MẦU NHIỆM ĐỨC TIN – MẦU NHIỆM HY VỌNG
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 12/06/2020
Trong mỗi Thánh lễ, sau phần
truyền phép, linh mục chủ tế long trọng công bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin” (mysterium fidei). Ngay lập tức cả cộng đoàn phụng vụ đáp lại bằng lời tung hô đầy
xác quyết: “Lạy Chúa [Kitô], chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên
xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến” (x. 1 Cr 11, 26). Ở đây, “mầu nhiệm đức
tin” mà cả cộng đoàn phụng vụ cung kính tuyên xưng chính là bí tích Thánh Thể,
là việc Chúa Giêsu trao ban Mình và Máu Người cho nhân loại qua hy tế thập giá
dưới hình bánh rượu để trở nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng con người
chúng ta (x. Sacrosantum Concilium, #9; GLHTCG, ## 1332; 1355; 1362; 1366).
Chính vì bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống
Kitô giáo cho nên bí tích này giữ một vị trí không thể thay thế trong đời sống
đức tin của dân thánh Chúa (x. Lumen Gentium, #11). Hội thánh tuyên xưng
bí tích Thánh Thể là “mầu nhiệm đức tin” không đơn giản chỉ vì đức tin là điều
kiện tiên quyết cần có khi cử hành và lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa (x.
GLHTCG, ##1153 & 1381) nhưng còn là vì qua bí tích này, Thiên Chúa ban “ơn
phúc bởi trời” nhằm tiếp thêm sức mạnh củng cố niềm tin và hy vọng cho dân
thánh Người (x. GLHTCG, #1402; Ecclesia de Eucharistia, #6&62).
Mầu nhiệm đức tin
Hiến chế về
Phụng vụ Sacrosanctum Concilium của Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng
toàn bộ phụng vụ thánh, nhất là Hy Tế Tạ Ơn hay còn gọi là Thánh lễ là nơi con
người trần thế chúng ta được thông dự và cảm nếm trước phụng vụ trên trời, cho
nên trước khi tham dự vào bất cứ nghi lễ phụng vụ nào, phàm nhân chúng ta cũng cần
phải được chuẩn bị cách xứng hợp, đó là phải có lòng “tin và hoán cải” thực sự (x.
Sacrosanctum Concilium, ## 2&9). Thánh Phaolô Tông Đồ đã từng nói: “Làm
sao người ta có thể kêu khấn Ðấng mà họ không tin?” (x. Rm 10,14). Quả vậy,
hành vi cầu khẩn và tôn vinh chính là dấu hiệu cho thấy con người ta ít là tin
vào sự hiện diện và quyền năng của đấng mà họ đang cầu xin và tôn kính. Điều
này cũng được sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo làm sáng tỏ thêm khi xem cử hành
Phụng vụ như một cuộc đối thoại giữa con cái với Cha trên trời; nơi đó Thiên
Chúa ngỏ lời và dân chúng đáp lại bằng lòng tin (x. GLHTCG, #1153). Nguyên tắc
phổ quát này dĩ nhiên hoàn toàn đúng khi áp dụng vào từng nghi lễ phượng thờ của
Hội Thánh, kể cả bí tích Thánh Thể, nhiệm tích Tình Yêu.
Trong bí tích
Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi bước trước khi Người tự ý trao nộp chính mình để cứu
chuộc nhân loại lỗi lầm. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta đáp lại tình yêu tự hiến
đó của Chiên Thiên Chúa bằng lòng tin kính sâu xa và với tình mến chân thành.
Chính vì vậy mà ngay sau khi linh mục chủ tế truyền phép, và dưới tác động của
Chúa Thánh Thần, tuy lễ vật trên bàn thờ vẫn xuất hiện dưới hình bánh và rượu
nhưng toàn thể cộng đoàn phụng vụ hợp với linh mục cung kính bái thờ và tuyên
xưng sự hiện diện “hữu hình” của Chúa Kitô nơi Mình và Máu Thánh Chúa. Đây là
khoảnh khắc duy nhất trong toàn bộ phần Kinh nguyện Thánh Thể khi mà cộng đoàn
Phụng vụ ngỏ lời trực tiếp cùng Chúa Giêsu (Ngôi Con) thay vì thưa cùng Chúa
Cha như trong những phần khác. Lúc ấy cộng đoàn đức tin chăm chú vào Phép Thánh
Thể và đồng thanh chúc tụng: “Lạy Chúa Cứu Thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự phục
sinh của Chúa để giải thoát chúng con, xin cứu độ chúng con.” Lời tung hô này
thốt ra từ môi miệng những người đang quây quần quanh bàn thờ nơi mầu nhiệm cực
trọng xảy ra, mầu nhiệm biến thể từ bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa.
Đây đồng thời cũng là lời khấn nguyện tha thiết của cộng đoàn phụng vụ. Dân Chúa
nài xin Đấng Cứu Thế làm cho hiệu quả cứu độ của bí tích Thánh Thể tác động trực
tiếp trên họ.
Như chúng
ta đã nói ở trên, hành vi “chúc tụng” và “khấn xin” tự chúng đã bao hàm hành vi
“tin kính.” Cộng đoàn phụng vụ tin rằng Thánh Lễ không chỉ là tưởng niệm nhưng
còn là hiện thực hóa hy tế Thập giá của Đức Kitô (x. GLHTCG, ##1329-1330). Theo
cách nói của sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, bí tích Thánh Thể là “mầu nhiệm đức
tin” vì bí tích này là “bản toát yếu và là tổng luận toàn bộ đức tin của chúng
ta” (x. GLHTCG, #1327).
Thông Điệp
Ecclesia
de Eucharistia của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cung cấp thêm cho
chúng ta những lời giải thích cặn kẽ hơn về vấn đề chúng ta đang tìm hiểu. Bí tích
Thánh Thể thực sự là mầu nhiệm đức tin ấy là vì Phép Thánh Thể là “mầu nhiệm vượt
xa lý trí chúng ta và chỉ có thể được chấp nhận bằng đức tin mà thôi.” Các vị
Giáo phụ đã nhắc đi nhắc lại điều này khi bàn về Bí tích Thần linh. Thánh
Cyrillô thành Giêrusalem chẳng hạn, đã dạy rằng: “Anh em đừng nhìn trong bánh
và rượu những yếu tố thuần tuý tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói rõ đó là Mình và
Máu Người; đức tin bảo đảm cho anh em, mặc dù giác quan trông thấy một điều
hoàn toàn khác” (Catéchèses mystagogiques, IV, 6: Ch 126, tr. 138). Chỉ
trong cái nhìn đức tin chúng ta mới “hiểu” và chấp nhận được những gì Chúa đã
nói và đã làm khi Người cầm lấy bánh và nâng chén rượu mà nói: “Này là mình Thầy…Đây
là chén máu thầy” (x. Lc 22, 19-20).
Kinh Thánh
ghi nhận rằng một số môn đệ Chúa Giêsu đã vấp ngã khi nghe Người mặc khải về bí
tích Thánh Thể. Thật thế, trong thời gian rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã
nhiều lần loan báo trước rằng Người sẽ lập bí tích Thánh Thể. “Thật tôi bảo thật
các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống
nơi mình… Thịt tôi đây chính là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Thánh sử
Gioan thuật lại rằng, khi nghe những lời ấy, nhiều môn đệ đã không thể tin vào lời
Chúa nói. Họ xầm xì với nhau: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Thế rồi
họ lần lượt rút lui không còn đi theo Người nữa. Chính Chúa Giêsu nhận định rằng
thái độ phản kháng và rút lui của những người này là biểu hiện của đức tin yếu
kém. Hơn nữa Người còn biết rõ là trong số đó “có những kẻ không tin” (x. Ga 6,
53; 60-66).
Điều kiện
thông thường đòi buộc chúng ta đến với Phép Thánh Thể bằng đức tin và lãnh nhận
Mình Máu Thánh Chúa với cả lòng tôn kính. Nhưng điều này không đồng nghĩa với
việc nói rằng: Bí Tích Thánh Thể chỉ dành cho những ai có lòng tin mạnh mẽ. Câu
hỏi được đặt ra là liệu có đúng không khi chúng ta khước từ đến với Bàn tiệc
Thánh Thể, với Thánh lễ mỗi khi chúng ta cảm thấy chao đảo trong niềm tin của
mình? Những lúc thấy lòng nguội lạnh, chai đá, chúng ta phải làm gì đây?
Mầu nhiệm ánh sáng
Thông điệp Ecclesia de
Eucharistia giúp chúng ta xác quyết rằng “Thánh lễ vừa là nghi lễ
tưởng niệm Hy tế Thập giá để lưu truyền muôn đời, vừa là Bàn tiệc Thánh để
thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa, cả hai gắn liền và không thể tách rời
nhau. Giáo Hội liên tục sống nhờ hy tế cứu độ, và đạt đến hy tế đó không
phải bằng một kỷ niệm đơn thuần đầy niềm tin mà thôi, nhưng còn bằng một cuộc
tiếp xúc hiện tại” (Ecclesia de Eucharistia, #12). Ở đây
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ diệu kỳ giữa cộng
đoàn phụng vụ Thánh Thể và Đức Kitô - Đấng là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu. Hay
nói cách khác, trong tương quan với bí tích Thánh Thể, Giáo Hội không chỉ cử
hành bằng những điệu bộ bên ngoài mà thôi nhưng còn phải sống tâm tình và ý nghĩa thâm
sâu của bí tích cực trọng. Nhờ bí tích Thánh Thể, Giáo Hội được nuôi dưỡng và được
soi sáng. Với ý nghĩa đó, bí tích Thánh Thể không chỉ là “mầu nhiệm đức tin” mà
còn là “mầu nhiệm ánh sáng” (x. Ecclesia de Eucharistia, #6).
Mỗi lần Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể, các Kitô hữu
một cách nào đó như sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Em-mau: “Mắt
họ mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31). Kinh nghiệm của hai môn đệ làng Em-mau
có thể nói là kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, và là kinh nghiệm ơn
biến đổi nhờ Phép Thánh Thể. Trọng cuộc “biến đổi” diệu kỳ này, chúng ta như
tìm ra lời giải đáp đầy an ủi cho những câu hỏi chúng ta đã đặt ra. Chính trong
những giây phút tuyệt vọng nhất, hoài nghi nhất, Chúa Giêsu vẫn đồng hành, vẫn
gần gũi thân thiện, và nhất là vẫn muốn “nuôi dưỡng” chúng ta bằng Lời Hằng
Sống và Bánh Trường Sinh là chính Mình Thánh Người. Chúa không những không muốn
chúng ta trốn chạy mà còn mong mỏi chúng ta đến với Người bằng con người chân
thật không giả dối. Chúa sẵn lòng đón nhận những bước chân quay về xưng thú với
Người hết tất cả những hoài nghi và vấp ngã: “Phần chúng tôi, trước đây đã từng
hy vọng rằng Người là Đấng sẽ cứu chuộc It-ra-en” (Lc 24, 21). Chúa đã vui vẻ đón
nhận sự hiếu khách của hai môn đệ và biến nó thành cơ hội để các ông nhận ra
Người: “Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều” (Lc 24, 29). Chúa đã chỉ
ra cho hai môn đệ làng Em-mau và cho cả chúng ta thấy rằng chúng ta thường chỉ mang
đến bàn tiệc Thánh Thể chút lễ vật ít ỏi, trong khi đó chính Chúa sẽ bù đắp tất
cả những gì còn thiếu sót, kể cả đức tin yếu đuối mỏng giòn của chúng ta. Kinh
nghiệm “bẻ bánh” tại làng Em-mau cho thấy Chúa chẳng bao giờ khinh chê “tấm
lòng tan nát giày vò” (Tv 51, 19) và Người sẽ luôn vui nhận lễ vật bác ái giao
hòa (x. Mt 5, 24). Khi chúng ta dâng lên Chúa Cha qua hy tế Thánh Thể của Chúa
Giêsu những lễ vật chân thành ấy, chúng ta sẽ nhận lại điều mà Giáo Hội vẫn
kính cẩn giữ gìn hàng nghìn năm qua, đó là “toàn bộ của cải thiêng liêng của
Hội Thánh”, là Bánh Bởi Trời, là Thần Lương vô giá giúp bồi bổ lòng tin kém cỏi
của chúng ta (x. GLHTCG, #1324).
Mầu nhiệm
hy vọng
“Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và
uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại
cho tới khi Chúa đến” (x. 1 Cr 11, 26). Nhờ bí tích Thánh Thể, dân thánh Chúa
không chỉ được củng cố đức tin mà còn được nuôi dưỡng niềm hy vọng để vững lòng
sống thuận theo ý Chúa cho đến ngày Con Chúa quang lâm ngự đến. Chúng ta có thể
nhận ra “niềm hy vọng hồng phúc” do bí tích Thánh Thể mang lại thực sự trổ sinh
nơi chứng tá sống động của rất nhiều thế hệ Kitô hữu, nhất là những người đã và
đang chịu bách hại vì Danh Chúa Kitô. Đã có rất nhiều vị tử đạo dù sống trong
muôn vàn đắng cay nhục hình mà vẫn một lòng trung thành với Chúa Kitô. Bí quyết
chung của các ngài là nhờ họ đã bám vào nguồn sức mạnh vô song: Bí tích Thánh
Thể.
Chúng ta hãy đọc lại những lời
chứng sống động của đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người lữ khách
dày dạn kinh nghiệm đã xuất sắc đi trọn con đường hy vọng. Ngày nay, ngài được
nhiều người biết đến và mến mộ như một chứng nhân kiên cường của niềm hy vọng
Kitô giáo. Trong tập sách Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn
Văn Thuận hồi tưởng lại việc ngài dâng Thánh lễ và chầu Thánh Thể trong giai đoạn
đen tối nhất của đời ngài, 13 năm bị giam cầm. Ngài cho biết, trong quãng thời
gian đó, thời gian ngài gần như mất hết tất cả, ngài chỉ còn lại nguồn sức mạnh
duy nhất giúp cho ngài giữ vững niềm hy vọng: đó chính là Phép Thánh Thể.
Giữa chốn lao tù, khi nhận được
một chai thủy tinh nhỏ bên ngoài có dán giấy đề chữ “thuốc trị bệnh đường ruột”
và bánh lễ xé nhỏ bỏ trong một cái lọ chống ẩm, ĐHY nhớ lại: “Không bao giờ tôi
vui bằng hôm đó. Từ đấy mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng
bàn tay, tôi dâng Thánh lễ.” Ngài kể tiếp, cách dâng lễ mỗi nơi mỗi khác. Dưới
hầm tàu thủy chở ngài ra miền Bắc, ban đêm ngài ngồi giữa mấy bạn tù, bàn thờ
là túi cói đựng đồ... Lúc ở trại Vĩnh Quang ngài phải dâng lễ trong góc cửa ban
sáng lúc người ta đi tắm sau giờ thể dục. Lúc đã quen với thời khóa biểu của trại,
ngài dâng lễ ban đêm, với những tù nhân Công Giáo chung đội với ngài. Khoảng 9
giờ rưỡi đêm, nghe tiếng kẻng là tắt đèn và mọi người phải nằm trong mùng muỗi
cá nhân. Lúc ấy ngài ngồi cúi sát xuống để dâng lễ thuộc lòng. Rồi ngài đưa tay
dưới mùng để chuyển Mình Thánh cho các anh em gần đấy chịu lễ. Họ nhặt giấy
nylon bọc bao thuốc lá để làm những túi nhỏ đựng Mình Thánh. Như thế, Chúa
Giêsu luôn ở giữa họ. Ngài không bao giờ quên kinh nghiệm này: “Chúng tôi tin một
sức mạnh: Thánh Thể. Thịt Máu Chúa làm cho chúng tôi sống: ‘Ta đã đến là để
chúng được sống và sống dồi dào’ (Ga 10, 10). Như Man-na nuôi dân Do Thái trên
đường về Ðất hứa, Thánh Thể nuôi [chúng tôi] đi [đến cuối tận con] đường Hy vọng
(x. Ga 6, 58).”
Ai ngờ được trong bối cảnh tù
đầy, giữa những buổi học tập chính trị khắc nghiệt, lại có những nhóm tù nhân
Công Giáo truyền nhau mang các túi nylon đựng Mình Thánh trong túi áo như những
nhà tạm lưu động. Ai nấy đều biết rằng có Chúa Giêsu Thánh Thể đang ở giữa trại
tù với họ. Chính Ngài an ủi, xoa dịu những khổ đau thể xác và tinh thần; chính Chúa
thêm sức can đảm chịu đựng cho họ. Ban đêm, họ thay phiên nhau làm giờ thánh.”
ĐHY còn xác tín rằng sự hiện diện thinh lặng của phép Thánh Thể biến đổi những
người này cách lạ lùng. “Nhiều người Công giáo trở lại sống đạo đức hơn; nhiều
anh em không Công giáo, Phật giáo tìm hiểu Phúc âm và lãnh phép Thanh tẩy trong
trại cải tạo, hoặc sau lúc được tự do. Không có gì cưỡng lại được tình yêu Chúa
Giêsu. Ðêm tối của ngục tù trở thành ánh sáng, hạt giống đã đâm chồi dưới đất
đang lúc trời giông tố phong ba. Những ơn trọng này do Chúa Giêsu Thánh Thể chứ
không phải do sức loài người.”
Ước chi mỗi khi chúng ta khi ngã
lòng vì thử thách của cuộc đời, chúng ta cũng biết làm theo những gì ĐHY đã nêu
gương: “Có lúc buồn nản vô cùng, tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ
rơi trên Thánh giá: Người không giảng dạy, thăm viếng hay chữa lành bệnh tật
chi hết. Người hoàn toàn bất động. Trong mắt con người, cuộc đời Chúa Giêsu là
vô ích, là thất bại. Nhưng đối với Thiên Chúa, chính giây phút ấy lại là giây
phút quan trọng nhất của đời Ngài, vì trên Thánh giá Chúa đã đổ máu mình ra để
cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu là mẫu gương của tình yêu tuyệt đối đối với Ðức
Chúa Cha và các linh hồn.” Đúng vậy, nơi bí tích Thánh Thể, Chúa đã trao cho
chúng ta tất cả chỉ vì Người qúa yêu và yêu chúng ta đến tận cùng (x. Ga 13, 1).
Kết: “Hãy ở lại trong tình
thương của Thầy” (Ga 15, 9)
Xin mượn lời
của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một tông đồ nhiệt thành của bí tích Thánh
Thể, để khép lại những giòng suy tư hôm nay. Trong hình bánh rượu khiêm tốn cũng
chính là Mình và Máu Thánh Chúa trên bàn thờ, Đức Kitô đồng hành với Giáo Hội
của Người. Chúa là sức mạnh và của ăn đàng cho chúng ta, và Ngài biến chúng ta
thành những chứng nhân hy vọng cho những ai chúng ta gặp gỡ và tiếp xúc. Nếu
đứng trước mầu nhiệm cực trọng này, chúng ta cảm nhận được sự hữu hạn của lý
trí con người, thì cùng lúc đó con tim chúng ta lại được bừng sáng lên niềm an
ủi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Từ đó chúng ta nhận ra là mình cần phải có thái độ
nào. Chúng ta hãy chìm sâu trong tôn thờ và lắng đọng trong một tình yêu không biên
giới (x. Ecclesia de Eucharistia, #62).
Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ năm thì gẫm: Đức Chúa Giêsu lập
bí tích Thánh Thể, ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
“Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho
nghỉ ngơi dưỡng sức” (x. Mt 11, 28).
Tham khảo ĐHY
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Ấn Bản thứ
III, Reichstett, Pháp Quốc: Nhà Xuất Bản Định Hướng Tùng Thư,
1999.
Tác giả:
Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.
|