HIỆP
SỐNG TIN MỪNG
LỄ
GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG ABC
Is
62,11-12; Tt 2,4-7 ; Lc 2,15-20.
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG : Lc 2,15-20
(15)
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những
người này bảo nhau : “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy
ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi,
họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
(17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi
này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.
(19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ
lại trong lòng. (20) Rồi các người
chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều
họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
2.
Ý CHÍNH :
Bài Tin Mừng lễ Rạng Đông nối tiếp
Tin Mừng lễ Nửa Đêm mừng Giáng Sinh. Nội dung ghi lại thái độ của
các mục đồng sau khi được sứ thần hiện đến loan báo tin vui về sự ra
đời của Đấng Cứu Thế. Họ đã tích cực đáp trả bằng cách vội vã
rủ nhau lên đường đi sang thành Bê-lem, để coi xem sự việc xảy ra mà
Chúa mới cho biết. Theo lời sứ thần hướng dẫn, họ đã sớm tìm thấy
Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ và hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đứng
bên. Rồi họ thuật lại mọi sự từ khi được sứ thần loan báo tới việc
tìm thấy Hài Nhi, đúng với những điều họ đã nghe biết. Cuối cùng
họ vui vẻ về nhà, vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, đã ban Đấng
Cứu Thế cho loài người.
II.
SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA : “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông
Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền
kể lại điều đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).
2.
CÂU CHUYỆN :
1)
CHÚA ĐẾN BAN HÒA
BÌNH CHO NHÂN LOẠI :
Vào ngày lễ
vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các
hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và
tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa
đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người
lính gác la lên một cách đầy phấn khích : “Anh em hãy lắng nghe đi !”. Họ lắng
nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người
lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm
nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý
nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh
nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong
đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.
Khi
ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi
dạo chung quanh vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào
của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng
giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì lại có một trận đấu bóng đá
giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các
vị tướng đôi bên, và họ đã ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt ngay
mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào chiến hào. Tất cả mọi chuyện
đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến lại bắt đầu trở lại.
Khi Đức
Giê-su sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời,
bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói
đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn sẽ làm gì để đem sự bình an cho gia đình và
nơi bạn đang sống ?
2)
“LỄ NO-EN THỜI THƠ ẤU” :
- Trong quyển tự thuật “Đứa Trẻ Duy
Nhất”, một nhà văn Ai-len tên là PHĂNG Ô CON-NO (Frank O’ Connor) đã tự
thuật câu chuyện về lễ No-en trong đời ông như sau :
Khi còn bé, vào một ngày trước lễ
Giáng Sinh, Ô CON-NO được ông già No-en tặng cho một món đồ chơi chạy
bằng giây cót. Thế rồi vào chiều ngày lễ hôm ấy, cậu bé Con-no theo
mẹ đi đến một tu viện ở gần nhà. Cậu bé mang theo món quà duy nhất
mới nhận được để khoe với mấy nữ tu thân thiết với gia đình cậu.
Một nữ tu dẫn cậu đến viếng máng
cỏ được dựng trong nhà nguyện của tu viện. Nhìn vào hang đá, cậu bé
suy nghĩ khi thấy Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ mà không có món
quà nào bên cạnh cả. Cậu nghĩ có lẽ bé Giê-su sẽ rất buồn vì không
được ai tặng quà cho. Cậu quay lại hỏi vị nữ tu tại sao Chúa Hài
Đồng lại không có món quà nào cả ? Bấy giờ nữ tu kia trả lời : “Vì
quá nghèo, nên Mẹ Ma-ri-a không có tiền mua quà cho con trẻ mới sinh”. Câu
trả lời ấy tuy giải tỏa phần nào thắc mắc của cậu, nhưng cậu vẫn suy
nghĩ : “Mẹ của mình cũng nghèo như thế, mà tại sao Mùa Giáng Sinh nào
mẹ cũng dành được tiền mua quà tặng cho mình ?” Món quà có khi là
một hộp bút chì màu, khi khác là một chiếc cặp da… Rồi lòng quảng
đại chợt dâng lên trong lòng, cậu bé liền cầm lấy món đồ chơi mang
theo, leo rào vào bên trong hang đá rồi đặt món quà kia vào giữa đôi
tay đang mở rộng của trẻ Giê-su. Cậu còn hướng dẫn cách lên giây cót,
sợ rằng trẻ Giê-su còn quá nhỏ không biết cách sử dụng thành thạo
món quà cậu mới trao tặng.
- Câu chuyện trên cho thấy lễ Giáng
Sinh là một cơ hội để mỗi người chúng ta bày tỏ sự quan tâm đối với
tha nhân. Đây là điều chính Thiên Chúa đã làm gương bằng cách ban Con
Một mình cho nhân loại chúng ta. Con Thiên Chúa không đến trong quyền
lực và giàu sang phú quí, nhưng trong sự yếu đuối nghèo khó cùng
cực. Người đến trong vẻ yếu đuối để giúp chúng ta thêm tự tin vào
các tài năng Chúa ban và sử dụng chúng theo Thánh Ý Chúa muốn. Người
đến trong sự nghèo khó để an ủi chúng ta và mời gọi chúng ta quảng
đại chia sẻ cho những kẻ nghèo đang sống chung quanh chúng ta.
3.
SUY NIỆM :
1)
CON THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI ĐỂ CON LOÀI NGƯỜI NÊN CON THIÊN CHÚA :
Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế đã yêu
thương nhân loại chúng ta và đã từ trời cao xuống thế làm một người
phàm. Người được sinh ra trong thân phận nghèo khó, sống một cuộc đời
lao động vất vả tại Na-da-rét như bao dân làng. Người đã trở thành
EM-MA-NU-EN nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quả thật : “Con Thiên
Chúa đã trở nên loài người, để làm cho con loài người trở nên Con
Thiên Chúa”.
2)
LỊCH SỬ HANG ĐÁ BE-LEM :
- Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta
thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang có Hài
Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả
Giu-se quì thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên thở
hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh.
- Việc dựng các hang đá như trên đã
có từ thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô khó khăn, lúc đó
đang là bề trên một tu viện bên Ý. Ngài cho dọn một hang đá trong
vườn cây ở gần Gờ-réc-xi-ô. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi
Giê-su nằm trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào
đêm khuya hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân
chúng lân cận kéo nhau đến đứng chung quanh hang đá. Bên cạnh hang có
đặt một bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành trang nghiêm. Từ đó,
việc trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia càng ngày càng phổ
biến trở thành tập tục chung của cả thế giới.
3)
GIÁNG SINH LÀ MẦU NHIỆM TÌNH THƯƠNG VÔ CÙNG CỦA TH CHÚA :
Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cách Thiên
Chúa diễn tả tình thương lớn lao nhất đối với nhân loại. Thiên Chúa
đã sai Con Một xuống thế làm người, trở nên giống như chúng ta mọi
đàng, ngoại trừ không có tội. Người đã yêu thương chúng ta đến cùng,
và biểu lộ tình yêu bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm
nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và huấn luyện các tông đồ,
lập các Bí Tích và cuối cùng sẵn lòng chịu chết nhục nhã trên cây
thập giá để đền tội thay cho chúng ta, và sống lại để ban lại sự
sống cho chúng ta. Người đã mở ra con đường lên trời cho chúng ta. Đó
là con đường yêu thương, quên mình và phục vụ, là chấp nhận “Qua đau
khổ tử nạn để vào vinh quang phục sinh”. Người mời gọi mọi người muốn
được ơn cứu độ thì “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà
đi theo Người”. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ được sống lại với
Người, và sau này sẽ cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên thiên
đàng với Người.
4)
CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ VỚI THA NHÂN :
Trong mùa Giáng Sinh tại nhiều nước
truyền thống Ki-tô giáo, có thói tục tặng quà cho người thân và cho người
nghèo. Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn để mời gọi các tín hữu chúng ta biết
nghĩ đến tha nhân, cảm thông và chia sẻ giúp đỡ những người bất hạnh với
hết khả năng của chúng ta. Mỗi chúng ta phải trở thành những ông già
No-en đầy lòng nhân ái, sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười
thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình
người. Mỗi người chúng ta hãy đi thăm những người đau khổ để chia sẻ tình
thương của Chúa cho họ, là những món quà vật chất, là lời nói chân thành
động viên những ai đang bị bệnh tật, đau khổ… phấn đấu vượt qua những khó khăn
gặp phải, cùng hợp tác với nhau để biến đổi gia đình, khu phố, nhà thờ, nơi làm
việc của mình trở thành một thiên đàng trần gian yêu thương hòa bình, vui tươi
và hạnh phúc, đúng như những lời chúc mừng luôn được ghi trên các cánh thiệp
Giáng Sinh và đầu Năm Mới : “Chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới hạnh phúc”.
4.
THẢO LUẬN :
Sau
khi được sứ thần loan báo tin vui, các mục đồng đã vội vã lên đường
đi Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế. Rồi sau đó họ đã thuật lại những
gì mắt thấy tai nghe về Hài Nhi này. Trong Mùa Giáng Sinh, mỗi người chúng
ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các bạn bè và
những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa
5.
LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con
trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng trao
tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi,
một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến thăm những
người bất bạnh để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ. Ước gì niềm
vui trong ngày lễ Giáng Sinh không dừng lại ở những của cải vật chất
bên ngoài, nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối lại thành vòng
tay lớn, hầu cùng nhau chung lo xây dựng một thế giới mới đầy niềm vui, bình
an và hạnh phúc.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM
ĐAN VINH - HHTM