Sau những ngày ‘hoàng tráng’ của kỳ nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới, một người bạn đã gửi cho tôi ưu tư này:
"Trong Thánh kinh chỗ nào nói rõ về ngày sinh của Chúa Giêsu? Chỗ nào Chúa Giêsu nói là phải kỷ niệm sinh nhật của Ngài? Chỗ nào có ông già Noël? Tuyệt nhiên không có. Không ai biết về ngày sinh của Chúa Giêsu cả…
Tòa thánh Vatican cũng biết là chúa Giêsu sinh vào mùa thu, thời tiết chưa lạnh lắm, nên mục đồng còn để gia súc ban đêm ngoài đồng. Chứ vào ngày 25/12 ở Bết-lê-hem người và thú không thể nào chịu đựợc qua đêm ngoài trời...
Khó hiểu thật! Noel chỉ do người ta lập ra với mục đích thương mại chứ không hề có ý nghĩa tâm linh (theo Thánh kinh) vậy mà sao Tòa thánh chấp thuận và cổ võ???"
Nhận định trên có một điều đúng và một điều nên suy nghĩ. Điều đúng, ấy là về ngày sinh của Chúa Giêsu; điều cần suy nghĩ, ấy là vì sao ‘Tòa Thánh chấp thuận và cổ võ’ cái Noel ‘mang tính thương mại’ đó.
- Chúa Giêsu không ra đời ngày 25-12.
Trước hết, ta hãy làm rõ nhận định trên; và xem lại lịch sử của việc cử hành lễ Giáng Sinh trong Giáo Hội.
Công giáo Việt Nam có một bài hát đã trở thành quen thuộc:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...
Bài hát Giáng Sinh này đã ghi khắc một hình ảnh sâu đậm trong tâm tình mọi người Công giáo Việt Nam; và trong đêm Noel thì hầu hết mọi người Công giáo trên thế giới đều thấy hiện lên trong trí óc mình một Chúa Hài Đồng run rẩy giữa đêm đông giá lạnh.
Thế nhưng thực tế thì không đúng như vậy. Sách Talmud (sách thánh Do Thái, đứng thứ 2 sau Kinh Thánh - Cựu Ước) cho biết rằng người Do Thái đưa cừu ra đồng cỏ từ tháng 3 và đến tháng 11 là trễ nhất thì phải lùa về trại, vì không thể để đàn cừu ngoài trời mưa. Sách Etra (Esdrad 10, 9.13) nhắc đến những cơn mưa tầm tã vào tháng 9. Bài tường thuật duy nhất trong bốn sách Phúc Âm cho biết rằng, đêm Chúa Giáng Sinh, những người chăn chiên đang ở ngoài đồng cỏ (Lc 2, 8). Như thế Chúa Giêsu không thể nào sinh vào một ‘đêm đông’ cả, mà trễ nhất là vào Mùa Thu. Tuy nhiên các sách Phúc Âm không xác định Chúa giáng sinh ngày nào.
- Vậy thì vì sao Giáo Hội lại chấp thuận và cổ võ Noel?
Vào thế kỷ thứ I trước công nguyên, Rôma mừng lễ Mithra, vị thần ánh sáng. Vào thời ấy, ngày 25 tháng 12 là đông chí, nghĩa là ngày mà ánh sáng ban ngày bắt đầu dài ra dần và bóng tối ban đêm ngắn lại dần. Nói cách khác, dân Rôma tin rằng đông chí là ngày mà thần Mithra bắt đầu chiến thắng bóng tối, nên mừng ‘chiến thắng’ ấy bằng cách dâng lên cho thần một con bò mộng. Thời Giáo Hội sơ khai, Kitô hữu không mừng lễ Giáng Sinh. Vào đầu thế kỷ thứ II, Giáo Hội mới truy tìm ngày sinh của Chúa Giêsu, mà Phúc Âm không hề nhắc đến. Vì Phúc Âm im lặng nên Giáo hội chọn ngày đông chí để nói lên rằng Chúa Kitô mới đích thực là Ánh Sáng đến xua đuổi bóng đêm của Tử Thần. Như thế Giáo Hội đặt lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày 25-12 để thánh hóa một ngày lễ dân gian, thế tục. Khoảng năm 330, hoàng đế Constantinô chọn ngày này để mừng lễ Giáng Sinh, nhưng đến năm 353 thì Giáo Hoàng Liberius mới chính thức thiết lập lễ Giáng Sinh tại Rôma.
Như vậy, Chúa Giêsu đã không ra đời trong một đêm đông lịch sử! Tuy nhiên, hình ảnh của đêm đông vẫn còn ý nghĩa trên bình diện biểu trưng. Quả thật như vậy, trong một thế giới mà con người bắt đầu cảm thấy giá lạnh trong tâm hồn, khi không còn có một ngọn lửa nào sưởi ấm được lòng người, thì Hài Nhi Giêsu đã đến giữa mùa đông giá lạnh ấy để đem ngọn lửa tình yêu sưởi ấm con người. Và ngọn lửa yêu thương đã dần dần lan rộng trên mọi vùng đất theo dòng thời gian, để rồi mãi mãi khơi lại hơi ấm cho những tâm hồn giá lạnh. Thực ra, cái lạnh trong tim nhiều khi còn tê buốt hơn cái lạnh thể lý mà không cần phải có cái lạnh ngoài trời, như một thi sĩ đã viết:
Hôm nay không gió mà sao lạnh,
Hay tự trong tim đã lạnh rồi?
- Noel đã bị thương mại hóa.
Biến cố Giáng Sinh ấy đã chạm đến lòng những đạo sĩ phương đông, để họ vượt bao nhiêu dặm đường đem quà tặng cho Hài Nhi giáng thế. Việc tặng quà của họ trở thành một truyền thống ngày càng lan rộng. Khởi đầu là những món quà Giáng Sinh mà cha mẹ tặng con cái mình, rồi dần dần lan ra toàn xã hội, để các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau và cho thân hữu gần xa. Đến đầu thế kỷ 20, tinh thần tôn giáo ở Âu Mỹ còn rất sâu đậm, nhưng nền thương mại cũng đã bắt đầu phát triển, vì thế ‘con buôn’ đã thương mại hóa ngày lễ này bằng cách biến Giáng Sinh thành một lễ hội dân gian để mọi người bỏ tiền mua sắm và vui chơi. Nếu vào thế kỷ thứ 4, Giáo Hội đã ‘thánh hóa’ một ngày lễ trần tục, bằng cách tổ chức lễ Mừng Chúa Giáng Sinh vào ngày vinh danh thần Mithra, thì ngày nay người ta lại ‘tục hóa’ lễ Giáng Sinh, để biến nó thành một lễ hội ‘hái ra tiền’ mà ngay những nước vô thần cũng tổ chức để làm giàu thêm cho người lắm của. Như vậy, người ta đã thương mại hóa lễ Noel, chứ không phải là “Noel chỉ do người ta lập ra với mục đích thương mại”!
- Tinh thần thế tục đã làm hỏng mọi sự.
Thái độ tục hóa đó khiến con người quên đi món quà quí giá nhất trong lễ Giáng Sinh ấy chính là Hài Nhi Giêsu. Tất cả những quà khác của con người tặng nhau chỉ là biểu tượng cho tình yêu thương lẫn nhau, còn Hài Nhi Giêsu thì chính là Tình Yêu đã trở thành xác thịt, và đem lại ý nghĩa cho mọi tình yêu khác trên đời.
Đấng có thể ‘cho’ mọi sự đã trở thành một em bé bất lực để ‘xin’ mọi sự. Và đó là cái nghịch lý của tình yêu mà hai ngàn năm qua con người cũng chưa thấu hiểu: khi ta thực sự yêu ai, thì mình trở thành 'nghèo nàn' và 'lệ thưộc' người đó. Thiên Chúa ban cho loài người món quà vĩ đại nhất qua Hài Nhi, một Hài Nhi có vẻ như cần đến những món quà của con người. Giáo hội muốn nhắc cho con cái mình nhớ rằng món quà lớn nhất mà ta có thể tặng cho một ai là tặng bản thân mình, không chỉ tặng mồ hôi và công sức, mà còn phải trao tặng cả đến thế giá, danh dự, địa vị mình: món quà nào không thể hiện được sự trao ban chính bản thân mình thì đó chỉ còn là một mánh khoé của thế gian, dù cho được gói ghém trong chiếc áo mỹ từ nào.
Đó là lý do mà Giáo Hội vẫn tiếp tục tổ chức và cổ võ Giáng Sinh. Giáo hội nhắc lại cho tín hữu ý nghĩa đích thực của ngày lễ, mặc dù và chính vì ngày lễ ấy ngày càng bị tục hóa. Mọi món quà đều nói lên một cái gì rất thiêng liêng vì nó gói ghém tấm lòng của mình. Thế nhưng tinh thần thế tục đã làm hỏng mọi sự. Ví dụ việc tặng quà, hay ‘đi Tết’ trong truyền thống Việt Nam, là hành vi thể hiện tình nghĩa giữa những người quan tâm đến nhau; thế nhưng qua những kẻ ‘vụ lợi’, truyền thống này đã trở thành ngày mà quân tham nhũng làm giàu vô tội vạ: lấy tiền công ty nhà nước, là của công, để tặng quà cho nhau, nghĩa là biến thành của tư!
Tinh thần thế tục này đã ăn sâu vào mọi ngỏ ngách của lương tâm con người trong thế giới hôm nay, và đó là điều đáng suy nghĩ và ray rứt…
Trần Duy Nhiên.