Lễ Hiện Xuống
Cv 2, 1-11; 2Cr 12, 3b.7.12-13; Ga 20, 19-23
Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống. Tin mừng hôm nay thuật lại: Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ này nhắc ta nhớ lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Sách Sáng thế 2, 7 tường thuật: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”. Hơi thở là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống. Không phải là một sự sống bình thường như sự sống của các sinh vật khác. Đây là sự sống của Thiên Chúa với tất cả những chiều kích cao sâu phong phú của nó. Trong khuôn khổ Lời Chúa hôm nay ta có thể thấy sự phong phú của sự sống Chúa Thánh Thần.
Đó là sự sống thiêng liêng. Sự sống là tất cả. Nên sự sống là món quà quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho con người. Không có sự sống là không có gì hết. Còn hơn thế nữa. Chúa ban cho ta sự sống của chính Thiên Chúa. Cho ta giống hình ảnh cao đẹp của Chúa. Cho ta được chung hưởng sự sống hạnh phúc với Chúa.
Đó là cuộc sống trong bình an. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra một định nghĩa mới về sức khỏe. Khỏe mạnh không phải chỉ là không có bệnh tật gì mà còn phải là cuộc sống bình an. Chúa Thánh Thần là sự sống bình an. Nên các môn đệ đang lo âu sợ hãi bỗng trở nên mạnh mẽ, can đảm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng các ngài vẫn vui tươi và bình an.
Đó là cuộc sống hiệp thông. Con người không sống đơn độc, nhưng sống với người khác. Cuộc sống xã hội làm con người nên phong phú. Nhưng cuộc sống xã hội chỉ phát triển trong sự hiệp thông. Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần. Ngày lễ Ngũ Tuần, thế giới tràn ngập ơn hiệp thông. Nên người muôn dân muôn nước, dù khác biệt mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ vẫn hiểu biết và sống chan hòa. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến người thuộc 17 địa phương khác nhau. Ta nghĩ đến 70 lần 7. Con số vô vàn vô số chủng tộc có thể sống với nhau trong tình hiệp thông chan hòa.
Đó là cuộc sống yêu thương. Chúa Thánh Thần là tình yêu muôn đời giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Là tình yêu nguyên thủy. Là tình yêu của mọi tình yêu. Giáo hội sơ khai được ơn Chúa Thánh Thần nên sống với nhau trong tình yêu thương. Mọi người đối xử với nhau như anh em ruột thịt. Bỏ của cải làm của chung. Nên không ai bị thiếu thốn.
Đó là cuộc sống hài hòa. Thánh Phaolô diễn tả cuộc sống theo ơn Chúa Thánh Thần khiến xã hội trở nên hài hòa như trong một thân thể. Mỗi người làm việc riêng theo chức năng của mình. Nhưng hài hòa với mọi người, như các chi thể trong một thân thể. Mỗi chi thể làm việc riêng nhưng đều hướng về lợi ích của toàn thân. Ta hãy xem một cầu thủ đá bóng. Khi thấy bóng, mắt phải quan sát. Trí óc phải phán đoán. Chân tay phải chuyển động. Và cả mắt nhìn, cả trí phán đoán, cả chân tay chuyển động là làm sao đưa bóng đến mục đích. Như thế mọi thành phần trong cơ thể đều kết hợp hài hòa để đạt được ích lợi chung.
Nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy cuộc sống do Thiên Chúa tạo dựng đang bị phá vỡ. Lực lượng sự dữ tàn phá hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Xúi giục con người sống theo thú tính. Khiến khuôn mặt con người trở nên méo mó. Đánh mất vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa. Tàn phá lương tâm khiến con người không còn phân biệt thiện ác. Tàn phá thiên nhiên khiến thế giới trở nên khó sống. Thiên nhiên nổi giận. Khí hậu biến đổi đang tác hại đến sự sống của con người. Còn tệ hại hơn nữa, lực lượng sự dữ tàn phá chính sự sống. Và tồi tệ nhất là con người hủy diệt chính sự sống khi giết hại thai nhi là chính con người, chính con cái của mình. Sự xấu làm cho cuộc sống mất bình an. Con người phải sống trong lo sợ. Sợ bị mất mạng. Sợ bị mất tiền của. Sợ bị mất danh dự. Sợ bị mất tự do. Sợ hãi làm cho con người sống mà như đang chết đi. Sự xấu làm mất tình hiệp thông. Người trong một nước nói cùng ngôn ngữ mà không hiểu nhau. Người trong một gia đình trở nên xa lạ vì mỗi người đều nghĩ đến quyền lợi riêng. Cuộc sống thiếu tình yêu thương. Đang có những tình anh em kiểu Cain và Abel. Rủ nhau ra đồng để giết hại nhau. Tình đồng chí kiểu môi hở răng lạnh. Nhưng răng cắn môi đau. Và cuộc sống thiếu sự hài hòa. Khiến cho các tập thể trở nên rời rạc. Vì mỗi người không nhìn đến lợi ích chung của toàn thân. Chỉ biết vun quén cho riêng mình.
Chính trong tình hình này, ta cần ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Chỉ có Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống mới có thể thay đổi, phục hồi và phát triển sự sống cho thế giới. Vì thế ta phải tha thiết, rên xiết kêu van xin Chúa Thánh Thần ngự đến.
Lạy Đấng Ban Sự Sống xin hãy đến. Xin hãy thổi hơi thần linh để con người được có lại sự sống của Thiên Chúa.
Lạy Đấng Bảo Trợ xin hãy đến. Chúa là nguồn mạch bình an. Xin hãy ban bình an cho chúng con.
Lạy Nguồn Ơn Hiệp Thông xin hãy đến. Ngài là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin hãy ban ơn hiệp thông để thế giới ngày càng gần gũi hiểu biết nhau hơn chí người trong cùng một nhà mà cũng như xa lạ, không thể hiểu nhau.
Lạy Thánh Thần Tình Yêu xin hãy đến. Ngài là tình yêu của mọi tình yêu. Là tình yêu nguyên thủy giữa Chúa Cha và Chúa Con. Xin cho chúng con sống với nhau trong tình bác ái huynh đệ chân thực.
Lạy Thánh Thần Hài Hòa xin hãy đến. Ngài làm cho tất cả “dầu là Do thái hay Hi lạp, nô lệ hay tự do, nếu đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí đều trở nên một thân thể”. Và mọi chi thể trong thân thể đều kết hợp hài hòa nhịp nhàng ăn khớp để hoạt động vì cùng một mục đích là ích lợi cho toàn thân.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và đổi mới mặt đất này. Nhưng mặt đất này do con người tàn phá. Nên xin hãy đổi mới tâm hồn con người. Xin đổi mới mọi sự trong ngoài chúng con. Để chúng con nên con người mới, xây dựng một thế giới mới chan hòa sự sống, chan hòa bình an, chan hòa tình yêu thương.
Lạy Mẹ Maria, xưa kia Mẹ đã cùng với các tông đồ trong nhà Tiệc Ly cầu nguyện xin Chúa Thánh thần ngự đến. Nay xin Mẹ cũng tiếp tục cầu nguyện để chúng con được đón nhận Chúa Thánh Thần.