Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
DỤ NGÔN BA CHA CON

Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường Niên C (Luca 15,1-32)

Bài đọc I: Xh 32,7-11.13-14; Bài đọc II: 1Tm 1,12-17

 

I.- DẪN NHẬP

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một trong số ít những bài Tin Mừng kể là dài nhất trong cả ba năm phụng vụ ABC. Có Cha hài hước nói rằng: vừa đọc xong bài Tin Mừng, mình phải đứng thinh lặng một lát để lấy hơi và xin cậu giúp lễ cho uống một ngụm nước rồi mới tiếp tục giảng được.

Trong bài Tin Mừng này, Thánh sử Luca đã khéo léo kết hợp đến ba dụ ngôn liên tiếp vào một chỗ (ba trong một), nhằm tô đậm hình ảnh: người mục tử tìm thấy con chiên đi lạc, bà góa tìm thấy đồng bạc bị mất, và người cha tìm được đứa con hoang đàng trở về. Vì thế, bài Tin Mừng này cũng kể vào hạng nhất phong phú về chủ đề. Mỗi người có thể đọc bài Tin Mừng này với sự lựa chọn nhập vai khác nhau, hầu tìm thấy giáo huấn của ba dụ ngôn ấy ứng với đời sống của mình càng gần gũi và chính xác hơn.

Tâm đắc nhất, có lẽ là dụ ngôn thứ ba, bởi vì trong dụ ngôn này có đến ba nhân vật phản diện, đó là ba cha con; và hầu như các nhà chú giải, chỉ giải thích qua loa hai dụ ngôn trên, vì dễ hiểu hơn chăng hay có lẽ tính hấp dẫn của hai dụ ngôn trên không bằng dụ ngôn thứ ba này? Chắc rằng: Ý của Chúa Giêsu cũng không nhằm nói tới con chiên lạc, hay đồng bạc bị mất mà chỉ muốn nói tới con người trở về với lòng thống hối ăn năn. Trước mặt Thiên Chúa, mỗi một con người đều có giá trị vô cùng, bởi vì mỗi một con người, dù là tội lỗi, cũng đều là con yêu của Ngài.

Người viết cũng tâm đắc với dụ ngôn thứ ba hơn và gọi dụ ngôn này với tên gọi riêng của mình là:  “Dụ ngôn ba cha con”.

Để khởi đầu cho việc giải thích chi tiết từng nhân vật trong dụ ngôn thứ ba này. Người viết xin đề nghị bạn đọc khám phá và hình dung quang cảnh của một gia đình có ba cha con: ba cha con cùng một nhà, nhưng ba cha con lại có ba cá tính khác nhau, và cá tích đặc trưng của từng người đã làm cho ba cha con có ba cách sống và ba cách xử sự khác nhau và hơn nữa có lẽ vận mệnh của ba cha con cũng sẽ khác nhau.

Đặt mình vào hoàn cảnh người nghe dụ ngôn này, người viết thấy mình thấp thoáng có bóng dáng ở một trong ba nhân vật ấy! Lại có lúc cả ba nhân vật đều có những nét phản ánh khá trung thực đời mình! Còn bạn, bạn nghĩ sao? Từ đó, mỗi người chúng ta tự rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm, để giải đáp cho cuộc đời và vận mệnh của mình.

II.- DIỄN TẢ HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA

Có lẽ, chỉ có trong Kinh Thánh và trong văn học người ta mới vận dụng hình ảnh người cha nhân hậu: chăm lo, săn sóc và yêu mến con cái mình… còn trong thực tế, sự yêu thương, chăm sóc và tha thứ cho con cái dường như là phẩm chất của người mẹ nhiều hơn.

Không biết các nhà truyền giáo giảng cho những người dự tòng thế nào? Nhưng riêng tôi, tôi không thích dùng hình ảnh của người cha để giải thích lòng thương xót của Thiên Chúa cho người dự tòng chút nào; tôi vẫn thích dùng hình ảnh người mẹ hơn. Sở dĩ như vậy, là vì đa số những người cha ngày hôm nay đã đánh mất hình ảnh người cha nhân hậu rồi, hoặc có chăng thì cũng còn lờ mờ lắm không thể soi gương được…Ai cũng biết những người làm cha và làm chồng trong thời đại ngày nay là thế nào rồi, miễn cho tôi kể ra những sự ấy. Còn bản tính của người mẹ đối với con mình xưa cũng vậy và nay vẫn còn thế, dù sao cũng thấy đậm nét nhân từ với con cái hơn; nhất là người mẹ ấy vốn là một người nữ sẵn có bốn đức tính: công-dung-ngôn-hạnh.

Dù là người cha nhân hậu hay người mẹ hiền lành hay ông chủ từ tâm… Thì sự thể hiện hình ảnh đẹp ấy muốn đưa chúng ta đến một hình ảnh thực tế gần giũ đã từng cảm nghiệm, kiểu như tự kỷ ám thị, để chúng ta có thể chiêm ngắm một hình ảnh cao hơn xa hơn về một Thiên Chúa vô hình-Đấng giàu lòng thương xót.

Trong lịch sử Cựu Ước, sách Xuất Hành thuật lại chuyện con người nhiều lần làm Thiên Chúa nổi giận và muốn giáng phạt hết thảy, vì đã phản bội Thiên Chúa, thờ ngẫu tượng, ăn chơi sa đọa, say sưa trong men lạc thú…(x. Bài đọc I: Xh 32,7-11.13-14). Nhờ lời van xin của ngôn sứ Môsê là một người công chính luôn thi hành và lắng nghe lời Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nhận lời ông, không giáng phạt mà rộng lòng tha thứ.

Trong thư Thánh Phaolô gửi cho Timôthê, thuật lại câu chuyện về chính ông là một người tội lỗi bách đạo Chúa Kitô khét tiếng. Nhờ ân sủng và ơn tha thứ của Chúa, ông đã ăn năn trở lại và dùng cả cuộc đời của mình để minh chứng tình yêu thương khoan dung của Đức Kitô Phục Sinh. (x. Bài đọc II: 1Tm 1,12-17)

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng để trả lời cho những người luật sĩ và biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu vì sao lại ngồi chung, và đồng hành với những người tội lỗi. Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và người con hoang đàng trở về. Để nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi ăn năn trở lại. Và đó là lý do cho sự tiếp cận của Chúa Giêsu bên những người tội lỗi.

Dụ ngôn “ba cha con” được đặt vào phần cuối của đoạn Tin Mừng này, như là những câu giải đáp cuối cùng của Chúa Giêsu để trả lời cho những người Pharisiêu và các kinh sư trách móc Ngài thân cận với kẻ tội lỗi, được nêu ra ở những giòng đầu: “Ông này tiếp đón phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Đó là lý do của các bài đọc hôm nay.

III.- HÌNH ẢNH HAI NGƯỜI CON TRAI

1. Người con thứ được nhắc đến trước:

-Người con thứ được nói đến trước và tội của anh cũng được nói đến trước. Anh là người con phung phá, cương quyết không muốn cha mình xen vào cuộc đời: “Xin cho con những gì con được hưởng để con sống như con muốn… rồi thu góp tất cả trẩy đi phương xa… sống phóng đãng, phung phí tài sản”. Đến mức đời sống của anh trở nên càng ngày càng tồi tệ, không còn chút phẩm giá nào là một con người nữa “muốn ăn thứ mà heo ăn cho đầy bụng cũng không được ăn”. Đây chính là hình ảnh diễn tả sự sâu sắc của bi kịch tội lỗi. Nó làm cho con người còn tệ hơn con vật mà con vật ấy lại là con heo, tượng trưng cho loài vật dơ bẩn và hèn hạ nhất. Với góc nhìn nhân bản, thì đứa con bỏ nhà ra đi, nhất là ra đi đem theo cả gia tài, không hẹn ngày về, vĩnh biệt đối với gia đình, có thể coi là đứa con đã chết!

-Giai đoạn hai của cuộc đời người con thứ được trình bày với cái nhìn hướng tâm. Bằng những phút giây hướng tâm, anh nhìn lại chính mình, cảm thấy mình xấu sa, bê tha, tội lỗi và anh nghĩ anh phải trở về nhà cha cũng là nhà của anh ngày nào. Anh tự nhủ với lòng mình: “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta…”. Đây,là giai đoạn người con phung phá cảm nghiệm nỗi cơ cực của mình khi đối chiếu với những người làm công ở nhà cha. Anh nghĩ rằng để tốt hơn, mình phải từ bỏ con đường lầm than, tha hóa để khởi sự bước chân trở về nhà, cũng là trở về với Thiên Chúa.

-Giai đoạn ba của cuộc đời người con thứ là quyết định từ bỏ quá khứ và trở về nhà cha để làm lại cuộc đời. Đây là giai đoạn cuối và cũng là giai đoạn quyết định hơn cả trong hành trình trở về nhà cha. Hành động này là dấu chỉ của sự giao hòa, là bí tích thể hiện lòng sám hối trong tâm hồn. Thiếu quyết định dứt khoát này, sự hoán cải vẫn chỉ là một ước muốn đạo đức, và sẽ không thể đạt được một cuộc sống mới, cũng không thể thay đổi vận mệnh cuộc đời được. Chính nhờ biết quyết định như vậy mà người con phung phá tìm lại được sự tự do chân chính của mình. Người con phung phá đã thực sự hoán cải, trở về và nói lên lời hối lỗi thiết tha: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa” (Lc 15,21). Thật tuyệt vời! Chỉ cần một lời thú tội, mà quyết định được cả một vận mệnh con người. (xem thêm lời thú tội của kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa: Lc 23,42).

2. Người con cả thật đáng thương:

Chúng ta cùng nhìn tới người con cả, nhân vật thứ ba trong một gia đình có ba cha con, không biết người mẹ đâu mất rồi? Kinh Thánh không nói đến, quả thật là tội nghiệp cho người cha góa vợ và đáng thương cho hai thằng con trai mồ côi mẹ. “Không biết có khi nào hai cậu con trai này phải đi liếm lá dọc đường chưa?”

Trở lại chuyện người con cả, anh là người luôn sống ở nhà, nơi mà anh luôn luôn sống ngoan ngoãn, gần gũi bên cha, vâng phục cha. Đời sống ban đầu của anh gắn bó với cha và sự nghiệp trong nhà cha kể như tốt lành từ A đến Z. Cá tính đó, gia nghiệp đó, là cả một đời sống tích cực vâng lệnh cha, chúng ta không thể phủ nhận được công trạng mà anh đã cùng cha vun đắp xây dựng qua bao tháng năm chịu thương chịu khó.

Nhưng cuối cùng điều gì đã xảy ra cho người con cả này? Chỉ vì tính đố kỵ và ích kỷ, thiếu lòng quảng đại và bao dung mà đã xảy ra bi kịch cho người anh cả. Ở ngoài đồng về gần đến nhà, anh nghe thấy tiếng đàn hát và bắt đầu nghi ngờ, rồi hỏi han, rồi tức giận, rồi không chịu vào nhà. Anh không chịu làm hòa với cha và không chịu tha thứ cho em, mặc dầu cha anh đã hạ giọng năn nỉ anh vào nhà chung vui cùng cha và em. (x. Lc 15,25-32)

Thật đáng thương và thật tội nghiệp cho người anh cả, vì dụ ngôn lại chấm dứt ở đây. Chấm dứt đúng ngay lúc anh đang vấp phạm, dụ ngôn không cho anh một khoảnh khắc để ăn năn, anh không có thời gian ăn năn. Giá như anh có một thời gian dài như thằng em để hồi tâm thì hy vọng còn có thể mở ra, và nếu thời gian có đủ để anh ăn năn mà anh vẫn cố tình cố chấp thì mới thật trách và đáng ghét chứ?

Lại tội nghiệp cho người cha giầu lòng nhân hậu. Tưởng rằng tìm được thằng con hư hỏng ăn năn trở về thì được luôn cả hai đứa vuông tròn, nào ngờ tìm được đứa này lại mất đứa kia.Trong lúc vui mừng chưa trọn vẹn với đứa con thứ trở về, thì người cha bất ngờ lại đang mất đi một người con cả. cuộc hoán đổi không hề mong muốn.

Làm cha khổ lắm ai ơi, làm cha nhân từ đâu phải là dễ. Con mình mà mình không nhân từ thì còn nhân từ với ai được; cũng tại mình là cha chúng nó mà.

3. Ba trong một: “Tuy ba là một, tuy một mà ba”

Rõ ràng, dụ ngôn muốn đưa chúng ta nhìn lại chính mình trong từng phút giây hiện tại: “Sống trung thực, sống thành tín, sống hết mình, sống sám hối, sống bao dung, sống thánh thiện… trong mỗi phút giây hiện tại” đó mới là giáo lý của bài Tin Mừng này.

Chúng ta không biết các sự việc kết thúc như thế nào, vì chỉ có cái chết mới chứng minh trọn vẹn vai diễn của từng con người, chỉ có cái chết mới chấm dứt. Nhưng dụ ngôn thì chấm dứt ở đây, mà người cha và hai thằng con trai vẫn còn sống, kẻ thì phây phây, người thì vất vưởng... Chúng ta muốn biết người con thứ sẽ sống ra sao sau khi trở lại, và điều gì sẽ xảy ra cho người con cả, và người cha có tìm lại được cả hai người con, hay vẫn cứ mất một, hoặc tệ hơn có khi mất cả hai con.

Có thể, chính chúng ta phải là “vai thế” để tiếp tục sống điều Tin Mừng đã dạy, điều đã được kể lại trong dụ ngôn, cũng là điều kể lại chính đời sống hiện tại của mỗi người chúng ta. Và khi ấy, có lẽ mỗi người chúng ta đều thấy mình vừa là anh cả vừa là em thứ (kiểu hai trong một), để biết đường lựa chọn một mà không phải là hai, cái một của sự thiện chứ không phải cái một của sự dữ, kẻo bất thình lình một ngày nào Chúa gọi ra khỏi đời này, một sự đứt phim, một sự dứt chuyện không hề báo trước.

IV.- Thiên Chúa giẦu lòng thương xót VÀ luôn tha thỨ

Thiên Chúa yêu thương muốn cứu độ tất cả mọi người. Chúa Giêsu qua các dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay đã nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện cách cụ thể tình yêu cứu độ của Chúa. Ngài yêu thương cứu độ từng người; Ngài chủ động tìm kiếm và vui mừng khi một người tội lỗi quay trở về. Các dụ ngôn đều nhấn mạnh đến lòng quảng đại của Thiên Chúa: người mục tử đi tìm con chiên lạc; người đàn bà tìm kiếm đồng tiền bị mất và người cha nhân lành chờ đón và vui mừng tha thứ cho người con hoang đàng quay trở về. Các tình tiết của ba dụ ngôn nối kết và liên hệ với nhau càng lúc càng tỉ mỉ hơn, phức tạp hơn, cao trào hơn; làm cho hoàn cảnh, nguyên do và các yếu tố liên quan cũng được tăng thêm. Do đó việc gặp lại được đứa con, có thể coi là đứa con đã sống lại trong lòng người cha. Tình phụ tử của con người, và tình Cha con của Thiên Chúa đối với chúng ta cũng như vậy.

Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi, như người mục tử tốt lành sẵn sàng để chín mươi chín con chiên lại đi tìm cho bằng được con chiên lạc mất. Khi tìm thấy rồi thì mừng rỡ khoác chiên trên vai. Thiên Chúa yêu thương kẻ lầm lỡ, như người đàn bà cần mẫn, đốt đèn kiếm cho được đồng bạc đánh rơi. Khi thấy rồi thì hân hoan loan tin chia vui với mọi người. Thiên Chúa yêu thương tội nhân, như người cha già nhân hậu, ngày ngày ra ngõ tìm con. Khi thấy con rồi ông vui mừng chạy lại ôm choàng lấy nó… và bày tỏ những thái độ đón tiếp đến mức cuồng si.

Thật vậy, Thiên Chúa là người cha nhân hậu, là người mục tử nhân lành luôn yêu thương chăm sóc cho từng con người, mỗi người trước mặt Chúa cho dù có tội lỗi đến đâu đi nữa vẫn luôn được hưởng trọn tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc Chúa Cha đã sai Chúa Con đến tìm kiếm và cứu vớt tất cả nhân loại tội lỗi. Lòng thương xót được thể hiện khi không trách phạt mà lại yêu thương cứu độ con người tội lỗi luôn quay lưng phản bội Ngài.

Mỗi Kitô hữu ngày nay, công tâm nhìn lại mình thì sẽ luôn nhận thấy rõ mỗi người đều là tội nhân cả. Tuy nhiên, đừng bi quan thất vọng chán nản, tình yêu Thiên Chúa luôn dư đủ để khỏa lấp tội lỗi của mình. Tình yêu của Chúa luôn theo đuổi, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Hãy mạnh dạn sám hối, quay về với Chúa. Sự quay về không bao giờ là trễ muộn cả; hãy tin tưởng vào lòng quảng đại xót thương của Thiên Chúa.

Sách tu đức dạy rằng: "Lỗi lầm vốn là bản chất của con người; tha thứ chính là bản chất của Thiên Chúa; và ăn năn sám hối mới là bản chất để trở thành thánh nhân" (A. Pope).

V.- TỘI NHÂN ĂN NĂN TRỞ LẠI

Cả ba dụ ngôn đều có kết thúc vui mừng. Người mục tử vui vẻ vác con chiên lạc trên vai khi tìm thấy; người đàn bà vui mừng khi tìm được đồng bạc bị mất và người cha nhân hậu tràn đầy sung sướng khi người con hoang đàng trở về. Thiên Chúa cũng vui mừng khi người tội lỗi ăn năn trở lại: “Ta nói cho các ông biết: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối ” (Lc 15,10). Đây chính là đỉnh cao của một tình yêu quảng đại thực sự. Một tình yêu gột rửa tất cả mọi uế nhơ của tội lỗi nơi con người; làm trắng tinh một tâm hồn đã đen đúa vì tội lỗi; chỉ có tình yêu mới biến đổi tận căn một tội nhân thành thánh nhân. (x. 1Pr 4,8)

Thiên Chúa vui mừng vì người tội lỗi quay trở về. Chúng ta hãy vững tin cho mình và cho người khác. Thân phận khốn nạn của kiếp tội nhân không làm suy giảm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không làm cho Thiên Chúa ghét bỏ mình. Nói đến đây, chúng ta không thể nào không nhắc lại hai câu kết của hai dụ ngôn trước: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,9); “Và giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng khi một người tỗi lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).

Còn gì vui bằng khi cái đã mất lại tìm thấy được; còn gì sướng hơn khi cái tìm thấy lại là vật quí. Tìm kiếm chính là mục đích của Chúa Giêsu - Con Thiên Chúa xuống trần gian: "Vì Con Người đến để tìm kiếm và cứu những gì đã mất" (Lc 19,10). Do đó, đối tượng duy nhất mà Thiên Chúa muốn kiếm tìm chính là con người. Con người mới thực là báu vật vô cùng quí giá của Thiên Chúa. Người không muốn để mất một ai trong cõi trần này.

Tin tưởng quay về không chỉ bản thân mình vui mừng hạnh phúc vì được ơn tha thứ mà điều đó còn làm cho Thiên Chúa vui mừng. Vậy thì, quay về làm cho Thiên Chúa vui mừng cũng chính là cách thức chúng ta biểu lộ tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài. Yêu ai thì biết làm cho người ấy vui mừng và hạnh phúc.

VI.- NHẬN ĐỊNH

1. Hai người con:

Người con thứ bỏ nhà đi hoang đắc tội với cha và với anh của mình; còn người con cả cũng đắc tội với cha và em của mình. Xét cho cùng, có lẽ cả hai đều giống nhau về cung cách sống và đối xử với cha và anh em mình.

Tuy nhiên, mỗi người đều có điểm đáng khen và đáng chê:

- Đáng khen cho người anh cả đã sống vâng lệnh cha: ngoan ngoãn, chăm chỉ, tận tụy gầy dựng sự nghiệp cùng cha, bên cha bao năm.

- Nhưng cũng đáng chê là người anh cả không kiên trì sống tốt lành như thế mãi, để đến phút chót lại đánh mất tình nghĩa với cha và em mình.

- Đáng chê cho thằng em thứ đã đòi cha chia của để đi đàn điếm, ăn chơi trác táng, đến mức đánh mất nhân phẩm làm người.

- Nhưng lại đáng khen là đến phút chót anh đã hồi tâm ăn năn sám hối và trở về với cha để xin ơn tha thứ và để được phục hồi nhân phẩm.

2. Hai người con là hai mẫu người điển hình của những con người tội lỗi:

Người con thứ (hư thân hoang đàng), hay người con cả (ghen tương ích kỷ) chính là mẫu người hoặc là biểu tượng của tất cả mọi người trong mọi thời đại, trong đó có tôi và các bạn... Con người đó rất có thể đã hủy bỏ hoặc chối từ giao ước tình yêu với cha mình, với cộng đoàn, và với chính mình. Con người đó là con người bị mất!!!

Những con người bị mất điển hình còn là:

- Những đứa trẻ không tìm được hạnh phúc trong gia đình nên đi hoang.

- Những thiếu niên bị thói xấu xã hội lôi kéo.

- Những người nghiện ngập đến nỗi hư cả cuộc đời.

- Những vợ chồng bất thuận đến nỗi không còn là vợ chồng với nhau.

- Những anh em bất hòa không còn coi nhau là anh em nữa.

- Những tín hữu yếu đuối lỡ phạm tội nên mặc cảm và xa lánh gia đình, xứ đạo.

- Những con người tuyệt vọng, không cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa.

Những con người lạc mất ấy không ở đâu xa, mà đang ở bên cạnh chúng ta, ở giữa chúng ta, đôi lúc là chính chúng ta. Nhưng tiếc thay, chúng ta không hề quan tâm đi tìm họ trở về và chính mình cũng không hề muốn hồi tâm sám hối ăn năn trở lại.

3. Người cha:

Trong dụ ngôn ba cha con, chính người cha đã nhận ra đứa con bỏ nhà ra đi trở về từ đằng xa, và người cha này đã không còn tự chủ đứng chờ người con lê bước rã rời trở về với mình nữa, người cha cũng không chờ người con nói hết câu xin lỗi mà anh đã dự định sẽ nói hết với cha, nhưng người cha đã chạy tới với người con, ôm lấy con và hôn người con. Người cha yêu thương người con thứ quá sức, cho dù nó hoang đàng đã bỏ cha, bỏ nhà ra đi!

Người cha này không chỉ yêu thương người con thứ hoang đàng, nhưng còn yêu thương luôn người con cả, yêu cả hai đứa đầy như bát nước đầy. Đến khi thằng em trở về thì thằng anh lại trở quẻ. Người cha lại đích thân ra tận nơi năn nỉ người con cả, xin người con cả chấp nhận em mình và cả chấp nhận thái độ bao dung của cha nữa.

Cha là tất cả của con, cái lý của cha là cho con và vì con. Tình yêu của cha là yêu hết mình. Chỉ biết yêu, chỉ biết tha thứ, chỉ biết khiêm nhường, đó chính là bản chất làm cha, và muôn đời bản chất đó vẫn luôn được tôn vinh và thuyết phục nhất trong lòng mọi người.

4. Thiên Chúa là một người cha:

"Tình yêu vọt ra từ bản tính làm cha, bắt buộc người cha phải quan tâm đến phẩm giá của con mình". Sự quan tâm đầy thương xót đó, Tân Ước, và đặc biệt Thánh Phaolô, gọi là Đức Mến (x. 1Cr 13,4-8). Đức Mến là một tình yêu thăng tiến, phục hồi giá trị và "đem lại sự thiện từ mọi hình thức của sự ác".

Khi chiêm ngắm người cha nhân hậu, ta khám phá ra khuôn mặt một Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa khiêm tốn. Như người cha chấp nhận chia gia sản cho con, chấp nhận để con bỏ nhà ra đi, Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do của con người. Đấng toàn năng đã giới hạn mình để chúng ta có thể hiện hữu tự do. Ngài như thể thu mình lại nhường chỗ cho thụ tạo.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết đợi chờ: Thiên Chúa vẫn nuôi hy vọng khi con người rời xa Ngài. Người cha vẫn luôn ra ngóng chờ, lòng cha luôn hướng về con. Bởi thế ngay khi con còn ở xa, cha đã thấy dù con đã tiều tụy. Thiên Chúa không thất vọng về con người, Ngài không bắt ép con người hoán cải, Ngài kiên nhẫn đợi chờ, vì Ngài tôn trọng tự do của con người.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa biết tha thứ: Ngài là cha yêu con bằng cung lòng người cha nhân hậu. Tình thương của cha lớn hơn tội lỗi của con. Cha thương con dù con đã phạm tỗi lỗi, là tội nhân. Tội lỗi tự nó đem lại hình phạt. Người cha có lẽ không cần nghe con xin lỗi, vì cho rằng hành động trở về là cả một sự thống hối ăn năn. Thiên Chúa không nhớ mãi chuyện đã qua, điều quan trọng đối với Chúa là hiện tại: con đang sống trong vòng tay của Cha.

Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa bước trước như người cha chạy ra đón người con thứ, như người cha đi năn nỉ đứa con cả. Thiên Chúa không thể bình yên trong hạnh phúc của chính mình nếu có người con nào đứng ngoài. Nhân loại cũng được Thiên Chúa yêu thương đến mức như vậy! Con người yếu hèn mong manh, nay còn mai mất, thế nhưng lại là tạo vật vô cùng quý đối với Thiên Chúa. Qua người tội lỗi được yêu thương, con người nhận biết Thiên Chúa là Đấng nhân từ và yêu thương.

Tình yêu người cha đối với con mình và tình yêu Thiên Chúa với nhân loại, là một sự so sánh rất rõ rệt và đầy ngụ ý, cho dù chẳng chút nào tương đồng. Cả hai người cha vẫn một lòng trung tín với giao ước: cả hai đón nhận người con hư mất trở về trong niềm vui hạnh phúc. Ðây chính là lúc mà người cha và Thiên Chúa bày tỏ sự trung tín qua lòng thương xót của mình (Hesed).

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài chỉ biết yêu thôi, và làm tất cả vì yêu. Ngài không làm bất cứ điều gì cho con người mà không phải vì tình yêu đối với con người. Cụ thể Thiên Chúa không làm gì cho tôi mà không phải vì yêu thương tôi.

Nếu Thiên Chúa yêu thương con người và ngay cả người tội lỗi vô cùng, thì con người phải có thái độ đối với nhau thế nào cho xứng hợp là con cái Thiên Chúa.

VII.- KẾT LUẬN

Hai dụ ngôn đầu kết thúc rất có hậu: tốt đẹp và vui vẻ cả làng. Còn dụ ngôn thứ ba, “dụ ngôn ba cha con” nhà này, thì xem ra niềm vui chưa trọn vẹn, vì thái độ của người anh cả chưa thực sự biết đón nhận người em quay trở về, chưa biết chia sẻ niềm vui với người cha.

Người mục tử và người đàn bà khi tìm được của bị mất đã vui mừng và mời gọi bạn hữu chia sẻ niềm vui với mình, người cha cũng mời người con cả và các gia nhân chia vui khi người con thứ trở về. Tất cả ba dụ ngôn đều nói lên thông điệp của Tình Yêu Thiên Chúa, Ngài kêu gọi chúng ta yêu mến nhau. Mời chúng ta chung vui với Ngài. Mời gọi chúng ta lên đường tìm kiếm, kêu gọi những anh chị em lầm lạc quay trở về. Ngài vui mừng khi người tội lỗi ăn năn hối cải và mời gọi mỗi người cùng chia sẻ niềm vui với Ngài. Ở đây đặt ra vấn đề liên hệ đến mối tương quan giữa con người với nhau: Chúng ta có thực lòng chung vui với Thiên Chúa khi thấy người anh em quay trở về không? - “Vì con ta đây đã chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24); - “…vì em con đã chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).

Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, những con người lầm lỗi; nhưng Ngài chỉ có thể thứ tha khi chúng ta thật lòng sám hối. Người trộm lành suốt một đời lầm lỡ, thế mà chỉ trong giây phút cuối cùng, tỏ lòng sám hối ăn năn đủ để trở nên một vị Thánh. Ông trở nên Thánh không phải vì ông là người tội lỗi, nhưng vì ông nhận biết mình là kẻ tội lỗi. Đứa con hoang đàng được người cha tha thứ cũng vì anh đã biết nhận ra lỗi lầm, trở về sám hối ăn năn. Người cha không chỉ tha thứ mà còn phục hồi chức vị làm con. Một chiếc nhẫn mới, một đôi giầy mới, một bữa tiệc linh đình, vinh dự còn lớn hơn cả trước khi ra đi.

Là con Thiên Chúa, chúng ta hãy sống xứng đáng với địa vị và phẩm giá của một người con Thiên Chúa và tạo điều kiện thích hợp để mọi người, cũng là anh em con cùng một Cha trên trời, có một cuộc sống như vậy. Từ đó, chúng ta ý thức rằng: mỗi khi xúc phạm đến tha nhân là xúc phạm đến phẩm giá con Thiên Chúa và cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu nhìn lại thái độ của mình, để trở về với Thiên Chúa vì chúng ta đang là những tội nhân. Chúng ta còn được mời gọi thể hiện lòng thương xót của Chúa qua việc đối xử với những người tội lỗi, những người xúc phạm đến mình. Không chỉ tha thứ mà còn phải chủ động tha thứ và vui mừng chia sẻ niềm vui với Chúa khi những anh chị em ấy quay trở về.

Mong thay, mỗi người chúng ta ý thức được lời xác quyết chân lý này: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31).

Và như vậy, chúng ta có quyền hãnh diện, tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình trong vòng tay yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa.

Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN

 

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!