Có một mối nguy rõ ràng khi nói về linh đạo thời nay. Người ta có thể nghi ngờ rằng đời sống thiêng liêng mỗi thời mỗi khác, rằng có lẽ ngay cả yếu tính của sự thánh thiện cũng thay đổi theo thời gian. Nhiều người có thể lập luận rằng sự hoàn thiện Kitô giáo, cách nào đó, phụ thuộc vào tính cập nhật, điều mà nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh có nghĩa là xuôi theo thế gian và những giá trị thời thượng của thế gian. Thậm chí cũng có nghĩa là nếu một người trước hết không học nghệ thuật trở nên “phù hợp” (ngày nay từ này xem ra đang rất “ăn khách”), thì người ấy không thể nên thánh.
Tất cả những hàm ý trên cho thấy rằng đối với nhiều người trong chúng ta sự thánh thiện dường như có nghĩa tương đương với sự phù hợp! Chúng ta chợt tự hỏi thật chăng đời sống thiêng liêng của hôm nay vẫn không khác với đời sống thiêng liêng của cách đây 10 năm. Nếu không khác, thì sao lại nói về linh đạo thời nay? Còn nếu khác, thì đời sống thiêng liêng hôm nay có còn là đời sống thiêng liêng mà các bậc thầy trong quá khứ đã mô tả rất rành mạch hay không?
Không ít linh mục, tu sĩ (kể cả tu sĩ chiêm niệm), và giáo dân đang cảm thấy lúng túng. Họ nghe nói về nào là thần học mới, luân lý mới, nào là Giáo Hội sau Công Đồng, nào là những người Công Giáo mãi gần đây vẫn còn thuộc về văn hóa thiểu số nhưng nay đã thoát ra khỏi cái gọi là “vành đai cơ chế” để cuối cùng hội nhập vào dòng chảy của xã hội hiện đại. Người ta bảo với chúng ta rằng Giáo Hội đang lớn lên.
Phải chăng dù với bao nhiêu thay đổi ngoạn mục trong Công Giáo như thế, việc theo đuổi sự thánh thiện vẫn không có gì phải thay đổi? Nghĩa là, chúng ta trở lại với câu hỏi phải chăng hôm nay ta vẫn có thể nói về đời sống thiêng liêng theo ngôn ngữ cách đây một thế hệ hay một thập niên. Câu trả lời dứt khoát là CÓ THỂ, vì bất chấp mọi ồn ào tranh cãi, Đức Kitô vẫn là một hôm qua, hôm nay và ngày mai. Các nguyên tắc mà Ngài đã tuyên bố ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất vẫn có hiệu lực và vẫn cần thiết cho nước Mỹ ở thế kỷ hai mươi.
Thực ra chính những người đương thời của Đức Giêsu nói chung cũng không chấp nhận lời Ngài; và chuyện xảy ra ở Canvê đã làm chứng quá hùng hồn rằng Ngài đã gây thù chuốc oán do những lời Ngài nói, và (tôi vẫn băn khoăn hoài rằng) họ đã thanh toán Ngài chính vì Ngài đã nói những điều ấy. Nhiều người đương thời của chúng ta hôm nay, nói cho cùng, cũng không mặn mà mấy với giáo huấn của Đức Giêsu. Vì thế, việc người ta chấp nhận hay bài bác Kitô giáo, cách riêng sự thánh thiện Kitô giáo, chẳng phải là điều gì mới mẻ. Đức Giêsu thời ấy có các môn đệ và cũng có những người phỉ báng Ngài; thì thời nay cũng y vậy.
Nếu có gì đặc trưng cho thời đại chúng ta, thì đó là dữ kiện này của lịch sử tôn giáo: ngày nay một số người yêu mến Đức Giêsu đến mức hy sinh bản thân mình một cách anh hùng, đồng thời có những người khác gạt bỏ Đức Giêsu, đến mức điên cuồng chống báng chính nghĩa của Ngài. Vậy rốt cục, linh đạo thời nay là gì? Hoặc giả chúng ta phân tách rành mạch hai đàng: đâu là linh đạo Kitô giáo mọi thời, và đâu là – nếu có – nét riêng của linh đạo này trong thời của chúng ta?
ĐÂU LÀ LINH ĐẠO KITÔ GIÁO?
Chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi: “Linh đạo Kitô giáo là gì?” Đối với một số người, mấy tiếng “linh đạo” hay “đời sống thiêng liêng” xem chừng kỳ quặc. Nghe có vẻ như chia tách thể xác và tâm linh theo kiểu đi ngược lại với điều mà chúng ta biết về con người: con người không chỉ là hồn, mà còn là xác nữa.
Có vẻ như chúng ta thiên lệch ngay từ điểm xuất phát khi tách rời một phần của bản tính mình – tâm linh – và quá tập trung vào đó như thể Thiên Chúa không được phụng sự nơi thịt và máu và mồ hôi và nước mắt của người ta, những thứ hầu chắc là thuộc thân xác chứ không thuộc tinh thần. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề, khi chúng ta coi những từ như “linh đạo”, “tâm linh” là những từ hữu dụng để diễn tả nhiều hơn cái hàm ý chứa trong vỏ từ ngữ đơn thuần của nó.
Quả là con người chúng ta gồm thể xác và tâm linh, nhưng giữa hai đàng, thì tâm linh quan trọng hơn. Nhờ phần này của hữu thể mình mà chúng ta, loài thụ tạo, được thông hiệp với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa, trong tư cách là Thiên Chúa, đâu có thể xác. Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài bằng cách ban cho chúng ta tâm linh, giống như tinh thần của Ngài, với một trí năng cho phép chúng ta suy nghĩ và một ý chí cho phép chúng ta yêu thương. Những gì chúng ta suy nghĩ và yêu mến trong tâm linh của mình sẽ ấn định mọi điều khác, gồm cả những gì chúng ta hành động qua thân xác của mình. Chúng ta quì gối cầu nguyện hay nằm dài trên giường, chúng ta mở miệng để khen ngợi, ủi an, hay để gây tổn thương bằng những lời chỉ trích và miệt thị, tất cả đều tùy thuộc những gì ở bên trong chúng ta.
Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng có một ý nghĩa đặc biệt, chứ không chỉ là việc sử dụng đúng đắn trí năng và ý chí thuộc tâm linh mình. Đời sống thiêng liêng mở thêm chiều kích ưu việt cho thực hành luân lý. Đời sống luân lý, nói cho cùng, liên quan tới việc sử dụng tự do riêng của chúng ta. Chúng ta tin rằng con người được dựng nên để ca ngợi, kính tôn, và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu độ linh hồn mình. Chúng ta cũng tin rằng mọi điều khác dưới gầm trời này đã được tạo ra cho con người, nhằm giúp con người đạt được mục đích theo đó mình đã được tạo dựng. Vậy thì, chúng ta sẽ sống một đời sống luân lý tốt (phân biệt với đời sống thiêng liêng) nếu ta sử dụng mọi sự trong cuộc sống mình bao lâu chúng giúp đạt mục đích của cuộc hiện sinh, và loại bỏ chúng một khi chúng cản trở việc đạt mục đích ấy. Đó là luân lý. Đó chưa phải là linh đạo.
Cách nào đó, có thể nói rằng đời sống linh đạo bắt đầu ở chỗ đời sống luân lý kết thúc. Hoặc nhìn từ một góc khác, linh đạo Kitô giáo giả thiết luân lý Kitô giáo, nhưng nó vượt quá nền tảng của luân lý để xây dựng điều mà chúng ta vẫn gọi là công trình của sự thánh thiện - kiểu nói này nghe như phóng đại, nhưng thật chính xác. Sự “vượt quá” này có thể bao hàm nhiều nghĩa, nhưng không có nghĩa nào giải thích thấu triệt ý nghĩa của linh đạo, hay của sự thánh thiện. Chúng ta có thể vượt quá những gì mình bị ràng buộc nghiêm ngặt phải làm để cứu linh hồn mình. Chúng ta có thể vượt quá sự tuân phục các điều răn của Thiên Chúa để thực hành các lời khuyên của Phúc Âm. Chúng ta có thể vượt quá tiếng gọi của bổn phận để phụng sự Thiên Chúa với lòng quảng đại. Chúng ta có thể vượt quá sự nhẫn nại chấp nhận đau khổ để thực sự ưu tiên chọn lựa thập giá. Chúng ta có thể vượt quá những đòi hỏi của luật để đảm nhận cả những thực hành bác ái mà luật không đòi buộc. Chúng ta có thể vượt quá những nghĩa cử bác ái anh hùng ‘năm thì mười họa’, để trao hiến trọn cả cuộc sống mình, suốt đời, dành riêng cho việc phụng sự Đức Kitô và Giáo Hội. Trong tất cả các trường hợp ấy, sự vượt quá những gì tuyệt đối cần thiết để tránh tội (bình diện luân lý) và để trao hiến chính mình cho Thiên Chúa (sự thánh thiện) là một diễn tả đồng thời hai điều. Thứ nhất, nó diễn tả không chỉ ơn thường sủng của Thiên Chúa, ơn mà nếu không có thì không thể nào đạt được sự thánh thiện; thứ hai, nó diễn tả không chỉ sự sẵn sàng thông thường của ý chí để đáp lại ân sủng ấy – nếu không có sự sẵn sàng này thì sự thánh thiện cũng chẳng thể nào sản sinh được.
Lịch sử Kitô giáo từ thời các Tông Đồ là một bằng chứng cho thấy hai yếu tố ấy thường xuyên sống hoạt trong Giáo Hội. Tất cả các thánh và các vị tuẫn đạo, các trinh nữ và các chứng nhân đức tin... chứng minh cho dữ kiện hai mặt này: đó là, với việc Đức Kitô đến và với ân sủng chan hòa của Ngài, con người không chỉ có thể tránh tội mà còn có khả năng nên thánh nữa. Hơn nữa, tất cả những ai cộng tác với ân sủng được ban cho này sẽ vươn lên các đỉnh cao hoàn thiện và đạt được các mục tiêu mà những người khác dù bẩm sinh có giỏi giang đến mấy cũng không đạt được. Tự nhiên (nature) không thể sản sinh ra sự thánh thiện.
Điều mà Thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma có thể áp dụng cho tất cả những ai đã học được bí quyết nên thánh: “Những ai chỉ quan tâm đến những sự xác thịt thì không bao giờ có thể làm hài lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, mối quan tâm của anh em không nằm ở những điều xác thịt, nhưng là ở Thần Khí, vì Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em.” Một cách căn bản, theo các tiêu chuẩn Kitô giáo thì chính việc Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong tín hữu làm cho người ấy thuộc Thần Khí. Và cuối cùng, điều làm cho con người ấy thuộc Thần Khí chính là sự cộng tác tự do và quảng đại của người ấy với Thánh Thần Đấng cư ngụ trong người ấy. Ở đâu mà Thánh Thần Thiên Chúa gặp gỡ một tinh thần nhiệt thành đáp trả nơi con người, thì ở đấy ta có đời sống thiêng liêng. Vì thế, theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, đối lập với Thần Khí là xác thịt, và ai sống theo xác thịt thì không trung thành với lòng tốt cao vời của Thiên Chúa. [còn tiếp phần 2]
THIÊN PHONG
dịch từ “Contemporary Spirituality”
của Cha John A. Hardon, S.J. (+2000), Tôi Tớ Chúa.