấu này đi theo một logic của đời sống dựa trên nhiều bản văn Thánh Kinh. 

Đây là chiều kích hàng dọc: tương quan của chúng ta với Thiên Chúa siêu việt nhập thể nơi Chúa Giêsu. Chúng ta không thể nói về đời sống thánh hiến mà không đặt ưu tiên cho chiều kích hàng dọc này, vốn là cái định nghĩa cho đời sống thánh hiến. 

Cột trụ “Cộng đoàn” bao gồm chiều kích tương quan liên nhân vị, cũng như chiều kích kinh tế (của cải vật chất), chính trị (cộng đoàn và quyền bính) và các khía cạnh giới tính (độc thân thánh hiến) như được sống trong một nền văn hóa đặc thù. 

Sứ vụ truyền giáo quan tâm đến tương quan tương thuộc của chúng ta với Giáo Hội và thế giới. Hai cột trụ sau cùng này mô tả chiều kích hàng ngang của đời sống thánh hiến, là cái đưa chúng ta hội nhập vào trong một thực tại cụ thể của thế giới. 

Các giá trị phù hợp với ba lời khấn không vắng bóng trong bản thiết kế này. Thực ra cả ba lời khấn đều hội nhập trong đó, nhưng tùy theo một thế quân bình khác, hơn kém và được biến đổi cho những giá trị trọng tâm hơn, đặc biệt liên quan đến đức vâng lời (không còn là ‘tùng phục’ nữa, mà là ‘vâng phục phúc âm thực sự’)  

Bản thiết kế này điều chỉnh một số quan điểm thu gọn và làm sáng tỏ ý nghĩa và vai trò việc hiến dâng của chúng ta. Nền tảng Phúc âm của đời sống thánh hiến không khác nền tảng phúc âm của tất cả mọi cuộc sống kitô. Chính là sự  chọn lựa lối sống làm nên sự khác biệt.

Tác giả Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!