Ngày
20 tháng 11 vừa qua, khắp nơi mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Nhưng mở Wikipedia
mới thấy UNESCO đã có Ngày Nhà Giáo Quốc Tế từ lâu, hàng năm tổ chức vào ngày 5
tháng 10, vậy Việt Nam ta bày đặt ra thêm một ngày mừng Lễ nữa thì thực chất có
thêm được sự trân trọng biết ơn nào đối với nhà giáo cùng mình hay không?
Trong dịp mừng Ngày Nhà Giáo 20 tháng 11 năm
nay, trên mạng xã hội người ta nhắc đến nhà giáo Đinh Đăng Định, một thầy giáo
lên tiếng về vụ Bauxit Tây Nguyên bị bắt, bỏ tù và qua đời khi vừa được phóng
thích ít ngày do bệnh quá nặng, Bệnh Viện 30 tháng 4 đã cắt bỏ khối u ung thư
trong bao tử của ông, ông qua đời ít lâu sau cuộc đại phẫu đó.
Ông là giáo viên môn Hóa Học, vì thế với kiến
thức chuyên ngành, ông lên tiếng phản đối dự án Bauxit Tây Nguyên, ông phân tích
những bất lợi thậm chí gây hại cho xã hội. Dự án Bauxit Tây Nguyên là chủ trương
lớn của Đảng nên ông bị cho là chống đối Đảng và Nhà Nước, ông bị kêu án, cầm tù
và chỉ được trả về với một thân xác suy kiệt, ít ngày sau ông qua đời. Tôi là
người được gặp ông trong thời gian sau cùng của cuộc đời, lần đầu tiên trong
Bệnh Viện 30 tháng 4 của ngành CA, người ta ngăn cản không cho gặp, tôi chỉ đứng
ngoài cửa nhìn qua kính thấy ông co ro trên giường, bà được ra gặp tôi ít phút
dưới sự giám sát và quay phim của 6 nhân viên an ninh, những lần gặp sau là khi
ông tạm trú ở Sàigòn để điều trị tại Bệnh Viện Ung Bướu, Sàigòn.
Một nhà giáo tâm huyết, một nhà trí thức tha
thiết với dân tộc, một người chân thành lên tiếng về sự thật đã bị đối xử như
vậy đó. Bây giờ thì cái gì từ dự án Bauxit Tây Nguyên chúng ta đã biết một phần
rồi và sẽ là thảm họa cho tương lai không xa.
Mấy ngày nay cơn bão Usagi, bão số 9, quét
ngang thành phố, khắp các tuyến đường đô thị Sàigòn ngập lụt thê thảm. Không chỉ
là bão, ngay một cơn mưa khá lớn đổ xuống thành phố này thôi cũng đủ làm ngập
lụt khắp nơi. Vì đâu xảy ra như vậy? Như trường hợp ông Đinh Đăng Định, người ta
phớt lờ và loại bỏ ý kiến của các nhà khoa học.
Một
trong các nhà khoa học Quy Hoạch Đô Thị nổi tiếng là Kiến Trúc Sư lão thành Ngô
Viết Thụ đã cảnh báo hướng phát triển thành phố không thể theo hướng Nam và Đông
Nam. Các tài liệu nghiên cứu quốc tế mà chế độ Việt Nam Công Hòa để lại cũng rất
chú ý điều này, họ chỉ ra rằng hướng phát triển hợp lý nhất là hướng Bắc và Tây
Bắc, xa lộ Biên Hòa là công trình đứng nhất Đông Nam Á thời đó đã minh chứng cho
hướng phát triển được chọn. Vậy mà vùng trũng chứa nước ở Nam và Đông Nam Sàigòn
đã bị san lấp làm khu dân cư, thương mại, hậu quả hôm nay nhãn tiền. Vẫn là bất
chấp lời can gian của các nhà khoa học, bỏ ngoài tai lời kêu than của dân, họ cứ
liều lĩnh làm chuyện họ nghĩ, miễn là có tiền tỷ đôla bỏ túi. Bán đảo Thủ Thiêm
sẽ thêm một minh chứng về kế sách tham nhũng này.

Cũng trên mạng mấy ngày nay, người ta chia sẻ
bản đồ ô nhiễm khí hậu của Việt Nam, các mây mù màu đỏ diễn tả sự ô nhiễm lan
rộng khắp nơi từ Bắc chí Nam. Những nơi có các nhà máy nhiệt điện theo công nghệ
lạc hậu của Tàu, những nơi có nhà máy công nghiệp của Tàu là những nơi ô nhiễm
nặng nhất, vì thế số người nhiễm ung thư ngày một tăng, số người chết vì ung thư
ngày một nhiều.
43 năm rồi cho Miền Nam
này, 64 năm rồi cho nhân dân Miền Bắc. Người ta cứ bảo chúng ta chờ, cứ nhắc
chúng ta kiên nhẫn đợi, chờ và đợi một ngày hóa rồng, nhưng chờ mãi, đợi hoài
chỉ thấy sự tan hoang, chỉ thấy bị phá sản mọi mặt. Nỗi thất vọng lan tỏa trên
mọi phương diện, nguy cơ mất nước không đâu xa, lại thêm người dân mình tự giết
mình, tự đầu độc mình, tự mình đưa tay xóa sổ đời.
"Còn gì nữa đâu mà bảo nhau đợi chờ?"
Lm. VĨNH SANG, DCCT
Tựa đề lấy từ lời bài "Hối tiếc" của Trầm
Tử Thiêng,
theo Ephata 825