.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Tựa

Lời nói đầu

CHƯƠNG 1

CHƯƠNG 2

CHƯƠNG 3

CHƯƠNG 4

CHƯƠNG 5

CHƯƠNG 6

CHƯƠNG 7

CHƯƠNG 8

CHƯƠNG 9

THAY LỜI KẾT

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo dục hôm nay cho ngày mai
Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB
dịch, Gs. Trần Thái Đỉnh
CHƯƠNG 4

           GIÁO DỤC  - MỘT VIỆC THỰC HÀNH

 

Nếu, xét theo cơ bản, giáo dục là ‘một kinh nghiệm’ thì trước hết đó không phải là ‘đối tượng của một lý thuyết’, nhưng trước hết đó là một việc thực hành.

Tất cả các nhà giáo dục đích thực đã bắt đầu bằng việc sống nền giáo dục của mình. Nếu không vậy, những lời bàn về giáo dục sẽ dễ trở thành lạt lẽo, và dễ xa rời thực tế. Sự thật thì đối với nhà giáo dục, cuốn sách của ông ấy là chính đời sống của ông ấy.

Bởi vậy, khi tới giai đoạn này của suy nghĩ, và để tránh những cạm bẫy mà tôi tố giác về những lời lẽ trừu tượng, tôi xin liên hệ đến việc thực hành của riêng tôi. Bất cứ tác giả nào cũng phải biết, và biết mình dựa vào đâu mà nói. Và điều này càng đúng cho những lời bàn về giáo dục.

Từ mười hai năm nay, tôi làm việc với tư cách một nhà giáo dục chuyên môn về các thiếu niên gặp khó khăn.

Những thiếu niên này, tuy không bị một khuyết tật  nào về thể lý hoặc về tâm lý, nhưng khi lớn lên đã vấp phải những khó khăn quan trọng, liên hệ đến một lịch sử gia đình và xã hội khá nặng nề.

Không bao giờ tôi muốn coi các thiếu niên này là ‘khó khăn’. Thực tế, phải chăng một thiếu niên bị coi là khó khăn, chỉ vì giao tiếp với em là chuyện khó khăn ? Đúng thế, chính mối liên hệ, chớ không phải em thiếu niên khó khăn.

Riêng bản thân tôi muốn mạnh mẽ tố cáo một số những nhãn hiệu mà người ta thường dễ dàng dán lên những thiếu niên gặp khó khăn, vì tôi tin chắc rằng  đức tính số một của nhà giáo dục là đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán. (‘Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán’ Mt 7,1).

-            Người ta nói đến ‘những trường hợp xã hội’, nhưng may thay ! Chúng ta tất cả không là những con người xã hội là  gì ! một xã hội muốn tỏ ra đa dạng …

-            Người ta nói đến ‘các em phạm pháp’ … nhưng lỗi phạm có một lần, rồi bị bắt có đáng cho em thiếu niên bị ghép tội như thế chăng ? Đôi khi người ta còn sài một danh từ điên rồ hơn nữa : Người ta gọi các em đó là ‘tiền phạm pháp’, nghĩa là mấy em đó chưa có những tội phạm, những tình trạng cho phép suy đoán rằng mấy em sắp phạm pháp. Vậy mà người ta lại ngạc nhiên khi sự việc xảy ra …

-            Người ta còn bảo đó là ‘các em thiếu thích ứng’. Nhưng nói đúng ra, từ này không được xử dụng để chỉ mối liên hệ giữa người ta với nhau. Chỉ nên dùng từ thích ứng, không thích ứng của con người đối với một sự vật … Còn khi nói đến những thiếu niên không thích ứng với một cơ sở nào (một cơ sở giáo dục, học đường chẳng hạn), thì phải chăng cũng phải tự hỏi cái cơ sở đó cũng không thích ứng tới mức nào đối với các thiếu niên’.

-            Rồi trong ngôn ngữ chuyên môn, người ta còn tạo ra từ ‘những em bị bất lợi về xã hội’ để đổ thừa cho mấy em những gì là kết qủa của một tình trạng xã hội. Chúng ta phải mạnh mẽ chống lại ‘sự hợp pháp hoá’ của sự bất bình đẳng mà tôi nghĩ là đã được tạo ra để củng cố sự yên hàn lương tâm của thành phần đa số của xã hội chúng ta.

Chúng ta hãy mạnh mẽ tố cáo tất cả những nhãn hiệu này, vì chúng trói buộc và cản bước tiến của các thiếu niên.

Những thiếu niên bị coi là ‘gặp khó khăn’, thật ra trước hết và trên hết chính là những thiếu niên cùng với lịch sử của các em, các quan hệ của các em, những dự tính của các em, và cùng với sự tiến hoá của các em.

Nói về hành động giáo dục của tôi nơi các em, chỉ có nghĩa là nói về những cuộc gặp gỡ các em. Và mặc dù lãnh vực hoạt  động của tôi có tính đặc biệt, nhưng tôi thấy cần nói rằng : tôi tin chắc rằng không một gia đình nào ngày nay lại không phải đối phó với những khó khăn quan trọng trong hành vi và cử chỉ của một trong những con em của mình.

Công việc giáo dục nhiều năm nơi các thiếu niên gặp khó khăn, vừa giúp chúng ta có cái nhìn sắc bén đối với các em, vừa giúp chúng ta dễ hành động với các em. Tôi sẽ mắc tội phản bội bạn đọc, nếu tôi không nói cho bạn đọc biết rằng, nhờ có sự thực hành nhiều năm như thế, mà lời lẽ của tôi có được sựï vững tin như thế này.

Trong chương có nội dung chuyển tiếp này, xin cho phép tôi được trình bày rõ ràng về khung cảnh của hành động giáo dục của chúng tôi, và vắn tắt ghi lại đây con đường tiếp cận của chúng tôi với các thiếu niên này.

TRƯỚC HẾT TÔI ĐÃ LÀ NHÀ GIÁO DỤC NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ (Từ 1978 đến 1983)

Trong năm năm liền tôi đã làm việc với tư cách người phụ trách một ê-kíp những nhà giáo dục ngoài đường phố (tại Pháp, người ta gọi công việc này là ‘Dự phòng có tính chuyên môn’). Đó là công việc mà tôi đã thực hiện với sự góp sức của thị xã và của quận.

Công việc của chúng tôi liên quan đến các thiếu niên (đa số từ 13-25 tuổi) của một cư xá gồm những nhà thuê ít tiền (HLM) của vùng ngoại ô Paris, mà có thể bạn cũng biết tiếng bởi vì đã có cả một chiến dịch để tố cáo sự thất bại của cái thị xã này, một thị xã có cái ưu tiếng đáng buồn được liệt vào loại ‘vùng hòn đảo nhạy cảm’ của vùng ngoại ô Paris, và thuộc loại ‘vùng giáo dục ưu tiên’ của bộ giáo dục.

MỘT CƯ XÁ BIỆT LẬP

Xin giới thiệu vài lời về cái cư xá này, mọc lên như một cái nấm ở giữa đồng quê, gồm toàn những căn nhà xã hội : chừng 2300 căn nhà nằm trong những dãy nhà bằng bê tông, và giữa những dãy nhà này là cỏ hoang và dăm ba cây cằn cỗi và khẳng khiu.

Hơn 10.000 người sống trong cái thế giới tập trung bằng bê-tông này.

-            Mười ngàn người thuộc 36 quốc tịch khác nhau. Và đủ mọi chủng tộc (Bắc phi, Á châu, da đen, và người Địa trung hải) đều có mặt trong đám này.

-            Trong số 10.000 người  này thì độ một nửa chưa tới 18 tuổi. Như thế có nghĩa là thành phần trẻ em rất quan trọng trong cư xá này. Trên một công viên nhỏ, người ta có thể đếm được gần 50 em ở chỗ đối diện với cầu thang (như thế là độ mười căn phòng).

-            Đa số trong mười ngàn người này (nhất là phụ nữ và con nít) sống khép kín trong khu cư xá này, không bao giờ có dịp ra ngoài. Các phương tiện chuyên chở không thuận tiện chút nào, và nhất là vì những người trong cư xá tự cảm thấy mình bị những dân làng lân cận ghét bỏ.

Quả vậy, đa số cư dân của cư xá này là công nhân và thuộc giai cấp vô sản, một số lớn ở trong cảnh nghèo khổ. Theo chính sách cấp nhà hồi đó của tổ chức nhà ở của vùng ngoại ô Pari, thì nhiều gia đình mới tới thuộc loại ‘những trường hợp xã hội’…

Tất nhiên, sự nghèo khổ này thường được che đậy : họ mua xe hơi trả góp, mua tivi màu, sắm đồ đạc v.v … nhưng những sự mua sắm này, do ảnh hưởng của quảng cáo đối với lớp dân chúng ít hiểu biết, đã làm ngân sách các gia đình đã khó lại càng thêm khốn đốn, đến nỗi họ không đủ tiền để lo ăn lo mặc. Nhiều em đã thú thật với tôi là chỉ ăn có một bữa mỗi ngày (ở căng tin). Rồi nói gì những vụ không trả tiền nhà, và những khoản nợ đủ thứ, cho nên mấy ông thừa phát lại phải thường xuyên tới đây !

Tai vạ nặng nhất là nạn thất nghiệp. Với cuộc khủng hoảng kỷ nghệ, nhất là kỹ nghệ xe hơi mà đa số dân ở đây là công nhân, tình trạng kinh tế của vùng này đã suy sụp ghê sợ, và công ăn việc làm trở thành bi đát. Đặc biệt đối với các thiếu niên mà đa số đã thôi học vào lúc 16 tuổi, không có một chút bằng cấp nào, thì hầu như không thể nào kiếm được viêc làm.

Không có việc làm, không có tiền để giải trí, các thiếu niên đành phải lang thang trên các đường phố. Nhiều khi mấy em đã đoạn tuyệt với gia đình, thành thử vừa thiếu tình thương, vừa bị hằn vết vì thất bại trong việc học hành, mấy em này chỉ còn tìm được nơi các băng đảng của mình chút ấm lòng của tình bạn. Như vậy : cảnh phạm pháp đã ngự trị nơi khu phố này, và rượu chè và ma tuý đã tung hoành nơi đây …

VIỆC  LÀM  CỦA  NHÀ  GIÁO  DỤC  ĐƯỜNG  PHỐ

Tôi phải nói ngay là việc làm của nhà giáo dục ‘Đề phòng đặc biệt’  là việc làm của một ê-kíp : chúng tôi lo cho các em thiếu niên, nhất là những em sống ngoài lề luật, được hưởng một nền giáo dục nhằm giúp mấy em dễ dàng hội nhập vào xã hội, đồng thời giúp mấy em đi tới chỗ có thể tự lập.

Công việc đầu tiên là tìm gặp gỡ các em, phải lui tới những nơi mà các em thường tụ tập : đường phố, các quán cà phê, những chân cầu thang, những chỗ khiêu vũ … Bởi vậy, chúng tôi mang húy danh là ‘những nhà giáo dục đường phố’, chúng tôi thắt mối dây liên lạc đầu tiên với mấy em, một mối liên lạc thắm tình bạn bè rất tầm thường của cuộc sống thường ngày.

Sau đó biết rằng chúng tôi là những nhà giáo dục, các em biết đường tìm đến với chúng tôi, để chúng tôi giúp  các em giải quyết những vấn đề của các em : tìm việc làm, thôi học sớm, mang bầu ngoài ý muốn, vừa ra khỏi tù, nghiện ma túy, bỏ nhà cha mẹ ra đi (lén trốn đi, bị cha mẹ đuổi đi, bị đập đánh) … trong tình cảnh bỏ nhà ra đi như thế, nhiều thiếu niên cảm thấy bơ vơ không biết tin cậy ai để nhờ giúp đỡ, và sự tuyệt vọng đôi khi đã đưa mấy em đến bến bờ sự tự vẫn. Bởi vậy vai trò chính của nhà giáo dục chúng tôi, sẽ là con người để lắng nghe các em và được các em tin tưởng, con người mà các em tìm kiếm trong những giờ phút khó khăn đó.

Để được các em tin tưởng, cần thiết phải làm quen với các em. Bởi vậy một hành động nữa của chúng tôi là giúp mấy em tổ chức thời gian giải trí : như vậy chúng tôi đấu tranh chống lại sự ăn không ngồi rồi, nhân tố số một của sự phạm pháp. Trong căn phòng mà thị  xã để cho chúng tôi xử dụng, có một xưởng cơ khí để mấy em có thể đưa ‘xe máy’ của mình tới đó mà sửa : các em lại có nơi đây một trung tâm, để các em khỏi phải tới tiệm cà phê để chơi  ‘đánh bón bàn’. Trong kỳ nghỉ hè, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc đi cắm trại ngắn hạn cho từng nhóm nhỏ, ưu tiên dành cho những người chưa bao giờ ra khỏi nhà (và số này khá đông). Những trại hè cho phép những người tham dự khám phá ra những môi trường sống khác ngoài cư xá của họ, và nhất là tập cho họ biết cuộc sống đoàn thể bằng cách khám phá ra những đòi hỏi của cuộc sống tập thể và những niềm vui của sự chia sẻ.

Một hướng làm việc nữa của chúng tôi, và đây không phải là công việc nhỏ, đó là kêu gọi các vị có trách nhiệm ở địa phương (các vị dân cử cũng như các cơ quan hành chánh).  Để các vị lưu tâm đến các hoàn cảnh của các em, đấu tranh để đạt được một sự cải thiện trong cuộc sống trong cư xá. Nếu không có sự cùng nhau đấu tranh như thế trên bình diện tập thể, thì công việc riêng lẻ của chúng tôi nơi các em thiếu niên sẽ mất ý nghĩa của nó.

VÀ BÂY GIỜ LÀM GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM

Từ một năm rưỡi nay, tôi rời bỏ đường phố để nhận một trung tâm thiếu niên, và như vậy tôi gần như cũng theo một con đường như đa số các thiếu niên của tôi.

Các anh em Salêdiêng đã xin tôi nhận làm giám đốc một trung tâm các thiếu niên gặp khó khăn trong vùng Caen.

XIN  GIỚI THIỆU TRUNG TÂM VÀ CÁC EM Ở ĐÓ

Có 36 em trai, từ 13 đến 18 tuổi, sống trong trung tâm này. Các em đều có chung một lịch sử gia đình khá nặng nề vì những lần bỏ nhà ra đi, hoặc bị đuổi đi một vài lần. Đó là 36 thiếu niên, với những vết thương nơi trái tim, và với những giọng nói đôi khi hung bạo nhưng không dấu nổi một sự thiếu thốn to lớn về tình thương. Trong số các em này một nửa được ủy thác cho chúng tôi do Ban xã hội lo cho thiếu nhi, và một nửa thì do các tòa án thiếu nhi trao cho chúng tôi.

Nhiều em mắc những chứng do thiếu tình thương, vì sống trong một gia đình cha mẹ ly dị nhau, hoặc một gia đình bị đổ vỡ trầm trọng. Những chứng thiếu thốn này thường được biểu lộ qua sự luôn sợ bị bỏ rơi, cũng như qua những sự thiếu khả năng giao tiếp, bởi vì các em đã sống trong một tình trạng bị cụt hứng, bị mất mát, nhân đó mấy em thường có thái độ yêu sách tích cực và thường xuyên. Nhìn thế giới qua lăng kính của kinh nghiệm xã hội đầu tiên của mình, các em chỉ có thể nhìn thế giới là nguồn mạch những lo âu, và là mối đe doạ thường xuyên. Thường khi các em tự cảm thấy có trách nhiệm trong những gì xảy đến cho mình, nên các em tự coi mình là loại  người xấu, không đáng người ta thương. Bởi đó một số nét thường được  nhận thấy nơi mấy em là : duy kỷ  và không có khả năng để đi ra khỏi cái tư kỷ ; tránh tiếp xúc với thực tại (có khuynh hướng sống trong ảo tưởng và có thái độ chạy trốn thực tế), có những khó khăn về giao tiếp với tha nhân.

Những chỗ khuyết đó nơi mấy em thường đi đôi với một thái độ khá rõ về tính rất thụ động, hoặc ngược lại, tỏ ra là hay gây sự và hung bạo quá đáng. Phải nói rằng đa số, nếu không nói tất cả các em, đều gặp thất bại về học hành : vậy mà các em thuộc loại trẻ em có trí thông minh loại cao ! Tình trạng này thường khi là hậu phát sinh nơi các em một tâm trạng của sự cụt hứng và của sự bất lợi. Không bao giờ người ta nhấn mạnh đủ về sự kiện gặp nhiều thất bại sẽ dẫn tới sự mất tin tưởng vào chính mình, như người ta thấy nơi những thiếu niên này : các em mang nặng tâm tình đau đớn về sự bất tài bất lực của mình, các em mất hết tính xông xáo, mất hết cảm thức về sáng kiến, và không dám xướng xuất gì hết.

Khủng hoảng kinh tế cùng với cảnh thất nghiệp lan rộng, đã góp phần đáng kể vào việc suy giảm khả năng của các em dấn thân vào tương lai, và càng làm cho các em cảm thấy mình vô dụng cho xã hội. Quá bi quan về tương lai của mình, các em không có dự tính nào hết, và sống ngày nào biết ngày đó, hưởng thụ cái lúc hiện tại, mặc cho ngày mai ra sao thì ra. Sống cái thời đại của nguyên tử, của cái tức khắc, các thiếu niên ngày nay không biết chờ đợi nữa : ở tuổi mới lớn lên, chưa trưởng thành về tâm tính, lối sống vội vàng này thường xô đẩy các em tới hành động.

DỰ TÍNH CÔNG VIỆC GIÁO DỤC CỦA CHÚNG TÔI

Don Bosco thường nhắc cho các đệ tử ngài rằng ‘không những em thiếu niên phải được yêu thương mà cần các em cảm thấy mình được yêu thương’. Đó chính là hướng đi của công việc giáo dục của chúng tôi. Đối với các em bị khiếm khuyết về  phương tiện tình cảm, do những vết sâu về thất bại và vì bị xua đuổi, sự thực hiện dự tính giáo dục này của chúng tôi sẽ mang tất cả mọi sắc thái của một nền tâm lý giáo dục có suy nghĩ và được xét lại trong ê-kíp với nhau.

Mục tiêu của chúng tôi là giúp mấy em đảm nhận lấy lịch sử của mình, dù lịch sử đó có nặng nề mấy đi nữa, để rồi tập trung sức lực vào việc xây dựng tương lai của mấy em, cũng như giúp các em tập sống với xã hội.

Việc giáo dục của chúng tôi dựa theo nền giáo dục thiếu niên của Don Bosco, một nền giáo dục đặt căn bản trên tin tưởng và lắng nghe, trong bầu không khí thân tình và âu yếm.

Dự tính giáo dục của chúng tôi được thực hiện, nhờ :

-            Lắng nghe các em. Lắng nghe từng em, trong bầu không khí quí mến, tin tưởng và âu yếm. Sự lắng nghe này được đặt lên hàng ưu tiên. Tất cả những gì góp phần vào việc phát huy những khả năng của mấy em về phương diện thể xác hay ngôn ngữ, đều nhất định được khuyến khích. Nên để ý đến phần quan trọng mà trung tâm của chúng tôi dành cho : thể thao, sân khấu và xem phim vidéo. Hành động giáo dục của chúng tôi nơi mấy em luôn dựa vào những đàm thoại thường xuyên, mệnh danh là ‘đàm thoại để nâng đỡ’, nhằm giúp mấy em ý thức những khó khăn của mình, và một số những phương tiện để thắng vượt các khó khăn đó.

-            Liên lạc với gia đình các em : Việc để các em ở nội trú, xa gia đình, phải được khai thác để được tái tổ chức những quan hệ mấy em với gia đình mình. Việc này đòi hỏi phải liên lạc thường xuyên với các gia đình mỗi khi có thể được.

-            Nhấn mạnh về việc đào tạo học vấn và nghề nghiệp : Đạt được một sự đào tạo vững chắc về nghề nghiệp sẽ là nhân tố cần thiết trong dự tính đưa các em hội nhập lại vào xã hội. Bởi vậy, liền sau khi nhận mấy em vào trung tâm, công việc đầu tiên của chúng tôi là lo cho các em được đào tạo về học vấn và nghề nghiệp. Mỗi khi có thể, chúng tôi khuyến khích việc cho mấy em đi học bình thường như các trẻ khác (đi học tại các trường trung học công hoặc tư thục bên ngoài trung tâm, trong vùng đó ; học chương trình phổ thông, hoặc kỹ thuật). Còn đối với mấy em không thể theo học tại các trường đó (vì đã bỏ học lâu quá, hoặc có những rối loạn quan trọng về cử chỉ), thì các em sẽ được dạy tại chỗ, trong các lớp học – xưởng thợ của trung tâm : các em sẽ được dạy riêng (để có thể theo kịp các bạn học về trình độ học vấn, và được theo các lớp học nghề sơ cấp). Những em lớn hơn sẽ theo chương trình tập nghề, và được hưởng những khoản do chính phủ dành cho việc đào tạo thanh thiếu niên 16-18 tuổi.

-            Tập sống tự lập : Trong thời gian sống ở trung tâm các em sẽ tập dần dần biết tự lập, để có thể đáp ứng những nhu cầu của mình, cả về cuộc sống hằng ngày, cũng như  về công việc đào tạo và về những cuộc giải trí. Mỗi em đều tự lập về việc đi lại (xe buýt, xe đạp), và tất cả những gì giúp ích cho việc hội nhập cách bình thường vào xã hội (học tập, giải trí bên ngoài trung tâm), đều được hết sức khuyến khích. Điều này đòi hỏi phải có sự phối trí của trung tâm và bên ngoài.

-            Kinh nghiệm về công việc xã hội : Sự phối trí giữa trung tâm và bên ngoài sẽ giúp cho các em có kinh nghiệm về cuộc sống xã hội. Nhưng một phương tiện tuyệt hảo về đời sống tập thể cũng được thiết lập ngay từ bên trong trung tâm bằng cách chia sẻ cuộc sống của nhóm. Các thiếu niên được chia làm ba đơn vị sinh hoạt có nơi ở riêng và hoạt động một cách tự lập : các em 13-15 tuổi, các em 16 tuổi, các em 17-18 tuổi.

Trong trung tâm, cuộc sống đoàn thể được đặc biệt đề cao. Đúng thế, cuộc sống chia sẻ với nhau trong đoàn thể sẽ cho các em có kinh nghiệm về giao tiếp, đồng thời dạy cho các em biết những đòi hỏi của cuộc sống tập thể. Bầu không khí thân tình của nhóm sẽ là yếu tố quyết định cho sự tiến bộ của các em.

Nơi những em nhỏ tuổi hơn, khi tới trung tâm còn đang bị chấn thương về hoàn cảnh khủng hoảng của mình (bị đuổi ra khỏi gia đình, bị thôi học), thì mục tiêu giáo dục chính yếu phải là xây dựng một tâm trạng được sưởi ấm và an bình, nhờ đó các em sẽ dần dần làm chủ được tình cảm của mình. còn như nơi các em lớn, thì dự tính giáo dục của chúng tôi là phát huy những khả năng tự lập.

Riêng đối với những em có nhiều rối loạn về lãnh vực tình cảm, và nhân đó rất khó thích ứng với cuộc sống xã hội, thì nhóm sinh sống ở trung tâm, do tính năng động riêng biệt của mình, sẽ được sử dụng như phương tiện chữa trị, vì nó cho mấy em có dịp ý thức về những khó khăn giao tiếp của mình, để có thể sửa chữa những thái độ của mình. Chiến dịch hiểu biết lẫn nhau ắt sẽ xảy ra : mỗi thành viên của nhóm phải thừa nhận các anh em khác nếu mình muốn được các anh em khác thừa nhận. Và chúng ta biết rằng, ở tuổi mới lớn lên, các em rất thích sống thành từng nhóm nhỏ, cho nên sự lên án của bạn bè trong nhóm, đối với cử chỉ không thể chấp nhận của một em, thường thì có uy lực hơn là sự răn bảo của nhà giáo dục.

Muốn thực hiện một dự tính giáo dục như thế, trước hết cần phải có sự làm việc ê-kíp thật sự : với tư cách là giám đốc, tôi điều hanh ê-kíp này. Tôi nghĩ rằng : ngày nay, bất cứ công việc nào trong lãnh vực giáo dục chuyên biệt, cùng với tất cả sự lần mò và nghiên cứu của nó, đều phải là công việc của một  ê-kíp, bảo đảm cho việc kiểm tra mối quan hệ giáo dục mà mỗi thành viên đều dấn thân vào một cách đầy tình cảm, việc làm của ê-kíp sẽ giúp các nhà giáo dục tránh được những cạm bẫy của hành động riêng rẽ.

Nhưng để thực hiện công việc giáo dục này, trên hết cần thiết phải có sự nhập cuộc của mỗi em thiếu niên. Nhờ sự chia sẻ cuộc sống hằng ngày với các em, nhờ việc lắng nghe từng em, chúng tôi tìm trước hết thắt chặt mối liên hệ với từng em, trong bầu không khí tương kính tin tưởng và thân ái.

Chính dựa vào tất cả một lịch sử về những tương quan như thế với các em, mà hôm nay tôi giám mạnh bạo lên tiếng  về đề tài giáo dục khó khăn này.

Nhưng khi tiếp tục bàn về vấn đề này, tôi muốn tâm sự với các bạn bằng niềm vui lớn nhất của tôi với tư cách là linh mục giáo dục, đó là khám phá Đức Kitô mà tôi gặp mỗi ngày khi chia sẻ bánh Thánh Thể, thì tôi lại có dịp phục vụ khi lo cho các em của trung tâm.

‘Thầy nói thật với anh em, khi anh em làm điều đó cho một trong những kẻ bé mọn nhất trong anh em ta, thì anh em đã làm chính bản thân thầy’ (Mt 25, 40). 

Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB (dịch, Gs. Trần Thái Đỉnh)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!