Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà Văn Hương Vĩnh
Bài Viết Của
Nhà Văn Hương Vĩnh
HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
LỄ HIỆN XUỐNG
LỄ THĂNG THIÊN
CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC
NHỮNG NGƯỜI XA LẠ
THANH LIÊM TRÍ THỨC
RỬA CHÂN
MỘT CÕI ĐI VỀ
NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ
HÀNH TRÌNH CUỐI ĐỜI
TUỔI GIÀ
ƠN GỌI CỦA SONG THÂN NỮ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
NGHỊCH TỬ VÀ HIẾU TỬ
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
NGƯỜI MẸ GIO LINH
TÌNH MẪU TỬ VÀ PHỤ TỬ
VỢ HIỀN
VIỄN KIẾN
BÌNH TĨNH VÀ THÔNG CẢM
SỰ THÀNH THẬT
ẢNH HƯỞNG MÔI TRUỜNG TRÊN ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
GIA ĐÌNH LÀ GÌ?
TÓM LƯỢC PHÚC TRÌNH CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI THỨ XIV VỀ GIA ĐÌNH
BÀI GIẢNG CỦA ĐTC KẾT THÚC ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII TẠI PHILADELPHIA
LỊCH TRÌNH ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015 - TẠI PHILADELPHIA - USA
ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015
XUÂN GIA ĐÌNH
ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA
SAU BỐN THẬP NIÊN
TUYÊN NGÔN CỦA HÀN LÂM VIỆN CÔNG GIÁO PHÁP - “MỐI LIÊN HỆ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH, CHA MẸ, CON CÁI”
SAU BA THẬP NIÊN
AI LÊN NÚI CHÚA
ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! - “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (TỰ THUẬT CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II)
CÁI CHẾT LÀM RUNG CHUYỂN ĐỊA CẦU
NẮNG CHIỀU
Tác phẩm Đồng Hành Với Chúa - Bài suy niệm 25
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
XUÂN NẦY CON KHÔNG VỀ!
TÂM TÌNH CẢM TẠ
SAU BA THẬP NIÊN
CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI LINH MỤC BENOIT LACROIX

 

ĐỜI THƯỜNG

 Cha Benoit Lacroix sinh năm 1915 ở thành phố St-Michel-de-Bellechasse. Cha đã theo học những đại học danh tiếng ở Ottawa, Toronto, Paris và Havard. Ngoài ra, để trở thành linh mục Đa-Minh, cha còn theo đuổi ngành Trung Cổ học. Là thần học gia và sử gia, cha đã dạy học tại nhiều đại học như Montréal, Laval (Québec), Đông Kinh (Nhật Bản), Butare (Rwanda), Caen (Pháp).  

Cha cũng là một nghiên cứu gia và một văn sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm. Cha còn là tác giả của hơn mười lăm bản chuyên khảo, bán chạy nhất là “La foi de ma mère, Bellarmin, 1999” (Đức tin của mẹ tôi) và “Alzheimer et spiritualité, Fides, 2000” (Alzheimer và đời sống tâm linh) và nhiều bài nghiên cứu về sự tương quan giữa dân chúng tỉnh bang Québec với tổ tiên thời Trung Cổ.  

Cha Lacroix là thành viên Hàn Lâm Viện khoa học luân lý và chính trị của tỉnh bang Québec Canada. Cha được trao tặng huân chương của quốc gia Canada, của tỉnh bang Québec, được lãnh giải thưởng Léon-Guérin, được cấp bằng tiến sĩ danh dự của Đại Học Sherbrooke. Cha thường xuất hiện trên vô tuyến truyền hình để điều khiển chương trình trong những dịp lễ tôn giáo. 

 NHỮNG CUỘC HỘI NGỘ CỦA TÔI VỚI CHÚA  KITÔ  

Trong sự tranh tối tranh sáng, những cuộc hội ngộ của tôi với Chúa Kitô nhiều khi thành công, nhiều khi thất bại. Trải qua hành trình đó, xen vào giữa chuỗi luận lý là một vài trực giác về đời sống thánh hiến và sự hâm mộ lễ nhạc. Cứ trung thành đeo đẳng mãi, những lời kêu mời đó vừa làm cho tôi ngạc nhiên vừa khích lệ tôi.  

1915-1927  

Trong chừng mực mà tôi còn nhớ, cuộc hội ngộ đầu tiên có tính cách cá nhân của tôi với Chúa Kitô đã xảy ra vào dịp lễ Giáng Sinh ở nhà thờ Saint-Michel-de-Bellechasse. Sau Thánh lễ nửa đêm, mọi người lên chào Chúa Giêsu Hài Đồng ở trong máng cỏ. Vừa tới nơi và vì sự thinh lặng tuyệt đối ở trong nhà thờ vào thời buổi đó, mẹ tôi dặn dò: “Joachim ơi, đừng thốt ra lời nào, Chúa Giêsu đang ngủ!” Lúc bấy giờ tôi được năm tuổi. Và tôi đã để cho Chúa Giêsu ngủ yên…cho tới khi tôi được mười một tuổi.  

Ở trường học, ở nhà thờ, ở gia đình, tôi đều nghe nói Chúa Giêsu đã chết, “chết vì tội lỗi chúng ta”. Ngài chết trên cây thánh giá. Những cây thánh giá treo nhan nhản khắp nơi: ở nhà thờ, ở nghĩa địa, ở trong nhà, ở kho lẫm, ở ngã ba đường. Do đó, tôi được đặt tên là Lacroix (Thánh Giá)!  

Dĩ nhiên không chút ác ý, tôi đã đối xử với Chúa Giêsu như người anh thinh lặng, vô hình và xa xôi vời vợi, “ẩn mình trong nhà tạm.” Khi tham dự thánh lễ, lúc đọc lời truyền phép, linh mục nâng Mình Thánh Chúa lên, chúng tôi cúi đầu nên chẳng thấy gì.  

1927-1936  

Khi ở nội trú trong trường trung học Sainte-Anne-de-la-Pocatière, tôi nghe nói Chúa Giêsu là một trẻ nhỏ vâng lời và hoàn toàn tuân phục cha mẹ. “Các em cũng phải làm như vậy và các em sẽ tiến xa hơn”, tôi được dạy bảo như thế. Tôi được mười lăm tuổi khi các linh mục đề cập với tôi một cách kín đáo về vấn đề ơn gọi. Tôi sẽ ra sao sau nầy đây?  

Vào thời kỳ đó, điều mong ước lớn nhất của những thanh thiếu niên như tôi là ơn gọi làm linh mục. Tất cả các giáo sư của tôi đều là linh mục và có phẩm chất cao về mặt luân lý lẫn trí thức. Một câu nói trong Phúc Am thường được trích dẫn bởi các vị thuyết giảng nhân dịp tĩnh tâm để tìm hiểu ơn thiên triệu đã đánh động vào trí óc non nớt của tôi: “Chúa Giêsu đã phán với họ: Hãy theo Thầy! Và lập tức, họ đã theo Ngài.” Lập tức, xem ra hơi sớm đối với một đứa trẻ say mê thể thao và thích vui đùa với bạn bè như tôi.  

Ngày 26 tháng bảy năm 1935, tôi đã giã từ mái ấm gia đình, cô bạn gái nho nhỏ ở góc đường và “lập tức”, trên con tàu độc hành, tôi đã đi vào nhà tập các cha dòng Đa-Minh, ở trên đường Girouard Ouest, ở Saint-Hyacinthe.  

Chúa Giêsu ôi! Con thấy Chúa đòi hỏi quá nhiều, cùng lúc con cũng cảm thấy quá “xa lạ” để tự giải thích cử chỉ mà con vừa mới thực hiện vì danh Thánh Chúa. Nói đúng ra, Chúa ơi, trong suốt thời gian đó, Chúa đã từ từ xích lại gần con mà thật ra con không hề hay biết.  

1937-1940 

Tại đại học của các linh mục Đa-Minh ở Ottawa, triết lý và thần học là hai môn nổi bật. Những giáo sư với kiến thức cao rộng đã dạy dỗ tôi và dẫn giải với một nghệ thuật điêu luyện những “chân lý đầu tiên” mà Quyển Giáo Lý bỏ túi của tổng giáo phận Québec đã ghi rành rành. Vì vậy tôi không có gì thắc mắc! Với những trích dẫn giáo lý và những quyết định của các công đồng – dĩ nhiên bằng tiếng La-Tinh – dần dần tôi được hội nhập điều mà tôi phải tin...và hiểu biết để trở thành một tu huynh thuyết giảng theo đúng nghĩa: 

Chúa Giêsu Kitô, sinh bởi Đức Maria Đồng Trinh, là con tự nhiên của Thiên Chúa và là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, theo đúng nghĩa đích thật của phần rỗi…Chúa Kitô là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa với hai bản tính… Hai bản tính đó vẫn tồn tại sau khi Ngôi Hai Nhập Thể mà không pha trộn cũng như không biến đổi… 

Trong Chúa Kitô có hai ý chí và hai cách hành động tự nhiên, không san sẻ và cũng không pha trộn…Đức Kitô phải được tôn thờ ngay cả trong bản tính con người, vì sự kết hợp với Ngôi Lời (Logos)…Chúa Kitô, vừa là người, vừa là Thiên Chúa, là vua theo nghĩa cao quí nhất…Mẹ Maria thụ thai và sinh con mà không bị thương tổn đến sự trinh tiết và Mẹ cũng vẫn còn trinh tiết sau khi sinh con.  

Chao ôi! Hãy xem một thiếu niên thuộc thế hệ thứ ba ở thành phố Saint-Michel, ít làm quen với những suy tư theo nhịp độ tiệm tăng như thế nên không hiểu ất giáp gì cả. Làm sao truyền đạt cho một thanh thiếu niên với những từ ngữ to lớn như thế, những từ ngữ hoàn toàn xa lạ trong cuộc sống hằng ngày?  

Tôi có nhiều thiện chí. Tôi ra sức học tập và cầu nguyên. Tôi tìm kiếm một con đường, một hướng đi, để sống trọn vẹn ơn gọi cho đời thánh hiến. “Tự đặt mình trước mặt Thiên Chúa”. Đó là công thức tôi thường được nghe nói ở trường cao đẳng La Pocatière. Từ đó, tôi cương quyết thực hành việc sống trước mặt Chúa và tiếp xúc thường xuyên với Thiên Chúa Sáng Tạo – làm chủ không gian và thời gian. Điều đó xem ra tương đối dễ dàng hơn. 

Những kỷ niệm còn nóng bỏng của thời thơ ấu ở trên vùng đất cạnh bìa rừng, những hình ảnh khó quên đối với phong cảnh huy hoàng của vùng Côte-du-Sud, con đường dọc theo bờ sông, hòn đảo Orléans, miền rừng xinh đẹp Laurentides, hình dáng ngọn núi Sainte-Anne…tất cả đã mời gọi tôi cảm tạ Thiên Chúa, ca tụng Ngài và khẩn cầu Ngài từ đó:  

“Ngài là Thiên Chúa của con, con ca tụng Ngài từ lúc rạng đông…Và khi con nhìn thấy những tầng trời, công trình sáng tạo của bàn tay Ngài, mặt trăng và các tinh tú mà Ngài đã tạo dựng…chim trời, cá biển…Thánh Danh của Ngài thật cao cả khắp mặt địa cầu” (Thánh Vịnh số 8).  

Trong khi ở Ottawa tôi ngâm nga những Thánh Vịnh tuyệt vời ca tụng những kỳ quan của vũ trụ thì “Kinh Tin Kính của người nông dân” mà cha tôi thường hát lên – và hát hay biết mấy – đã trở về lại trong ký ức tôi:  

Thật là bao la! Những tầng trời, núi đồi và đồng bằng,

Mặt trời chiếu tỏa sức nóng,

Các cây thông xanh biếc mọc đầy núi đồi

Là công trình của Ngài, ôi Thiên Chúa Sáng Tạo (…)

Con tin vào sự cao ca của Ngài, con tin vào lòng nhân ái của Ngài.  

Những buổi hát kinh của các tu sĩ Đa-Minh – được điều khiển tuyệt vời – và sự trang trọng của những bài Thánh ca grégorien bằng tiếng Latinh đã mau mắn hỗ trợ tôi về mặt phụng vụ để tôi được dễ dàng đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Cùng lúc hài lòng về bổn phận đã làm trọn, tôi cảm thấy chắc chắn là tôi sẽ trung thành với ơn gọi của mình. Ngày 4 tháng tám năm 1940, với ý muốn luôn được hiện diện trước mặt Thiên Chúa, tôi đã hứa vâng lời Ngài…cho đến chết.  

Cùng lúc, tôi đắm mình trong việc đọc những sách của Dom Marmion (+1993) như quyển “Le Christ, idéal du moine, 1922” (Chúa Kitô, lý tưởng của đan sĩ) và “Le Christ, la vie de l’âme, 1936” (Chúa Kitô, đời sống của linh hồn) đã làm tôi say mê. Đứng trên phương diện lý thuyết, tôi muốn nói: 

“Chúa là ai mà con không ngừng được lôi kéo về Ngài! Chỉ mình Chúa mới có thể trả lời cho con thỏa đáng. Con cảm thấy còn vụng về để viết lên điều đó ngày hôm nay đây, nhưng con tin chắc vào thời kỳ đó và kéo dài một thời gian lâu hơn nữa, Chúa luôn theo sát con mà con không nhận ra Ngài.”  

1940-1950  

Ở trường đại học Ottawa, tôi chuẩn bị kỳ thi cuối cùng về Kitô học. Như một sự tình cờ, tôi bắt gặp quyển sách nhan đề “Introduction à la sainteté” (Nhập môn về đời thánh hiến). Đó chỉ là một quyển sách nhập môn mà thôi sao? Tôi chắc chắn còn hơn như thế nhiều. Vả lại, đối với tôi, quyển sách đó ít nữa cũng đáng tin cậy vì được viết bởi một linh mục Đa-Minh ở Paris. Sách đó được phụ chú như sau khiến tôi e sợ: Cuộc phục hồi đời sống tâm linh. Cuộc sống khắc kỷ. Cuộc sống hoạt động. Cuộc sống kết hợp. Tác giả đã cảnh cáo trước như vậy.  

Khi đọc “Introduction à la sainteté” của cha Henri Petitot, tôi nhận thấy cha đã lấy nguồn cảm hứng từ chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà tôi có nghe nói sơ qua. Têrêxa Martin – tên gọi của chị khi còn con gái – được ra đời năm 1873. Chị vào tu dòng Cát-Minh năm 1888, lúc mới mười lăm tuổi. Chị qua đời lúc hai mươi bốn tuổi, cùng trạc tuổi với tôi lúc bấy giờ! Hơn nữa chị sống cùng thời với cha mẹ tôi vì cả hai đều được sinh ra vào đầu thập niên 1880.  

Thích thú hơn nữa, tôi khám phá ra rằng chính cha Henri Petitot đã xuất bản vào năm 1925 – năm chị Têrêxa được phong thánh – quyển sách “Sainte Thérèse de l’Enfant-Jésus: une renaissance sprituelle” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: một sự phục hưng tâm linh). Quyển sách đó có thể tìm thấy ở Studendat tại Ottawa, khi được tái bản với tựa đề “Vie intégrale de sainte Thérèse de Lisieux” (Toàn bộ cuộc sống của Thánh Têrêxa thành Lisieux).  

Quyển sách đó đã gây nên một sự xúc động nội tâm rất khó thẩm định đối với tôi, cho dẫu tới ngày hôm nay. Têrêxa Hài Đồng Giêsu trở thành người chị thiêng liêng của tôi, người tâm sự thầm kín của linh hồn tôi, người mà tôi tìm đến trong những lúc gặp khó khăn.  

Tôi yêu mến chị, người đã yêu mến Chúa Giêsu cách nồng nàn và đã nói chuyện với Chúa Kitô một cách riêng tư, kêu tên Ngài khi cần, ưu tư với Ngài và khi chết đã thầm thĩ hai chữ quan trọng nhất của hết mọi nền văn hóa, đó là “tình yêu”! Tôi yêu chị cũng vì chị yêu thiên nhiên, hoa lá, biển cả. Chị mến chuộng Chúa Kitô trên tất cả.  

Linh đạo của chị xem ra thích hợp với tôi hơn, theo ý nghĩa là thiếu nữ đó dần dần đã đặt niềm tín thác trọn vẹn vào lượng từ bi của Chúa. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần “L’Histoire d’une âme” (Truyện một tâm hồn). Thật lợi ích khi nói về Chúa Kitô, nhận biết ra Ngài và làm cho Ngài trở nên người bạn đồng hành, nhưng cũng không rơi vào những ảo tưởng mà quên đi những người mình phải yêu mến hết con tim, hết tâm hồn, hết sức lực.  

Trong thế chiến thứ hai, vào năm 1941, tôi rời Studendat của các cha Đa-Minh ở Ottawa để đi Toronto theo đuổi ngành học chuyên môn. Tôi xa rời quỉ đạo của môn thần học để đi vào ngành học của thời Trung Cổ Latinh. Điều nầy cho phép tôi quan sát đức tin bình dân thời Trung Cổ và đồng thời so sánh với đức tin ngày nay.  

Vào những năm 1944-1945, tôi đã xuất bản thầm lén dưới bút hiệu Michel de La Durantaye tác phẩm “Sainte Thérèse de Lisieux et l’histoire de son âme” (Thánh Têrêxa thành Lisieux và truyện tâm hồn ngài). Đó là quyển sách đầu tay của tôi nhưng không thành công mấy.  

1950… 

Tôi rời Canada để đi Au châu. Đó là giấc mơ của tôi! Tôi say mê thế giới tôn giáo thời Trung Cổ. Thật là những ngôi đại thánh đường khó quên! Ngôi đại thánh đường dòng Chartres không thể nào quên được! Đồng thời, tôi cảm thấy nỗi nhớ nhung quê nhà khi đi viếng những ngôi thánh đường nho nhỏ theo lối kiến trúc rôman và tôi cố gắng hằng ngày nhận diện bộ mặt nhân bản của Chúa Giêsu bằng cách đi xem bảo tàng viện nầy đến bảo tàng viện khác. Phải chăng đó là những điều ưa thích nhất đối với tôi?  

Tôi đọc đi đọc lại các sách Phúc Am. Tôi cảm thấy mình quá xa vời đối với Chúa Kitô biết bao! Nhưng lại một lần nữa Chúa đã đến cứu giúp con. Chúa biết cách tiếp cận với con theo cách thức của Chúa, thật tài tình và hữu hiệu. 

Ở Au châu, tôi thăm viếng nhiều nhà nguyện các Tiểu Muội Chúa Giêsu, thường gọi là “các Tiểu Muội của cha Foucauld”. Đâu đâu cũng một nếp sống đơn giản, buông bỏ, cũng dành một chỗ đặc biệt cho việc đọc Lời Chúa, cũng một sự tôn kính đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể ở trong nhà tạm.  

Đó chính là nhà Nazareth ở trước ngưỡng cửa của tôi! Chúa Kitô không chỉ là Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, là cậu bé gương mẫu. Ngài không phải luôn luôn chết trên thánh giá vì tội lỗi chúng ta. Ngài không chỉ là vị đại ngôn sứ của mọi dân tộc, là đức vua của mọi thế hệ hay vị chúa tể chung chung.  

Ngài không những là Con Thiên Chúa mà chúng tôi đã phân tích qua vài văn kiện bằng tiếng Latinh của thời Trung Cổ. Ngài không chỉ là nhân vật của những chiến thắng lớn lao theo ngôn ngữ tín lý liên quan đến những môn học ở bậc đại học của tôi...Tôi nhận ra rằng Ngài cũng có thể là một người bạn đơn giản nhất, dễ dàng tiếp cận nhất. 

Tôi ghi nhận một cách hoàn toàn thích thú là các Tiểu Muội một phần nào đó là những con cái tinh thần của chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chỉ khác một điều là chị Thánh sống đời ẩn dật trong tu viện Cát-Minh, còn các Tiểu Muội sống giữa những người khó nghèo. 

Bao nhiêu liên hệ của tôi với Chúa Kitô trong thời thơ ấu, khi còn học sinh và sinh viên, mang nặng tính chất lý thuyết hoặc có tính cách trí thức…giờ đây tôi được lôi cuốn vào những hành trình khác nhau, thường khi có tính cách bất ngờ, để gặp gỡ Đấng đã dẫm lên những nẻo đường xuyên qua xứ Galilée và Judée, đó là Chúa Kitô nhân bản.

Là linh mục vào tuổi bốn mươi, linh mục càng ngày càng thông thái, làm sao con có thể cầu nguyện và thốt ra những lời linh thánh nếu Chúa ở xa cách quả tim con? Phải chăng con là người lao động vào giờ thứ mười một?  

Vào năm 1953, tôi đi hành hương dòng Chartres với các sinh viên của nhiều nước khác nhau. Trong ba ngày chúng tôi đi từ Rambouillet đến nhà thờ chính tòa danh tiếng. Các bạn trẻ đó đã trở thành những bậc thầy của tôi. Họ đã dạy dỗ tôi theo cách thức riêng của họ. Sau đó, chúng tôi đã gặp lại nhau ở thành Assise, ở Roma, ở miền Cận Đông, tại Jérusalem, Bethléhem và Nazareth.  

Ở Nazareth, đối với tôi là người đã yêu mến biết bao những thửa đất màu mỡ của vùng Bellechasse – nơi mà thời thơ ấu tôi không bao giờ quên được – giờ đây tôi phải dẫm chân lên trên một mảnh đất khô cằn, nắng cháy, một mảnh đất bị xâu xé bởi những cuộc tranh chấp bạo hành qua nhiều thế kỷ. Phải chăng đó chính là tổ quốc của Con Thiên Chúa đồng bản tính với Đức Chúa Cha? Có phải chăng đó đúng là xứ sở của Chúa Giêsu? Bỗng nhiên Chúa Kitô đối với tôi xem ra tầm thường và tôi kết luận rằng tôi còn phải đọc đi đọc lại Phúc Am rất nhiều.  

Chúa ôi lần nầy con đã tỉnh thức và suy tư những biến cố rất thường ngày của cuộc đời Chúa. Con đã gặp gỡ Chúa và đã say mến Chúa. Con tái thẩm định Chúa ở chỗ Chúa yêu mến thiên nhiên, sông ngòi, hoa đồng cỏ nội, chim trời cá biển, mặt trời chiếu dọi trên người lành cũng như kẻ dữ. Con nhìn thấy Chúa cùng với Đức Mẹ đi ra khỏi nhà để đến phố chợ.  

Và sau nầy, dù gặp dư luận bất lợi, Chúa vẫn tiếp tục hành trình, luôn trung thành với Thánh Ý Đức Chúa Cha. Chúa là Đấng mà đôi khi người ta cho là điên rồ, mê ăn uống, đi đứng với người tội lỗi, cảm thông với những cô gái buôn phấn bán hương, sống xa lề luật, không giữ ngày sabbat.  

Nhưng Chúa đã không để cho mình bị quật ngã bởi những lời đồn đãi. Chắc Chúa cũng mệt mỏi lắm. Chúa đã khóc, đã than vãn, đã cầu cứu, ngay cả bị ma quỉ cám dỗ nữa. Càng lâu, con biết rằng Chúa ở gần chúng con, ở gần con, “tầm thường trong đời thường, như tất cả mọi người”. Con tạ ơn Chúa đã luôn có mặt ở đó!  

1965… 

Cuộc tiếp xúc với những tôn giáo khác đã một thời bắt buộc tôi tái thẩm định những kiến thức thâu thập được, đồng thời cũng xem xét lại một cách thân cận hơn đối với Kitô giáo và Đấng Sáng Lập chính là Chúa Giêsu thành Nazareth.  

Năm 1961, ở Nhật Bản, hầu hết mọi sinh viên của tôi về môn cổ tự học Latinh là Phật tử. Vào năm 1965, ở Butare, nước Rwanda, mhiều sinh viên của tôi theo thuyết vật linh và một số là Hồi giáo. Tôi bắt đầu so sánh, trong tư cách là giáo sư được mời giảng dạy cũng như sử gia về văn hóa, và không phải với tư cách thừa sai hay linh mục Công giáo. 

Trong khi đối thoại và quan sát, hình ảnh Chúa Giêsu hiện rõ dần. Càng lúc dưới con mắt tôi, Ngài xuất hiện như một nhân vật thế giới, vượt lên trên mọi biên cương. Sự đa dạng của nhiều tín ngưỡng đã kêu mời tôi định giá tất cả những gì là tình yêu, sự an bình và lòng lân tuất. Và trên tất cả là lòng bác ái!  

Sự đối thoại giữa những con tim trở thành quan trọng hơn là sự so sánh có tính cách bác học giữa các nền văn hóa. Tất cả những niềm khát vọng hiệp nhất đó, như sự khao khát về bi, trí, dũng trong Phật giáo, lòng thương xót được thuật lại trong sách Coran, cậu sinh viên trẻ tuổi người Do-Thái ở Đông Kinh, vượt lên trên mọi thành kiến cố hữu, đã làm cho tôi yêu mến người đồng hương Do-Thái của cậu.  

Chúa ôi, chính Chúa đã cầu xin cho họ trở nên một. Con vui mầng đón nhận ngôn từ của Chúa luôn luôn có tính cách toàn bộ, cung cách của Chúa có tính cách đón mời và dạy bảo. Chúa là Đấng nối kết vĩ đại nhất những tâm hồn và những con tim của hết mọi thời đại. Con thấy vương quốc của Chúa càng lâu càng trải rộng qua hết năm châu bốn bể, hết mọi xứ sở và mọi tín ngưỡng.  

Chúa vẫn tiếp tục, vẫn phục sinh qua hết mọi tôn giáo lớn đã có từ bao nhiêu thế kỷ. Chúa là câu trả lời vĩ đại – nếu không muốn nói là duy nhất – đối với bí ẩn của sự chết cho hết mọi người thành tâm thiện chí. Con mong ước tình trạng nầy kéo dài mãi mãi! Con có niềm khát vọng không ngừng nghỉ về đời sống trường sinh bất tử!  

Chúa có mặt ở nơi mà những người mong ước điều tốt đẹp nhất cho chính họ và cho nhiều người khác. Chúa hiện diện ở nơi mà người ta cố gắng yêu thương và “tái yêu thương”. Chúng con sẽ đi về đâu? “Chúa có những lời ban sự sống đời đời” (Gio 6,68). Chúa muốn cho tất cả chúng con biết Chúa Cha, cho tất cả mọi người được cứu rỗi. Và con tin chắc họ sẽ được như thế.  

Trong chừng mực mà họ sống Phúc Am đó cũng như tất cả những giá trị của Phúc Am đó ở bên trong họ mà không nói ra bằng cửa miệng, hoặc không biểu lộ trên phương diện pháp lý, họ đều là con cái của Cha: “Họ từ đông phương và tây phương đến ngồi vào chỗ bàn tiệc.” (Mt 8,11)…”Ngoài ra, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến, và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen thì xin anh em hãy để ý tới.” (Phil 4,8), Cũng như họ, những người khác cũng không biết Chúa.  

1973-1976  

Từ năm 1973 đến 1976, tôi trở lại sống ở Au châu. Do sự an bài của Chúa Quan Phòng, tôi được mời phụ trách giảng dạy những lớp học về tiếng Latinh thời Trung cổ và lịch sử tỉnh bang Québec ở đại học Caen. Đó là xứ Normandie của tổ tiên tôi! Hai mươi lăm phút đi xe lửa là tới Lisieux! Những cuộc hành hương của tôi tới Buissonnets càng lâu càng nhiều. Tôi muốn biết hay nói đúng hơn là khám phá càng nhiều càng tốt tầm mức quan trọng của đời thường trong cuộc sống của vị “thánh nho nhỏ của tôi”. Tôi được thỏa mãn và yên tâm.  

Lúc bấy giờ cuộc sống ở môi trường đại học không dễ dàng gì. Nước Pháp bị chia rẽ. Những giáo sư danh tiếng vào thời kỳ đó hầu hết đều thấm nhuần chủ nghĩa mác-xít. Những chọn lựa về cuộc sống của tôi dần dần được cụ thể hóa. Và Thánh Têrêxa có mặt ở đó, gần gũi với tôi hơn. Chị đã hứa và chị đã săn sóc tôi.  

Một mình ở trong căn phòng nhỏ, tôi cảm thấy buồn chán. Nếu ham vui chơi với bạn bè thái quá, tôi quên mất Chúa đi. Lúc bấy giờ tôi lên Lisieux. Đan viện Cát-Minh cũng như Buissonnets, lại một lần nữa trở nên những nơi chốn ân phúc cho những suy tư của tôi.  

Bởi nhiều lý do của đời sống mục vụ đối với giới trẻ ở đại học Caen, tôi càng khám phá ra rằng Chúa Giêsu  - người anh của tôi – đúng là bạn hữu đồng hành với tôi luôn luôn nhẫn nại. Ngài ở bên kia dáng dấp đơn thuần của kiếp sống nhân sinh và Ngài đã không nỡ tắt cái mồi lửa còn bốc cháy. Ngài đã không phân chia tức khắc cỏ lùng khỏi những nhánh lúa tốt.  

Ngài luôn quan tâm đến người thợ vào làm vườn nho trong giờ sau hết. Ngài đã không khinh bỉ những cô gái giang hồ hay tất cả những nạn nhân sa đọa về giới tính. Những sứ điệp của Ngài làm tôi say mê. Tôi lắng nghe các nữ tu Cát-Minh ngâm nga thánh vịnh. Tôi luôn luôn muốn tìm hiểu, đồng thời mở rộng nhận thức của tôi về Chúa Giêsu.  

Dần dần tỏa rạng ở nơi tôi những bài diễn văn về thần học và tất cả những định nghĩa của các công đồng. Qua nhân loại tính của nhân vật phi thường đó, càng lâu tôi càng nhận ra Đấng đã sai Đức Thánh Linh xuống trên tôi và mạc khải Cha cho tôi. “Ngài là cánh cửa, là con đường đưa tới sự huyền bí” (xem Gio 10,9; 14,6).  

Cũng như Thánh Têrêxa, tôi tự nhủ: “Nếu Thiên Chúa là Cha tôi thì tôi là con của Ngài.” Còn gì an tâm hơn nữa! “Chúng ta là con cái Thiên Chúa được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh: chúng ta đã không nhận lấy một thần khí làm cho chúng ta trở nên nô lệ và dẫn tới sự sợ hãi mà là một thần khí đã làm cho chúng ta trở nên những người con nuôi, nhờ đó chúng ta kêu lên: Abba, Cha ôi! Chính thần khí đó làm chứng cho chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Ro 8, 14-16).  

1980… 

Vào thập niên 1980, trước khi tôi rút lui vĩnh viễn khỏi môi trường sinh hoạt của đại học Montréal, tôi bị thu hút bởi nhân vật Giêsu đứng trên bình diện nhân bản nên tôi đã quyết định mọi liên hệ của tôi với Ngài sẽ mang một hình thức văn chương. Tôi biến Ngài thành người bạn đồng hành khi cầm bút.  

Trong sách “Quelque part en Bellechasse”, tôi đã biến ngài thành một người hành khất, một người “ăn xin”, một người lang thang nhưng rộng lượng và lo lắng rao giảng Tin Mừng. Quyển sách đã thành công một phần nào.  

Tội nghiệp người bạn lâu năm của tôi là Fernand Dumont (mất năm 1997), đã nhận xét bằng một nụ cười – có lẽ anh đã tiền cảm mình bị bệnh ung thư chăng? – là tôi quên nhắc tới cái chết của Chúa Kitô như một biến cố trọng đại nhất về sự ban tặng sinh mạng của Ngài cho nhân loại. Để bù lại, tôi viết “Marie de Saint-Michel”: Chúa Giêsu tắt thở khi đối diện với Mẹ Ngài.  

Ngày nay tôi còn hứng thú viết lên một câu truyện khác, nhưng lần nầy chung quanh Chúa Giêsu thành niên có Mẹ Ngài đi theo và được đánh dấu bởi những quang cảnh thời thơ ấu của Ngài và dĩ nhiên đó cũng là cảnh trí của chính thời thơ ấu của tôi!  

Chúa ôi! Cùng một lượt, con bái chào Chúa ở nơi hết mọi thanh niên thế giới vì rồi đây họ sẽ tiếp nối sự nghiệp của chúng con. Con thấy Chúa ở Nazareth, trên mọi nẻo đường xứ Galilée và Judée: Chúa đến rồi đi, Chúa trở về thăm Mẹ Chúa rồi ra đi. Luôn luôn nhân danh một Lời hằng sống đã đeo đẳng Chúa, một ngọn lửa mà Chúa đã đến để “thắp sáng mặt đất” (xem Luc 12, 49). Chúa cảm thấy mình trách nhiệm trực tiếp. Cũng như Mẹ Chúa, Đức Maria: “Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Luc 1, 38). “Hãy làm những gì mà Ngài bảo các anh” (Gio 2,5). 

Ở giữa mọi người nữ  

Từ ngày 8 tháng 12 năm 1930 là ngày mà tôi dâng mình cho Đức Mẹ theo những nghi lễ thực hành ở trường cao đẳng Sainte-Anne-de-la-Pocatière. Tôi có thể nói được là Mẹ Maria đã hoàn toàn trở nên mẹ của tôi ở chốn trời cao, cũng như Ngài là Mẹ Chúa Giêsu. Ngày nay Mẹ được vinh danh cả xác lẫn hồn lên trời, Mẹ được chúc phúc ở giữa tất cả những người nữ. Mẹ là nguồn cảm hứng của tôi, Mẹ đã giúp đỡ tôi tận tình.  

Có lẽ vì gắn bó với Đức Mẹ, tôi cũng cảm thấy gắn bó với mẹ tôi và qua đó là với hết mọi phụ nữ, như một nhà phân tâm học nổi tiếng đã nói như thế! Điều đó luôn luôn có thể được. Tại sao không? Tại sao phải xảy ra khác hơn? “Đừng phân rẽ điều gì Thiên Chúa đã kết hợp”: phân rẽ người đàn ông khỏi người đàn bà, người chồng khỏi người vợ, trẻ con khỏi mẹ mình, Benoit khỏi Mẹ Maria.  

Tôi đã không nhận ra điều đó từ nhiều năm qua. Nhưng nhờ vào tất cả những hình ảnh, những dụ ngôn và ký hiệu mà Chúa Giêsu đã dùng đối với Mẹ Ngài, tôi cảm thấy được hứng khởi. Nắm men trong đấu bột, hạt thóc gieo vào lòng đất, lọ muối ở trên bàn ăn, ngọn đèn để trên bục gỗ: tại sao, khi nói như thế, không nên nghĩ tới cuộc sống ở Nazareth? Tại sao không quan tâm tới Mẹ Maria khi để ý đến Chúa Giêsu?  

Chúa Giêsu đã gặp gỡ và thăm viếng nhiều phụ nữ, cho đến đỗi nhiều Thánh sử Phúc Am phải ngạc nhiên. Nhiều phụ nữ đó không phải là những thiên thần hay tất cả họ không giống như Mẹ Maria, Marthe và bà Maria kia.  

Tuy nhiên, Ngài đã không nói với người phụ nữ xứ Samaritanie là chị hay thay lòng đổi dạ, là người đàn bà nhẹ dạ trắc nết, không tôn trọng những gì đã cam kết, hoặc chị mang dấu ấn của những định kiến về tôn giáo ở trong môi trường của chị. Ngài chỉ nói một cách đơn giản: “Chị hãy cho tôi uống nước.”  

Chỉ cần một ít nước và Ngài đã bắt đầu trò chuyện với chị. Ngài đã không nói với cô gái giang hồ đó là một người lang bạt kỳ hồ, tọi lỗi và ô danh. Ngài đã kết luận là chị ta có nhiều may mắn vào nước Thiên Chúa hơn nhiều người bám víu vào của cải vật chất, vào kiến thức học được, vào danh thơm tiếng tốt, nghĩa là vào đức hạnh của họ.  

Đối với Marie-Madeleine, Ngài đã không nói chị ta là người đàn bà ngoại tình say đắm trong tội lỗi của mình. Hoàn toàn không! “Tôi không kết án chị. Chị đừng phạm tôi nữa.” Nghĩa là chị phải cố gắng vươn lên. 

Một phụ nữ khác đến đụng vạt áo của Ngài. Chị ta thật quấy rầy, không chút tế nhị nào. Ngài đã tìm thấy nơi chị ta một con người siêu phàm. Người ta nên bắt chước cử chỉ của chị.  

Còn bà già kia đã bỏ vài đồng xu vào thùng dâng cúng Đền Thờ, sự dâng cúng vô nghĩa của bà đó có phải vô ích không? Không phải đâu! Bà đã dâng cúng nhiều hơn những người giàu có, những người xem ra thích hợp hơn đối với công việc của Đền Thờ.  

Theo chân Chúa Giêsu mà tôi không tiên liệu lúc khởi đầu, do mọi hoàn cảnh đưa đẩy, nên từ năm 1945 một phần lớn đời sống linh mục của tôi đã liên hệ với giới phụ nữ. Làm thế nào để chu toàn mục vụ như thế bên cạnh những nữ sinh viên – thường khi rất trẻ và vài người trong họ xinh đẹp tuyệt vời, thông minh, có nhiều năng khiếu – và về sau nầy, đối với những phụ nữ với mọi trình độ tuổi tác mà tôi phải vượt lên trên tất cả…để giữ vững những lời đoan hứa sống đời thánh hiến trong bậc độc thân?  

Dĩ nhiên, con đường rất dài ở giữa lý tưởng và thực tế, ở giữa hành trình và những bước đi. “Ai trong các ông không phạm tội hãy ném đá trước đi” (Gio 8,7). Cho đến ngày hôm nay, với Chúa Kitô – anh tôi – cùng với nữ giới và qua họ, tôi học được tặng phẩm lớn lao nhất: đó là sự tự do.  

Sự tự do yêu thương. Yêu thương mà không làm sở hữu chủ, yêu thương mà không chiếm đoạt, yêu thương mà không giữ lấy cho mình. “Các con đã nhận lãnh một cách nhưng không, các con hãy ban tặng một cách nhưng không. Không có tình yêu lớn hơn cho bằng ban tặng sự sống mình cho những người mình yêu…” và cũng như thế “không có hạnh phúc nào cho bằng trao ban hơn là nhận lãnh” (Mat 18,8; Gio 15,13; CV 20,35). Thật khó khăn, nhưng có thể làm được. Phải học hỏi mãi!  

Mẹ Giáo hội  

Là linh mục từ bao năm qua và thấm nhuần lòng lân tuất của Chúa, không bao giờ tôi cảm thấy chán nản tuyệt vọng. Tôi luôn yêu thương. Yêu thương tha nhân. Yêu mến điều tôi làm. Nhưng còn Mẹ! Mẹ Giáo hội, Giáo hội hữu hình, Giáo hội qua lịch sử?  

Ở Studendat Ottawa, Mẹ Giáo hội thật dễ thương. Chúng tôi sống trong sự yêu mến Mẹ Giáo hội, hiền thê của Chúa Giêsu, thân thể mầu nhiệm, đại gia đình của những kẻ được chọn. Mẹ Giáo hội vô ngộ, duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.  

Vị sáng lập nên Giáo hội là Chúa Giêsu, được nổi danh vì những phép lạ. Ngài đã chiến thắng ngay cả với cái chết của Ngài. Điều không thể bác khước được là Chúa Kitô có thần tính, là Con Thiên Chúa. Người ta đã tôn sùng Ngài như là vị vua trên hết các vua: Chúa Kitô-Vua!  

Nhưng còn Mẹ! Vâng chính Mẹ! Mẹ Giáo hội điều hành ở trần thế - Tòa Thánh Vatican, Banco Sancto Spiritu – người ta tìm thấy ở nơi Mẹ toàn những điều dạy bảo, luật lệ, tông thư, tông huấn, những tội lỗi được nêu danh trước, những điều cảnh cáo nghiêm khắc. Sau Thánh kinh và Thánh truyền mà chúng tôi đã say mê tổng hợp suốt học trình, lại còn quyền tuyên huấn có tính cách hồi tố mà không bao giờ hết trích dẫn cho đến độ làm lu mờ những Lời Hằng Sống của Chúa Kitô.  

Ecce Ecclesia! Đây là Giáo hội! Chúa Giêsu ở trong thuyền, gió lớn nổi lên, còn Ngài thì ngủ. Ngài có ngủ thật không? Đi vào môi trường đại học vào thập niên 40, trà trộn trong thế giới những giáo sư thông thái và dần dần dấn thân vào thế giới náo động của nghệ sĩ cùng văn nhân được mệnh danh là khuynh tả, tôi đã học hỏi một cách thường khi vụng về những bộ mặt khác nhau của Giáo hội Công giáo La-mã của tôi.  

Sau năm 1960, cơn vũ bão bắt đầu gầm thét: những phụ nữ thông minh đã công khai chống lại những mệnh lệnh do Đức Giáo Hoàng ban ra, những linh mục bạn tôi đã ra đi, dân chúng hoài nghi và trốn chạy Giáo hội. Bị chao đảo bởi một dư luận quần chúng ngày càng bất lợi, Giáo hội của tôi ở tỉnh bang Québec đã im hơi lặng tiếng. 

Nhưng may mắn thay, theo ý kiến của tôi – thật là khó khăn, nếu không muốn nói là nan giải– phân biệt giữa sự hoài nghi của những người nầy và sự không hiểu biết của những người kia. “Đừng kháng cự lại trận cuồng phong, hãy đóng hết mọi cửa ngõ” như câu ngạn ngữ đã nói.  

Phần tôi, tôi cố gắng dung hợp giữa đức tin nhận được và đức tin phải rao giảng. Lương tâm của tôi đã được báo động. Phải nói làm sao với những người ly dị, với những người nam cũng như nữ trong trường hợp nầy không được rước lễ khi họ đi xem lễ, với những nam nữ đồng tính? Phải nói làm sao về những đôi nam nữ sống chung mà không kết hôn, những hôn nhân thử nghiệm, về viên thuốc ngừa thai, về vấn đề phá thai, về sự tự do lựa chọn số con cái sinh ra, về những vụ mang thai bất đắc dĩ? 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đâu? Chúa sẽ nói những gì khi ở vào vị thế của con? Chúa sẽ ứng phó như thế nào? Tôi vừa học hỏi, vừa cầu nguyện. Tôi liên tưởng tới Đức Maria ở thành Nazareth cũng từng bị chao đảo vì những công luận và sự đố kỵ của những thế lực chính trị đương thời.  

Ai đến cứu giúp tôi đây? Hãy đoán xem đi! Không ai khác hơn là chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Sáng suốt, chân thành, đôi mắt linh hoạt, chị đã mời gọi tôi duyệt xét lại mọi biến cố để suy tư chín chắn hơn. “Tôi rõ biết Giáo hội có một quả tim và quả tim đó bừng cháy tình yêu…Tôi rõ biết chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử Giáo hội hoạt động mạnh mẽ…Tôi rõ biết tình yêu ôm ấp hết mọi ơn gọi, tình yêu là tất cả.”  

Bắt đầu từ đó, tôi đâm ra yêu mến Mẹ Giáo hội! Tôi yêu mến Mẹ Giáo hội vì đủ mọi lý do: vì sự trung thành của Mẹ trong việc vạch ra một con đường cho nhân loại đi qua, vì thị kiến toàn diện của Mẹ về nhân sinh và lịch sử, vì ý nghĩa của sự trường tồn cuộc sống Mẹ trên trần gian, vì sự gan lì linh thánh của Mẹ cũng như sự can đảm của Mẹ khi đối diện với những lời đồn đãi của người đời về Mẹ. Người đời sẽ không bao giờ cung kính Mẹ cho dù Mẹ đã không ngừng nghỉ ưu tư về họ. Và Mẹ luôn trường tồn qua không gian và thời gian! Thật là linh thánh!  

Khi đọc lai hiến chế “Lumen gentium” (Anh sáng muôn dân) của Công Đồng Vatican II và sự giải thích rộng lượng của Mẹ Giáo hội, khi đối diện với sự tự do lương tâm, tôi cảm thấy Mẹ tôi càng lúc càng khơi nguồn cảm hứng, được huy động bởi những mãnh lực khác hơn là những sức mạnh mà qua đó Mẹ đã biểu lộ bằng sự mỏng dòn của nhân loại tính ở trong Mẹ.  

Nhân loại tính của Mẹ Giáo hội làm tôi liên tưởng tới Chúa Kitô nghèo hèn, phải trốn lánh sang Ai-Cập, lạc mất ở trong Đền Thờ. Chúa Kitô đó đã rao giảng Tin Mừng và trao ban mạng sống mình cho đến chết đớn đau ở trên thập giá. Xuyên qua những dáng dấp đôi khi xem ra bối rối, mặc dù những vết thương và gãy đổ, Mẹ Giáo hội vẫn đứng vững không thể nào hủy diệt được. Qua Mẹ, Giao Ước được trường tồn, Lời Hứa của Thiên Chúa được thực hiện và Nước Trời được củng cố. Lại một lần nữa con người trở nên con đường đưa đến sự cứu rỗi của Chúa.  

Một cảnh tượng mùa đông ở Bellechasse mà tôi thích hồi tưởng, đã giúp tôi thẩm định những ý kiến về Mẹ Giáo hội yêu dấu của tôi. Khi còn ở nhà, mặc dù thuộc thế hệ thứ ba ở thành phố Sant-Michel, chúng tôi cảm thấy bắt buộc – một sự bắt buộc linh thánh – là phải đi xem lễ Chúa nhật trong sáu mươi phút bằng xe trượt tuyết. Dù bão tuyết với gió lớn và tuyết ngập đầy đường, chúng tôi vẫn đi lễ. Ba tôi đã có những lời nói khiến chúng tôi an tâm: “Hỡi các con, hãy đi! Những mốc tiêu sẽ chỉ đường cho chúng ta.” Và đúng như vậy.  

Những mốc tiêu là những tiêu điểm đã hướng dẫn chúng tôi một cách chắn chắn đi đến ngôi làng có nhà thờ. Không có những mốc tiêu đó, chúng tôi sẽ giống như những khách hành hương không có sơ đồ cho hành trình của mình. Mẹ Giáo hội hướng dẫn hành trình của bạn: bây giờ đến lượt bạn quyết định! Phải chăng Chúa Kitô đã không tự xưng là đường đi, là chân lý, là sự sống sao? “Ai theo tôi không bước đi trong tăm tối” (Gio 8,12).  

Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy  

Thời gian tuyệt đỉnh cảm nhận sự hiện diện sống động của Chúa Kitô, trong sự kết hợp với Đức Thánh Linh được hứa hẹn cho mọi người thành tâm thiện chí, đó là những giây phút sống trước Mình Thánh Chúa. Vào mỗi ngày khi có thể được và điều đó đã xảy ra từ sáu mươi năm qua, chính Ngài, người bạn nghĩa thiết Giêsu của tôi, Con Thiên Chúa, đã đến và xác quyết với tôi một thực tế khá đặc thù bắt đầu từ những lời truyền phép – luôn luôn cũng chỉ những lời đó thôi bởi vì Ngài luôn luôn cũng chính một Đấng Cứu Thế duy nhất – Ngài đến bằng máu và bằng thịt.  

“Hãy làm điều nầy…” Sự sáng thế, trời đất, các thánh, người sống, kẻ chết, các thiên thần…tất cả đều có mặt ở đó. Sự chiến thắng bằng một Lời Nói đã có tác dụng ngay khi vừa được nói ra! Giáo hội van nài. Còn Ngài, kết hợp với Đức Thánh Linh, đang dẫn đưa Giáo hội về cùng với Cha. Thật là mầu nhiệm Đức Tin!  

Ngay từ đầu cuộc sống linh mục của tôi, tôi lo lắng làm sao giữ đúng từng li từng tí những giòng chữ đỏ, làm vừa lòng cộng đoàn, đọc cho đúng những lời đó. Dần dần  - phải có thời gian để trở thành thói quen – tôi nhận ra chân lý của phụng vụ Thánh Thể, cũng như sự điên rồ thánh khiết của Chúa Kitô đang say mến nhân loại nên mới cho chúng ta những buổi gặp gỡ thân tình như vậy.  

Thật là một sự sửa đổi thích hợp do Công Đồng Vatican II mang lại để chấm dứt những thánh lễ riêng tư – những thánh lễ trong những khung thất đóng kín. Bắt đầu từ nay, tất cả cộng đoàn giáo sĩ đều được mời gọi dâng Thánh lễ chung. Chúa Kitô mong muốn tất cả chúng ta – nam cũng như nữ – trở nên một đại gia đình! Nhờ Ngài và với Ngài, nhân loại hiệp thông với nhau. 

Mỗi một lần  

Sự hiện diện thân tình của Chúa Kitô trong cuộc sống tôi không chỉ giới hạn khi cử hành Thánh Thể. “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mat 28, 20)…”Thầy không để anh em mồ côi đâu…Thầy sẽ gởi Đức Thánh Linh tới” (Gio 14, 18; 16, 17).  

Chúa ôi! Chúa đã có mặt ở đó khi có người đói khát, khi có khách lạ trần truồng, khi có người đau yếu, kẻ bị tù tội. Chúa hiện diện trong ly nước lã được trao tặng vì danh Thánh Chúa. Chúa đã ở với chị nữ sinh viên Rwanda với đầu quấn khăn tang tiếp theo sau trận chiến diệt chủng; Chúa đã hiện diện với thiếu nữ si tình bị bỏ rơi với con tim thổn thưc tan nát; Chúa đã có mặt với chàng thanh niên hai mươi tuổi mắc bệnh liệt kháng, ngày đêm van nài mà hoàn toàn thất vọng vì không được đáp trả; Chúa đã ở với một chính tri gia khi xin con ban những nghi thức sau cùng.  

Chúa đã ở với Flora – một người đàn bà 50 tuổi – nằm trên giường bệnh ở trong nhà thương, không đứng ngồi được vì bị chứng bại liệt kinh niên. Bà ta sống hoàn toàn tùy thuộc vào người khác và đã xin con cho rước lễ nhân dịp sinh nhật của bà. Chúa đã ở với Marie-Marthe khi chị ngã vào người con lúc lên cơn động phong. Chúa đã đồng hành với anh Michel khi đi tới đâu thì rao giảng Tin Mừng của Chúa tới đó mà không hề mỏi mệt.  

Chúa đã ở với một giám mục khi lội ngược giòng và đau lòng chứng kiến những sự chao đảo của Giáo hội trong giáo phận ngài vì không được điều hướng tốt đẹp. Chúa đã có mặt với một thiếu nữ câm điếc chỉ biết ú ớ khi giao tiếp, cũng như với chị đan sĩ hằng ngày hát lên những Thánh vịnh tuyệt vời. Chúa có măt khi có người say mến lắng nghe Lời Chúa… 

Chúa đã hiện diện với bào thai khi còn ở trong bụng mẹ; Chúa cũng có mặt khi em bé được sinh ra. Con nói như thế khi nghĩ tới một con số gần như không thể tính toán được về những bí tích Thánh Tẩy mà con đã ban phát từ năm 1941. Trong mọi trường hợp, sự sinh hạ một em bé là dấu hiệu không thể bác khước về sự hiện diện linh thánh của Chúa. Xuyên qua những lễ nhạc cần thiết khi em bé đó chào đời, qua cha mẹ của em, đã thể hiện sự dịu dàng của Thiên Chúa là Cha của hết mọi người cha, là Mẹ của hết mọi người mẹ. Chúa ở đó, luôn luôn ở đó…  

Những chiếc bình sành mỏng dòn  

Hoàn cảnh linh mục không phải nhàn rỗi. Đó là một hoàn cảnh khó khăn nếu không muốn nói là hoàn toàn bất lực khi trở nên vị đại diện của Chúa Kitô, vì linh mục phải luôn luôn sống đời thiện hảo và xứng đáng, luôn luôn thành thật, xác hồn phải được thanh luyện, sống ở mức độ cân bằng với lý tưởng, phải trở nên hoàn thiện nhất và phải giữ gìn mỗi khi đi đứng nằm ngồi.  

Vào lúc mười giờ sớm mai, một phụ nữ bị hành hung réo gọi. Mười hai giờ trưa lại một cú điện thoại khác của một người đàn ông uống thuốc quá liều; lúc bốn giờ chiều, phải làm phép cưới. Ngoài ra phải ban những nghi thức sau cùng vào bất cứ giờ giấc nào. Khi dâng Thánh lễ chôn cất cho một người thân – cha mẹ hay anh chị em…làm sao linh mục có thể ngăn nỗi những xúc động mà không khóc với người khóc?

Điều tế nhị nhất là bí tích hòa giải mà xưa kia gọi là xưng tội và ngày nay gọi là bí tích tha thứ. “Tôi cáo mình cùng Thiên Chúa…và cùng cha…”. Tôi không quen với công thức đó bao giờ. Có phải do sự ngại ngùng có tính cách trẻ con được kế thừa từ mẹ tôi hay mặc cảm tội lỗi của người trưởng thành với hành trang vào đời mang nặng tính chất trí thức: do quyền lực nào mà tôi có thể trao tặng sự tha thứ của Chúa cho một người thường khi sống tốt lành hơn tôi? “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lành chính ngươi đi.”  

Mấy tháng trước khi qua đời vào ngày 13 tháng 9 năm 1969, ba tôi tới trước mặt tôi để xưng tội. Có phải ba tôi đã xem tôi như Thiên Chúa sao? Tôi run sợ. Tôi muốn độn thổ. Cuối cùng tôi hiểu rằng Chúa Kitô đã cho phép tôi…nhưng chao ôi, tôi không yêu thích chút nào. Có thể nói được rằng “kho tàng châu báu (tức cuộc sống chúng ta) được chứa đựng trong những chiếc bình sành” (Gióp 10.9), “…để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7).  

Chúa ở đó  

Trong thời gian và cùng với thời gian đang trôi qua mau, tôi luôn lặp lại lời nguyện tuyệt vời xưa kia thường hay hát vào giờ kinh tối: “Chúa ôi! Con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha.” Đúng thế! Con trao phó hết mọi giấc mơ của cuộc sống, tất cả những thân tình mà con cầu mong được truờng tồn. Lòng lân tuất của Chúa vượt lên trên những sự kết án. Từ đó và mặc dù những sự mỏng dòn của con, khi màn đêm buông xuống và những nổi lo âu của con biến mất, con tin chắc Chúa đang có đó, luôn luôn có đó (Luc 24, 29). Con tin tưởng tình yêu mạnh mẽ hơn sự chết.  

Đấng đã muốn tôi sinh ra và sống lâu dài đã có những kế hoạch phi thường cho tôi. “Nếu Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ngài cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới…Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bên đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta…Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống…hiện tại hay tương lai…không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Roma 8, 11.31.38-39).  

Tin tưởng mãi! Tin tưởng luôn!  

Chúa ôi! Con muốn được diện kiến Ngài. Con nương tựa vào Ngài, Người anh cả Giêsu của con…Khi con sẽ diện kiến Ngài, con biết rằng Mẹ Maria không ở xa đâu. Con tin tưởng mãi! Con tin tưởng luôn! Nơi nào tội lỗi tràn trề thì nơi đó lòng lân tuất của Chúa dẫy đầy. Con thường nhẩm đi nhẩm lại Lời của Chúa trong dụ ngôn người con hoang đàng, kiệt tác phẩm về lòng lân mẫn của Chúa Cha…Con nghĩ tới người trộm lành, người mục tử nhân hậu chạy theo sau con chiên lạc mất, người Samaritanô nhân lành.  

Con không bao giờ có thể chấm dứt việc truy tầm sự hiện diện linh thánh của Chúa, sự dịu dàng và tình yêu thương của Chúa. Con luôn cảm thấy sợ sệt, nhưng con đặt niềm hy vọng nơi Chúa. “Linh hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” (TV 130, 6).

Trong lúc chờ đợi, xin cho con được cầu nguyện, được mong đợi Chúa theo cách thức của chị nữ tu Đa-Minh Catherine de Sienne, theo cung cách những nữ đan sĩ của chị Thánh Têrêxa thành Lisieux và chị Elizabeth của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mong một ngày kia, cùng với Chúa, với Chúa Cha và với Đức Thánh Linh, chúng con sẽ được sum họp để ca hát luôn mãi một ca khúc Alléluia muôn thuở, trong sự vô biên thăm thẳm mà ở đó con sẽ tan chìm trong đại dương bao la của Tình Ai!  

 

Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!