HIỆP SỐNG
TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 29 TN B
Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 10,35-45
(35) Hai người con ông Dê-bê-đê là
Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn
Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây". (36) Người hỏi:
"Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? " (37) Các ông
thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người
được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". (38) Đức Giê-su bảo:
"Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống,
hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?". (39) Các ông đáp: "Thưa
được". Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép
rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. (40) Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả
Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy
mới được". (41) Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê
và ông Gio-an. (42) Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những
người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người
làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. (43) Nhưng giữa anh em thì không được
như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; (44) Ai
muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (45) Vì Con Người đến không
phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá
chuộc muôn người".
2. Ý CHÍNH:
Sau khi Đức Giê-su loan báo lần thứ ba về
cuộc Thương Khó Người sắp trải qua, các môn đệ xem ra vẫn không hiểu và không
muốn chấp nhận con đường đó. Các ông vẫn đinh ninh rằng Thầy các ông sắp
lên Giê-ru-sa-lem để làm Vua Mê-si-a và các ông đã tranh giành nhau vị trí quan
trọng trong Nước Thiên Chúa mà Người sắp thiết lập (Mc 9,33-34; 10,35-40); Đức
Giê-su đã nhắc nhở các môn đệ về bổn phận của người làm đầu là phải hầu thiên hạ
và nên tôi tớ phục vụ mọi người (9,33; 10,41-45).
3. CHÚ THÍCH:
-C 35-38: +Hai người con ông Dê-bê-đê
là Gia-cô-bê và Gio-an:
Gia-cô-bê và Gio-an là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh em bà con của Đức
Giê-su.. Hai ông thuộc Nhòm 12 Tông đồ, được Đức Giê-su kêu gọi đầu tiên và đã
mau mắn bỏ thuyền và từ giã cha già mà đi theo Người (x Mt 4,21-22). Hai ông
nhiệt thành bảo vệ Đức Giê-su và được Người gọi là "con cái của sấm chớp".
+Chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin:
Tin Mừng Mát-thêu thay lời xin của hai anh em bằng lời xin của bà mẹ. Có người
cho rằng Mát-thêu muốn làm giảm tính tiêu cực của hai anh em qua việc đổ lỗi
cho bà mẹ!
-C 37-38: +Xin cho hai anh em chúng
con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được
vinh quang: Hai ông
nghĩ Thầy sắp vào trong vinh quang là lên làm Vua Thiên Sai, nên xin hai chỗ
vinh dự nhất là được ngồi hai bên tả hữu. +Các anh có uống nổi chén Thầy
sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?: Hai ông đã không
hiểu được ý nghĩa thực sự và kết cục là cái chết đau thương đang chờ đón Thầy tại
Giê-ru-sa-lem, nên Đức Giê-su đã nhắc cho các ông về điều ấy.
-C 39-40: +"Chén Thầy sắp uống,
anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu: Đức Giê-su hứa cho các ông được chia sẻ
trọn vẹn thân phận của Người. “Chén Thầy sắp uống” tượng trưng cho những đau khổ,
“phép rửa Thầy sắp chịu” ám chỉ việc Người sẽ bị dìm trong lòng đất khi chết và
được an táng trong mồ. Nhưng ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Lời
tiên báo này đã được ứng nghiệm khi Gia-cô-bê là vị Tông đồ đầu tiên chịu tử vì
đạo vào n ăm 42 do vua Hêrôđê An-ti-pa, như sách Tông Ðồ Công Vụ đã cho biết
như sau: "Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ mấy người
trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Gia-cô-bê, anh của ông Gio-an" (Cv
12,2). Còn Tông đồ Gio-an thì bị đi đày một thời gian trên đảo Pát-mốt thời
hòang đế Do-mi-ti-en. Người đã bị bỏ vào vạc dầu sôi nhưng được Chúa cứu thóat.
Ngài qua đời tại Ê-phê-sô (Tiểu Á) dưới thời hòang đế Tra-jan sau năm 98. +Còn
việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên
Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được: “Chuẩn bị cho ai” ám
chỉ là do ý muốn của Chúa Cha, chứ không phải sự tiền định.
-C 41-42: +Mười môn đệ kia đâm ra tức
tối: Các ông tức tối
vì chính các ông cũng muốn được ngồi chỗ nhất trong Nước Thầy sắp thiết lập. +Những
người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người
làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân: Đức Giê-su giáo huấn môn đệ về
quyền lãnh đạo: Quyền bính xã hội thường mang tính áp chế do tham vọng ca nhân
muốn được ăn trên ngồi trước.
-C 43-45: +Giữa anh em thì không được
như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em: Đức Giê-su phân biệt quyền bính trong
Nước Trời hay Cộng đòan Hội Thánh mà Người sắp thiết lập. +Ai muốn làm đầu
anh em thì phải làm đầy tớ mọi người: Người đòi môn đệ và các mục tử
lãnh đạo Cộng đòan phải noi gương Người để sống khiêm hạ và sẵn sàng phục vụ
người dưới. +Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là
để phục vụ: Đức Giê-su thường tự xưng mình là Con Người. Người luôn nêu
gương khiêm hạ phục vụ và đòi môn đệ cũng phải học tập sống như vậy. +và
hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người: Giá chuộc ở đây thường là số
tiền bỏ ra để mua sự giải thoát cho một tù nhân, hoặc để chuộc lại một người
đang làm nô lệ. Tuy Đức Giê-su không bỏ tiền ra chuộc ai cả, nhưng Người chấp
nhận trải qua cuộc tử nạn và phục sinh theo thánh ý Chúa Cha giống như giá chuộc
để đền tội thay và giải thóat mọi người khỏi án chết muôn đời.
4. CÂU HỎI:
1) Hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an là ai?
2) Hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an xin Đức
Giê-su điều gì?
3) Chén Thầy sắp uống và phép rửa Thầy sắp
chịu ám chỉ biến cố gì?
3) Bạn biết gì về cuộc tử đạo của Tông đồ
Gia-cô-bê?
4) Tông đồ Gio-an đã uống chén khổ nạn
do Chúa trao cho như thế nào?
5) Chúa Cha “chuẩn bị cho ai” nghĩa là
gì?
6) Tại sao mười môn đệ kia lại tức tối với
hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an?
7) Đức Giê-su giáo huấn các ông về quyền
lãnh đạo trong Nước Thiên Chúa thế nào?
8) Người muốn các môn đệ và các mục tử
phải noi gương Người ra sao?
9) ”Giá chuộc muôn người” nghĩa là gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm
giá chuộc muôn người"(Mc 10,45).
2. CÂU CHUYỆN:
1)
THÁI ĐỘ LƯỜI BIẾNG Ỷ LẠI CỦA NGƯỜI ĐỜI:
Một hôm, khách qua đường gặp một triết
gia nổi tiếng người Hy lạp. Ông ta đứng ở góc đường và cười nắc nẻ một cách đắc
chí. Ai cũng tưởng ông là người điên nên không thèm để ý.
Sau cùng, có một người đánh bạo đến gần
và hỏi:
- Vì lý do gì ông lại cười như vậy?
Ông ta trả lời:
- Ông có thấy cục đá nằm giữa đường kia
không? Từ sáng tới giờ không biết bao nhiêu người đã vấp ngã vì hòn đá đó, và họ
bực mình chửi bới. Thế nhưng, không một ai chịu cúi xuống nhặt hòn đá
vứt khỏi lối đi để người khác đi sau khỏi bị vấp ngã.
2)
GƯƠNG DẤN THÂN PHỤC VỤ CỦA MỘT HỒNG Y:
Một hôm Đức Hồng y RONCALLI vừa trên xe
bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn tòa giám mục ra đón. Mọi người ngạc
nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cộng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười
xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức
Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc
xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc
nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và
chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.
Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với
ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản
ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này khi lên làm Giáo
hoàng, Đức GIOAN 23 vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ như vậy.
3)
GƯƠNG HY SINH PHỤC VỤ CỦA MỘT GIÁM MỤC:
Thánh PAULINÔ, Giám mục thành Nôla (
353-431), sau khi thu xếp xong việc gia đình, từ bỏ chức lãnh sự ở Rôma, đã sống
một cuộc đời tu đức khổ hạnh và làm đến chức Giám mục. Khi quân Goths chiếm
đóng xứ ngài và bắt nhiều người làm nô lệ, ngài đã bán tất cả gia sản để nuôi
người nghèo và chuộc nhiều kẻ nô lệ trong số đó. Tới lúc quân Vandales tiến đến,
ngài không còn gì để bán nữa nên đã hy sinh chính bản thân mình, đi làm nô lệ
thay cho con trai của bà góa và bị điệu sang Phi châu. Mãi lâu sau, ngài được
trả tự do và trở về lại giáo phận Nôla của ngài trong niềm hân hoan chào đón và
cảm phục của các tín hữu.
4) GƯƠNG HY SINH PHỤC VỤ CỦA ĐÔI TÂN
HÔN:
Một câu chuyện về phục vụ mà Mẹ TÊ-RÊ-SA
CAN-QUÝT-TA có lần đã kể lại như sau:
“Vào năm 1982, một hôm có đôi thanh niên
nan nữ tới nhà chúng tôi tại Can-quýt-ta đến trao tặng một món tiền lớn giúp bữa
ăn cho người nghèo. Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi: “Do đâu mà hai con có
món tiền lớn vậy?” Họ trả lời: “Chúng con vừa tổ chức lễ cưới được hai ngày
nay. Trước lễ cưới, chúng con bàn nhau sẽ thuê áo cưới thay vì đi may, cũng
không liên hoan linh đình, mà dùng khoản tiền ấy trao tặng cho những người kém
may mắn. Vì chúng con yêu nhau và muốn có một kỷ niệm đẹp nhân ngày cưới nhau”.
Ðể biết rõ thêm, mẹ Tê-rê-sa hỏi: “Tại
sao chúng con quyết định táo bạo như thế? Chúng con không sợ việc làm như vậy sẽ
làm cha mẹ và họ hàng buồn lòng hay sao?” Hai bạn trẻ ấy trả lời: “Chúng con muốn
khởi đầu cuộc chung sống bằng một sự hy sinh mà cả hai đều cùng nhau thực hiện”.
Mẹ Tê-rê-sa kết luận: “Thật là tuyệt vời
khi nghĩ đến một tình yêu cao quí như vậy. Tôi luôn cầu nguyện: Lạy Chúa, xin
ban cho những người trẻ ơn thánh và sức mạnh, để trong ngày thành hôn, họ có thể
trao cho nhau trái tim trong sạch, trái tim trinh khiết, thân xác trong trắng…
là món quà lớn lao của tình yêu nhau”.
Không ai lại không biết Mẹ Tê-rê-xa,
thành Can-quýt-ta, một nữ tu dòng Bác ái, mặc áo trắng viền xanh, luôn lặn lội cùng
với các chị em trong dòng, để cứu giúp những người hấp hối nằm la liệt bên vỉa
hè thành phố Can-quýt-ta nước Ấn độ, để “cho họ trong những giây phút hấp hối
cuối đời trước khi chết, được đối xử như một con người”. Trước đây, có một vị sư
Phật Giáo đã nói với Mẹ Tê-rê-sa: “Tôi biết và yêu mến Đức Ki-tô lắm. Nhưng tôi
ghét Hội thánh của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ chúng tôi có
thể gặp gỡ Hội thánh của Đức Ki-tô”. Sau một năm làm việc với Mẹ, vị sư này phát
biểu như sau: “Tôi đã quan sát. Bây giờ tôi thực sự tin các chị chỉ làm việc để
phục vụ người nghèo và xấu số nhất. Chúng tôi sẽ dâng cho các chị một ngôi nhà
trong khuôn viên nhà chùa chúng tôi để làm bệnh xá khám bệnh miễn phí”.
Câu chuyện trên cho thấy: Phục
vụ người nghèo là phương cách hữu hiệu giúp kẻ khác nhận biết Chúa Ki-tô và yêu
mến Giáo hội.
3. THẢO LUẬN:
1) Bạn cần làm gì để tránh thói ham mê
danh vọng chức quyền thế gian?
2) Tuần này bạn sẽ làm gì để phục vụ mọi
người trong tinh thần khiêm hạ?
4. SUY NIỆM:
1) CON NGƯỜI AI CŨNG MUỐN ĐƯỢC NGỒI VÀO
CHỖ NHẤT:
Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đã không
ngần ngại xin Đức Giê-su cho ngồi hai bên tả hữu Thầy là hai chỗ tốt nhất, khi
Thầy lên làm Vua Mê-si-a. Mười môn đệ kia nghe vậy rất bực mình. Điều này cho
thấy họ cũng muốn ngồi chỗ ấy.
Thực ra, tự bản chất, mỗi chúng ta đều
muốn được “ăn trên ngồi trước”. Xã hội cũng tôn vinh những người địa vị cao,
khuyến khích những ngừơi đoạt giải nhất trong các cuộc thi, hoan hô các nhà vô
địch “khỏe nhất, nhanh nhất, xa nhất” đúng như khẩu hiệu thường được nghe nhắc
tới trong các Đại Hội Thể Thao Ô-lym-pic…
2) HAI MẪU LÃNH ĐẠO: VUA CHÚA THẾ GIAN
VÀ MỤC TỬ GIÊ-SU:
Đức Giê-su đã
so sánh hai mẫu người lãnh đạo đối lập nhau: Mẫu người thứ nhất là vua chúa thế gian thì dùng uy quyền để
thống trị và cai quản dân. Mẫu người thứ hai là Đức Giê-su thì khiêm tốn phục vụ
mọi người như đầy tớ phục vụ cho chủ: "Anh em biết: những người được coi
là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy
quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn
giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em mình thì
phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc
10.45)..
3) ĐỨC GIÊ-SU: “ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ HƠN LÀ ĐƯỢC
PHỤC VỤ”:
Khi đi giảng đạo, Đức Giê-su luôn nêu
gương khiêm hạ phục vụ tha nhân: Người đã làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế
như: “Cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được
nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22; Is 35,5-6;
42,7).
Để cứu độ chúng ta, Người chấp nhận hy
sinh chịu chết trên thập giá, hầu chứng tỏ một tình yêu tột đỉnh (x Ga 15,13).
Trong bữa tiệc ly Người đã quì xuống rửa
chân cho các môn đệ và sau đó đã dạy các ông bài học yêu thương phục vụ lẫn
nhau như sau: “Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Điều đó phải lắm, vì quả thật,
Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là “Chúa” là “Thầy”, mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để
anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).
4) CHÚNG TA
PHẢI LÀM GÌ?
Để nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su, chúng ta cần sống tình yêu thương
tha nhân cách cụ thể như sau :
- Quảng đại
cho đi: Mỗi ngày hãy quảng đại cho đi những gì mình đang có. Bác
sĩ TOM DOLLY đã nói như sau: “Không ai quá nghèo đến độ không có một cái gì đó
để trao tặng cho người khác”. Dù là người bất tài, xấu xí hay bệnh tật đến đâu,
không ai trong họ là người hòan tòan vô dụng”.
- Khiêm tốn
phục vụ: Ở bất cứ đâu và trong bất cứ hòan cảnh nào mỗi người
chúng ta đều có thể yêu thương và phục vụ tha nhân: Là người bán hàng: chúng ta
có thể nói với khách hàng như sau: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?”. Là bác
sĩ hay y tá bệnh viện, chúng ta có thể ân cần chăm sóc phục vụ bệnh nhân; Là
linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta có thể phục vụ người nghèo, bệnh tật và
bị bỏ rơi noi gương Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng mở
rộng con tim để đón nhận và yêu thương phục vụ tha nhân như chính Đức Giê-su
không?
- Kiên trì
tập luyện: Buổi tối mỗi người hãy dành một phút xét mình trong giờ
kinh tối gia đình: “Hôm nay tôi đã làm gì để phục vụ tha nhân? Chẳng hạn :
Nở nụ cười thân thiện với người mới gặp; Trao cái nhìn yêu thương cho một người
ăn xin; Lắng nghe cảm thông với một người đang lo âu phiền muộn; Nói một lời để
động viên an ủi người đang bị chán nản muốn buông xuôi mọi sự… Mỗi lời nói, cử
chỉ, việc làm kèm theo tình thương phục vụ tha nhân của người tín hữu chúng ta đều
có giá trị để giúp anh em lương dân nhận biết tin yêu Chúa.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa
Giê-su, Chúa đã hạ mình như đầy tớ phục vụ môn đệ và tình nguyện chịu chết đền
tội thay cho chúng con. Xin giúp chúng con hiểu được tình yêu vô biên của Chúa
và noi gương Chúa để yêu thương phục vụ mọi người. Xin cho chúng con biết
năng nghĩ đến người bên cạnh và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa để xứng đáng
trở thành môn đệ đích thực của Chúa.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM