Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN - C

Bài đọc I: 2V 5,14-17; Bài đọc II: 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

 

I.- DẪN NHẬP

Biết ơn là một nhân đức căn bản cần có của mỗi con người, hay nói cách khác “Người đạo đức thì bao giờ cũng biết ơn” (Mably).

Trong môi trường cuộc sống thường ngày, chúng ta có cả một kho tàng đạo lý về thái độ đối nhân xử thế, một trong những đạo lý ấy là đạo lý của lòng biết ơn, với biết bao nhiêu lời khuyên đã trở nên, tục ngữ, thành ngữ hay ca dao để đời, ví dụ như những câu sau đây:

- “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. (Tục ngữ Việt Nam)

- “Ăn bát cơm đầy, nhớ ơn người cầy cấy”. (Ca dao Việt Nam)

- “Ơn sâu thì trả nghĩa sâu cho vừa”. (Tục ngữ Việt Nam)

- “Uống nước nhớ nguồn”. (Tục ngữ Thế giới)

- “Ơn ai một chút chớ quên, oán ai một chút để bên dạ này”. (Ca dao Việt Nam)

- “Người có tâm hồn thiện hảo, không khi nào bỏ qua dịp đền ơn”. (Vauvenargues)

- “Lòng biết ơn sinh ra tình yêu mến, tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn”. (Laténa)

- Với người Ảrập, người ta quan niệm rằng: “Lòng biết ơn phải thể hiện ở ba hình thức: một là tình cảm sâu xa, hai là lời cảm tạ, ba là quà tặng trở lại”.

Và hầu như bất cứ nơi nào, thời nào, dân tộc nào hay nền văn hóa nào, người ta cũng khuyên dạy con người phải có lòng biết ơn.

Còn đối với người Kitô hữu, lòng biết ơn căn bản như những ví dụ nêu trên nơi mỗi con người đã cần phải có, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, người Kitô hữu còn thể hiện một điều cao quí hơn và thiêng liêng hơn, đó là niềm tin vào Thiên Chúa. Vì không ai ban tặng cho con người nhiều như Thiên Chúa, và không có điều gì con người có được mà không do Thiên Chúa trao ban. Tất cả mọi sự con người có đều là hồng ân của Thiên Chúa.

II.- KINH THÁNH DẠY GÌ VỀ LÒNG BIẾT ƠN?

Toàn bộ chân lý trong Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước luôn thể hiện niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa. Và dân Chúa không ngừng coi việc tạ ơn Thiên Chúa là hành động, là dấu chỉ để biểu lộ niềm tin của mình: Phần chúng con là dân của Ngài, đoàn chiên Ngài chăn dắt, chúng con sẽ tạ ơn Ngài mãi mãi và dâng lời ca tụng đến muôn thuở muôn đời” (Tv 79,13).

Cựu Ước thường nói đến lòng biết ơn gắn liền với việc tạ ơn. Một phần là vì con người nhận ra lòng nhân từ và tình yêu vô biên của Thiên Chúa: “Vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (ISb 16,34 Tv 106,1; 107,1; 118,1.29; 136,1); phần khác, tạ ơn Chúa còn là vì nhận ra Chúa là Đấng quyền năng tối thượng: “Ngài là Thiên Chúa cửu trùng, Chúa các chúa, Thần các thần…” (Tv 136,2-3.26).

Còn Tân Ước nói đến lòng biết ơn mạnh hơn theo chiều kích lòng tin và đòi hỏi người biết ơn thể hiện lòng tin bằng sự vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Dù được ơn hay chưa được ơn vẫn cần phải cám ơn, thậm chí nhiều lần Chúa Giêsu còn nêu gương “cám ơn trước khi xin ơn”, điển hình như những lần Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn Chúa Cha trước khi chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho người nào đó… hay trước khi thực hiện một phép lạ gì, đặc biệt là những lần hóa bánh ra nhiều để nuôi số đông dân chúng đi theo Người… (x. Mt 15,36; 26,27; Mc 8,6; 14,23; Lc 22,17.19; Ga 6,11).

Quả thực, Lòng biết ơn của Dân Chúa luôn luôn gắn liền với lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch ban phát mọi ân sủng cho con người. Cũng như mọi nền giáo dục đều dạy con người phải biết đền ơn trả nghĩa. Hội Thánh, đạo của lòng biết ơn, cũng luôn luôn khuyên dạy con cái mình biết tạ ơn Thiên Chúa. Hai bài đọc và bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc lại cho chúng ta một tiêu chuẩn đạo đức cần phải có, chính là lòng biết ơn (biết ơn người, biết ơn đời, và biết ơn Trời). Hơn nữa, Lời Chúa còn đưa chúng ta đi xa hơn đến tột đỉnh của lòng biết ơn, đó là lòng tin vào Thiên Chúa, tôn vinh Người…Vì Người hằng yêu thương gìn giữ và ban muôn hồng ân cho chúng ta.

III.- MẤY VẤN ĐỀ GIÚP HIỂU BẢN VĂN TIN MỪNG HƠN

1. Bệnh phong và bệnh phong hủi:

Theo khoa học hiện đại và theo thuật ngữ của ngành y khoa, thì bệnh phong hiểu theo nghĩa rất rộng vì nó có những triệu chứng khác nhau và cấp độ nguy cơ cho bệnh nhân và những người xung quanh cũng rất khác nhau:

- Có chứng phong không lây nhiễm và có chứng phong dễ lây nhiễm;

- Có chứng phong chỉ tiềm ẩn trong máu hoặc trong một số bộ phận kín của cơ thể;

- Có chứng phong phát tác ra bên ngoài, gây nên những hoại tử làm cho cơ thể bệnh nhân mất dần đi sự toàn vẹn của thân thban đầu.

- Chứng phong nào cũng đe dọa đến sức khỏe, cơ thể và tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, có một loại phong làm cho người bệnh đau khổ nhất từ xưa đến nay vẫn là bệnh phong hủi, vì nó là thứ bệnh từ trong máu, gây đau đớn khổ sở, lại nhanh chóng phát tác ra bên ngoài bằng những hoại tử hôi thối, gây ô nhiễm, và dễ lây nhiễm cho người xung quanh.

Chính vì tính chất nguy hại của chứng bệnh, nên người ta đã tách ly những bệnh nhân ra một nơi xa dân cư để thuận tiện cho việc điều trị và đồng thời cũng để ngăn chặn con đường lây nhiễm sang những người khác. Và giải pháp này ở một số quốc gia đã sớm ban hành luật lệ để điều trị và phòng ngừa cho người bệnh và cho cộng đồng được tốt hơn… Luật Dothái thời xưa rất rõ (x. Lv 13,46; 14,1-32); cụ thể ở Việt Nam ta hiện nay cũng có mấy trại phong như: Di linh, Bến sắn…, cũng được thành lập như vậy.

Với nền khoa học tiên tiến ngày nay, và với sự tận tâm, tận tình của cả bệnh nhân, cả những y bác sĩ, cả những nhà lãnh đạo, và cả những nhà hảo tâm khắp nơi… Bệnh phong hủi, loại bệnh tai bay vạ gió này, mỗi ngày đã được giảm dần, cả về số lượng người bệnh, cả về nguy cơ trầm trọng của bệnh, và cả những phương thế tránh lây nhiễm bệnh càng ngày càng khả quan hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng và đáng để mỗi người chúng ta lưu tâm yêu thương giúp đỡ hơn.

2. Bệnh phong hủi theo quan niệm của người Dothái bấy giờ:

Đối với người Dothái bấy giờ, bệnh phong hủi là bệnh đặc biệt hơn hết, khác hẳn với các chứng bệnh khác về y học cũng như tôn giáo. Nó được xếp vào loại bệnh nan y bất trị, hơn cả bệnh tê liệt, băng huyết, động kinh… hơn nữa nó lại bị coi là loại bệnh ô uế và truyền nhiễm cao, đến nỗi người ta đã phải cách ly ra khỏi xã hội. Đã thế, họ còn gán cho bệnh nhân này một nguyên tắc tôn giáo, để xét đoán tội lỗi và hình phạt mà bệnh nhân ấy phải gánh chịu. Căn bệnh bị coi là hình phạt Thiên chúa giáng xuống người tội lỗi, dấu chỉ của người mắc tội trọng (x. Đnl 28,27.35), phải loại ra khỏi cộng đồng (x. Lêvi chương 13 và 14).

Do đó, những bệnh nhân phong hủi, đã trở nên những nạn nhân vừa chịu bất hạnh đau đớn thể xác, vừa bị khinh bỉ và loại ra bên lề xã hội. Một phần vì sợ bệnh truyền nhiễm, một phần là do quan niệm tai họa Chúa phạt. Ai nào đó, tiếp xúc với nạn nhân mắc bệnh phong hủi, không những có cơ nguy bị lây bệnh thể xác, mà còn lo bị nhiễm tội của những “người bị Chúa phạt” lây cho.

Đó cũng chính là lý do mà luật đã được đặt ra, để ngăn cấm mọi người tiếp xúc với những ai mắc bệnh phong hủi. Đồng thời cũng ra lệnh cho người phong hủi phải tuân giữ cách ăn, nếp ở khác hẳn với cộng đồng: “Người mắc phong hủi phải mặc áo rách, xỏa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế, ô uế! Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chổ ở của nó là một nơi bên ngoài trại ” (Lv 13,45-46). Điều này đã làm cho người bệnh phong mất đi phẩm giá vốn có của một con người nhân vị. Vì luật mà nạn nhân của bệnh đã dở sống dở chết. Chỉ có "Người của Thiên Chúa" mới chữa được loại bệnh này; Chỉ có Đấng cứu độ mới giải thoát tận căn được chứng bệnh làm tổn thương thân xác và tâm hồn này. Và cũng chỉ có Đức Giêsu Kitô mới cải tổ được những luật lệ lỗi thời, lỗi nhân đức yêu thương như luật này mà thôi.

3. Người Samari là ai?

Lịch sử Kinh Thánh kể rằng: Sau khi thất thủ (năm 721 tcn), vùng đất Samari vốn là lãnh thổ của Dothái xưa đã bị đế quốc Átsua xâm chiếm, các dân ngoại bang kéo đến chiếm đóng mang theo cả tôn giáo của họ (x. 2V 17,24tt). Họ ở phần đất của Giavê, nhưng lại thờ thần ngoại bang, vì thế người Dothái ghét cay ghét đắng người Samari và coi họ là bọn lai căng lạc đạo. Hơn nữa, sau lưu đầy, những người Dothái hồi hương đã cải cách tôn giáo một cách khắt khe, không cho người Samari đóng góp vào việc tái thiết Đền Thờ. Do đó mà phát sinh ly giáo Samari. Người Dothái và người Samari trở thành thù nghịch như không thể đội trời chung (x. Hc 50,25-26; Ga 8,48; Mt 10,5; Lc 9,52; 10,33.53; 17,16).

Bên nào cũng có lý do để thù nghịch bên kia: Người Samari cho rằng người Dothái độc tài, quân phiệt, kiêu căng, hình thức, luật lệ…; còn người Dothái thì coi kinh người Samari là bọn dân ngoại tội lỗi, lai căng ngoại đạo, không phải là dân được tuyển chọn nên cũng chẳng đáng được Thiên Chúa yêu thương cứu vớt.

IV.- THÔNG ĐIỆP CỦA LÒNG TIN

1. Phép lạ đi trước niềm tin:

Giáo lý đức tin dạy rằng: Mỗi khi Chúa Giêsu làm phép lạ, Ngài thể hiện hai mục đích: Một là vì lòng nhân từ, xót thương, nên mới cứu chữa và cứu độ; hai là để chứng minh quyền phép và sứ mệnh Thiên Sai của Ngài, để dân chúng thấy mà tin và đi theo Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ ràng cả mười người phong hủi đã van xin lòng thương xót của Chúa: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi" (Lc 17,13). Và cả mười người đã được Chúa chữa, không phân biệt người Dothái hay người ngoại Samari: "Hãy đi, trình diện các tư tế" (Lc 17,14). Lời nói này chính là lời chữa lành, vì khi đi trình diện với nhà chức trách như thế, thì đồng nghĩa với việc đến đó để họ thẩm định lại tình trạng bệnh tật và sức khỏe; nếu đã hết bệnh thì được ghi tên trở lại danh sách những người lành sạch và được hòa nhập với đời sống cộng đồng, theo luật đã ấn định.

2. Lòng biết ơn lại sinh thêm phép lạ:

Phép lạ chữa lành bệnh phong hủi cho mười người nêu trên, trước tiên chỉ là phép lạ chữa lành bệnh thân thể, loại bệnh bên ngoài, loại bệnh sống thì còn chết là hết.

Phép lạ của lòng tin "Đức tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17,19). Phép lạ ấy mới đáng giá, vì nó chữa được cả thể xác lẫn tinh thần. Đây mới chính là phép lạ mà Tin Mừng muốn nhắm đến. Phép lạ này đòi hỏi một lòng tin, vì nó làm cho người bệnh nhân khỏe mạnh, tinh tuyền hoàn toàn, ảnh hưởng của phép lạ tâm hồn là nguồn sức mạnh dẫn đến sự sống đời đời. Đây chính là điều kỳ diệu của lòng tin.

Lòng biết ơn của người có lòng tin thường được ơn soi sáng để biết việc gì quan trọng hơn, ưu tiên hơn, mà người Samari đã nhận ra rằng phải tạ ơn Thiên Chúa trước đã rồi mới đi trình với giới chức trách tư tế, dù có trễ nhưng trễ mà chắc, dù có muộn nhưng cũng chẳng sao. Khác hẳn với chín người kia, chẳng lo tạ ơn Thiên Chúa gì hết, chỉ lo toàn chuyện phụ thuộc, nặng tính lề luật, coi thường ơn nghĩa.

Cứ như nội dung của trình thuật này thì chín người Dothái kia không được lời chúc phúc như người Samari đã được "Đức tin của anh đã cứu chữa anh". Và như vậy chín người Dothái vô ơn chỉ có thể được chữa ngoài mà không được chữa trong.

Nếu ví rằng: việc cứu chữa của Chúa gắn liền với hình thức tha tội (x. Lc 5,17-26; Mt 9,1-8; Mc 2,1-12) thì tội của người Samari đã được tha, còn tội của chín người Dothái kia vẫn chưa được tha.

Giáo lý đức tin dạy rằng: Bệnh gì Chúa cũng chữa được, tội gì Chúa cũng tha được, ngoại trừ tội vô ơn bạc nghĩa với Chúa. Phép lạ không thể xảy ra đối với những người vong ân bội nghĩa và cứng lòng tin như họ (x. Lc 11,29; Mt 12,39; Mt 16,4; Mc 8,12).

Chúa Giêsu phải thốt lên một chuỗi những lời quở trách: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17,17-18). Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn như thế, cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh. Người nói: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17,19). Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn. Với niềm tin và lòng biết ơn, người đã có lại được cho thêm.

3. Tiến trình hành động để thể hiện lòng tin:

Trong bài đọc một, Chúng ta được nghe câu chuyện ông Naaman được chữa lành nhờ đức tin: Ông là một quan lớn, lãnh đạo quân đội Syria. Ông được vua Aram tin dùng, ông là người giàu có, tiếng tăm, quyền lực… Một người như ông chắc không cần đến tôn giáo, và Thiên Chúa chắc chẳng có chỗ đứng trong lòng ông. Nhưng căn bệnh phong hủi nan y đã ập đến với ông và ông đã nhận ra hình ảnh sụp đổ của vận mệnh cuộc đời mình. Dù tiền nhiều như núi, của cải dư đầy, quyền cao chức trọng cũng vô phương cứu chữa căn bệnh trầm kha của ông. Ông đau khổ vì bệnh tật, dĩ nhiên ông đã chạy chữa tứ phương thiên hạ mà bệnh vẫn hoàn bệnh, ai mách ông làm gì ông cũng làm, đi đâu chữa ông cũng đi và dĩ nhiên ông đã được mách bảo đến với Tiên tri Êlisa “người của Thiên Chúa” và ông đã được chữa lành. Do đó ông khám phá ra ơn Chúa, ông nhận thấy Thiên Chúa có thật. Nên ông tin, ông đã đến tạ ơn Tiên tri Êlisa, và nói lên lòng tin của mình vào Thiên Chúa. Khi về ông còn xin mang đất ở Ítraen về quê hương làm vật lưu niệm biểu lộ lòng tin Thiên Chúa và từ nay ông sẽ không tôn thờ và dâng lễ vật cho bất cứ thần nào khác ngoài Thiên Chúa của Ítraen.

Điều tương tự cũng xảy ra trong Tin Mừng. Chúng ta vừa nghe câu chuyện 10 người phong hủi đến xin Chúa Kitô chữa lành. Họ đau khổ vì bệnh tật làm họ phải xa cách với mọi người. Và họ biết Đức Giêsu có thể chữa lành nên họ tìm đến Người. Như ngôn sứ Êlisa bảo Naaman xuống sông Giođan tắm bảy lần. Đức Giêsu cũng bảo họ đi trình diện với các thầy tư tế. Và trên đường đi thì họ được khỏi bệnh. 

Qua nội dung của hai câu chuyện chữa lành: một trong Cựu Ước, một trong Tân Ước này cho chúng ta một nhận xét ban đầu như sau:

Việc những người phong hủi này được khỏi bệnh là do quyền Năng của Thiên Chúa và là do lòng nhân từ của Thiên Chúa cứu chữa, chứ không phải là nguyên nhân lòng tin của họ. Nhưng khi đã được chữa lành bệnh tật thể xác, lúc ấy Chúa mới đòi hỏi lòng tin, để rồi nhờ lòng tin của họ mà Chúa lại tiếp tục chữa nữa, nhưng lần này Chúa chữa những căn bệnh bất trị của tâm hồn để được sống đời đời "Đức tin của con đã cứu chữa con", cũng có nghĩa là "Đức tin đem lại cho con sự sống đời đời" (Lời tuyên xưng đức tin trong ngày lễ rửa tội).

Qua đó, chúng ta nhận biết rằng: Đức tin thúc đẩy người có lòng tin phải thực hiện liền một trật những tiến trình hành động để thể hiện lòng tin:

- Chạy đến cầu xin.

- Tỏ lòng khiêm tốn.

- Hết sức trông cậy.

- Thật lòng yêu mến.

- Tín thác hoàn toàn.

- Vâng phục trọn vẹn.

- Đền ơn xứng hợp.

Và qua một chuỗi những hành động như thế, điều kỳ diệu sẽ xảy ra, điều đó là phép lạ biến đổi, không những chỉ biến đổi thân xác – mà còn biến đổi cả tâm hồn.

V.- SUY TƯ VÀ NHẬN ĐỊNH

1. Thử làm một phép tính:

Chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, tỉ lệ một phần mười là một tỉ lệ rất thấp. Thấp hơn nữa là người quay trở lại, tỏ lòng biết ơn lại là người ngoại Samari.

Nếu làm một bài toán so sáng ta sẽ có:

- Chín người phong hủi gốc Dothái, được chữa khỏi cả chín, không người nào trở lại tạ ơn; suy ra, trăm phần trăm người Dothái này vô ơn, bội nghĩa.

- Một người phong hủi gốc dân ngoại Samari, cũng được chữa khỏi, và đã quay trở lại tạ ơn; suy ra, trăm phần trăm người dân ngoại Samari là người biết ơn, biết nghĩa.

2. Mang ơn thì phải chịu ơn:

Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau như những mắt xích. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn nhận được trực tiếp từ nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người… Nhưng thực tế ngày nay, căn bệnh dửng dưng, thờ ơ thậm chí đến vô cảm đã và đang làm băng hoại xã hội. Nó dẫn đến tình trạng vô ơn bạc nghĩa nơi rất nhiều người, thái độ “ăn cháo đá bát", "vắt chanh bỏ vỏ"…, lời cám ơn lịch sự nơi cửa miệng trước những nghĩa cử của người khác ngày càng hiếm đi trong giao tiếp hằng ngày. Nhiều người con vô ơn, quên công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thầy cô, để rồi bất hiếu, chỉ biết đòi hỏi cha mẹ cung phụng cho mình. Trong xã hội, những hạng người vô ơn bạc nghĩa, chỉ ích kỷ lo cho bản thân, bất chấp cả đạo lý làm người như thế, lại là số đông chứ không phải là số ít…

Có thể nói: biết ơn và đền ơn là một nhân đức rất căn bản để có thể trở nên người toàn vẹn. Đã là người trần thế, bất kỳ ai cũng phải cậy nhờ vào người khác mới có thể tồn tại và phát triển. Từ khi được dựng thai trong lòng mẹ, sinh ra rồi lớn lên, trưởng thành, và cho đến cuối đời… "Không ai là một hòn đảo", "Ai cũng cần có đời sống tương liên qua lại giữa người với người". Do đó, phải biết nhớ đến công ơn của người khác mới thực là người đúng nghĩa.

Với mỗi người Kitô hữu cũng thế, biết ơn chính là đức tính nhân bản của người đạo hạnh. Nhưng nhân đức tốt lành này cũng không dễ mà có được. Vì nhân đức đòi hỏi phải cố gắng học tập rèn luyện và thường xuyên thi hành. Trước tiên là biết ơn mẹ cha, những đấng sinh thành dưỡng dục nên ta. Rồi đến những người xung quanh có tương quan liên đới đến sự phát triển và đời sống trưởng thành của ta. Tiếp đến, nhưng lại là ưu tiên hơn hết, là biết ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ vận mệnh đời mình cả phần xác lẫn phần hồn, đời này và đời sau.

3. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh:

Noi gương Thánh Phaolô. Mặc dù đang chịu cảnh giam cầm khổ sở trong tù, nhưng Thánh Phaolô vẫn ca tụng Thiên Chúa và quyết cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng sống với Ngài. (x. Bài đọc hai: 2Tm 2,8-13). Và nhiều lần khác, trong hành trình rao giảng, trong các bức thư gửi cho cộng sự hay cho các cộng đoàn Kitô hữu, Thánh Nhân không ngừng tạ ơn Thiên Chúa (x. 1Cr 1,4; Ep 1,16; Cl 1,3; 1Tx 2,13); trong mọi hoàn cảnh (x. Pl 4,6; 1Tx 5,18); và luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa cho người khác. (x. ITx 3,9; 2Tx 1,3; 2,13; 1Tm 1,12; 2,1; 2Tm 1,3; Plm, 1,4)

Chúng ta phải biết nhiệt thành tri ân Thiên Chúa khi vui cũng như lúc buồn, cả khi thành công cũng như lúc thất bại, cả khi hy vọng cũng như lúc thất vọng. Vì tin rằng Chúa Kitô Phục Sinh đã đổ nguồn sống mới vào đời sống chúng ta. Quá khứ tội lỗi của chúng ta chẳng đáng gì so với tình thương của Chúa.

Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, vì sửa dạy chúng ta nên người tốt lành, Thiên Chúa thử thách và rèn luyện chúng ta. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi lúc và lợi dụng cả lúc bất lợi nhất để tìm Chúa, nhận ra ân sủng của Chúa và tin Người. "Vì những lý do đó, chúng ta hãy tạ ơn Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, Người đã thử thách chúng ta cũng như đã thử thách cha ông chúng ta”. (Gdt 8,25)

Càng tin tưởng ta càng nhận thấy tình yêu chăm sóc của Chúa dành cho mình là những kẻ bất xứng, từ đó, càng biết ơn Chúa hơn, càng tạ ơn Chúa nhiều hơn. “Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao” (Tv 92,2).

VI.- VẤN TÂM THAY LỜI KẾT

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chất vấn liên tục ba câu đáng buồn: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Còn chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Lời chất vấn này không chỉ dành riêng cho những người phong hủi vô ơn, mà là cho hết thảy những người vô ơn khác là chúng ta.

Thật đáng buồn biết bao cho những người được Thiên Chúa ban nhiều ơn huệ nhưng lại chẳng biết tạ ơn. Chúa Giêsu đã bị tổn thương tận trong thẳm sâu cõi lòng trước sự vô ơn của con người. Không có gì hèn hạ hơn sự bạc bẽo vô ơn.

Hình ảnh của người bị phong hủi gốc dân ngoại Naaman và Samari là tấm gương của những tội nhân. Nếu biết khiêm tốn, thống hối, ăn năn và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ yêu thương tha thứ và chữa lành mọi bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn.

Những người phong hủi ấy tượng trưng cho chúng ta. Chúng ta phải nhận thấy mình mắc bệnh và cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và khi đã phó thác, đã đặt niềm tin tưởng nơi Người, chắc chắn Người sẽ nhận lời, sẽ chữa lành, dù chúng ta thế nào chăng nữa. Người chỉ cần lòng tin của chúng ta.

Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương: tác tạo, cứu độ và luôn chăm sóc bằng muôn vàn hồng ân. Không ai bị loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Hình ảnh cả 10 người phong hủi được chữa lành nói lên chân lý này. Thế nhưng, cả 10 người được chữa khỏi nhưng lại chỉ có một người Samaria biết quay lại cám ơn Chúa Giêsu. Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng phải tự hỏi lại mình:

- Giữa chúng ta, ai ai cũng đón nhận được tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa, nhưng được mấy người biết tìm đến để tạ ơn Chúa?

- Mỗi người cũng có biết bao lần đón nhận ơn Chúa nhưng được mấy lần đến tạ ơn?

- Có những lúc chúng ta mắc bệnh phần xác hay phần hồn. Có những lúc chúng ta gặp những chuyện buồn, những bệnh tật làm chúng ta khổ sở, đau đớn. Khi được chữa lành, chúng ta có nói tiếng tạ ơn Chúa không?

- Là người Kitô hữu, chúng ta là con cái Chúa, chúng ta có đức tin và lòng biết ơn như vị quan Naaman hay như người Samaria kia không?

- Chúng ta có tin rằng Chúa đã chữa cho chúng ta khỏi bệnh, chính Chúa đã yêu thương và ban cho chúng ta đức tin không?

- Nếu tin Chúa chúng ta sẽ tạ ơn Chúa như thế nào?

- Nếu tin Chúa chúng ta sẽ làm gì để chứng tỏ lòng tin của chúng ta?

- Ơn cao trọng nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đó là ban chính Con Một của Ngài cứu chuộc chúng ta và còn trở thành lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Vì thế, mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta, đặc biệt các ơn Ngài ban qua Con Một của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Vậy chúng ta có siêng năng tham dự thánh lễ để tạ ơn Chúa mỗi ngày không? Và những lần chúng ta tham dự thánh lễ, lòng chúng ta có chút tâm tình tạ ơn nào không?

Lạy Chúa, suốt cuộc đời chúng con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt cuộc đời chúng con được tắm mát trong dòng suối ân tình của anh em: “Lạy Chúa, con nguyện tạ ơn Ngài luôn mãi, và nguyện sẽ luôn là người hiếu trung với Chúa” (Tv 52,11); Vì Chúa đã hứa rằng "Kẻ dâng lời tạ ơn làm hy lễ sẽ làm hiển danh Chúa. Ai sống đời hoàn hảo, Chúa cho hưởng ơn cứu độ trong Chúa muôn đời" (TV 50,23).

Xin cho chúng con luôn biết sống có tình, có nghĩa. Luôn thể kiện lòng biết ơn, luôn quí trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban và những gì mà anh em đã làm cho đời chúng con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ” (Tv 118,21),

Xin cho chúng con “Ai nấy biết rằng phải tạ ơn Chúa trước khi mặt trời lên, phải gặp gỡ Ngài khi bình minh ló rạng” (Kn 16,28). Vì mỗi sáng thức dậy thấy mình còn tràn đầy sự sống chính là một phép lạ vĩ đại Chúa đã thực hiện nơi chúng con.

Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!