Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 15/07/2020
“Lạy
Đức Trinh Nữ Maria… là vẻ đẹp cùng là vinh hiển Núi Cát Minh… Xin đoái xem đến
con và che chở con dưới áo thánh Mẹ. Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ.” Đối với
tất cả những ai yêu mến Đức Mẹ Cát Minh, cách riêng các thành viên Huynh Đoàn
Áo Đức Bà thì lời kinh quen thuộc này nhắc cho họ nhớ về thế giá đầy quyền uy của
Mẹ Maria giữa lòng Giáo Hội và vai trò không thể thay thế của Mẹ trong kế hoạch
cứu độ của Thiên Chúa (x. Gl 4, 4-6; Lumen
Gentium, #8; ĐTC Gioan Phaolo II, Redemptoris Mater, #1). Nhưng
trong Kinh Thánh, chúng ta lại nghe chính Đức Maria đã tự nhận mình chỉ là “nữ
tỳ hèn mọn” (x. Lc 1: 38 & 48). Phải chăng khi cao rao Mẹ là Đấng “đầy quyền
uy” chúng ta đang đi nghịch lại ý muốn của Mẹ chăng? Xét trên phương diện linh
đạo và từ kinh nghiệm tu đức của các thánh Dòng Cát Minh, chúng ta tìm ra lời
giải đáp cho lý do tại sao Hội Thánh hết lời ca tụng Mẹ là Nữ Vương uy quyền
trên nước Thiên Đàng. Uy quyền của Mẹ là hoa trái của một đời sống chiêm niệm nội
tâm, kết hiệp mật thiết cùng Thiên Chúa Đấng đã đoái thương chọn Mẹ.
Nhân ngày lễ kính Đức Mẹ Núi
Cát Minh, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm chân dung người “nữ tỳ hèn
mọn” của Thiên Chúa để qua đó, chúng ta tái khám phá lại sức mạnh nội tâm đến
từ mẫu gương chiêm niệm cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ chúng ta.
Sức mạnh của lòng tin
Ngay từ những trang đầu của sách
Tin Mừng, chúng ta đã thấy người thiếu nữ làng Nadarét xuất hiện với một lòng
tin mạnh mẽ phi thường. Chẳng hạn như nơi biến cố truyền tin, Thánh sử Luca dùng
hai tiếng “xin vâng” để diễn tả đức tin vững mạnh của Đức Maria. Lời thưa vâng
phục vừa ngắn gọn vừa dứt khoát ấy cho thấy tự bấy lâu nay, tâm hồn Mẹ lúc nào
cũng thuộc trọn về Chúa. Đó là thái độ sẵn sàng của một con tim đầy lòng tin tưởng
phó thác. Chúng ta tiếp tục nhận ra niềm tin ấy nơi cuộc thăm viếng của Mẹ
Maria dành cho người chị họ Elizabet. Nếu như không tin những lời sứ thần
Gabriel nói là sự thật thì Mẹ đã chẳng việc chi phải gấp rút lên đường đến với gia
đình Dacaria. Chính bà Eliabet đã nói thay cho muôn ngàn thế hệ khi khen ngợi Đức
Maria rằng: “Em quả thật có phúc vì em đã tin” (x. Lc 2, 45).
Niềm tin của Đức Maria dành
cho Thiên Chúa cứ thế mỗi ngày mỗi thêm mãnh liệt và lớn mạnh. Lòng tin ấy được
bộc lộ nơi từng biến cố vui buồn khác nhau xuyên suốt hành trình Mẹ dõi theo dấu
chân rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu con Mẹ: Từ máng cỏ Bêlem đến Aicập tha
hương lữ khách; từ những lời tiên tri của cụ già Simêon đến biến cố thất lạc
Hài Nhi Giêsu nơi đền thờ Giêrusalem; từ tiệc cưới linh đình tại Cana đến chân thập
giá hãi hùng trên đỉnh núi sọ… Đằng sau mọi nghịch cảnh và thử thách là một đức
tin không hề lung lạc. Nếu như đức tin là công cụ mà nhờ đó chúng ta có thể tin
vào Thiên Chúa và tất cả những gì Người bày tỏ cho chúng ta (x. GLHTCG, #1814)
và tin được hiểu như là hành vi dâng hiến trọn vẹn toàn thể thân xác linh hồn,
lý trí tình cảm cho Thiên Chúa thì quả thật Đức Maria là mẫu gương tuyệt hảo
cho chúng ta về lòng tin (x. Dei Verbum, #5). Mẹ đã trao hiến cho Thiên
Chúa tất cả mọi sự, không hề giữ lại bất cứ điều gì cho riêng Mẹ.
Từ khi Dòng Cát Minh xuất hiện
cho đến nay, các tu sĩ Cát Minh không ngớt lời tôn vinh Đức Maria như mẫu gương
của nếp sống thanh khiết. Nhiều kinh nguyện cổ kính của Dòng còn ghi lại tước
hiệu Virgo Purissima – “Nữ Trinh cực tinh cực sạch” để ca tụng Đức Mẹ.
Sách các Ẩn Sĩ Tiên Khởi (Liber de
Institutione Primorum Monacharum) có niên đại từ những thế kỷ đầu
của Dòng đã diễn tả Đức Maria như mẫu gương cho toàn thể con cái Dòng Cát Minh
về đức thanh tịnh (x. Thư Bề Trên Tổng Quyền Dòng Cát Minh và Dòng Cát Minh
Têrêxa nhân dịp 750 Năm Áo Đức Bà, 2001, #16). Thanh tịnh ở đây không chỉ đơn
thuần là khiết tịnh về mặt luân lý nhưng còn là một con tim tận hiến trọn vẹn
cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho bất cứ ai hay bất cứ thứ gì khác trên đời này.
Tâm hồn thanh khiết của Mẹ được diễn đạt bằng một con tim hoàn toàn trống rỗng
để chỉ một mình Thiên Chúa lấp đầy mà thôi (Vacare Deo). Nói đơn giản, trong
trái tim của Mẹ Maria luôn có Chúa hiện diện, nên chẳng khó khăn thử thách nào
khuất phục được Mẹ. Sức mạnh của Mẹ là sức mạnh của ai đặt trọn niềm tin tưởng
vào Thiên Chúa. Mẹ đã “ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ
ra tay” (Tv 37, 5).
Sức mạnh chiêm niệm nội tâm
Trong thư gửi các thành
viên Tổng tu nghị Dòng Cát Minh 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi
truyền thống và linh đạo tốt lành của Dòng Cát Minh, đặc biệt là
nếp sống chiêm niệm cô tịch. Nhắc đến các vị thánh lớn của Dòng kể
cả Thánh Tổ phụ tinh thần là Ngôn sứ Ê-li-a, Đức Thánh Cha xác quyết
rằng người nào đã từng kinh qua quá trình thao luyện trong ‘sa mạc nội
tâm’, họ sẽ có một nội lực rất đặc biệt. Nội lực ấy sẽ tự động toát ra như
hương thơm nhân đức không thể che giấu được. Nội lực ấy đến từ Thiên Chúa vì những
vị này đã bước ra khỏi ‘sa mạc’ với một tâm hồn ngập tràn thần khí. Họ
trở nên những con người đầy quyền uy trong trong lời nói và việc làm
vì trước đó họ đã dành thời gian để lắng nghe tiếng Chúa nói với
họ trong cô tịch và thinh lặng (x. 1Vua, 19:12). Đối với anh chị em Cát
Minh, Đức Maria là Mẹ và là Chị là vì đối với họ, Mẹ đích thực là “tấm gương sáng”
cho lý tưởng chiêm niệm và là mẫu mực về đức vâng phục (x. Thư dịp 750 Năm Áo Đức
Bà, #17). Chẳng vậy mà Kinh Thánh có ghi lại rằng: Đức Maria hằng “lắng nghe và
tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Không chỉ lắng nghe theo cách thông thường,
Mẹ “còn hằng luôn ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2, 19; Lc 3,
51).
Là một trong những gương mặt
thánh thiện của Dòng Cát Minh đương đại, Chân Phước Titus Brandsma đã khẳng định
rằng khi nhìn vào mẫu gương Mẹ Maria, các tu sĩ Cát Minh nhận ra chúng ca cần
phải liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa đến nhường nào (Trích Quaranta Giorni,
#14). Chỉ qua việc kết hợp với Thiên Chúa trong cầu nguyện, chúng ta mới có thể
hoàn thành sứ mạng Chúa giao phó. Sứ mạng đó là gì nếu không phải là trọng
trách đáp ứng nỗi ‘khát khao Thiên Chúa’ của nhân loại hôm nay. Khao khát
này là có thực và mỗi ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Khát khao này chỉ được
thỏa nãm bằng đời sống kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện.
Tu sĩ Cát Minh được mệnh
danh là “thầy dạy cầu nguyện.” Điều này không có nghĩa là chúng ta
phải mở miệng giảng dạy người khác cách thức cầu nguyện, nhưng đúng
hơn là chính chúng ta phải là những con người của cầu nguyện. Nói
cách khác, chúng ta sẽ gợi hứng cho anh chị em xung quanh thực hành
việc cầu nguyện khi họ nhận ra nơi chúng ta đức tin mạnh mẽ, khi họ thấy
nơi chúng ta hình ảnh những bạn hữu của Thiên Chúa, và khi họ cảm nghiệm được thế nào là tiến bước trong sự
dẫn dắt của Thần Khí (x. Thư ĐTC Phanxicô gửi Tổng Hội 2019). Con người
mạnh mẽ trong đức tin, sống trong tương quan bạn hữu với Thiên Chúa và
hằng vâng nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, tất cả những điều
này đều là những đặc điểm dùng để chỉ những tâm hồn chiêm nhiệm Cát
Minh.
Sức mạnh của lòng cảm thông và
tình mến
Những lời Mẹ Maria nói ra
có sức mạnh lạ lùng vì chúng là mệnh lệnh của con tim đầy bác ái.
Quả thực Kinh Thánh chẳng ghi lại một lời nào cho thấy Mẹ cầu xin Chúa Giêsu
điều gì cho bản thân Mẹ. Nếu Mẹ có xin thì chỉ là xin cho người khác mà
thôi. Tại tiệc cưới Cana, khi nhận thấy gia chủ thiếu rượu, Thân Mẫu Đức Giêsu
nói với Người: “Họ hết rượu rổi.” (x. Lc 2, 1-11). Qua mẫu gương thương người
của Mẹ Maria chúng ta nhận ra thêm một đặc điểm khác của đời sống
chiêm niệm nội tâm, đó là lòng trắc ẩn và từ tâm.
Chiêm niệm không chỉ là
chiêm ngắm và yêu mến Chúa trong những lúc xuất thần kỳ bí. Chiêm
niệm thực sự phải như là khung cửa sổ mở ra trước mắt chúng ta cả
một bầu trời của chân - thiện – mỹ. Cho dù hoàn cảnh thực tế của
chúng ta có tăm tối mù mịt đến mức nào đi nữa nhưng với khung cửa
chiêm niệm, chúng ta khám pha ra ý nghĩa của đời mình, của việc mình đang làm
và của điều mình cần dấn thân. Chân Phước Angelo Paoli của Dòng Cát Minh
đã làm chứng cho điều này khi hết mình tận tụy phục vụ người nghèo
tại nước Ý. Ngài đã nhận ra Chúa Kitô hiện diện trong anh chị em bần
cùng đói khổ. Từ đó ngài hy sinh cả cuộc đời chỉ để hun đúc lên niềm
hy vọng và tình yêu nơi tâm hồn của những con người bị xã hội hoàn
toàn lãng quên. Ngài nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì nhất định phải
tìm kiếm Người nơi anh chị nghèo khổ vì họ là anh chị em của Đức Kitô.”
Giữa bối cảnh xã hội tối đen, Chân Phước Angelo Paoli tỏa sáng bằng
con tim đầy ắp tình yêu của thiên Chúa. Ẩn sâu sau những gương mặt nhem
nhuốc, những thân hình gầy guộc, những thân phận bi đát là hình ảnh
Người Tôi Trung của Thiên Chúa, là hình ảnh của Đức Kitô chịu đóng
đinh, là Ánh Sáng Muôn Dân. Người tu sĩ Cát Minh chỉ nhận ra ánh sáng
ấy nếu như họ mang lấy cặp mắt của Thiên Chúa, cặp mắt chiêm niệm. Hơn
nữa chỉ trong tư thế chiêm niệm như Mẹ Maria nơi chân thập giá, chúng ta mới nhận
ra chân giá trị của những lời Đức Giêsu trối lại khi xưa: “Này là con của Mẹ…
Này là Mẹ con” (x. Ga 19, 26-27).
Kết: “Con yếu đuối, xin uy quyền
Mẹ nâng đỡ”
Đại gia đình Cát Minh khắp nơi
long trọng mừng kính Đức Maria với tước hiệu Đức Mẹ Núi Cát Minh không chỉ là để
tôn vinh vị thế đặc biệt của thánh Bổn Mạng. Chúng ta, con cái của Mẹ Cát Minh
nhận thấy rằng mỗi dịp lễ mừng kính Mẹ là dịp để chúng ta học hỏi các nhân đức
Mẹ đã nêu gương. Nói cách khác, đây là dịp để chúng ta tự xét mình xem chúng ta
đã sống lời chúng ta khấn hứa cùng Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta cam kết noi
gương Đức Trinh Nữ Maria, Tổ Phụ Êlia và các Thánh Dòng Cát Minh để vươn tới đức
ái trọn hảo như Chúa Giêsu Kitô đã mời gọi chúng ta dấn bước.
Ôn lại đời sống chứng tá
của các thánh Dòng Cát Minh, cách riêng là mẫu gương khiêm hạ và vâng phục
của Mẹ Maria là để chúng ta có thể nhận ra món quà vô giá mà Thiên Chúa
đã trao cho Dòng Cát Minh suốt tám thế kỷ qua, đó là đời sống chiêm niệm
nội tâm. “Chiêm niệm nội tâm” không chỉ là ân ban của Thiên Chúa mà còn
là di sản tinh thần các thế hệ đi trước truyền lại cho hậu duệ Cát
Minh chúng ta ngày nay. Nhờ đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong
cô tịch và cầu nguyện, chúng ta trở nên các Maria khác trong đời thường, là những áng mây báo hiệu mưa trời tươi mát đổ
xuống trên nhân loại đang dày vò vì nỗi khát khao Thiên Chúa và khát khao Tin Mừng
Cứu Độ (x. 1 Vua 18, 41-46).
KINH
KÍNH ĐỨC MẸ NÚI CÁT MINH
Lạy
Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc không mắc tội truyền. Mẹ là vẻ đẹp cùng là vinh
hiển Núi Cát Minh. Mẹ lấy lòng từ bi nhân hậu đoái nhìn các kẻ mang áo thánh
Mẹ. Xin đoái xem đến con và che chở con dưới áo thánh Mẹ. Con yếu đuối, xin uy
quyền Mẹ nâng đỡ. Xin đức khôn ngoan Mẹ soi sáng tâm trí u ám con. Xin in vào
lòng con đức tin cậy và đức mến. Xin hãy dùng thánh sủng và đức hạnh mà trang
điểm linh hồn con, để con được chính Con Chí Ái của Mẹ và được Mẹ yêu thương.
Xin hãy phù hộ con khi sống và trong giờ lâm chung. Xin Mẹ âu yếm đến viếng
thăm và yên ủi con, và dâng trình con cho Chúa Ba Ngôi như là con và là đầy tớ
trung thành của Mẹ hầu con được ngợi khen chúc tụng Mẹ trên nước thiên đàng đời
đời chẳng cùng. Amen.