Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà Văn Hương Vĩnh
Bài Viết Của
Nhà Văn Hương Vĩnh
HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
LỄ HIỆN XUỐNG
LỄ THĂNG THIÊN
CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC
NHỮNG NGƯỜI XA LẠ
THANH LIÊM TRÍ THỨC
RỬA CHÂN
MỘT CÕI ĐI VỀ
NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ
HÀNH TRÌNH CUỐI ĐỜI
TUỔI GIÀ
ƠN GỌI CỦA SONG THÂN NỮ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
NGHỊCH TỬ VÀ HIẾU TỬ
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
NGƯỜI MẸ GIO LINH
TÌNH MẪU TỬ VÀ PHỤ TỬ
VỢ HIỀN
VIỄN KIẾN
BÌNH TĨNH VÀ THÔNG CẢM
SỰ THÀNH THẬT
ẢNH HƯỞNG MÔI TRUỜNG TRÊN ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
GIA ĐÌNH LÀ GÌ?
TÓM LƯỢC PHÚC TRÌNH CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI THỨ XIV VỀ GIA ĐÌNH
BÀI GIẢNG CỦA ĐTC KẾT THÚC ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII TẠI PHILADELPHIA
LỊCH TRÌNH ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015 - TẠI PHILADELPHIA - USA
ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015
XUÂN GIA ĐÌNH
ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA
SAU BỐN THẬP NIÊN
TUYÊN NGÔN CỦA HÀN LÂM VIỆN CÔNG GIÁO PHÁP - “MỐI LIÊN HỆ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH, CHA MẸ, CON CÁI”
SAU BA THẬP NIÊN
AI LÊN NÚI CHÚA
ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! - “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (TỰ THUẬT CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II)
CÁI CHẾT LÀM RUNG CHUYỂN ĐỊA CẦU
NẮNG CHIỀU
Tác phẩm Đồng Hành Với Chúa - Bài suy niệm 25
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
XUÂN NẦY CON KHÔNG VỀ!
TÂM TÌNH CẢM TẠ
SAU BA THẬP NIÊN
ĐÊM BA MƯƠI TẾT

 

 Thấm thoát đã ba thập niên (1975-2005). Với những người tị nạn đầu tiên đặt chân lên một đất nước tạm dung – tiếp theo sau biến cố 30-4-1975 – Đêm Giao Thừa 2005 nầy là “Đêm Ba Mươi Tết thứ ba mươi” ở hải ngoại.

 

Ý nghĩa Đêm Ba Mươi

 

Đêm Ba Mươi là đêm quan trọng nhất vì là thời gian giao lưu giữa năm cũ và năm mới. Đó là đêm ba mươi tháng Chạp (hay củ mật), cũng còn gọi là đêm ba mươi Tết. Sở dĩ gọi là “củ mật” vì vào thời gian gần Tết, thường xảy ra nạn trộm cướp nên mọi nhà đều phải phòng bị hết sức cẩn mật.

 Đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung Việt-Nam, vào Đêm Ba Mươi Têt, trời tối như mực, có khi hai người đi cạnh nhau mà không nhìn thấy nhau. Vì vậy tục ngữ có câu “Tối như đêm ba mươi Tết”.

 

Xưa kia, Đêm Ba Mươi Tết cũng còn là lúc trốn nợ cuối năm. Thông thường chủ nợ cố đòi cho được nợ vào dịp đó. Người ta “kiêng” bị đòi nợ cuối năm vì sợ rơi vào tình cảnh bị nợ đòi suốt năm. Bởi vậy người mắc nợ phải trốn nợ cho tới khi gần giao thừa mới dám trở về nhà… Chính tục lệ đòi nợ cuối năm mà người ta thường nói “giàu có ba mươi Tết mới hay!”

Ngoài ra, cũng theo tục lệ từ trước đến nay, Đêm Ba Mươi Tết là đêm quan trọng không kém ngày đầu năm. Ngay từ chiều ba mươi, người ta đã làm “cơm cúng” gia tiên. Và tối ba mươi là “đêm không ngủ” để chuẩn bị đón mừng Tổ Tiên về ăn Tết cùng đón giao thừa – tức tiễn năm cũ và mừng năm mới.

Người Việt-Nam rất có tình có nghĩa. Với năm cũ sắp hết, cho dù phải trải qua nhiều rủi ro bất hạnh hoặc làm ăn phát đạt hanh thông, mọi người vẫn tiễn đưa năm cũ với tấm lòng biết ơn vì được Đất Trời cho hưởng lộc sống trọn vẹn năm qua.

Ba mươi “Đêm Ba Mươi” ở hải ngoại

Vào những năm đầu tiên khi mới định cư ở Bắc Mỹ, nỗi buồn Đêm Ba Mươi thật thấm thía! Vùng Bắc Mỹ là nơi mùa đông giá buốt kéo dài bốn năm tháng khiến nỗi cô đơn càng sâu đậm hơn.

“Ai có về bên kia đất nước,

Thở dùm tôi hơi ấm quê hương.

Tôi, con én lạc mùa xuân trước,

Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương.

……

Lòng tôi cũng bạc theo màu áo

Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi

Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống

Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.” 

“Xuân Đất Khách” – Trần Trung Đạo.

Thay vì tiếng pháo giao thừa nổ ran như khi còn ở quê nhà, một làn tuyết trắng xóa bao trùm cảnh vật, đượm màu thê lương. Không còn cảnh tượng tấp nập đến chùa lễ bái và hái lộc đầu xuân hay đi nhà thờ dự lễ giao thừa để được sự chúc phúc của Chúa cho suốt cả năm.  Không còn thấy bày ra giữa sân những mâm hoa quả tốt tươi với những nén hương phảng phất quyện lên không trung trong giây phút linh thiêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới!

Ai nấy ngồi thức giấc cô đơn trong căn phòng vắng lặng để sống lại trong ký ức những đêm giao thừa đã đi vào dĩ vãng ở một không gian và thời gian khác:

“Một tiếng pháo phương nào chợt nổ,

Pháo quê người phá vỡ không gian;

Giao thừa nầy mẹ có được an,

Hay lại khóc thương con biệt xứ!

 

Xoong bánh lớn nấu bầu tâm sự,

Mâm xôi vò xéo nát tim con,

Đĩa chè kho sau Tết hãy còn

Như vẫn đợi ngày con trở lại!

 

Mâm ngủ quả tay cha vừa hái,

Sắc mùa xuân đượm lại hồn quê,

Vòng hương thơm cháy tỉ cháy tê,

Cứ âm ỉ thui lòng lữ khách!

 

Con tự khép hồn trong trang sách…

Tiếng giã giò như phách tâm can,

Mùi dưa hành thấu ruột xuyên gan,

Cây đào thể cong mình vẩy gọi.

 

Đầu xuân mới ngàn lời muốn nói,

Pháo nhà ai vọng lại đằng xa;

Hai hàng mi thấm lệ nhạt nhòa

Trời tuyết trắng hoa tàn cơn mộng!”

“Xuân Xứ Lạ” – Phạm Văn Hà.

Mặc dù xuân đến và xuân đi nhiều lần ở nơi phương xa, nhưng không khí mùa xuân không bao giờ trở lại. Mồng Một Tet cũng chỉ là một ngày trong chuỗi ngày dài của cuộc đời thường. Dần dà ai nấy cũng thích ứng với cuộc sống mới, không chút bận tâm với việc “xuân về”, “xuân đến” hay “xuân đi”…

“Ngoài kia xuân đã về rồi

Một mình gác vắng bồi hồi nhớ quê

Chiều ba mươi Tết lê thê

Nỗi buồn cô lữ càng tê tái lòng.”

“Xuân Về Cứ Ngỡ Xa Xôi” – Bảo Cường.

Từ đầu thập niên 1980 trở đi – dòng người vượt biên khá đông. Không khí Tết bắt đầu hồi sinh. Chùa chiền cũng như nhà thờ bắt đầu tổ chức lễ lạt để đón xuân trong đêm Giao Thừa và những ngày đầu năm…

Khởi từ thập niên 1990, việc đón xuân của Việt kiều ở hải ngoại có phần trang trọng hơn, với những khóa lễ đông người tham dự để mừng xuân mới. Những hội chợ Tết được tổ chức rầm rộ, với những quán xá đủ loại cùng những chương trình văn nghệ giúp vui…

“Tặng ai một nhánh mai vàng

Một tràng pháo đỏ trong đêm giao thừa

Rộn ràng như tiếng hoan ca

Như tình ai đó đậm đà thương yêu.” Trích thơ Hoàng Mai.

 

Đêm Giao Thừa thứ ba mươi

Đêm Giao Thừa năm nay – năm At Dậu 2005 – là Đêm Giao Thừa thứ ba mươi ở vùng Bắc Mỹ. Trời đêm nay khô tạnh và không có mưa rơi hay tuyết đổ nên về đêm ít lạnh lẽo hơn. Không khí đón xuân dĩ nhiên không tưng bừng náo nhiệt như ở quê nhà. Không có tiếng pháo giao thừa nổ ran, không có cảnh người người tấp nập đi thưởng xuân như trẩy hội. Vắng cảnh từng đoàn nam thanh nữ tú đèo nhau trên các xe gắn máy chạy khắp phố phường để du xuân…

Thánh lễ Giao Thừa bắt đầu sớm hơn, từ lúc bảy giờ tối. Nhà thờ chật ních những người – người lớn cũng như trẻ em. Mọi người tham dự thánh lễ sốt sắng để cảm tạ Chúa Xuân vì những Hồng An đã nhạn lãnh trong năm vừa qua và cầu xin những Ơn Phúc cho năm mới đang tới. Thánh lễ đêm nay xem ra trang trọng khác thường, bắt đầu với ba hồi chiên trống, tiếp theo sau là nghi thức niẹm hương trước bàn thờ tổ tiên và các Thánh Tử Đạo Việt-Nam.

Cuối lễ mỗi người nhận được một lộc xuân do linh mục chủ lễ trao tặng, trong đó gói ghém một câu Thánh kinh để hướng dẫn cuộc sống Kitô hữu suốt năm At Dậu nầy. Trong “năm sống mầu nhiệm Thánh Thể”, những câu Phúc Am tương tự như câu sau đây đã được trao tặng như phúc lộc đầu xuân: “AI ĂN THỊT TÔI VÀ UỐNG MÁU TÔI THÌ Ở LẠI TRONG TÔI, VÀ TÔI Ở LẠI TRONG NGƯỜI ẤY.” (Ga 6,56). Chính đó là bí quyết của hành trình đức tin đối với Kitô hữu: Đức Kitô ở trong chúng ta là Anh Sáng đích thực để xua đuổi mọi bóng tối đang vây phủ chúng ta.

Những ngày đầu xuân năm nay cũng là cơ hội hiếm có để nhiều người gặp gỡ nhau ở chốn tôn nghiêm hay tại những hội chợ Tết. Một hiện tượng rất đáng chú ý là thế hệ trẻ đông đảo đang lớn lên trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Họ là những trẻ em đến từ VN trước kia hay sinh đẻ ở hải ngoại từ hai ba mươi năm về trước. Giờ đây họ đã trưởng thành và phần đông đã thành lập gia thất, có người đang “tay bồng tay mang”.

Những em bé nhỏ tuổi chiếm gần một phần ba số người tham dự những cuộc họp mặt đông đảo đó. Thật là một niềm vui lớn lao nhưng cũng là điều lo âu đối với giới phụ huynh. Tương lai đang chờ đợi các em như thế nào?

Hiện tại rất nhiều cha mẹ vui mừng thấy con cái đỗ đạt thành tài, nhưng cũng không thiếu những phụ huynh đang khóc thầm vì sự đổ vỡ của gia đình, con cái hư hỏng, trở thành bụi đời, xa rời tổ ấm gia đình đi vào con đường xì ke ma túy hoặc gia nhập băng đảng…

Đối với người lớn, đứng trước thực tế đau lòng đó, thay vì hợp lực tìm kiếm giải pháp để cứu vản tình trạng băng hoại nầy thì, với tinh thần cố hữu, họ vẫn ưa thích đàm tiếu chỉ trích lẫn nhau. Tàu đang bị đắm, ai nấy không lo chống chỏi, trái lại chỉ biết đố kị hận thù lẫn nhau vì những cái nhỏ nhen.

Hiện nay, một số thanh thiếu niên đang ân hận vì các bậc phụ huynh trước kia đã không hướng dẫn nên giờ đây họ phải chuốc lấy những sự đổ vỡ trong cuộc sống đa tạp nầy. Xin các vị cao niên nên lắng nghe những lời oán thán trầm thống đó!

Những tin tức đón xuân tại quê nhà

Trong dịp đầu năm At Dậu 2005, một vài hình ảnh đón xuân từng bừng tại quê nhà được gởi cho đồng bào hải ngoại. Thật là niềm vui lớn lao thấy đất nước được hưởng một cái xuân thanh bình khi sự phồn thịnh bắt đầu trở lại, trái với những cái xuân lầm than trong quá khứ.

Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp đẽ đó, người ta không khỏi hình dung những cảnh đón xuân âm thầm đang diễn ra trong hang cùng ngõ hẻm của đông đảo quần chúng kém may mắn hơn. Cảnh tượng đón xuân bẽ bàng nầy đã tác động tâm hồn một thi nhân khiến thốt lên lời kinh thành khẩn sau đây:

“Lạy Chúa,

Con được no nê mà vẫn thiếu ăn,

Vì bên con còn người đói lả.

Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,

Vì bên con còn có người đang khát.

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,

Vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,

Vì bên con còn có người mù tối.

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,

Vì bên con còn có người trần trụi.

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,

Vì bên con còn bao người thiếu thốn.”

Lời kinh “VÌ BÊN CON CÒN” của Myrtle Householder,  trong sách “Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ”

Cảnh tượng đón xuân nầy gợi lại hình ảnh những lần xuân đến trước kia, khi chiến tranh còn diễn biến trên mảnh đất quê hương. Vẽ lên trên nền trời u tối Đêm Ba Mươi là bóng dáng anh lính chiến buồn bã ôm súng ở trong vọng gác đêm xuân, đang nhớ tới người vợ hiền và con thơ nheo nhóc ở miền thôn dã, trong khi tiếng pháo giao thừa vọng về từ nơi xa xôi. Những tâm tư đau buồn đó được ghi lại qua những vần thơ xé nát tâm can của một thi sĩ cận đại:

“Hôm nay hết một năm

Phải gác tới giao thừa

Quê hương chừng rét lắm,

Lất phất mấy hàng mưa.

……

Đêm ba mươi gió thổi

Tôi lại nhớ con tôi

Vợ đói con cùng đói

Khóc thét lặng từng hồi

Mẹ thì nhiều nước mắt hơn sữa

Ngực lép con nhai đã rã rời.

……

Đêm giao thừa đứng gác

Rên rỉ tiếng côn trùng

Tưởng chừng nghe vợ hát

Lời ru êm như bông.”

Cũng trong Đêm Giao Thừa năm nay một vài mẩu tin dưới đây nhận được từ quê nhà đã phần nào minh họa bức tranh đau thương của xã hội Việt-Nam hiện nay.

Trước Tất At Dậu, tại Trung Tâm Mai Hòa – nơi nuôi dưỡng những bệnh nhân Aids ở giai đoạn chót – những bệnh nhân cũ cách đây một năm đã ra đi gần hết. Trong số đó, một em đã cắt mạch máu ở cổ tay để tự tử. Có em giận nhau cầm dao đâm chém… Dù thế, tại Trung Tâm Mai Hòa hiện nay bệnh nhân đông hơn, độ ba mươi người! Một thảm cảnh xã hội ngày càng trầm trọng thay vì thuyên giảm.

Tại Trung Tâm Cai Nghiện ở Cần Giờ, một người cha vào thăm đứa con ở đây vào dịp đầu xuân. Thay vì vui mầng thấy cha vào thăm lại hất hàm gàn giọng hỏi: “Giờ nầy còn vô thăm làm gì nữa?” Tuy miệng nói như thế, tay đứa con vẫn cầm lấy ngay cái bánh bao nhai ngấu nghiến, chẳng hỏi han cha già điều gì.

Tại Long Khánh, một người con trai đi truyền giáo ở đảo Maurice, để lại mẹ già sống đơn côi. Tuy đã gần bảy mươi, bà vẫn còn phải đi phụ bán thịt heo với con dâu để kiếm sống!

Đón xuân tại Trung Tâm Trọng Điểm Cai Nghiện Ma Túy Bình Phước

Tu sĩ K. – dòng Phan-xi-cô – đã ghi lại kỷ niệm trải qua một tuần lễ đón xuân At Dậu với Nhóm 22 nam nữ tu sĩ, trong đó có hai thầy thuộc dòng Phan-xi-cô. Nhóm nầy đang phục vụ bẹnh nhân Aids tại Trung Tâm Trọng Điểm Cai Nghiệm Ma Túy tại tỉnh Bình Phước. Những người nghiện ngập ma túy đó phần đông rất trẻ từ 18 đến 25 tuổi và một số lớn nhiễm bệnh HIV-Aids. Hiện có khoảng 2300 thanh niên đang cai nghiện, trong số đó khoảng 75% đã nhiễm HIV. Số người đã phát bệnh Aids khoảng 60 người, được các nam nữ tu sĩ cùng một bác sĩ Công giáo chăm sóc.

Các nam nữ tu sĩ phục vụ rất tận tụy, nhất là an ủi tinh thần và chuẩn bị cho họ chấp nhận cái chết một cách thanh thản. Chính quyền cho phép các linh mục tu sĩ dạy giáo lý và dâng Thánh lễ tại Trung Tâm Trọng Điểm Cai Nghiện Ma Túy nầy một cách thoải mái, không bị hạn chế. Trong tám tháng qua, các nam nữ tu sĩ đã dạy giáo lý cùng rửa tội cho 59 người. Sáng chủ nhật – mồng 5 Tết – chính tu sĩ K. đã rửa tội 5 người rồi xức dầu cho họ để về chết tại Thủ Đức, cách Bình Phước 200 cây số, vì Trung Tâm Trọng Điểm nầy chưa phải là bệnh viện nên các bệnh nhân không được phép chết tại đó.

Thầy H. – một tu sĩ dòng Phan-xi-cô – là y sĩ kiêm nha sĩ. Trong hai tháng vừa qua, thầy đã nhổ răng cho hơn 200 thanh niên nhiễm HIV. Người nghiện ma túy luôn bị hư răng! Tuy thầy đã thận trọng hết sức nhưng vẫn xảy ra một tai nạn nghề nghiệp. Vì răng bệnh nhân hơi cứng, thầy nạy mạnh  tay nên dụng cụ làm răng đã đâm vào ngón tay của thầy. Thầy bị chảy máu! Thầy phải đi xét nghiệm và uống thuốc chống lại HIV. Nhưng kết quả ra sao thì chỉ Chúa biết! Thầy phải đợi một thời gian nữa các bác sĩ mới cho biết kết quả là thầy có bị nhiễm HIV hay không.

Thầy rất hiền lành, tận tụy và được các nhân viên y tế, nhất là các bệnh nhân, thương mến và kính trọng. Cũng đã có một nữ tu và một tu sĩ khác bị kim đâm vào ngón tay khi tiêm thuốc cho bệnh nhân Aids! Tại thành phố Saigon đã có khoảng 400 nhân viên y tế bị tai nạn nghề nghiệp như vậy!

Tu sĩ K. đã cảm tạ Chúa cho được “ăn Tết At Dậu” với Nhóm nam nữ tu sĩ dũng cảm nầy. Nhóm mang danh xưng là Cộng Đoàn MAI-LINH – kết hợp bởi hai chữ “MARIA của Chúa Thánh LINH”. Nhóm rất đoàn kết, yêu thương nhau và tận tình thương yêu phục vụ bệnh nhân. Họ cưu mang tinh thần của Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta, của Thánh Đa-Miên tông đồ người cùi tại đảo Moloka và của Đức Cha Jean Cassaigne tại làng phong Di-Linh.

Lời cầu chúc trong “Đêm Ba Mươi Tết”

Một linh mục chuyên lo phục vụ người nghèo, những bệnh nhân phong và liệt kháng ở Saigon đã gởi điện thư chúc mầng một người bạn ở hải ngoại với những lời lẽ như sau, trước giờ phút Giao Thừa: “QUA NĂM ẤT DẬU CHÚC ĐƯỢC TRÀN ĐẦY ÂN NGHĨA CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ!”

Đó là lời cầu chúc có ý nghĩa nhất! An Tình của Chúa Giêsu Kitô làm cho con người đối xử với con người đậm đà thắm thiết hơn. An Nghĩa của Chúa Giêsu Kitô đánh tan bóng tối của Đêm Ba Mươi – đêm trừ tịch – một đêm mang lại nắng ấm chan hòa của tình thương thay vì hận thù chất chứa, đố kị lẫn nhau. An Tình Ân Nghĩa của Chúa Giêsu Kitô mang lại niềm hoan lạc nội tâm để chịu đựng những thử thách cam go do cuộc sống hằng ngày mang lại…

Trong Đêm Giao Thừa và Đầu Năm Mới, người ta thường chúc nhau mọi điều tốt đẹp nhất. Xin trân trọng gởi tới mỗi người những lời cầu chúc đầy ý nghĩa sau đây theo tinh thần kinh “Lạy Cha” cho suốt năm At Dậu nầy:

“Xin chúc nhau

Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn Bạn được ngọt ngào

Vừa đủ THỬ THÁCH để giữ cho Bạn luôn kiên cường

Vừa đủ MUỘN PHIỀN để giữ cho Bạn thật sự là người

Vừa đủ HY VỌNG để cho Bạn được hạnh phúc

Vừa đủ THẤT BẠI để giữ Bạn mãi khiêm nhường

Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ Bạn mãi nhiệt tâm

Vừa đủ BẠN BÈ để cho Bạn được luôn an ủi

Vừa đủ VẬT CHẤT dể đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của Bạn

Vừa đủ NHIỆT TÌNH để Bạn co thể chờ đợi trong hân hoan

Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan nơi Bạn những chán nản ngã lòng

Vừa đủ QUẢ QUYẾT để mỗi ngày của đời Bạn sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm trước

Và vừa đủ TÌNH YÊU để Bạn có thể thực hiện tất cả những điều nầy…”

Xin tìm đến bên nhau để chúc nhau những lời thân tình trong dịp đầu xuân, khi còn gặp mặt nhau trên cõi đời nầy. Sống là sống với, trong giây phút hiện tại và ở nơi đây. Xin chia sẻ lời nhắn nhủ dưới đây của một người bạn gởi cho một người bạn, nhân dịp đầu năm At Dậu:

“Hãy tìm đến nhau thăm hỏi,

Khi mắt chưa mờ,

Lúc chân chưa mỏi,

Đầu óc chưa lẩn.

Hãy gặp nhau thêm một lần,

Đâu còn có trăm năm mà chờ,

Liệu ai có kiếp sau mà đợi.”

Nhà Văn Hương Vĩnh

Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!