.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I: Hội chứng tự kỷ

Chương II : Những sinh hoạt chính yếu của con người

Chương III : Trí Thông Minh Xã Hội

Chương IV : Những Cơ Sở Thần Kinh của Trí Thông Minh Xã Hội

Chương V: Bẩm Sinh và Môi Trường Giáo Dục

Chương VI : Hai bộ mặt « Bóng tối và Ánh sáng »…trong mỗi quan hệ đối tác xã hội

Lời Nói Cuối : Tư Duy Cấu Trúc trong lãnh vực Giáo dục

Phụ Trương I : Xây dựng Quan Hệ Đồng Cảm và Bao Dung với trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ

Phụ Trương II: Những bài học từ dễ đến khó Trong Chương Trình CAN THIỆP SỚM

Phụ Trương III: Phát Huy « Tư Duy không lời » nơi trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ…

Phụ Trương IV: Để giúp trẻ em có « nguy cơ Tự Kỷ » sử dụng và phát huy Ngôn Ngữ

Phụ trương V : Bốn con “Yêu Tinh”… Trên mọi nẻo đường của Đất Nước

Phụ Trương VI : Xây dựng lòng tự tin nơi con cái dưới 6 tuổi

Phụ Trương VII : Tâm sự của Ông Lái Đò…

Thay lời kết luận

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG IV : NHỮNG CƠ SỞ THẦN KINH CỦA TRÍ THÔNG MINH XÃ HỘI

Trong ý hướng phát huy và tạo quan hệ đồng cảm và đồng hành với kẻ khác, chúng ta cần lần lượt thực thi một trong 8 động tác thuộc trí thông minh xã hội, như đã được trình bày trong chương vừa qua:

   - Bốn động tác 1-4 nhằm phát huy ý thức về con người có tính xã hội của chúng ta

·        Đồng cảm sơ khởi (hay là Đồng cảm vô thức, tự phát),

·        Hòa ứng với mức độ xúc động của kẻ khác.

·        Đồng cảm chính xác (hay là Đồng cảm có ý thức),

·        Hiểu biết về qui luật và cách tổ chức của đời sống xã hội.

   - Bốn động tác 5-8 nhằm phát huy quan hệ trao đổi qua lại của chúng ta với những người cùng chung sống trong môi trường xã hội

·        Đồng nhịp và đồng điệu,

·        Diễn tả quan điểm và nhu cầu có mặt trong Nội tâm, nhằm khẳng định con người của mình,

·        Tạo điều kiện thuận lợi và giúp kẻ khác diễn đạt phần tinh túy của bản thân (Tạo ảnh hưởng hay là Lãnh đạo chiều ngang),

·        Nhìn nhận và tôn trọng giá trị của người khác đang chung sống với chúng ta, cũng như tìm cách đáp ứng một cách thành tâm và hữu hiệu, những nhu cầu cơ bản và chính đáng của họ.

Chính lúc vận dụng trí thông minh xã hội, với những bước đi lên như vậy, chúng ta đang chủ động thiết lập, củng cố và làm động chuyển nhiều đường dây thần kinh khác nhau, thuộc hệ thống não bộ của chúng ta.

Trước năm 1995, những lời khẳng định như vậy, có lẽ đã tức khắc bị đánh giá là những phát biểu mang tính chất hoang tưởng, bịa đặt, cường điệu và khoác lác.

Thế nhưng, ngày nay, với những dụng cụ quan sát và ghi nhận, mang tên là fMRI (functional Magnetic Resonance Imaging), các nhà khoa học chuyên môn nghiên cứu về não bộ, có thể trình chiếu lên trên một màn ảnh, những tín hiệu được thắp sáng lên, và đang di động từ vùng nầy qua vùng khác. Hẳn thực, mỗi lần chúng ta thay đổi hình thức hoạt động  – ví dụ từ lo sợ chuyển qua sinh hoạt chú ý, đánh giá…- máy quan sát fMRI cho phép chúng ta ghi nhận những tín hiệu có liên hệ đến những hiện tượng thay đổi trong nhiều đường dây thần kinh khác nhau của não bộ. Một cách cụ thể, dựa vào những tín hiệu đang được thắp sáng lên và di chuyển, chúng ta có thể phát hiện 2 điều: Thứ nhất, những hiện tượng thay đổi ấy bắt đầu xuất phát từ vị trí nào trong não bộ? Thứ hai, những hiện tượng ấy di động, hay là đưa thoi qua lại, từ vùng nào đến vùng nào?

Trong khuôn khổ hạn hẹp của một chương sách này, tôi chỉ chọn lọc và nhấn mạnh một vài điểm chính yếu sau đây:

1.- Ba Vùng sinh hoạt khác nhau của Não bộ,

2.- Hai đại lộ thần kinh ở phía trên và ở phía dưới,

3.- Hai loại tế bào thần kinh đặc biệt, có mặt trong các đường dây liên lạc: Tế bào phản chiếu hay là phản ảnh (mirror neurons) và tế bào hình con suốt (spindle cells),

4.- Một số sinh hoạt và bài học đặc biệt phát xuất từ những cấu trúc và trung tâm khác nhau của Não bộ.

 

                                                ***

1.- Ba cấu trúc khác nhau của Não bộ

Qua bao nhiêu giai đoạn và quá trình tiến hóa, Não bộ hiện tại của con người bao gồm ba tầng lớp hay là ba cấu trúc khác nhau:

-         Cấu trúc thứ nhất là Thân Não có phần vụ điều hướng và điều hợp những sinh hoạt tự động thuộc hai hệ thống giao cảm và đối giao cảm. Thân Não đã có mặt nơi loài bò sát. Vì thế, Thân Não còn được gọi là Não bộ của loài bò sát.

-         Cấu trúc thứ hai là Hệ Viền, còn mang một tên khác là Trung Não, đặc trách về đời sống xúc động. Hệ Viền đã có mặt nơi các động vật thuộc loài có vú.

-         Cấu trúc thứ ba là Tân Vỏ Não -  bao gồm 4 loại Thùy khác nhau: Thùy Trán, Thùy Đỉnh, Thùy Chẫm và Thùy Thái Dương -  đặc trách về đời sống tư duy và ý thức. Một cách đặc biệt, Thùy Trán là Trung tâm có chức năng hoạch định và điều hành tất cả mọi sinh hoạt trong toàn diện cơ thể. Tân Vỏ Não đã bắt đầu xuất hiện nơi loài vượn khỉ, trước khi đạt đến những hình thức và khả năng hiện tại nơi loài người.

Một cách đặc biệt, ba loại Trí Thông Minh – tổng quát, xúc động và xã hội – sẽ bị rối loạn và thoái hóa, nếu một trong ba tầng Não bộ,  bị tổn thương hay là gặp những trắc trở, trong những giai đoạn thành hình và phát triển.

Một vài nhận xét vừa được nêu ra như vậy, cho chúng ta thấy rõ: Trong những điều kiện sinh sống hiện tại của con người, nếu không có những cơ sở thần kinh của Não bộ,  ba loại Trí Thông Minh, trong đó có Trí Thông Minh xã hội, sẽ không bao giờ có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, theo nhận xét của các nhà khoa học về não bộ, Trí Thông Minh Xã Hội không có một trụ sở hay một trung tâm thần kinh nhất định, có sẵn từ đầu và có thể được khoanh vùng một cách cụ thể và chính xác. Trái lại, khi Trí Thông Minh hoạt động, một hay nhiều đường dây thần kinh trong Não Bộ sẽ từ từ thành hình,  được củng cố, và càng ngày càng lớn mạnh, nếu vẫn được tiếp tục kích hoạt.

Trái lại, khi không được kích hoạt, hay là kích hoạt một cách không đứng đắn, thể theo những nhu cầu của từng giai đoạn phát triển, những đường dây, tuy dù đã có mặt, sẽ tàn lụi và biến chất, nhất là trong 7 năm đầu đời, khi Hệ Thần Kinh đang trên đường tăng trưởng và biến chuyển.

Trong tinh thần và lăng kính nầy, khi trẻ em có một vài dấu hiệu rối loạn, trong lãnh vực tiếp xúc và trao đổi xã hội, vì bất cứ lý do gì,  trách nhiệm và công việc đầu tiên của chúng ta là sáng tạo những quan hệ đồng cảm:

   *Thấy như trẻ em thấy, nghe như trẻ em nghe, cảm như trẻ em cảm, đau niềm đau của trẻ em, sợ nỗi sợ của trẻ em.

    *Lắng nghe trẻ em, thay vì ép buộc trẻ em lắng nghe mình.

    *Có mặt với trẻ em, một cách năng động và đầy sáng tạo, chính khi trẻ em đang lo sợ, không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của chúng ta, thậm chí với người mẹ của mình.

Nhờ những cách làm đơn sơ nhưng rất cơ bản nầy, chúng ta sẽ từ từ trở thành những nhịp cầu an toàn, để giúp trẻ em đi ra với thế giới bên ngoài, khám phá và học tập dần dần 8 động tác thuộc Trí Thông Minh Xã Hội. Phải chăng đó là bài học quan trọng bậc nhất, thuộc ưu tiên số một, có khả năng chuẩn bị mọi bài học làm người khác sau nầy, nhất là trong lãnh vực giáo dục trẻ em tự kỷ?

    2.- Hai Đại lộ thần kinh phía trên và phía dưới

Khi trẻ em vừa mới sinh ra, thậm chí khi còn là thai nhi trong lòng mẹ, toàn bộ cấu trúc Hệ Viền đã có mặt và hoạt động.

-         Trung tâm Đồi Thị đã bắt đầu thu nhận những tin tức do các giác quan của cơ thể gửi về, theo đường dây đi ngang qua Tủy Sống và Thân Não. Sau đó, Đồi Thị có phần vụ tập trung, xếp loại và phân phối những tin tức cho các cơ quan hay trung tâm liên hệ, thuộc ba giai tầng khác nhau của Não bộ, tùy vào vấn đề cần giải quyết.

-         Những tin tức có tính khẩn trương, thuộc đời sống xúc động, được tức khắc chuyển đến Hạnh Nhân, bằng đường dây trực tiếp, không cần đi qua những Thùy khác nhau của Tân Vỏ Não.

-         Vào những tháng ngày đầu tiên, thuộc ba năm thứ nhất của cuộc đời, cấu trúc Tân Vỏ Não chưa được hoàn toàn trang bị đầy đủ, bằng các đường dây có lớp my-ê-lin bao bọc ở ngoài. Cho nên, gần như mọi tin tức đều có ý nghĩa xúc động - như vui, buồn, sợ, giận – và do đó tất cả đều được chuyển đến Hạnh Nhân

-         Cũng vào những giai đoạn tăng trưởng và phát triển nầy,  Tân Vỏ Não, nhất là Thùy Trán, chưa có khả năng đề xuất những phán quyết ôn hòa và mềm dẽo, nhằm đánh giá những tin tức và đưa ra cho các vùng của cơ thể, những mệnh lệnh cần thi hành, có tính thích ứng với hoàn cảnh. Chính vì lý do nầy, tất cả mọi trẻ em nói chung, và trẻ em có nguy cơ tự kỷ nói riêng, đều sống dưới chế độ độc tài và độc trị, vô thức và vô minh của Hạnh Nhân. Phản ứng của trẻ em, trong những tình huống như vậy, chỉ xẩn vẩn, xoay vần chung quanh 3 thể loại:

Một là bùng nổ, phản loạn, hủy diệt mình và tấn công kẻ khác.

Hai là thụ động và bị động hoàn toàn, cơ hồ con tắc kè, biến mình theo màu sắc của hoa lá và sỏi đá chung quanh.

Ba là lăng xăng, tăng động, chạy vòng vo, luẩn quẩn…

Nói tóm lại, đó là 3 phản ứng máy móc và tự động của một sinh vật sống dưới gông cùm của sợ hãi, kinh khiếp.

-         Khi phải chung sống với những cá nhân – trẻ em hay người lớn – đang trải nghiệm những cơn sợ hãi, kinh hoàng như vậy, chúng ta, trong vai trò giáo dục, chỉ có một lối cư xử và đãi ngộ duy nhất là bình tĩnh và sáng suốt thiết lập những quan hệ đồng cảm, khả dĩ tạo an toàn cho mình và người đối diện. Nếu thiếu khả năng nầy, để giữ tâm hồn an lạc, chính chúng ta, người cha mẹ hay là giáo viên…lại trở thành nạn nhân, bị đầu độc và ô nhiễm, do những con “vi khuẩn tâm linh” thuộc loại xúc động và bạo động, mà người đối diện đang nhả ra, một cách bừa bãi, trong bầu không khí sống chung. Rối loạn trầm cảm hay là tình huống kiệt sức trầm trọng (Burn-out) là chặng đường cuối cùng sẽ “thiêu rụi” chúng ta, nếu chúng ta không tìm cách chuyển hóa, vùng đứng lên, giải thoát mình.

Xuyên qua tất cả bao nhiêu nhận định vừa được trình bày, tôi muốn nhận làm của mình lối nhìn và ngôn ngữ của tác giả Joseph LEDOUX về hai Đai lộ thần kinh của Não Bộ, đang giao thoa chằng chịt, tác động trên nhau và bổ túc lẫn nhau.

-         Đại lộ thứ nhất ở phía trên, phát xuất từ Thùy Trán, có chức năng tổ chức và định hướng mọi quan hệ xã hội của chúng ta. Ngôn ngữ được Thùy Trán vận dụng trong những sinh hoạt của mình, là ngôn ngữ có lời, có tính chính xác và độc nghĩa.

-         Đại lộ thứ hai ở phía dưới, phát xuất từ Trung Tâm Hạnh Nhân, có khả năng thúc đẩy chúng ta hoàn thành những quan hệ với tha nhân, trong bất kỳ môi trường xã hội nào. Ngôn ngữ trao đổi của Hạnh Nhân là Hành vi câm nín, một loại ngôn ngữ không lời, có thể cưu mang nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau, tùy vào quan điểm chủ quan của người nói, cũng như cách nhận thức của người nghe.

Thiếu đại lộ thứ nhất làm công việc sáng soi và hướng dẫn, quan hệ của chúng ta chỉ bao gồm những phản ứng máy móc, tự động, bốc đồng và hoàn toàn vô hiệu.

Thiếu đại lộ thứ hai làm động cơ thúc đẩy, chúng ta chỉ hô hào, tuyên truyền và láo khoét, từ vị trí ở ngoài hay là ở trên. Cho nên, chúng ta không bao giờ dám bắt tay vào làm, hay là đổ ra một giọt mồ hôi, với kẻ khác, cho kẻ khác và nhờ kẻ khác.

Vì lý do sư phạm, tôi đã cố tình đơn giản hóa vấn đề đến mức tối đa, bằng cách chỉ nói đến vai trò của Thùy Trán. Trong thực tế sinh hoạt của Tân Vỏ Não, còn có bao nhiêu đường dây thần kinh khác nối kết Thùy Trán với các Thùy khác. Nhờ đó, trước khi đề xuất cho các bộ phận trong cơ thể, những mệnh lệnh cần thực thi, Thùy Trán đã thu lượm tin tức, sau khi tham khảo nhiều vùng khác nhau của Não bộ.

Thêm vào đó, chính Thùy Trán cũng được tổ chức thành nhiều vùng với nhiều phần vụ hoặc chức năng chuyên môn khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau.

Chẳng hạn, Vùng Trán-Ổ mắt (Orbitofrontal Cortex-OFC), nằm gần sát đằng sau đáy mắt, có phần vụ điều hợp và điều chỉnh sức ép –hay là xung năng- của Hạnh Nhân.

Vùng Đai Phía Trước (ACC-Anterior Cingulate Cortex), nằm ở giữa Hệ Viền và Thùy Trán, như một đường biên giới, có phần vụ dưa ra những phán quyết: “Nên” hay “Không Nên”,  “Điều gì quan trong bậc nhất” cần được quan tâm và thực hiện ngay lập tức?

Cũng giống hệt như vậy, khi nói đến Đại lộ phía dưới, tôi thường nói đến điểm xuất phát là Trung Tâm Hạnh Nhân, nằm ở dưới Đồi Thị, và cũng nằm sát bên cạnh Kho Tàng Hoài Niệm là Hải Mã. Cả 3 cơ quan nầy đều được nối kết với nhau, bằng những đường dây thần kinh thuộc Đại Lộ phía dưới. Và Đại Lộ nầy còn tiếp tục đi xuống, để liên lạc với Thân Não, Tiểu Não và nhất là Các Tuyến Trên Thận (Suprarenal gland), nhằm nhả ra trong đường máu, những hóa chất, những độc tố, những kích thích tố hay là những loại hóc-môn khác nhau.

Sau hết, tôi cũng muốn nhắc lại: giữa Hạnh Nhân và Thùy Trán, có những đường dây lên xuống, nối kết hai vùng nầy lại với nhau. Xuyên qua đường dây liên lạc nầy, Hạnh Nhân có thể phong tỏa, làm tê liệt mọi hoạt động điều hướng và điều hợp của Thùy Trán. Nhưng cũng xuyên qua đường dây nầy, Thùy Trán có thể điều chỉnh hay là kiểm soát ảnh hưởng bốc đồng của Hạnh Nhân.

Với ngôn ngữ hình tượng, tôi có thể so sánh Hạnh Nhân như một con ngựa kéo cỗ xe, và Thùy Trán như người cầm cương, điều khiển con ngựa. Thiếu con ngựa, cỗ xe sẽ mãi hoài đứng im một chỗ, không thể nào di động tới trước. Tuy nhiên, nếu người cầm cương không tỉnh thức để lái xe, nhất là khi đi qua những con đường hiểm trở, cả xe và ngựa có thể rơi xuống hố.

3.- Tế Bào Phản Chiếu và Tế Bào Hình Suốt  (Mirror Neurons, Spindle cells)

Thể theo những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về Não bộ, những đường dây nối kết Thùy Trán và Hạnh Nhân được kết dệt bằng hai loại tế bào rất đặc biệt: Tế bào Phản chiếu và Tế bào hình suốt.

a) Tế bào phản chiếu

Chẳng hạn, khi hai người vừa nhìn thẳng vào đáy mắt của nhau lần đầu tiên, họ đã có thể cảm nhận tức khắc mình đang được người kia chiếu cố, chấp nhận. Sở dĩ có những hiện tượng trực giác nhạy bén và nhanh chóng như vậy xảy ra, là vì  trên đường dây nối kết Thùy Trán-Ổ Mắt (OFC) và Hạnh Nhân, những tế bào phản chiếu của cả 2 người đối diện, đang xúc tác và trao đổi qua lại với nhau, những vũ khúc hòa ứng và hòa điệu, đồng cảm và đồng hành.

Chính nhờ vai trò của những tế bào phản chiếu nầy, chúng ta có thể thực hiện một số động tác có liên hệ trực tiếp với Trí Thông Minh Xã Hội:

-         khuôn đúc lại, một cách tự nhiên và tự phát, trên bản thân của chúng ta, những hành động bên ngoài, nơi người khác,

-         khám phá ý định của kẻ khác, trước khi họ trình bày và trao đổi bằng ngôn ngữ có lời,

-         cảm nhận những tâm tình và xúc động đang có mặt trong nội tâm của một người, đang nhìn chúng ta và được chúng ta nhìn.

Nhờ vào những tế bào phản chiếu nầy, trẻ em trước 6 tuổi đã  tiếp thu và hội nhập những bài học về thái độ đồng cảm, những hành vi lưu tâm đến ngưới khác, hay là về khả năng sử dụng ngôn ngữ có mặt trong môi trường gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi: cũng vì ảnh hưởng lớn lao của các tế bào phản chiếu, trẻ em và thanh thiếu niên bị “tiêm nhiểm” một cách rất dễ dàng, trước bao nhiêu tập tục và lối nhìn lệch lạc, đang có mặt tràn đầy trong môi trường sinh sống chung quanh. Làm sao một trẻ em có thể trở nên một con người tự tin, tự trọng, lạc quan, yêu đời và có tinh thần trách nhiệm, nếu ngày ngày chỉ thu nhận những lời đánh giá: “Mày hỗn láo, mày vô dụng, mày vô ơn…”. Còn tệ hơn nữa, nếu trẻ em bị đánh đập, trừng phạt…các em sẽ ghi khắc vào các tầng sâu của nội tâm, một bài học về chính bản thân của mình: “Tôi chỉ là đồ vật. Tôi là một thứ “ngợm” không có phẩm giá, cho nên bị loại trừ”.

b) Tế bào hình suốt

Loại tế bào thứ hai cũng có mặt trong mọi đường dây nối kết cấu trúc Hạnh Nhân với Thân Não ở phía dưới, cũng như với Tân Vỏ Não ở phía trên, một cách đặc biệt với 2 vùng OFC và ACC ( vùng Ổ Mắt và vùng Đai phía trước).

Loại tế bào nầy có Nhân rất lớn và phình ra, giống như hình con suốt, với các sợi Nhánh và sợi Trục (dendrite, axone) rất dài, so với các loại tế bào thần kinh khác.

Nhờ các loại tế bào nầy nối kết chằng chịt với nhau, xuyên qua rất nhiều khớp xi-nắp, những tin tức vận chuyển một cách thần tốc, từ vùng nầy qua vùng khác. Phải chăng đó là bí quyết khả dĩ giải thích tại sao chúng ta có thể đề xuất, trong một chớp nhoáng hay nháy mắt, những trực giác, những cảm thức,  những nhận định, những cách đánh giá, trong lãnh vực quan hệ xã hội? Hẳn thực, nhờ ảnh hưởng tác động của các loại tế bào hình suốt nầy, hai người vừa gặp và nhìn nhau, đã có thể nhận biết nhau, hiểu nhau, khi chưa trao đổi với nhau một lời.

-         Với con đường Hạnh Nhân – OFC (Trán Ổ Mắt), chúng ta chia sẻ những phản ứng xúc động với kẻ khác, như vui với kẻ vui, buồn với người buồn…

-         Với con đường Hạnh Nhân – ACC (Đai Phía Trước), chúng ta phân biệt hay là nhận ra những xúc động hiện hình trên nét mặt của người đối diện. Cũng nhờ con đường Hạnh Nhân – ACC nầy, chúng ta có khả năng phối hợp Tư duy, Xúc động và Thể thức đáp ứng.

-         Ngoài ra Hạnh Nhân cũng có thể sử dụng nhiều con đường khác, được trang bị với những tế bào hình suốt, để kích thích những trung tâm, những cơ quan hay là những khớp Xi-nắp…Và khi được kích thích, những bộ phận nầy sẽ tiết ra trong đường máu, những loại hóa chất như Dopamine, Adrenaline, Serotonin, Vasopressin…Chẳng hạn, người mẹ ôm con vào lòng, vuốt ve, xoa bóp, cho con bú… với tình thương mẫu tử, cũng như với một tâm trạng vui thích, sung sướng. Trong chính lúc ấy, những hóa chất hóc-môn như Endorphin, Oxytoxin...được tiết ra trong máu, để gia tăng năng lực cho bà, trong vai trò làm mẹ và nuôi con.

4.- Những sinh hoạt và bài học đặc biệt có liên hệ đến những cấu trúc khác nhau của Não Bộ

Xuyên qua những điều được trình bày trước đây, tôi đã nhấn mạnh lui tới nhiều lần: lúc đứa bé vừa mới sinh ra khỏi lòng mẹ, cấu trúc Hệ Viền đã được trang bị đầy đủ, với những đường dây đã thành hình. Hạnh Nhân đã có thể hoạt động bình thường, bằng cách tiếp thu những tin tức do Đồi thị gửi xuống, và sau đó phát ra những mệnh lệnh có khả năng điều hướng những cơ quan trực thuộc, nhất là trong lãnh vực xúc động.

Trong khi ấy cấu trúc Tân Vỏ Não đang còn ở trong giai đoạn thành hình, tăng trưởng và phát triển. Một số tế bào đã có mặt, nhưng các sợi Nhánh (Dendrite) và sợi Trục (Axone) chưa có lớp Myêlin bao bọc chung quanh. Các Thùy đã có mặt. Nhưng Cấu Trúc Tân Vỏ Não cần được kích hoạt mỗi ngày, để có thể mở ra những đường dây liên lạc, thiết lập những khớp xi-nắp, nối kết các vùng lại với nhau. Đại Lộ Phía Trên từ từ được thành hình, và nhờ đó, trẻ em càng ngày càng mở rộng những chân trời học tập và khám phá của mình.

Nhằm minh họa tiến trình mở đường nầy, tôi xin đưa ra một vài điểm mốc quan trọng như sau:

-         Chung quanh tuổi chín tháng, trẻ em bắt đầu có khả năng phân biệt người lạ và người quen.

-         Chung quanh tuổi ba năm, trẻ em có khả năng ý thức rõ ràng rằng : mẹ mình chỉ là một người duy nhất, mặc dù mẹ thay đổi thường xuyên trong cách trang phục, trên nét mặt, trong điệu bộ, trong cung cách hành xử. Khi nầy, mẹ là bà tiên, dễ thương, dịu dàng, Khi khác, mẹ lại biến thân thành bà phù thủy xấu xí,, nghiêm khắc, la rầy, khó chịu…

-         Chung quanh 4 tuổi, khả năng đồng cảm với mẹ bắt đầu xuất hiện. Từ đây, nhìn vào mắt mẹ, trẻ em bắt đầu đọc được ý định của mẹ. Em biết được mẹ đang vui hay là có điều buồn trong lòng…

-         Chung quanh 6-7 tuổi, trẻ em mới có khả năng tư duy, nghĩa là biết thuyên giải, rút ra những kết luận, bằng cách dựa vào những sự kiện, được các giác quan ghi nhận một cách cụ thể và khách quan.

Nếu không học, không được giáo dục – nghĩa là không ngày ngày kích hoạt các tế bào thần kinh, để thiết lập những đường dây nối kết các vùng của não bộ lại với nhau – làm sao trẻ em có khả năng hội nhập 8 động tác thuộc trí Thông Minh Xã Hội, mà tôi đã trình bày trước đây?

Trẻ em bình thường, trong 6 năm đầu tiên, đã hội nhập những bài học về quan hệ xã hội, bằng cách nhìn thẳng vào đáy mắt của mẹ, để thiết lập và củng cố các đường dây thần kinh não bộ, phát xuất từ Vùng OFC.

Với trẻ em có nguy cơ tự kỷ, chúng ta cần cùng nhau động não, sáng tạo những phương thức tiếp cận, nhằm giúp các em tái lập lối nhìn “trực diện”. Trái lại, nếu chúng ta nhắm mắt đi theo những tập tục “xưa bày nay làm”, nghĩa là ép buộc, cưỡng bức, đe dọa, trừng phạt…chúng ta chỉ tăng cường, củng cố ảnh hưởng gây sợ hãi của Hạnh Nhân. Lúc bấy giờ chúng ta gia trọng vấn đề, hơn là tìm cách giải quyết, hóa giải, chuyển hóa.

Bao nhiêu nhận xét ấy chỉ nhắm một mục đích: Kêu mời mỗi người cha mẹ, giáo viên… và bao nhiêu người khác có trách nhiệm lãnh đạo, trong lòng Quê Hương : Hãy tiếp thu và hội nhập những bài học của Hệ Thần Kinh Não Bộ.

·        Hãy lắng nghe các “tế bào phản ảnh”, để ngày ngày sáng tạo những bài học, nhằm giúp trẻ em có cơ hội nghe lại mình, nhìn lại mình.

·        Hãy bắt chước “tế bào hình thoi”, để tạo nên cho trẻ em một quan hệ vui tươi, một bầu khí ấm áp, một tiếng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng…có khả năng động viên, khích lệ từ bên trong.

·        Hãy hợp tác tối đa với Đại Lộ Phía Trên của Tân Vỏ Não, trong chiều hướng trình bày những tin tức khác quan, nhằm thoa dịu, giải hòa, đối thoại với Đại Lộ Phía Dưới của Hạnh Nhân.

·        Giới thiệu một lối nhìn mới, một khung cảnh mới, một chân trời mới, thay vì áp đặt từ trên và từ ngoài những quan điểm phê phán, tố cáo, loại trừ, khủng bố…Trước khi yêu cầu Hạnh Nhân hãy lắng nghe mình, phải chăng Thùy Trán đã biết lắng nghe, tham khảo, bổ túc và kiện toàn ý kiến của Hạnh Nhân?

·        Hãy bắt chước cách làm của Cấu Trúc Hải Mã thuộc Hệ Viền, là ngày ngày cập nhật hóa kho tàng hoài niệm “dài hạn”, cổ truyền, đã đóng lớp rêu phong… bằng những tin tức của hiện tại và hiện thực “ở đây và bây giờ”, do Thùy Trán gửi xuống, để làm mới, đánh sáng lại con người của chúng ta.

·        Hãy nhận làm của mình bài học về Lãnh Đạo Chiều Ngang, do Thùy Trán cung cấp, là LẮNG NGHE tất cả mọi bộ phận, mọi thành phần lớn nhỏ, như tay, chân, bao tử… Bằng cách nầy hay cách khác, phải chăng Tân Vỏ Não đang được mỗi bộ phận của cơ thể nuôi sống và giáo dục, để chu toàn trách vụ của mình? Cho nên, ai buồn, mà lòng tôi không trăn trở? Ai đói, mà tâm hồn tôi không khổ đau? Ai bệnh hoạn, mà bản thân tôi không nhức nhối, đồng cảm? Ai đang trình bày một ý kiến, mà tôi không đón nhận, với tất cả vành tai xôn xao và kính trọng?

·        Hãy tìm cách phát hiện và khám phá những năng động, những điểm tích cực của trẻ em, cũng như của bao nhiêu người khác đang tiếp xúc với chúng ta, thay vì vạch lá tìm sâu, thấy sai lầm và khuyết điểm khắp mọi nơi, trong mọi quan điểm và nguyện vọng.

                                                ***

Nhằm kết luận, tôi muốn lắng nghe và cảm nhận lại, giống như lần đầu tiên, lời trao đổi giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, sau hơn bốn nghìn năm văn hiến “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi…”:

Em là Nước ? Anh xin làm Biển Cả,

Cùng theo Em, đến những miền xa lạ,

Gieo vãi Tình Thương, khung trời mở rộng,

Hiến cho Đời mầm non trào nhựa sống.

 

Anh là Hoa ? Em xin làm Mảnh Đất,

Ấp ủ vun trồng, dịu dàng thân mật.

Dưới mỗi bước chân, hương trầm bát ngát,

Trên khắp Non Sông, nương đồng ngào ngạt.

 

Em là Trời ? Anh xin làm Không Khí,

Đón nhận Em trong trái tim bình dị.

Em an bình, tâm hồn Anh diệu vợi,

Em hạnh phúc, cuộc đời Anh phơi phới.

 

Anh là Mây ? Em nguyện làm Gió Mát,

Thổi ân tình vào lòng ai ngột ngạt,

Gieo thái hòa trên vùng đất bạo động,

Nuôi chí khí, đánh thức người tuyệt võng.

 

 

Em là Núi ? Anh nguyện làm Rừng Xanh,

Động viên Em với tất cả lòng thành,

Luôn đứng thẳng, nhìn mặt trời tỏa rạng,

Tay vươn cao, tiếp thu nguồn Ánh Sáng.

 

Anh là Đất ? Em hóa thân thành Nắng,

Sưởi ấm Anh bằng Đức Tin thầm lặng,

Con người cũ chết đi nuôi Anh sống,

CON NGƯỜI MỚI gọi mời Em hy vọng.

 Phải chăng bài thơ nầy gói ghém trọn vẹn, cách làm, cách sống và cách suy tư của chúng ta, cũng như những cách trao đổi và tiếp xúc, mỗi lần chúng ta ý thức đến trách nhiệm GIÁO DỤC và LÃNH ĐẠO của mình, trong lòng Quê Hương và Nhân Loại?

 Sách tham khảo:

1)  NGUYỄN văn Thành – Huyền Sử Việt Nam: Con đường Luyện Vàng… - Báo Chính Luận Seattle, USA 2004

2)  Douglas M. ARONE – The THEOREM – O Books, UK 2005

3)  Daniel GOLEMAN – Social Intelligence – Hutchinson, London 2006

4)  Joseph LEDOUX – The Emotional Brain – Simon &Schuster, New York 1996

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!