LTS. Kính thưa Quí vị, theo thông tin từ www.hdgmvietnam.org, chúng con hân hạnh Giới thiệu trang web Đại hội Dân Chúa để phục vụ Đại hội vừa mới được khai trương tại địa chỉ: http://www.daihoidanchua.net
I. BA MƯƠI NĂM SỐNG VÀ LÀM CHỨNG NHÂN TIN MỪNG
1. Năm Thánh 2010 là cơ hội cho gia đình giáo phận nhìn lại đời sống và sứ mạng của Giáo Hội trong thành phố này. Nhìn lại để tạ ơn và sám hối, đồng thời để xác định hướng đi cho giai đoạn tới.
Tin Mừng Vượt Qua
2. Năm 1975 là thời điểm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Sự thay đổi đó làm tan rã khung nếp văn hoá xã hội kinh tế chính trị cũ, lôi kéo theo nhiều mất mát và giới hạn cho Giáo Hội công giáo tại Việt Nam. Cộng thêm hơn 10 năm đất nước đóng cửa, mối liên hệ với thế giới và mối hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu hầu như hoàn toàn bị cắt đứt.
Riêng Tổng giáo phận Saigon đổi tên là Tổng giáo phận Thành phố HCM, với nhiều mất mát : (1) về nhân sự, số linh mục từ 414 còn 226, số giáo dân từ 516.000 còn 387.184 ; (2) về cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, mất đi gần 400 cơ sở. Do đó không còn trường công giáo là nơi dạy giáo lý, giáo dục đức tin cho giới trẻ. Không còn bệnh viện công giáo, không còn những trung tâm từ thiện nhân đạo. Không còn hoạt động bác ái xã hội, chỉ còn những cơ sở và sinh hoạt thờ tự.
3. Tình hình đó mở đường cho gia đình giáo phận tập trung vào trung tâm và đỉnh cao của đời sống đạo là Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời Chúa, đặt trọng tâm mục vụ vào công việc xây dựng các gia đình và cộng đoàn tín hữu thành gia đình Chúa, nơi đó có Chúa là Cha, mọi người là anh em một nhà, cùng chung một lòng tin cậy mến.
Và cũng từ đó, các gia đình cùng các cộng đoàn tín hữu dành nhiều thời giờ hơn cho việc xây đắp nếp sống hiếu thảo với Chúa, huynh đệ hiệp thông và hiệp nhất với nhau, bác ái và đồng cảm, bao dung và liên đới với đồng bào và đồng loại. Mọi người có nhiều cơ hội hơn để bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Nhờ đó, đời sống đạo dần dần trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng trong môi trường còn xa lạ. Hình ảnh khiêm tốn làm chứng nhân Tin Mừng cũng dần dần đổi mới lối nhìn của nhiều người trong xã hội về Giáo Hội : từ một tổ chức bị coi là ngoại lại và thù nghịch trở thành một tổ chức có tiềm năng góp phần phục vụ dân tộc và phát triển đất nước cách vững bền.
Tin Mừng Sự Sống
4. Trong tình hình đó, Chúa vẫn thương đồng hành với dân Người, và gieo nhiều hạt giống hồng ân cứu độ vào lòng đất Việt Nam, hạt giống đức tin, hạt giống ơn gọi linh mục, tu sĩ. Nhờ đó đời sống gia đình giáo phận phục hồi và tăng trưởng qua những thăng trầm trong lịch sử. Hiện nay, giáo phận gồm có :
- 200 cộng đoàn giáo xứ với 662.148 giáo dân, 5.289 thành viên HĐGX, 6.254 giáo lý viên, 900 ca đoàn, 25 tổ chức tông đồ giáo dân,
- 318 linh mục giáo phận, 327 linh mục dòng, 5.047 tu sĩ, 180 đại chủng sinh của 3 giáo phận, 20 học viên dự bị, 300 dự tu, 15 tổ chức mục vụ giáo phận,
- 190 cơ sở nhà trẻ, lớp tình thương, dạy nghề, bác ái, từ thiện, nhân đạo, góp phần phát triển thành phố, đồng thời khắc phục những hậu quả tiêu cực đi kèm theo phát triển kinh tế xã hội.
Tin Mừng Tình Thương
5. Nhờ ơn Chúa thương ban, các gia đình công giáo, các cộng đoàn tín hữu trở nên thửa đất màu mỡ, được mọi người chăm sóc bằng đời sống cầu nguyện và phụng vụ bí tích, đời sống bác ái hy sinh và gian khổ. Đời sống đó khơi nguồn cho dòng nước trong lành của ơn thánh vun tưới cho các hạt giống hồng ân cứu độ phát triển xanh tươi và đơm bông kết trái như ngày nay.
Nay, theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha, gia đình giáo phận, trong sứ mạng yêu thương và phục vụ, tiếp tục chăm sóc cho những hạt giống đó đơm bông kết trái cho mọi người. Giáo phận xây mới Trung Tâm Mục vụ thành nơi mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin và mục vụ cho các tín hữu, đặc biệt cho giáo dân ; xây đắp tình huynh đệ hiệp thông và liên đới với nhau, trợ lực cho các gia đình công giáo, 200 cộng đoàn giáo xứ, 300 cộng đoàn tu sĩ, 15 Ban Mục vụ giáo phận, 25 đoàn thể tông đồ giáo dân, trở thành những mái trường giáo dục đức tin, thành trì bảo vệ đức tin, chứng nhân lưu truyền đức tin, nhằm bước theo Chúa Kitô yêu thương và phục vụ cho sự sống con người.
Tin Mừng cho mọi người
6. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trên đường Đa Mát đã đổi mới Saolô bắt đạo thành Phaolô nhà truyền đạo cho lương dân. Thánh nhân đã cống hiến cuộc đời và mạng sống cho sứ vụ loan truyền Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong lòng nhiều dân tộc. Từ đó, Thánh Phaolô lưu truyền lại nhiều kinh nghiệm cho người công giáo sống Phúc Âm trong lòng dân tộc Việt Nam hôm nay.
7. Kinh nghiệm thứ nhất : "Sống trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ, ta sẽ được lớn lên về mọi phương diện, vươn đến Chúa Kitô là Đầu" (Eph 4,15). Ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu Đấng cứu độ mời gọi mọi người bước theo Người trên con đường tình yêu cứu độ. Con đường mang bốn dấu ấn nổi bật : Hội Nhập, Dấn Thân phục vụ, Hy Sinh và Đổi Mới.
(1) HỘI NHẬP vào đời sống văn hoá xã hội của cộng đồng dân tộc;
(2) DẤN THÂN PHỤC VỤ cho sự sống cùng sự phát triển của con người cùng đất nước;
(3) HY SINH lòng tư kỷ và tự đại để đồng cảm cùng bao dung khắc phục những hậu quả tiêu cực kèm theo quá trình phát triển kinh tế xã hội, cũng như các tệ nạn xã hội;
(4) ĐỔI MỚI lòng dạ người người hướng đến tình huynh đệ liên đới, chung sức xây đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vì sự sống và sự phát triển của mọi người.
8. Kinh nghiệm thứ hai : "Trong mọi gian truân thử thách, hãy kiên nhẫn và cầu nguyện" (Rm 12,12).
Theo giáo huấn của Giáo Hội công giáo dạy, bước đầu của con đường hội nhập và dấn thân phục vụ là đối thoại và hợp tác. Đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác trong tình bác ái của Chúa Kitô. Xem ra con đường đối thoại và hợp tác còn xa lạ đối với nhiều người. Vì lẽ, một mặt, tính đối kháng và thói quen đối đầu như đã ăn sâu trong cách nghĩ và cách sống của mỗi con người. Mặt khác, nhiều người vẫn quan niệm chân lý chỉ là những gì hợp với sở thích và tư lợi. Do đó, con đường đối thoại và hợp tác đòi hỏi sự kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện.
9. Vậy chúng ta hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện và đã dạy. Ta cầu nguyện như Chúa dạy, không phải là khẩn nài Chúa làm theo ý riêng ta, song là lắng nghe lời Chúa dạy qua những dấu chỉ và những biến cố trong cuộc đời, đồng thời mở rộng lòng trí đón nhận ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, giúp ta nhận ra và thi hành ý Cha trên trời, là mọi người trên đất nước cùng thế giới hôm nay được sống và sống dồi dào.
II. TIN MỪNG MỜI GỌI NGƯỜI NGƯỜI CHUNG SỨC VUN ĐẮP NẾP SỐNG VĂN HOÁ SỰ SỐNG VÀ VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
Lời mời gọi
1. Con Chúa mang phận người ở giữa chúng ta, nhằm làm chứng cho sự thật căn bản số một này là : Thiên Chúa là Sự Sống, là Tình Yêu, và là người Cha đã trao tặng cho gia đình nhân loại hai món quà cao quý nhất là sự sống và tình yêu.
Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu loan báo cho loài người là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, và mời gọi mọi người thiện tâm hãy chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người.
2. Trong thư gửi dân Chúa Việt Nam ngày 7.10.2010, HĐGM.VN mời gọi người công giáo Việt Nam hãy chung sức xây đắp nếp sống hiếu trung đối với Cha trên trời, hiệp thông huynh đệ đối với mọi người anh em đồng đạo, đồng bào và đồng loại, nhằm chung sức vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước hôm nay.
Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo 24.10.2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI cũng kêu gọi người công giáo xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội là chìa khoá loan Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, cũng nhằm mục đích phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của xã hội loài người hôm nay.
Tình hình xã hội
3. Là dân sống trong thành phố này, nhiều người nhận thấy trong thập niên đầu thiên niên kỷ thứ ba, bên cạnh sự phát triển rất nhanh về mặt kinh tế xã hội, có những dấu ấn văn hoá sự chết ngày càng lan rộng, như nạn phá thai hủy diệt sự sống, nạn xì ke ma tuý đưa nhiều bạn trẻ đến cái chết trắng, để lại nhiều bà mẹ, nhiều trẻ thơ sống với HIV, nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng, nạn bạo hành và phân hoá trong gia đình, cùng những quốc nạn và tệ nạn khác hủy hoại sự sống và phẩm giá con người...
4. Ai chịu trách nhiệm về sự hình thành và phát triển lối sống văn hoá sự chết này ? Khoa học xã hội xác định có ba nhân tố chung phần vào sự hình thành nhân cách của mỗi con người : (1) di truyền, (2) môi trường xã hội gồm gia đình, nhà trường, các tổ chức trong xã hội, đạo đời, truyền thống văn hoá cùng những nét văn hoá du nhập từ thế giới toàn cầu hoá hôm nay, (3) ý thức và ý chí của các đương sự.
5. Kỳ thực, một số tổ chức đạo đời trong thành phố đã có những biện pháp tình thế nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề của lối sống văn hoá sự chết. Muốn giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau từng bước vượt qua lối sống văn hoá sự chết trong xã hội hôm nay, thiển nghĩ cần có những giải pháp căn cơ. Hiện nay, chúng ta không có khả năng thay đổi những yếu tố về di truyền, nhưng chúng ta có thể góp phần xây dựng và cải tạo môi trường sống cho lành mạnh hơn, cùng huấn luyện và củng cố ý chí nơi mỗi con người.
Trách nhiệm liên đới trong xã hội hôm nay
6. Để đạt mục đích trên, ưu tiên là ba giải pháp như sau :
(1) Một là đổi mới cơ chế luật lệ hiện hành, mở ra cho mọi tổ chức đạo đời đồng trách nhiệm tham gia vào việc tổ chức và điều hành công cuộc phục vụ cho sự sống cùng nhân phẩm và nhân quyền, trước tiên là quyền sống và quyền được phát triển, của mọi người trong cộng đồng dân tộc hôm nay, đặc biệt người nghèo khổ, kém may mắn, bị bỏ rơi...
(2) Hai là liên kết mọi thành phần xã hội trong nỗ lực chung. Gia đình, nhà trường và nhà giáo, nhà báo và nhà khoa học, nhà thờ và nhà chùa, nhà kinh tế và nhà chính trị, với ý thức trách nhiệm liên đới, quan tâm liên kết, chung sức xác lập định hướng cho nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ trong xã hội hôm nay.
(3) Ba là nêu gương sáng cho giới trẻ. Gia đình, nhà trường cùng giới lãnh đạo các tổ chức đạo đời trong xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm nêu gương sáng thuyết phục, và truyền đạt kỹ năng sống nếp sống mới cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Thực hiện được ba giải pháp căn cơ đó, là xây nền móng cho nếp sống văn hoá mới, và mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người trẻ hôm nay.
Xây mới ngôi nhà chung trên nền vững chắc
7. Nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương là nếp sống mang những nét văn hoá nền tảng như sau:
(1) Thể hiện ý thức tôn trọng con người là mục đích tối cao của sự phát triển đất nước, hơn là coi họ chỉ là phương tiện sản xuất, là công cụ cho sự phát triển. Tôn trọng con người tất nhiên đòi hỏi quý trọng sự sống, nhân phẩm, nhân quyền, theo truyền thống văn hoá dân tộc, hơn là chỉ biết dùng luật lệ, quyền hành, vũ lực, tiền bạc để đối xử, giáo dục, cải tạo, đổi mới con người, nhất là người trẻ...
(2) Phát huy lòng nhân ái và lòng tự trọng theo truyền thống đạo lý của dân tộc, hơn là để mình bị cuốn hút chạy theo tiền tài, quyền lực, danh vọng, thời trang, hưởng thụ vật chất ; đồng thời phát huy tính trung thực và sự trong sáng đáng tin cậy, hơn là chỉ coi sự thật là những gì mang tính thực dụng, đem lại lợi lộc ...
(3) Và bài học trong truyền thống văn hoá "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", vẫn còn nguyên giá trị và thật cần thiết cho công cuộc xây đắp nếp sống văn hoá mới hôm nay.
8. Thể hiện những nét văn hoá nền tảng đó trong nếp sống gia đình và xã hội, vừa là tiến bước dưới ánh sáng chân lý trong trời đất, vừa là đáp lại đòi hỏi của đạo lý trong thiên hạ, vừa là góp phần xây mới ngôi nhà gia đình, ngôi nhà xã hội, ngôi nhà Việt Nam trên nền đá vững chắc là Lời Chúa, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, cùng công lý và hoà bình, cho đất nước cùng thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Thông điệp "Tình Yêu Trong Chân Lý" của Đức Bênêđitô XVI xác minh điều đó.
9. Chung sức xây dựng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương, gia đình giáo phận bước theo Chúa Kitô sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng, và đồng hành với dân Người phục vụ cho sự sống cùng phẩm giá của mọi người anh em đồng bào và đồng loại trong thành phố này.
Tổng Giáo phận Thành phố HCM, Năm Thánh 2010
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục