Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Duy Nhiên
Bài Viết Của
Gs. Trần Duy Nhiên
Nguyễn Viết Chung và Tiếng Gọi của Chân Thiện Mỹ
CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI QUẢNG NAM NĂM 1623 VÀ VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ - BỨC THƯ CỦA FRANCISCO DE PINA
BẢNG CHỮ CÁI
Slideshow => Vài suy tư nhân dịp Năm Mới 2009
Năm mới nói chuyện cũ: Tòa Thánh cổ võ cho một ngày lễ có mục đích thương mại?
Hiển Linh đối với giáo dân.
KHAI BÚT ĐẦU NĂM
CHÂN PHƯỚC ROSALIE RENDU, MỘT NỮ TỬ BÁC ÁI.
THƯ CHÚC MỪNG NGÀY NHẬN LÃNH TÁC VỤ LINH MỤC.
Nữ Tử Bác Ái: Chứng từ của sự im lặng Giáng Sinh.
Nữ Tử Bác Ái: Diễn tiến liên quan đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu
FATIMA VÀ NHỮNG LỜI CẢNH BÁO RÙNG RỢN.
LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG
CÔNG BÌNH XÃ HỘI THEO QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO.
Hai gương mặt mục tử.
CÔNG BÌNH XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM
CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI.
MẸ VIỆT NAM ÔI, CÁM ƠN MẸ!
ĐỪNG SẬP BẪY SATAN!
LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

Em,

Hôm nay tôi đi vào hồi ức của em về những ngày khó khăn ở Đàlạt cách đây gần 30 năm. Em viết: “…sau cái ngày lịch sử ấy, người ta cho ba của em đi học miễn phí ròng rã hơn 7 năm trời.. nhưng rồi không biết vì sao ông ‘bỏ học’ mà đến bây giờ mẹ em và anh em tụi em cũng không biết ông ở đâu” Thế là mẹ em, với hai bàn tay trắng, phải một mình nuôi nấng 4 đứa con đang lớn lên như thổi. Cũng vì vậy mà “suốt 3 năm ròng rã, gần như Chủ Nhật tuần nào em cũng được ‘dạo chơi’ ở núi Bà. Buổi sáng sớm, em và đám bạn trong xóm rủ nhau đi. Sau khi ‘dạo’ một vòng xem thử cây nào ‘đẹp’ thì cắt khúc chừng 2 thước, đóng đinh 2 đầu rồi kéo về nhà. Em hiểu làm như vậy là có lỗi với dân Dalat mình lắm nhưng ... mỗi chuyến đi ‘chơi’ là bằng hai ngày bôn ba của mẹ nên em cũng nhắm mắt làm liều… Bao nhiêu năm qua rồi, giờ đây khi đọc những dòng này, xin thầy hiểu cho và xem như đây là lời xin lỗi của em.”

Đọc những lời nói thật như đùa của em mà nước mắt tôi cứ lưng tròng. Một thiếu niên mất cha mà đến giờ này vẫn chưa hiểu nguyên do. Một em mồ côi vì thương mẹ nên chặt một vài cây trên núi để sống qua ngày. Thế mà gần 30 năm sau em không nói lên một lời than trách, nhưng chỉ nói lên lời xin lỗi với người dân Dalat...

Sáng hôm nay, tôi xót xa đọc một mẫu tin nhỏ trên tờ Tuổi Trẻ:

“Ngày 8 tháng 10, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đưa ra đề án có tên “Bảo vệ và phát triển lâm nghiệp đến năm 2020” tại một hội nghị của tỉnh ủy. Theo đề án, Lâm Đồng sẽ khai thác theo phương thức chặt trắng 52.000 ha rừng thông tự nhiên, trong đó có 14.966 ha thành thục ( 60 – 70 năm tuổi )”.

Em có nghe không? Chặt trắng 52.000 ha rừng! Một cách thản nhiên! Và với danh nghĩa là ‘bảo vệ và phát triển lâm nghiệp”!!! Khi nghe em xin lỗi vì một vài cây thông nhỏ mình đã chặt năm xưa, tôi bỗng thấy thế hệ của chúng tôi cần phải xin lỗi các em rất nhiều... Không phải chỉ là chặt trắng 52.000 ha trong số rừng ít ỏi còn lại của Dalat, mà đã chặt trắng bao nhiêu giá trị trong tâm hồn của các em trong suốt bao nhiêu năm ròng.

Chúng tôi đã làm được gì cho thế hệ các em? Bạn bè chúng tôi, lứa tuổi cha chú của các em, ở hai miền Nam Bắc, đã ngã xuống mấy triệu người... có nơi nói là hai triệu, có nơi nói là ba... Con số sai biệt một triệu mạng người Việt Nam sao không ai tổng kết? Trên thương trường, khi tính toán hàng triệu đô la, chỉ cần sai biệt 100 là ai cũng thấy ngay, nhưng sao sai biệt một triệu mạng người anh em Việt Nam thì chúng tôi lại coi nhẹ đến thế?.. Chúng tôi, những người đang còn sống đây, chúng tôi đã làm được gì cho các em? Và cho những em thiếu niên dưới 20 tuổi ngày hôm nay? Chúng tôi mau quên quá, chúng tôi quên rằng chính nhân danh thế hệ tương lai, nghĩa là các em, mà người Việt phải bắn vào người Việt trong mấy chục năm trời, và hằng triệu người đã nằm xuống từ Bắc chí Nam... Chúng tôi chỉ nhớ tới vinh quang, chúng tôi chỉ nhớ tới hận thù, để rồi dựa trên đó mà trở thành ích kỷ, gian manh, trục lợi, hưởng thụ, ươn hèn và vô tâm.

Tôi còn nhớ những năm đầu tiên cầm lại viên phấn ở mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi đã học tập rất kỹ để quán triệt rằng mình phải là kỹ sư tâm hồn hầu đào tạo ra ‘con người mới xã hội chủ nghĩa’. Chúng tôi thảo luận với nhau: chính bản thân chúng tôi không phải là con người xã hội chủ nghĩa thì làm sao đào tạo ra được con người mới xã hội chủ nghĩa? Thế nhưng các đảng viên, với những lý luận mà đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được, đã cho thấy rằng dù không phải là người mới xã hội chủ nghĩa chúng tôi vẫn có khả năng đào tạo các em thành con người xã hội chủ nghĩa.

Giờ này nhìn lại, tôi tự hỏi vì sao trong 12 năm trời, tôi lại có thể ngoan ngoãn đến thế? Có lẽ bấy giờ tôi là một giáo viên lưu dung, nên răm rắp nghe theo lời giáo huấn mà không cần ai thuyết phục! Vào thời điểm đó, tôi sợ hãi lắm, tôi hèn hạ lắm! Chỉ cần sai một câu so với sách giáo khoa, thì cũng có thể bị xem là ‘thiếu quán triệt’, thậm chí là ‘phản động’. Vì sợ hãi, nên tôi ca ngợi những điều mà người ta kể mình nghe, và nói lại cho các em như là xác tín của chính mình. Nhưng đằng sau những lời đầy nhiệt tình của tôi, là sự ươn hèn và dối trá.

Tôi dạy cho các em: ‘mình vì mọi người’, mà mỗi tháng rình rập để nhận tiêu chuẩn 300g thịt nhiều nạc hơn người khác, cũng như đối xử bần tiện với đồng nghiệp để giành giựt ba thước vải thô hay một vỏ xe đạp; tôi dạy cho em ‘phải căm ghét kẻ thù’ mà trong lòng thì chỉ muốn dạy yêu thương; và vì những lời dối trá đó, nên dù em không căm thù ai, thì em chỉ tin tưởng ở căm thù hơn là tin tưởng vào tình yêu giữa người và người.

Những lời tôi nói thuở ấy thì chắc chắn các em đã quên gần hết rồi, nhưng cái ươn hèn và đối trá thể hiện qua cách sống của tôi, giờ đây đã trở thành điều đương nhiên nơi các em. Thay vì đào tạo ‘con người mới xã hội chủ nghĩa’ như tôi rêu rao, giờ đây các em trở nên những con người thoải mái sống trong bầu không khí dối trá của một xã hội vô tâm, và uốn mình theo môi trường một cách ươn hèn để làm sao mình có lợi nhất…

Tôi đã góp phần tạo ra một thế hệ hoàn toàn vô cảm, vì những từ như ‘tổ quốc, tự do, trách nhiệm, lương tâm, tình người, vì dân, vì nước’… chỉ còn là những sáo ngữ rỗng tuếch. Và đau lòng nhất, ấy là các em không thấy đó là điều mất mát lớn nhất của một con người. Các em cho rằng sự thật và lòng dũng cảm không bao giờ có thật trên đời. Tôi và nhiều đồng nghiệp của mình đã lừa dối các em.

Thế hệ chúng tôi đọc những lời xin lỗi của em về một khúc cây rừng để đổi lấy chén cơm, chúng tôi biết lấy gì để xin lỗi thế hệ các em vì những tàn phá mà chúng tôi đã gây ra đối với vật chất và tinh thần của các em trong 30 năm qua?

Nhưng dù chúng tôi không biết xin lỗi và nhiều khi không buồn xin lỗi, thì tôi tin rằng các em đã tha thứ cho chúng tôi. Thế hệ đàn em luôn quảng đại đối với đàn anh, và sẽ tiếp tục tha thứ. Hy vọng với tấm lòng tha thứ của các em đối với chúng tôi, các em sẽ trở thành những người biết trồng lại những chồi non đầy hy vọng trên những cánh rừng Việt Nam và trong tâm khảm của thế hệ con cháu của các em.  

Tôi chắp tay nguyện cầu cho các em xóa bỏ những bài học dối trá của chúng tôi, để thế hệ ngày mai sẽ là một thế hệ không còn mất mát như các em, mà là một thế hệ biết giá trị của mình, một thế hệ sống hiên ngang, không chấp nhận dối trá và đối xử với nhau trong một bầu không khí của sự thật. Tôi nguyện cầu để đừng ai tiếp tục tưới vào những chồi non hôm nay chất độc của hận thù hầu mai này con em Việt Nam còn có được một rừng ‘người’, những con người sống với nhau đầy lòng trắc ẩn..

Cho tôi một lần bắt chước em để nói lên lời sám hối: Khi đọc những dòng này, xin em hiểu cho và xem như đây là lời xin lỗi muộn màng của tôi. 

Tác giả: Gs. Trần Duy Nhiên

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!