Chiều ngày 1 tháng 3 năm 2010, tại nguyện đường Sainte Marie – dòng Thánh Phaolô, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp 150 năm dòng Phaolô hiện diện và phục vụ tại Việt nam, 127 năm hiện diện tại Hà nội.
Đặc biệt, với thánh lễ hôm nay, địa hạt Hà nội của dòng thánh Phaolô chính thức được tái lập sau hơn 50 năm giải thể vì những vấn đề thời cuộc và lịch sử.
Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám mục Giuse có Đức Tổng Giám mục Stephano Nguyễn Như thể, quý Đức Cha trong giáo tỉnh Hà Nội – Huế và quý Cha từ khắp các giáo phận.
Thánh lễ có sự tham dự của soeur bề trên Tổng quyền hội dòng Thánh Phaolô thành Chatres, các soeur bề trên giám tỉnh các tỉnh dòng tại Việt nam và đông đảo quý soeur cùng cộng đoàn.
Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức TGM Giuse Ngô quang Kiệt trong thánh lễ:
MUÔN NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG
Lễ Tái lập Địa hạt Hà nội
Sainte Marie 01-03-2010
Trong Năm Thánh của Giáo hội Việt nam, dòng Thánh Phaolô cũng có những kỷ niệm lớn : 150 năm hiện diện tại Việt nam, 127 năm hiện diện tại Hà nội và nhân dịp này, tái lập Địa hạt Hà nội. Tòa Thánh đã ban phép mở Năm Toàn Xá để tạ ơn Chúa. Chúng tôi xin hiệp ý cùng Hội Dòng trong tâm tình tạ ơn.
1- Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô là công trình của Chúa. Thật vậy, dòng thánh Phaolô không có Đấng Thánh sáng lập. Thọat tiên, không ai có ý muốn lập dòng. Tất cả chỉ gặp nhau ở thao thức phục vụ người nghèo. Cha sở Louis Chauvet và cô Marie Anne de Tilly vì thấy trong vùng có nhiều người nghèo nên đã qui tụ một số chị em để phục vụ họ. Cả hai vị cùng qua đời rất sớm. Khởi đầu bằng một số người bé nhỏ, yếu ớt, nhưng cộng đoàn cứ phát triển cho đến ngày nay đó là nhờ ơn Chúa. Quả thật đúng như lời thánh Phaolô nói : “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem : khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quí phái... Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu” (1Cr 1, 26-30).
2- Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô tại Việt nam không ngừng phát triển. Trong suốt 150 năm qua Hội Dòng đã phát triển và hiện nay có mặt trên khắp dọc dài đất nước, từ những tỉnh cực bắc như Lạng sơn, Cao bằng đến những tỉnh cực nam như Long xuyên, Rạch giá. Không chỉ có mặt trong đất nước Việt nam mà ngày nay còn đi truyền giáo khắp thế giới. Từ những hạt giống bé nhỏ ban đầu, đã phát triển thành 3 tỉnh dòng với con số hơn 1000 nữ tu. Các người đi trước đã đổ bao mồ hôi nước mắt vun trồng và chính Chúa đã cho cây Phaolô Việt nam mọc lên xanh tốt, “bóng um tùm phủ xanh đầu núi, cành sum sê rợp bá hương thần, nhánh vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền sông Cả”(Tv 80, 11-12).
3- Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô luôn là dấu chỉ tình thương của Chúa cho nhân loại. Sẵn sàng phục vụ nên chị em sẵn sàng có mặt ở bất cứ nơi đâu con người cần đến. Đồng hành với tuổi trẻ trong các trường học. Giúp phụ nữ với những lớp nữ công. Phục vụ người bệnh trong các bệnh viện. Đón tiếp trẻ mồ côi trong các nhà Dục Anh, Nhà Tiểu Nhi. Đưa các thiếu nữ lầm lỡ trở về trong những nhà đón tiếp. Chăm sóc những người khuyết tật trong các trường khiếm thính, khiếm thị. Nấu cháo tình thương cho những người nghèo đói. Cứu vớt thai nhi bằng đón tiếp các phụ nữ mang thai. Che chở các học sinh nghèo sống xa quê trong các ký túc xá. Phục vụ những người bị bỏ rơi nhất trong các anh chị em nhiễm HIV. Dòng thánh Phaolô đang thực hành lời của Thánh Bổn mạng : “Tôi đã trở thành nô lệ của mọi người. Với người Do thái, tôi đã trở nên người Do thái. Với những ai sống theo Lề Luật tôi đã trở thành người sống theo Lề Luật. Tôi trở nên yếu với nhưng người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người. Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó”( 1Cr 9, 19-23).
4- Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô hăng say truyền giáo. Theo gương thánh Bổn mạng, chị em đi bất cứ nơi đâu. Dù thành thị hay thôn quê. Dù miền xuôi hay miền ngược. Dù trong nước hay ngoài nứoc. Vì Tin mừng, chị em sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Dạy học hay lao động. Dạy giáo lý hay phục vụ bệnh nhân. Hướng dẫn tĩnh tâm hay khuyến khích đọc Tin mừng. Cầu nguyện hay thăm viếng. Như thánh Bổn mạng, chị em biết mình được Chúa “dành riêng để loan báo Tin mừng”( Rm 1, 1) coi đó là lẽ sống không thể không làm : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9, 16) nên đã quảng đại “rao giảng không công Tin mừng của Thiên chúa”( 2Cr 11, 7).
5- Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô Hà nội đã trở thành hạt giống. Sau năm 1954, hầu hết các nhà di cư để lại một miền Bắc điêu tàn. Nhưng việc ra đi đó không phải là mất mát. Miền Bắc chịu lụi tàn để miền Nam được phát triển. Đó chính là một mùa gieo hạt. Hạt giống miền Bắc gieo xuống chịu mục nát đi để miền Nam được hưởng mùa gặt dồi dào.. Miền Bắc “vừa đi vừa khóc, tay mang thóc vãi gieo” để miền Nam được “trở về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”(Tv 126, 5).
6- Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô Hà nội đã sống đức tin kiên cường. Các cơ sở bị tịch thu. Khuôn viên cứ thu hẹp dần. Người thì chết dần mòn hoặc bị bắt giam. Người còn lại thì bị sách nhiễu đủ điều. Nhưng càng trong gian khổ càng sáng lên đức tin kiên cường. Bà nhất Irene vẫn kiên trì dạy dỗ. Bà nhất Anne-Marie vẫn bình an thư thái. Và hiện nay bà nhất Basile vẫn lạc quan tươi cười. Trong những thời gian khó khăn, sơ Bernadette và sơ Brigitte vẫn vui vẻ phục vụ, đạp xe hết nơi này đến nơi kia để mua hàng, chạy việc cho Nhà Chung. Các chị em đã sống kiên cường trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô như lời thánh Tông đồ : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35-37)
7-.Chúng ta phải tạ ơn vì dòng thánh Phaolô Hà nội chiếu tỏa quyền năng Chúa. Nhà cửa đổ nát. Chỉ còn lại mấy nữ tu già yếu hẩm hiu. Ai cũng nghĩ dòng thánh Phaolô Hà nội thế là tàn lụi. Nhưng ơn Chúa thật lạ lùng. Chúa có thể làm từ không ra có. Chúa đã biến những cái không thể thành có thể. Từ những gốc cây già cổ thụ lại mọc lên những nhánh xanh tươi. Từ Abraham già nua, từ Sarah son sẻ, Chúa đã cho phát sinh một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Miền Nam đã gặt bội thu giờ đây đem hạt giống trở lại miền Bắc trong mùa gieo hạt mới. Sau những năm tháng tàn lụi đìu hiu, giờ đây dòng thánh Phaolô Hà nội lại bừng lên sức sống mới. Nhiều cộng đoàn phục hồi. Ơn gọi trẻ trung như những đóa hoa tươi nở. Đã đến lúc tái lập Địa hạt Hà nội. Đó là gì nếu không phải là ơn Chúa. Chị em Hà nội cảm nghiệm thực sự những gì thánh Phaolô đã trải qua : “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, họan nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”( 2Cr 12, 9-10). Đó chính là quyền năng của Chúa. Đó chính là sức mạnh của Chúa. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc diệu kỳ trước mắt chúng ta.
Và hôm nay chúng ta không thể nói lời gì khác hơn là : “Xin tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Xin tạ ơn Chúa và chúc mừng dòng thánh Phaolô, đặc biệt Địa hạt Hà nội được tái lập. Như trong bài sách thánh hôm nay, vua Salomon chúc lành cho Dân xin Chúa xưa đã ở với các tổ phụ tiếp tục ở với Dân Chúa, chúng tôi cũng xin Chúa ở tiếp tục công trình của Chúa nơi dòng thánh Phaolô như xưa Chúa đã khởi sự nơi các vị tiền nhân khởi đầu. Như Lời Chúa truyền dạy người được khỏi bệnh hãy đi ca tụng quyền năng của Chúa, chúng tôi tin rằng Địa hạt Hà nội được tái lập sẽ mau chóng lấy lại sức sống thuở ban đầu, đi khắp nơi kể lại những kỳ công Chúa đã lamà cho Hội Dòng, góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo tại miền Bắc. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
+ Giuse Ngô Quang Kiệt
Tổng Giám mục Hà Nội.