Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP

 

Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên C (Luca 13,22-30)

Bài đọc I: Is 66,18-21; Bài đọc II: Dt 12,5-7.11-13

I.- DẪN NHẬP

Ngày trước, khi chúng tôi còn đang hằng ngày, mỗi tuần năm buổi đến mái trường Thần Học để mài dùi kinh sử. Vì là những sinh viên thần học trẻ trung năng động, có lúc quá hăng say khám phá một vấn đề của môn học, nên cứ bám theo cha giáo để hỏi cho tỏ tường; lại cũng có lúc cắc cớ muốn hỏi cha giáo một câu hỏi “nước đôi” như thể để thử thách ngài.

Thật đúng như câu danh ngôn: “Trò không thể hơn Thầy”. Vì không phải câu hỏi nào cũng được giáo sư trả lời. Có câu hỏi cha giáo trả lời tận tình cặn kẽ, vì đó là câu hỏi chính đáng. Song, cũng có câu hỏi cha giáo không trả lời, và ngài nói luôn rằng: câu hỏi dở không trả lời”, “Vì một câu hỏi dở, đồng nghĩa với một câu hỏi sai, và như thế chắc chắn là phát xuất từ một quan niệm sai”. Quả thực, người thầy khôn ngoan, không bao giờ trả lời trực tiếp dạng câu hỏi kiểu này. Tuy nhiên, ngài vẫn dùng một cách khác thay cho câu trả lời mà không bị sập bẫy kẻ xấu.

Vào thời Chúa Giêsu cũng có nhiều người Dothái “cắc cớ” hỏi Chúa Giêsu những câu hỏi “dở”, và trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca cho chúng ta thấy, có người muốn biết số người được cứu độ ít hay nhiều nên đã hỏi Chúa rằng: “Những người được cứu thoát thì ít, phải không? Thưa Ngài” (Lc 13,23). Nhưng Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi của họ một cách xác định. Ngài không nói số người được chia sẻ hạnh phúc Nước Trời nhiều hay ít. Cũng như hôm nào, Ngài không muốn nói rõ ngày nào tận thế (x. Lc 12,40-45). Có lẽ Ngài tránh né hai thái độ tiêu cực sau: Nếu Ngài khẳng định rằng số người được cứu thoát là nhiều, thì người ta sẽ ỷ lại vào tình thương của Chúa khi biết có nhiều người được cứu độ, và hậu quả sẽ là một đời sống bê tha, tội lỗi, thiếu nghiêm chỉnh; hoặc nếu Ngài khẳng định số người được cứu độ là số ít, thì sẽ dễ gây cho người ta chán nản, ngã lòng, buông xuôi, vì biết có ít người được cứu độ. Cả hai cách trả lời, cách nào cũng không tốt, có khi cách sau không tốt hơn. Cho nên Chúa Giêsu đã lợi dụng câu hỏi để dạy một bài học đầy đủ hơn. Và Chúa Giêsu chỉ đưa ra cho họ những điều kiện cần thiết để nhắc nhở họ phải cố gắng mới được vào Nước Trời. Đó là phải qua cửa hẹp.

II.- CỬA HẸP

1. Cửa hẹp mà không “chật”:

Tôi đã từng nhiều lần qua cửa hẹp, nhưng không “chật” mà vẫn thênh thang; người gầy, người mập, trẻ em, người lớn… không phân biệt mầu da, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt cân nặng bao nhiêu… ai cũng thênh thang bước vào. Đó là những lần tôi đi thi, đi xem Cinêma, lên máy bay, hay vào tiệc cưới… với điều kiện tay tôi phải có phiếu báo danh, một chiếc vé vào cổng hay một tấm thiệp mời…

Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Vì Tiên tri Isaia, với những lời văn rõ ràng, đã trình bày ý định của Thiên Chúa muốn qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia thành một dân duy nhất (chứ không riêng gì dân Dothái) sẽ tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài.  Tuy nhiên, cũng phải có điều kiện, đó là lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa. (x. Bài đọc I: Is 66,18-21)

Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Vì những ai được Chúa thương thì Người sẽ nhận làm con, và Cha ở đâu thì con cũng sẽ ở đó. Tuy nhiên, cũng phải có điều kiện, đó là vâng nghe lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. (x. Bài đọc II: Dt 12,5-13)

Cửa vào Nước Trời tuy hẹp, nhưng không chật. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi vào nhà Chúa Cha và được tham dự Bàn tiệc Thiên quốc. Nhưng không có nghĩa là muốn vào là được. Cánh cửa thì hẹp, muốn vào cần phải nỗ lực. Nỗ lực sống thực thi ý Chúa; nỗ lực trung thành với niềm tin của mình và nỗ lực sống tình bác ái yêu thương. (x. Lc 13,22-30)

Như vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng và ý nghĩa của hai bài đọc đã cho chúng ta thấy. Bất luận là ai cũng có thể được vào Nước Trời, miễn là phải cố gắng. Không có một quốc gia, một dân tộc, hay một tôn giáo nào có quyền miễn trừ khi vào Nước Trời cả. Chỉ có tiêu chuẩn cho đời sống cá nhân là lòng trung thành thực hiện Lời Chúa mới là điều kiện “là tấm vé hay tấm thiệp mời” để xét được vào hay không. Người ta sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả là do nỗ lực và thành tâm thiện chí của mỗi cá nhân; không do sự định mệnh, không do đặc quyền đặc lợi, cũng không có chế độ ưu tiên nào, chỉ có sự tự do và quyết tâm đi vào của mỗi người trong đức tin mà thôi.

2. Cửa hẹp để thử thách sự nhiệt thành:

Thiên Chúa là Cha giầu lòng nhân từ, Ngài thường dùng những thử thách để giáo dục con người, như người cha ân cần uốn nắn, sửa dạy con yêu dấu của mình, làm cho vững mạnh, can đảm và thánh thiện (x. Dt 12,5-13)… Ngài còn động viên những ai bị thử thách trong đức tin hãy can đảm chịu đựng thử thách. Ai vượt qua được thử thách sẽ gặt hái được bình an và sự công chính. 

Trong cuộc sống đức tin của người Kitô hữu, chắc chắn sẽ có những khó khăn thử thách. Đối diện với chúng, mỗi người hãy tự tin, can đảm và kiên nhẫn chịu đựng vì đó chính là điều Thiên Chúa muốn huấn luyện tình yêu và đức tin của chúng ta.

Vào cửa hẹp đòi hỏi phải nỗ lực: Nỗ lực tìm kiếm, nỗ lực sống theo ý Chúa. Ai nỗ lực đi theo Chúa thì chắc chắn được cứu độ, được vào Nước Trời dự tiệc mà bất luận họ là ai.

"Cửa hẹp" còn diễn tả sự nhiệt thành, cố gắng vượt khó. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều, dù có khó như câu chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim (x. Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25), cũng cứ cố gắng mà vào. Vì số lượng những kẻ vào Nước Trời (nhiều hay ít), và danh tính hay thân phận của những người ấy là (Dothái hay dân ngoại) đều không quan trọng. Vấn đề quan trọng là phải nhiệt thành cố gắng đi qua cửa hẹp mà vào.

3. Cửa hẹp, là một cách nói khác để diễn tả con đường thập giá:

Cửa hẹp hay con đường hẹp và cửa rộng hay con đường thênh thang thường là những ẩn dụ Chúa Giêsu dùng để khuyên bảo mọi người cố gắng phấn đấu trong đời sống đức tin. Cửa hẹp là con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu đòi hỏi sẽ phải đi qua nhiều khó khan, thử thách. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói nhiều và rất rõ ràng về con đường thập giá, con đường mà ai muốn theo Người luôn phải đi vào. Vì thế, qua cửa hẹp cũng là một cách nói về con đường thập giá của Chúa Giêsu. Cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến sự hư mất.

Muốn được cứu rỗi thì phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào. Qua cửa hẹp, nghĩa là phải sám hối, phải uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng. Chúa Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23); “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).

Đối với người Kitô hữu, một khi đã được thanh tẩy, trở nên con cái Chúa thì cũng chưa hẳn đương nhiên là vào được cửa hẹp. Đón nhận đức tin chưa đủ mà điều quan trọng hơn là phải sống đức tin, là con đường vác thập giá mình. Nếu không, thì chính người Kitô hữu sẽ bị loại ra đầu tiên trước khi cửa đã đóng lại và câu trả lời sẽ là “Ta không biết các ngươi là ai, từ đâu đến!” (Lc 13,25). Lúc đó không thể nói với Chúa: Lạy Chúa con vẫn hằng ngày đi lễ, rước lễ, đọc kinh cầu nguyện sao con không được vào? Những chuyện đó chưa đủ mà phải nỗ lực sống Tin Mừng vác thập giá mình hằng ngày nữa.

4. Cửa hẹp, ám chỉ việc thi hành Thánh Ý Thiên Chúa:

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước vào cánh cửa hẹp thì chính Ngài đã là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Đối với Ngài con đường hẹp chính là con đường tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Chúa Cha: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).

Cũng như trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu lo âu, buồn phiền run sợ trước cái chết đầy đau thương, nhục nhã trên thập giá, đến nỗi Ngài đã phải cầu nguyện nhiều lần, mồ hôi đổ ra như máu nhỏ xuống đất, để xin hoàn tất Thánh ý Cha (x. Lc 22,42-44) và chỉ khi hoàn tất cuộc chiến cam go này, Ngài mới bình an phó dâng linh hồn trong tay Chúa Cha.

Qua đó, mỗi người Kitô hữu phải ý thức rằng: Đường về Nhà Cha, hay đường vào Nước Trời là con đường hẹp, con đường gian khổ thử thách đòi hỏi mỗi lữ khách phải phấn đấu và chịu hy sinh. Con đường hẹp mà chính Chúa Giêsu đã đi qua là con đường vâng theo Thánh Ý Chúa Cha. Chúng ta trong cuộc sống hằng ngày cũng phải trải qua con đường ấy, bằng việc thực thi Lời Chúa, sống bác ái yêu thương, chia sẻ tấm lòng tương thân tương ái với những người nghèo khổ bất hạnh. Chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần ban xuống muôn ơn để trợ giúp, soi dẫn chúng ta tiến lên trên đường theo Chúa qua đường hẹp. Biến con đường hẹp trở thành con đường của ước mơ.

5. Cửa hẹp lắm kẻ  ước mơ:

Trên hành trình tiến qua cửa hẹp vào Nước Trời đầy khó khăn thử thách, mỗi người cần phải có lòng can trường, ý chí mạnh mẽ và niềm tin yêu hy vọng. Nhận thức được cửa hẹp là cửa đưa dẫn vào Nước Trời, mỗi Kitô hữu phải cố gắng nỗ lực và tin tưởng dấn bước. "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14). "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,24).

Có một lúc nào đó cánh cửa sẽ khép lại, cho nên ai muốn vào thì cần phải nhanh chân bước vào. Một khi cửa đã khép lại, thì bất kể là ai, có muốn vào cũng không vào được, bởi vì lòng họ còn đầy đam mê và những ý muốn bất chính, hoặc tâm hồn họ không hướng về Nước Trời, mà chỉ hướng về trần thế với đủ mọi cám dỗ đưa đến sa đọa và diệt vong. Họ tự đóng cửa Nước Trời chứ không phải Chúa (x. Mt 23,13), bởi họ khinh thường Lề Luật và các phương tiện nên thánh cũng như các giáo huấn mà Chúa đã truyền dạy!. Vì thế, "Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót" (Lc 13,30). Đó là bất ngờ đau đớn cho "những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho giàu có nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản, tính ích kỷ và tâm hồn chai đá làm cho họ vướng víu, nên không thể qua "cửa hẹp" mà vào được Nước Trời. Cho nên, chúng ta có thể khẳng định rằng: tính cách hẹp của cửa không hệ tại cửa hẹp, mà hệ tại tấm lòng hay ý muốn của con người.

Và như thế, việc vào được cửa hẹp, lại là cửa dành cho người thành tâm trong cuộc sống. Từ đây, cửa hẹp bỗng trở thành cánh cửa của bao người thiện chí hằng mơ ước, và ai cũng có quyền mơ ước và có khả năng vào, nhưng muốn được vào cần phải cố gắng bằng nỗ lực sống Tin Mừng.

Vậy mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đã và đang nỗ lực như thế nào? Cửa tuy có hẹp nhưng chúng ta đừng lo sợ không vào được, ơn Chúa đủ cho thiện chí của mỗi người chúng ta. Vấn đề là mỗi người hãy quyết tâm vào cho bằng được. Vì qua thập giá sẽ đến vinh quang, qua cửa hẹp sẽ vào Nước Trời vinh phúc.

III.- NƯỚC TRỜI

1. Nước trời là một ngôi nhà rộng:

Cánh cửa vào Nước Trời dầu có hẹp nhưng vẫn đủ rộng để đón mọi người và từng người đi vào, vì Chúa Giêsu đã từng nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” (Ga 14,2). Tuy nhiên, dù có thể đón hết mọi người, nó vẫn là cánh cửa hẹp chứ không phải là một lối đi thênh thang. Để qua được, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu không ngừng trong cuộc sống đức tin. Việc quan trọng chính là sống thực hành giới răn yêu thương. Phải làm sao để mình trở nên men, muối Tin Mừng cho thế gian, và vì thế, vào hay không vào, lại là việc không dễ dàng chút nào, đòi hỏi phải cố gắng, kiên trì và nhiều nghị lực “Ai bền tâm, vững chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ” (Mt 10,22; 24,13).

2. Bước theo người mở đường:

Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Chúa Giêsu phấn đấu hạ mình thẳm sâu và thu mình thành bé nhỏ nghèo hèn. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh, ích kỷ, mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Có thể nói cuộc đời người Kitô hữu theo Chúa luôn là hành trình đi vào cửa hẹp của Nước Trời. Bước đến Nhà Thờ các ngày Chúa Nhật hay tham dự các Bí Tích... gợi ra cho chúng ta những quyết tâm không ngừng trong việc chọn Chúa và Nước Trời. Khi chọn Chúa thì cửa Nước Trời sẽ mở; nhưng khi xa Chúa thì chính ta sẽ tự động đóng cửa ấy lại! Quả thực Chúa cần ta để Ngài ban ơn cứu độ; ngược lại ta rất cần Ngài để lãnh ơn cứu độ đó.

3. Nhà rộng nhưng không phải ai cũng dễ vào:

Vì "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Vậy, ý Chúa muốn là những điều gì? Thưa, điều Chúa Muốn chúng ta làm nếu kể chi tiết từng việc thì rất nhiều, nhưng chung quy là ở điểm này: Chúa Giêsu dạy rằng: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48). Và một khẳng định nữa tương tự: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).

Vì thế, người Kitô hữu muốn trở nên hoàn thiện, thì phải sống theo con đường toàn thiện của Chúa Giêsu, đó là:

1/ Sống siêu thoát: Không tham lam tiền của, nghĩa là dùng tiền của theo ý Chúa ban, là sống đơn giản không hoang phí. Biết chia sẻ của cải với người thiếu thốn, sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì mà lòng mến Chúa – yêu người đòi hỏi. Vì  “Nếu người ta được cả thế giới mà lại đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?” (Lc 9,25; Mt 16,26; Mc 8,36).

2/ Sống trong sạch: Không để cho lòng mình ước muốn điều xấu, hay dục vọng, đam mê lôi cuốn. Biết chế ngự và làm chủ thân xác. Chẳng những trong sạch nơi các hành vi bên ngoài, nhưng còn giữ cho tư tưởng và tâm hồn được trong sáng nữa. “Phúc thay ai giữ lòng  trong sạch, vì sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời” (Tám mối phúc).

3/ Sống khiêm tốn: Không tự phụ, không phô trương, nhưng giữ kín việc thiện mình làm. Coi mình nhỏ bé trước Thiên Chúa. Biết phục thiện và nhìn nhận lỗi lầm của mình. (x. Lc 22,26; Mt 18,4; Gc 4,6; 1 Pr 5,6)

4/ Sống Yêu thương và phục vụ: Lòng mến Chúa buộc phải yêu người. Yêu thương chân thành và vị tha, không tìm tư lợi. Yêu thương mọi người không loại trừ ai. Lòng yêu thương bao giờ cũng hiền từ và khoan dung: không đoán xét khắt khe, không vội kết án, nhưng phải biết tìm mọi cách tạo nên bình an và hòa hợp. (x. 1Ga 4,16)

5/ Biết Tha thứ: Tha thứ là một phần không thể thiếu của tình yêu thương. Tha thứ vô điều kiện và không giới hạn như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Làm hòa là dấu thật lòng tha thứ. Tột đỉnh của yêu thương là yêu thương kẻ thù. Phải xét xử sự ác, nhưng vẫn phải thương người xấu. Yêu kẻ thù nghĩa là lấy sự lành đáp lại sự dữ. Lánh xa sự dữ cũng có nghĩa là chiến thắng sự dữ. (x. Lc 6,27-36; Mt 5,44-45; 6,14)

6/ Làm theo ý Thiên Chúa: Lấy ý Thiên Chúa làm ánh sáng hướng dẫn mọi việc làm, dầu ý đó có đòi hỏi phải hy sinh quên mình. (x. Lc 22,42; Mt 7, 24-25; 12,50; Ga 15,10)

Tất cả những điều kể trên cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã khuyên một người thông luật kia, khi hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi; và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27).

IV.- NHẬN ĐỊNH THAY LỜI KẾT

Trước hết, xin được nhắc lại hoàn cảnh của Bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nhắc nhở những người Dothái đừng lầm tưởng rằng, là con cháu của Abraham là dân riêng Chúa chọn thì được ưu tiên vào Nước Trời cả đâu. Ngay cả những người sống cùng thời với Chúa Giêsu, cùng ăn uống, cùng sống với Ngài hay đã nghe chính lời Ngài giảng dạy, thậm chí cả những người đã từng nhân danh Chúa mà rao giảng. Tất cả những điều đó chẳng có ích gì nếu như họ không quyết tâm thực hành Lời Chúa. Trong khi đó tất cả những anh em lương dân, những người ngoại giáo từ khắp tứ phương thiên hạ sẽ được vào dự tiệc Muôn Đời, nếu họ “biết Tin Kính Thiên Chúa, vâng nghe Lời Chúa Giêsu và chấp nhận qua cửa hẹp”. 

Lời Chúa hôm nay cũng cảnh báo mỗi người tín hữu chúng ta. Vì có không ít người trong chúng ta tự hào về đời sống đạo đức của mình. Mình đi lễ mỗi ngày, đọc kinh sớm tối, tham gia các hội đoàn trong giáo xứ. Tất cả những điều đó rất tốt, nhưng chưa đủ, nếu nó không được kèm thêm điều quan trọng nhất, là chúng ta có sống theo Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày hay không?

Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người đều vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu. “Hãy cố gắng mà vào qua cửa hẹp… vì có nhiều người tìm cách vào mà không vào được” (Lc 13,24). Vấn đề không phải là bao nhiêu người được cứu và ai được cứu, mà là con người có nỗ lực để được Thiên Chúa cứu hay không.

Trong thực tế của Nước Trời, cửa không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh, đúng hơn là các phương tiện dẫn vào Nước Trời. Nước Trời đây phải hiểu theo nghĩa trong Phúc Âm mà Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn; do đó, Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa tồn tại vĩnh cửu, và vì thế, nó vẫn tiếp tục cho đến ngày tận thế trong ý nghĩa loan báo Tin Mừng về Nước Trời. Người ta sẽ nhận ra ngay tính cách hẹp và rộng của Nước Trời nếu hiểu rõ ràng và chính xác ý nghĩa các Lề Luật, các phương tiện nên thánh và các giáo huấn của Chúa Giêsu.

Ước gì trong bữa tiệc Chung cuộc Nước Trời, có mặt mỗi người tín hữu chúng ta. Chúng ta hãy cám ơn tình thương của Chúa, và hãy cầu nguyện để ngày càng có thêm nhiều người được biết Chúa và đến với Ngài. Bởi cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay được quy hướng về cùng đích là Quê Hương ở trên Trời. Như lời xác tín của Thánh Phaolô Tông đồ trong thư Philiphê: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).

Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!