Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà Văn Hương Vĩnh
Bài Viết Của
Nhà Văn Hương Vĩnh
HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
LỄ HIỆN XUỐNG
LỄ THĂNG THIÊN
CHÚA LÀM GÌ Ở HỎA NGỤC
NHỮNG NGƯỜI XA LẠ
THANH LIÊM TRÍ THỨC
RỬA CHÂN
MỘT CÕI ĐI VỀ
NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ
HÀNH TRÌNH CUỐI ĐỜI
TUỔI GIÀ
ƠN GỌI CỦA SONG THÂN NỮ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
NGHỊCH TỬ VÀ HIẾU TỬ
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
NGƯỜI MẸ GIO LINH
TÌNH MẪU TỬ VÀ PHỤ TỬ
VỢ HIỀN
VIỄN KIẾN
BÌNH TĨNH VÀ THÔNG CẢM
SỰ THÀNH THẬT
ẢNH HƯỞNG MÔI TRUỜNG TRÊN ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
GIA ĐÌNH LÀ GÌ?
TÓM LƯỢC PHÚC TRÌNH CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI THỨ XIV VỀ GIA ĐÌNH
BÀI GIẢNG CỦA ĐTC KẾT THÚC ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII TẠI PHILADELPHIA
LỊCH TRÌNH ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015 - TẠI PHILADELPHIA - USA
ĐẠI HỘI THẾ GIỚI CÁC GIA ĐÌNH LẦN THỨ VIII - 2015
XUÂN GIA ĐÌNH
ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA
SAU BỐN THẬP NIÊN
TUYÊN NGÔN CỦA HÀN LÂM VIỆN CÔNG GIÁO PHÁP - “MỐI LIÊN HỆ HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH, CHA MẸ, CON CÁI”
SAU BA THẬP NIÊN
AI LÊN NÚI CHÚA
ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! - “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (TỰ THUẬT CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II)
CÁI CHẾT LÀM RUNG CHUYỂN ĐỊA CẦU
NẮNG CHIỀU
Tác phẩm Đồng Hành Với Chúa - Bài suy niệm 25
NGƯỜI CHA ÂN TÌNH
XUÂN NẦY CON KHÔNG VỀ!
TÂM TÌNH CẢM TẠ
SAU BA THẬP NIÊN
CHỨNG NHÂN GIỮA GIÒNG ĐỜI III.- CHỊ NATHALIE BEAUDET

 

ĐỜI THƯỜNG  

Chị Nathalie Beaudet có văn bằng cử nhân vi trùng học và cao học về giải phẩu thần kinh của Đại Học McGill, cùng với văn bằng y khoa bác sĩ của Đại Học Montréal. Ngoài ra chị còn học thêm khoa tâm thần học ở Paris. Từ năm 1981, chị hành nghề trong môi trường bệnh viện.

 Chị chơi đàn piano, vẽ tranh, làm vườn và phục chế những đồ đạc người dân Québec. Nhưng đăm mê thứ nhất của chị là chia sẻ niềm tin qua những cuộc hội thảo và viết lách. Năm 2001, chị xuất bản quyển sách đầu tiên “Dieu, le meilleur psychiatre” (Thiên Chúa là vị bác sĩ tâm thần hay nhất). Trong quyển sách đó, chị chứng minh Đức Tin có thể sống chung hài hòa với lý trí và những kiến thức khoa học.

CUỘC HẠNH NGỘ THIÊN CHÚA CỦA MỘT NHÀ TRÍ THỨC VÔ THẦN

Vào một buổi trưa tháng 05 năm 1989, tôi đã gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên vào thời kỳ đó, tôi là người vô thần một trăm phần trăm. Một cách chắc chắn và hơi gàn dở một tí, tôi khéo che đậy niềm khinh bỉ mà bấy lâu nay tôi ấp ủ trong lòng đối với những ai tin tưởng vào một vị thần linh và một cuộc sống bên kia thế giới.

 Những điều nghịch lý

Nhiều hoàn cảnh đưa đẩy tôi tới thái độ đó. Trước hết, mẹ tôi – một người đàn bà có nề nếp luân thường đạo lý vào bậc nhất mà tôi biết được – đã lớn lên dưới các chế độ Lénine và Staline. Tôn giáo đối với mẹ tôi được coi như là một thứ “nha phiến của nhân dân”. Còn cha tôi – quê ở miền Tây Ukraine – thường lui tới Giáo hội Công giáo “theo kiểu người Ba-Lan”. Lúc bấy giờ Giáo hội Công giáo trở nên nơi nương tựa có tính cách văn hóa và mang nặng tinh thần ái quốc đối với dân chúng đang sống trong một đất nước bị người Nga áp chế. Người ta đi lễ để chứng tỏ mình là người dân Ukraine.

Khi còn tấm bé, trong lúc học giáo lý, tôi cảm thấy trào dâng lên trong con người tôi một tình cảm phẫn nộ đối với Thiên Chúa mà khởi đầu là việc Ngài bắt tôi phải thờ phượng Ngài, nhất là vì Ngài đã sai Con Một duy nhất của Ngài chết trên thánh giá để chuộc tội cho tôi. Tôi là kẻ tội lỗi ư? Tôi trở nên tội lỗi như thế nào? Tôi là “con ngươi” trong đôi mắt của cha mẹ tôi, là nguồn hạnh phúc và niềm kiêu ảnh của song thân tôi.

Trong gia đình tôi, sự yêu thương, niềm lạc quan yêu đời, sự say mê âm nhạc…đã tương phản với lối sống khắc kỷ, sự ưa chuộng đau khổ để đền bồi tội lỗi và nền luân lý khắt khe mà các nữ tu đã dạy dỗ tôi. Họ ra sức dập tắt mọi cá tính nơi đám môn sinh của họ.

Ngay khi còn thơ ấu, tôi nhận thấy ở trong xã hội người ta luôn giữ thinh lặng khi có vấn đề liên hệ đến Đức Tin. Tín hữu không thảo luân với nhau về vấn đề Đức Tin bao giờ và nhất là không khi nào đặt ra những câu hỏi liên hệ đến Đức Tin. Tôi đi đến kết luận là niềm tin của họ thật khó biện hộ.

Vả lại, sự bất tử của linh hồn xem ra không chút ảnh hưởng trên cuộc đời thường của họ và họ không khác biệt gì với những người vô tín ngưỡng. Đức Tin của họ ở nơi Thiên Chúa cũng hời hợt như niềm tin của tôi đối với Ông Già Noel vậy.

Cái vỏ trí thức

Rồi thì, qua những công thức toán học khá vững chắc đã được ghi khắc sâu đậm trong đầu óc tôi khi ở đại học, tôi đã học được những lý thuyết về sự tiến hóa, sự ngẫu nhiên, sự đột biến và những năng lực chọn lọc tự nhiên. Khoa thiên văn học đã quả quyết có ít nhất một tỉ hành tinh trong thiên hà chúng ta. Tất cả đều bị chi phối bởi những định luật vật lý như quả đất chúng ta đang ở và do đó, có thể có người sinh sống ở nơi nào đó.

Sau cùng, khi học về bộ môn tâm thần, tôi biết chắc chắn con người, vì không thể chấp nhận sự hữu hạn của chính mình nên đã dựng nên một cơ chế phòng vệ có tính cách sơ đẳng: sự chối từ chấp nhận cái chết. Con người đã bịa ra một vị thần linh và một cuộc sống bên kia thế giới.

Tôi cần phải nhấn mạnh điểm nầy là vấn đề luân lý khó mà loại trừ khỏi sơ đồ suy tư của tôi đối với thế giới được. Ngược lại, tôi hiểu rõ rằng con người, khi thâu thập được một ý thức hệ nào đó về chính mình thì muốn sống trong một thế giới có trật tự và hài hòa, hơn là bị chi phối bởi những luật lệ rừng rú.

Qua nhiều năm tháng, tôi đã sống an lạc như vậy bằng sự hỗ trợ của tuệ năng và lý trí. Tôi đã có một cuộc sống êm đềm, được cai quản bởi vị thần linh lý trí và phong phú hóa bởi những kinh nghiệm của kiếp nhân sinh.

Cho tới ngày đó

Tôi rất ngại ngùng khi mô tả lại cuộc hạnh ngộ đó. Trước hết, tôi sợ bị người đời coi tôi là kẻ điên khùng hay ít nhất, là một người được giác ngộ dễ thương. Tôi đã từng nói: “Sự điên rồ hay lây lan và đó là điều bất trắc mà người ta có thể gặp phải khi miệt mài hành nghề bác sĩ tâm thần.” Thêm vào đó, tôi cảm thấy khó chịu khi phải chia sẻ một điều hoàn toàn kín nhiệm như thế và lo ngại có thể gieo vào tâm tư độc giả cảm tưởng là tôi khoe khoang.

Còn lại là sự khó khăn phải diễn tả bằng lời nói một kinh nghiệm không xuất phát từ luận lý hay cảm quan. Cũng như cố gắng diễn tả nỗi xúc động đối với một điệu nhạc bằng những móc đơn và những móc kép hay gợi lại mùi thơm bánh mì đang nướng mà dùng những lời lẽ liên hệ đến lý thuyết phân tử!

Vào buổi trưa hôm đó, tôi ngồi trong ngôi vườn nhà tôi. Tôi để trí óc qua lại trên những trang sách mà tôi đang đọc một cách lơ đễnh. Phút chốc, trong khoảnh khắc một làn chớp, thực tại con người tôi hoàn toàn đảo lộn. Trí óc tôi đã nắm bắt hai điều chính xác: Thiên Chúa hiện hữu và bản chất của Ngài là Tình Yêu.

Tôi nhấn mạnh ở đây về từ ngữ chính xác, bởi vì không phải là một ý tưởng tầm thường mà người ta nắm bắt bằng cách lần theo một chuỗi lý luận. Ở trong đầu óc tôi nảy sinh sự so sánh nhằm làm sáng tỏ kinh nghiệm đó. Chẳng khác nào như ở trong một căn phòng tối, người ta phải lần mò để đi. Bất chợt, trong một giây đồng hồ, căn phòng được bật sáng. Tất cả những gì người ta đã thấy trước đó bằng trí tưởng tượng lúc bấy giờ trở nên một điều xác thực một trăm phần trăm và điều đó thay thế hình ảnh lờ mờ người ta có được về căn phòng đó khi phải sờ soạng lần mò để đi.

Thiên Chúa hiện hữu bằng Tình Yêu

Thiên Chúa hiện hữu và bản chất của Ngài là Tình Yêu! Một Tình yêu tuyệt đối, mãnh liệt, tràn ngập cho đến đỗi nếu kinh nghiệm đó kéo dài hơn vài giây đồng hồ, có thể tôi đã bị tan rã. Khả năng vật lý cơ thể tôi và cấu trúc trí óc tôi không thể chịu đựng được sự xúc tác đó lâu hơn một tíc tắc đồng hồ.

 Cử chỉ đầu tiên của Ngài là trao ban cho tôi một tặng phẩm: đó là sự bảo đảm về cuộc sống đời đời! Và tặng phẩm đó hoàn toàn nhưng không, vô điều kiện! Rồi theo bản năng, tôi tự nhiên gập đôi người xuống, dưới sự phóng nhiệt của ánh nắng mặt trời ban trưa. Sau đó tôi ngồi dậy, bật thành những tiếng khóc nức nở. Tôi không muốn cũng như không thể ngăn chặn giòng nước mắt hạnh phúc đó. Vì nhận thấy nhiều người láng giềng ở bên kia bờ dậu, tôi vội vàng chạy vào nhà để khóc một mình cho thoải mái.

Khám phá đầu tiên

Phải mất vài ngày sau tôi mới trở lại với con người bình thường của tôi. Mọi chức năng của tôi vẫn hoạt động như thường. Tôi còn kiểm chứng cả tài liệu giáo khoa về những căn bệnh tâm thần để truy tầm những sự giải thích hợp lý. Đó là chứng loạn thần kinh do hứng cảm chăng? Chứng loạn thần kinh do hứng cảm dù vắn vỏi nhất, thường tình cũng kéo dài nhiều ngày và để lại đàng sau một sự tàn phá khó lường được.

Hoặc là tôi đã được biến đổi. Về dáng dấp bề ngoài không có gì khác thường. Nhưng ở bên trong con người tôi, mọi việc đều thay đổi hết. Luôn luôn có một thời gian “trước” và một thời gian “sau” cuộc hạnh ngộ đó.

Kể từ giây phút đó, tôi bắt đầu nhìn đời qua hệ tiến hóa mới. Mọi việc đều mang một ý nghĩa khác hẵn. Điều gì trước kia xem ra quan trọng đối với tôi, giờ đây trở thành vô nghĩa. Nhất là tôi cảm thấy phảng phất một điều mong ước mới: đó là thưởng thức lại giây phút xuất thần kia, được nếm cảm sự hiện diện viên mãn của Ngài!

Cường độ của cuộc hạnh ngộ đầu tiên đó không bao giờ tái diễn. Tuy nhiên, tôi khám phá ra rằng tôi có thể tự sưởi ấm mình nhờ vào những tia sáng của Tình Yêu Ngài, hầu như bất cứ lúc nào. Tôi nói “hầu như’, bởi vì có một điều kiện mà chỉ riêng tôi mới có thể kiểm soát mà thôi: đó là nội dung tư tưởng của tôi. Khi tư tưởng của tôi có tính cách tích cực, tôi cảm nhận sự hiện diện đó dễ dàng. Nhưng những mưu đồ nhỏ nhen ích kỷ một khi xâm chiếm trí óc tôi, lập tức sự hiện diện của Ngài tan biến.

Đó là sự khám phá đầu tiên và lớn lao nhất của tôi: Thiên Chúa không thể sống chung với những gì dơ bẩn, nhỏ nhen, bạo hành hay kiêu căng. Do đó tôi áp dụng một cách hăng say việc đánh bật ra khỏi trí óc tôi những tư tưởng tiêu cực, không phải vì muốn sống khổ hạnh hay nhằm mục đích làm cho mình trở nên hoàn thiện, nhưng chỉ để đến gần Thiên Chúa mà thôi.

Khám phá thứ hai

Cuộc khám phá lần nầy ít gây hoang mang hơn lần trước. Người ta có thể tin rằng tôi đã dấn thân vào một cuộc giao đấu cho đến kỳ cùng để chống lại sự dữ và kiên trì đạt tới sự tuyệt hảo về luân lý, một nếp sống không thể khiển trách được và trọn vẹn cuộc đời tôi diễn ra dưới ánh mắt xét đoán của Ngài: “Cha đòi buộc con sự tinh khiết, nếu không, Cha sẽ lìa bỏ con!”

Tuy nhiên, không xảy ra hoàn toàn như vậy. Thường khi, tiếp theo sau những lỗi lầm có tính cách điên rồ của tôi, tôi nhận chân những giây phút thân mật tuyệt vời với Ngài. Khi tôi cảm thấy một sự đau nhói ở con tim vì tủi hổ hoặc khi nhờm tởm chính mình hay khi tôi tự than vãn vì bị cuốn lôi vào bản chất ích kỷ dơ bẩn của tôi, chính lúc đó tôi cảm nhận Tình yêu của Ngài nhiều nhất. Ngài đã tha thứ cho tôi một cách trọn vẹn và còn nhanh hơn khi tôi vừa mới thống hối. Sự tha thứ của Ngài xem ra tỷ lệ thuận với sự ăn năn của tôi.

Tiếp cận các tôn giáo khác

Sau cùng, tôi ngạc nhiên là trong những năm đầu tiên tiếp theo sau biến cố gặp gỡ của tôi với Thiên Chúa, tôi thật tình chưa biết danh thánh Ngài. Sự tương quan giữa Ngài và tôi mật thiết đến nỗi tôi không tìm hiểu nhiều hơn về Ngài bằng những đường lối khác cho bằng chính kinh nghiệm bản thân tôi. Cũng như trong tương quan tình ái, tôi không cảm thấy nhu cầu phải tìm tới một sự hỗ trợ bên ngoài. Ngài yêu tôi và điều đó đã quá đủ! Chỉ về sau nầy mới bộc lộ nơi tôi niềm ước vọng hiểu biết về Ngài nhiều hơn, đặt cho Ngài một danh xưng và chia sẻ Ngài cho người khác.

Sự truy tầm của tôi bắt đầu bằng Phật giáo. Khái niệm về nghiệp (karma) trong Phật giáo thỏa mãn ý hướng của tôi về sự công bằng và Đức Phật đã hấp dẫn tôi rất nhiều. Tôi được lôi cuốn bởi lòng nhân ái và niềm an lạc phát xuất từ nơi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma. Nhưng sau khi nghiên cứu giáo lý của tôn giáo đó, tôi đã khước từ vì nhiều lý do.

Trước tiên tôi nhận thấy rằng tôi không cần phải đạt tới Niết-Bàn (Nirvana) bằng cách tiến lên một cách từ từ và khổ cực như thế. Điều mà tôi đã nhận được trước đây thì tôi lãnh nhận một cách nhưng không, chẳng chút cố gắng nào. Hơn nữa, trong kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa, rõ ràng chúng tôi là hai: Ngài và tôi!

Phật giáo dạy rằng chúng ta có chủng tử linh thiêng (tức Phật tánh) ở trong chúng ta và do đó chúng ta có thể hòa tan trong giác thức vũ trụ được điều hướng bởi những định luật khách quan. Điều xác quyết đó trùng hợp với kinh nghiệm tôi đã trải qua. Tuy nhiên, Đức Phật giải quyết nan đề về sự đau khổ (khổ đế) bằch cách buông bỏ – tức một sự dửng dưng có tính cách khoan dung – với niềm xác tín là chóng hay chầy nhân loại sẽ đạt tới hạnh phúc tối thượng qua một chu kỳ luân hồi và tái sinh. Thiên Chúa của tôi không chấp nhận thái độ dửng dưng đó: Ngài bám sát vào tôi và Ngài thúc giục tôi bám sát vào người khác.

Và sau cùng, tôi nhận thấy rằng ảnh hưởng của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi đã không làm phát sinh sự giải kết hay một sự trống rỗng ở trong trí óc tôi. Trái lại, Ngài đã gieo rắc trên lối đi của Ngài điều mong ước là liên kết tôi với Ngài. Ngài đã thông ban cho tôi nghị lực và một trí tưởng tượng đầy sôi động.

Tôi cũng đã mau mắn loại trừ An-Độ giáo. Tôn giáo đó có quá nhiều thần linh và nhiều nghi lễ. Thiên Chúa của tôi là duy nhất, vị thầy tuyệt đối của tất cả mọi người. Tôi tiếp cận với Ngài bằng con tim chứ không phải qua những ngẫu tượng hay nhang khói.

Một bệnh nhân của tôi vào thời kỳ đó đã ca tụng những đức tính của Hồi giáo. Nhưng chính cuộc đời của đức Mahomet đã thuyết phục tôi rằng ngài không đại diện Thiên Chúa được: những cuộc binh đao, những hiệp ước bị xé bỏ, những mưu đồ chính trị, chủ nghĩa đế quốc tôn giáo…không có gì trong những thứ đó tương ứng với điều mà tôi hiểu biết về Thiên Chúa.

Tôi phải xác nhận rằng sau đó tôi đã ngã sang chủ nghĩa thần bí tuy hơi trễ. Besant, Teilhard de Chardin, Blavatsky, Murphy đã dẫn đưa tôi vào con đường đó. Vài ý kiến bàng bạc qua những văn bản của họ đã gióng lên những hồi chuông đứng đắn, nhưng họ không đưa ra chút giải thích mạch lạc nào hay một lý thuyết nhất thống nào ăn khớp với kinh nghiệm bản thân của tôi về Thiên Chúa.

Thiên Chúa của Phúc Am

Sau cùng, tôi đã mở Phúc Am ra. Tôi được thúc đẩy bởi lòng mong muốn hệ thống hóa việc truy tầm của tôi hơn là hy vọng tìm thấy ở đó chân lý. Phúc Am Thánh Matthêu làm tôi thất vọng. Sự Phục Sinh được tường thuật như vài giòng tái bút thêm vào một cách vội vã. Cho dù những chi tiết liên hệ đến cuộc sống Chúa Giêsu được ghi lại một cách chính xác, gây nên sự chú ý nơi tôi, nhưng đối với tôi viên đá góc tường của Đức Tin Kitô giáo – tức sự Phục Sinh chỉ được lướt qua – xem ra thật đáng ngờ vực.

Tôi cũng có cảm tưởng như thế khi đọc Phúc Am Thánh Mác-cô. Những giai thoại về cuộc đời Chúa Giêsu thật súc tích, nhưng sau khi Ngài chết, không ghi chép gì nhiều! Tác giả chỉ gợi lại vài cuộc hiện ra sau khi Ngài qua đời, không hơn không kém. Điều đó gây ngạc nhiên cho tôi vì Phúc Am theo Thánh Mác-cô được viết sau khi Chúa Giêsu qua đời vừa mới ba mươi năm.

Trái lại, khi đọc Phúc Am Thánh Gioan, tôi xúc động mạnh mẽ. Sức nóng từ tuyến thượng thận đã xông lên trong con người tôi. Khi đọc từng trang và từng trang, tôi bị kích thích càng lâu càng nhiều. Tôi nhận ra rằng Thiên Chúa của tôi đã trao tặng cho tôi niềm vui và sự sống đời đời. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã nhận biết những ngôn từ của Ngài, triết lý của Ngài và sự bao bọc của Ngài đối với tôi. Cuối cùng tôi đã tìm thấy. Alléluia!

Sự học hỏi Thánh kinh không bao giờ tương phản với điều mà tôi biết được về Thiên Chúa qua kinh nghiệm. Thánh kinh đã giúp tôi khám phá những khía cạnh khác nhau về bản chất Thiên Chúa mà không có sự trồng tréo với trí óc tưởng tượng của tôi. Tôi là người biết được hạnh phúc của Tình Yêu mà Ngài bao bọc trên tôi. Tôi cảm thấy bàn tay Ngài hướng dẫn tôi đến điều thiện và làm tôi xa lánh điều ác, nhưng rồi tất cả đều dừng lại đó.

Nếu muốn hiểu biết và giải thích về Ngài thái quá, tôi bị mắc bẫy nhiều lần. Thường khi, Ngài nhắc nhở tôi lập luận có tính cách loại suy như sau: đứng trên bình diện trí thức, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người còn xa vời hơn là khoảng cách giữa con người và con kiến. Hãy thử cắt nghĩa cho một con kiến hiểu biết máy điện tử! Hoàn toàn bất lực. Con kiến không có khả năng trí óc để hiểu biết điều đó.

Cũng vậy, đối với con người cố gắng đặt để một Thiên Chúa vô hạn trong một hệ tư duy không cho phép họ nắm bắt những khái niệm về vô hạn hay vĩnh cửu. Do đó tôi phải chấp nhận những giới hạn trí thức của tôi và dùng đến mô thức giao tiếp duy nhất có thể giúp tôi tiếp cận với Ngài: đó là tình yêu và đức tin.

Đức Tin?

Đức Tin được định nghĩa như một tặng phẩm nhưng không của Thiên Chúa. Theo những nghiên cứu vật lý thần kinh, kinh nghiệm tâm linh được định vị hoàn toàn ở vòng rìa thùy não. Khi con người trải qua kinh nghiệm về Thiên Chúa – khi họ tin tưởng – trung tâm cơ thể học đó bị kích thích. Nhiều khoa học gia đã kết luận điều ngược lại cũng đúng: một cá nhân có thể trải qua một kinh nghiệm tâm linh về Đức Tin, sau khi trung tâm não bộ đó được kích thích. Do đó kinh nghiệm về Thiên Chúa chỉ là sản phẩm của khối óc.

Đối với tôi, Đức Tin là một điều thiết yếu. Thử tưởng tượng một thế giới trong đó Thiên Chúa tự biểu lộ không lập lờ chút nào cho bất cứ ai van xin Ngài: “Các con muốn Cha chứng minh sự hiện hữu của Cha phải không? Các con muốn những dấu chỉ khách quan của sự toàn năng toàn trí của Cha phải không? Đây nầy, có ngay!” Và Thiên Chúa làm xuất hiện dưới đôi mắt ta những chứng cớ mà ta đòi buộc. Và như thế, đứng trước sự xác quyết về sự hiện hữu của Thiên Chúa, con người không còn có sự lựa chọn. Con người chỉ biết quì gối xuống, thuần phục uy lực của sự hiển nhiên.

Tình yêu không đi vào trong phương trình đó. Tình yêu là một tương giao ân tình mà Thiên Chúa mong muốn. Đề tài đó được tìm thấy trong nhiều truyền thống dưới hình thức những câu chuyện cổ tích tương tự như sau: một hoàng tử đẹp trai, nhân hậu và giàu có đi tìm kiếm ý trung nhân. Bởi vì hoàng tử muốn biết chắc chắn là mình được sủng ái vì chính con người của mình, chứ không phải vì chức tước cao sang nên ngài đã cải trang qua dáng dấp một người nghèo khổ. Ngài sẽ kết hôn với người yêu mến ngài vì những đức tính của ngài mà thôi.

Niềm tin chính là thoáng thấy một thực tại không được cung ứng bởi giác quan, bởi những xúc động hay trí thức. Thực tại đó trở nên choáng váng cho đến đỗi nếu không được bao che, não bộ sẽ bị tách rời cũng giống như võng mạc bị đốt cháy nếu con mắt đăm đăm nhìn mặt trời ban trưa.

Đức Tin cho phép chúng ta nắm bắt bản chất thực tại của Thiên Chúa một cách âm thầm không thấy được. Đức Tin là nhịp cầu nối kết giữa sự vô thường và vĩnh cửu, giữa cái hữu hạn và vô biên, giữa thực tại tuyệt đối nhỏ và tuyệt đối lớn. Không có Đức Tin, Thiên Chúa của Thánh kinh trở nên ù lì như một bản nhạc không bao giờ được hòa âm.

Trong những trường hợp rất họa hiếm, tôi đã thử giải thích niềm tin của tôi. Mỗi lần như thế, sự biện luận của tôi xem ra khôi hài. Tuy nhiên, đây là những gì mà tôi tin tưởng:

 - Thiên Chúa toàn năng, vĩnh cửu và vô biên là Tình Yêu. Vì vậy, do định nghĩa, Ngài tự ban tặng. Ngài là một nhân vật tương giao, Ngài trao ban sự sống cho những tạo vật của Ngài. Ngài chia sẻ với họ những thuộc tính trong đó có tình yêu và khả năng truyền sinh. Nhưng người ta không thể bị chương trình hóa để yêu thương, nếu không, sẽ trở thành những con người máy chứ không còn là con cái Thiên Chúa nữa.

- Do đó sự tự do đã nhập cuộc: chọn lựa tham gia vào công trình thế giới bằng tình yêu hay chiếm đoạt chỗ đứng của Thiên Chúa và hướng tình yêu về phía mình. Sự chọn lựa liên hệ thiết yếu đến hai phía: sự thiện hay sự ác, sự sống hay sự chết, sự thật hay sự dối trá. Thiên Chúa chấp nhận sự hiện hữu hai phía đó, bởi vì đó là cái giá phải trả đối với tương quan tình ái được chọn lựa một cách tự do.

- Vì lựa chọn sai, con người bị lãnh án tử. Sự hoàn thiện và sự công bình của Thiên Chúa đòi hỏi như vậy. Con người lúc bấy giờ trở nên giống như một tế bào ung thư chối từ chỗ đúng và chức năng của mình ở trong cơ thể và tự sinh sôi nảy nở tùy thích. Tế bào ung thư đó đã phá hủy sự hài hòa của cơ thể mà nó là một thành phần. Hiển nhiên chúng ta đã biết số phận dành cho căn bệnh ung thư…Trong tương quan với Thiên Chúa, Tình yêu đã thắng thế, bởi vì Thiên Chúa xuống tận thung lũng nước mắt và khốn khổ của con người. Ngài đã thần thánh hóa nhân loại. Ngài để cho con người tiếp cận với Ngài một cách dễ dàng.  Ngài chết thay cho chúng ta và Ngài ban tặng cho chúng ta một giao ước với Ngài trong Đức Tin. Đó có phải là thuyết nhân hình không? Có nực cười không? Có huyền hoặc không? Có thể như thế, nhưng tôi sẵn sàng chết cho chân lý đó.

Thiên Chúa hiện hữu

Tôi không bao giờ hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa, cho dù tôi đã tìm kiếm những đường lối giải thích khác nhau cho kinh nghiệm đó của tôi về Ngài. Có thể Thiên Chúa là sản phẩm vô thức của tôi được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa Do-Thái và Kitô giáo. Như vậy sự kiện đó cũng giống như một giả thuyết được đan kết trong trí óc một khoa học gia, tự kết tinh để trở thành một ý tưởng siêu việt và đã đánh thức học giả đó ngồi dậy giữa đêm khuya để ghi chép. Hiện tượng đó có thực nhưng rất họa hiếm. Vả lại, học giả không thể điều hướng hiện tượng đó tùy thích.

Đối với kinh nghiệm riêng tư của tôi, tôi nhận thấy rằng – dẫu Thiên Chúa truyền đạt cho chúng ta qua những biến cố và những sự trùng hợp xảy đến trong cuộc đời thường – những điều đáp trả của Ngài thông thường có tính cách bất chợt. Và luận cứ mạnh mẽ nhất để bác khước giả thuyết cho rằng Thiên Chúa là sản phẩm của sự vô thức ở trong tôi là vì tôi rõ biết vô thức của tôi – qua những liên tưởng phóng khoáng, cũng như qua những giấc mơ…

Tôi biết sự vô thức trong tôi không thể sản xuất những kho tàng quí báu mà tôi đã lãnh nhận được từ nơi Thiên Chúa: sự khôn ngoan, sự an bình, sự hăng say và sức sống mãnh liệt của Ngài. Sự biến đổi xảy ra trong tôi không đâm rễ trong tâm thức nhỏ bé và có thể dự kiến của tôi được.

Yêu mến Thiên Chúa và cố gắng hiểu biết Thánh ý của Ngài nhiều hơn là một việc; phục tùng Thánh ý của Ngài là một việc khác. Có nhiều sự đối kháng về phía tôi, vì tôi có thói quen điều hướng cuộc sống theo “logic” và ý muốn của tôi. Đối với tôi, Thiên Chúa thuộc lãnh vực linh thiêng, đạo đức và phi nhập thể. Ngài không am tường nhiều về tính cách phức tạp của thế giới tân kỳ nầy.

Hơn nữa, tôi cảm thấy bức xúc ngấm ngầm mỗi khi bắt ép một phần bản thể tôi tuân phục ý muốn của Ngài. Tôi có cảm tưởng là tôi sẽ trở nên nghèo nàn, mất nét độc đáo của tôi. Tôi lo sợ phải bỏ vào một cối xay rập theo khuôn mẫu có sẵn về đời sống thánh thiện.

Những kết quả buông lỏng của sự hăng say muốn giải quyết mọi chuyện bởi chính mình đã bắt buộc tôi trao tay lái cho Ngài! Bất cứ lúc nào tôi trao tay lái cho Ngài thì kết quả vượt xa điều tôi mong đợi.

Chủ nghĩa nữ quyền

Đó là một thí dụ thích thú. Tôi là người tiến bộ, có học thức, đam mê chính trị và tư tưởng nữ quyền đối với tôi là điều hiển nhiên. Đó là bổn phận của tôi phải yêu sách sự bình đẳng trong chỗ làm và nơi bếp núc. Chắc chắn Thiên Chúa cũng đồng ý như vậy, pkải không? Nhưng thực ra không!

Cuộc đối thoại giữa Ngài và tôi đã xảy ra vào một buổi tối khi tôi đang còn làm bếp. Tôi gọt cà-rốt đồng thời thương hại cho thân phận của tôi: “Tại sao luôn luôn tôi phải dự liệu và sửa soạn bữa ăn, phải dọn bàn?” Tôi tự trả lời: là nạn nhân qua nhiều thời đại, đàn bà đã không biết đàm phán để được bình đẳng. Lúc bấy giờ tôi đệ trình câu hỏi của tôi cho Chúa mà không đưa ra một công thức trả lời có sẵn ở trong trí óc. Trong nháy mắt, Ngài đã trả lời cho tôi qua hai hình ảnh còn ghi khắc sâu đậm trong quả tim tôi cho đến đỗi những hình ảnh đó đã làm rung động con người tôi.

Hình ảnh thứ nhất là của một người đàn bà da đen với đứa con ngậm núm vú khô đét của người mẹ và ánh mắt tắt dần. Tôi còn nghe thấy tiếng ruồi bay và mùi hôi thối xông lên. Còn tôi? Tôi than vãn vì phải lựa chọn những thức ăn đủ loại, có sẵn cho mỗi mùa, không phải quan tâm đến giá cả. Và để cho ai? Đó là cho những người mà tôi yêu mến nhất trên đời.

Hình ảnh thứ hai cũng cảm động không kém: đó là hình ảnh đôi chân Thánh Tông Đồ Phêrô được Chúa Kitô rửa cho. Chậu nước đục ngầu. Tôi còn cảm thấy hơi nóng bốc lên mặt tôi. Tôi xấu hỗ vì sự vô ơn của tôi. Từ giây phút đó, những cuộc đấu tranh, những sự căng thẳng, những sự chênh lệch và những thương lượng giữa hai phái tính đã biến mất luôn khỏi con người tôi! Đàn ông hay đàn bà đều là người thân cận của tôi, tôi phải phục vụ họ. An ủi biết bao!

Về sau nầy, Thiên Chúa đã làm cho tôi biết người thân cận để yêu mến như chính mình tôi, trước hết là những người thân bằng quyến thuộc, những người ở trong bếp núc của tôi. Ngài không chấp nhận một công trạng lớn lao đối với tặng dữ mà tôi trao tặng nhằm chống lại nạn đói trong một đất nước xa xôi, nếu tôi dọn bữa ăn với sự oán hận trong lòng.

Bệnh tâm thần

Thiên Chúa của Thánh kinh cũng đã thay đổi những quan niệm của tôi về bênh tâm thần. Tôi đi đến kết luận là người ta có thể hạnh phúc nếu sống lương thiện. Người ta chỉ có thể lớn lên và chín mùi nếu mở rộng tâm thức mình cho sự an sinh người khác.

Nền tâm lý học nhấn mạnh đến sự thẩm định cao quí đối với bản thân mình, những cơ chế tự phòng và những trao đổi giữa bản ngã và siêu ngã, giờ đây những điều đó xem ra vô nghĩa! Phương pháp tâm lý trị liệu hữu dụng nhất đó là phương pháp trị liệu nhằm làm triển nở con người đứng trên phương diện cơ thể, tình cảm, xã hội và tâm linh. Xem ra đối với tôi đó là mười điều răn!

Khi còn là người vô thần, tôi tin tưởng mười giới răn đã được ban bố nhằm nô lệ hóa chúng ta. Giờ đây tôi xem mười giới răn đó như là những lời nhắn nhủ của người cha nhân hậu ban tặng để chúng ta được tự triển khai. Thử tưởng tượng một xã hội trong đó mỗi người đều tuân phục “Thập giới”! Không còn trộm cắp, ăn gian nói dối, đâm chém bắn giết, những gia đình đổ vỡ…không cần đến luật sư, cảnh sát! Thiên Chúa quan tâm cả sự nghỉ ngơi của chúng ta. Ngài truyền dạy chúng ta phải nghỉ một ngày trong bảy ngày!

Ngay giới răn thứ nhất, giới răn gây nhiều kinh hãi: “Hãy thờ lạy Thiên Chúa” cũng chỉ vì sự phúc lợi chúng ta. Căn tính chúng ta được định nghĩa qua nội dung tư tưởng chúng ta thường hướng đến điều gì quan trọng đối với chúng ta. Nếu chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta nghĩ tưởng đến Ngài và như thế, chúng ta thoát khỏi sự bao vây của thế giới vật chất, ích kỷ và tạm bợ. Chúng ta được thánh hóa. Chúng ta đã nhìn ra những chân trời không thể tiếp cận được đối với những ai chỉ biết tôn thờ chính bản thân mình.

Dĩ nhiên một nỗi sợ sệt lai căn cầm giữ chúng ta lại. Ai sẽ săn sóc chúng ta nếu chúng ta chỉ nghĩ tới Thiên Chúa và kẻ khác? Một sự nghịch lý linh thánh đã trả lời cho vấn nạn đó: “Chính khi cho đi là lúc nhận lãnh, chính khi chết đi cho chính bản thân mình là lúc được vui sống muôn đời.”

Chứng nghiện ngập

Thiên Chúa cũng đã thay đổi tầm nhìn của tôi đối với những người nghiện ngập. Tôi xem họ như những con người yếu đuối và đầy đăm mê, không thể chống lại khoái lạc tức thời và trốn chạy trước bất cứ một cố gắng nhỏ nhen nào. Giờ đây tôi hiểu rằng con người được tạo dựng để xuất thần và siêu việt hóa.

Mọi người đều tìm kiếm viên ma túy của mình: thể tháo gia vui sướng reo hò khi quả banh đâm thủng mạng lưới, người si tình tìm kiếm một tâm hồn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” để giao cảm, người say mê cờ bạc mong ước giây phút thú vị được trúng canh bạc, giới tiêu thụ tìm kiếm những nơi hàng hóa bán hạ giá, khoa học gia cảm thấy thích thú khi xuất bản tác phẩm nghiên cứu thứ hai mươi của mình.

Tất cả chúng ta đều tìm kiếm giây phút thoát ly cuộc sống thường nhật, mong tìm kiếm một tia lửa thần diệu. Chúng ta không được tạo dựng để an phận thủ thường với cuộc đời thường. Sự khao khát bẩm sinh đó, cái khoảng trống nội tâm đó mà chúng ta cố gắng lấp bằng do những phương tiện trần thế chỉ được khỏa lấp bởi cái vô hạn và vĩnh cửu. Chúng ta đã được tạo dựng như thế. Điều khác biệt nơi tôi với người nghiện ngập, chính ở chỗ những phương tiện tôi dùng thì có hiệu quả hơn bởi vì được chấp nhận trên phương diện xã hội.

Tình yêu trường tồn

Đối với Tình Yêu, Thiên Chúa tỏ ra cứng rắn: tình yêu bao hàm sự trường tồn. Khi nói “tôi yêu” có ý nghĩa như thế nào nếu người ta thêm vào câu: “tôi chỉ yêu cho tới năm 2012”. Nghe câu nói đó, người ta bắt đầu cảm thấy bực dọc cho đến độ chỉ mong muốn trốn chạy mà thôi. Việc hành nghề bác sĩ tâm thần đã cho phép tôi quan sát nỗi đau đớn kinh hoàng nổi lên khi tình yêu chấm dứt. Ngày nay, người ta không còn tìm thấy những biểu tượng nói lên một sự cam kết trường tồn: không có hôn thú, không sinh con đẻ cái, không có tiếng khóc tiếng cười của trẻ con chào đời trong gia đình.

Đứng trên phương diện cơ bản mà nói, xã hội không còn mong muốn cũng như không còn tin tưởng vào sự trường tồn của tình yêu. Sự tầm thường hóa những tác động ái ân đã bần cùng hóa nhân loại. Phương thế duy nhất để “tái thánh hóa” giới tính là con người phải ý thức về khả năng truyền sinh của mình và những gì hệ thuộc: sự tạo dựng một đơn vị xã hội – tức gia đình – căn cứ trên một tình yêu trường tồn. Đối với Thiên Chúa, Tình yêu là một quyết định trường tồn, chứ không phải một thứ xúc động nhất thời.

Dĩ nhiên, trên hành trình đức tin của tôi, còn vài nghi vấn luôn ám ảnh mà tôi chỉ nhận ra bóng mờ của sự luận lý. Chẳng hạn làm sao cắt nghĩa sự đau khổ của những trẻ em được xem ra vô tội? Số phận dành cho những nhà vô thần lương thiện như thế nào? Tại sao Thiên Chúa ẩn dật đối với một số người trong khi Ngài đã xuất hiện cho tôi một cách tỏ tường?

Ngôi vườn nội tâm

Điều mà tôi biết một cách chắn chắn là mỗi lần tôi trở về với ngôi vườn nội tâm của tôi, Ngài luôn ở đó để chờ đợi tôi. Tôi đặt để duới chân Ngài những nỗi buồn đau, những mối nghi ngờ, cũng như những khắc khoải ưu tư và Ngài trao ban cho tôi một sự an bình không diễn tả được. Tôi là người con dấu ái của Ngài.

Nếu chứng tá của tôi đánh thức dậy nơi người nào đó điều mong ước được biết Ngài, tôi có thể quả quyết với người đó là Cha trên trời của chúng ta chờ đợi họ với tất cả tình yêu và sự nhẫn nại.

 Nhà Văn Hương Vĩnh

Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!