Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Mẩu Bút Chì
Bài Viết Của
Mẩu Bút Chì
NỖI LÒNG "NGƯỜI CẦM THƯỚC"
DẤU ĐINH TRONG ĐÔI MẮT...
Chuồn Chuồn Hay Ớt Đỏ...
CON ONG TÌM MẬT...
CÓ THƯƠNG THÌ XIN ĐỢI...
THUNG RUỘNG NHỎ
THIÊN THẦN CÓ ĐÔI CÁNH GÃY
NÓ...
TÌNH NGƯỜI CÓ CÒN KHÔNG ?
YÊU THẬT – MẤY AI?
CÒN ĐÓ MỘT MỐI THƯƠNG…
LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM
TRẢI NGHIỆM DẤN THÂN CỦA MỘT TÂN TÒNG
TÔI ĐÃ ĐƯỢC LOAN BÁO TIN MỪNG
Phụ nữ Việt Nam: Những xót xa thời hiện đại
VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG VIỆC PHÁT HUY QUYỀN LAO ĐỘNG
QUYỀN LAO ĐỘNG (ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO)
ĐỒNG HÀNH CÙNG LỚP HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO - CHƯƠNG VI: LAO ĐỘNG
NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO (BUỔI HÔI THẢO CUỐI CÙNG VỀ GIA ĐÌNH)
BUỔI HỘI THẢO THỨ BA VỀ GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO TRONG GIA ĐÌNH
TÌM CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG
BUỔI HỘI THẢO THỨ NHÌ VỀ GIA ĐÌNH: CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH
HỘI THẢO VỀ BỆNH VÔ CẢM TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY
CÓ THƯƠNG THÌ XIN ĐỢI...

 

MẨU BÚT CHÌ

 

Đợi chờ xem ra chẳng có gì thú vị, chẳng ai mong muốn, bởi chỉ thêm mỏi mệt và lãng phí thời gian, nhất là khi nhịp sống cứ hối hả trôi đi...

Người ta thường bảo rằng, đã qua rồi cái thời mơ mộng lãng du, thích đếm sao trời và đợi chờ xa vắng... Nay là thời của những cái “nhấp chuột” làm thay đổi cả thế giới. Thế nhưng, nếu ngắm nhìn ở một góc độ nào đó, đợi chờ vẫn có nét đẹp dịu dàng của một mầu nhiệm, một quà tặng mà Thượng Đế trao ban cho các thụ tạo.

Đợi chờ là “ngôn ngữ không lời” sâu thẳm của yêu thương, bất phân giai tầng, tuổi tác,… và cũng không chỉ riêng có ở con người. Ánh mắt mẹ già mong đợi con xa, vợ đợi chồng biền biệt, con thơ mong ngóng mẹ về,... tất cả như có cái gì đó “chạm” đến sâu thẳm lòng người, thương nhớ mênh mông. Cũng thế, người ta không khỏi bồn chồn trước cặp mắt dáo dác, hoảng loạn của một chú gà con lạc mẹ, hay ánh mắt buồn hiu của chú chó chiều chiều ghếch mõm đợi chủ về... Đợi chờ, dường như là một bản năng để diễn tả yêu thương, chẳng cần phải học hỏi, bất luận kẻ dại hay người khôn cũng có.

Sự đợi chờ giữa cuộc đời ví như một nốt lặng – cứ ngỡ chẳng là gì, nhưng nếu không có thì mọi thứ trở nên vô trật tự, và cũng chẳng còn ý nghĩa của cuộc trùng phùng. Nếu không đợi mong Xuân để có Tết thì còn gì háo hức, nếu không đợi mong Thu để ngắm lá vàng rơi thì còn đâu nỗi bâng khuâng? Nếu người ta tạo ra được giống hoa Quỳnh nở ban ngày thì nó chẳng còn là loài hoa quý, và cũng không còn cái thú đợi chờ ngắm hoa Quỳnh nở về đêm. Còn tình yêu, nếu không đợi chờ xa vắng, làm sao biết đá hay vàng? Nếu không có lúc chia xa, làm sao biết được chiều dài của sợi thương, sợi nhớ?... Cứ như thế, sự đợi chờ cơ hồ vừa là thước đo lòng người, vừa làm cho tình yêu trở nên cao quý, lung linh.

Thoạt nghe, cứ ngỡ trong đời chỉ đợi kẻ đi xa, đâu hay lắm khi lại đợi người ở thật gần. Gần ngay bên cạnh nhưng vẫn thấy xa vắng, cô đơn. Cô đơn trong lo liệu, cô đơn trong suy nghĩ, trong sự khác biệt nhau. Nếu không đợi chờ nhau, dẫu có ở bên nhau vẫn mãi là lỗi nhịp, lạc điệu. Và nếu không yêu thương, không dung thứ, cũng chẳng thể đợi chờ. Có ngoa lắm không, nếu nói rằng niềm vui, hạnh phúc và sự bình an trong cuộc sống này được xây dựng bằng một chuỗi những yêu thương và chờ đợi? Vì yêu thương nên chờ đợi, và chờ đợi là diễn tả và xây dựng yêu thương. Yêu nhau nên đợi nhau nguôi cơn nóng giận, đợi nhau vượt lên trên khoảng ấu trĩ, dại khờ, đợi chờ, để biết thức cùng nhau những đêm dài lo lắng. Chồng đợi vợ để có bữa cơm lành, canh ngọt, vợ đợi chồng tỉnh những cơn say, thôi vô tư, hờ hững,...

Có những khoảng đợi chờ trong nước mắt, nhưng cũng có những đợi chờ thật đời thường nhưng tràn ngập yêu thương. Đợi để nhìn nhau ăn bát cơm ngon, ngủ một giấc đầy. Đợi để ngắm nhìn ánh mắt trong veo  của con thơ. Đợi mẹ già mắt mờ, chân chậm... Dẫu khó nghèo chật vật, dẫu có lúc cũng giận nhau tím ruột bầm gan, nhưng vì thương nhau nên vẫn đợi, đợi để dắt díu nhau qua những khác biệt chông chênh...

Còn đợi chờ là còn hy vọng. Còn đợi chờ là còn niềm tin. Đôi khi không phải đặt niềm tin vào sự khoan dung của chính mình, hay đặt niềm tin vào sự thay đổi của người mình mong đợi, nhưng chính là đặt niềm tin vào Đấng đã tôn thờ – Đấng có quyền năng biến đổi và hoán cải con người. Có khi sự đợi chờ có thể vô vọng trong thực tại trần thế này, như ly nước đổ đi không hốt lại được, nhưng vẫn hy vọng và đợi chờ trong ơn tha thứ và ơn cứu độ. Có lẽ cũng vì thế, trong góc nhìn này, nếu sống không có Đức Tin, con người dễ rơi vào vô vọng và rạn vỡ!

Phải chăng ngày nay, cuộc sống lướt đi quá nhanh với muôn vàn hấp lực, và nhất là ma lực của đồng tiền, nên con người không còn thời gian để lắng đọng, không còn kiên nhẫn để đợi chờ? Những cái “ngắn hạn”, “cấp tốc”, “siêu tốc” có vẻ rất hấp dẫn và thiết thực để chạy đua với công việc và thời gian. Con người dường như thấy “sốt ruột” với sự tuần hoàn của vạn vật theo tứ thời, bát tiết, nên mới xuất hiện những giống hoa tứ quý, những giống quả trái mùa. Ngày và đêm xem ra cũng quá chậm chạp, nên mới có sáng kiến che tối ban ngày, chiếu sáng ban đêm, rút ngắn chu kỳ đi một nửa, để con gà có thể đẻ được hai trứng một ngày. Con người làm được tất tần tật! Ngày nay, người ta còn cho cả quả non chín được, trái táo để một tháng không hư, thịt thối rữa cũng có thể “tái sinh” thành “tươi sống”. Con người có vẻ như đang hăng hái trên đà thắng thế, làm chủ vạn vật càn khôn, đẩy Thượng Đế ra khỏi “cuộc chơi”, trở thành “bù nhìn”, “bất lực”. Chỉ còn một khái niệm “khách hàng là thượng đế”, nhưng khôi hài thay, đó là một vị thượng đế luôn mụ mị và hay bị lừa bịp!

Thượng Đế còn hóa ra hư không thì con người có là gì! Nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền bị xếp sau lợi lộc và quyền lực. Thế nên mới có sự bất chấp thủ đoạn, tàn ác với nhau. Có lẽ ngày nay, trên đất nước Việt Nam này, không ai không trải ngiệm cái cảm giác bất an về tất cả các lĩnh vực của cuôc sống: từ thực phẩm, giao thông, đến y tế, giáo dục, kinh tế.... thậm chí cả gia đình – cái nôi của sự sống và tình thương, nơi mà con người dễ yêu thương và tha thứ cho nhau nhất – cũng trở nên lục đục, rệu rã. Bởi người ta không còn muốn đợi chờ nhau, không muốn chịu đựng, hi sinh cho nhau nữa. Cái hạnh phúc của một tình yêu sâu thẳm, chắt chiu mưa nắng cùng nhau, trở nên thứ gì đó quá mơ hồ, ảo mộng, hoặc trở thành thứ quá xa xỉ giữa cuộc sống hết sức “thực tế” này. Quan hệ giữa người và người trong xã hội cũng trở nên chóng vánh, “tuỳ hứng”, đầy những nghi nan, lừa lọc.

Đến đây, có thể nói ví von một cách hình tượng rằng: đời người cũng giống như một cái cây. Cây muốn phát triển mạnh mẽ thì bộ rễ phải bám sâu vào đất – đất ấy là Đạo. Đất tốt thì cây xanh. Nền tảng đạo lý tốt sẽ cho con người những nguyên tắc luân lý cũng như cách nhìn về con người và xã hội phù hợp với trật tự tự nhiên, hướng đến phát triển con người vào phục vụ công ích. Thân cây như một “ống dẫn”, ví như việc nhận thức những nguyên tắc luân lý ấy, cộng với phần hấp thu nắng gió, khí trời của bộ lá chính là việc giáo dục, để rồi trổ sinh hoa trái là những biểu hiện văn hoá của mỗi con người. Cứ nhìn quả thì biết cây, biết đất (Mt 12,33; Lc 6,44). Và dĩ nhiên, để có hoa thơm, trái tốt, phải có đất tốt, phải được chăm sóc, tưới tắm, đủ nắng, gió, khí trời.

Nếu nhìn cuộc đời một cách vắn vỏi, tất cả chỉ xuất phát và kết thúc ngay tại trần thế này – sinh ra, bương chải, và chấm dứt tại nơi đây – thì dường như mọi thứ trở nên tăm tối và vô vọng. Nhưng không như thế. Nhìn ngắm sự huyền diệu của đất trời, lắng nghe tiếng mời gọi hướng thiện của lương tâm, tiếng vọng của tâm hồn thôi thúc đi tìm ý nghĩa cuộc sống, người có Đức Tin sẽ nghe thấy tiếng của Đấng đã tác tạo nên mình, Đấng vẫn đang vận hành vũ trụ càn khôn, đang chịu đựng sự ngạo mạn, độc ác của con người, và cũng đang đợi chờ con người thống hối. Có lẽ trong các sự đợi chờ, sự đợi chờ của Ngài là vĩ đại nhất, bởi Ngài có quyền năng giũ bỏ tất cả, giũ bỏ cả vũ trụ này trong chớp mắt, nhưng vì Tình Yêu và Lòng Thương Xót, Ngài vẫn kiên nhẫn đợi chờ.

Sự đợi chờ của Đấng Tạo Hoá có làm lòng người mềm lại? Chiêm nghiệm sự đợi chờ ấy, con người có trở nên khiêm nhường hơn để có thể nhận được thêm nghị lực mà đợi chờ nhau? Bởi cho dẫu có bôn ba, dẫu có đạt được mọi thứ làm thoả mãn thể xác, quyền lực, thì khi gác tay lên trán, tận sâu trong đáy lòng, người ta vẫn cần sự yêu thương –yêu thương chân thật, không mưu mô, toan tính. Càng đi về phía “bên kia” con dốc của cuộc đời, đồng nghĩa với sự vơi dần những háo hức, háo thắng, con người dường như càng dễ cảm thấy cô đơn, càng muốn sống gần nhau, càng khao khát chân tình, và chắc có lẽ cũng có những lúc phải thốt lên những lời hối tiếc: “Giá mà trước đây...”.

Giật mình nhìn lại, chợt thấy Tạo Hoá quả thật tuyệt vời: có Ngày để bước thật nhanh theo những bước tiến của thời đại, nhưng cũng có Đêm để dừng lại nghỉ ngơi, nhìn vào lòng mình và nhìn những gì đang diễn ra xung quanh, nhìn vào ước muốn và hy vọng, rồi lần tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, để biết chiến đấu và hoán cải. Trong Đức Tin, con người ngước mắt xin ơn soi sáng và sức mạnh, không chỉ để bước tới mà còn để ngoảnh lại đợi chờ, kẻo một ngày nào đó, chúng ta có thể mất hút trong nỗi cô độc!

( Trích tập san GHXHCG số 18)

Tác giả: Mẩu Bút Chì

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!