Hiến chế Giáo Hội - Lumen Gentium - của Công Đồng Vatican II đã xác định rằng người giáo dân - từng được xem là đàn chiên theo sau giáo sĩ để về Nước Trời - là người chia sẻ chức vị ‘ngôn sứ, tư tế, vương đế’ của Chúa Kitô theo cách riêng của mình, để cộng tác với hàng giáo sĩ mà xây dựng trời mới đất mới. Thật lâu trong lịch sử, giáo sĩ có thể xem là người ‘Phương Tây’, nghĩa là công dân Thành Thánh Giêrusalem, để rồi từ đó các ngài truyền những kiến thức và cách hành đạo cho giáo dân, nghĩa là người ‘Phương Đông’, kẻ ngoại, người ‘ở ngoài Giáo Hội phẩm trật’. Nếu hiểu ‘Phương Tây’ và ‘Phương Đông’ như thế, thì hành trình tìm kiếm Chúa của các đạo sĩ Phương Đông, mà Giáo Hội mừng trong ngày lễ Hiển Linh, cũng là biến cố để giáo dân suy nghĩ về con đường tìm kiếm Chúa của riêng mình. Một cách độc lập, một cách trưởng thành.
- Thử đọc lại Tin Mừng Thánh Matthêu:
Chúng ta thử thay ‘Phương Tây’ và ‘Phương Đông’ bằng ‘Giáo sĩ’ và ‘Giáo dân’ để đọc chương thứ 2 của Phúc Âm thánh Matthêu, về cuộc hành trình ba đạo sĩ tìm kiếm Chúa Giêsu. Cách đọc này giúp ta bước ra khỏi các lối mòn để rồi, như các đạo sĩ, nhìn thấy một con đường khám phá Thiên Chúa theo các thức của người giáo dân. Những điều ta đọc được, vì đi ngoài con đường kinh viện nên không thể nói là đúng với cách đọc truyền thống Giáo Hội, nhưng có thể giúp chúng ta có một cái nhìn chính xác hơn về ơn gọi giáo dân. Thánh Matthêu đã trình bày ngắn gọn biến cố đó dưới dạng một bi kịch ba màn, như cha Aloysius Pieris từng phát hiện: Tìm kiếm - Chán nản - Khám phá.
Màn 1: Tìm kiếm
'Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài ở Phương Đông và chúng tôi đến triều bái Ngài' (Mt 2, 2). Câu Phúc Âm này đặt nền tảng cho một nếp suy nghĩ mới. Và trên cái nền ấy chúng ta có thể đọc được ít nhất là 6 tư tưởng.
1. Một ngôi sao, nghĩa là một ánh sáng, đã xuất hiện ở Phương Đông. Trong chương trình cứu độ, Phương Đông đã trực tiếp nhìn thấy ánh sáng. Nói cách khác, Thiên Chúa cũng cho phép người giáo dân trực tiếp nhìn thấy ánh sáng.
2. Ánh sáng họ thấy là ánh sáng của Ngài.
Hơn thế nữa, biến cố Chúa đến được mặc khải cho Phương Đông, trước khi Giêsusalem được nghe nói đến. Chúa mặc khải cho giáo dân ánh sáng Ngài dành cho họ, trước khi giáo sĩ nhìn thấy cái ánh sáng mà Chúa soi rọi giáo dân.
3. Họ nhận biết, mà không thông qua lý luận, không thông qua kiến thức thần học, rằng ánh sáng đó chắc chắn là ánh sáng của Ngài.
4. Nhưng ánh sáng ấy không phải là một cái vốn để truyền cho người khác, nhưng là một lời thôi thúc để họ lên đường tìm kiếm. Họ đã bỏ lại tất cả, những định kiến, những khuôn phép, những luật lệ, những kinh nghiệm ngàn đời, để đi tìm nguồn xuất phát. Ánh sáng đó không để họ ngồi yên.
5. Thế là họ đã dấn thân vào một cuộc hành trình dài qua sa mạc và đường trường đơn độc. Người giáo dân không biết đến con đường tắt; đường họ đi là con đường gian khổ và mỗi bước đi là một bước mở đường.
6. Ánh sáng ấy đưa họ về hướng Tây, đến Giêrusalem, đến với các tư tế hay giáo sĩ, là những người được học biết về Ngài, và nắm vững lề luật cũng như truyền thống đạo Chúa.
Màn 2: Chán nản
Màn kịch giờ đây đã đạt đến cao điểm đầy mỉa mai. Matthêu đối chiếu nét nghiêm túc của các hiền nhân phương đông với sự dửng dưng của các tư tế ở Giêrusalem.
Bối cảnh là một đêm đen, và các nhà hành hương mò mẫm đi tìm ánh sáng.
1. Cái ánh sáng mà người Phương Đông nhìn thấy thì, ở Thành Phố trên đồi, không ai nhìn thấy cả (2,9). Giêrusalem có Sách Thánh và Truyền Thống của cha ông, nhưng không hề biết đến biến cố Đức Kitô xuất hiện.
2. Chính Giêrusalem đã được nghe 'tin mừng' từ miệng người Phương Đông (2,2-3). Chính qua người Phương Đông mà Thiên Chúa mặc khải cho dân ưu tuyển của Người rằng Người hiện diện trong Đức Kitô. Chính vì người Phương Đông lên đường tìm kiếm mà các tư tế tại Giêrusalem buộc phải đọc lại Kinh Thánh để thử tìm một ánh sáng mới.
3. Người Phương Đông không biết gì về thần học, không tìm kiếm Ngài bằng cách đặt các câu hỏi: "Ngài là Ai" hoặc "Ngài làm gì", nghĩa là mong thỏa mãn kiến thức thần học; nhưng họ hỏi: "Ngài ở đâu?" (2, 2a). Hỏi như thế thì cũng như là nói: "Xin cho chúng tôi tiếp xúc với Đức Kitô, chứ không phải tiếp xúc với Kitô học" vì mục đích chúng tôi là 'đến triều bái Ngài' (2,2b). Họ khao khát được cảm nghiệm Chúa Kitô chứ không phải nghe người ta giải thích về Ngài.
4. Hêrôđê - một người không hề e ngại khi giết những trẻ em vô tội để bảo vệ ngai vàng của mình - và toàn thể Giêrusalem đều kinh hoàng trước tin mừng đó (2, 3). Khi cuộc tìm kiếm của Phương Đông nhằm khám phá cội nguồn của sự sống đã chín mùi và vang đến tận cửa của Phương Tây, thì 'tin mừng' ấy không có vẻ gì đáng mừng đối với các cơ cấu, các tổ chức đã xơ cứng. Phải làm đủ mọi cách để triệt tiêu cái mầm giải phóng (nhìn từ Phương Đông) hay cái mầm phản loạn đó (nhìn từ Phương Tây) (x. 2,16).
5. Người Phương Đông lên đường không phải là để tìm Lời Chúa đã được ghi trong Kinh Thánh, cũng không phải đi tìm Tư Tế của Chúa ở Giêrusalem cung cấp cho họ hiểu nhiều hơn về Chúa, nhưng họ đã đến học hỏi nơi cả hai để biết rõ hơn con đường tìm kiếm Chúa.
Lời Chúa và Tư Tế giúp họ như những 'ngón tay' chỉ đường, những 'dấu chỉ bí tích' hầu họ có thể đi xa hơn. Trong thực tế, các đạo sĩ đã không bám vào 'thành thánh và tư tế' nhưng đã vượt qua để tiến về Bêlem!
6. Cảnh cuối cùng: Người Phương Đông đã đến Giêrusalem, nhưng rồi phải tiếp tục ra đi một mình! Các Tư Tế ở Giêrusalem không thực hiện hành trình của người Phương Đông để tìm kiếm Đức Kitô (2, 10-11).
Màn 3: Khám phá
Hành trình gian khổ của những người Phương Đông nhằm tìm gặp Đấng Giải Phóng đã kết thúc nơi túp lều của một gia đình lao động nghèo. Họ khám phá ra rằng ánh sáng chiếu rọi đến Phương Đông xuất phát từ một gian nhà đơn sơ tồi tàn vừa được dựng vội lên. Họ gặp đức Kitô ngồi trên gối của một phụ nữ quê mùa, vợ của một người làm thợ. Cuộc tìm kiếm đã chấm dứt (2, 10-11). Các hiền nhân Phương Đông sấp mình khiêm tốn trước bé trai của một người dân làng. Hành động tôn thờ này là tuyệt đỉnh của phụng vụ. Họ thờ lạy Đấng Cứu Tinh, điều mà họ không hề làm trước mặt ông vua Hêrôđê hay các tư tế ở Giêrusalem. Họ bỏ lại những của cải mang theo nơi ngưỡng cửa căn nhà rách nát ấy.
Họ trở về với người Phương Đông, mang Tin Mừng về quê nhà mình. Đấng Quan Phòng đã hướng dẫn họ bằng đường lối của Người để họ gặp Đấng Cứu Tinh, giờ đây, chính Đấng ấy bảo họ khỏi cần ghé lại Giêrusalem, để báo cáo với những người từng chỉ đường cho mình.
Các vị lãnh đạo tại Giêrusalem đã không đi với người Phương Đông để đi tìm kiếm Thiên Chúa mà Đức Kitô mặc khải cho riêng họ, vì thế người Phương Đông không thể chờ đợi các vị ở Giêrusalem trình bày về một Đức Kitô mà họ đã nhìn thấy tận mắt. Chính họ phải quay về quê hương mà trình bày với môi miệng ngôn sứ của mình.
- Một vài suy tư:
Cách đọc Phúc Âm như thế giúp giáo dân chúng ta vài hướng suy nghĩ.
1. Người giáo dân không thể trông mong giáo sĩ tìm ra thay cho mình con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Các ngài được Chúa chọn để tra khảo Kinh Thánh và chỉ đường cho chúng ta. Các ngài không thể thay chúng ta mà đi trên con đường Chúa dành riêng cho giáo dân.
Vì thế, việc tham khảo Lời Chúa và các giáo sĩ thì không thể thiếu được trên con đường giáo dân đi đến Bêlem; nhưng bởi lẽ không một giáo sĩ nào là Ngôi Lời Nhập Thể, nên giáo dân không có quyền dừng chân lại trong khuôn viên nhà thờ để chỉ nghe giảng dạy về Thiên Chúa. Họ phải rời nhà thờ, mà tiếp tục đi vào xã hội, một xã hội với bóng đêm nhiều hơn ánh sáng.
2. Có những giáo sĩ không hề đồng hành với người giáo dân trong công cuộc tìm kiếm Chúa, và chỉ ngồi yên tại Thành Thánh mà chỉ đường; đồng thời không tin rằng con đường của giáo dân sẽ đưa đến một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Một trong những lý do, ấy là đã quá lâu rồi, các giáo sĩ có sẵn con đường của mình, ‘linh đạo’ của mình, đó là ‘khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục’, nên không tin rằng người giáo dân có thể theo một con đường khác, một linh đạo khác, mà vẫn có thể gặp được Thiên Chúa.
Tuy nhiên, từ Vatican II đến nay, không thiếu gì giáo sĩ khuyến khích giáo dân đi theo con đường của riêng mình mà tìm kiếm Thiên Chúa, rồi thực thi chức vụ ‘ngôn sứ, tư tế, vương đế’ theo cách thức của mình, chứ không phải rập khuôn theo cách thức của giáo sĩ, ở một mức độ thấp hơn. Con đường giáo dân phải là một con đường khác với con đường giáo sĩ, và là một con đường trong đêm đen, chứ không sáng sủa gì.
3. Riêng đối với những ‘người Phương Tây’ chờ đợi mình quay lại kể câu chuyện về vị Thiên Chúa mà mình đã gặp theo con đường mình đi, để rồi tìm cách ‘giết’ Đấng ấy trong lòng mình, vì nhiều lý do rất trần thế, thì ‘người Phương Đông’ không buộc phải trở lại với họ, nhưng có bổn phận về kể lại cho người đồng hương hành trình và cuộc gặp gỡ của mình.
Cũng vì nhiều trở ngại trên đường đi, mà một trong số đó là sự thiếu đồng cảm của một vài giáo sĩ, nên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thổ lộ với giáo dân ngày 26-11-2000: “Giờ giáo dân đã điểm. Làm một Kitô hữu, chưa bao giờ là một việc dễ dàng, ngày xưa cũng vậy mà ngày nay cũng vậy. Muốn theo Chúa Kitô cần phải can đảm chọn lựa dứt khoát, thường là phải lội ngược dòng!”
Chỉ khi nào người giáo dân ‘Phương Đông’ chấp nhận ‘lội ngược dòng’, chấp nhận đi theo ánh sao như các đạo sĩ xưa kia, mà không chờ đợi các giáo sĩ ‘Phương Tây’ đồng hành với mình (một điều không thể được, vì giáo sĩ phải đi theo con đường - linh đạo - của các ngài), lúc bấy giờ người giáo dân mới gặp gỡ được Đấng mà các Thiên Thần loan báo: “Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2, 10-11). Mà Đấng ấy, đích thực là Đấng mà giáo sĩ ‘Phương Tây’ rao giảng, chờ mong và tìm gặp theo linh đạo của các ngài.
Chỉ khi nào giáo dân bước ra khỏi lối mòn của thói quen và của nếp suy nghĩ rập khuôn, bấy giờ ngày lễ Hiển Linh mà Giáo hội cử hành hàng năm mới thực sự trở thành ngày hiển linh cho mỗi một giáo dân.