CON ONG TÌM MẬT...
MẨU BÚT CHÌ
Để vẽ nên hình ảnh về sự lao động cần cù, chăm chỉ trong trí óc trẻ thơ, người
ta thường nói về con ong tìm mật, con kiến tha mồi. Hình ảnh ấy quả thật rất dễ thương,
chân thực và đầy thuyết phục, không chỉ đối với trẻ con mà ngay cả đối với người
lớn. Thoáng nhìn, có vẻ như các con vật cũng "lao động" hết sức cật lực và nghiêm
túc chẳng khác gì con người – thậm chí còn hơn, vì có người mạt sát những kẻ lười
biếng “sống không bằng con vật”! Liệu lao động của con người và hoạt động của
con vật có gì khác biệt?
Có lẽ ai cũng dễ dàng nhận ra rằng, hầu như mỗi loài vật đều có một phương thức
kiếm ăn, đào hang, xây tổ, tìm bạn tình, sinh sản... rất riêng và rất đặc trưng.
Các phương thức ấy đã được Tạo Hoá “lập trình” và "cài đặt mặc định" cho mỗi
loài. Chúng không cần học hỏi và cũng không thể làm khác được. Vì thế, chỉ cần
nhìn vào kiểu xây tổ, cách thức đào hang, người giàu kinh nghiệm sẽ biết ngay đó là sản
phẩm của con vật nào. Suy cho cùng, mọi hoạt động trong đời sống tự nhiên của loài vật đều
quy hướng về hai loại bản năng: bản năng sinh tồn và bản năng duy trì nòi giống.
Con người thì khác. Con người không có bản năng "mặc định" như loài vật. Sự phát
triển thể chất, sự định hình nhân cách cũng như trí tuệ, tư duy của mỗi người
thường phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống, môi trường văn hoá và giáo dục.
Chú bê non ra đời vài tiếng đồng hồ đã có thể tự đứng lên gặm cỏ, nhưng con
người
thì không thế. Phải đầu tư bao công sức chăm sóc, nuôi dưỡng em bé mới có thể biết đứng rồi dần
dà mới biết đi. Con người tự bản chất đã mang tính xã hội và phụ thuộc vào xã hội.
Như thế, có vẻ như con người "yếu đuối" hơn các loài vật khác chăng? Thưa không! Con người có hai
quà tặng kỳ diệu từ Đấng Tạo Hoá mà không có loài thụ tạo nào có được: đó là Tự Do
và khả năng Lao Động.
Chính vì có tự do, nên con người có thể chọn lựa cho mình cách sống, cách làm
việc, học hỏi, cách hành xử cũng như kiếm tìm hạnh phúc, sao cho phù hợp với
hoàn cảnh và năng lực riêng. Những chọn lựa ấy, thường thì chẳng ai giống ai, và
được thể hiện bằng lao động – lao động trí óc và lao động thể lực. Điều đặc biệt,
con người sử dụng lao động không chỉ để đáp ứng nhu cầu sinh tồn thể chất, lưu
truyền giống nòi, mà còn để diễn tả yêu thương, bày tỏ mối quan tâm cũng như thể hiện
trí tuệ và tư duy sáng tạo – điều mà không loài vật nào có được. Chính khả năng
lao động đã nâng con người lên, tách biệt xã hội loài người ra khỏi các loài thụ tạo
khác, đặt con người vào vai trò quản lý, canh tác và chăm sóc cả vũ trụ vạn vật.
Như thế, con người đã được Đấng Tạo Hoá ban cho đặc ân tham gia vào công cuộc
sáng tạo của Ngài, để tiếp tục làm cho trái đất này xinh đẹp hơn và nhân bản hơn.
Thật diệu kỳ, lao động nếu được gắn kết với yêu thương, nó có thể làm nảy bật khả năng
sáng tạo, kiến tạo cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa và đáng sống hơn. Một người vợ tần
tảo, luôn quan tâm, chăm sóc gia đình, sẽ biết cách tạo ra những bữa cơm ấm cúng,
thơm ngon và đủ dưỡng chất dù chỉ với đồng lương ít ỏi. Một bác sĩ biết xót xa
trước cảnh ngộ của bệnh nhân, sẽ tìm cách giúp bệnh nhân giảm đau, mau bình phục mà ít
tốn kém... Lao động còn là phương thế để mỗi người tích luỹ vốn sống, vốn
kinh nghiệm quý báu. Ai yêu thích lao động, "hay lam, hay làm" thì thường có tính hoạt
bát, cởi mở, dễ gần, chẳng nề hà giúp đỡ người khác. Quá trình lao động vất vả còn
giúp con người thêm kiên trì, chịu khó, dễ cảm thông và dễ chia sẻ.
Trong đời, có lẽ ai cũng đều hơn một lần trải nghiệm sự kỳ diệu của tình yêu.
Tình yêu không những giúp hoà giải những mâu thuẫn, mà còn có sức cảm hoá mạnh
mẽ. Tình yêu có thể làm biến đổi một con người, để họ trở nên tốt lành hơn, cao
thượng và vĩ đại hơn. Nhưng làm sao có thể diễn tả được tình yêu ấy nếu không
được thể hiện bằng những hành động cụ thể ngang qua lao động? Ví như sự vất vả,
lao nhọc của mẹ cha sẽ tạo thêm động lực cho con cái học hành, và ghi vào lòng
con ý nghĩa của sự lao động chân chính, lương thiện. Hay sự tảo tần, chịu thương
chịu khó của người vợ vì con cái, vì gia đình, biết đâu sẽ làm mềm lòng người
chồng thích đàn đúm, lông bông? Cứ thế, lao động cứ như những mũi kim chăm chỉ
vá lại những rạn nứt cuộc đời, nối kết tình người và làm cho mặt đất trổ sinh
hoa trái.
Sở dĩ nói thế, bởi nhìn trên cục diện chung, dường như con người đang ngày
càng đối xử bạc bẽo với nhau, với môi trường sống và ngay cả với Đấng Tạo Hoá – Đấng đã yêu
thương và ưu ái loài người quá nhiều, ban cho con người những đặc ân cao trọng
trổi vượt trên vạn vật. Thế nhưng con người sử dụng tự do và khả năng lao động
với cái tâm hiếu sinh thì ít, nhưng với cái tâm ác tà thì nhiều. Khi con người đem
tà tâm vào lao động, thì những “sản phẩm lao động” ấy gây tổn hại khôn lường:
thường tình nhất là hàng gian, hàng giả, rồi đến những sản phẩm độc hại bất chấp
sức khoẻ con người, và ghê gớm nhất có lẽ là những thứ có khả năng huỷ diệt con
người hàng loạt trong nháy mắt như vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, hoá học... Thay
vì sử dụng lao động để hướng đến phục vụ và thăng tiến con người, thì con người
lại bị sử dụng như một thứ công cụ lao động để phục vụ cho tham vọng của cải,
quyền lực. Thay vì làm cho trái đất này xinh đẹp hơn, xứng đáng là ngôi nhà chung
của nhân loại hơn, thì con người lại khai thác tài nguyên trái đất tận kiệt, vô tội
vạ, bất chấp những hậu quả nặng nề để lại cho con cháu trong tương lai. Con
người đang sử dụng những quà tặng tốt lành của Thượng Đế như những hung khí
chống lại nhân loại. Con người phủ nhận Thượng Đế và thân phận yếu đuối của mình,
muốn thống trị tất cả, bất chấp một sự thật phũ phàng đang diễn ra: nhân loại
đang đi vào ngõ cụt của sự bế tắc!
Chợt nhớ đến câu thơ thuở tấm bé: "Con ong tìm mật yêu hoa, con cá bơi yêu nước,
con chim ca yêu trời...". Quả đúng thế, các loài vật rất hiền hoà với thiên
nhiên, biết “tri túc” với những gì Tạo Hoá ban tặng, chừng mực, đủ dùng, không
tham vọng, cũng không tàn phá vô độ. Thế nhưng chúng vẫn luôn an hoà và ca hát
với cuộc sống. Con người thì sao? Dường như lòng dạ luôn nặng nề, lo âu, bất an trước
những nguy cơ chiến tranh, đói kém, thực phẩm độc hại... Con người đang bó những
bó thật nặng đặt trên vai mình và trên vai đồng loại – nếu không phải là trên
tất cả. Dường như đến cả Đấng Tạo Hoá và thiên nhiên cũng đang phải chịu đựng
con người, còn con người thì đang chịu đựng chính mình và chịu đựng lẫn nhau. Phải
chăng, đã đến lúc cần bình tâm nhìn lại chính mình, nhìn vào những quy luật của
thiên nhiên, đất trời, suy gẫm và học hỏi sự nhỏ bé, hiền hoà của con ong, cái
kiến. Thiển nghĩ, chúng đẹp lòng Thiên Chúa lắm thay! Chúng cũng biết "sinh lời"
từ "nén bạc" ít ỏi của mình. Có lẽ sẽ chẳng kịp nếu con người không ý thức rằng mình đang
nắm giữ trong tay một bảo vật là khả năng lao động, và hãy sử dụng quà tặng ấy
cho xứng với tầm vóc con người. Lao động chỉ trở nên cao đẹp nếu được dùng để kết
nối yêu thương, kiến tạo hoà bình, và thể hiện lòng biết ơn của con người đối
với Tạo Hoá. Ngược lại, nếu sử dụng lao động với tà tâm, ác ý, thì khác nào
gieo mật đắng vào lòng đời. Và có lẽ ngay lúc đó, con người đã tự đánh mất chính
mình. Bởi dẫu chỉ là Bướm, Ong, chúng vẫn muốn đi tìm mật ngọt...
Chú thích:
tham khảo chương VI - Lao Động, sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội
Công Giáo.
Trích
Tập san ghxhcg số 19
Tác giả:
Mẩu Bút Chì
|