.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Tựa

Lời nói đầu

CHƯƠNG 1

CHƯƠNG 2

CHƯƠNG 3

CHƯƠNG 4

CHƯƠNG 5

CHƯƠNG 6

CHƯƠNG 7

CHƯƠNG 8

CHƯƠNG 9

THAY LỜI KẾT

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo dục hôm nay cho ngày mai
Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB
dịch, Gs. Trần Thái Đỉnh
CHƯƠNG 1

TIẾN TỚI MỘT SỰ THỰC HÀNH KITÔ GIÁO CỦA CÔNG VIỆC GIÁO DỤC 

Cũng như  người nghệ sĩ kitô giáo tốt nhất không tất nhiên là người thực hiện những bức họa có đề tài tôn giáo, hoặc người hát trong nhà thờ, nhưng là người nghệ sĩ biết trình bày nghệ thuật của mình, cái nhìn của mình, dưới ánh sáng của Thiên Chúa tỏa ra trên các hình thể của thế giới, thì cũng vậy, nền giáo dục sẽ không là kitô giáo ở chỗ nó bàn về những người đã được rửa tội, hoặc ưu tiên cho những cơ hội dạy về tôn giáo. Một nền giáo dục là kitô giáo, trước hết vì nó tỏ ra cố gắng chú ý và đón nhận ơn kêu gọi toàn diện của con người đã được Thiên  Chúa gọi đích danh, sau là vì nền giáo dục đó đã đáp lại lời kêu gọi đó, cho phần vụ của mình và theo công tác riêng của mình. 

Tôi đã chọn câu hỏi này của Margue rite Iéna làm tiêu đề cho chương I này, vì câu này dọi một ánh sáng tốt lành cho cuộc tranh luận mà chúng tôi đề nghị phải diễn ra về tương quan giữa hành động giáo dục và sự dấn thân kitô giáo.

Chúng ta đừng hạ giảm việc giáo dục kitô giáo thành  việc dạy giáo lý, như một số người bị cảm dỗ làm. Dạy giáo lý là một việc quan trọng lắm, nhưng đó không phải là đối tượng của tác phẩm này. Các kitô hữu đó không phải là sứ mạng dạy giáo lý mà thôi : họ còn phải dấn thân vào lãnh vực rộng lớn của giáo dục …

CÓ THỂ NÓI ĐẾN MỘT NỀN GIÁO DỤC KITÔ GIÁO CHĂNG?

Theo nghĩa rộng này, người ta có thể nói đến một nền giáo dục kitô giáo chăng ? Riêng tôi, tôi nghĩ  là không, và tôi nghĩ  rằng tốt hơn nên nói đến một, hoặc nhiều cách thực hành kitô giáo của việc giáo dục, dựa trên một cái nhìn kitô giáo về con người .

Xin phép tôi lấy một thí dụ như  việc làm chính trị. Dầu thoạt tiên sự so sánh có vẻ kỳ lạ, nhưng nó không kỳ cục chút nào. Giáo dục và chính trị có chung một điểm, là “không làm” cũng là một cách làm. Ai nói mình không làm chính trị, thì người đó đã chủ trương một đường lối được coi là chính trị, người ta thường thấy rằng, khi có thay đổi màu sắc chính trị của chính phủ, những người trước đó vẫn to tiếng tuyên bố không dây mình vào chính trị, lại bắt đầu làm chính trị. Và điều này rất dễ hiểu. Trong việc giáo dục cũng vậy, khi một nhà giáo dục chọn không giáo dục (nghĩa là chọn buông thả hoàn toàn), thì thật sự ông ta đã thực hành một lối giáo dục rồi đó.

Nhưng xin hãy trở lại việc so sánh của chúng ta. Không có ‘một nền chính trị kitô giáo’ được nhập thể nơi một đảùng phái duy nhất tự xưng là kitô giáo. Bởi vì chính trị không phải là một đường lối hành động để đạt được một mục đích : đó là xây dựng một kiểu xã hội. Làm chính trị chính là chọn những phương tiện, những kỹ thuật, những sách lược đạt được mục đích đó.

Phúc âm đã cho chúng ta những chỉ dẫn về mục đích, còn về các phương tiện thì chúng ta chẳng thấy mình ở trong sự hoàn toàn tương đối, và có thể có nhiều quyết tuyển khác nhau đó sao ? Tuy nhiên điều cần thiết là các phương tiện này không trái nghịch với các mục tiêu. Tôi cho điều kiện này tuyệt đối cần thiết, và như  vậy nó giới hạn khả năng chọn lựa của chúng ta.

Như vậy không có một nền chính trị kitô giáo duy nhất, nhưng là một, hay đúng hơn, nhiều cách thực hành kitô giáo của sự làm chính trị, dựa trên cái nhìn kitô giáo về các quan hệ xã hội (kính trọng các nhân quyền, công bằng, liên đới), và sử dụng những phương tiện không trái nghịch với cái nhìn đó.

Cũng vậy, theo tôi nghĩ thì không có ‘một nền giáo dục kitô giáo’ nhưng có một, hay đúng hơn, có nhiều cách thực hành kitô giáo của việc giáo dục, dựa trên cái nhìn kitô giáo về con người, và không sử dụng những phương tiện, những kỹ thuật trái nghịch với cái nhìn đó. Ở đây cũng vậy, phúc âm nói cho ta nghe dự tính của Thiên Chúa về con người, nhưng không dạy ta điều gì về các phương tiện giáo dục.

DỰ TÍNH CỦA THIÊN CHÚA VỀ CON NGƯỜI

Vậy đâu là cái nhìn kitô giáo về con người ? Đâu là dự tính của Thiên Chúa về con người ? Để có thể làm nền tảng cho một sự thực hành việc giáo dục ?

Khi lên tiếng tại diễn đàn UNESCO ở Paris, ngày 02 tháng 6 năm 1980, Đức Gioan Phaolô II đã nói về vâán đề này như sau : giáo dục là làm cho con người càng ngày càng trở nên người hơn, càng có thể ‘là’ nhiều hơn, chớ không chỉ là có thể ‘có’ nhiều hơn, nghĩa là qua tất cả những gì con người ‘có’ và ‘sở hữu’, con người biết ‘là’ người cách đầy đủ hơn. Muốn được như thế, con người phải biết ‘là nhiều hơn’ không những ‘với những người khác’ nhưng còn là ‘cho những người khác’.

Chúng ta có thể tóm tắt bằng cách nói rằng dự tính của Chúa về con người, là con người phải là cách tròn đầy và đó là nhiệm vụ giáo dục của một kitô hữu.

Bởi vậy, trong lãnh vực này, tất cả những gì có thể được quy định nhân danh Đức tin Kitô giáo, thì cũng phải có thể được biện minh nhân danh con người, và ngược lại. Đó là giả định thần học sẽ hướng dẫn sự suy nghĩ của chúng tôi nơi trang sách này, một sự suy nghĩ sẽ xuất phát từ một cuộc đối thoại thường xuyên giữa các khoa học nhân bản và phúc âm.

Tất nhiên tôi không dám tuyệt đối hóa một luồng tư tưởng như thế. Sự thật thì một điều ai cũng nhận thấy là ngày nay chúng ta đang chạm trán với những lập trường luân lý rất khác nhau. Đứng trước một chủ nghĩa đa quyền về triết học, luân lý và cả thần học nữa, những niềm xác tín của các kitô hữu không còn hiển nhiên nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng những dữ kiện hiện nay của các khoa học nhân bản có thể giúp nhiều cho chúng ta trong việc suy nghĩ về các vấn đề giáo dục. Trái với sự suy nghĩ của một số người tôi thấy có những âm vang đồng điệu rất mạnh giữa những dữ kiện này và những dữ kiện của truyền thống Thánh Kinh : Điều này làm cho người kitô hữu cảm thấy thoải mái trong việc mày mò các dữ kiện như thế. Về phần tôi, tôi vẫn tiếp tục ngỡ ngàng và thích chí trước nội dung của mặc khải, một nội dung tỏ ra phong phú vô tận mỗi khi được khai thác bởi những dụng cụ mới của khoa học ngày nay .

Nếu người ta chấp nhận giả định thần học được nêu lên trên đây, người ta có thể khẳng định rằng tất cả những gì người kitô hữu coi là có giá trị giáo dục, cũng sẽ có một giá trị tích cực đối với những người ngoài kitô giáo. Bởi vậy, tôi ước mong rằng tác phẩm này không những tới tay các kitô hữu, mà còn tới tay các thân hữu vô thần của tôi cũng như những bạn theo chủ nghĩa bất khả tri, là những người chia sẻ cái nhìn của chúng ta về con người một cái nhìn đặt nền trên sự tôn trọng.                                       

MỘT CON NGƯỜI TRONG TƯƠNG QUAN

Làm cách nào tường trình cái nhìn kitô giáo về con người, bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với những người thời đại chúng ta ?

Chúng ta đã quá quen làm việc trình bày này cho thời đại văn hóa mà chúng ta sắp bỏ qua, một thời đại có thể được gọi là ‘thời đại của bản thể’.

Đó là thời đại mà chúng ta cũng có thể xác định là thời đại siêu hình, bởi vì từ Platon đến Hégel, người Tây phương đã cùng nhau tạo nên một nền văn hóa và cùng nhau suy luận rằng ở đằng sau mỗi sự vật vẫn tàng ẩn một thực tại, tuy người ta không thấy được, nhưng vẫn hiện hữu một cách thực sự. Chính trong thời đại này, các kitô hữu đã có dịp suy tưởng về siêu việt, từ trước đến nay.

Thời đại này đã là thời đại của những thuyết nhị nguyên vĩ đại, được tổ chức xung quanh cùng một sơ đồ : một mầm mống tàng ẩn vô hình, với những biểu hiện ít nhiều rõ ràng, được chúng ta nhận thấy trong thế giới : vật chất / tinh thần, sự vật / ý tưởng, thể xác / linh hồn, lời nói / tư  tưởng, thực hiện / ý tưởng.

Như vậy trong thời đại đó, mỗi sự vật có một bên trong, tức một bản thể, và những biểu hiện bên ngoài mệnh danh là các tuỳ thể.

Cái đáng giá đối với thời đại đó, là cái làm cho sống động, làm cho vạn vật trở thành khả niệm, đó là một nền tảng, một cái gì được coi là nguồn gốc để tỏa ra một cái gì là không phải là sự vật, nhưng là một cái lý, một cái làm cho sống động. Những từ then chốt của loại giải thích này là ‘bản thể’, ‘linh hồn’, ‘lý do hiện hữu’, ‘sự thiện’. Gần đây hơn, người ta lại sử dụng những khái niệm như ý thức, nội tâm, tinh thần[1].

Như vậy, để hiểu con người là gì, người ta sẽ tìm hiểu bản thể của con người, linh hồn của con người, tâm linh của con người, ý thức của con người … Người ta sẽ không giải thích hành vi và cử chỉ của con người bằng hiệu quả hoặc bằng tầm quan trọng xã hội của các hành vi đó, nhưng bằng ý hướng tính của chúng .

Sự phát triển mới đây của các khoa học đã đưa chúng ta ra khỏi thời đại này.

Cái hậu phương mà không một ai có thể chỉ cho ta thấy đó là cái gì, dù nó được gọi là bản thể, là linh hồn hoặc ân sủng ? Sự đồng tình của văn hoá về sự hiện hữu của những yếu tố đó, nay không còn nữa, và người ta không có thể biện minh cho lối giải thích đó nữa.

Cùng với những tiến bộ của trí thức ngày nay, thời đại văn hoá mới mà chúng ta vừa bước vào là thời đại của các quan hệ, các tương quan, của hiêp thông : từ nay mỗi sự vật đều được định nghĩa bằng cách thức những liên hệ mà nó có với các sự vật khác.

Điều này đúng cho con người. Bản thân con người là toàn bộ những quan hệ (kinh tế, xã hội, kỹ thuật, tình cảm, ngôn ngữ …) mà họ bị nhét vào, đã bị hoặc sẽ bị nhét vào. Không ai có thể có một ý nghĩa riêng cho mình, không liên quan gì đến các người khác và không liên quan gì với thế giới.

Ngày nay cách thức người ta hiểu con người sẽ ở tại việc nhận ra những quan hệ giữa các yếu tố đó là gì cho chính mình nó. Như vậy chúng ta càng ngày càng ít hiểu con người là một bản thể, nhưng chúng ta sẽ định nghĩa con người bằng cách liên hệ mà mỗi người có với những người khác. Như thế đủ biết tất cả tầm quan trọng của công việc suy tư về ngôn ngữ.

Những tiến bộ của các khoa học về ngôn ngữ và về sự tiếp thông đã dẫn tới một sự đảo lộn hoàn toàn các viễn ảnh, đối với thời đại văn hoá trước đây. Ý tưởng không có trước  ngôn ngữ : nó được hình thành trong và nhờ ngôn ngữ. ‘Ngôn ngữ không phải là một bộ những dấu hiệu qui ước, do con người tạo ra’ ngôn ngữ là ‘nơi xuất phát và là hình thức của tư  tuởng’.

Từ then chốt của thời đại văn hoá mà chúng ta mới bước vào hôm nay, không còn là bản thể nữa, nhưng  là tiếp thông.

Nếu chúng ta đồng ý với Guy Lafon để gọi ‘liên lạc’ là cái môi trường, nơi chúng ta nói, chúng ta nghe, chúng ta đọc, chúng ta viết và cũng là môi trường chúng ta hành động, thì xét cho cùng, chính mối liên lạc này là nét đặc trưng của tình trạng con người chúng ta. ‘Chính nhờ mối liên lạc này mà chúng ta vẫn được lập thành nhân loại, bao lâu chúng ta chưa chết. Nó là nét đặc trưng của tình trạng con người của chúng ta, cũng như tình trạng xã hội của chúng ta’.

Cách quan niệm con người và thế giới như thế nhất định sẽ gây nên một sự đảo lộn đối với quan niệm vẫn thường được chấp nhận trong thời đại trước đây về con người, thời đại siêu hình học, đến nỗi có thể coi đây là cuộc cách mạng Copernic lần thứ hai.

Cũng như ‘cái nhìn thông thường’ vẫn cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, mặc dù chúng ta biết chắc rằng sự thật ngược lại, thì trong vấn đề của chúng ta đây cũng vậy, quan niệm thông thường sẽ còn mạnh mẽ chống lại một nỗ lực phê phán như thế.

Quan niệm thông thường đó vẫn áp đặt chúng ta những điều người ta quả quyết là không chỗi cãi được, đến nỗi xem ra chúng ta không thể sống mà không dựa vào những điều được coi là hiển nhiên đó. Vậy mà những suy tư về các khoa học ngôn ngữ, và về mối tiếp thông của người ta với nhau trong xã hội, sẽ từ bỏ những điều được coi là hiển nhiên đó.

Chẳng hạn, đối với nhận thức thông thường, các chủ thể hiện hữu trước khi có sự họ liên lạc với nhau. Tự nhiên chúng ta nghĩ rằng những thực tại mà chúng ta gọi là anh, tôi, chúng ta, có trước khi chúng ta có thể liên hệ với nhau. Những đại danh từ như tôi, anh, chúng ta, phải chăng đã ghi nhận sự hiện hữu của những chủ thể phải có đó trước đã. Và phải chăng sự có trước này là điều kiện tiên quyết và tất yếu cho mọi thứ liên lạc. Như vậy phải chăng các chủ thể này vẫn cứ hiện hữu, mặc dầu chúng không liên lạc gì với nhau. Những liên lạc của chúng chỉ có sau và là để thêm vào sự hiện hữu của chúng.

Vậy mà những điều hiển nhiên này đang bị sự suy tư hôm nay về mối tiếp thông đặt thành vấn đề. Các khoa ngôn ngữ cho thấy rằng chủ thể nảy sinh nơi liên lạc, nơi mối tiếp thông xã hội.

Để nói một cách đơn giản hơn, chúng ta có thể nói rằng ‘cái Tôi và cái Anh đã cùng nhau nảy sinh’ vì người ta đã nói với tôi, cho nên một ngày nào đó tôi đã có khả năng đáp lại lời đó. Một người mà không ai nói ‘anh’, sẽ không bao giờ có khả năng nói ‘tôi’.

Vậy trong thời đại văn hoá này, khi mà con người không còn được định nghĩa là bản thể nữa, nhưng là một toàn bộ những quan hệ, chúng ta sẽ làm cách nào để triển khai cái nhìn của phúc âm về con người ?

Để trả lời câu hỏi này, nếu tôi phải nói gọn trong một câu – và đây tôi lãnh nhận trách nhiệm về riêng bản thân tôi – nếu phải nói gọn trong một câu  điều gì được tôi coi là chủ chốt của Tin Mừng, bằng thứ ngôn ngữ có thể được người thời nay đón nhận như một Tin Mừng thì tôi xin đưa ra câu này : hạnh phúc không do những gì người ta trao đổi, do những gì người ta ban tặng và lãnh nhận, do những gì người ta chia sẻ … Bởi vì nếu không thể, nếu không được người thời nay đón nhận, thì ta đừng bao giờ quên rằng rao giảng phúc âm là mang đến một Tin Mừng, cho người thời đại mình.

ĐIỀU  QUAN  TRỌNG  KHÔNG  PHẢI  LÀ CÁI  MÌNH  SỞ  HỮU  NHƯNG LÀ  CÁI  MÌNH  TRAO ĐỔI

Chung cuộc có lẽ chỉ có hai hạng người:

-          Những người tin rằng hạnh phúc ở tại những cái họ sở hữu : xe hơi, ngôi nhà để nghỉ hè, bằng cấp, tài sản.

-          Những người nghiệm thấy rằng hạnh phúc phát sinh do trao đổi, do những gì mình cho và mình nhận.       

Và chỉ khi thiếu, người ta trao đổi. Bởi vậy người nghèo được coi là hạnh phúc hơn người giàu. Vì sống chết người nghèo cũng phải dấn thân vào vòng trao đổi, còn người giàu vì nghĩ rằng mình có thể thỏa mãn những nhu cầu của mình, cho nên coi đó là thừ. Bởi vậy người nghèo  ở trên đường dẫn tới hạnh phú, còn người giàu thì thậm chí không biết rằng hạnh phúc là một con đường.

Xin hãy nghe rõ điều tôi nói. Tôi nói ở cảnh nghèo, chớ không nói phải yêu sự nghèo khó vì nghèo khó, càng không nói là phải sung sướng vì nghèo. Như thế sẽ là một sự thác loạn : Như linh mục Pierre đã diễn tả rất đúng. ‘Đối với những người sinh ra trong cảnh nghèo khó, đã từng nếm những hoàn cảnh gần như cùng cực, có một thứ mô tả lãng mạn về khó nghèo, cả về bình diện lý tưởng tinh thần, nhưng đó là một thứ mô tả lãng mạn làm cho phát khùng’.

Không. Người ta chỉ có thể thật sự nghèo khó bằng cách đấu tranh chống sự nghèo khó. Nói theo thuật ngữ của một nhà thần học Châu mỹ La tinh, thì sự nghèo khó của KiTô giáo là biểu hiện của tình thương : nó liên kết với người nghèo và phản kháng lại sự nghèo khó.

Nghèo khó là tình thương : hai từ này họa vận với nhau một cách tuyệt diệu, bởi vì nếu có cái gì không bao giờ có thể sở hữu, nhưng chỉ có thể ban và nhận, thì đó là : tình thương. Ai trong chúng ta lại điên khùng nghĩ rằng : tôi có tình yêu của vợ tôi, hoặc tôi có tình thương của người bạn tôi? Nếu người đó tưởng rằng mình sở hữu tình thương, thì người  thì người đó sẽ sớm bước vào con đường đánh mất tình thương.

Bởi vậy tôi lại thích trích dẫn linh mục Pierre một lần nữa. Ông viết, nhân  loại không cơ bản được chia làm hai bên, bên những người được kêu là có tín ngưỡng, và bên những người vô tín ngưỡng,  nhưng mà là giữa những người ‘tự tôn thờ mình’ và những người có hiệp thông[1]. Những người loại trước sẽ ngoảnh mặt đi khi họ gặp thấy đau khổ, những người loại sau thì đấu tranh hết sức mình cùng với những ai đau khổ.

Đối với những người loại trước, những người đặt hạnh phúc nơi những gì họ sở hữu, viễn ảnh sự chết là một cái gì không thể chịu được. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn về người giàu có điên rồ, tự hỏi phải làm gì cho vụ thu hoạch. Tôi sẽ làm như thế này :  Tôi sẽ phá những kho lẫm của tôi, để xây những kho lớn hơ. Tôi sẽ để tất cả lúa mì và tài sản của tôi trong đó. Và tôi sẽ bảo mình rằng : ‘Này, bây giờ mình có rất nhiều của cải để dành cho nhiều năm. Mình hãy nghỉ ngơi, ăn nhậu thỏa thuê’. Nhưng Thiên Chúa bảo người đó rằng : ‘Hỡi tên điên rồ, đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống của mi, thì tất cả những gì mi đã chuẩn bị kia, sẽ về tay ai ?’ (Lc 12, 18 – 20).

Còn những người thuộc loại sau, ‘những người biết hiệp thông’ tức là những người đã bước vào sự sinh động của trao đổi và chia sẻ, thì không có gì phải sợ sự chết, đặt tin tưởng vào Chúa Kitô, họ tin rằng những sợi dây của tình thương, của tình bạn và của trao đổi, đã được dệt một cách tốt đẹp trong cuốc sống của họ, sẽ không bị vĩnh viễn tan vỡ do sự chết, bởi vì các mối tình đó mạnh hơn sự chết. Chết  không có nghĩa là chấm dứt  mỗi liên lạc. Và cuộc sống có chiều kích vĩnh cửu, mà vĩnh cửu không có nghĩa là sau này và ở nơi khác, nhưng ở đây và bây giờ, khi họ say mê dấn thân vào cuộc trao đổi.

  ‘Hạnh phúc thay những người có tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ’ (Lc 5,3).

Tác giả: Lm. Xavier Thévenot, SDB (dịch, Gs. Trần Thái Đỉnh)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!