TÔI TIN – CHÚNG TÔI TIN:
(19/03/2021)
Tác giả: Lê Thiên
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3v5ejY0
Thánh Giuse “đã từng thất
nghiệp”?
VietCatholic
News ngày 30/12/2020 có bài báo “Các học giả Kinh Thánh nói Thánh Giuse
đã từng thất nghiệp với Nguồn: Catholic News Agency St. Joseph the Worker was
once out of work, too”. Đến nay (28/02/2021) tôi mới được đọc bài báo nhờ
một người bạn chuyển cho.
Trang
tin mạng VietCatholic nêu rõ: Trích dẫn cuộc chạy
trốn của Thánh Gia sang Ai Cập, Cha Donald Calloway, một nhà văn chuyên viết
các sách thiêng liêng về việc sùng kính các thánh, cho biết Thánh Giuse ‘rất
đồng cảm’ đối với những người đang chịu cảnh thất nghiệp.
“Bản
thân ngài [Thánh
Giuse] lúc này lúc khác đã từng thất
nghiệp, chẳng hạn như trong chuyến lánh nạn sang Ai Cập”, Cha
Donald Calloway nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Thánh Gia đã phải thu dọn mọi thứ trong một thời gian
ngắn và đến một đất nước xa lạ mà không có gì cả. Các ngài không có kế hoạch về
điều đó”.
Bài
của Cha Donald Calloway rất thuyết phục, chúng tôi không bàn cãi. Nhưng chi
tiết về hoàn cảnh thất nghiệp của Thánh Giuse lại cho
chúng tôi một cái nhìn khác liên quan tới sự kiện Thánh Giuse đưa Chúa Giêsu và
Mẹ Maria “lánh nạn sang Ai Cập” (Egypt, một quốc gia tọa lạc phía nam nước
Israel).
Thánh Giuse dẫn đầu một gia đình tị nạn
Quê
hương Thánh Giuse là nước Do Thái. Hai nước Do Thái (Israel) và Ai Cập (Egypt)
không cùng một nguồn gốc dân tộc, một bản sắc, một truyền thống, một tập tục và
cả không cùng một tôn giáo. Thậm chí đã có thời người Do Thái bị Ai Cập bách
hại ngay trên đất nước Ai Cập. Vậy mà khi gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và
Thánh Giuse bị vây khốn, Thánh Giuse lại đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria lánh nạn
sang Ai Cập (Egypt): một chuyến đi tị nạn đích thực.
Sách
Tin Mừng Mátthêu ghi rõ: “Khi các nhà chiêm tinh đã
ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy
đem Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì
vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!’ Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà….” (Mt 2, 13-15).
Như vậy, với Thánh Giuse và Thánh Gia, Ai Cập là nơi TỊ NẠN, là đất
TẠM DUNG.
Không
rõ Ba Đấng có là thành phần “nhập cư lậu” đối với luật lệ mỗi quốc gia thời đó
không? Nhưng chúng ta có thể suy đoán rằng, dù là “nhập cư lậu” hay “nhập cư có
giấy phép” Thánh Giuse không dễ tìm ra công ăn việc làm “ổn định” vì cô thân cô
thế nơi xứ người ở vào cái thời chắc chắn không hề có chế độ trợ cấp cho người
nhập cư, chính sách hỗ trợ dân tị nạn, huống hồ kẻ tị nạn đến từ một quốc gia không
có chiến tranh.
Thánh Giuse thất nghiệp thế nào?
Cha
Donald Calloway có lý do để bảo rằng Thánh Giuse như là một “người thất
nghiệp” khi Thánh Gia lánh nạn trên đất Ai Cập trong hoàn cảnh “tứ cố
vô thân”. Ai đọc bài trên VietCatholic càng cảm thấy xót xa trước hình ảnh
Thánh Giuse “nằm co ro” trên nền đất (hình minh họa trên bài báo ở VietCatholic
News). Ở cuối bài viết này, chúng tôi mạn phép sao y bài viết của Cha Donald
Calloway từ trang tin của VietCatholic.
Thánh
Giuse có chắc đã “nằm lăn ra” vì thất nghiệp không? Nếu quả
thế thì số phận của Đức Maria và Hài Nhi Giêsu và cả bản thân Thánh Giuse (đang
là cột trụ gia đình lúc bấy giờ) sẽ ra sao suốt thời gian các Đấng tạm trú nơi
xứ người? Mà thời gian lánh nạn của các Đấng đã không được báo trước!
Là
gia trưởng chịu trách nhiệm sự sống còn của cả gia đình, Thánh Giuse lẽ nào
chấp nhận thân phận “thất nghiệp”, nằm co ro nếu hiểu “thất nghiệp” theo hoàn
cảnh thời đó… không giống cảnh thất nghiệp ngày nay (được hưởng tiền thất
nghiệp hay trợ cấp xã hội)!
Từ
suy nghĩ trên, chúng tôi tin rằng Ba Đấng là dân tị nạn “cá biệt” ở thời kỳ ấy!
Qua
trình thuật ngắn của sử gia Mátthêu, chúng ta biết Thánh Giuse đã hoàn toàn tự
lực cánh sinh để tự nuôi mình và bảo bọc cả Mẹ Maria lẫn Hài Nhi Giêsu. Các
Đấng cũng không hề gây phiền hà gì cho người dân bản địa, trái lại đã biết tạo
nên mối giao hảo tốt đẹp với người xung quanh, tranh thủ được cảm tình của họ
để có thể “sống còn” yên ổn nơi đất khách quê người và rồi thanh thản trở về cố
hương sau khi được báo tin “không còn
cuộc bách hại nào nữa đối với trẻ thơ” (Mt.2, 23).
Chúng tôi tin rằng Thánh Giuse quả đã trải qua một cuộc chiến
đấu quyết liệt với chính mình, với hoàn cảnh tứ cố vô thân và “vô gia cư”. Ngài
và Mẹ Maria chắc chắn đã AN PHẬN ĐỜI TỊ NẠN để bảo vệ Hài Nhi Giêsu và có thể
sống còn mà HỒI HƯƠNG một cách yên ổn.
Hội Thánh dạy qua các Chủ Chăn
Các
Đấng chăn dắt Hội Thánh đều tôn vinh Thánh Giuse là Đấng Bảo Hộ các tín hữu. Cụ
thể, trong một huấn từ hồi năm 1975, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI từng tôn vinh
Thánh Giuse là Đấng Bảo hộ người tị nạn (the protector of refugees). Ngài liệt
kê hàng loạt tư cách bảo hộ của Thánh Giuse, cụ thể: “Thánh Giuse là Đấng Bảo hộ người lao động, là Đấng Bảo hộ các gia
đình, Đấng Bảo hộ tuổi thơ, Đấng Bảo hộ những kẻ bị bách hại, ĐẤNG BẢO HỘ
CÁC NGƯỜI TỊ NẠN, Đấng Bảo hộ những kẻ khốn cùng… Đấng Bảo hộ mọi Kitô hữu” (Thông
tấn xã Observatore Romano ngày 21/3/1975).
Chúng
ta lưu ý: Huấn thị của Đức Phaolô VI xảy ra hơn một tháng trước biến cố
30/4/1975. Sau đó, hàng triệu người Việt Nam trở thành người tị nạn dung thân
nơi đất khách quê người.
Qua Tông thư “Patris Corde – Trái tim của người Cha,” Đức
Giáo hoàng Phanxicô ân cần nhắc nhở rằng Thánh Giuse là Đấng Quan Thầy Đặc Biệt
của những ai bị buộc phải trốn chạy khỏi quê hương mình “bởi vì chính
bản thân Thánh Giuse đã từng đưa Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu trốn chạy
sang Ai Cập, tránh bị bách hại trên quê hương mình”.
Như
vậy, Thánh Giuse cùng Thánh Gia đích thị là dân tị nạn chính trị.
Vốn
thân phận người tị nạn, chúng tôi chọn Thánh Giuse làm Quan Thầy bảo hộ để an
vui sống đời tị nạn.
Lê Thiên (19/3/2021)
Dưới đây là nguyên văn bài
báo (với hình ảnh) trên VietCatholic News ngày 30/12/2020.
Các học giả Kinh Thánh nói Thánh Giuse đã từng thất nghiệp. Ai không
có công ăn việc làm hãy chạy đến với ngài.
(VietCatholic), 30.12.2020
Trong tình trạng thất nghiệp hàng loạt vẫn còn cao
khi đại dịch coronavirus kéo dài, hai linh mục học giả Kinh Thánh khích lệ
người Công Giáo tìm đến Thánh Giuse như một đấng bầu cử đặc biệt.
Trích dẫn cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập,
Cha Donald Calloway, một nhà văn chuyên viết các sách thiêng liêng về việc sùng
kính các thánh, cho biết Thánh Giuse “rất đồng cảm” đối với những người đang chịu cảnh thất
nghiệp.
“Bản thân ngài lúc này lúc khác đã từng thất nghiệp,
chẳng hạn như trong chuyến lánh nạn sang Ai Cập”, vị linh mục nói với Thông tấn
xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Thánh Gia đã phải thu dọn mọi thứ trong một
thời gian ngắn và đến một đất nước xa lạ mà không có gì cả. Các ngài không có
kế hoạch về điều đó”.
Cha Calloway, tác giả của cuốn sách “Tận hiến
cho Thánh Giuse: Những điều kỳ diệu của Người Cha Linh Hồn của chúng ta”, là
một linh mục Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Ohio.
Ngài khẳng định rằng Thánh Giuse “một lúc nào đó chắc chắn khá
lo lắng: làm sao ngài đi tìm việc ở nước ngoài, trong hoàn cảnh không biết
tiếng, không biết người?”
Vào cuối tháng 11 vừa qua, khoảng 20,6 triệu người Mỹ
đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo các báo cáo gần đây. Nhiều người khác
đang làm việc tại nhà trong điều kiện hạn chế đi lại do coronavirus, trong khi
vô số công nhân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm coronavirus ở nơi làm việc và mang
nó về nhà cho gia đình.
Cha Sinclair Oubre, một người ủng hộ nhiệt thành tầng
lớp lao động, cũng nghĩ rằng chuyến lánh nạn sang Ai Cập là thời kỳ thất nghiệp
của Thánh Giuse — và cũng là thời kỳ cho thấy một tấm gương về các nhân đức.
“Ngài vẫn tập trung: luôn cởi mở, tiếp tục vật lộn
với cuộc sống, mà không bị suy sụp. Ngài đã có thể xây dựng kế sinh nhai cho
mình và gia đình”, Cha Oubre nói. “Đối với những người thất nghiệp, Thánh Giuse cho chúng ta một
gương mẫu không để mặc cho những khó khăn trong cuộc sống đè bẹp tinh thần của
mình, nhưng phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và thêm vào đó là
sự quan tâm của chính chúng ta, củng cố thái độ và đạo đức làm việc mạnh mẽ
hơn”.
Cha Oubre là người điều hành mục vụ của Mạng Lưới Lao
Động Công Giáo và là giám đốc Tông Đồ Biển của giáo phận Beaumont, chuyên phục
vụ những người đi biển và những người khác sinh sống bằng các công việc trên
biển.
Theo Cha Calloway, hầu hết mọi người trong cuộc sống
đều là những người lao động, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc.
“Họ có thể tìm thấy một mô hình nơi Thánh Giuse Thợ”,
ngài nói. “Bất
kể công việc của anh chị em là gì, anh chị em có thể mang Chúa vào trong công
việc của mình và điều đó có thể mang lại lợi ích cho anh chị em, gia đình anh
chị em và xã hội nói chung”.
Cha Oubre cho biết có nhiều điều để học hỏi từ việc
suy tư về công việc của Thánh Giuse, là đấng đã nuôi dưỡng và bảo vệ Đức Trinh
Nữ Maria và Chúa Giêsu. Ngài cũng là một mô hình thánh hóa thế giới.
“Nếu Thánh Giuse đã không làm những gì ngài đã làm, không có
cách nào Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ đang mang thai khi chưa chính thức
kết hôn, có thể sống sót trong môi trường đó”, Cha
Oubre nói.
“Chúng ta phải nhận ra rằng công việc chúng ta làm không chỉ
dành cho thế giới này, nhưng chúng ta có thể làm việc để giúp xây dựng Nước
Chúa. Công việc mà chúng ta làm là chăm sóc các thành viên trong gia đình và
con cái của chúng ta và giúp xây dựng các thế hệ tương lai từ đó”.
Cha Calloway cảnh báo chống lại “những ý thức hệ về
công việc”.
“Nó có thể nô lệ hóa chúng ta. Mọi người có thể biến
thành những người nghiện công việc. Có một sự hiểu lầm về ý nghĩa của công
việc”, ngài nói.
Thánh Giuse đã coi trọng công việc “bởi vì, với tư
cách là người được chọn làm cha của Chúa Giêsu trên trần gian này, ngài đã dạy
Con Thiên Chúa cách thức lao động chân tay. Ngài được giao trách nhiệm dạy con
Thiên Chúa làm thợ mộc và điều hành công việc”.
“Chúng ta làm để sống chứ không phải sống để mà làm.
Nói cách khác, chúng ta không được kêu gọi trở thành nô lệ cho một thương
nghiệp, hay tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong phạm vi hạn hẹp công việc của
mình, nhưng phải làm sao để công việc của chúng ta tôn vinh Chúa, xây dựng cộng
đồng nhân loại, trở thành nguồn vui cho mọi người. Thành quả lao động của anh
chị em là để bản thân và người khác được hưởng, nhưng không được làm tổn hại
đến người khác hoặc tước đi mức lương vừa phải hoặc buộc họ phải làm việc quá
sức của họ, hoặc tạo ra có những điều kiện làm việc chà đạp phẩm giá con
người”.
Cha Oubre đã tìm thấy một bài học tương tự. Ngài nói
rằng “công
việc của chúng ta phải luôn hướng tới việc phục vụ gia đình, cộng đồng, xã hội
của chúng ta và thế giới”.
Nguồn: Catholic News Agency
St. Joseph the Worker was once out of work, too
Lê Thiên
Hẹn gặp lại