Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Duy Nhiên
Bài Viết Của
Gs. Trần Duy Nhiên
Nguyễn Viết Chung và Tiếng Gọi của Chân Thiện Mỹ
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI QUẢNG NAM NĂM 1623 VÀ VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ - BỨC THƯ CỦA FRANCISCO DE PINA
BẢNG CHỮ CÁI
Slideshow => Vài suy tư nhân dịp Năm Mới 2009
Năm mới nói chuyện cũ: Tòa Thánh cổ võ cho một ngày lễ có mục đích thương mại?
Hiển Linh đối với giáo dân.
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CHÂN PHƯỚC ROSALIE RENDU, MỘT NỮ TỬ BÁC ÁI.
THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHẬN LÃNH TÁC VỤ LINH MỤC.
Nữ Tử Bác Ái: Chứng từ của sự im lặng Giáng Sinh.
Nữ Tử Bác Ái: Diễn tiến liên quan đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu
FATIMA VÀ NHỮNG LỜI CẢNH BÁO RÙNG RỢN.
LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG
CÔNG BÌNH XÃ HỘI THEO QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO.
Hai gương mặt mục tử.
CÔNG BÌNH XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM
CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI.
MẸ VIỆT NAM ÔI, CÁM ƠN MẸ!
ĐỪNG SẬP BẪY SATAN!
THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHẬN LÃNH TÁC VỤ LINH MỤC.

 

Kính gửi:

Cha Phêrô Trần Văn Minh

Cha Giuse Trần Văn Trung

Cha Phêrô Nguyễn Công Tuấn,

Thưa cha, 

Được tin cha sắp sửa lãnh nhận chức thánh, con gửi đến cha thư này với hy vọng rằng mình là người đầu tiên chúc mừng cha trên giấy trắng mực đen.

Dù gửi thư này đến ba cha, nhưng con vẫn viết ‘thưa cha’ để nói chuyện với từng cha một. Có lẽ phản ứng đầu tiên của cha là ‘chột dạ’ khi nghe con gọi cha là ‘cha’ và xưng là ‘con’, vì con nghĩ rằng hôm nay và sau này cha không bao giờ tự xưng là ‘cha’ đối với một người mà cha từng gọi là ‘sư phụ’. Tuy nhiên, con viết lên với tiếng xưng hô này, vì hai lý do: 

1. Giáo dân chúng con luôn kính trọng chức thánh mà Giáo Hội trao phó cho cha. Và dù muốn dù không, cha đã và phải trở nên ‘người cha’, nghĩa là người sinh hạ và nuôi dưỡng những người con trong Thần Khí. 

2. Mai này, mọi người sẽ gọi cha là ‘cha’ - thậm chí cả các bậc sinh thành cha - và dần dần cha thấy rằng mình đương nhiên là ‘cha’ mọi người, không có gì phải bàn cãi cả; vì thế con muốn ngay từ bây giờ cha hãy ‘làm cha’ trong sự khiêm tốn của một người ‘làm cha’ ngay cả thầy mình. 

Lá thư chúc mừng này sẽ được viết dưới dạng một bài suy niệm. Cha đã chọn một châm ngôn và hẳn cha đã dành nhiều năm tháng để suy nghĩ và sống lời tâm niệm của mình; tuy nhiên, theo lời đề nghị của cha Tuấn, và trong tinh thần hiệp thông, con muốn cùng suy niệm những đoạn ấy với cha trong lúc này, là lúc cha sắp bước lên bàn thánh. 

Cha Minh đã chọn Lc 4,18: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” Sau đoạn này, Chúa Giêsu đã công bố: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21). Chưa bao giờ trong đời cha mà lời này đúng cho bằng ngày cha sấp mình trước bàn thánh để chuẩn bị nhận ‘dầu tấn phong’ của Thần Khí Chúa, qua Giáo Hội, từ bàn tay của Đức Giám Mục GP Xuân Lộc. Lời loan báo của Isaia đã trở thành hiện thực nơi Chúa Kitô, và 2000 năm sau, trở thành hiện thực trong con người của cha, để từ đấy cha có quyền và bổn phận phải nói một cách khiêm nhường nhưng xác tín rằng: “Tôi là một ALTER CHRISTUS”.  

Cha sẽ nói với tất cả hiên ngang, với lòng cảm tạ tri ân nhưng cũng với cái nhìn quyết liệt của Chúa Kitô khi hướng tới ngày mai; không phải hướng đến cái phù du của những tiếng hoan hô khi bước vào Giêrusalem (như trong ngày lễ phong chức) mà đến con đường thập giá, nơi mà chính những bạn hữu thân thiết nhất của mình đều bỏ rơi, nơi mà người Mẹ của mình (giờ đây được kết tinh thành Giáo Hội) chỉ bất lực đứng nhìn người con quằn quại chết trên thập tự, vì mang cái tội quá lớn ấy là yêu thương vô vị lợi trong một thế giới mà mọi người chỉ nghĩ đến quyền lợi. Vâng, từ nhiều năm qua cha đã tập sự đến với người nghèo hèn, nghèo hèn trong vật chất và nghèo hèn trong niềm tin, để công bố ‘một năm hồng ân của Chúa’, một năm hồng ân mà nhiều người khó lòng chấp nhận; đó là chưa kể đến những khó khăn chủ quan và khách quan khiến lời công bố ấy bị kìm kẹp, méo mó, chói tai.  

Mai này là linh mục, cha còn phải lắng nghe bao nhiêu lở loét trong tâm hồn con người đổ lên cha trong tòa cáo giải, để rồi như Chúa Kitô, cha phải câm lặng mang lấy thương tích của dân Chúa trong mọi ngõ ngách của tâm tư mình. Mai này, với tư cách một Alter Christus, cha sẽ cầm lấy tấm bánh và chén rượu mà phán: ‘Này là Mình Ta, anh em hãy cầm lấy mà ăn... Này là Máu Ta, anh em hãy cầm lấy mà uống...’, để rồi cha sẽ bị mọi người - tín hữu cũng như không tín hữu - nghiền nát cha ra hoặc để biến cha thành sự sống, hoặc để phỉ nhổ cha như một ‘thằng khờ’. Chính vì thế mà đối với ngày trọng đại này, cha không gọi đó là ngày lãnh ‘chức’ thánh hay ‘chức’ linh mục mà chỉ là ngày nhận ‘tác vụ’ linh mục, một nhiệm vụ tác sinh, một nhiệm vụ tác tạo, tác tạo người khác và tác tạo bản thân mình trong Thần Khí Chúa Kitô. Cha là một nhà thơ, và bài thơ cao vút nhất hẳn là bài thơ làm bằng trọn cuộc đời mình: một bài thơ hồng, vì nó được kết tinh bằng màu trắng của tinh thần tận hiến trộn lẫn với màu đỏ của dòng máu hy sinh.

Nhưng trong mọi tình huống ấy, cha sẽ dâng lời cảm tạ, như tâm tình của cha Trung, khi chọn phương ngôn là Thánh Vịnh 22 (23), câu 6: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên”. Dĩ nhiên cha phấn khởi không chỉ vì: ‘Chúa dọn sẵn cho tôi bữa tiệc ngay trước mặt quân thù... ly rượu tôi đầy tràn chan chứa’ (Tv 22, 5) hiểu theo nghĩa là tiệc và rượu ân sủng, nhưng phấn khởi vì chức thánh này cho thấy rằng Chúa Kitô, đấng mục tử quan phòng, đã chăn dắt cha và cha chẳng thiếu thốn chi. (Tv 22, 1). Con không muốn nói rằng cha đón nhận ‘chức thánh’ như một ‘phần thưởng’ cho bao năm kiên trì của mình. Chức thánh đến với cha không phải là ‘phần thưởng’ vì chưa bao giờ cha nghĩ đến phần thưởng trong cuộc sống tận hiến của mình. Chức thánh đến với cha không phải để củng cố niềm tin vào sự quan phòng của Chúa, vì cha vẫn tin tưởng, tin tưởng một cách ngoan cố, tin tưởng ngay khi cha ngỡ rằng mình nghi ngờ. Chức thánh đến với cha như một bằng chứng tình yêu đáp lại tình yêu; nhưng đồng thời như một ‘bài sai’ lên đường, một con đường thật xán lạn nhưng cũng thật bi đát, vì kể từ nay cha vừa là kẻ được Chúa Kitô chăn dắt, vừa là kẻ chăn dắt cùng với Chúa Kitô.  

Dần dần cha hiểu rằng khi Chúa chăn dắt cha để cha ‘không thiếu thốn chi’ thì chính Người lại thiếu thốn mọi sự: thiếu thốn sự thông cảm ngay từ cha mẹ họ hàng mình, thiếu thốn sức mạnh tinh thần đến độ phải thiết tha nguyện cầu: xin cất khỏi con chén đắng này; thậm chí thiếu cả sự nâng đỡ của ân sủng Thiên Chúa: Lạy Cha sao Cha nỡ bỏ con! Và ngày nào cha không thấy mình thiếu thốn thì ngày ấy những ‘con chiên’ mà cha chăn dắt sẽ chưa thể nói được như cha “trên đồng cỏ xanh tươi, Người dẫn tôi đi” mà trái lại họ có thể nói rằng ‘vị linh mục này chẳng dẫn tôi đi đâu cả’ hoặc ‘cha dẫn tôi đến những đồng cỏ khô cằn’. Vâng, tương lai cha xán lạn, vì sẽ bước đi trên con đường của Chúa Kitô, và không có vinh dự nào lớn hơn vinh dự đó, nhưng đồng thời trên con đường thập giá ấy, cha cũng sẽ cô đơn biết chừng nào. Và chỉ cần một ngày cha quên đi một vế (vinh dự và cô đơn), thì Chúa Kitô sẽ thét lên ‘Ta khát’ thêm một ngày.  

Dĩ nhiên, mọi sự sẽ luôn xảy ra trong hạnh phúc, hiểu theo nghĩa là trong tình trạng của một người đang yêu và được yêu. Và đó cũng là điều mà cha Tuấn xác tín qua châm ngôn trích từ Phúc Âm Thánh Gioan, 21,16: “Simôn, con Gioana, con có yêu mến thầy không? - Thưa thầy có, Thầy biết rằng con yêu mến Thầy - Hãy chăn dắt chiên Thầy. 

Con còn nhớ đoạn Tin Mừng này trong ngày lễ thụ phong linh mục tại Giáo Hoàng Học Viện Đa-lạt, năm 1974. Vị tân linh mục đọc Phúc Âm hôm đó là cha Pháp. Khi đọc đến câu ‘con có yêu mến Thầy không?’ lần thứ ba, thì cha Pháp khóc ồ trên cung thánh và cả nhà thờ cùng khóc với cha. Hôm ấy con cũng khóc, và sau này suy niệm lại đoạn ấy vẫn thấy rằng mình có lý do để khóc. Chúa Giêsu gọi Phêrô là “Simon, con Gioana” chứ không phải bằng cái tên ‘Đá’ mà Người đặt cho ông để trên đó Người xây dựng Giáo Hội của Người (Mt 16,18). Phêrô đã chối Chúa ba ngày trước đó, và chối đến ba lần. Thế mà Chúa Kitô đã chọn chính cái anh Simôn yếu hèn đó để ‘chăn dắt chiên Người’. Ba lần ông chối Người, ba lần Người cho ông cơ hội để nhắc lại tiếng nói yêu thương, để  tuyên xưng tình yêu của mình. Không một lời rầy la, không một lời trách móc, không một lời buộc tội: Chỉ là cơ hội để xác định lại mối quan hệ tình yêu. Và trước khi bước lên nhận sứ mạng ‘chăn dắt chiên Thầy’, hẳn cha cũng đối diện với lòng mình để thấy rằng những năm tháng vừa qua, chưa bao giờ Chúa Kitô trách móc cha, mà Người chỉ lập đi lập lại câu hỏi đó, để được nghe cha thỏ thẻ ‘lời tỏ tình’ với Người: “Amo te! Je t’aime! I love you!”  

Và hôm nay hơn bao giờ hết ‘lời tỏ tình’ ấy trở nên cụ thể, nhưng đồng thời cũng trở nên một đòi hỏi gắt gao. Xét cho cùng, khi chọn cha làm linh mục chăn dắt đàn chiên Người, Chúa Kitô không đòi hỏi cha một điều kiện nào cả, không xét xem cha có tài năng để tổ chức cộng đoàn hay không, có kiến thức thần học để lý giải Chúa hay không, có tài hùng biện để động viên đàn chiên hay không, thậm chí có đạo đức để nêu gương cho mọi người hay không. Người chỉ đòi hỏi có một điều duy nhất, đó là tình yêu đối với Người: ‘Con có yêu mến Thầy không?’ Người đòi hỏi 1 lần, Người đòi hỏi 2 lần, Người đòi hỏi 3 lần. Cố nhiên, cha sẽ trả lời rằng cha yêu Thầy. Và chắc chắn cha thành thật, ít ra là ‘Thầy biết rằng con yêu mến Thầy’. Thế gian có thể không biết, nhưng Chúa biết ai yêu mến Người.  

Viết cho cha hôm nay, con muốn cùng cha suy nghĩ đến hai chữ ‘tình yêu’ mà thế giới này đã biến thành hàm hồ. Cha và con không còn ở lứa tuổi mười tám đôi mươi để có một ảo tưởng về tình yêu. Tình yêu đối với lứa tuổi chúng ta không phải là một trái chín ngọt bùi. Tình yêu là một đòi hỏi gắt gao. Nhưng Chúa Giêsu đã là một tình yêu như thế. Ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào cộng đoàn Vinh Sơn, cha đã biết rằng Chúa Kitô đã phải trả một giá rất đắt. cái chết nhục nhã của Người trên thập giá không làm cha nản lòng: đó chỉ là sự thể hiện tột đỉnh của tình yêu. Và giờ đây, khi cha chọn trả lời: Lạy Thầy, Thầy biết rằng con yêu mến Thầy, để rồi nhận tác vụ: Hãy chăn dắt chiên Thầy, cha cũng biết rằng mình sẽ phải trả một giá rất đắt. Và rồi cha sẽ phải tiếp tục nghe - không phải chỉ trong ngày thụ phong mà thôi, nhưng trong suốt cuộc đời mình - câu hỏi nóng bỏng của Chúa Kitô: “Phêrô Tuấn... Phêrô Minh... Giuse Trung... con còn yêu mến Thầy không?”

Thưa cha, 

Viết cho cha một lá thư chúc mừng ngày ‘tình yêu và hạnh phúc’ trong hôn lễ với trời cao, thế mà không nói lên lời ‘Magnificat’ thì quả là kỳ lạ phải không? Trái lại còn kết thúc bằng một câu hỏi của chính Chúa Kitô nữa chứ! Sở dĩ như vậy là vì trên cuộc đời này, mọi thứ đều hao mòn, đều cũ đi, đều lão hóa, và không có gì cũ đi hay lão hóa nhanh cho bằng tình yêu và hạnh phúc... Rồi cha có thể sẽ quen dần với việc mình đương nhiên là ‘cha’ người ta. Rồi cha sẽ quen dần với việc bẻ bánh đến độ có thể để cho Chúa đơn thân bị nghiền nát còn bản thân mình thì không hề hấn mảy may.  

Ngay hôm nay, con muốn ôn lại với cha rằng khi cha được cất nhắc lên chức linh mục là cha được đòi buộc phải trở nên một người cha, một người cha cao trọng hơn một người cha thể lý, một người cha có bổn phận chăm sóc cho sự cứu rỗi và cho sự trọn lành hơn mọi người cha ở trần gian, và điều ấy đòi hỏi cha phải thức tỉnh đến độ nào. Rồi khi cha đón nhận thừa tác vụ, hẳn cha cũng thấy là nhiệm vụ ấy đòi hỏi cha phải khiêm nhường đến thế nào, tại vì cha biết rõ hơn ai hết rằng cha rất thiếu khả năng về nhiều mặt. Hẳn cha cũng tâm niệm rằng khi cha ra một mệnh lệnh nào cho đàn chiên, thì chính là tinh thần vâng phục của Con Thiên Chúa trong người linh mục đòi hỏi cha hành động như thế, chứ không phải bản thân cha, cha có quyền ra lệnh cho bất cứ một ai...  

Thưa cha, viết cho cha hôm nay như một lời chúc mừng, đồng thời nói lên những điều cha quá biết rồi. Tuy nhiên, con muốn viết giấy trắng mực đen những điều suy nghĩ theo các phương ngôn của cha, để rối 10 năm nữa, 20 năm nữa, khi đọc lại, cha thấy rằng mình vẫn nóng sốt như buổi ban đầu. Được như vậy, sau một đời lăn xả vì tác vụ, cha không phải đau lòng nghe Chúa phán: “Con có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Thầy mà không mệt mỏi. Nhưng Thầy trách con điều này: con đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” (Kh 2, 3), mà trái lại, cha được nghe: “Con đã đi theo con đường Thầy đã mở, để trở thành Thượng tế đời đời theo phẩm trật Menkisêđê... (không phải) mỗi ngày dâng lễ tế hy sinh đền tội, (mà) dâng chính mình làm của lễ suốt đời con”. (Dt 6, 20; 7, 27) để rồi cha sẽ tiếp tục hát: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi...” cho đến thiên thu vạn đại. 

Cuối cùng, vì là con của Thánh Vinh Sơn, con cũng xin ghi lại hình ảnh một vị tiền bối từng sống trọn vẹn ba châm ngôn ấy. Con muốn nói đến Cha René Dulucq. Từ ngày còn là một thanh niên ‘được Thần Khí Chúa xức dầu tấn phong’, cha đã lên đường ‘rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn’ ở Trung Hoa... Năm 1951, khi các linh mục nước ngoài buộc phải rời đất nước ấy, cha sang Việt Nam để nuôi dạy những trẻ mồ côi, trong số đó có bản thân con đây. Cha chăm sóc ơn gọi nơi con cái mình, để rồi khi cha Alexis Hậu trở thành linh mục từ Pháp trở về năm 1968, cha đã trao Pavillon Saint Vincent, xuống M’long chia sẻ đời sống với những người nghèo hèn khác, những nguời dân tộc mà chưa ai đến nói với họ về Chúa Kitô. Cha cũng nghèo như họ. Cha là một nhạc sĩ tài năng nhưng rất chậm về ngôn ngữ. Cha không bao giờ nói được tiếng K’ho, cha không biết ngôn ngữ của anh chị em mình. Cha chỉ có một ngôn ngữ duy nhất, ngôn ngữ của tình yêu, cha yêu thương anh em dân tộc nghèo hèn như cha yêu thương Chúa Kitô: “Simôn, con có yêu mến Thầy không?” Rồi 1975 đến, đất nước Việt Nam không chấp nhận cha nữa, cha trở về Pháp sống như một người lưu đày trên quê hương mình, tại Château l’Êvêque, để canh giữ ngôi nhà nguyện miền quê, nơi mà thánh Vinh Sơn từng được thụ phong. Cha vẫn mang con tim yêu thương trong vắt để không bao giờ ghi lại một vết đen nào từ những con người từng làm cha khốn khổ.  

Đây là một ví dụ rất nhỏ: Ngày con qua Pháp hai năm trước khi cha qua đời, con điện thoại để xin đến thăm. Cha hỏi con là ai? Con bảo: “Con là Xavier, thằng bé làm cho cha cực lòng nhất trong số các con cha trong thập niên 50 đấy”. Cha quên mất. Hôm sau cha gọi lại: “Cha nhớ Xavier rồi! Con có phải là cậu bé thi môn La-tinh ở Concours Général không?” (kỳ thi học sinh giỏi cho toàn nước Pháp và các thuộc địa Pháp). Con nghẹn họng. Con đã làm khổ cha không biết mấy trăm lần, nhưng cha hoàn toàn quên mất, cha chỉ còn nhớ có một điều tốt mà thôi. Cái concours général đó con quên mất đâu rồi, vì mình chẳng được giải nào cả, còn cha thì 40 năm sau cha vẫn còn nhớ. Với một trái tim yêu thương như vậy, cha sẵn sàng đón con đến thăm cha ở Périgueux, nhưng bảo con phải chờ vài hôm, đợi cha sở đi vắng, cha sẽ mượn phòng cho mà ở, vì hiện tại cha chỉ có một cái xó tí tẹo để sống những ngày còn lại của mình. Vâng, trọn cuộc đời phục vụ để rồi cuối đời cha vẫn không có được một căn phòng tươm tất. Khi gặp lại cha, nụ cười cha vẫn hồn nhiên như ngày nào: quả thật, con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng suốt đời cha, cha không có một chỗ gối đầu... Thế mà nụ cười hồn nhiên của cha vẫn toát lên điều mà cha Trung tâm niệm cho ngày thụ phong: Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên... 

Con kể lại cuộc đời cha Dulucq như điển hình cho bao nhiêu tiền bối dòng Lazariste từng sống và chết một cách âm thầm, nhưng xứng đáng để cho con cháu noi theo; và con cũng mong cha nối gót các ngài mà sống cuộc đời linh mục của mình. 

Sống như thế thì đồng thời cha cũng trở nên một người con xứng đáng với thánh Vinh Sơn, vì ngài từng căn dặn: “Các con nhớ rằng các con là tôi tớ của người nghèo, và không có người tôi tớ nào giàu hơn chủ của mình cả!”

Để rồi mai này, khi ‘loan báo tin mừng cho người nghèo hèn’, khi tai cha liên lỉ nghe câu hỏi: ‘Phêrô, con có yêu mến Thầy không?’, thì cha sẽ thực hiện lời dạy của thánh Vinh Sơn: “Khi con cho người nghèo một cái gì, con hãy gói lại bằng rất nhiều tình yêu, để họ tha thứ cho con; vì hành động ban cho là hành động xúc phạm đến nhân phẩm của người nghèo.”

Và bây giờ, xin hân hoan chào đón cha, cùng với 4 anh em Vinh Sơn của mình, trong tác vụ mới nhân danh Chúa Kitô:  

Hosanna! Benedictus qui venit in nomine Domini. Hosanna! 

TRẦN DUY NHIÊN

Tác giả: Gs. Trần Duy Nhiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!