Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Mẩu Bút Chì
Bài Viết Của
Mẩu Bút Chì
NỖI LÒNG "NGƯỜI CẦM THƯỚC"
DẤU ĐINH TRONG ĐÔI MẮT...
Chuồn Chuồn Hay Ớt Đỏ...
CON ONG TÌM MẬT...
CÓ THƯƠNG THÌ XIN ĐỢI...
THUNG RUỘNG NHỎ
THIÊN THẦN CÓ ĐÔI CÁNH GÃY
NÓ...
TÌNH NGƯỜI CÓ CÒN KHÔNG ?
YÊU THẬT – MẤY AI?
CÒN ĐÓ MỘT MỐI THƯƠNG…
LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM
TRẢI NGHIỆM DẤN THÂN CỦA MỘT TÂN TÒNG
TÔI ĐÃ ĐƯỢC LOAN BÁO TIN MỪNG
Phụ nữ Việt Nam: Những xót xa thời hiện đại
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG VIỆC PHÁT HUY QUYỀN LAO ĐỘNG
QUYỀN LAO ĐỘNG (ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO)
ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO - CHƯƠNG VI: LAO ĐỘNG
NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO (BUỔI HÔI THẢO CUỐI CÙNG VỀ GIA ĐÌNH)
BUỔI HỘI THẢO THỨ BA VỀ GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO TRONG GIA ĐÌNH
TÌM CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG
BUỔI HỘI THẢO THỨ NHÌ VỀ GIA ĐÌNH: CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH
HỘI THẢO VỀ BỆNH VÔ CẢM TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY
ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO - CHƯƠNG VI: LAO ĐỘNG

Như đã thông tin cùng quý độc giả, suốt bốn Chúa Nhật tháng ba, lớp Tìm hiểu Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, thường được nói ngắn gọn là Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG), đã tổ chức các buổi hội thảo để tìm hiểu và học hỏi về chương V của sách Tóm lược GHXHCG : GIA ĐÌNH, thì trong tháng tư  này, nhóm tiếp tục tìm hiểu và học hỏi đến chương VI: LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI. Có thể nói đây là một chương sách có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người trong đời sống xã hội, và càng ý nghĩa hơn nữa khi đặt lao động dưới ánh sáng Tin Mừng Chúa Kittô. Vì chính qua lao động, con người mới có thể hoàn thiện ơn gọi làm người mà Thiên Chúa đã trao ban.

 Thật đáng trân trọng và biết ơn khi nhóm có các Cha, các Sơ giỏi về chuyên môn luôn nâng đỡ, đồng hành để giúp nhóm giải thích, đào sâu các khía cạnh Thần Học, Kinh Thánh hay khía cạnh lịch sử, xã hội để tránh những lệch lạc trong quá trình học hỏi.

 Những bài viết này  không nhằm tóm tắt nội dung ( các bài tóm tắt nội dung các chương của sách này được đăng tải rất đầy đủ ở mục học thuyết xã hội của trang www.ghxhcg.com  và một số trang web khác ). Trong khuôn khổ những bài viết ngắn, Mẩu Bút Chì chỉ xin chuyển tải đến quý vị những giá trị cô đọng mà anh chị em trong lớp học đã chắt lọc từ chương sách, để từ đó nhìn vào những hiện trạng xã hội, mà cụ thể là xã hội ta đang sống, mỗi người sẽ có những suy tư, trăn trở gì. Dựa vào những chuẩn mực  đã đúc kết, mỗi người có thể phán đoán những hiện trạng đó đúng, sai theo tinh thần của Giáo Hội và theo cái nhìn nhân bản, từ đó đón nhận những chỉ dẫn để hành động cho đúng đắn. Bởi thiển nghĩ, việc học hỏi GHXHCG  chỉ có ý nghĩa khi mỗi người biết áp dụng và SỐNG GHXHCG – một giáo huấn được mệnh danh là giáo lý xã hội của Hội Thánh Công Giáo  – chứ không học để cho biết GHXHCG là gì.

Bài viết hôm nay chia sẻ về  Lao động dưới  khía cạnh Thánh Kinh.

Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã trao cho con người bổn phận canh tác và chăm sóc trái đất. Ngài kêu mời con người lao động trên đất đai, chăm sóc vườn Êđen, [255] *. Lao động là một phần trong tình trạng nguyên thủy của con người và đã có trước khi con người phạm tội. Bởi đó lao động không phải là hình phạt hay một lời chúc dữ. Lao động chỉ trở thành vất vả và cực nhọc khi con người (Adam và Eva) phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hòa thuận với Thiên Chúa.[256].

Trong ý nghĩa này, phải chăng con người ngày nay đã và đang phá vỡ mối quan hệ hòa thuận với Thiên Chúa khi con người tàn phá thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên? Và phải chăng lao động đang trở thành  gánh nặng khi đất đai khô cằn, nhiễm độc do thuốc trừ sâu, phân bón hóa học;  cá tôm không sống nỗi khi sông ngòi và biển cả bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải; hạn hán và lũ lụt dữ dội do nạn phá rừng, và do ô nhiễm khí quyển làm thủng tầng ôzôn?

Lao động có một vị trí danh dự, vì đó là nguồn đem lại sự phú túc, là công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói. [ 257]

Không có gì nghi ngờ và khó hiểu về vai trò và giá trị của lao động trong  việc xây dựng và phát triển mỗi cá nhân, gia đình cũng như cộng đồng, xã hội. Chính Chúa Giêsu và Thánh Gia là những mẫu gương lao động không biết mệt mỏi trong cuộc sống đời thường cũng như trong công cuộc cứu độ nhân loại. Tất cả những thành tựu mà nhân loại đạt được trên thế giới ngày hôm nay chính là thành quả của lao động. Ai cũng biết “ lao động là vinh quang”, “ bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm” ( Trích “Bài ca vỡ đất”- Hoàng Trung Thông). Thế nhưng, với lòng tham và sự tàn nhẫn độc ác, con người đã biến lao động thành nỗi hãi hùng cho người khác. Lao động có còn ở “vị trí danh dự” không, có còn là “vinh quang” không khi người ta bị bắt làm nô lệ, bị cưỡng bức lao động, bị lao động khổ sai nơi các trại tập trung, trại cai nghiện và các nhà tù ở nhiều nơi trên thế giới?

Ở Việt Nam, tình trạng  cưỡng bức lao động cũng nhan nhãn khắp nơi, báo chí đưa tin hàng ngày. Vô vàn công nhân nghèo cần việc làm để sinh sống, nhất là công nhân từ tỉnh lẻ đổ về thành thị, không hợp đồng lao động, không được pháp luật hay bất cứ tổ chức nào bên vực quyền lợi, tha hồ bị các công ty o ép bắt nạt, lường gạt công sức, thậm chí bị đánh đập bạo hành. Người dân hiền lành tội nghiệp còn bị các công ty môi giới lao động lừa gạt, đem bán ra nước ngoài thậm chí bán ngay cả trong nước. Họ bị cưỡng bức làm việc nhiều giờ, bị tra tấn và đánh đập (điển hình như việc lừa bán lao động ở Tỉnh Phú Yên vào Lâm Đồng làm vườn cà phê).

Giáo Hội đã làm gì để bênh vực và nâng đỡ người lao động?

Trong thông điệp “Tân Sự” (Rerum novarum) do Đức Giáo Hoàng Leo XIII ban bố năm 1891, ngài lên tiếng: “…phải cứu giới lao công khỏi tay những người mưu trí bóc lột; Họ chẳng phân biệt con người với bộ máy, nên cứ lợi dụng công nhân làm để thỏa mãn tham vọng quá đáng của họ. Bắt công nhân làm việc đến nỗi thần trí họ phải đần độn, thân xác hao mòn kiệt quệ; là một thái độ bất nhân, công lý và nhân đạo không thể dung tha được.”

Trên bình diện thế giới, Giáo Hội luôn có những nổ lực để bênh vực và bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong thông điệp Tân Sự, Đức GH Lêo XIII đã quan tâm đến việc “chăm lo ấn định một lương bổng công bằng”, “tôn trọng phẩm giá con người, bảo đảm việc nghỉ ngơi hằng tuần” cho người lao động…Thông điệp này thật sự đã rung lên như một tiếng chuông dõng dạc làm chấn động thế giới đương đại.

Riêng trong  Giáo Hội Việt Nam ngày nay, liệu đã có những hoạt động nào rõ nét, có hiệu quả, có hệ thống  nhằm nâng đỡ và bên vực người lao động – đặc biệt là những người lao động nghèo thấp cổ bé miệng?

Thật đáng trân trọng, học hỏi và nhân rộng khi đây đó có những doanh nghiệp, doanh nhân Công Giáo có những hình thức hoạt động rất hiệu quả để hổ trợ lẫn nhau trong kinh doanh, tạo công ăn việc làm tốt, ổn định cho người lao động. Điển hình như cộng đoàn “Doanh Nhân Trí Thức Công Giáo” (gọi tắc là Doanh Trí Công Giáo) với tiêu chí “ Mạnh về đức tin – giỏi về trí thức – giàu về kinh tế”. Đây là nơi để các doanh nhân, trí thức Công Giáo (và mở rộng giao lưu với các cá nhân tổ chức của anh em ngoài Công Giáo) trên mọi miền đất nước, gặp gỡ, học hỏi trao đổi kinh nghiệm qua www.doanhtriconggiao.com . Nơi đây cũng là cầu nối để các doanh nghiệp thông tin cho nhau về sản phẩm, dịch vụ…, để mọi người có được “hàng thật, giá thật”. Thật hay và có ý nghĩa thiết thực!

Nên chăng, Giáo Hội cần khuyến khích các hoạt động như thế này bằng cách thường xuyên tổ chức các hình thức giao lưu giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức Công Giáo, để họ có cơ hội trao đổi, liên kết trong tình hiệp nhất và trong một đức tin, để cùng nhau làm giàu chân chính lương thiện, tạo việc làm ổn định cho anh em nghèo, trả lại cho lao động ý nghĩa đẹp đẽ của nó? 

Con người không được sa vào cám dỗ biến lao động thành ngẫu tượng. Lao động là cần thiết, nhưng chính Thiên Chúa mới là nguồn gốc của sự sống và là mục tiêu cuối cùng của con người. [ 257]

 Đỉnh cao của giáo huấn Thánh  Kinh về lao động là mệnh lệnh phải nghỉ ngơi ngày Sabat. Việc nhớ tới và cảm nghiệm lại ngày Sabat tạo nên một hàng rào giúp con người không trở thành nô lệ cho lao động, dù là nô lệ tự nguyện hay bị cưỡng bức, cũng như không bị bóc lột, dù là bóc lột kín đáo hay công khai. [258].

Khi khoa học kỹ thuật và công nghiệp càng phát triển thì con người càng khai thác triệt để lao động. Bên cạnh đó, lối sống thiên về hưởng thụ vật chất cũng thôi thúc con người lao động quần quật để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, hưởng thụ các phương tiện hiện đại, thỏa mãn các “nhu cầu ảo”. Một ngày người ta cố làm việc nhiều ca, làm luôn chủ nhật và ngày lễ. Người ta thấy vui khi được tăng ca để kiếm thêm tiền. Và nại vào công việc, họ không có thì giờ để quan tâm, thăm viếng nhau, không có thì giờ cho việc cầu nguyện hay Kinh, Lễ. Phải chăng trong trường hợp này, con người đã “nô lệ tự nguyện” cho lao động và biến lao động thành “ngẫu tượng”?

“ – Tôi nghĩ cần có một thái độ cẩn thận hơn khi nhìn lao động ở góc độ “nô lệ tự nguyện” – một chị lên tiếng – ví dụ một bác sĩ quần quật với việc chăm sóc bệnh nhân rất nhiều giờ trong ngày, bất kể lễ, tết hay ngày nghỉ, không phải vì tiền nhưng vì tình yêu và trách nhiệm, vậy vị bác sĩ này có “nô lệ” lao động không? có phải đó là hành động tiêu cực? ( lúc tại thế, Chúa Giêsu xem ra cũng “tham việc” lắm!) Hay một tình trạng phổ biến hiện nay là các công nhân hầu như đều muốn tăng ca kiếm thêm tiền vì đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho con cái ăn học, họ có đáng trách vì “nô lệ” cho lao động không? Và vì họ “tự nguyện” nên không liên quan gì đến trách nhiệm của những ông chủ thuê mướn họ, hay trách nhiệm của xã hội sao?! ”

Lao động diễn tả một chiều hướng căn bản của cuộc sống con người, như một sự tham gia không những vào hành vi sáng tạo mà còn vào hành vi cứu chuộc nữa. [ 263]

 “– Lao động có một tầm vóc lớn lao quá – một anh lên tiếng –  ý nghĩa “sáng tạo” có thể dễ dàng nhìn thấy đối với những loại hình lao động như khoa học kỹ thuật, và ý nghĩa “cứu chuộc” cũng có thể nhìn thấy qua những hành động vĩ đại như hành động của Chúa Giêsu, còn đối với lao động chân tay phổ thông bình thường, thật sự tôi khó hình dung  được ý nghĩa “sáng tạo” và “ cứu chuộc” trong đó.”

“ – Tôi nghĩ khi “ có tình yêu thì sẽ có sáng tạo” – một chị trả lời – tôi trải nghiệm được điều này khi chăm sóc mẹ tôi ở bệnh viện. Với tình thương và sự xót xa khi nhìn người mẹ thân yêu của mình đau đớn, tôi phải cố tìm cách nào đó trong việc giúp mẹ tôi di chuyển, thay quần áo, vệ sinh…để mẹ tôi dễ chịu, bớt đau hơn. Hành vi chăm sóc của tôi chắc chắn sẽ khác và “có sáng tạo ” hơn hành vi chăm sóc của một cô điều dưỡng. Khi có tình yêu – có thể đó là yêu nghề, yêu công việc –  người ta sẽ tìm cách sáng tạo để lao động đạt hiệu quả hơn, dù là bất cứ loại hình lao động nào… ”

“ – Còn “hành vi cứu chuộc” thì sao?” Một anh khác đi tìm câu trả lời.

Những ai chịu đựng những khó khăn vất vả của lao động bằng cách kết hợp với Đức Giêsu là gần như đã cộng tác với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc của Người, và chứng tỏ mình là môn đệ Đức Kitô đang mang Thánh Giá mỗi ngày trong những hoạt động mà Chúa mời gọi mình thi hành… [ 263]

“ – Nghĩa là khi tôi làm bất kỳ điều gì vì Chúa, hay tôi ý thức rằng người anh em trước mặt tôi là hình ảnh của Thiên Chúa, và tôi làm bằng tình yêu thì hành vi lao động của tôi mang ý nghĩa cứu chuộc.” – một bạn trẻ tham gia.

“ – Trong mạch suy luận này – một chị tân tòng phản biện – thì dường như ai có Chúa, có ý thức trong hành vi lao động của mình thì hành vi lao động đó mới thật sự mang ý nghĩa cứu chuộc. Vậy lao động của những anh em không Công Giáo thì sao? Một bà cụ lọm khọm bán vé số, nhặt ve chai không nghĩ gì xa xôi hơn những đứa cháu nheo  nhóc đói khổ ở nhà vì cha mẹ chúng bỏ nhau, đi lấy vợ lấy chồng khác rồi vất con cho ngoại. Bà cũng không biết Thiên Chúa để hình dung cháu mình là hình ảnh củaThiên Chúa nữa! Nhưng hình như tôi thấy hành vi lao động của bà cụ cũng mang “ý nghĩa cứu chuộc” lắm lắm đó chứ! Tôi có một ông anh cả, chẳng thờ Phật cũng không biết đến Trời, nhưng làm gì cũng công minh chính trực, sống rất có trách nhiệm, yêu thương nâng đỡ em út hết lòng. Những gì anh tôi làm, tôi thấy cũng nhân bản và đáng kính trọng quá phải không? Anh tôi thường nói: “Tôi chẳng theo đạo nào, làm sao cho khỏi lỗi “ đạo làm người” và không trái lương tâm là được!”

“ – Vậy mấu chốt vấn đề ở đâu? Xem ra mâu thuẩn rồi!”

“ – Tôi nhận ra rồi! –một anh đứng tuổi hồ hởi tiếp – không hề có mâu thuẫn - vấn đề ở chỗ lương tâm. Chẳng phải lần trước, khi tìm hiểu về Giáo luật, ta biết rằng “tiếng nói lương tâm” chính là Thiên luật tự nhiên, do Thiên Chúa khắc ghi trong chính tâm khảm mỗi người, hướng con người đến việc làm lành, tránh dữ. Có những người bề ngoài không theo một tôn giáo nào, nhưng sống theo lương tâm, tình yêutrách nhiêm, hóa ra chẳng phải họ thờ Thần Công Lý và Tình Yêu ngay chính trong cõi sâu thẳm của lòng mình đó sao? Ai sống sống trong tình yêu và công lý, người đó  thuộc về Thiên Chúa! Lao động chính đáng tự bản thân nó đã mang ý nghĩa cứu chuộc.”

“ – Vậy thì điều gì thuyết phục bạn và tôi phải đến nhà thờ, phải tìm kiếm Chúa? Trong khi tôi cứ sống đúng theo lương tâm thì tự khắc cũng có Chúa rồi, và lao động của tôi cũng đã mang “ý nghĩa cứu chuộc”  rồi?! có điều gì khác biệt?”

“ – Khác nhiều chứ! Chị tân tòng lại tiếp – là một người biết Chúa muộn màng, tôi “cảm” được rất rõ hai trạng thái tâm linh này. Lúc chưa biết Chúa, trong lòng tôi vẫn kính sợ “ông Trời”, cũng sợ “quả báo”, cũng tin ở hiền gặp lành. Tôi tin “ông Trời” nhưng vẫn đặt “ổng” ngoài những kế hoạch cuộc đời tôi, tôi thường sống miên man trong những lo toan cơm, áo, gạo, tiền. “ Ông Trời” trong tôi rất nghiêm khắc, cao minh, nhưng xa xôi và mơ hồ. (Vì thế người đời hay có câu “ kêu trời không thấu”). Nhưng khi tôi biết Chúa, tôi biết “ ông Trời” là người Cha hiền lành của tôi, luôn lắng nghe tiếng tôi thủ thỉ gọi Người. Tôi bình an và tin tưởng vào sự quan phòng của Người. Lời Chúa là mực thước mà tôi ước muốn tuân giữ, không mơ hồ và cảm tính như  “tiếng lương tâm” (Khoa Thần học luân lý có nói đến một khái niệm gọi là “lương tâm sai lầm” : đôi khi con người tin và làm theo một điều mà lương tâm mình cho là đúng, nhưng thật ra điều đó không đúng nhân bản. Ví dụ họ ủng hộ việc phá thai, lương tâm họ cho rằng điều đó là hợp lý và cần thiết để bảo vệ sức khỏe, hay danh dự của người mẹ...Vì thế lương tâm không phải lúc nào cũng là chân lý). Đứng ở góc độ lao động, tôi càng thấy mình may mắn khi có Chúa. Vì tình yêu và gương mẫu của Chúa Giêsu sẽ là động lực để tôi thấy lao động của mình có ý nghĩa hơn, giàu sáng tạo hơn. Huống gì Ngài còn là Đấng luôn nâng đỡ tôi và bảo đảm cho tôi mọi sự…

Lời nói của chị tân tòng gợi nhớ đến Lời Chúa: “ Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và Đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.”( Mt 6, 31-32)

Một buổi học thật thú vị và mang lại nhiều hiểu biết.

Quí độc giả xa gần thương mến! Bài viết này chỉ là một số ý kiến hạn hẹp và chủ quan của một nhóm giáo dân ít ỏi khao khát được tìm hiểu và học hỏi GHXHCG. Ước mong được quí độc giả xa gần góp ý, chia sẻ, tạo nên một diễn đàn phong phú để việc học hỏi thêm phần hiệu quả và ơn ích cho nhiều người.  “Nhiều tay thì vỗ nên kêu”, xin trân trọng đón nhận và biết ơn tất cả các ý kiến đóng góp, xin gởi đến địa chỉ Email: thmaubutchi@gmail.com .

Xin Chúa chúc lành và đồng hành với tất cả chúng con.

Mẩu Bút Chì

Tác giả: Mẩu Bút Chì

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!