Trong các phần vừa qua, tôi đã đề nghị những điều rất bình thường. Bất cứ bà mẹ bình thường nào cũng nhìn con, nghe con, trò chuyện với con. Khi con đói cho con ăn. Khi con khóc, tìm xem tả của con bị ướt hay là kim găm đang làm con bị thương ? Những từ ngữ chuyên môn tâm lý như hoà ứng, kích thích... chỉ nhằm trình bày dưới hình thức khoa học những điều đang được các bà mẹ thực hiện, trên khắp cùng thế giới.
Tuy nhiên, khi một đứa con sinh ra, với một vài dấu hiệu hơi khác thường, so với những đứa con bình thường khác đã sinh ra trong gia đình của mình hay là của bạn bè, hàng xóm, quan hệ mẹ con đã bắt đầu thay đổi. Những khả năng làm mẹ, tự nhiên, bình thường, nếu không bị đánh mất, tê liệt, cũng trở nên những gánh nặng quá hãi hùng và kinh khủng !
Cái gì đã gây nên tình trạng ấy ?
Suốt phần thứ 4 này là một số gắng tìm hiểu tâm lý nhằm giải thích những biến đổi trong nội tâm của bà mẹ.
Tất cả những yếu tố giải thích có tính chất tâm lý được gói ghém trong sơ đồ sau đây :
| Điều kiện Sinh hóa và Tình trạng sức khỏe 4 | |
1 Môi Trường - Biến cố - Sự vật - Con người | Bản đồ Tâm Lý 2 | Tình cảm Xúc động 3 | Tác Phong 5 Ngôn Ngữ |
| | | |
Nội Tâm
1. Những cá tính đặc biệt của đứa con
Điểm sơ khởi và dẫn khởi là những cá tính đặc biệt của đứa con mới sinh ra. Trong các phần trước đây, tôi đã nêu ra một số ví dụ
Đứa con rất nhạy cảm : một tiếng động bình thường như giọng nói đã làm nó giật mình.
Đứa con có thói quen ngoảnh mặt rút lui khi người mẹ lại gần tìm cách nhìn và tiếp xúc với nó.
Những lúc bú cũng như khi tắm gội, thay áo quần, đứa trẻ khóc la rộn ràng và có khi kéo dài hằng giờ...
Ngoài những lúc ngủ nghỉ gần như suốt ngày, đứa con tỉnh thức nhưng đôi mắt chòng chọc nhìn một phía; liếc mắt xa vời, không linh động.
Sau này khi lớn lên, nó lăng xăng múa động suốt ngày cho đến khi kiệt sức. Lúc tới trường nó không định thần định trí vào một công việc gì...
Cái điều đáng lo ngại nhất là bà mẹ tự đặt ra cho mình bao nhiêu câu hỏi tại sao và không một câu trả lời nào làm cho bà thoả mãn.
Lúc ban đầu, bà đã tìm mọi phương cách để tiếp xúc với con. Nhưng càng tiếp xúc, bà càng nhận thấy đứa con càng ngoảnh mặt rút lui. Từ đó bà có cảm tưởng đau buồn là đứa con “ghét mình, sợ mình, xua đuổi mình”.
Lẽ đương nhiên, khi không hiểu được lý do và ý nghĩa trong bao nhiêu phản ứng của đứa con, bà mẹ sẽ tưởng tượng ra ra bao nhiêu là nguyên nhân. Bà bới móc quá khứ, tìm lại bao nhiêu lỗi lầm của mình để biện minh tình cảnh đau buồn hiện tại.
Những đau khổ ấy cứ ngày ngày được thổi phồng, phóng đại. Trong những lúc cô đơn, bà cứ nhai đi nhai lại bao nhiêu nghi ngờ... rốt cục, bà mất hết nghị lực để làm những công việc bình thường phải làm cho đứa con.
Thêm vào đó, trong những lúc bối rối, kinh hoàng, bà dễ dàng nghe theo những lời tin nhảm, những bói đoán dị đoan. Bà làm sống lại bao nhiêu là bà con, chú bác, tổ tiên. Hồn người chết đã nhập vào con bà, để đòi bà trả lại những “món nợ” xa xưa.
Lúc còn sống và làm việc tại quê nhà tôi lầm tưởng rằng : những cơ chế giải thích, những tập tục tin nhảm, những cách “đòi nợ” của người quá cố... chỉ hạn hẹp trong môi trường văn hoá Việt Nam hay là Á Châu mà thôi. Không ngờ, theo S. Fraiberg, nhà tâm lý chuyên khảo về nhi đồng, trong môi trường Âu Mỹ, cũng có “những bóng ma hiện về bên nôi con”.
Những phong trào kỳ thị chủng tộc đang bùng nổ đó đây trong một vài thành thị Âu Mỹ cũng cung ứng cho chúng ta một vài dữ kiện khả dĩ giải thích những hiện tượng tin đồn tin nhảm.
Thứ nhất, những đặc điểm khác lạ luôn luôn gây nên hoang mang, kinh hoàng, lo sợ. Đó là hiện tượng thông thường phổ quát.
Thứ hai, khi có những vấn đề nan giải đang khuấy động cả một xã hội như những cơn khủng hoảng, suy thoái kinh tế hiện nay, khuynh hướng tự nhiên của con người là đổ lỗi cho những người có bộ mặt khác lạ về màu da, chủng tộc : người da đen, người Hồi giáo, người Do Thái, người Trung Hoa ! Đó là một lề lối giải thích tìm ý nghĩa.
Những trẻ em khuyết tật, chậm phát triển cũng thuộc loại người có bộ mặt khác lạ như vậy. Cho nên chúng nó cũng tạo nên tình trạng hoang mang, kinh hoàng, lo sợ cho chính bà mẹ đã sinh ra nó. Nhu cầu cơ bản của bà là tìm ra những ý nghĩa.
2. Thể thức khám phá và sáng tạo ý nghĩa.
Thể thức khám phá và sáng tạo ý nghĩa bao gồm ba giai đoạn :
Giai đoạn 1. Tiếp thu ghi nhận những sự kiện khách quan.
Trong phần trên, chúng ta đã nhấn mạnh đến những nét khác biệt khách quan của đứa con mới sinh. Đó là đứa con bằng xương bằng thịt đang sống và vùng vẫy trước mắt bà.
Có những biến cố đang và đã xảy ra chung quanh đứa con, và có liên hệ ít nhiều đến nó.
Có những sự kiện có thể được ghi nhận một cách khách quan từ ngoài; mắt bà mẹ có thể thấy, tai bà có thể nghe và tay chân bà có thể đụng đến.
Có những điều kẻ khác diễn tả, phát biểu về nó, những lời bình phẩm của bà con xa gần, bạn bè, người hàng xóm.
Bà mẹ tiếp thu và ghi nhận thế nào bao nhiêu sự kiện khách quan ấy ?
Cũng như tất cả chúng ta, bà mẹ sử dụng ba cơ chế tâm lý :
Cơ chế thứ nhất mang tên là khuynh hướng chọn lọc.
Trong vô số các sự kiện ấy, bà mẹ chỉ ghi nhận một phần nhỏ, và không lưu tâm đến phần còn lại. Sở dĩ bà mẹ chỉ ghi nhận một phần hạn hẹp, bởi vì những sự kiện ấy có ý nghĩa đặc biệt cho bà, thích hợp với tình thế nội tâm của bà.
Cơ chế thứ hai, mang tên là khuynh hướng tổng quát hoá.
Những sự kiện chỉ xảy ra một hoặc hai lần, được bà biến đổi thành một tập quán, một qui luật : “ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng vậy”.
Khuynh hướng này còn mang hai danh hiệu khác là “thổi phồng” và “quan trọng hoá”. Trong ngôn ngữ bình dân, đó là hiện tượng “Bé xé ra to”.
Cơ chế thứ ba mang tên là khuynh hướng bóp méo, xuyên tạc.
Mỗi sự kiện có một ý nghĩa khách quan, tùy theo vị trí cụ thể và thứ tự của nó, trong một cơ cấu toàn diện, tổng thể.
Tách sự kiện ấy ra khỏi một cơ cấu, khoác cho nó một tầm quan trọng quá đáng đã là những thể thức bóp méo sự thật, sự kiện. Cộng thêm vào đó, bà mẹ còn lồng thêm cho nó những ý nghĩa chủ quan, tuỳ vào điều kiện sức khỏe cũng như tình trạng nội tâm với bao nhiêu tình cảm khắc khoải, lo âu, kinh hoàng, thất vọng.
Rốt cuộc, ở cuối chặng đường tiếp thu, ghi nhận, đứa con khách quan, bằng xương bằng thịt, được bà “đánh phấn tô son, họa rồng vẽ rắn” và trở thành một đứa con hoàn toàn chủ quan, mang màu sắc của một nội tâm đau buồn, khép kín, bi quan, tiêu cực.
Trong những điều kiện như thế, bà chỉ tiếp xúc với đứa con được chính bà uốn nắn theo chủ quan của bà, thay vì quan sát, ghi nhận “những gì mắt có thể thấy tai có thể nghe, tay chân có thể xúc cảm, va chạm...”, nghĩa là đứa con cụ thể bên ngoài.
Freud, vị sáng lập phương pháp điều trị tâm lý mang tên là Phân tâm học, còn đề nghị ba cơ chế tâm lý khác. Những cơ chế này có mặt và hoạt động trong khi chúng ta chiêm bao, mộng mị cũng như khi vì quá khổ đau, chúng ta trầm mình trong một cuộc sống tách rời khỏi thực tại bên ngoài. Lúc bấy giờ trong sinh hoạt tâm lý, khả năng suy luận còn gọi là Tư tưởng ý thức nhường bước cho các cơ chế Tư tưởng vô thức.
Cơ chế thứ tư là kết ráp lộn xộn.
Đây là cơ chế “bắt râu ông nọ, đặt cằm bà kia”. Những hình ảnh trong sinh hoạt vô thức được trộn lẫn với nhau như trong các hoạ phẩm của Picasso. Ở sát cạnh nhau có nghĩa là có liên hệ chặt chẽ với nhau. Đứng trước có nghĩa là vị trí nguyên nhân. Đứng sau có nghĩa là vị trí hậu quả...
Chính vì lý do này, đứa con vừa sinh ra có thể là ông nội, bà ngoại của nó được tái sinh trong tâm tưởng của bà mẹ.
Cơ chế thứ năm là cô đúc : vì lý do tiết kiệm hình ảnh và năng lực, một hình ảnh duy nhất có thể hàm chứa và cô đọng nhiều loại ý nghĩa khác nhau, thuộc nhiều bình diện khác nhau, trong nhiều khoảng thời gian khác nhau.
“Đứa con ghét mình, vì trước đây mình đã có thái độ bất hiếu đối với cha mẹ”.
“Đồng thời đứa con cũng là hiện thân của chính mình : tôi đã ghét mẹ tôi giống như nó bây giờ”.
Cơ chế thứ sáu là dời chỗ : Hình ảnh này đại diện hoặc tượng trưng, biểu hiện một hình ảnh khác. Thái độ và hành động người này phản ảnh thái độ và hành động người kia. Chính vì lý do này, bà mẹ có thể chứng kiến “bao nhiêu bóng ma, hồn quỉ hiện về bên nôi của đứa con”. Cho nên bà cảm thấy phải làm một cái gì cho những bóng hình ấy, thay vì làm trực tiếp cho đứa con.
Đứa con thiếu dinh dưỡng. Nhưng bà phải chạy xuôi ngược mượn tiền của, để xây lăng cho ông tổ đã chết từ ba đời !
Giai đoạn 2. Biến chế
Theo Piaget, có hai hình thức thích nghi với mội trường và hoàn cảnh bên ngoài. Môi trường và hoàn cảnh được chúng ta khảo sát là đứa con mới sinh với những đặc tính cá biệt trong tác phong và phản ứng.
Cách thích nghi thứ nhất là thay đổi chính mình để hoà ứng với đòi hỏi và nhu cầu của đứa con. Đặt mình vào vị trí của nó. Tìm hiểu thời gian và thể thức tiếp xúc của nó. Chờ đợi nó mở rộng năm cánh cửa giác quan. Hạ giảm những nhu cầu kích thích của chúng ta... Ăn nói nhỏ nhẹ hơn thường. Vuốt ve một cách chậm rãi...
Cách thích nghi thứ hai là thay đổi đứa con, như thay đổi một chiếc áo sơ mi, để nó thích hợp với kích thước và khuôn khổ của chúng ta. Theo từ ngữ chuyên môn của tâm lý, đó là giai đoạn biến chế : “kho nấu đứa con” cho vừa khẩu vị của chúng ta.
Trong địa hạt tâm lý, tiếp xúc mẹ con có ba đường hướng biến chế; ba cách “kho nấu” đứa con.
Cách thứ nhất : đứa con là hiện thân của những bóng hình quá cố.
Cách thứ hai : đứa con là bản sao y nguyên văn của tất cả những gì đã xảy ra trong quan hệ mẹ con ngày xưa, giữa mình với bà mẹ của mình.
Cách thứ ba : đứa con ngoại hiện một thành phần của chính bản thân mình : Thành phần bóng tối âm u mà tôi khước từ, lo sợ, không dám nhìn thẳng đối mặt, hay là thành phần Ánh sáng, lý tưởng mà tôi ước mơ, cầu khẩn, đói khát thường xuyên, vì còn thiếu vắng suốt cuộc đời.
Nền tảng của bao nhiêu khuynh hướng biến chế ấy là hai sự kiện tâm lý :
a/ Tôi không chấp nhận đứa con với những thực thể hiện tại và cụ thể của nó.
b/ Tôi không chấp nhận thực thể của chính bản thân tôi.
Thực thể “khác thường”, “chậm phát triển”, “khuyết tật” của đứa con là tấm gương phản chiếu cho tôi thấy thực thể của chính mình : đang có những “khuyết tật” tâm lý, đang có những vết thương rướm máu tự bao giờ trong tâm hồn và cuộc sống.
Chính vì lý do vừa được trình bày, trong chương trình can thiệp và hành động, mỗi lần tiếp xúc với bà mẹ, chúng ta cần phải đưa ra ánh sáng những bóng hình ẩn hiện ấy :
Đứa bé gợi lại, nhắc nhỡ cho bà những kỷ niệm và kinh nghiệm nào ?
Nhìn đứa bé, bà nhớ ai, liên tưởng đến điều gì ?
Những hình ảnh tiêu cực hiện tại như khổ đau, buồn chán, lo sợ... bà đã có những kinh nghiệm tương tự như vậy trước đây trong hoàn cảnh nào ?
Đặt những câu hỏi như vậy dưới nhiều hình thức khác nhau, một cách tế nhị và tôn trọng sẽ tạo điều kiện giúp cho bà biến vô thức thành ý thức. Tinh thần cơ bản khi đặt câu hỏi không phải là thu lượm tin tức. Tôi đặt câu hỏi không phải vì tôi muốn hiểu biết điều tra, giải thích. Nhưng là vì lợi ích của chính bà mẹ. Bà mẹ là trung tâm và trọng tâm. Tôi chỉ là tấm gương soi, tôi giúp bà nhìn mình, thấy mình mỗi ngày một cách rõ ràng và thấu đáo.
Dần dần bà sẽ khám phá những điều chính bà phải chủ động thay đổi. Gây ý thức như vậy không phải là đưa ra những lời khuyên, những chỉ thị : “Phải làm cái này, phải tránh cái nọ”. Cách làm của chúng ta là “không làm”; chỉ tạo điều kiện cho bà mẹ ý thức và tự mình quyết định phải làm những gì. Soi sáng và hộ sinh là hai từ ngữ gói ghém tất cả nội dung của công tác đề phòng và can thiệp.
Không có tinh thần và ý hướng hoạt động như vậy, chúng ta sẽ làm cho bà mẹ càng ngày càng lệ thuộc vào kiến thức và tình cảm của chúng ta.
3. Thể thức sản xuất những triệu chứng.
Thông thường khi bà mẹ đem con đến phòng khám của một bác sĩ, tình trạng đã trở nên trầm trọng. Đứa con đã mang sẵn trên mình một trong bốn loại triệu chứng :
Thứ nhất : Những triệu chứng về chức năng như mất ngủ, khó ăn, táo bón , đái dầm...
Thứ hai : những triệu chứng về tác phong như giận hờn khóc la, đánh đập cắn xé kẻ khác, đập đầu nhổ tóc, làm hại chính mình.
Thứ ba : những triệu chứng về nhân cách như bế toả hay là cô thân biệt chứng.
Thứ bốn : những triệu chứng về khả năng học tập : khó học, học không nhớ, hiếu động, khó tập trung chú ý, hay giật mình kinh hoảng, những rối loạn về giác quan.
Ở bên dưới của bao nhiêu triệu chứng ấy là những rối loạn trầm trọng trong quan hệ tiếp xúc giữa mẹ và con.
Để hiểu rõ nguồn gốc xuất hiện của bao nhiêu triệu chứng ấy, chúng ta cần tổng lược những điều chúng ta đã khảo sát trong những tiến trình phát triển của các triệu chứng như sau :
Giai đoạn 1. Đứa trẻ sơ sinh có những nét cá biệt trong lãnh vực phát triển; vượt quá khả năng hiểu biết thông thường của một người mẹ bình thường nuôi dạy con.
Giai đoạn 2. Thay vì tức khắc tìm hiểu những nét khác biệt như vậy để thích ứng thể thức tiếp xúc và hoạt động của mình, bà mẹ đã xoay xở tháo vát, vận dụng tư tưởng ảo thuật, để tạo ra cho mình một hình ảnh méo mó, sai lạc, tiêu cực về đứa con. Trong tâm tưởng của bà, đứa con khác thường trở thành bất thường.
Giai đoạn 3. Không những chỉ có một hình ảnh về đứa con bất thường, ngày ngày tiếp xúc, cư xử, bồng bế, tiếp cận, kể đứa con như bất thường. Đặc biệt trong toàn thể tác phong, ngôn ngữ, bà đối đãi với nó như bất thường. Nói tóm lại, trong cách bà làm, bà nói và bà suy nghĩ, đứa con có một thực thể bất thường, một “căn cước” bất thường, một “thẻ chứng minh” bất thường. Cho nên với thời gian, nó trở thành bất thường thực sự đúng như bà tin tưởng và hành động. Trong lãnh vực y khoa, tác dụng của những viên thuốc giả hiệu “placebo” cũng có kết quả giống như viên thuốc thực sự. Đó là hiện tượng tự kỷ ám thị trong địa hạt tâm lý. Bà mẹ thực hiện trên đứa con những điều bà dự tưởng về đứa con.
Khi một trẻ em được đem đến phòng khám hay đến học tại một lớp đặc biệt, chúng ta đã gặp một trẻ em ở giai đoạn ba, với bao nhiêu triệu chứng đã được ôn đi học lại thành thuộc lòng. Một hình ảnh nội tâm cứ lặp đi lặp lại trong tâm tưởng của nó : “Mày là đứa bé chậm phát triển”.
Chính vì lý do cơ bản ấy, chương trình can thiệp và đề phòng của chúng ta phải khởi đầu tức khắc ở giai đoạn một.
Trên đây tôi đã nhấn mạnh một qui luật điều trị và sư phạm : “Giải quyết một vấn đề, khi vấn đề ấy đã hình thành rõ rệt, không thể là một cách giải quyết hữu hiệu”. Trái lại, phải tức khắc can thiệp khi nó còn ở trong tình trạng trứng nước.
Công cuộc can thiệp và đề phòng của chúng ta bao gồm những yếu tố sau đây :
Thứ nhất : Giúp bà mẹ thấy rõ những khả năng của đứa con. Cho dù gặp trắc trở thế nào, đứa con vẫn còn bao nhiêu vốn liếng thực sự, khách quan.
Thứ hai : Giúp bà mẹ liệt kê một cách đứng đắn những khó khăn của đứa con. Và để khắc phục những khó khăn khách quan ấy bà phải làm những gì cụ thể mỗi ngày ?
Thứ ba : Cùng với bà mẹ, thường xuyên đánh giá những tiến bộ của đứa con trong bốn giai đoạn tiếp xúc :
1. Giai đoạn tiếp thu những kích thích.
2. Giai đoạn kéo dài thời gian chú ý.
3. Giai đoạn ý thức về khả năng và giới hạn.
4. Giai đoạn phát huy những nỗ lực sống tự lập.
Thứ bốn : Phát huy một hình ảnh tích cực về đứa con và cho đứa con trong mọi hình thức tiếp xúc.
“Con là một giá trị,
“Con có khả năng,
“Con là con của mẹ cho nên con được mẹ thương và con thương mẹ, mẹ cần con thương”.
Thứ năm : Tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để bà mẹ có khả năng chia sẻ những tình cảm tiêu cực của mình cũng như bộc lộ, diễn tả những vết thương mới và cũ trong đời sống.
Trong địa hạt này, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật sáu chiếc mũ trắng, đen, vàng, đỏ, xanh lục và xanh dương mà tôi đã có dịp trình bày, trong một tập sách khác có nhan đề là “Bản đồ tâm lý và Tư duy sáu màu".
Trong tinh thần và phương pháp làm việc như vậy, can thiệp, đánh giá và quan sát chỉ là ba phương diện của một thực thể duy nhất. Có hai loại đánh giá bổ túc cho nhau
Đánh giá tác phong của đứa con bằng trắc nghiệm và quan sát, để can thiệp và khắc phục những khó khăn hiện tại của nó.
Đánh giá tác phong tiếp xúc, trao đổi của người mẹ :
Bà đang làm những gì ?
Bà nói về đứa con thế nào ?
Bà giải thích làm sao những khó khăn của nó ?
Bà đang sống những tâm trạng nào ?
Đứa con đang cần bà làm gì cụ thể cho nó ?
4. Vai trò của người cha và gia đình
Cho đến bây giờ, tôi đã nói đến người mẹ và nhất là những quan hệ tiếp xúc mẹ con. Sự vắng bóng của người cha là một sự kiện càng ngày càng phổ quát, nhất là trong hoàn cảnh khi đứa con có những nguy cơ trở thành chậm phát triển.
Sự vắng mặt ấy bộc lộ thái độ khước từ của người cha. Vì không chấp nhận thực thể khuyết tật của đứa con, ông từ từ rút lui, để cho bà mẹ một mình xoay xở. Vô tình hay hữu ý, qua thái độ lãnh đạm, rút lui, khước từ, tránh né, nhắm mắt, ông muốn khẳng định với chính mình : “Con của tôi không thể là như vậy, đó là con của riêng bà. Tôi khoẻ mạnh, con tôi phải khoẻ mạnh. Trong dòng họ tôi, không có ai như vậy”.
Vì công việc dạy dỗ, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người cha có thái độ như vậy. ông không khước từ đứa con, bằng cách cho nó vào trại mồ côi hay nội trú. Nhưng ông cố tình đứng ở ngoài, không tham dự vào việc giáo dục đứa con, khoán trắng tất cả cho bà mẹ.
Nhiều người cha khác có thái độ đòi hỏi, yêu sách, phản kháng đối với các cơ quan đón nhận đứa con, trong bất cứ một vấn đề gì. Một cách vô thức, ông đổ lỗi và kết tội những người đại diện xã hội : Bác sĩ, y tá, cô hộ sinh đã làm cho con ông trở thành chậm phát triển. Ông tố cáo các cô giáo, vì họ thiếu khả năng, không biết cách dạy dỗ hay là cho phép những đứa trẻ khác đánh đập, ức hiếp đứa con của ông.
Vai trò can thiệp của chúng ta bên cạnh người cha, là gây ý thức để ông chấp nhận một cách có tinh thần trách nhiệm những phần vụ quan trọng sau đây :
Tiếp tay cho bà mẹ về mặt vật chất lẫn tinh thần : làm với bà, làm thay cho bà những gì có thể làm được như đút cho con ăn, dạo chơi với con, tắm gội con...
Trong vấn đề giao tiếp, sự có mặt tích cực của người cha tạo cho đứa con những chiều kích mới mẻ và rộng rãi. Nhờ ông, cơ cấu nhị nguyên trở thành tam nguyên trong đời sống gia đình.
Bà mẹ được chồng che chở sẽ tăng cường chất lượng an toàn nội tâm cho đứa con.
Sau này, khi bước sang giai đoạn tự lập, sự có mặt của người cha sẽ là một khuyến khích lớn lao cho đứa con. Trung gian người cha, đứa con sẽ có điều kiện tiếp xúc với một thế giới xã hội rộng rãi. Nhờ đó, đứa con có khả năng trở nên vững mạnh tự tin trong địa hạt tính tình và nhân cách. Thiếu vắng người cha, đứa con sẽ thiếu vắng “xương sống tâm lý”.
Sau cùng sự có mặt âu yếm của người chồng sẽ là một điều kiện an toàn giúp bà mẹ có một cái nhìn toàn diện khách quan về đứa con. Khuôn mặt của chồng sẽ xua đuổi khỏi đầu óc của bà những bóng hình ma quái đang tìm cách ám ảnh và khủng bố tinh thần của bà.
***
xem ý nghĩa các màu ở trang 262 của tập này.
xem Tủ sách Tình Người, Lausanne Hè 2002.