.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Mở đầu

Chương Một : Đoái thương nhìn cuộc đời

Chương hai: Nhìn Đời với Trăm Con Mắt

Chương Ba: Lắng nghe tiếng kêu trầm thống của nội tâm

Chương bốn: Lắng nghe với trăm lỗ tai

Chương Năm: Học làm người trong từng giây phút của cuộc sống

Chương Sáu: Quan hệ hài hòa, đồng cảm

Chương Bảy: Tuyên dương và Khen thưởng những bước đi làm người

Thay lời cuối: Ông Đồ Sộ

Phụ Trương Một: Khổ đau và hạnh phúc

Phụ Trương Hai: Khi chúng ta tiếp xúc và trao đổi

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đồng Cảm Để Đồng Hành
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
THAY LỜI CUỐI: ÔNG ĐỒ SỘ

Tôi không biết tên thực của Ông là gì. Trẻ em quanh vùng gọi ông là "Ông Đồ Sộ".

Kỳ thực nhà cửa ông ở thật đồ sộ. Khu vườn bao quanh cũng đồ sộ. Mặt mũi, tay chân, áo quần, cái gì có liên hệ tới cuộc đời của ông  đều nhất loạt đồ sộ. Bên cạnh Ông Đồ Sộ, người vật đều nhỏ bé, tí hon, không đáng được ai chú ý. Và Ông Đồ Sộ cũng không thèm lưu tâm đến ai.

Trẻ em quanh vùng đồn thổi với nhau : Ông Đồ Sộ ăn những con gà đồ sộ, uống những ly rượu đồ sộ. Đi những bước đi đồ sộ. Nói những lời nói đồ sộ. Cho nên, hôm ấy, chúng nó đánh bạo rủ nhau đến thăm ông tại nhà, để ít nhất một lần hiểu được thế nào là cuộc đời đồ sộ của một con người đồ sộ, với bộ óc đồ sộ, trong một thân xác đồ sộ.

Rủi thay, khi trẻ em tập hợp đông đủ, xô cổng bước vào, ông Đồ Sộ không có mặt ở nhà. Qua một hàng chữ đồ sộ, được yết thị trước cửa nhà, trẻ em đọc được bản tin : Ông Đồ Sộ đi thăm một người bạn Đồ Sộ, tại xứ Đồ Sộ. Chừng nào cuộc thăm viếng kết thúc, ông Đồ Sộ sẽ lấy chuyến bay đồ sộ để trở về Nhà Độ Sộ của mình.

Lợi dụng cơ hội, trẻ em tuôn nhau ra vườn, nhặt hoa, hái trái. Ổi, cam, mít ... trái cây đủ mọi loại. Trẻ em tha hồ vừa ăn vừa nhặt bỏ túi mang về nhà. Hôm sau, và những ngày kế tiếp, trẻ em kéo nhau đến đông hơn. Có những đứa không thèm về nhà. Vì là trời hè nóng ấm, chúng nó ngủ lại, trên những thảm cỏ xanh tươi, mịn màng, thơm mát ...

Vào cuối mùa hè năm ấy, với những bước chân đồ sộ, ông Đồ Sộ trở về ... Nhìn thấy khu vườn bị vùi dập, tan nát, cây cối xác xơ, Ông Đồ Sộ thét lên một tiếng đồ sộ vang trời lở đất. Hoảng sợ, trẻ em tìm cách ẩn núp sau các lùm cây rồi chạy thoát ra ngoài, về nhà không dám ngoảnh mặt nhìn lui.

Ông Đồ Sộ đi ra, khóa chặt hai cánh cổng đồ sộ, ngăn cách khu vườn và ngôi nhà với các vùng lân cận. Vào trong nhà, ông đi tìm chìa khóa, khóa lại mọi cánh cửa thông ra vườn. Thêm vào đó, ông còn hạ màn, che kín mọi cửa sổ đằng trước và đằng sau, ở trên và ở dưới.

Chính lúc ấy, trời bắt đầu sẩm tối. Mưa rới tí tách bên ngoài.

Hôm sau, lúc thức dậy, Ông Đồ Sộ cảm thấy lạnh trong mình. Ông lẩm bẩm :

-  Quái dị thật, bây giờ mới cuối hè. Những năm trước đây khí lạnh chỉ thổi tới trước lễ Giáng Sinh, một vài ba tuần. Có lẽ cơn lạnh nầy chỉ là một biệt lệ mà thôi. Ngày mai, thế nào mặt trời cũng trở lại.

Đêm ấy, thay vào trời mưa, tuyết lại rơi bay tầm tả.

-  Kỳ dị không làm sao hiểu được. Tuyết rơi vào mùa hè ! Những ngày sau ... tuần sau và tháng sau ... Tuyết rơi nhiều hơn. Trời càng lạnh hơn. Nhiệt độ tuột xuống chung quanh ba mươi độ âm. Rồi bốn mươi. Rồi năm mươi ...

Ông Đồ Sộ đốt lò sưởi trong phòng khách. Trời vẫn lạnh. Ông đốt thêm lò sưởi trong phòng ngủ. Trời vẫn lạnh. Mọi lò sưởi còn lại được tìm ra và đốt lên ... Ông Đồ Sộ vẫn ngồi run rẩy như chiếc lá khô, khi ngọn gió đông ồ ạt thổi tới, từ những miền Bắc Băng dương. Bao nhiêu chăn mền được lấy xuống từ các ngăn tủ. Nhưng mùa đông vẫn gan lì, tiếp tục lan tràn vào trong mọi xó xỉnh của ngôi nhà mênh mông đồ sộ. Cuối cùng mùa đông lẻn vào trong xương da máu thịt. Các khớp xương trở thành đông đặc, cương phòng lên và nhức nhối. Quả tim thoi thóp rên la ...

Sau bao nhiêu toan tính đều thất bại, Ông Đồ Sộ không còn sức chịu đựng được cơn lạnh càng lúc càng trở nên khốc liệt. Ông lẩm bẩm :

- Thà rằng ta chết khô, giữa trời đất vũ trụ, hơn là ngột ngạt trong xó xỉnh âm u.

Nói xong, ông cố gắng hết mình, đứng dậy, lại gần chiếc cửa sổ của phòng khách, mở toang ra : Mặt trời từ từ mọc lên sau rặng cây.

Ông mở toang cánh cửa sổ thứ hai : bông hoa đua nhau nở rộ, trong cả khu vườn chung quanh.

Ông mở rộng cánh cửa sổ trong phòng ngủ : chim chóc ca hát líu lo trên các cành cây, ở ngay trước mặt ông.

Ông đến gần cánh cửa sổ thứ tư : Khi Ông vừa đưa tay mở ra, từ phía cổng chính trẻ em đã đua nhau gọi vào ầm ỉ :

"Ông Đồ Sộ ơi, chúng con quá đói. Mở cửa cho chúng con vào ăn trái cây !"

Không chút ngần ngại. Ông Đồ Sộ đi lấy khóa, mở toang cổng vào. Và suốt ngày hôm ấy, Ông Đồ Sộ đi theo bầy trẻ, nhặt hoa quả giùm cho những đứa nhỏ dại, cho phép những đứa mới tập đi ngồi trên vai mình.

Gió lạnh vẫn còn thổi. Trời chưa hoàn toàn nóng ấm. Nhưng suốt ngày đi theo bầy trẻ, bồng đứa nầy, ẳm đứa nọ, trả lời bao nhiêu câu hỏi líu lo, non dại ... Ông Đồ Sộ cảm thấy ấm áp trong tâm hồn. Một vài đứa đã lở miệng thay đổi tên ông. Chúng bắt đầu gọi ông là "Ông Nội". Mà kỳ thực, ông đã thương chúng nó như cháu chắt nội ngoại của mình, từ ngày "hôm nay".

* *  *

Hỡi Người Em Việt Nam,

Chỉ cần can đảm ĐỨNG DẬY, mở ra những cánh cửa của tâm hồn ... Ông Đồ Sộ trong chúng ta sẽ tức khắc trở thành một vị Bồ Tát Quan Thế Âm cho Anh Chị Em đồng bào.

Lausanne, Mùa Xuân 2003

Gs. Nguyễn Văn Thành 

Bài Tập

Dựa vào chương ba, hãy đánh giá từng câu : Câu nào đúng tiêu chuẩn ấn định ?

1- Mô tả môi trường sinh hoạt

1.- Sáng nay ba tôi đã nổi cơn thịnh nộ chưởi mắng tôi một cách phi lý.

2.- Tối qua, đứa con gái tôi vừa xem tivi vừa làm bài toán ở trường đem về.

3.- Trong buổi họp sáng nay, bạn A đã phát biểu ý kiến 10 lần.

4.- Mẹ tôi là người phụ nữ rất đảm đang

5.- Chồng tôi tận tâm một cách quá đáng vào chuyện ở trường học

6.- Anh C hay tấn công người khác khi phát biểu.

7.- Tuần nay, Cô giáo K là người đầu tiên đến trường mỗi buổi sáng.

8.- Con tôi thường hay đi ngủ mà không chịu đánh răng sạch sẽ

9.- Theo ý của Mẹ tôi, màu đỏ không hợp với tôi.

10.- Mỗi lần tôi lên đường trở về nhà sau kỳ hè, chị tôi đều khóc.

2- Xúc động & Tình cảm

Gọi tên

1.- Hồi tôi còn bé tôi có xúc cảm rằng bạn bè không thương yêu tôi.

2.- Tôi cảm thấy buồn rủ rượi khi mẹ đi ra khỏi nhà.

3.- Sau khi nghe bạn kể chuyện về tai nạn xe hơi của bạn, tôi lo lắng sợ hãi.

4.- Khi bạn đi qua mà không nhìn tôi, tôi cảm thấy bị bạn bỏ rơi.

5.- Hôm nay em đến thăm, chị sung sướng.

6.- Con bé nầy khó chịu ghê.

7.- Thấy nó tôi muốn tát tai

8.- Tôi cảm thấy không có ai hiểu tôi trong trường nầy.

9.- Tôi thấy dễ chịu sau khi nghe bạn nói lời an ủi.

10.- Tôi cảm thấy không có khả năng để nhận công việc ấy.

 

3- Xác định nhu cầu

1.- Bạn làm tôi bực bội khi bày ra áo quần bừa bãi trên giường ngủ của tôi.

2.- Tôi tức giận khi nghe bạn phát biểu và la mắng rộn ràng, vì tôi cần những lời nói dịu ngọt.

3.- Tôi bực bội vì bạn đến trễ 10 phút

4.- Tối qua bạn không đến dùng cơm, tôi cảm thấy buồn và cô đơn, vì tôi cần chia sẻ một tin tức về chồng tôi cho bạn nghe.

5.- Tôi thất vọng vì bạn không giữ lời hứa.

6.- Tôi đang lo toan vì tôi muốn hoàn tất bài luận văn chiều nay, nhưng tôi đang bế tắc ở chương nầy.

7.- Bạn bè đưa ra những nhận xét bần tiện làm tôi khó chịu.

8.- Tôi sung sướng vì được nghe bạn đã tốt nghiệp cử nhân.

9.- Tôi sợ hãi khi bạn la to như vậy.

10.- Chị cảm thấy thoải mái và sung sướng được em đề nghị đưa chị về nhà, vì như vậy chị sẽ có mặt trước khi hai cháu bé từ trường mẫu giáo về.

4- Diễn tả yêu cầu

( 1 điều làm cụ thể )

1.- Chị muốn em hiểu chị hơn.

2.- Chị muốn em nói ra cho chị nghe là chị có duyên ở chỗ nào ... mà em cứ mãi khen chị có duyên.

3.- Thầy muốn em tự tin hơn.

4.- Em xin anh từ nay hãy thôi không còn rượu chè.

5.- Con muốn mẹ kính trọng con hơn.

6.- Về buổi họp chiều hôm qua chị muốn em nói cho chị biết ý kiến thành thực của em.

7.- Ở đây có học sinh qua lại, em xin anh giảm tốc độ xuống 50 km.

8.- Em muốn hiểu chị hơn, để dễ làm việc với chị.

9.- Tôi muốn bạn hãy tôn trọng đời tư của tôi.

10.- Anh muốn em cho anh ăn bún bò Huế nhiều hơn.

Sách Tham Khảo

 

1.- Tara BENNET - GOLEMAN - Emotional Alchemy - Rider, London 2001, 340 p.

2.- Stephen N.COVEY - The 7 habits of Highly Effective people -Simon & Schuster, London 1989,  350 p.

3.- J. GRAY - Men and Women Relationships - Bey W. Publishing,  U.S.A 1993,  225 p.

4.- Gerald G. JAMPOLSKY - Change your mind, change your life .Bantam Books, New-York, 1991, p.285

5.- Paul RICOEUR - L'Interprétation -Seuil, Paris 1965, 575 p.

6.- Marshall B. ROSENBERG - Nonviolent communication -Pudle Dancer press,Encinitas CA 2001, 200 p.

7.- D. STONE - Difficult conversations : how to discuss what matters most. Ed. Michael Joseph, London 1999, 248 p.

8.- R. FEURSTEIN - Instrumental Enrichment - Un. Park press 1982.

9.- NGUYỄN Văn Thành - Le Projet pédago-éducatif - Tình Người, Lausanne 1997, 179 p.

10.- NGUYỄN Văn Thành - Comment gérer les émotions - SCES, Lausanne 1991, 110 p.

11.- NGUYỄN Văn Thành - L'Enseignement médiatisé - Texte inédit, 106 p.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!