(Tháng Ba 2020)
Thành viên mới của Cộng đồng
Kitô hữu
Chắc
chắn Cộng đồng người Công Giáo - không phải chỉ Công Giáo Việt Nam mà cả người
Công Giáo thuộc mọi màu da khắp hoàn vũ đều hân hoan đón nhận bạn XXX tham dự
cùng một Cộng đồng Dân Chúa, như họ đã từng đón nhận bao nhiêu nhân vật gia nhập
vào hàng ngũ Công Giáo, để cùng nhau trở thành “Những Người Lữ Hành Trên Đường
Hy Vọng”[1] bất luận họ thuộc thành phần nào hay giai tầng nào trong xã hội, từ
trí thức, khoa bảng cho đến những người bình dân thầm lặng ở những chân trời xa
xôi nhất trên địa cầu này.
Là người
Công Giáo Việt Nam, chúng tôi hoan hỉ chào mừng bạn Nguyễn Văn A, cầu chúc bạn
mãi mãi trung thành với ơn gọi làm con cái Chúa, mãi mãi SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI, đưa
Đạo vào Đời và mang Đời về với Đạo.
Như bạn
A thông tri, ngày … , bạn sẽ được chính thức đón nhận vào Cộng đồng Kitô hữu,
nghĩa là vào ngày ấy bạn sẽ đích thực là một Kitô hữu, nghĩa là một cách thiêng
liêng, bạn sẽ là một KITÔ KHÁC (Alter Christus), chiếu giải ánh sáng Phúc Âm đến
mọi nơi, cho mọi người... bằng chính đời sống dấn thân của bạn, sống tinh thần
Tin Mừng. Xin chia sẻ niềm vui cùng lời Tạ ơn thành kính từ cõi lòng chúng tôi,
những người đồng đạo của bạn.
Ý chí tự do: Xác quyết ước
nguyện
Nhân
đây, chúng tôi mạn phép gợi nhắc một vài chi tiết trong Nghi thức Giáo Hội Công
Giáo đón nhận một người gia nhập Đạo Chúa.
Câu hỏi
đầu tiên mà vị linh mục chủ sự đặt ra cho người muốn lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm
(Rửa Tội) là: Con (Anh/Chị) xin gì cùng Hội Thánh?
Người
dự tòng: Thưa, con xin đức tin.
Linh mục
lại hỏi: Đức tin sinh ích gì cho Con (Anh/Chị)?
Người
dự tòng lại thưa: Thưa đức tin đem lại
cho con sự sống đời đời.
Cuối
cùng, vị linh mục chủ sự đọc lời nguyện: Lạy
Cha nhân từ, chúng con cảm tạ Chúa thay cho tôi tá Chúa đây đã đi tìm kiếm Chúa
và được Chúa kêu mời bằng nhiều cách, hôm nay trước mặt Hội Thánh, người này đã
đáp lại tiếng Chúa gọi. Vậy giờ đây, xin Chúa đoái thương ban cho người này được
hân hoan thấy Chúa hoàn tất ý định yêu thương của Chúa.
Những
lời hỏi thưa cùng lời nguyện trên đây xác nhận rằng việc người dự tòng xin Ơn Rửa
tội là một hành vi hoàn toàn từ ý thức tự do của người có ý muốn gia nhập Công
giáo, đáp lại “lời Chúa mời gọi bằng nhiều cách khác nhau.”
Câu hỏi
“Con (Anh/Chị) xin gì cùng Hội Thánh?” lại
cho chúng ta thấy Giáo Hội hết sức thận trọng trước khi cử hành nghi thức Rửa tội
cho người xin gia nhập đạo Công Giáo. Giáo Hội cần người dự tòng tự mình xác định
XIN GÌ cùng Hội Thánh. Qua đó, chúng ta cũng thấy vị linh mục chủ lễ không hề
tìm hiểu về “ý muốn” hay “ý đồ” gì của người xin nhập đạo.
Ý chí
TỰ DO được biểu thị ở đây một cách minh nhiên, chứ không bởi áp lực ngoại lai
nào! Từ đó, việc cử hành nghi lễ Rửa tội mới được thực hiện.
Vai trò và trách nhiệm người
đỡ đầu
Dầu vậy,
vị linh mục chủ sự nghi thức có vẻ như chưa tin hẳn vào lời “xin đức tin” của
người dự tòng. Ngài còn hỏi người bảo hộ thiêng liêng (người đỡ đầu): “Còn ông (bà, anh, chị) nhận đỡ đầu cho người
chịu Phép Rửa này, trước mặt Thiên Chúa, xét người này hôm nay có xứng đáng
lãnh nhận các Bí Tích gia nhập Kitô giáo hay không?”
Chính
sau khi người đỡ đầu xác quyết: “Con tin chắc người này xứng đáng,” vị linh mục
chủ sự mới tiến hành các bước kế tiếp.
Những
diễn tiến trong nghi thức Rửa tội cho chúng ta thấy ơn hoán cải là một tác động
thiêng liêng từ Chúa Thánh Thần nhằm vào nơi sâu thẳm tâm tâm của chính người
có ý muốn gia nhập Đạo Chúa cùng với sự cộng tác tự nguyện tự do hoàn toàn của
người ấy.
Việc Chúa & Ý thức trách
nhiệm cá nhân
Như vậy,
việc nhập đạo hôm nay hay việc sống đạo ngày mai của người mới nhập đạo hoàn
toàn tùy thuộc ý thức trách nhiệm thiêng liêng của người ấy với sự tác động của
ơn Chúa Thánh Thần. Là thành phần của Cộng đồng Dân Chúa, chúng ta có trách nhiệm
ủng hộ, tán dương, hiệp thông và cầu nguyện cho thành viên mới trong Công đồng
mình hơn là suy đoán tiêu cực, mơ hồ, trái với tinh thần Phúc Âm và lý tưởng
Kitô giáo.
Lịch sử
Giáo Hội Công Giáo từng cho thấy những tấm gương tuyệt vời nơi những vị Thánh
được ơn hoán cải mà nổi bật là Thánh Phaolô Tông Đồ, vị Thánh được Giáo Hội tôn
vinh vào ngày 29/6 hằng năm cùng với Thánh Phêrô, Tông Đồ Cả của Hội Thánh.
Ngoài ra, Thánh Phaolô còng được Giáo Hội kính nhớ cách riêng với ngày lễ
“Thánh Phaolô Tồng đồ Trở lại”, ngày 25/01.
Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam cũng đã có những ơn hoán cải lừng lẫy trong đó chúng ta
không quên ơn trở lại của một số vị Thánh trong hàng ngũ 117 Thánh Tử Đạo VN
như hai Thánh giáo dân Âugustinô Nguyễn Văn Mới (lao công) và Têphanô Nguyễn
Văn Vinh (tá điền), tử đạo năm 1839[2].
Một
gương hoán cải khác đã được Đấng Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận nêu
lên trong cuốn “Những người lữ hành trên đường Hy vọng” của ngài, đó là linh mục
Giuse-Maria Nguyễn Văn Thích thuộc Giáo phận Huế: “Khi tôi còn là một sinh viên
trong tiểu chủng viện An Ninh, một giáo sư, giáo sư người Việt, đã làm cho tôi
nhận ra tầm quan trọng của việc luôn luôn có Phúc Âm với tôi. Vị linh mục này
đã trở lại Đạo từ Phật giáo và xuất thân từ một gia đình quan chức. Cha là một
người trí thức: Cha luôn đeo quyển Tân Ước trên cổ, như khi người ta mang
viaticum [của ăn đường]… Tấm gương của vị linh mục thánh thiện mang tên Giuse
Maria Thích, luôn sống trong trái tim tôi, đã giúp tôi rất nhiều trong tù,
trong thời gian bị cô lập…”
Chúng
ta cùng nhau hát vang bài ca Tạ ơn Chúa và hân hoan chào đón người anh (chị) em
của chúng ta.
[1]
Tên gọi của một tác phẩm tu đức do Đấng Đáng Kính - tức Đức cố Hồng Y Phanxicô
Xavie Nguyễn Văn Thuận biên soạn.
[2] Lm
Vinhsơn Bùi Đức Sinh, OP: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong Lịch sử Giáo Hội Công
Giáo (2004)