.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đồng Cảm Để Đồng Hành
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
PHỤ TRƯƠNG HAI: KHI CHÚNG TA TIẾP XÚC VÀ TRAO ĐỔI

1.Ba thành phần trong mỗi con người.

Mỗi người trong chúng ta là một tổng hợp bao gồm ba nhân vật :

I : Nhân vật CHA MẸ (CM)
1. Định nghĩa
: Nhân vật CM là tất cả những điều chúng ta đã tiếp thu, học hỏi và ghi nhận suốt tuổi thời thơ ấu, mỗi lần chúng ta tiếp xúc với người khác trong hoàn cảnh gia đình cũng như trong đời sống xã hội.
Hiện tại chúng ta phát ra những gì ngày trước chúng ta thu nhận.
Chính vì vậy, nội dung tạo nên nhân vật CM là Truyền thống, hệ thống giáo dục gia đình và trường học, những giá trị và qui tắc hành động cũng như những tin tưởng và lề lối nhìn đời.

2. Những biểu hiện của nhân vật CM
2.1. Ngôn ngữ CM

Người CM sử dụng ngôn ngữ "truyền lệnh", khẳng định những "nguyên tắc", trích dẫn thánh hiền hay là ca dao tục ngữ.
Những từ như "phải, hãy, nên, không được ..." luôn luôn ở đầu môi lưỡi của nhân vật CM nầy.

2.2. Thái độ CM
Thái độ CM là trịch thượng dạy đời, điều khiển, lèo lái hay là phê phán, chỉ trích.
2.3. Điệu bộ CM
-         Chỉ tay ra trước để cấm đoán, ra lệnh, dọa nạt.
-         Hay là vỗ vai để ủy lạo và nâng đỡ.
-         Liếc nhìn sắt đá.
-         Giọng nói vững vàng như "đinh đóng", hay là hiền hậu, nâng đỡ, bao che ...
 
 II. Nhân vật TRẺ EM (TE)


1. Định nghĩa : Bản chất cơ bản của nhân vật TE là tình cảm và xúc động : vui, buồn, giận, ghét, thương, lo, sợ ... tạo nên những động lực thúc đẩy đi tới trong cuộc sống của con người.
2. Những biểu tượng thông thường của nhân vật TE là :
2.1. Ngôn ngữ mang tính chất hồ hởi, thất vọng, bực bội, chửi bới, thề nguyền.
2.2. Thái độ : lăng xăng, hiếu động, co rút, tươi cười hay là chán nản bất động.
2.3. Điệu bộ của nhân vật TE : ồn ào, náo động, liếc nhìn van nài, cầu khẩn, hay là tránh né, lẩn trốn.

III. Nhân vật Trưởng Thành (TT)

1. Định nghĩa : Cơ bản của nhân vật thứ ba nầy là lý luận, suy nghĩ, kiểm chứng, phân tích, tổ chức và quyết định.
Hình ảnh thường được sử dụng để biểu lộ đặc điểm của loại người nầy là bộ máy vi tính có khả năng và thái độ sẵn sàng để giải quyết những khó khăn và xung đột trong cuộc sống.
Kinh nghiệm, thí nghiệm và chứng nghiệm là ba yếu tố tạo nên bản chất của nhân vật TT.
2. Những biểu hiện :
2.1. Ngôn ngữ của loại người nầy bao gồm nhiều câu hỏi tra vấn : ai, cái gì, ở đâu, thế nào, tại sao ...
Họ luôn luôn phân biệt, đắn đo lợi hại.
2.2. Thái độ của nhân vật TT là nghe ngóng, quan sát, tìm hiểu, phân tích....
2.3. Điệu bộ thông thường là :
Thoải mái nhưng chăm chú, hiện diện bình tỉnh, trực tiếp, hai tay cởi mở, đón tiếp.

2. Chức năng của các nhân vật
1. Nhân vật CM : có hai chức năng khác nhau :
1.1.            Chức năng thứ nhất là hướng dẫn bằng cách trình bày những nguyên tắc rõ ràng, hợp lý, hữu ích và uyển chuyển.
Đây là loại người CM+ mẫu mực.
Trái lại người CM- áp chế đề xuất những nguyên tắc quá khắt khe, không hợp lý và không thể nào áp dụng. Thay vì hướng dẫn, loại người nầy chỉ hạn chế, trấn áp và đè nén hoặc đàn áp.
1.2.            Chức năng thứ hai là nâng đỡ. Nhưng nâng đỡ cũng có hai ý hướng khác nhau :
- Nâng đỡ một cách tích cực, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi, để người khác có thể chủ động cuộc đời của mình. Đây là loại người CM+ từ nhân.
- Nâng đỡ một cách tiêu cực, bằng cách ôm đồm tất cả, bao che từ đầu tới cuối và rốt cuộc tạo nên tình trạng lệ thuộc hoàn toàn cho người khác. Đây là loại người CM- cứu vãn. Có khuynh hướng xâm lo vào việc người để can thiệp và lèo lái
Nói tóm lại, có 4 loại người cha mẹ:
Hai loại tích cực :
CM+ mẫu mực, kỹ cương
CM+ từ ái, từ tâm
Hai loại tiêu cực :
CM- áp chế, cưỡng bức
CM- bao che, cứu vãn, xâm lo và can thiệp
2. Nhân vật TE cũng có hai chức năng đặc biệt : sống thích ứng với xã hội hay là sống một cách hồn nhiên thoải mái.
Tùy vào hai phương diện tích cực và tiêu cực, chúng ta có thể phân biệt bốn loại nhân vật TE :
2.1.            TE+ thích nghi : Thoải mái và tuân phục là hai đặc điểm của loại người nầy.
2.2.            TE- lệ thuộc : thiếu tự tin, lo sợ và dễ bị ảnh hưởng, hay phàn nàn một mình và không dám bộc lộ tâm tư trước người khác.
2.3.            TE+ phóng khoáng : hồn nhiên, yêu đời, độc lập, sáng tạo, có nhiều ý thích và liên hệ nồng nhiệt.
2.4.            TE- phản kháng : khiêu khích, chống đối, phá hoại, vụng về, bốc đồng và từ chối mọi trao đổi.
Sơ đồ sau đây tóm lược tất cả những yếu tố đã được trình bày :
Sau đây là những mục tiêu cần đeo đuổi :
1.      Vận dụng tối đa con người TT+ trong mỗi hoàn cảnh.
2.      Cho phép con người TE+ phát biểu, trong những điều kiện thích ứng với hoàn cảnh.
3.      Cập nhật hóa thường xuyên con người CM+ : Thường xuyên xét lại những nguyên tắc, qui luật.
4.      Biết tìm cách vô hiệu hóa tức khắc tiếng nói lải nhải của con người CM- trong bản thân mình.
5.      Tìm cách hạ giảm tối đa ảnh hưởng của con người CM- nơi kẻ khác
 
3. Những đường hướng trao đổi
Khi hai tổng hợp (CM-TT-TE) gặp gỡ và chung sống với nhau, những điều chúng ta cần tìm hiểu bao gồm những câu hỏi sau đây :
Trong ba nhân vật, ai xuất đầu lộ diện ?
Ai đóng vai thượng thắng ?
Nhân vật nào trao đổi với nhân vật nào ?
Họ trao đổi theo những thể thức và đường hướng nào ?
Ở đây chúng ta đề cập đến những hình thức trao đổi bằng lời nói. Tuy nhiên chúng ta có thể ứng dụng vào lãnh vực trao đổi bằng điệu bộ và tác phong.
Chúng ta có thể phân biệt những hình thức trao đổi sau đây :
1.      Trao đổi song hành và bổ túc.
2.      Trao đổi theo đường chéo.
3.      Trao đổi du kích hay là ném đá giấu tay.
4.      Trao đổi tránh né hay là đánh trống lảng.
Thứ nhất : Trao đổi song hành và bổ túc.
Hai điều kiện cơ bản xác định loại trao đổi nầy :
-         Thành phần phát và thành phần tiếp nhận được đề xuất một cách rõ ràng minh bạch.
-         Trong giai đoạn trả lời, người nhận trở thành người phát và người phát trở thành người nhận.
Ví dụ 1 : bây giờ là mấy giờ ?
TT+ ---->        TT+
Bây giờ là 7 giờ chiều.
TT+ ---->        TT+
Ví dụ 2 : Em thích chơi với chị. Chị thật dễ thương
TE+ ---->        TE+
Chị cũng thích chới với em. Hai đứa mình thật hợp nhau !
TE+ ---->        TE+
Ví dụ 3 : Bạn hãy tôn trọng chỉ thị : văn phòng đang chờ phiếu đăng ký của bạn.
CM+ ---->      TE+
- Vâng, tôi sẽ mang tới chiều nay.
TE+ ---->        CM+
- Bạn làm gì tôi, nếu tôi không đăng ký ?
TE_ ---->        CM_
Đây là loại trao đổi có thể tiếp diễn lâu dài và ổn định. Tuy nhiên, xét về hiệu năng, loại trao đổi nầy có thể tích cực hoặc tiêu cực tùy vào yếu tố mục tiêu thành đạt hay là không thành đạt.
Thứ hai : Trao đổi theo đường chéo
Loại trao đổi nầy xảy ra khi nhân vật phát và thu không trùng hợp với nhau.
Ví dụ 1 : Bây giờ mấy giờ ?
TT+ ---->        TT
Anh không có tiền mua đồng hồ à !
CM_ ---->      TE_
Ví dụ 2 : Tôi không cần nghe những lời vô nghĩa của bạn !
CM_ ---->      TE_
Tôi cũng vậy, chả thèm nghe những lời lố lăng của bạn.
CM_ ---->      TE_
Ví dụ 3 : Bạn làm xong bản báo cáo chưa?
TT+ ---->        TT
Tôi lo quá, không biết viết cái gì !
Làm ơn, giúp tôi đẻ ra một cái.
TE_ ---->        CM
Loại trao đổi đường chéo này sẽ có hiệu năng tiêu cực, nếu đường chéo trên phát xuất từ một nhân vật CM hay TE tiêu cực. Trái lại, nếu điểm xuất phát là thành phần tích cực, thể thức trao đổi sẽ trở nên tích cực.
Ví dụ 1 : Bài thuyết giảng của anh thật tuyệt vời !
CM+ ---->      TE+
Anh dựa vào tiêu chuẩn nào mà đánh giá tôi một cách tích cực như vây ?
TT+ ---->        TT
Ví dụ 2 : Cái áo này đắt quá, mẹ ạ !
CM_ ---->      TE_
Theo con, đắt là bao nhiêu ?
TT+ ---->        TT
Thứ ba : Trao đổi du kích.
Trao đổi du kích còn gọi là ném đá giấu tay sẽ xảy ra khi lời nói hoặc cơ cấu bề mặt không trùng hợp với ý nghĩa đích thực hay là cơ cấu chiều sâu.
Ví dụ :
- Bạn có hiểu không ? = Mầy ngớ ngẩn
TT ---->          TT       = CM_ ----> TE_
Vâng, hiểu        = Anh cho tôi là đồ ngu !
TT ---->          TT       = TE_ ----> CM_
- Bà đã dọn xong nhà cửa chưa ? = Chưa xong à, thật là chậm !
TT ---->          TT       = CM_ ----> TE_
Vâng, thưa anh yêu quý, em đang còn làm suốt buổi sáng ! = Giúp cho em một tay
TT ---->          TT       = TE_ ----> CM_
Thông thường những loại trao đổi du kích chỉ làm cho cuộc đời oái oăm và phức tạp, vì "nói một đường và yêu cầu người khác hiểu một nẻo" là cơ bản loại trao đổi này.
Trong những trường hợp bạn bè thân tín, thể thức trao đổi này thường được sử dụng để trêu chọc một cách tế nhị và duyên dáng. Tuy nhiên vượt quá mức độ nào đó, nó sẽ làm tổn thương những quan hệ bạn bè hay là đôi lứa.
Tệ hại hơn nữa là chúng ta có thể sử dụng loại trao đổi du kích này một cách vô thức, để tạo nên những căng thẳng, xung đột trong những quan hệ gia đình, nghề nghiệp và xã hội.
Thứ bốn : Trao đổi loanh quanh
Khi trao đổi loanh quanh, đánh trống lảng, chúng ta không dám đi thẳng vào đề, sợ đụng chạm, đương đầu hay là vướng mắc vào một thế kẹt. Cho nên chúng ta đi vòng vo, luẩn quẩn.
Ví dụ : Bạn nghĩ thế nào về ý kiến của bà giám đốc ?
TT ---->          TT
Khi phát biểu về lập trường của một người, chúng ta nên suy nghĩ, "đánh lưỡi bảy lần trước khi nói" như cha ông chúng ta thường dạy ...
CM_ ---->      TE
Nói tóm lại, sau đây là năm định luật :
1)      Để duy trì và kéo dài những cuộc trao đổi, loại trao đổi đồng hành, bổ túc là dụng cụ hữu hiệu.
2)      Những trao đổi theo đường chéo thường làm gián đoạn những tương quan liên lạc, hay là thay đổi những quan hệ thông thường.
3)      Khi có hai hình thức trao đổi tranh giành ảnh hưởng, loại chiều sâu có tầm quan trọng hơn là loại bề mặt.
4)      Để tìm hiểu người, chúng ta cố gắng tối đa khám phá những trao đổi du kích.
5)      Nhưng để làm cho người khác hiểu mình, chúng ta cố gắng diễn tả mình một cách rõ ràng và trực tiếp, đồng thời tìm cách loại bỏ những hình thức trao đổi ẩn dụ, úp mở, loanh quanh. Đi thẳng vào đề là dụng cụ hữu hiệu !

4. Những cái "vuốt ve tâm lý"
1.- Định nghĩa :

Trẻ sơ sinh từ lúc sinh ra đến lứa tuổi 6 hoặc 7 tháng, cần được người mẹ tiếp xúc, vuốt ve, vỗ về để sống còn và phát triển liên tục.
Bàn tay mơn trớn vuốt ve của bà mẹ cũng quan trọng ngang hàng với hai bầu sữa cung cấp lương thực hằng ngày.
Khi vuốt ve làn da và thớ thịt của đứa con, người mẹ đã sử dụng một loại ngôn ngữ không lời để nói cho đứa con từ từ hiểu biết rằng :"Con là một giá trị độc đáo. Con là một con người quan trọng trong cuộc sống của mẹ con ".
Ngày ngày lớn lên, đứa con sẽ cảm nghiệm  những loại vuốt ve khác : liếc nhìn của mẹ, giọng nói của me, nụ hôn ngon lành của mẹ, bàn tay ấm áp của mẹ. Những loại vuốt ve ấy đều mang một ý nghĩa : mẹ có mặt với mình, mẹ lưu tâm đến mình. Mẹ chấp nhận sự có mặt của mình trong toàn thể cuộc sống của mẹ. Tôi là một người quan trọng, cuộc đời thật đáng sống !
Theo những khám phá tâm lý, nhu cầu được vuốt ve ấy không biến mất khi đứa bé lên 7 tháng. Trái lại, nhu cầu ấy vẫn mãi hoài tồn tại trong cuộc sống của mỗi người, mặc dù nó thay hình đổi dạng, đôi khi được ngụy trang hay là bị bóp méo dưới nhiều hình thể khác nhau. Nói cách chung, khi thiết lập những quan hệ với một người, dù ý thức hoặc vô thức chúng ta đang đợi chờ khao khát từ phía người ấy những cái vuốt ve tâm lý và tình cảm; nghĩa là tất cả những dấu hiệu tỏ ra cho ta biết: "Người ấy đang lưu tâm đến chúng ta". Nếu vì một lý do nào đó, những dấu hiệu ấy không xuất hiện, chúng ta sẽ tạo nên mọi cơ hội, thậm chí những cơ hội không thích hợp, để nhận lãnh đầy đủ liều lượng vuốt ve mà chúng ta khao khát mong mỏi. Trầm mình trong tình trạng bệnh hoạn, suy nhược hay là những xung đột căng thẳng trong đời sống gia đình hoặc nghề nghiệp ... có thể là những kế hoạch vô thức nhằm thu lượm một vài "vuốt ve" mặc dù chúng ta phải trả những giá rất đắùt đỏ, khả dĩ làm cho toàn thể cuộc sống chúng ta phải "tàn gia bại sản".

2.- Những loại vuốt  ve tâm lý

Chúng ta có thể phân biệt nhiều loại vuốt ve khác nhau sau đây :

2.1. Những vuốt ve tích cực : Là những thể thức trao đổi nhằm chấp nhận và nhìn nhận những giá trị đích thực của một người. Theo ngôn ngữ thông thường, đây là những lời tán dương và khen thưởng.
Để một lời vuốt ve trở thành tích cực, nó phải đáp ứng 5 điều kiện hoặc đặc điểm sau đây :
-         Thích hợp với giá trị được nêu tên.
-         Đúng liều lượng của cá nhân.
-         Thành thật, trung thực.
-         Thực tế hay là dựa vào những lý chứng khách quan.
-         Tôn trọng cá tính của con người cụ thể: tôi cố gắng nhận chân giá trị của cô A thay vì khen thưởng người phụ nữ Việt Nam một cách tổng quát.
2.2. Những vuốt ve tiêu cực nhằm nhấn mạnh một khuyết điểm, một thiếu sót, một lỗi lầm nơi người khác. Đây là những lời khiển trách hoặc nhận xét phê bình.
2.3. Những vuốt ve tuyệt đối : có tính toàn diện, vô điều kiện và không đưa ra những đòi hỏi đáp lễ.
2.4. Những vuốt ve tương đối : hạn chế vào một địa hạt, một thời gian hay là tùy thuộc những điều kiện được đề xuất.
Ví dụ : Loại 2/3 :
Tôi thích làm việc với bạn.
Tôi tin vào bạn và khả năng của bạn.
Loại 2/4 - Năm nay trong học kỳ I, học lực của con đã giảm sút từ điểm A xuống C.
-         Sáng nay, bạn đến trễ 15 phút.
-         Bản báo cáo này thiếu chứng minh chính xác và khách quan ở phần thứ ba.
3.- Những qui luật ấn định thể thức vuốt ve tâm lý.
3.1. Vuốt ve là một loại sinh tố cần thiết cho cuộc sống mỗi người. Cho nên để sống hòa hợp với mọi người, chúng ta phải ý thức và phát huy hai khả năng cho và nhận những vuốt ve tâm lý.
3.2. Vuốt ve tích cực quan trọng hơn vuốt ve tiêu cực. Vuốt ve tiêu cực quan trọng hơn là sự lãnh đạm tình cảm.
3.3. Mỗi người có những sở thích cá biệt và độc đáo.
-         Người nầy thích được nhìn.
-         Người kia thích nghe.
-         Kẻ khác thích được ôm choàng
-         Một số người co rút, khi được đụng chạm.
Tôn trọng con người là lưu tâm đặc biệt đến sở thích cá biệt ấy.
3.4. Để vuốt ve có hiệu năng thực sự, chúng ta phải tôn trọng liều lượng của từng cá nhân. Vuốt ve bất cập hoặc vuốt ve thái quá có thể tạo nên những hậu quả đối nghịch.
3.5. Vuốt ve là một món ăn phải dùng khi còn nóng. Cho nên để tạo nên những thành quả mong đợi, chúng ta phải chọn lựa thời điểm thuận lợi. Thông thường, "khen chê tại trận", vuốt ve "bắt được tay vay được cánh" có giá trị gấp bội lần hơn là lặp đi lặp lại đến mức độ quen nhàm, nguội lạnh một điệp khúc tán dương đã lỗi thời, cũ kỹ hay là hoàn toàn sáo cưởng.
3.6. Giá trị của những vuốt ve không hệ tại vào số lượng. Không cần phải món ăn cao lương mỹ vị. Nhưng là đến đúng lúc, đúng giờ. Nó đã được chuẩn bị ngày ngày trong cuộc sống, bởi những bàn tay ấm áp và những con mắt gặp được đáy sâu của lòng người.
3.7. Sau hết, trong vấn đề quản lý những vuốt ve, có những con người tỏ ra rất dè sẻn, tiện tặn.
Tuy nhiên, chúng ta càng ban phát một cách đại lượng, kho tàng của chúng ta càng trở nên vô tận và vô biên.
4. Xây dựng Quê Hương bằng những cái vuốt ve cụ thể và bình thường.
Khi nghĩ đến Quê Hương, tôi lắng nghe vang vọng trong đáy sâu của lòng mình lời nhắn nhủ thâm tình :
"Tôi có rất nhiều vốn liếng tự nhiên : hai bàn tay của tôi, hai con mắt của tôi, giọng nói của tôi ... và nhất là quả tim của tôi".
Trên mọi nẻo đường của Đất Nước, người anh chị em đang cần những vuốt ve đạm bạc, đơn thuần của tôi, để ngày ngày vác cuốc ra đồng, gieo vải cho vụ mùa sắp tới, với những điều kiện cụ thể, sẵn có của môi trường Việt Nam hiện tại.
-         Mỗi người chúng ta phải chăng là một TRÌ ĐỊA chuyên môn đi nối lại những con đường hư, làm gián đoạn giao thông và liên lạc ? Bạn và tôi, chung ta hãy cố quyết dốc toàn lực, để nối lại khắp đó đây những nhịp cầu hiểu biết và cảm thông : giữa người với người, giữa chúng ta với nhau, những người con của mẹ.
-         Mỗi người trong chúng ta là QUAN THẾ ÂM : tìm tới với khổ đau không ngần ngại. Không e sợ một trở lực nào. Lắng nghe tiếng kêu đau thương của thế nhân, của anh chị em đồng bào để sẵn sàng tới với họ bằng mọi cách. Tìm tới trong bất cứ một hình dáng nào thích hợp với chính mình : một bác sĩ, một kỹ sư, một nhà văn, một em bé, một nhà làm chính trị ... một phụ nữ, một bà mẹ nội trợ.
-         Anh và tôi, chúng ta là ĐỊA TẠNG : muốn có mặt khắp muôn nơi. Ở những chốn nhiều khổ đau nhất của nhân loại. Chừng nào địa ngục chưa trống không, chúng ta còn phải ở lại đó, để đồng cảm và hoạt động. Dấn thân một cách thành tâm, phải chăng đó là sứ mệnh đang muôn đời đeo đuổi mỗi người. Bởi vì, ở đâu có những người như Địa Tạng, ở đấy bầu khí sẽ hân hoan, tràn đầy lòng tin tưởng. Dù ở địa ngục ! Dù ở bất cứ địa ngục trần gian nào ! Chỗ nào có con người cỡ Địa Tạng, chỗ ấy không có khổ đau. Và cho dù có khổ đau đi nữa, khổ đau ấy là biểu tượng một lòng thương bao la và huyền nhiệm, đại lượng và cao cả.
-         Sau hết, mỗi người Việt Nam là Bồ Tát Thường BẤT KINH : Trên mọi nẻo đường của quê hương, gieo rắc niềm tin, tinh thần tự trọng, tự lực, tự cường. Đi đâu cũng rỉ tai cho mọi người : Bạn và tôi có đủ khả năng để bước tới. Hãy tin ở sức mình. Giải trừ những mặc cảm tự ti, bất lực. Đừng bị động. Cùng nhau thắp lên một que diêm, trước khi chuẩn bị một rừng lửa. Đổ một giọt mồ hôi ! Thay vì thúc đẩy kẻ khác hiến thân ngoài trận địa ! Gởi cho anh chị em, bà con thôn xóm một nụ cười, trước khi hô hào Công Bình và Bác Ái.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!