PHÚC ĐỨC NƠI NÀO MÀ ĐỂ CẦU AO RÁCH NÁT?
Cha tôi xuất thân từ vùng quê đồng bằng sông Hồng, sinh ra và lớn lên trên ruộng lúa, cả tuổi trẻ chân lấm tay bùn lăn lóc ở những vuông đất nghèo kiệt. Năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, cha tôi thoát vội vàng ra khỏi xóm làng bởi những cuộc truy đuổi, người thanh niên trẻ bỏ lại vợ con lang thang lên đất Hà Nội, ở đó, nỗi tủi buồn vì nghèo và mù chữ dằn vặt ông mỗi ngày. Năm 1954 di cư vào Nam, nhờ hệ thống giáo dục của Cụ Ngô, cha tôi cắp sách đến trường khi tóc bắt đầu điểm sương, ông đi về mỗi tối từ các lớp Bình Dân Học Vụ, kiên trì từ giã nỗi nhục để bước vào con đường tri thức. Vì không biết chữ nên cha tôi chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi lối giáo dục truyền khẩu của cha ông, mỗi khi cần dạy con cái điều gì, ông ví von và trưng dẫn những câu thơ, những lời văn thật ý nhị nhưng không kém phần sâu lắng. Anh tôi hay đi chơi và rất mê Xinê, có lần vào rạp chiếu phim thường trực, loại rạp chiều phim liên tục không có giờ nghỉ, anh xem phim quên cả giờ về, khi ra khỏi rạp mắt mờ, bụng đói, ngất ngưởng như con chuối phải khói. Không đánh con bao giờ, cha tôi ra hình phạt lên bàn viết 100 lần câu: “Đi đâu phải báo cho nhà biết, chớ đi biền biệt kẻo nhà đợi mong”. Tôi sinh ra với gương mặt không được tươi lắm, mỗi khi có nỗi buồn tôi thường nhăn nhó coi rất khó chịu, để nhắc nhở tôi ông bảo: lên bàn viết 100 lần câu: “Làm trai cho đáng nên trai, bác mẹ có mắng cũng cười như hoa”. Bây giờ đã ngoài sáu mươi, chẳng sửa được như lời ông dạy, những mỗi lần thấy mặt mình nhăn nhó bỗng nhớ cha vô cùng. Ông có tính xã hội cao, tham gia nhiều công việc chung của làng xóm, đồng hương, giang rộng tay đón các bạn bè của chúng tôi ở quê lên Sàigòn trọ học, lắm khi ông mải miết lo việc chung làm phật lòng bà, bà sống đời nội trợ nên thế giới của bà là quanh quẩn trong nhà, lắm lúc bà tức giận "pháo kích" ông cũng bằng thơ văn “phúc đức nơi nào mà để cầu ao rách nát”! Khi trận chiến khai màn thì ông thường chọn cách “nể mẹ mày chứ đây không sợ” và rút lên lầu nằm im! Thấy ông nằm lâu không xuống bà liền pha cốc nước chanh bảo tôi “mang lên cho bố mày”. Bài học chúng tôi suy nghĩ là làm sao cân đối được những sinh hoạt trong ngoài của chính mình, những sinh hoạt ngoài xã hội đã giúp ích cho việc đào luyện bản thân mình rất nhiều, nhưng những việc bổn phận và trách nhiệm trong gia đình cũng cần phải chu toàn. Thật ra thì bố tôi khá quân bình trong công việc, tuy ông có phần quảng đại trong việc xã hội, nhưng chúng tôi hài lòng và hãnh diện vì tấm lòng nhân ái của ông. Mấy năm nay tôi chứng kiến sự đổ vỡ của gia đình người bạn thân, chúng tôi quen và sinh hoạt chung với nhau từ khi còn niên thiếu, cuối thập niên 60 anh vào quân đội tham gia trận đánh chí tử tại An Lộc năm 72, trở về an dưỡng một thời gian anh tiếp tục lao vào cuộc chiến khốc liệt. Ngày cuối cùng của năm 75, đơn vị anh trấn giữ cầu Xa Lộ rồi tan hàng, cởi chinh y từng mang huy hiệu tên một loài cọp, anh xếp hàng trong đoàn bại tướng đi lưu đày. Sau thời gian bị tập trung anh sang Mỹ theo diện HO rồi lập gia đình, người vợ là bạn của người yêu cũ đã bỏ anh khi anh còn ở trại tù. Những năm sau này anh mệt mỏi vì không chịu nổi tính của vợ, chị bỏ bê gia đình, mặc anh với hai đứa con sống ra sao thì ra, cả ngày chị đi hết nhà dưỡng lão này đến trại tù kia, về Việt Nam chị đi làm từ thiện từ Nam chí Bắc, số ngày đi giúp người nhiều gấp mấy lần số ngày về với gia đình. Khuyên bảo không được, bạn bè lên tiếng, chị vẫn không thay đổi, anh vùi đầu vào hơi men! Đoạn cuối của cuộc hôn nhân kéo dài trong bi thảm ! Tôi miên man chuyện gia đình, chuyện bàn bè, vì từ lâu, cái cách truyền thông và ứng xử quốc tế của Nhà Nước làm tôi thắc mắc. Có những chuyện tày đình trong nước mà lại vờ bỏ quên không thông tin, nhưng chỉ một chuyện nhỏ ở Mỹ hay ở một quốc gia tư bản giẫy chết nào khác thì bình luận và thông tin rộng rãi. Gần đây nhất vụ xả súng ở Las Vegas số người chết và thiệt hại không bằng dấu phẩy của những tai họa đang đổ trên đầu dân Việt, thì Nhà Nước tỏ ra quan ngại, chia sẻ, nhưng những chuyện thê thảm trong nước thì… đánh trống bỏ dùi ! Người dân phải sống triền miên trong cảnh đói nghèo, nông dân được mùa phải chịu rớt giá, mặc cho thương lái Tàu tung hoành hại dân, trong khi đó lại chở hàng nghìn tấn gạo nhiều lần viện trợ quảng đại cho "anh em" Triều Tiên, tiếp sức cho một đất nước CS đang bóc sức dân để chế tạo vũ khí hạt nhân, tên lửa, hăm he gây chiến! Đó là chuyện của xã hội, chuyện của Giáo Hội cũng vậy, có những người lo đi giúp và truyền giáo ở những nơi khác, nhưng ngay Giáo Hội nhà, còn quá nhiều nơi, nhiều vùng, nhiều người chưa biết Chúa thì không hề đưa tay chạm thử vào, thành tích sẽ được kể như một sự mở mang bờ cõi ra ngoài biên giới, nhưng chuyện trong biên giới, ngay ở vùng ngoại biên theo cách nhấn mạnh của Papa Phanxicô, thì mặc cho đói nghèo, cho việc mù Tin Mừng thao túng! Tỷ lệ 6% dân số là Kitô hữu kéo dài trong nhiều năm có là con số làm nhức nhối tâm hồn mình không? Dĩ nhiên các Thừa Sai năm xưa không đợi Giáo Hội nhà lớn mạnh rồi mới đi truyền giáo, mới dấn thân đến những vùng đất mới, nhưng những nơi ngay trên mảnh đất hình chữ S này còn chưa biết Chúa thì những vùng ấy có phải là những "vùng đất mới" hay không, hay chúng ta còn phải đi tìm vùng đất mới nào khác? Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 20.10.2017, theo Ephata 768
Tác giả:
Lm. Vĩnh Sang, DCCT
|