Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Hoàng Thị Đáo Tiệp
Bài Viết Của
Hoàng Thị Đáo Tiệp
LÀ GIẾT ĐỜI NHAU
CON NGOAN
MẤT NHÀ
Đường Lên THIÊN QUỐC
ĂN CHAY
VÀO THĂM NHỮNG GIAN MÁI ẤM
Yêu Chúa
Đi Xuống
Nợ Lòng
Sợ Chồng
Truyền Giáo
Ngôn Ngữ Của Bàn Tay
ĐỨC MẸ KHÔNG CÓ ĐEO NỮ TRANG
TĨNH TÂM TRONG CHÚA THÁNH THẦN
NGƯỜI ĐẠO ĐỨC
DÂNG NGÀY CHO CHÚA
ĐI LỄ
NẾU TÔI TRẺ LẠI
Khôn Khéo Với Khôn Ngoan
KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU
CẦU NGUYỆN
CÁM ƠN ... TICKET
Bác Ái Đường Xa – Bác Ái Đường Gần
KHÔNG CÓ NƠI GỐI ĐẦU

  

Câu chuyện được khởi đi từ hôm lễ Kính Thánh Cả Giuse "Cha Yêu" năm ngoái: 19-3-2007.

Sáng hôm đó tôi lo đi lễ sớm để còn kịp giờ ghé vô chợ Mỹ: mua chậu hoa tươi đem đặt dưới chân tượng của "Cha Yêu".

Tham dự Thánh Lễ xong, tôi ra tiệm làm cho tới trưa trưa thì tranh thủ chạy vô nhà thờ lần nữa: để "Cha Yêu" vui thấy mình... CÓ MẶT trong ngày lễ Kính Cha (bởi ngày thường Cha luôn CÓ MẶT trong mỗi phút giây của cuộc sống tôi. Do đó cứ ngày lễ Kính Thánh Giuse hằng năm là tôi luôn tự nguyện dành thời giờ không nhiều cũng ít để CÓ MẶT bên Cha. Cụ thể là chạy vô nhà thờ lẩn quẩn bên tượng của Cha. Nhất là tượng Cha ở nhà thờ Mỹ chỗ tôi – Saint John Vianney – Ít có năm nào vào ngày lễ Kính Cha mà tôi vô, được gặp ai lẩn quẩn ở đó! Hoa thì có năm ngoài chậu hoa tôi dâng kính, thấy có thêm chậu thứ hai, chớ tuyệt đối chưa bao giờ thấy có chậu thứ ba! Còn Thánh Lễ Kính Cha thì hầu như thưa thớt người tham dự, chẳng khác chi Thánh Lễ của các ngày thường...)

Thường thì mỗi năm vào với "Cha Yêu" trong ngày lễ Kính Cha, tôi luôn đem theo chiếc khăn lông trắng, mới nguyên, nhưng đã nhúng nước ấm và vắt ráo, với có tẩm chút dầu thơm... để sẽ lau khắp tượng Cha. Có những khi tôi lau thấy khăn bị bụi bám nhiều, nhưng cũng lắm khi lau thì khăn chỉ vương chút bụi. Lau xong, tôi kính cẩn đem chiếc khăn về giặt cho mình dùng, để coi những được "hơi hướm" Cha ấp ủ trong suốt cả năm. Rồi sang năm sau, tôi lại "tậu" chiếc khăn mới khác, cũng sẽ có "hơi hướm" của Cha...

Lễ Kính Thánh Cả Giuse năm 2007 khổ tâm thay lúc tôi vào bái quỳ trước tượng "Cha Yêu" mới hay mình không có đem theo chiếc khăn!!! Ôi tại sao mình quên thế?! Mà quên bẵng đi cách kỳ lạ vậy?! Vì tôi hoàn toàn không nhớ chi đến việc chuẩn bị sẵn sàng chiếc khăn mới, rồi nhúng nước ấm, vắt ráo, tẩm dầu thơm... như tôi vẫn thường chuẩn bị chu đáo trong mỗi dịp lễ Kính Cha trước đây! Tôi thẩn thờ đứng ngẩn ra như trời trồng có cả mấy phút mới buông mình xuống cái băng ghế: ngồi moi trí tìm xem tại sao mình bị quên bẵng cách kỳ lạ vậy?! Phải rồi tôi thấy ra: tại vì đây là quãng thời gian đầu óc tôi quá căng thẳng và mệt mỏi từ chuyện làm ăn đến chuyện con cái! Chuyện con cái thì cháu gái đầu lòng tôi đang có nguy cơ bị thất nghiệp mà phải chi cháu biết đặt lòng tin ở Chúa, biết chạy đến với Chúa hay sẵn sàng chấp nhận thay đổi công việc: không làm nghề nầy thì nghề khác. Thêm chị em cháu không thuận thảo, ngày tết, ngày giỗ tôi bày tiệc, cháu nầy tới thì cháu kia không...! Còn chuyện tiệm thì hết nạn nọ tới nạn kia! Chả là việc sửa tiệm mới được hoàn tất hồi cuối tháng 1-2007 thì sang đầu tháng 2-2007 bị kẻ gian đột nhập. Đang đêm họ đập vỡ cửa kính, vô lấy máy móc các thứ của tiệm và lấy luôn không chừa đồ nghề của bất cứ ai trong tiệm, nên tôi vừa lo an ủi các bạn làm, vừa phải làm việc với hãng bảo hiểm để xin được bồi thường. Chưa xin được thì xảy thêm chuyện cái vòi – để hễ bật lên tức là mở ra cho nước chảy vô máy làm chân – chẳng hiểu khách ra vào sơ ý đụng chạm thế nào mà bị hở lên khiến nước chảy ra, nhưng lúc tối về đóng cửa tiệm, tôi lại vô tình chẳng biết! Thôi thì nước chảy suốt đêm, đã làm lụt lội lênh láng ở trong tiệm mà còn lan sang các gian bên cạnh! Tôi lại phải lo làm việc nữa với hãng bảo hiểm... Được thấy ra thì tôi cũng hiểu luôn đời mình suốt bao năm qua có bao giờ an nhàn, yên ổn về chuyện tiệm tùng, chuyện con cái đâu? Nhưng, có một điều là trí óc tôi luôn tập trung được, để lo chu tất đâu đó các việc trong ngoài, chớ tuyệt đối chưa từng xảy ra quên sót đáng trách như thế nầy! Nhất là vào ngày Lễ Kính Thánh Cả "Cha Yêu': Người Cha linh thiêng mà gần gũi, tôi kính yêu Ngài với tất cả trí khôn mình...

Tôi nảy ra ý nghĩ thôi không nên bận tâm làm chi việc mình bị quên chiếc khăn để thêm mệt óc. Hãy thanh thản coi như đấy là Thánh Ý của "Cha Yêu" muốn mình phải quên nên mình được quên. Mình "được" chớ không phải "bị" mà lo buồn, tiếc lỡ, ân hận vì đã trót quên. Và hễ đã là Thánh Ý của "Cha Yêu" thì nhất định sẽ vô cùng bổ ích cho mình, mà mình chưa được rõ đấy thôi... Vỡ ra cái ý như vậy... thì ôi, tôi cũng sung sướng hiểu lập tức tại sao "Cha Yêu"  muốn mình được quên? Tại vì Cha muốn tôi học bài học khiêm nhường! Bởi lẽ cứ mỗi năm đến ngày lễ Kính Cha, tôi đem khăn vô lau tượng Cha thấy bụi dính là khó thoát khỏi buồn buồn: Sao ở nhà thờ nầy người ta đối với Cha ơ hờ chớ không như mình?! Thì nay Cha cho mình được quên để mình đố có còn dám xem là mình sốt sắng, nồng nhiệt hơn ai... Hiểu ra, tôi lao qua tượng Cha, ôm chân tượng nài nỉ:

- Cha ơi con xấu tánh xấu nết! Tạ ơn Cha đã chấn chỉnh con! Từ nay cho dù con có sai lỗi thế nào, hay đau bệnh yếu nhược đến đâu, xin Cha đừng để con bị quên đi ngày Lễ Kính Cha mà không CÓ MẶT bên Cha nhen! Bao giờ con còn đi làm thì ngày Lễ Kính Cha, con muốn dành ra vài giờ để CÓ MẶT bên Cha. Khi con về hưu thì ngày Lễ Kính Cha, con muốn mình phải CÓ MẶT bên Cha không suốt ngày cũng nửa buổi. Lúc con đau bệnh yếu nhược thì dù có nằm liệt giường, con vẫn khát khao tâm tình con được CÓ MẶT bên Cha trong ngày Lễ Kính Cha...

Và tôi đọc kinh cầu Thánh Cả "Cha Yêu" để xin Cha nhậm lời mình vừa thưa thốt (trước đây cứ muốn xin chi với Thánh Cả, tôi hay đọc "Kinh khấn Thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn" tức là Kinh "Lạy Thánh Giuse, xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu...". Từ lúc được đọc cuốn "Nhật ký lòng Thương Xót Chúa", thấy ở trang 396, đoạn 1203 Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska có viết: "Thánh Cả Giuse thúc giục tôi hãy trung kiên sùng kính Ngài. Chính Thánh Cả đã dạy tôi phải đọc ba Kinh (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh) và Kinh Hãy Nhớ mỗi ngày một lần..." nên muốn cầu xin chi với Thánh Cả, tôi cứ 4 Kinh: Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Hãy Nhớ mà đọc. Và đọc rồi suy để càng thấy phục "Cha Yêu" vì Cha vô cùng khiêm nhường và thật quả là yêu kính Đức Mẹ. Do đó tôi tin đọc 4 Kinh ấy Thánh Cả dạy thì trong những ơn phúc mình được, chắc chắn có ơn sống khiêm nhường với ơn Kính Yêu Đức Mẹ vốn sẵn ở Thánh Cả sẽ thông ban cho mình luôn.

Đọc kinh xong, lòng đầy tin tưởng và thấy hạnh phúc lắm nên tôi cứ "ngồi chơi" tha thẩn đấy: vui hưởng Cha. Tôi có đem theo nào Kinh Thánh, xâu chuỗi, sách báo, các bài viết, các câu chuyện vui cắt ở báo... để trong thinh lặng, lắng nghe tiếng Cha nói bảo trong tâm hồn mình nên làm gì cho Cha được vui. Tôi được giục lòng là hãy đi Đàng Thánh Giá nên tôi "để cái đống ấy" lại dưới chân tượng Cha, hân hoan đi Đàng Thánh Giá và kính mời Cha cùng đi với mình. Tôi tin chắc cha có cùng đi nên tôi thấy mình đi mà được vỡ thêm bao hiểu biết với xúc cảm khóc hoài (chớ không như những lần tự mình tôi đi). Vừa đi tôi vừa nài xin Chúa ban cho ngày càng có thêm nhiều người chạy đến với Thánh Cả và cho Lễ Kính Thánh Cả hằng năm đừng bị ai lãng quên hoặc lơ là. Đi xong, tôi được giục lòng lần chuỗi Mân Côi "năm Sự Vui" để kính Đức Mẹ, "năm Sự Sáng" để kính lòng thương xót Chúa nên tôi lại hân hoan lần chuỗi và mời "Cha Yêu" cùng lần chuỗi. Tất nhiên lần chuỗi tôi cũng vẫn tha thiết cầu xin cho càng ngày càng có nhiều người chạy đến với Thánh Cả và đừng ai lãng quên lễ Kính Ngài hằng năm...

Ôi! Hai tiếng đồng hồ trôi qua trong nháy mắt! Lúc quỳ bái "Cha Yêu" để sẽ về lại tiệm làm, tôi vụt nhớ việc mình đâu có đem theo chiếc khăn... nên lại ôm chân tượng Cha vòi vĩnh:

- Con bắt đền Cha đó! Tại Cha khiến con quên nên năm nay con đâu có chiếc khăn để có hơi hướm Cha đem về! Cha phải cho con một lời dạy nhen! Để từ hôm nay đến Lễ Kính Cha năm sau, con luôn được có lời Cha nhắc bảo và làm kim chỉ nam cho con sống hay, sống tốt, sống an vui. Chiều con nhen Cha!

Thế là tôi đọc 4 Kinh "Cha Yêu" đã dạy, rồi mở cuốn Kinh Thánh ra. Ngón tay tôi ấn đúng chỗ câu: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, con người không có nơi gối đầu" (Mt 8:20). Không tin ở mắt mình nên tôi xem lại lần nữa và đọc thành tiếng thì quả vậy! Xúc cảm ngập lòng! Nước mắt tôi ứa ra và tôi òa khóc như một đứa trẻ trong niềm hạnh phúc được "Cha Yêu" thấu hiểu lòng mình mới ban cho lời nhắc bảo chí lý vô cùng để thức tỉnh...

Chả vì thấy giá nhà đang xuống nên tôi đang nuôi ý định bán căn nhà mình hiện ở (đã cũ kỹ lại nhỏ, chỉ có 3 phòng ngủ) để mua căn nhà khác (mới mẽ, khang trang, có 4 phòng ngủ). Đầu đuôi của ý định nầy do tôi thấy cô con gái út đến hè 2007 thì tốt nghiệp đại học, mà tháng 12-2006 cháu về nhà nghỉ Lễ Giáng Sinh chỉ ở nhà đến vừa qua lễ là bay sang tiểu bang Texas thăm cậu bạn. Tôi khuyên con phận gái hãy để cậu bạn tới thăm mình hơn là mình đến thăm cậu ấy. Con bảo nhà cậu bạn có dư phòng nên rủ con tới, chớ nhà mình đâu có dư phòng mà con rủ bạn tới. Tha hồ cho con xin tôi hãy an tâm: con biết giữ gìn và cũng vì bố mẹ cậu thương con nên rủ mãi con mới tới. Nhưng, tấm lòng của người mẹ, tôi có nỗi thao thức mãnh liệt phải sớm đổi cái nhà cho được có thêm phòng... Thì đấy, "Cha Yêu" ban cho tôi lời dạy như thế đó. 

*****

Bây giờ xin được thỏ thẻ lại với quý bạn đọc: việc tôi hiểu và thực hành lời dạy đó như thế nào trong cuộc sống mình kể từ hôm Lễ Kính Thánh Cả 19-3-2007 đến nay.

Trước hết, ngay lúc đó tôi xúc động khóc được vì hiểu đây là lời dạy mà "Cha Yêu" vừa nhắc bảo mình: "Con ơi con có được mái nhà như vậy để ở là quý lắm rồi! Con hãy nhìn xem Chúa Cứu Thế mà con thờ lạy đấy! Chúa đâu có lấy mái nhà để ở!" Và cũng thức tỉnh mình nữa! Vì thú thật lúc còn ở bên Việt Nam "ham" đi Mỹ, tôi cứ chạy lên tượng "Cha Yêu" ở nhà thờ Fatima Bình Triệu nài xin khấn hứa mãi một điều: "Cha cho con đi Mỹ được thì qua đấy dù cuộc sống con chẳng có dư ăn thừa mặc, con vẫn nhín nhịn để an ủi kẻ khổ"... Thì giờ đây với lời dạy đó, tôi hiểu "Cha Yêu" đang muốn thức tỉnh mình: "Con ơi con tính chuyện đổi nhà lớn là con đâu có còn nhín nhịn nữa, để chăm chút cho việc an ủi kẻ khổ như con đã khấn hứa với Cha"... (Ôi đúng tới 101%! Vì chỉ mới có tính chớ đâu đã mua mà tôi xao nhảng việc an ủi rồi! Chung quy cũng do tôi chỉ có tạm đủ sống nên muốn chi cho việc nầy, thì phải giảm việc kia)...

Cho nên tôi vâng phục lời Cha dạy: Hủy đi ý định đổi nhà và chăm chút trở lại việc nhín nhịn để an ủi kẻ khổ, mà chăm chút có phần sốt sắng hơn nhiều. Nhờ vậy tôi có được cái nhìn thoát hơn, đúng đắn hơn vì kẻ khổ ở ngay trước mắt mình chớ chẳng đâu xa, đặc biệt là ở chính trong các người khách lui tới tiệm mình – tiệm tôi làm đẹp tóc tay cho khách. Ở Việt Nam ai bị đói ăn là khổ nhưng ở Mỹ người ta thèm được có thân hình thon thả nên sợ ăn no, thành ra được ăn đói là chuyện tốt, mà bị đói làm đẹp mới là chuyện khổ. Tôi có cô khách quen, bẳng đi một dạo không thấy tới tiệm. Một tối nọ thầy thợ ra về hết, tôi chuẩn bị đóng cửa tiệm thì cô tới: muốn cắt tóc nhổ lông mày làm bộ móng tay giả. Đã mệt mỏi thêm ngại làm xong quá muộn nên tôi từ chối. Cô ứa nước mắt, năn nỉ hãy giúp cô có được bàn tay, mái tóc, cặp lông mày nom lịch sự để sáng mai đi phỏng vấn, may ra được nhận cho làm thư ký. Lẽ ra cô đã đến sớm, nhưng người bạn cho mượn tiền thì không thể giúp được sớm hơn, vì cả cô với bạn đều bị thất nghiệp suốt mấy tháng nay. Tôi đã ở lại, làm giúp cho cô chớ không nhận thù lao như trước đây tôi vẫn thường nhận...

Cuối tháng 7-2007 xảy việc tôi đi bệnh viện mổ cái bướu cổ (bướu thường chớ không ác tính, mà muốn chờ con gái út học xong có việc làm mới mổ, nên tôi đã "đeo" nó suốt hơn ba mươi năm, nó đâm nhánh mọc rễ ra gần tới sau ót). Ca mổ khó, tôi bị mất máu nhiều, tỉnh dậy cứ phải thở dưỡng khí với chuyền nước biển và cái cổ thì đau đớn lắm! Cứ mỗi lần tôi muốn nằm xuống, cho dù có người giúp điều chỉnh phần đầu của cái giường áp sát vào lưng tôi và còn tấn thêm chiếc gối để chuẩn bị sẵn sàng tư thế êm ái cho tôi ngả lưng ra, mà lúc họ điều chỉnh giường hạ xuống tôi vẫn nghe cảm một nỗi đau đớn không tả hết! Cũng nhờ vậy, tôi mới hiểu khi mình có vết thương ở vùng cổ, thì việc có cái nơi gối đầu (tức có cái giường nằm, với có gối kê đầu) là vô cùng cần thiết: vì sẽ giảm được nhiều đau đớn hành hạ xác thân. Tôi liên tưởng đến việc Chúa Giêsu đã bị đánh đòn nhừ tử thịt da, còn phải vác Thánh Giá, và té lên té xuống trên nền đất gồ ghề lạnh lẽo... mà hiểu thêm một ý nghĩa nữa của lời "Cha Yêu" dạy. Vâng, "Con người không có nơi gối đầu" là ý Cha còn muốn nhắc bảo tôi rằng: "Con ơi hãy ngẫm xem Chúa Giêsu: Đấng Cứu Thế con thờ lạy đó! Đời Ngài đâu có lấy phút giây nào êm ái mà chỉ có toàn đau đớn". Nhờ hiểu được vậy, nên trong cuộc sống dẫu thấy mình có bị đau khổ đến thế nào, tôi cũng không lấy làm quan trọng. Tôi biết bỏ qua, không cố chấp, sẵn sàng tha thứ hơn với bất cứ những ai gây đau khổ cho mình. Thành thử đời tôi dạo nầy dễ được thêm bạn bớt thù. Bởi vậy ôi là tạ ơn Thánh Cả "Cha Yêu" cho lời dạy...

Mặt khác, trước tình hình kinh tế hiện nay xuống đến thảm, người thất nghiệp mất nhà ngày một đông. Mọi ngành nghề nhất là nghề làm đẹp tóc tay bị ế ẩm đến tang thương! Trông gương của nhan nhản bao người đổi nhà nhỏ mua nhà lớn để cuối cùng mất trắng. Có người an phận với căn nhà nhỏ để ở, mua trả góp đã hơn 10 năm, nhưng cũng bị mất luôn vì thất nghiệp. Tôi nghĩ lại mà hú hồn! Và ôi là tạ ơn Thánh Cả "Cha Yêu" cho lời dạy... Gì chớ lúc nầy, tôi hiểu lời dạy: "Không có nơi gối đầu" còn là lời dặn dò cảnh giác: "Hãy chớ nghe con! Sẽ bị mất nhà luôn đấy cho mà coi".

California, 31-1-2008

Tác giả: Hoàng Thị Đáo Tiệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!