Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA

Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên C

Bài đọc I: St 18,1-10; Bài đọc II: Cl 1,24-28; (Luca 10,38-42)

I.-  DẪN NHẬP

Trước khi trình bày nội dung bản văn Luca 10,38-42. Xin được lướt qua đôi chút về mục đích của tác phẩm cũng như đạo lý mà Thánh sử Luca muốn nhắm đến.

Mục đích và đạo lý của sách Luca được trình bày như một bài trình thuật về “Lời (Logos)” của Thiên Chúa. Theo Luca, “Lời” là một thực tại mang ơn cứu rỗi có liên hệ tới thời cánh chung. “Lời” trong Luca cũng mang một ý nghĩa thần học mà chúng ta có thể tìm thấy trong nguồn gốc Cựu Ước: trong sách Đệ Nhị Luật và nhất là trong Isaia 55,10-11.

Qua đây, chúng ta có thể nhìn nhận rằng: chủ ý của tác phẩm Luca là trình bày “Lời của Thiên Chúa” hướng đến thời cánh chung. “Lời” ấy là nguyên lý năng động được biểu lộ qua những biến cố ghi trong Tin Mừng thứ III và trong sách Công Vụ Tông Đồ.

Trong trình thuật này (10,38-42), có mấy vấn đề thần học được đặt ra, chúng ta sẽ tìm hiểu: vai trò người phụ nữ, việc đón tiếp Chúa và lắng nghe Lời Thiên Chúa.

II.-  NỘI DUNG TRÌNH THUẬT

1. Vai trò người phụ nữ trong Tin Mừng Luca

và quan niệm về nữ giới thời Dothái bấy giờ:

Chúng ta được biết, Thánh Luca là tác giả Phúc Âm người gốc Hylạp. Ông có một quan niệm thường hay đề cao vai trò người phụ nữ. Vì thế, Thánh Luca thường hay nhắc tới người phụ nữ trong các trình thuật của ngài, tỉ như những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu trong 8,1-3.

Trong trình thuật này, Thánh Luca kể đến hai chị em Mácta và Maria, là những người phụ nữ tiêu biểu đứng ra đón Chúa Giêsu vào nhà mình. Đây là chuyện không bình thường đối với phong tục của người Dothái. Vì đối với phong tục Dothái chỉ có người đàn ông mới có quyền đứng ra đón ai vào nhà mình. Nhưng ở đây, hai chị em Mácta và Maria đã đón Chúa Giêsu vào nhà mình. (x. Hugues Cousin, Chú giải Tin Mừng Luca, 1993, trang 239)

Hơn nữa, trong quan niệm Dothái thời ấy, các phụ nữ bị khinh dể nặng nề, tủi nhục nhất là những cô gái không chồng, những người phụ nữ không con (x. St 30,22-23; Lc 1,25)… Thì trong Tin Mừng của Luca, giới nữ lại có một vị thế đặc biệt, xa hơn cả việc bình đẳng giữa nam và nữ, Ông muốn nói đến người nữ theo một chiều kích tôn trọng và thậm chí còn tôn vinh người nữ như: Vai trò làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria (x. 1,26-38); bà Êlizabét là người công chính, đẹp lòng Chúa…, và không ai chê trách bà điều gì (x. 1,5-6); nữ ngôn sứ Anna (2,36-38); người phụ nữ tội lỗi đã được tha vì chị yêu mến nhiều (x. 7,36-50) và một số phụ nữ đã vượt khỏi luật lệ, hay thành kiến để theo Chúa và phục vụ Chúa cho đến chân cây thập giá (x. 8,1-3; 23,27-31.49-55; 24,10tt); và nghĩa cử tiếp đón Chúa của Mácta và Maria (x. 10,38-42) mà chúng ta đang đề cập đến hôm nay, v.v...

2. Nghĩa cử tiếp đón Chúa:

Tin Mừng Thánh Luca, vốn được các nhà chú giải coi là thể loại văn phong mang nặng tính xã hội. Nhưng trong thể loại văn phong ấy còn có một thái độ đòi hỏi khắt khe và điều kiện đòi phải từ bỏ mọi sự (gạt ra ngoài những lo toan thứ yếu) để theo Chúa và phục vụ Chúa hết mình (x. 8,21; 11,28).

Quan trọng hơn, điều Thánh Luca nhắm tới là việc đón Chúa vào nhà mình. Chúng ta có thể liên tưởng tới trình thuật: ông Dakêu đón Chúa Giêsu vào nhà, bởi vì chính Chúa Giêsu muốn đến nhà ông. Và Chúa thẳng thắn tuyên bố rằng: hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này (x. 19,1-10). Thành ra đón Chúa Giêsu vào nhà mình, cũng chính là đón nhận ơn cứu độ vào nhà mình.

Trong nghĩa cử tiếp đón Chúa, trình thuật còn bày tỏ cho chúng ta một chủ đích thần học rất quan trọng, đó là làm nổi bật lên một sắc thái và quan điểm về lịch sử cứu độ, cụ thể nhất là:

- Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, đặc biệt là đối với tội nhân.

- Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người nghèo.

- Hành động đáp lại tiếng Chúa bằng lời xin vâng.

- Lòng thống hối.

- Lời cầu nguyện.

- Việc từ bỏ của cải vì Tin Mừng…

3. Hai chị em, hai cách đón tiếp khác nhau (câu 39-40):

@ Maria: Lắng nghe Lời Chúa (câu 39)

Maria ngồi dưới chân Chúa và tiếp chuyện Thầy. Theo ý nghĩa thần học “Ngồi dưới chân” là thái độ môn đệ đối với Thầy (x. 8,35; Cv 22,3); truyền thống đã chẳng nói: “Ước gì nhà con là nhà hội họp cho các hiền nhân, hãy níu lấy bụi đất ở chân họ và uống lấy lời của họ cho đã khát!” (Mishna, Abot 1,4). Còn “nghe lời Thầy dạy dỗ” là bổn phận đầu tiên của người môn đệ (x. 6,47). Nhờ đó môn sinh học biết phải sống thế nào cho phù hợp ý Chúa.

Vậy ở đây, Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Ngài, tức là thể hiện thái độ người môn đệ của Chúa. Chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Ngay đầu chương 5, Thánh Luca viết: “đám đông chen lấn nhau đến sát bên Chúa Giêsu để nghe Lời Thiên Chúa” (5,1). Chỗ khác ngài việt: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (8,21). Chương 11, một người phụ nữ cất tiếng khen Chúa: “phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: Phúc thay kẻ lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa” (11,28). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta gặp lại chủ đề lời Thiên Chúa. Các Tông đồ chọn bảy người để giúp bàn ăn, còn các Tông đồ khác thì chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ lời Thiên Chúa (x. Cv 6,2-4).

@ Mácta: Phục vụ bàn ăn (câu 40)

Riêng Mácta với tư cách là chủ nhà, bà có ý tốt lành là làm tiệc chiêu đãi khách quý (Chúa Giêsu). Mácta muốn “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, nhưng bà đón Chúa theo ý thích riêng của bà, mà chưa quan tâm đủ để tìm hiểu xem Chúa Giêsu mong đợi điều gì. Rút cục, trong niềm vui đón khách còn có sự tự mãn, vì thấy mình đảm đang quán xuyến, thấy rằng việc tiếp đón của mình là nhất, và đòi hỏi người em phải phục vụ theo cung cách của mình.

4. Đừng lo lắng nhiều chuyện quá:

Ở đây, Chúa Giêsu không phủ nhận việc bà Mácta nấu nướng cho Chúa ăn. Nhưng Chúa trách bà “lo lắng bối rối nhiều chuyện quá!”. Như vậy, đối với bà Mácta đón Chúa vào nhà là làm một cái gì đó cho Chúa. Mácta muốn làm tất cả những gì cho Chúa, khi bà đón Chúa vào nhà bà. Tâm trạng của bà Mácta giống ông Phêrô, tức là yêu mến Chúa và luôn làm cái gì đó cho Chúa: “Con sẵn sàng đi theo Chúa, dù vào tù hay chết cũng được…(22,33); ...con sẵn sàng làm ba lều cho Chúa” (9,33). Tâm trạng của Mácta cũng như của Phêrô, nhiệt tâm đón Chúa vào nhà mình, nhưng theo cách lo lắng bối rối kiểu của người trần gian; có lẽ cũng giống tâm trạng của nhiều người chúng ta.

Tin Mừng Luca nhấn mạnh và phản ảnh sự lo lắng tiêu cực. Luca sử dụng ba lần lo lắng ở dạng danh từ: Trong “Dụ ngôn người gieo giống”, sự lo lắng làm cho hạt giống Lời Chúa không sinh hoa kết trái (x. 8,14). Sự lo lắng làm cho lòng mình ra nặng nề (x. 21,34). Và Chúa trách Mácta lo lắng nhiều chuyện quá! (x. 10,41).

Ngoài ra, Thánh Luca dùng động từ lo lắng theo nghĩa tiêu cực năm lần, ở chương 12 có bốn lần: Anh em “đừng lo lắng lấy gì ăn, lấy gì mặc, làm cho lòng mình ra nặng nề”; Chúa nói cái lo lắng ấy là vô ích. (x. 12,22.25-26.29; 21,34). Vậy là, lo lắng bối rối quá của một con người sẽ sinh ra hai tác dụng phụ: một là nó vô ích, không giải quyết được gì; hai là làm cho lòng mình ra nặng nề.

III.- NHẬN ĐỊNH VÀ DUNG HÒA

Hai chị em, hai mẫu người: Mácta là mẫu người, tượng trưng cho những người bị cuốn hút vào đủ thứ hoạt động (x. 10,41), để cho cảnh náo nhiệt và những bồn chồn lo lắng chi phối tâm hồn. Còn Maria là mẫu người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Người, chú tâm làm cho hạt giống Lời Chúa sinh nhiều hoa trái trong lòng và trong đời sống.

Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, đó là lắng nghe Lời Chúa và thi hành ý Chúa (x. 10,42; 11,27-28). Maria đã chọn phần tốt nhất và tốt hơn so với các việc khác (10,42).

Chúa khen “Maria đã chọn phần tốt nhất”. Thánh Kinh nói đến cái phần không chỉ đơn sơ, mà là cái phần như trong Thánh Vịnh 119,57 đã viết: “Phần gia nghiệp của con là tuân giữ Lời Chúa”. Ở đây Maria đã chọn cho mình là ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài, Chúa nói là phần tốt nhất. Như vậy Chúa không phủ nhận vai trò hay công việc của Mácta, nhưng Chúa muốn cho thấy rõ hơn, đâu là cách tốt nhất để tiếp đón Chúa.

Khuynh hướng của chúng ta thường hay muốn làm cái gì cho Chúa mà quên đi, chúng ta đón Chúa là đón cái gì mà Chúa ban cho chúng ta. Bởi vì, Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Ngài phục vụ bằng cách ban Lời Hằng Sống. Cho nên những ai tiếp đón Chúa, cần phải lắng nghe, và hơn nữa, phải thực thi Lời Ngài trong cuộc sống (x. 6,47-49).

IV.-  KẾT LUẬN

Qua phần trình bày trên, chúng ta có thể rút ra một bài học ứng dụng: làm thế nào để chúng ta đón chúa vào nhà mình? Và làm thế nào để chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa?

Có lẽ, một cách nào đó chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta về hai thái độ đón Chúa của hai chị em Mácta và Maria.

- Chúa trách bà Mácta, không phải vì bà phụng sự bữa ăn cho Chúa, nhưng Chúa trách bà vì bà lo lắng nhiều chuyện quá! Chuyện cần thiết nhất khi đón Chúa là đón cái gì Chúa cho bà trước đã, thì bà lại nghĩ đến việc cho Chúa ăn.

- Còn việc Chúa khen bà Maria, ngồi dưới chân lắng nghe Lời Chúa, vì bà đã đón nhận Lời hằng sống của Chúa, như một người môn đệ chân thành.

Hai cách đều diễn tả lòng yêu mến phụng thờ Chúa, cách nào cũng tốt, cách nào cũng quý; nhưng vẫn có cách tốt hơn, vẫn có cách quý hơn. Việc làm của Mácta và của Maria đều diễn tả lòng yêu mến và tiếp đón Chúa chân thành cả. Nhưng ở đây, Chúa muốn dạy và muốn chúng ta dành phần ưu tiên hơn cho việc lắng nghe Lời Chúa. Bởi vì đó là điều then chốt chi phối cả cuộc đời hoạt động của chúng ta.

Đoạn Tin Mừng này còn cho thấy hai mẫu người, là những dạng thức tâm lý ứng dụng vốn có của từng cá tính con người: một thiên về hoạt động và một thiên về chiêm niệm. Hai mẫu người này đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Không có đối lập giữa việc phục vụ Chúa và việc nghe Lời Chúa.

Đây là bài học tiếp đón Chúa, theo hai thái độ và phong cách khác nhau của hai chị em Mácta và Maria. Để khi chúng ta đón Chúa vào nhà mình thì phải đón như thế nào cho xứng hợp; nhưng đừng quá lo lắng để tâm đến việc ăn gì hay uống gì…, mà hãy lo lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trước đã (x. 12,22-31).

Nhờ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta mới có thể biết đâu là ý Chúa mà thực thi, hầu có thể làm vui lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân.

Đồng thời khi lắng nghe Lời Chúa, chúng ta mới có thể tích lũy cho mình một hành trang dồi dào Lời Chúa, hầu có thể góp phần vào công tác loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa cho người khác được.

==============

Tài liệu tham khảo

1. KINH THÁNH TRỌN BỘ. Bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. TP. HCM, 1999.

2. HOÀNG ĐẮC ÁNH. Dẫn và chú giải Tin Mừng theo Thánh Luca. Học viện Đaminh, 2003.

3. HUGUES COUSIN. Chú Giải Tin Mừng Luca. 1993.

4. PHAN VŨ LONG. Tìm hiểu sách Tin Mừng Luca. Học viện Phanxicô, 2004.

5. TRẦN PHÚC NHÂN. Tìm hiểu các sách Tân Ước, 1995.

Linh mục: JB. Bùi Ngọc Điệp TSVN

 

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!