Tin Mừng Chúa Nhật XXIII
Thường Niên C (Luca 14,25-33)
Bài đọc I: Kn 9,13-18; Bài đọc
II: Plm 9b-10.12-17
I.- DẪN NHẬP
Khởi đi từ tính cấp bách của công trình cứu độ
nhân loại, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi con người cộng tác với Ngài để mở mang
Nước Thiên Chúa. Một phần là mời gọi mọi người, không phân biệt ai để trở nên
Môn đệ của Ngài trong Đức Tin và Phép Rửa; một phần mời gọi một số người làm Môn
đệ thiết thân, cộng tác với Ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.
Chúng ta có thể nhận thấy sự tuyển chọn của
Chúa Giêsu dường như không theo bất cứ một tiêu chuẩn nào của thông lệ đời
thường như: có bằng cấp, có năng lực, có địa vị xã hội, hay giàu sang quyền quý,
v.v… Có người bảo rằng: tiêu chuẩn của Chúa Giêsu là không tiêu chuẩn và điều
kiện của Ngài là vô điều kiện.
Nói thế nhưng không phải thế. Cả hai bài đọc và
bài Tin Mừng đều cho chúng ta thấy việc chọn Chúa và để được Chúa chọn là cả một
quá trình tích cực với những đòi hỏi thật gắt gao:
- Phải có đức khôn ngoan đích thực
từ nơi Thiên Chúa, để Nhờ đức khôn ngoan mà biết được ý Chúa, thi hành ý định
của Chúa để được ơn cứu độ (x. Bài đọc I: Kn 9,13-18).
- Phải có một tình yêu bao dung
với hết mọi người, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa (x. Bài
đọc II: Plm 9b-10.12-17).
- Phải biết từ bỏ hết những gì
mình có và phải vác thập giá mình (x. Lc 14,25-33).
Những điều đó đã cho chúng ta thấy, theo Chúa
là phải dành cho Chúa một địa vị tối ưu. Nhưng không phải là chuyện liều mình mù
quáng, mà là một hành động và quyết định nghiêm túc: cần phải suy nghĩ, tính
toán kỹ càng, cũng như ông vua kia trước khi đi giao chiến hay gia chủ nọ trước
khi bắt tay xây dựng một mái nhà, thì việc dấn thân đi theo Chúa Giêsu cũng đòi
hỏi một sự lựa chọn khôn ngoan và dứt khoát (x. Lc 14,25-33).
Tin Mừng nhiều chỗ cho biết thêm, theo Chúa thì phải
thực hiện điều này: “Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí
khôn, hết sức lực; và yêu mến người thân như chính mình” (Lc 10,27; Mt
22,37-38; Mc 12,30-31).
Theo Chúa và làm Môn đệ Chúa quả
thật không đơn giản chút nào. Nhưng ngược lại những điều mà Chúa hứa ban cho
người Môn đệ trung tín lại không gì sánh bằng: “Vì phàm ai bỏ nhà cửa, anh
em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và
còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Lc 18,29-30; Mt 19,29).
II.- MÔN ĐỆ, NGƯỜI LÀ AI?
Môn đệ, Tông đồ, và nhóm
Mười Hai là những danh từ quen thuộc trong các sách Tân Ước, đặc biệt là bốn
sách Tin Mừng. Có bản Tin Mừng gọi Nhóm Mười Hai là các Tông đồ, để các ông ở
với Chúa Giêsu và để Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng (x Mc 3,13-19); có bản
Tin Mừng gọi Nhóm Mười Hai là những người được tuyển chọn trong số các Môn đệ
(x. Lc 6,12-16); cũng có bản tin Mừng gọi Nhóm Mười Hai với cả hai danh xưng,
vừa là Tông đồ vừa là Môn đệ, khi Chúa Giêsu gọi 12 Môn đệ lại, ban cho các ông
quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết mọi bệnh hoạn tật
nguyền (x. Mt 10,1-4). Còn trong bản Tin Mừng theo Thánh sử Gioan thì danh từ
Tông đồ hầu như không hề được nói đến mà hầu hết tất cả những người trong Nhóm
Mười Hai đều được ngài gọi là Môn đệ.
Quả thực, hai danh từ: Tông đồ và Môn đệ trong
bốn bản Tin Mừng không thống nhất với nhau, và như vậy cũng nảy sinh một số câu
hỏi: phải chăng danh từ Tông đồ và Môn đệ có cùng một nghĩa? Và Nhóm Mười Hai là
Tông đồ hay Môn đệ hay cả hai?
Để giải quyết cho vấn đề này, tôi xin chia sẻ
với bạn đọc một quy ước, không dám nói là có thể sử dụng cho mọi bản văn, nhưng
ít là để làm sáng tỏ và để sử dụng cho trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.
1. Môn đệ:
là những người tin Chúa, theo Chúa và ước ao lãnh nhận Phép Rửa. Khi lãnh nhận
Phép Rửa, họ trở nên Môn đệ của Chúa Kitô, là Kitô hữu và là anh chị em trong
Chúa Kitô. Vì thế, từ ngữ “Môn đệ” trong các sách Tân ước, đã trở thành từ quen
thuộc để gọi những người Kitô hữu.
2. Tông đồ:
là những người, theo ý nghĩa ban đầu nhằm để chỉ Nhóm Mười Hai, nhưng danh từ
này càng ngày đã được hiểu rộng hơn theo sự phát triển của Hội Thánh Công Giáo,
cả về chất lẫn về lượng. Nhưng thường được coi như một danh từ chuyên môm, nhằm
vào việc tuyển chọn những người có ơn gọi tham dự vào sứ vụ của Chúa Giêsu, tiếp
tục sứ vụ lãnh đạo Dân Chúa, rao giảng Tin Mừng và cử hành ơn thánh qua các Bí
tích.
Trong hai danh hiệu trên, ơn gọi
làm Môn đệ Chúa Giêsu là ơn gọi căn bản nhất của người Kitô hữu. Một khi chúng
ta là Kitô hữu, chúng ta không thể thờ ơ hay quên mất căn tính và ý nghĩa của Bí
tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận là:
- Thanh tẩy mọi tội lỗi, đặc biệt
là tội tổ tông truyền.
- Làm cho ta trở nên con cái Thiên
Chúa.
- Là cửa ngõ để ta lãnh nhận ân
sủng và các Bí tích khác.
- Ban các ơn chức phổ quát: Vương
đế, Tư tế và Tiên tri.
- Ban ấn tích để tham dự vào ơn
cứu độ...
Nhắc lại mấy căn tính và ý nghĩa của Bí tích
Rửa tội như vậy, là vì có khá đông Giáo dân thường nghĩ rằng chỉ có các Linh
mục, Tu sĩ mới là Môn đệ Chúa Kitô, còn mình chỉ là các tín hữu bình thường
không xứng đáng với danh hiệu “Môn đệ Chúa Giêsu Kitô”. Cho rằng, danh dự lớn
lao kia là của các Linh mục, Tu sĩ; nên giáo dân cũng cho rằng việc Tông đồ,
việc truyền giáo là trách nhiệm của các vị ấy, chứ không phải của mình.
Vì thế mà nhiều người Kitô hữu đã đánh mất căn
tính và danh hiệu của mình, không nhận ra mình là Môn đệ của Chúa nữa, nên sống
thờ ơ với việc Loan Báo Tin Mừng Cứu Độ, chẳng màng chi đến việc xây dựng và
phát triển Hội Thánh, và đôi lúc có người cũng có tinh thần tích cực mà không
dám làm vì vẫn cho rằng không phải việc của mình.
Ở đây, xin được một lần xác quyết:
mọi Kitô hữu đều được gọi làm Môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Không chỉ có các Tông đồ
mà tất cả chúng ta đều được Chúa Giêsu, đều được Thiên Chúa mời gọi, để trở
thành Môn đệ đích thực của Ngài, vì chưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa hằng sống,
Đấng thực hiện công trình Cứu độ xuyên qua mọi thời đại và cho mọi dân, mọi
nước. Ngài muốn chia sẻ công việc của Ngài với mỗi người chúng ta. Hay có thể
nói gọn hơn: ơn gọi làm Môn đệ Chúa Giêsu Kitô là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu
bất kể người đó là Giám mục, Linh mục, Tu sĩ hay Giáo dân.
Khi biết rõ mình là Môn
đệ Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận tiến đến việc hoàn thiện con đường theo
Chúa, học cùng Chúa, sống cùng Chúa, làm như Chúa và hiến thân vì Nước Trời như
Chúa...
III.- MUỐN LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA
THÌ PHẢI BIẾT TỪ BỎ
1. Từ bỏ để đi theo Chúa:
Trong bốn sách Tin Mừng, có nhiều trình thuật
nói về việc các Môn đệ từ bỏ: nào là nghề nghiệp, gia đình, của cải, ruộng vườn,
vợ con… để đứng dậy đi theo Chúa Giêsu. Có người từ bỏ cách dứt khoát, không
chút luyến tiếc, đứng dậy đi theo lập tức không do dự; có người suy tính rồi mới
đi; có người còn xin được về từ giã người thân hay sang nhượng của cải rồi mới
đến theo Chúa… Thái độ nào cũng tốt, nghĩa cử nào cũng tích cực. (x. Mt 4,19; Mc
1,17; Lc 5,10; Ga 21,3; Mt 9,9; Mc 2,14; Lc 5,27; Mc 8,34; Lc 9,23; 14,27; Ga
1,43)
Nhưng cũng có những người xin theo làm Môn đệ
Chúa mà chẳng muốn từ bỏ chút nào. Phải chăng là quá dính bén với chức vị, gia
đình, của cải, và muôn vàn lý do khác níu kéo bước chân theo Chúa của họ... (x.
Mt 8,22; 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22)
Ngày nay, một số người
khi nghe những bài Tin Mừng có nội dung về việc từ bỏ, lại vặn vọ hỏi rằng: “Từ
bỏ để theo Chúa, phải chăng là nghề nghiệp không có giá trị gì, địa vị cũng
không có giá trị, gia đình cũng không có giá trị, của cải cũng không nốt, mọi
thứ đều vô nghĩa, vô lý, vô giá trị, bỏ hết...? Cũng có người nói rằng: vậy
chẳng cần phải đi học, chẳng cần có nghề nghiệp, chẳng cần gia đình vợ con hay
chẳng cần làm ra của cải vật chất... để trở nên kẻ vô sản, kẻ trắng tay, chẳng
còn gì để bỏ, chẳng có gì để mất, chẳng có gì để luyến tiếc, như vậy sẽ dễ dàng
theo Chúa hơn, có Chúa là có tất cả “Đạo Chúa có lúa ăn hoài” Hay “Theo đạo kiếm
gạo mà ăn” như thế chẳng phải là tiêu cực lắm sao?”
Hiểu như thế thì đúng là tiêu cực thật rồi.
Vì từ bỏ để theo Chúa phải đồng nghĩa với việc tự hiến
và phó thác để xây dựng Nước Trời. Theo Chúa Kitô là đi theo tiếng gọi của tình
yêu hiến dâng. Những ai muốn theo Chúa phải biết sống tình yêu, một tình yêu
trọn vẹn dành cho Chúa, yêu Ngài hơn tất cả và yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả, để
những thứ khác chỉ là phụ thuộc là hàng thứ yếu mà thôi. Và việc từ bỏ ở đây là
để trở nên trọn lành như Chúa đã từng đòi hỏi: “Phải yêu mến Thiên Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực; và yêu mến người thân như chính
mình” (Lc 10,27; Mt 22,37-38; Mc 12,30-31).
Có nhà truyền giáo ví rằng: theo Chúa giống như
người đi leo núi, nếu mang theo những thứ nặng nề lỉnh kỉnh thì sẽ không leo
nhanh được, dễ mệt, dễ nản, khó lên được đến đích, thậm chí còn có thể bỏ cuộc.
Theo Chúa cũng ví như người vào cửa hẹp, nếu mang theo nhiều thứ cồng kềnh thì
sẽ bị vướng bận, của cải níu kéo người đó ở ngoài cửa, khó mà vào được cửa hẹp.
Từ bỏ để theo Chúa như Tin Mừng
vừa kể: phải bỏ "cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình". Ý Chúa muốn
nói tới những điều thiết thân nhất của mỗi người. Không phải bỏ như kiểu người
nọ bỏ nhà ra đi hoang đàng, đàn điếm hay như kiểu bỏ của chạy lấy người, mà là
bỏ hết, nếu như những thứ ấy làm vướng bận trên bước đường đi theo Chúa.
Gia đình là tốt, mạng
sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết với mạng sống là điều chính đáng
không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào những thứ đó cản trở hay làm
vướng bận con đường theo Chúa, thì người Môn đệ phải can đảm từ bỏ để đặt Chúa
lên ưu tiên hàng đầu.
Từ bỏ ở đây còn có nghĩa là từ bỏ
tội lỗi, những quyến rũ bất chính, những ràng buộc và nô lệ của vật chất, tiền
tài, danh vọng, hưởng thụ… để chấp nhận sống xả kỷ hy sinh, phục vụ và quảng đại
biết cho đi, biết chia sẻ… Và nếu khi nào bị hiểu lầm hay bị kết án, bệnh tật
hoặc tai ương... chúng ta can đảm vác lấy thập giá. Để hoàn tất trên thân xác
mình những gì còn thiếu nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô, như Thánh Phaolô đã trải
nghiệm: "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan
thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi
ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1,24).
Vì thế, Chúa Kitô đòi hỏi những ai theo Ngài
thì phải coi những đối tượng khác cho dù đó là cha mẹ, vợ chồng, hay địa vị, của
cải vật chất... cũng chỉ là thứ yếu so với Ngài: “Vì ai không từ bỏ hết những
gì mình có, thì không thể làm Môn đệ Tôi được” (Lc 14,33).
Đồng thời từ bỏ cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen, dấn
thân đón nhận thập giá. Vì mục đích là Nước Trời. Những gì chúng ta hy sinh từ
bỏ sẽ trở thành lễ vật hiến tế, tiếp tục nối dài hy tế của Chúa Giêsu, Đấng Cứu
Độ trần gian.
2. Từ bỏ để được ban ơn:
“Ai chấp nhận từ bỏ nhà cửa,
anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội
và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Lc 18,29-30; Mt 19,29).
Có rất nhiều người mến mộ theo Chúa Kitô, nhưng
không phải ai cũng trở thành Môn đệ của Ngài, nếu như Chúa Cha không ban ơn cho
người ấy (x. Ga 6,44a.65). Chính Chúa Giêsu cũng đã nói rõ ràng: “Không phải
anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16); và Thầy ở
đâu, thì anh em cũng sẽ ở đó. (x. Ga 12,26; 6,44b)
Vậy, điều mà Chúa muốn con người từ bỏ mọi sự
để theo Ngài là một đòi hỏi quyết liệt, dứt khoát và tự nguyện để vâng theo
Thánh Ý Chúa, thực thi bác ái yêu thương và phục vụ, để trở nên một với Chúa
Kitô và để trở nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Đòi hỏi này, nhắm
đến một mục đích là: chúng ta cùng nhau xây dựng Nước Chúa mau trị đến.
IV.- MUỐN LÀM MÔN ĐỆ CHÚA THÌ
PHẢI VÁC THẬP GIÁ MÌNH
Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải
vác thập giá? Thưa rằng: Đây là điều có liên quan tới việc từ bỏ. Vì khi từ bỏ,
ta không còn vướng bận hay bị cản trở điều gì cả, khi ấy ta có thể thong dong
vác thập giá mình mà theo Chúa. Ý nghĩa của việc này là
để trở nên hạt lúa, chấp nhận sự mục nát như lời Chúa Giêsu dạy rằng: “Thầy
bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ
trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ
giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25).
Mỗi người Kitô hữu đều có một cây thập giá của
mình, vừa sức mình, do mình tạo nên. Nó tượng trưng cho tính tự hủy, sự hy sinh,
sự đền tội, để vượt qua chông gai thử thách gian khổ, để được cộng tác với cây
thập giá của Chúa Giêsu đã vác thay cho nhân loại. Cùng với Chúa Giêsu mỗi người
vác cây thập giá của mình đến đỉnh đồi của ơn cứu độ. Qua thập giá mới đến vinh
quang, qua gian khổ mới thành người vẹn toàn. Đó là tiêu chuẩn và là công cụ để
Chúa muốn tuyển chọn và huấn luyện mỗi người chúng ta. Như có đoạn thư của Thánh
Phaolô gửi cho dân Dothái rằng: “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi
loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một
việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo
thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10); Còn Chúa Giêsu khi kêu
gọi những người Dothái đi theo Ngài thì đã minh định rằng: "Tôi là ánh sáng
thế gian. Ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh
sáng đem lại sự sống" (Ga 8,12).
Theo Chúa Giêsu là chấp nhận vác
thập giá mình đến chỗ tự hiến vì Nước Trời. Ai thông phần vào cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu thì cũng được Chúa Cha ban cho phần phúc tuyệt hảo và bất diệt với
Ngài, hưởng chính đời sống mà Thiên Chúa đang sống: “Nhờ vinh quang và sức
mạnh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những ơn rất quý báu và
trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa,
sau khi đã (vác thập giá mình) thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong
trần gian” (2Pr 1,4).
Quả đã rõ rằng: đi theo Chúa Giêsu không những
chỉ “tháp tùng” đi theo, sống cuộc sống “có đạo” mà cho là đủ. Đã có nhiều người
có đạo mà thái độ sống hâm hẩm, uể oải, hưởng thụ... “Công giáo mà sống hệt ma
giáo” thua xa những người ngoại đạo không biết Chúa; và nhiều khi “người lương
dân lại sống rất lương tâm”, vì họ biết yêu thương, biết sống công bằng, hòa
nhã, từ tâm bác ái.
Đặt ý nghĩa của cuộc “sống đạo” trong ý nghĩa
vừa kể, chúng ta sẽ hiểu được những lời thúc dục mạnh mẽ của đoạn Tin Mừng hôm
nay.
Theo Chúa Giêsu không có nghĩa chỉ
là “có đạo”, được Rửa tội, thỉnh thoảng đi nhà thờ, xem lễ, lần hạt Mân Côi,
sống đời sống “bình thường” là đủ. Nhưng phải trở nên giống Chúa Giêsu, từ tâm
tư cho đến thái độ và hành động. Một trong những điều mà ý Chúa đòi buộc chúng
ta phải thi hành là: từ bỏ tất cả để vác thập giá mình mà theo Chúa, để sống gắn
bó với Chúa và chia sẻ sứ mạng được sai đi của Chúa. Ý nghĩa này đã được Thánh
Phaolô diễn tả bằng một câu rất thi vị: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức
Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: Đây là lời đáng tin cậy và là niềm
tin của chúng ta” (Rm 6,8; 2Tm 2,11).
V.- MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU LÀ NGƯỜI
THI HÀNH THÁNH Ý CHÚA CHA
Công trình cứu độ của Chúa Giêsu từ
khi nhập thế cho đến khi về trời có thể được tóm gọn trong lời vàng thước ngọc
này là: “Thi hành Thánh Ý Chúa Cha”. Và những ai theo Ngài, làm Môn đệ Ngài,
cùng Ngài thực hiện công trình cứu độ thì cũng phải thi hành Thánh Ý Chúa Cha.
Kinh Thánh kể rằng: Có lần Chúa Giêsu đang trên hành trình rao giảng Tin Mừng
thì Đức Maria tìm đến muốn gặp Ngài và người ta báo cho Ngài biết: “Có Mẹ và anh
em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. Chúa Giêsu đáp lại: “Mẹ Tôi và anh
em tôi, chính là những ai lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (x. Lc
8,19-21; Mt 12,46-50; Mc 3,31-35).
Ai thi hành Thánh Ý Thiên Chúa,
người ấy sẽ sinh được nhiều hoa trái tốt lành.
Người ấy sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Ngài về mọi phương diện,
sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn
(x. Cl 1,10). Hoa trái ấy chính là hoa trái của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc,
bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gl
5,22-23a). Như thế, thi hành Thánh Ý Thiên Chúa cũng
chính là để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa (x. Pl 1,11; Ga 15,8).
VI.- KẾT LUẬN
Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Luca đã sử dụng
những cụm từ rất khéo léo và rất có ý nghĩa, đó là "đi theo và làm Môn đệ"; “từ
bỏ và vác thập giá”. "Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi thì không thể
làm Môn đệ Tôi được... Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm
Môn đệ Tôi được" (Lc 14,27.33). Đoạn văn song đối này
có thể diễn tả cách khác như sau: “Có thể được làm Môn đệ Chúa Giêsu, nếu
người ấy từ bỏ hết những gì mình có và vác thập giá mình mà theo Chúa”.
Rõ rằng, có rất đông người "đi theo" Chúa
Giêsu, nhưng không phải tất cả đều là "Môn đệ" của Ngài; chỉ những ai đi theo mà
từ bỏ và vác thập giá thì mới là Môn đệ mà thôi. Người đi theo chưa hẳn là người
Môn đệ; cũng như người nói "Lạy Chúa lạy Chúa" chưa hẳn là người thi hành Thánh
Ý Chúa.
Hành trình theo Chúa Kitô không đơn giản vì
phải đối diện với nhiều thử thách và cám dỗ. Do đó, người Kitô hữu phải biết
khiêm tốn cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Vì không có ơn Chúa, chúng ta không thể
làm được việc gì, chứ chưa kể là việc đi theo Chúa, là việc trọng đại có tầm cỡ
cứu độ (x. Ga 15,7-16; 16,23-28). Theo Chúa Kitô là một chuyện nghiêm túc cả đời
người, phải biết để tâm lưu ý và cân nhắc kỹ lưỡng; phải biết suy nghĩ tính
toán; phải biết khôn ngoan chọn lựa; không thể làm một cách nửa vời, hời hợt.
Hành động suy tính, và tự do - tự quyết này là điều kiện để con người thể hiện
đặc ân khôn ngoan và tự do, mà Thiên Chúa đã ban cho con người từ khi tạo dựng,
đó là đặc ân giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27).
Vì thế, đã theo Chúa thì phải theo
cho đến cùng, quyết tâm dấn thân trọn vẹn. Mỗi người Kitô hữu phải là một Môn đệ
chính hiệu (chính danh), nghiêm túc và thực hành những đòi hỏi luân lý của Chúa;
phải luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng; phải kiên trì trung thành với đức tin,
nếu không, chỉ một cám dỗ nhỏ của mưu ma, chước quỉ, của tính xác thịt và thế
gian cũng đủ làm lung lay và sa ngã bỏ Chúa. Vì Chúa đã dạy rằng: “Ai đã tra
tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”
(Lc 9, 62).
Vấn tâm:
- Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi
người Kitô hữu hãy xem lại mối tương quan của mình với Chúa Kitô và với Hội
Thánh thế nào?
- Chúng ta có thật sự theo và trở
nên người Môn đệ chính danh của Chúa hay không?
- Tình yêu mà mỗi người chúng ta
dành cho công trình cứu độ có hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức
lực không?
- Ưu tiên hàng đầu của chúng ta có
phải là nỗ lực sống và thực thi Lời Chúa không?
Linh mục GBt. BÙI NGỌC
ĐIỆP-TSVN