Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà văn Quyên Di
Bài Viết Của
Nhà văn Quyên Di
Yêu thương đời
Viên đá trong bàn tay
Tuyết xuống đêm qua
Tháo giầy
Tách cà phê buổi sáng
Soi gương, soi lòng
Rơm
Những tầm thường
Những ngày sầu thảm
Những giọt nước
Những ánh lửa
Người yêu màu trắng
Người ghét mùa Xuân
Mùa Xuân cuộc đời
Mơ một vì sao
Mệt mỏi chán chường
Gió mưa là bệnh của trời...
Giấc mơ Xuân
Đi trên đường đời
Dã thảo nhàn hoa
Đàng Thánh Giá trong ngôi nhà nguyện Mễ Tây Cơ
Con tắc kè trên ngọn cây dừa
Chim Sẻ đáng yêu
Cánh én trở về
Cam chua, chanh ngọt
Bức tường đá
Boomerang
Bên cầu biên giới
Bàn Chân
Giới thiệu tác phẩm Nhìn xuống cuộc đời
GIẤC MƠ XUÂN

 

 

Ca dao Việt Nam có câu: "Đố ai nằm ngủ không mơ? " Câu ấy mang ngầm ý nghĩa là ai ngủ thì cũng mơ cả.  Vậy mà có nhiều người nói rằng họ không biết mơ là gì, hay ít nhất dù có mơ, tỉnh dậy cũng không nhớ gì hết. Tôi không biết những người ấy nghĩ gì; riêng tôi thấy tiếc cho họ, vì trong mơ có nhiều cái dễ thương lắm.

Tôi thì... may mắn có ''khả năng'' mơ và ''khả năng'' nhớ những giấc mơ của mình. Tôi mơ... giỏi đến độ nhắm mắt lại là mơ, mà ngủ... gật cũng mơ luôn. Tôi còn có khả năng "mơ lại", tức là là mơ cùng một giấc mơ nhiều lần; lại có khả năng ''mơ tiếp'' nữa: đêm hôm trước mơ một đoạn, đêm hôn sau mơ thêm đoạn kế tiếp, y như truyện đăng từng kì trên nhật báo vậy! Lắm lúc tôi cũng băn khoăn tự hỏi mình làm gì mà mơ lắm thế.

Khi mong ước một điều gì mình chưa có, ta gọi là ''mơ''. Nằm ngủ chiêm bao cũng gọi là ''mơ''. Như thế, người ta tự hiểu rằng giấc mơ trong khi ngủ phản ảnh phần nào suy tư khát vọng của mình. Khi chuyện không xảy ra trong đời sống thực được, người ta đem nó vào giấc mơ. Tôi thương nhớ ai mà không gặp được ngươi đó, tôi đem người đó vào giấc mơ và tôi gặp gỡ họ trong giấc mơ ấy. Tôi mong làm được việc này chuyện nọ mà chưa làm được; trong giấc mơ, tôi làm được tất cả những chuyện đó. Bởi vậy, biết bao người khi mơ thì muốn mơ luôn không đậy nữa, hoặc đã lỡ dậy rồi thì nuối tiếc giấc mơ. Tôi nhớ đến câu hát: "Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh."  đây, tôi không có ý nới tới những giấc mơ hãi hùng mà người ta gọi là ''ác mộng''.

Tuy nhiên, giấc mơ không phải chỉ phản ảnh những ước mơ trong cuộc sống thực tế hoặc do sự thúc ép của tiềm thức vô thức. Giấc mơ nhiều khi là một lời nhắn bảo, hay một điềm báo. Thánh Giuse, trong giấc mơ, đã thấy thiên thần hiện đến và dặn dò Người phải đem Maria và hài nhi Giêsu sang Ai Cập lánh nạn (Mạt 2: 13). Giuse trong Cựu ước cũng đã giải mộng cho Pharaon, để biết được những điều sắp xảy đến cho đất nước Ai Cập (Kn 41: 17-32).

Tôi không tin những giấc mơ bao giờ cũng là điểm báo một chuyện gì. Bận tâm với những gì xảy ra trong mơ, người ta sẽ rụt rè e sợ không đâu và vì thế làm hư chuyện thực sự phải làm trong đời sống thực tế. Tôi cũng không phải là người giải mộng, không phải là nhà tâm lí để đi tìm những ẩn ức của chính mình, được thể hiện trong giấc mơ. Tôi cũng không dựa vào những điều thấy trong mơ để mua vé số hay đánh số đề! Tuy nhiên, tôi hay tìm ý Chúa qua những giấc mơ. Chúa để cho mọi chuyện xẩy đến cho tôi, thì giấc mơ của tôi cũng không ngoài ý Chúa.

Có những giấc mơ tôi thường mơ đi mơ lại nhiều lần. Một trong những giấc mơ đó là giấc ''lượm bạc cắc''. Trong mơ, tôi thấy trên đường đi, những ai đó đã làm rớt không biết bao nhiêu là bạc cắc. Đụng đâu cũng thấy, nhìn đâu cũng có. Và tôi cúi lưng xuống nhặt, nhặt thỏa thích; nhét đầy túi mà nhìn xuống đất cũng vẫn còn. Có điều những đồng bạc cắc đó không sạch sẽ cho lắm, đồng thì đầy bụi đất, đồng thì dính bùn, đồng thì nằm trên đống rác... Tỉnh dậy, tôi thường băn khoăn tự hỏi: có phải mình đang sống cuộc sống tầm thường, là đà dưới đất; đang theo đuổi những mục tiêu thấp kém; đang cúi mình tìm kiếm những lợi lộc thấp hèn, những vinh danh phù ảo?

Có lẽ tôi chưa đứng thẳng dậy, hướng về phía trước, nơi có chân trời nạc sáng. Mắt tôi còn đang mê mải cúi xuống đất đen, kiếm tìm những đồng bạc cắc lấm láp rơi rớt đâu đó. Những băn khoăn và tra vấn lương tâm ấy khiến tôi phản tỉnh. Nếu trước bất cứ mọi chuyện, dù khi mơ hay lúc tỉnh, sau đó tôi đều biết đặt lại vấn đề và đối diện với lương tâm như thế, chắc tôi đã khá hơn nhiều lắm.

Một giấc mơ khác tôi cũng mơ đi mơ lại nhiều lần. Tôi gọi đó là ''giấc mơ trần truồng''. Trong mơ, tôi thấy mình trần truồng đi giữa những đám đông. Tôi vô cùng xấu hổ, trốnn đâu cũng không được, che đậy thế nào cũng không hết. Và tôi cứ phải đi như thế trước bao nhiêu con mắt dòm ngó của mọi người. Giấc mơ đó cũng khiến tôi nhiều khi tỉnh dậy cảm thấy băn khoăn. Thường tôi hay tư hỏi: lúc này tôi có đang hãnh diện, tự hào về một vài ''thành công'' tôi đạt được? Có phải tôi đang tự khoác cho mình đủ thứ hào quang lộng lẫy hay trang điểm cho mình bằng đủ thứ khả năng hay đức tính mà chưa chắc tôi đã thực sự có? Nếu quả tôi đang như vậy, thì qua ''giấc mợ trần truồng'', Chúa nhắc cho tôi biết tôi không là gì. Tôi sinh ra trần truồng và chẳng có gì đáng hãnh diện. Những gì tôi có là quà tặng Chúa gửi cho để tôi chia sẻ với anh chị em khác, nó không phải của riêng tôi, hay của chính tôi, nên tôi không có lí đo gì để hãnh diện.

 Tôi còn nhiều giấc mơ khác nhưng kể ra đây thì dài dòng lắm. Tôi muôn bạn nhìn về giấc mơ của bạn. Chẳng biết bạn có ''khả năng'' mơ nhiều và nhớ nhiều như tôi không, nhưng ít nhiều chắc cũng có những giấc mơ bạn nhớ. Nhớ nó, không phải để vui với mộng mà quên thực tế; không phải để bị ám ảnh và lo sợ; cũng không phải để dựa vào nó mà quyết định mua vật nọ, bán vật kia, Nhưng nhớ nó, để tìm hiểu xem, qua nó, mình có điều gì cần phản tỉnh, có vấn đề gì thuộc lãnh vực lương tâm cần xét lại.

Tôi rời bỏ những giấc mơ ngủ để trở về với giấc mơ đời. Có người định nghĩa về tuổi trẻ như sau: ''Tuổi trẻ tuổi biết ước mơ. '' Như thế, mỗi khi ta tự hỏi lòng, mà thấy mình còn biết mơ ước, thì ta cứ yên tâm rằng mình còn đang là tuổi trẻ. Và như thế, mình cứ vui mà sống. Thực sự tuổi trẻ là tuổi có nhiều mơ ước nhất, thế thôi, chứ tuổi nào cũng có ước mơ; và trong hoàn cảnh nào, người ta cũng vẫn ước mơ. Một giáo sư văn chương của tôi nói rằng: "Con người là sinh vật chân bước trên mặt đất mà mắt ngắm trăng sao."

Giấc mơ của tuổi trẻ thường là giấc mơ đẹp, trong giấc mơ có hơn có bướm, có chàng hoàng tử xinh trai hay cô công chúa diễm lệ, có một chân trời rực sáng và một cánh cổng tương lai rộng mở. Giấc mơ ấy được gọi là Giấc Mơ Xuân, và tuổi trẻ cũng được gọi là Tuổi Xuân. Mùa Xuân đẹp như thế nào thì Tuổi Xuân và Giấc Mơ Xuân cũng đẹp như thế. Nếu Tuổi Xuân kéo dài và Giấc Mơ Xuân thành sự thật thì có lẽ người ta đã tìm thấy hạnh phúc và bước chân đã đặt lên ngưỡng cửa thiên đàng.

Có người xem thường những ước mơ, cho đó là điều thiếu thực tế. Hãy hành động hơn là ngồi mơ ước. Đó là châm ngôn của họ. Tuy nhiên, nếu không có những ước mơ thì người ta cũng không có động lực biến ước mơ thành sự thật. Bởi thế, theo tôi thì, hãy cứ ước mơ đi, nhưng đừng chìm đắm trong mơ. Hãy thức tỉnh để hoạt động và biến ước mơ thành sự thật. Một nhà tư tưởng đã có câu nói thật dễ thương:

"Ưa mộng mơ, đâu để mộng say lòng,

Theo tưởng, nhưng thoát vòng không tưởng."

Nói cho cùng, đời người cũng là một giấc mơ dài. Chúng ta nghe nhiều đến ''giấc mộng kê vàng'', nằm mộng thấy cả cuộc đời mình mà tỉnh dậy nồi kê chưa chín. Trong "giấc mơ dài'' đó, ta đã làm gì, đã sống thế nào, đã thực hiện được chút gì mục tiêu của ''giấc mộng dài'' đó chưa? Đã gọi là ''giấc mơ" thì thế nào cũng có lúc thức tỉnh. Đối với những người ý thức, thì khi thức tỉnh tức là lúc ta đã trọn vẹn giấc mơ, để trở về với cuộc sống thật, cuộc sống vĩnh hằng bên Thượng Đế. Hạnh phúc cho ta, nếu trong giấc mơ đời, ta biết mơ về Đấng đã tạo dựng nên ta và gửi ta và giấc mơ tươi đẹp. Nếu trong giấc mơ đời ta không mơ về Thượng Đế, thì khi trở về, ta quên mất Ngài và lòng chỉ lưu luyến với những gì ta đang mơ trong giấc mơ đời. Khi đó, có lẽ Thượng Đế cũng chỉ nhìn ta như một người xa lạ.

Ngày xưa, có lần Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy bâng khuâng tự hỏi không biết mình là người hay là bướm. Mình là người rồi nằm mơ thành bướm, hay mình là bướm và đang nằm mơ là người? Giấc mơ Trang Tử cho ta thấy cái tương đối và hư không của đời sống. Trang Tử đã mơ và đã băn khoăn, giấc mơ và nỗi băn khoăn của một triết gia.

Với tôi, một người Công giáo, tôi không băn khoăn như Trang Tử. Thực ra tôi cũng băn khoăn, nhưng nỗi băn khoăn của tôi nó khác. Giả dụ tôi cũng mơ thành bướm như Trang Tử, nỗi băn khoăn của tôi sẽ thế này: nếu tôi la người, tôi có biết dùng đôi chân để đi trên nẻo đường Chúa đã dẫn lối? Và nếu tôi là bướm, tôi có dùng đôi cánh để bay lượn khắp cả trời Xuân, tìm cho ra Đấng được gọi là Chúa của mùa Xuân bất diệt?

Tôi yêu những Giấc Mơ Xuân. Tôi yêu những giấc mơ khi ngủ và yêu cả giấc mơ đời. Đời người ta, nếu được dệt bằng những giấc mơ đẹp và ước mơ thần tiên thì đẹp đẽ biết bao nhiêu. Và với tôi, giấc mơ đẹp nhất, ước mơ thần tiên nhất là giấc mơ và ước mơ được luôn gần gũi với Chúa của mùa Xuân.

Nhà Văn Quyên Di

Tác giả: Nhà văn Quyên Di

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!