Trần Xuân Thời
Nói đến sứ mệnh là nói đến trách nhiệm thiêng liêng mà Thiên Chúa
đã mật truyền cho mỗi giáo hữu khi được thánh tẩy bằng nước và ơn Thánh Linh.
Về thể chất, phép bí tích Rửa Tội cho phép chúng ta trở thành công dân nước
Chúa; về tinh thần, tâm hồn của chúng ta nghiễm nhiên trở thành đền thờ nơi
Chúa ngự.
Được nhập tịch vào nước Chúa là một ƠN HUỆ mà mỗi giáo hữu, dù ý
thức được hay không, được hưởng suốt cuộc đời vì như Chúa đã nói “Thầy sẽ ở với
chúng con cho đến ngày tận thế” (Mt 28:20).
Thánh
Thomas Aquino (AD 1225-1274) trong tác phẩm “Tổng Luận về Thần học- Summa Theologica”) đã
viết “Đấng Tạo hóa toàn năng là đệ nhất nguyên nhân/ tác nhân, (First Cause/
agent) tạo nên muôn loài và vũ trụ. “Đấng Thượng Đế nội tại (immanent)
ở trong vạn vật và trong nội tâm hay lương tri của mỗi người nên trên bình diện
tự nhiên Thiên Chúa đã đương nhiên hiện hữu trong tâm trí của con người rồi.”
Triết học cổ của Trung hoa cũng đồng quan điểm: “Nhất nhân chi tâm tức
thiên địa chi tâm”. Tâm linh của nhân thế cũng là tâm linh của Trời đất.
Vì thế,
những tín hữu có lòng cao thượng trong các giáo hội trên trần thế là những tín
hữu không những yêu chuộng những người đồng tín ngưởng của mình mà còn yêu
chuộng cả những người không cùng tín ngưởng nhưng có lòng thành. Quan niệm nầy
được Công đồng Vatican II (1962-1965) minh xác qua Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng
(Gaudium et Spes. 4): “The Church’s Pastors… speaking with love and
mercy not only to believers but to all people of good will” vì ơn Cứu Độ
của Thiên Chúa được ban cho mọi người. “Salvation is open to all”.
Khi nhận lãnh ân sủng Rửa tội, chúng ta được giao phó một NGHĨA VỤ
quan trọng “Chúng con phải đi khắp thế gian rao để giảng tin mừng cứu chuộc cho
mọi loài thụ tạo”. (Mk l6:15)
Chúa đã tuyển chọn chúng ta làm công dân nước Chúa và mời gọi
chúng ta vào làm vườn nho cho Ngài. Vườn nho đây là nhân loại mà chúng ta là
những thợ làm vườn. Nghĩa là chúng ta có sứ mệnh mang ánh sáng phúc âm đến cho
muôn dân thiên hạ hiểu biết và thờ phượng Thiên Chúa. Làm như vậy, chúng ta đem
“đạo vào đời” nhằm mục đích thi hành sứ mệnh truyền giáo, tiếp nối công trình
cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã thực hiện bằng cách tự hiến tế lễ mình trên cây
Thánh Giá để chuộc tội cho nhân loại.
Tiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa là nhiệm vụ thiêng liêng và
cao cả của mỗi giáo hữu. Có lẽ trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người chưa am
hiểu sứ mệnh cao trọng này và cứ đinh ninh rằng biết Chúa, kinh nguyện khuya
sớm, xưng tội, rước lễ là đã làm tròn nhiệm vụ cao quý của một giáo hữu.
Thật ra, biết đạo và giữ đạo như vậy, chúng ta đã làm bổn phận căn
bản và sơ khởi của người giáo hữu. Giữ đạo có khi vì tự ý, có khi vì luật buộc,
sợ phạm tội vì không tuân luật Hội Thánh. Nếu giữ đạo vì luật buộc thì giữ đạo
có tính cách thụ động, hay lơ là với công tác tông đồ giáo dân. Phương cách giữ
đạo này chưa thoát ra khỏi tình trạng mà Thánh Phaolô gọi là giữ đạo “như trẻ
em”, nghĩa là tưởng rằng sứ mệnh truyền giáo, sứ mệnh tông đồ, là sứ mệnh của
các Giáo sĩ và Tu sĩ nam, nữ.
Vì thế, biết đạo và giữ đạo chỉ là thực hiện nhiệm vụ căn bản của
một giáo hữu. Muốn trở thành người công giáo toàn diện, chúng ta cần phải học
đạo. Học đạo là phương thế duy nhất để am hiểu Thánh ý Chúa, mặc dù thời gian
và phương tiện thì có hạn mà sự học thì vô cùng. Có học rồi mới biết kiến thức
mình chưa đủ, càng học hỏi chúng ta càng thấy mình thiếu thốn. Lý do là càng
nghiên cứu học hỏi, chúng ta càng nhận thấy ý nghĩa của các lớp giáo lý căn
bản, các giới luật, điều răn và kinh nghĩa là những viên đá căn bản, có tính
cách cô đọng như những tín lý bất di, bất dịch. Giáo hội là Thầy và Mẹ thường
thể hiện đầy đủ sự biến chuyển trong chủ trương đường lối của Giảo Hội trong sứ
mệnh truyền thông thánh ý của Chúa. Vì vậy cứ 50 năm hay 100 năm Hội Thánh tổ
chức Công Đồng để bổ túc và canh tân hướng tiến của Giáo hội vì Giáo Hội Công
Giáo ở thế trần là Giáo Hội lữ hành, tiến theo dấu chỉ của thời đại (signs of
the times)...
Nhiều người vẫn chủ quan cho rằng mình đã biết hết giáo lý căn bản
và không cần học hỏi thêm khiến cho tâm hồn và trí tuệ thiếu linh động, bị
phong toả, hay bị tẩm liệm vào cách thế hành đạo theo phương thức cổ truyền. Họ
chỉ biết các bổn phận căn bản mà thiếu sự cập nhật hoá kiến thức về “Sứ mệnh
rao truyền Phúc Âm, thánh hóa nhân loại, và đào luyện (conscience formation)
cho con người một lương tâm Công Giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc
Âm thấm nhuần mọi người và mọi sinh hoạt của đời sống” (Apostolicam
Actuositatem).
Vả lại, con cái của thế gian khôn lanh hơn con cái của thiên đàng,
không nghiên cứu, học đạo thì làm sao có đủ kiến thức dùng làm hành trang thực
hiện công tác hành đạo mà Chúa đã uỷ nhiệm cho chúng ta: “Chúng con hãy đi
rao giảng Phúc Âm cho muôn dân thiên hạ”.
“Khốn cho tôi nếu tôi không
rao giảng Phúc Âm” (1Cor 9:16) vì nhân thế thì đông mà người rao giảng thì ít “Lúa
chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt.” Rao Giảng không phải chỉ là nhiệm vụ các vị
thừa sai mà còn là nhiệm vụ của mỗi giáo hữu. Nếu mỗi giáo hữu trong cuộc
đời mình, thánh hoá được một người để họ nhận biết ơn cứu độ và tôn thờ Thiên
Chúa thì chẳng bao lâu thế giới sẽ được thánh tẩy.
Đừng để Chúa phải nhắc nhở chúng ta “Tại sao các con đứng
đây suốt ngày mà chẳng làm gì hết?” Hiện nay có trên 200 tổ chức của Giáo Hội,
mỗi đoàn thể được Giáo Hội uỷ nhiệm môt công tác đặc biệt. Các tổ chức Công
Giáo Tiến Hành thường chú trọng đến công tác mục vụ (pastoral obligations) để
giúp duy trì hiện trạng (status quo/ existing condition) của Giáo Xứ, Giáo
phận.
Phong trào Cursillo là đoàn thể được Giáo Hội
minh thị uỷ nhiệm sứ mệnh truyền giáo qua phương thức cải hoá (evangelization
through conversion) nhằm gia tăng những chiến sĩ, giáo dân nòng cốt cho Giáo
hội. Đó là mục tiêu, là ơn gọi chính yếu (primary apostolate) mà Phong trào
Cursillo cần tập trung nỗ lực sinh hoạt để hoàn thành sứ mệnh phúc Âm hoá môi
trường đã được giao phó.
Vai trò của mỗi giáo dân trong công tác rao giảng Phúc Âm đã được
Chúa minh định là bao gồm ba chức năng chính: Tư tế,(priest) Rao giảng
(prophet) và Vương giả.( King) Khi được rửa tội, chúng ta đã được rửa trong
Chúa Kitô và được mặc lấy chính Đức Kitô, và lắng nghe tiếng Chúa còn như văng
vẳng bên tai “Con là con yêu dấu rất đẹp lòng ta” (Lk 3:22).
Chúng ta đã được lột xác và trở thành con người mới, trở thành “Đền
thờ thiêng liêng nơi Chúa ngự” và đồng thời Chúa “sai chúng ta đem tin
mừng cho kẻ nghèo khổ, loan tin giải phóng cho kẻ bị cầm tù, đem sự sáng cho kẻ
đui mù, đem tự do cho kẻ bị áp bức...”
Chúng ta đã được tham gia vào chức vụ Tư Tế vì ngày trước chỉ có
Vua và Tư Tế mới được xức dầu. Khi được xức dầu chúng ta đã được tham gia vào
chức vụ Tư Tế. Tư Tế là trách vụ mà Chúa Giêsu đã dùng để tự hiến tế chính mình
trên cây thánh giá và còn tiếp tục hiến tế trong nghi lễ Thánh Thể hằng ngày để
vinh danh Đức Chúa Cha và tiếp tục công trình cứu rổi nhân loại.
Là giáo dân, chúng ta thi hành trách vụ Tư Tế bằng cách hiến dâng
cách riêng những điều chúng ta nghĩ, những việc chúng ta làm, cách sống đạo,
hành đạo hằng ngày. Tất cả những việc chúng ta làm trở thành của lễ thiêng
liêng làm đẹp lòng Chúa. “Như thế người giáo dân thanh hiến cho Thiên Chúa
chính cả trần gian này. Nhờ lòng phụng thờ Chúa khắp mọi nơi bằng một đời sống
thánh thiện.”
Trách vụ Rao giảng đã uỷ nhiệm cho chúng ta năng cách làm chứng
nhân của Chúa trên thế gian này. Chúng ta hành động như men dậy từ bên trong,
thánh hoá thế giới bằng cách “đem ánh sáng Phúc Âm đến cho mọi người, bằng
chứng tá của một đời sống sáng chói Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.”
Để thi hành, chức vụ rao giảng, chúng ta không những ôn lại hết
kinh nghĩa căn bản mà còn học hỏi (study) để quán triệt chủ trương đường lối
hay triết lý hành động của Giáo Hội. Chủ trương của Giáo Hội uyễn chuyển, không
có tính cách tĩnh như các giới răn, mà có tính cách linh động, biến chuyển theo
dấu chỉ của thời đại, theo đà tiến hoá của nhân loại về mọi khía cạnh sinh hoạt
như văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị… dựa trên những giá trị bất di bất dịch
của Kinh Thánh là mến Chúa và yêu người.
Chủ trương và đường lối thường được thể hiện trong các văn kiện,
các Hiến Chế hay Tông Huấn mà chúng ta có nhiệm vụ phải học hỏi, nghiên cứu để
trở thành những “viên đá sống động” xây dựng Giáo Hội.
Chúng ta có thể giữ đạo một cách tiêu cực, nghĩa là giữ các giới
răn Đức Chúa Trời và các luật điều Hội Thánh ... các giáo lý căn bản nghĩa là
đủ để gọi là “giữ đạo”. Nhưng giữ đạo như thế được Cộng Đồng Vatican II coi như
là giữ đạo một cách thụ động, chỉ biết lo cho bản thân mình được cứu rỗi mà lơ
là nhiệm vụ tông đồ giáo dân nhằm thánh hoá muôn dân, hoặc thiếu sự “hăng say”
vào làm Vườn nho cho Chúa. Người giáo dân toàn diện phải đi từ thái độ Tu Thân,
Tề Gia, Trị Quốc đến sứ mệnh Bình Thiên Hạ.
Tu Thân là giai đoạn tiên khởi, hành xử nghĩa vụ công dân Chúa, biết
đạo và giữ đạo. Tuân giữ các giáo lý căn bản trong cuộc sống thường nhật, có
thể được gọi là “mộ đạo” nhưng vẫn còn nằm trong tình trạng trì trệ “dậm chân
tại chổ”. Tu thân để trở thành cá nhân sáng suốt, sống giữa trần thế, chuẩn bị
dấn thân vào mọi nghĩa vụ và công tác của trần thế. Liên hệ gia đình là nguồn
gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Trong được ấm, ngoài chắc phải được êm.
Trong diễn tiến thánh hoá cá nhân hay tu thân, chúng ta phải tề
gia để biến gia đình trở nên gia đình Thánh Thiện. Chúng ta có nhiệm vụ giáo
huấn con cái để chuẩn bị cho chúng trở thành những giáo dân gương mẫu cho gia
đình, Cộng Đồng và Giáo Hội.
Sau giai đoạn tu thân và tề gia. Chúng ta phải
tiến đến giai đoạn thánh hoá cá nhân bằng cách nghiên cứu học hỏi các chủ
trương đường lối của Giáo Hội, các Hiến Chế, Tông Đồ Mục Vụ của Giáo Hội đế mở
mang trí tuệ hầu có đủ khả năng “mở miệng dạy kẻ mê muội” hoặc dấn thân vào
“việc truyền giảng giáo lý, trao đổi khả năng sư phạm trong việc đào tạo người
Kitô hữu.”
Mỗi giáo dân có một vị thế thần học ở trần thế. Cuộc sống của mỗi
giáo hữu không chỉ là một chuỗi những biến cố nhân sinh xã hội, mà còn phản ảnh
một “thực tại chuyên biệt thần học” giữa thế trần. Thần học ở đây bao hàm ý
nghĩa là mỗi giáọ hữu hiện diện giữa thế trần với một sức sống thần bí đầy ơn
gọi thiêng liêng, và sứ mệnh cao cả mà Chúa đã ban cho mỗi giáo dân khi chịu
phép rửa tội. Ơn gọi thiêng liêng và thần bí này mỗi giáo dân tự chính mình có
thể cảm nghiệm được nhân cách thiêng liêng và cao trọng mà Chúa
đã mặc khải, với sự giúp sức của Chúa Thánh Thần mà người ngoại đạo không linh
cảm được. Tính cách thần học về vị thế mỗi giáo hữu trong trần thế thôi thúc
chúng ta: “Phải nên thánh trong mọi tác phong của mình.”
Những lời chúng ta nói, những việc chúng ta làm đều phải thực hiện
với danh nghĩa Đức Giêsu Kitô. ” Whatever you do, do to the glory of
God”. Vị thế nghĩa vụ cá nhân thiêng liêng đến nổi “không được để công
việc gia đình và trần thế lấn át đời sống thiêng liêng của mình.”
Chúng ta thường nghe câu chuyện một vị Thánh đi tìm hiểu mầu nhiệm
Đức Chúa Trời Ba Ngôi, gặp một em bé đang cố công múc nước biển đổ vào cát, vị
Thánh bảo cậu bé không nên làm việc vô ích vì nước sẽ thấm qua cát và lại chảy
ra biển. Cậu bé trả lời đổ nước vào cát vẫn có ích hơn là việc đi tìm hiểu Đức
Chúa Trời Ba Ngôi vì mầu nhiệm này vượt ra ngoài trí tuệ của con người.
Do đó, tu thân bằng cách học hỏi, cần phải được bồi dưỡng trí tuệ
bằng lối cầu nguyện, vì có những vấn đề vượt ra ngoài khả năng lãnh hội của trí
tuệ con người nếu không được Thánh Linh giúp sức hầu chúng ta có thể vững tâm “
tin trước, hiểu sau” và được vũ trang tinh thần đầy đủ đế tiếp nối công trình
của Chúa cứu thế nhằm: “Cứu rỗi con người và canh tân trật tự thế giới.”
Sau khi tu luyện tinh thần, người “Quân Tử vụ bản” để tu thân và
tề gia. Trị Quốc là giai đoạn kế tiếp nhằm phát triển vai trò của người giáo
hữu, vượt ra ngoài bản thân và gia đình để phụng sự Cộng Đồng Dân Chúa. Cộng
Đồng Dân Chúa được thể hiện qua các Giáo Hội địa phương: Giáo Xứ và Giáo phận.
Giáo xứ là tiểu vũ trụ và Giáo Hội thế giới là đại vũ trụ. Về
phương diện vật lý, các tiểu vũ trụ kết hợp thành đại vũ trụ, nhưng trên bình
diện tinh thần, Giáo Hội thế giới không phải là tổng số các Giáo xứ địa phương
hợp lại, mà chính Giáo Hội hoàn vũ thế hiện và hiện hữu trong các giáo xứ địa
phương và "Giáo hội địa phương được hình thành theo hình ảnh của Giáo
hội hoàn vũ”. Trong quan niệm này, chúng ta có thể nói mỗi giáo hữu là một
giáo hội.
Trong thời kỳ cách mạng Nga bùng nổ một số thánh đường bị phá hủy
và giáo hội địa phương bị giải tán. Một hôm, có một em bé sáng sớm hăm hở đi
đến thánh đường. Trên đường đi, em bé gặp một anh lính tuần canh hỏi em đi đâu
mà sớm thế, em bảo đi đến nhà thờ. Người lính tuần canh trố mắt nhìn em mà bảo
nhà thờ đã bị phá hủy và giáo hội đã bị giải tán. Em bé lắc đầu, nói với người
lính tuần canh “Ông lầm rồi giáo hội không thể bị giải tán, vì tôi là Giáo
Hội”. Trong lúc người lính tuần canh còn ngẩn ngơ vì câu trả lời có tính
cách xác quyết, em bé vẫn xăm xăm tiến đến vị trí ngôi thánh đường đổ nát!
Mỗi Giáo xứ là “một gia đình của Chúa, một cộng đoàn đầy tình
huynh đệ, chỉ có một linh hồn” (Lumen Gentium). Hay nói khác đi, Giáo xứ là
một Cộng Đồng Thánh Thể, có năng cách cử hành Bí Tích Thánh Thể, một Cộng Đồng
Đức Tin. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tuyên bố với hàng giáo sĩ Rôma: “Ta
tin tưởng là cơ cấu cổ kính của giáo xứ có một sứ mệnh khẩn thiết rất hợp thời.
Chính giáo xứ là cộng đồng tiên khởi của dân Chúa. Chính giáo xứ đã khai trương
đời sống phụng vụ và tập hợp dân Chúa. Giáo xứ có bổn phận phải bảo tồn và nung
nấu đức tin. Giáo xứ còn là trường dạy dỗ giáo lý cứu rỗi của Chúa Kitô. Giáo
xứ là nơi tích cực thực thi các công tác bác ái huynh đệ”.
Giáo xứ là một hình thức cộng đồng kiểu mẫu, mà mỗi giáo hữu có
nhiệm vụ cùng nhau góp ý kién để cứu xét và giải quyết các vấn đề liên quan đến
giáo xứ. Giáo xứ là căn nhà mở rộng đón tiếp mỗi giáo hữu và phục vụ mỗi giáo
hữu, như là “giếng nước của thôn xóm” đế mọi người đến giải khát.
Giáo dân là nguồn mạch làm cho giáo xứ ngày càng thêm phong phú.
Vì mỗi giáo dân là một “hữu thể cá biệt không thay thế được”. Mỗi giáo dân có
sở trường và sở đoản, có những khả năng về nhiều khía cạnh khác nhau: Người thì
có lợi khẩu, người thì có óc quản trị; am hiểu tinh tường chủ trương đường lối
của Hội Thánh, người thì chuyên cần bếp núc, giữ sạch sẽ thánh đường, người thì
giỏi về thánh nhạc, báo chí... mỗi cá nhân chứa đựng nhiều kho tàng phong phú.
Tuy nhiên phải hiểu rằng mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ, do đó,
đôi khi có sự dị biệt về tư tưởng và hành động. Là người giáo hữu chân chính,
chúng ta cần phải truyền thông cho nhau sự dị biệt trong tình yêu thương và
tương trợ. Giáo hữu phải tạo nên thói quen, trình bày cho hiệp hội phong
trào, cho cộng đoàn, giáo xứ quan điểm riêng của mình về cách thế quản trị và phát triển
cộng đoàn, để cùng nhau nghiên cứu và tìm ra phương thức hòa đồng trong tình
yêu Thiên Chúa và thăng tiến sinh hoạt dựa trên kinh nghiệm thu nhân được trong
đời sống hằng ngày, theo phương pháp suy luận quy nạp và đối thoại công khai.
Với tinh thần xây dựng và cởi mở chúng ta có thể giải quyết thỏa
đáng mọi nhu cầu chính đáng của giáo dân và của giáo xứ. Chỉ có cách này chúng
ta mới có thể được gọi là “một phần thân thể” của giáo xứ, hay là “phần thân
thể” của Nhiệm thể Chúa Kitô, vì người là thân cây nho mà chúng ta là cành.
Không sống trọn lành theo Thánh ý Chúa, chẳng khác nào như cành nho khô “sẽ
bị cắt bỏ, ném vào lửa và đốt đi”.
Trong giáo xứ, mỗi người có nhiệm vụ nâng đỡ những người khác để
tương trợ và sự rao giảng đức tin ngày càng thêm trọn vẹn. Người giáo dân phải
tôn trọng, trong tình nghĩa phụ tử, đối với vị chủ chăn, vị chủ chăn “là
nguyên lý hiển hiện và là nền móng của sự hợp nhất. Sự kết hợp là yếu tố
căn bản để thực thi trọn vẹn ân sủng của Chúa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ
nhị đã nói: “Để xây dựng chắc chắn ngôi nhà chung, chúng ta phải khước từ óc
chia rẽ, bè phái; ngược lại chúng ta phải tôn trọng và sẵn sàng cộng tác với
nhau bằng một tâm hồn nhẫn nại, sáng suốt và sẵn sàng hy sinh”. Tinh thần
kết hợp chỉ có thể phát triển được trong những tâm hồn lành mạnh, có ý chí sáng
suốt và quyết tâm làm lành, lánh dữ, mới thắng lướt được những sự cám dỗ.
(1) Cám dỗ thứ nhứt là làm băng hoại tình đoàn kết, là óc tự kiêu
căng và chủ quan, nghĩ mình luôn luôn tài giỏi và luôn luôn đúng mà đóng cửa
tâm hồn, không hề nghe, hoặc học hỏi được ý kiến của người khác, khiến cho công
tác phát triển bị trì trệ.
(2) Cám dỗ thứ hai là ý chí lười biếng, không cầu tiến và không
phấn đấu để thắng sự chia rẽ, không chịu suy tư và lắng nghe nguyên nhân của
các đề nghị hay có tinh thần chống đối lại các sáng kiến, nghĩa là “thiếu
ánh sáng của sự thông hiệp”.
Thánh Phaolô cũng đã than “Ta nghe mỗi người trong anh em nói:
Tôi thuộc về Apôllô, còn tôi thuộc về Cepha, và tôi thuộc về Chúa Kitô, thế thì
Chúa Kitô bị chia năm sẻ bảy hay sao?” (Cor 1: 12-13). Hay nói khác đi
nhiệm thể của Chúa bị xâu xé. Thánh Phaolô trong bức thư gửi tín hữu thành Côrintô
đã nhắn nhủ “Nhân danh Thiên Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin toàn
thể anh em hãy nhất tâm đừng chia rẽ, nhưng hãy hợp nhất và đoàn kết với nhau
trong tinh thần và trong tư tưởng”.
Sau khi đã tu thân, tề gia, trị quốc, chúng ta phải tiến đến công
tác bình thiên hạ, nghĩa là nỗ lực “làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa
ngày càng lan rộng tới tất cả mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại” (Lumen
Gentium).
Hai nhiệm vụ chính mà người tín hữu giáo dân phải thực hiện đối
với nhân thế là:
1) Rao truyền Phúc Âm để Thánh hóa nhân loại, và đào tạo con người
một lương tâm Công Giáo đích thực để họ có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần
mọi cộng đồng cũng như mọi lĩnh vực sinh hoạt của đời sống.
2) Canh tân những trật tự thế giới.
Hai nhiệm vụ này đòi hỏi người giáo hữu tinh thần tích cực, sáng
suốt, làm sáng tỏ cái chí nhân, chí thiện của mình, trao đổi kiến thức rộng rãi
trong sứ mệnh truyền bá Phúc Âm theo tinh thần mới vì: “Giáo hội không thể
tránh né sứ mệnh thường trực của mình là đem Phúc Âm đến cho từng triệu người
cả nam lẫn nữ chưa nhận biết Chúa, đấng cứu rỗi con người” vì chúng ta có
sứ mệnh phải đi khắp thế giới để rao giảng tin mừng, người giáo hữu cũng mang
nặng sứ mệnh như những chiến sĩ ở tiền tuyến.
Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu với tội ác, võ trang
tinh thần với đức tin và triết lý hành động của Giáo hội, như các vị thiền sư
đắc đạo phải thụ huấn võ công thâm hậu trước khi xuống núi. Chúng ta phải dự
trữ dầu cho ngọn đuốc soi đường cho nhân thế “như những cô gái khôn ngoan mang
theo dầu dự trữ để đón chàng rể quý”.
Chúng ta hoạt động khắp nơi giữa những người theo các tín ngưỡng
khác nhau. Để thăng tiến sự hòa đồng tôn giáo, chúng ta phải biết sứ mệnh
truyền bá Phúc Âm, thuyết phục đối tượng một cách lịch lãm, giữ lễ, nghĩa, liêm
sĩ, chứ không chế bai hay sỉ nhục tha nhân. Thực trạng nầy đòi hỏi chúng ta sự
hiểu biết tín điều của các tôn giáo khác và tinh thần tế nhị, tương kính, mới
có thể khơi mồi cho sự đối thoại, từ đó mới có thể thông cảm và tạo cơ hội cải
hoá được tha nhân.
Muốn vậy, chúng ta phải “nên thánh trong mọi tác phong của mình”
và học hỏi thêm Tông Huấn “Veritatis Splendor” của Thánh GH Gioan Phaolô II,
ban hành vào tháng 8,1993, minh thị quan niệm của Giáo hội về thân phận của
những người ngoại giáo (pagans).
Cơ hội được cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho mọi người kể cả dân
ngoại. Những người không phải vì lỗi của họ, không được biết Thiên Chúa hay
Giáo hội của Chúa, cũng có thể được cứu rỗi nếu họ thật lòng tìm kiếm Thiên Chúa
và thực thi Thiên mệnh được linh ứng qua biểu hiện của lương tâm chính trực.
“Those who without any fault do not know anything about Christ or his Church,
yet who search for God with a sincere heart and under the influence of grace,
try to put into effect the will of God as known to them through the dictate of
conscience… can obtain eternal salvation”(Veritatis Splendor 3).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào đầu
tháng 11 năm 1999, trong cuộc viếng thăm Ấn Độ, đã công bố Tông Huấn: Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia ) đã phát biểu: “ Giáo
hội tỏ lòng cung kính và ngưỡng mộ tất cả truyền thống tinh thần của các Tôn
Giáo Á Châu và muốn dấn thân trong cuộc đối thoại chân thành với các tín
hữu của các tôn giáo. Những giá trị tôn giáo mà các đạo giáo dân gian giảng dạy
đang chờ đón sự viên mãn trong Đức Giêsu Kitô”. “Asia
is also the cradle of the world's major religions—Judaism, Christianity, Islam
and Hinduism. It is the birthplace of many other spiritual traditions such as
Buddhism, Taoism, Confucianism, Zoroastrianism, Jainism, Sikhism and Shintoism.
Millions also espouse traditional or tribal religions, with varying degrees of
structured ritual and formal religious teaching. The Church has the deepest respect for these traditions and seeks to engage
in sincere dialogue with their followers. The religious values they
teach await their fulfilment in Jesus Christ.
Tông huấn Veritatis Splendor và Tông thư Ecclesia in Asia giúp
chúng am hiểu thêm các phương cách cứu rỗi tiềm ẩn trong tín lý
“Ngoài Giáo hội, không có sự cứu rỗi- Extra Ecclesiam, nulla salus” và “ No one can enter the Kingdom
of God unless he is first born of water and Spirit. (Jn 3:5).
Từ thuở tạo thiên lập địa, từ Đồng chí Tây, từ Nam
chí Bắc, nhân thế đã tin vào một Đấng Tạo Hóa toàn năng, là đệ nhất tác
nhân, (First agent) tạo nên muôn loài và vũ trụ. (St. Thomas Aquino. Thượng Đế
nội tại (immanent) ở trong vạn vật và trong nội tâm hay
lương tri của mỗi người nên trên bình diện tự nhiên. Thượng Đế đã hiện hữu trong tâm trí của mọi nhân thế họ rồi. Kinh
dich Trung Hoa cũng đã thể hiện ý niệm nầy qua nhân định “Nhất nhân chi tâm tức
Thiên địa chi tâm” Tâm của mỗi người là tâm của Thiên địa.
Với “Tình
nhân loại hổ tương và bác aí cộng đồng cố hữu của Công giáo được nới rộng, đặc tính nầy đã gây ảnh hưởng lớn lao khiến cho dân chúng của các dân tộc dị giáo và công dân La Mã, kể cả Hoàng Đế La Mã Constantine (306-337 AD) đã trở lại
đạo, khiến cho Thiên Chúa Giáo trở thành quốc giáo
của Đế Quốc La Mã vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. “It was the Christian spirit of mutual love and communal charity that
astonished and impressed the pagans and the Romans”. Từ đó, khi nói đến Công
Giáo, thế nhân nghĩ đến La Mã và ngược lại khi nói đến La Mã, thế nhân liên
tưởng đến Giáo hội Công giáo.
Sự hiện hữu của các giáo dân trong các tổ chức văn hoá, kinh tế,
xã hội, chính trị…là bước khởi đầu cho công cuộc thánh hoá. Sự tham gia vào các
tổ chức phải đặt trên căn bản thánh thiện, nhằm mục đích phục vụ phúc lợi
chung, tránh vấn đề ủng hộ hay phản đối mù quáng. Không nên sinh hoạt vì phe
phái mà quên rằng thiên hạ đang nhìn mình như là một chi thể của giáo hội, xử
thế không đúng cách sẽ bị xem như “cành nho héo, sẽ bị thiên hạ bỏ vào lửa
mà đốt đi”. (Jn. 6:16)
Để hỗ trợ mọi giáo dân chu toàn trách vụ truyền bá Phúc Âm, Cộng
Đồng Vatican II “đã khuyến khích người Kitô hữu nên chu toàn công tác trần
thế một cách nhiệt tình, trung tín và vâng theo tinh thần Phúc Âm”. Nhiệm
vụ cải tiến trật tự xã hội bao gồm trong triết lý xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, nhằm quảng bá công bình, bác ái cho nhân thế và phát triển, canh tân mọi
hoạt động về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị quốc gia và thế giới trong
tinh thần tôn trọng tự do dân chủ vả những quyến bất khả xâm phạm do Thượng Đế
ban cho nhân loại. Do đó, không thể nói Công Giáo lơ là với lập trường chính
trị, mà Công Giáo là đạo nhập thế, hiện hữu trong mọi sinh hoạt của thế trần để
mưu cầu phúc lợi chung cho nhân loại.
Tóm lại, người tín hữu giáo dân phải thể hiện đức hạnh trong đời
sống cá nhân, đời sống gia đình, và trong công tác phụng sự Giáo Xứ, Giáo Hội.
Chúng ta có nhiệm vụ nêu cao tinh thần kết hợp, phát triển tình huynh đệ đại
đồng, xây dựng thế giới ngày càng hưng thịnh trong tự do, thanh bình và no ấm.
Chúng ta thực thi sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho
chúng ta là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan rộng đến tất cả
mọi người, mọi nơi và mọi thời đại.
Trần Xuân Thời