HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN 27 TN B
St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: Mc 10,2-16
(2)
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Ðức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng
có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người. (3) Người đáp:
"Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?" (4) Họ trả lời:
"Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ". (5) Ðức Giê-su nói
với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn
đó cho các ông. (6) Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con
người có nam có nữ; (7) vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ
mình, (8) và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt. (9) Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài
người không được phân ly". (10) Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về
điều ấy. (11) Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình
đối với vợ mình; (12) và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại
tình". (13) Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giê-su, để Người chạm tay vào
chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. (14) Thấy vậy, Người bực mình nói
với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước
Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. (15) Thầy bảo thật anh em: Ai
không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào".
(16) Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
2.
Ý CHÍNH:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đề cao ý
định của Thiên Chúa khi sáng tạo nên lòai người có nam có nữ, và truyền
cho đôi vợ chồng này phải hiệp nhất với nhau nên “một xương một thịt”. Rồi từ
giáo ước này sẽ phát sinh hiệu quả là: hai người không được phân ly. Tóm lại:
Hôn nhân tự nhiên do Thiên Chúa an bài có hai đặc tính là: “độc hôn” (một vợ
một chồng) và “vĩnh hôn” (bất khả phân ly).
3.
CHÚ THÍCH:
-C
2-4: + Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần
Ðức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ
không?": Người
Pha-ri-sêu hay Biệt Phái là một đảng phái tôn giáo không tin Đức Giê-su là Đấng
Thiên Sai. Câu hỏi của họ ở đây đầy ác ý, nhằm gài bẫy bắt bí Người + Họ
hỏi thế là để thử Người: Nhóm Pha-ri-sêu đã giăng ra một cái bẫy yêu cầu
Đức Giê-su phải chọn một trong hai cách trả lời, mà cách nào cũng đều bất lợi
cho Người. Nếu Đức Giê-su cho phép ly dị là Người đã tự mâu thuẫn với lời dạy của
mình. Còn nếu trả lời không được phép ly dị, thì họ sẽ tố Người chống lại Luật
Mô-sê. Hơn nữa, Đức Giê-su lại đang ở trên phần đất do vua Hê-rô-đê
An-ti-pa cai trị. Ông vua này đã bỏ vợ để lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a. Nếu phản
đối luật ly dị, Đức Giê-su có thể bị chung số phận với Gio-an Tẩy Giả, đã bị
ông vua này ra lệnh chém đầu trước đó.+ Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều
gì?" Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ": Trước
khi trả lời, Đức Giê su hỏi ngược lại họ qui định của Luật Mô-sê? Họ cho biết
ông Mô-sê đã cho phép rẫy vợ như sau: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn
ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy
nơi nàng có điều gì “chướng”, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận
tay và đuổi ra khỏi nhà (Đnl 24, 1). Về vấn đề ly dị có hai trường phái đối nghịch
nhau: Trường phái tự do chủ trương chồng có thể ly dị vợ bất cứ vì lý do gì dù
là nhỏ mọn. Còn trường phái bảo thủ chỉ cho phép ly dị vợ trong trường hợp vợ
ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai phái này đều chung lập trường cho
phép ly dị.
-C
5-9: + Lòng chai dạ đá: Đây là kiểu nói trong Thánh kinh
ám chỉ dân Do thái “mặt dày mày dạn”, cứng lòng và cố chấp trong sự lầm lạc của
mình. Thái độ này đã được Đức Giê-su có lần nói đến như sau: “Họ nhìn mà không
thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên
tri I-sai-a nói về họ rằng: Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn
mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo
mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa
chúng cho lành" (Mt 13, 14-15; x. Is 6, 9-10). +nên ông Mô-sê mới viết điều răn
đó cho các ông: Chỉ vì lý do nhân đạo mà Mô-sê “nhân nhượng” cho
dân Do thái được ly hôn. Giờ đây đã đến lúc Đức Giê-su tái lập trật tự theo
thánh ý Thiên Chúa từ ban đầu. + Lúc khởi đầu công trình tạo dựng,
Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ …: Hai nguyên tổ do
Thiên Chúa dựïng nên giống hình ảnh Người và cho phối hợp nên “một thân xác và
một tâm hồn”, để sống hòa hợp “một lòng một ý” với nhau. +và cả hai sẽ thành một xương một
thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt: Thánh
Phao-lô sau này đã so sánh sự phối hợp thâm sâu giữa hai vợ chồng với sự kết hiệp
nhiệm mầu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (x Ep 5, 31-32). +Vậy,
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly: Như vậy
hôn nhân theo Đức Giê-su dạy mang hai đặc tính là “độc hôn” (một nam một nữ) và
“vĩnh hôn” (tồn tại vĩnh viễn).
-C
10-12: +Khi về đến nhà: Tin Mừng Mác-cô thường sử dụng kiểu
nói nầy để kết thúc các huấn giáo của Đức Giê-su dạy thêm cho các môn đệ. +Ai rẫy
vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình…: Việc
ly hôn sẽ kéo theo hệ lụy tội lỗi cho nhiều người khác nữa.
-C
13-14: +Người ta dẫn trẻ em đến với
Ðức Giê-su: Trẻ
em ở đây không phải là trẻ thơ, nhưng là những trẻ đã đến tuổi khôn. Thấy Đức
Giê-su là một ráp-bi nhân hậu nhiều uy tín và dễ gần, nên cha mẹ đã đem trẻ em
đến để Người đặt tay chúc lành cho chúng. +Các môn đệ xẵng giọng với chúng: Các
môn đệ không muốn trẻ em quấy rầy Đức Giê-su, nên la rầy đuổi chúng đi. Phản ứng
nầy trái với gương sáng và lời dạy về sự khiêm tốn hiền lành của Đức
Giê-su (x. Mt 11, 29). +Người bực mình nói với các ông: Cứ
để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng: Đức Giê-su yêu quý và muốn tiếp
xúc gần gũi với các trẻ em (x. Mc 10, 14). +Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những
ai giống như chúng: Không chỉ đề cao sự vô tội, Đức Giê-su còn đề
cao tính cách khiêm hạ của các trẻ em là: không ham địa vị quyền hành, không cậy
dựa vào thế lực của tiền bạc, luôn tín thác cậy trông vào tình yêu quan phòng của
Thiên Chúa.
-C
15-16: +Ai không đón nhận Nước Thiên
Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào: Đức Giê-su cũng dạy người lớn muốn
được vào Nước Thiên Chúa cũng phải đơn sơ khiêm hạ giống như trẻ em.+Người
ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng: Chỉ Tin mừng
Mác-cô mới đề cập đến cử chỉ âu yếm trẻ em này của Đức Giê-su. Việc đặt tay
chúc lành cho trẻ em cho thấy thái độ nhân hậu và têu thương của Người khi sẵn
sàng ban ơn chúc lành cho những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ.
4.
CÂU HỎI:
1)
Nhóm Pha-ri-sêu giăng bẫy để thử Đức Giê-su thế nào?
2)
Mô-sê viết điều luật cho phép ly dị vợ với nội dung thế nào?
3)
Đức Giê-su đã quở trách thái độ nào của các Biệt Phái đã cho biết thái độ đó đã
ứng nghiệm lời tuyên sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a?
4)Tại
sao Mô-sê cho phép ly dị và Đức Giê-su đã tái lập trật tự thế nào theo thánh ý
của Thiên Chúa từ ban đầu?
5)
Tại sao Đức Giê-su bực mình với các môn đệ và Người đề cao trẻ em ở điểm nào?
6)
Người đòi những ai muốn được vào Nước Thiên Chúa phải nên giống trẻ em như thế
nào?
7)
Người biểu lộ tình thương đặc biệt đối với trẻ em qua hành động gì?
II.
SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: Đức Giê-su phán: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm
nên con người có nam có nữ; Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ
mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly" (Mc 10, 6-9).
2.
CÂU CHUYỆN:
1) BÀI
HỌC CHO ÔNG CHỒNG CÓ THÓI TRĂNG HOA:
Thu Hồ Tử người nước Lỗ, mới cưới vợ
năm ngày đã nhận lệnh đi làm quan ở nước Tần. Năm năm sau, Hồ Tử xin phép về
quê thăm vợ và mẹ. Khi về gần đến nhà, chàng bỗng thấy một thiếu nữ rất xinh đẹp
đang hái dâu bên đường.
Hồ Tử xuống xe, thả lời ong bướm trêu cợt.
Nàng hái dâu thản nhiên như không nghe thấy gì, tay không ngừng bứt lá.
Hồ Tử nói:
- Này em kia, dùng tận lực mà làm ruộng
cũng không bằng một năm được mùa. Dùng hết sức mà hái dâu, sao bằng gặp được một
người chồng làm quan. Ta đây là quan lớn, vàng bạc sẵn có, nàng mà ưng thuận lấy
ta thì không thiếu thứ gì, chẳng cần hái dâu cho vất vả tấm thân!
Người thiếu nữ ấy vẫn giữ thái độ dửng
dưng, nhìn ông quan với ánh mắt đầy khinh bỉ.
Hồ Tử về nhà lạy mẹ. Khi vợ chàng ra gặp
thì Hồ Tử choáng váng mặt mày, vì vợ chàng chính là thiếu nữ hái dâu lúc nãy.
Chàng hổ thẹn vô cùng, lúc ấy nàng mới dạy cho chàng một bài học:
- Chàng đi làm quan năm năm mới về.
Đáng lẽ chàng phải vội vã về thăm mẹ, gặp vợ, thế mà chỉ thấy một người đàn bà ở
dọc đường, không biết người ta chồng con thế nào đã ngừng lại trêu ghẹo, không
nhớ gì đến mẹ, cũng chẳng thiết gì tới vợ. Quên mẹ thì bất hiếu, ham sắc thì
lòng dâm, tính hạnh nhơ thì bất nghĩa, bất nghĩa thì trị dân chúng bất minh,
người như thế sao đáng gọi là quan giỏi chồng quý được!
Câu chuyện trên dạy chúng ta về sự
chung thủy vợ chồng mà Tin mừng hôm nay xác định. Đó là luật đơn hôn và vĩnh
hôn trong bậc hôn nhân gia đình: "Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: Thiên Chúa
đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để
luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết
hợp, loài người không được phân ly" (Mc.10,6-9).
2)
“MORS SOLA” - CHỈ
SỰ CHẾT MỚI CHIA LÌA:
Cô
CATHERINE kết hôn với anh JEAN WASA, một sĩ quan Phần Lan. Anh chồng bị kết án
tù vì tội phản loạn. Nhà vua khuyên cô Catherine đi lấy chồng khác, vì số phận
tù nhân hầu như không có ngày được ra. Catherine đã từ chối và còn xin nhà vua
một đặc ân, là cho cô được vào tù ở chung với chồng mình. 17 năm sau, khi vua
Eric băng hà, thì cả 2 vợ chồng được tha bổng. Người ta hỏi cô động cơ nào cô
xin vào tù cùng sống với chồng, cô chỉ chiếc nhẫn cưới đeo trên tay, trên đó có
khắc hàng chữ 'Mors Sola', nghĩa là, chỉ có sự chết mới có thể phân lìa chúng
tôi.
Thật đúng
như lời Chúa phán: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân
ly”.
3) TÂM TÌNH CỦA CON TRẺ TRONG MỘT GIA ĐÌNH CHA MẸ LY HÔN:
Trong cuốn
“Con cái người ly dị” của Jeanne Delas có lá thư của một bé gái tên Nina như
sau:
“Ba thương
mến. Con viết gửi đến ba nhưng bây giờ con không biết ba đang ở đâu, vì ba đã bỏ
gia đình ta mà ra đi. Con mong rằng ba luôn mạnh khoẻ và vẫn luôn nhớ bé Nina của
ba mỗi tối trước khi đi vào giấc ngủ. Con mong rằng bà vợ mới của ba không dữ lắm.
Nhưng con tin là bà ta rất hung dữ, vì chính bà đã bắt ba của con phải bỏ nhà
ra đi. Con vẫn thương và hôn ba. Nina".
Tin Mừng
thuật lại một đám trẻ em đến quây quần chung quanh Đức Giê-su. Ngài ôm chúng
vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng. Cử chỉ yêu thương của Chúa chính là một
lời kêu gọi các đôi vợ chồng, các bậc làm cha mẹ: Khi trái tim đôi bên không
còn cùng rung một nhịp, khi bị cám dỗ muốn từ bỏ nhau để ly hôn, thì họ hãy
nhìn vào con cái là nạn nhân vô tội của mình. Bỏ nhau, đường ai nấy đi là một
cách giải quyết cho bản thân mình, nhưng còn con cái hai người sẽ ra sao? Biết
đâu sau này chúng sẽ trở thành những kẻ đầu trộm đuôi cướp chống lại gia đình
và xã hội?
4)
HIỆU QUẢ CỦA CHIẾC GHẾ QUỲ ĐỂ PHÒNG TRÁNH LY HÔN:
Một phụ nữ Đức đến xin tòa cho ly dị,
vì ông chồng hay say sưa, la mắng, đập phá... Vị chánh án là ông WIN-THÓT
(Windthorst), một nhân vật thời danh của Giáo hội Đức thời bấy giờ đã hỏi bà rằng:
- Lúc chồng bà say sỉn, la mắng, đập
phá đồ đạc như vậy thì bà phản ứng thế nào?
Bà ta trả lời:
- Thưa ngài, dĩ nhiên là tôi cũng phải
gây sấm sét, cho nổi giông tố để đối đầu lại lão ta chứ.
Bấy giờ vị chánh án mới ôn tồn bảo bà rằng:
- Tôi thấy hình như trong nhà của bà
còn thiếu một chiếc ghế quỳ để giúp gây bầu khí hòa thuận giữa hai vợ chồng. Vậy
tôi cho bà một phương thuốc hữu hiệu, giúp gia đình bà thuận hòa là: bà hãy về
nhà mua một chiếc ghế quỳ. Rồi mỗi lần ông chồng bà say sỉn, chửi bới, đập phá…
thì bà hãy im lặng đến quì vào chiếc ghế đó để nói chuyện với Chúa thay vì đối
đáp lại ông ta.
Bà này về nhà làm theo lời chỉ dẫn của
vị chánh án. Ít lâu sau bà quay trở lại báo tin vui cho ông chánh án rằng:
”Phương thuốc chiếc ghế quì của ông rất công hiệu. Vì khi tôi quỳ xuống cầu
nguyện thì ông chồng của tôi cũng đồng thời hạ hỏa không còn la mắng đập phá đồ
đạc trong nhà như trước nữa”.
3. THẢO LUẬN:
1) Để tránh ly hôn, các đôi vợ chồng trẻ cần làm gì trước
và sau khi kết hôn?
2) Theo bạn, việc tổ chức giờ kinh tối gia đình hằng ngày
ích lợi thế nào và cần tổ chức đọc kinh tối gia đình ra sao cho phù hợp với tâm
lý và hòan cảnh thực tế hiện nay?
4. SUY NIỆM:
1) THỰC TRẠNG VÀ HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA SỰ LY HÔN:
- Khi mới
quen và tình yêu đến thì “Em nói anh nghe”. Sau khi cưới xong và về sống chung
một nhà thì “Anh nói em nghe”. Nhưng sau thời gian sống chung 10 năm thì “Anh
và em cùng nói, bắt hàng xóm nghe”. Có bao giờ trong gia đình của chúng ta, vợ
chồng cùng ngồi lại bên nhau để giải gỡ các khó khăn hay không? Đối thoại là điều
rất cần thiết để hóa giải những nghi kỵ và hiểu lầm, nhưng đừng bao giờ biến cuộc
« đối thoại » thành « đối đầu » khi hai người không muốn
nghe nhau nói, mà mỗi người đều muốn to tiếng để lấn át và kết án lẫn nhau.
- Khi nhìn
các đôi bạn trẻ tất bật lo chuẩn bị cho ngày kết hôn, có người thầm nghĩ:
"Liệu hai, ba, năm, bảy năm sau, cặp nào trong số các cặp vợ chồng này sẽ
ra tòa xin ly hôn đây?". Thực tế là ở Việt Nam hiện nay cứ ba cặp kết
hôn, lại có một cặp xin ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn chung sống với nhau.
Điều đáng buồn là 60% số vụ ly hôn này rơi vào số các gia đình trẻ, mà tuổi vợ
chồng chỉ từ 23-30. Trong đó 70% vụ ly hôn khi họ mới kết hôn được từ 1 tới 7
năm và hầu hết gia đình họ đều đã có con.
- Con trẻ
là những người gánh chịu hậu quả rõ nhất sau khi cha mẹ ly hôn. Mỗi năm, riêng
tại Tp.HCM có tới 50.000 trẻ em thiếu cha hoặc mẹ do gia đình tan vỡ. Theo kết
quả khảo sát của Trung Tâm Tư Vấn Trẻ Em và Ủy Ban Dân Số Gia Đình: hơn 30% trẻ
em lang thang đường phố Sài Gòn đều có cha mẹ bỏ nhau. Còn theo số liệu của Bệnh
viện Nhi Đồng 2: trong năm 2004, có 16/20 ca trẻ em từ 14-17 tuổi tự tử. Nguyên
nhân là do cha mẹ luôn xung đột nhau hoặc ly hôn...
2) NGUYÊN NHÂN DẪN DẾN LY HÔN:
Người ta
ra tòa xin ly hôn có nhiều nguyên nhân. Nếu sự nhàm chán là nguyên nhân gây đổ
vỡ hạnh phúc của các đôi vợ chồng lớn tuổi, thì sự hiếu thắng, tính sĩ diện
hão, tình yêu lãng mạn thiếu thực tế, cái "tôi" quá lớn… lại thường
là nguyên nhân dẫn đến ly hôn nơi các đôi vợ chồng trẻ. Có lẽ chính sự ảo
tưởng, ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân, là lý do khiến các đôi vợ chồng
trẻ mau đổ vỡ hạnh phúc. Họ cưới nhau không phải vì muốn tạo hạnh phúc cho
nhau, mà chỉ vì đã lỡ dại “ăn cơm trước kẻng”. Quan niệm về hôn nhân
của họ dựa trên sở thích hơn là tình yêu: thích thì " góp gạo thổi
cơm chung”, không thích thì chia tay. Thế nên nhiều trường hợp đôi vợ chồng trẻ
ra tòa xin ly hôn chỉ vì những lý do rất “trẻ con” như: Ăn cơm mà
không thèm đợi nhau, ngủ ngáy, thái độ ích kỷ, tình yêu không còn lãng mạn như
thuở ban đầu… Nếu vợ chồng trẻ biết bỏ đi "cái tôi" tự ái cao và
biết nghĩ đến chồng vợ của mình nhiều hơn thì chắc chắn hôn nhân không còn
là "mồ chôn của tình yêu" như nhiều người đã nghĩ.
3) CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH LY HÔN?
a-Trước
khi kết hôn:
+ Học giáo
lý hôn nhân: Bí quyết giúp hai vợ chồng sống chung hạnh phúc là nghệ thuật "nhắm
một mắt" để dễ chấp nhận nhau, dễ bỏ qua những thiếu
sót cho nhau... Do đó, các lớp giáo lý hôn nhân rất cần cho các
đôi vợ chồng chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân và học kỹ năng sống
chung lâu dài với nhau.
+ Cần
trang bị kiến thức căn bản về hôn nhân gia đình: Do yêu vội vàng, cưới hấp
tấp, nên nhiều đôi bạn trẻ đã không trang bị cho mình kỹ năng để sống
chung hòa hợp, nên đã dẫn đến ly hôn.
b- Khi mới về sống chung:
+ Ý thức được sự quan trọng của việc
tìm hiểu nhau trước hôn nhân, cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã tạo ra nhiều tục
lệ xem ra rườm rà, nhưng lại thật sự cần thiết để giúp đôi bạn trẻ chuẩn bị kỹ
lưỡng cho cuộc sống lứa đôi sau này như: lễ xem mắt, lễ cơi trầu dạm ngõ, lễ hỏi
rồi sau cùng mới lễ cưới. Trong đạo công giáo, các thủ tục chuẩn bị kết
hôn cũng nhằm kéo dài thời gian đính hôn giúp đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau kỹ lưỡng
nghiêm túc hơn như: Phải học giáo lý hôn nhân trước 3 tháng; Phải có giấy giới
thiệu kèm theo chứng thư rửa tội và thêm sức, Phải có giấy công nhận kết hôn,
giấy xin điều tra và rao hôn phối 3 CN; Phải tập lễ nghi, xưng tội trước ngày cử
hành lễ cưới…
+ Chấp nhận ưu khuyết điểm của nhau:
Lúc mới yêu nhau người ta thường “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng khi về
sống chung, mỗi người sẽ “hiện nguyên hình” với đầy đủ ưu khuyết điểm. Nếu
không biết chấp nhận khuyết điểm và giới hạn của nhau, thì ly hôn là điều khó
tránh khỏi.
c) Trong suốt thời gian chung sống:
+ Sẵn sàng thoả hiệp để giải quyết mâu
thuẫn nhỏ: Trong đời sống vợ chồng việc sống hòa hợp với nhau không phải là chuyện dễ
dàng. Bởi vì bá nhân bá tính, năm người mười ý. Không có đôi bạn nào mà lại
không phải đối phó với những mâu thuẫn, trái ý xảy ra thường ngày trong đời
sống vợ chồng. Nếu không biết cách thỏa hiệp, chân thành giải quyết các bất đồng thì cuộc sống hôn nhân không thể hoà hợp hạnh phúc được.
+ Nhẫn nhịn chịu đựng nhau: Cha ông ta đã khuyên dạy các đôi
vợ chồng: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Và như có người đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất
cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa”
(Harold Nichlson). Ngoài ra điều không kém quan trọng là giữ im lặng
khi đang nóng giận như có người đã nhận xét: “Phân
nửa những ‘vấn đề’ trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.
+ Nghệ thuật nhượng bộ nhau: Nhượng bộ không phải là yếu kém, nhu nhược nhưng là
thể hiện sự bao dung, quảng đại, biết điều trong ứng xử, làm sao để vợ chồng
luôn giữ được thái độ tôn kính nhau, giúp gia đình luôn có hòa khí thực sự.
Thực vậy, “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục
thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan
cố bao nhiêu, gia đình càng dễ tan vỡ bấy nhiêu” (G.
Lombroero).
d) Tầm quan trọng của giờ kinh tối gia
đình hằng ngày:
+ Đức Giê-su đã dạy: ”Nếu không có Thầy
anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b), nên đôi vợ chồng cần ý thức tầm quan trọng
của giờ kinh tối và tổ chức đọc kinh tối chung cách ngắn gọn, để gia đình được nghe
Lời Chúa giáo huấn, được ơn Chúa biến đổi giúp mọi người yêu thương phục vụ lẫn
nhau và tránh nguy cơ dẫn đến ly hôn.
+ Vợ chồng cần xin Chúa ban những ơn
gì?:
Xin cho mỗi người bớt một chút ích kỷ,
nhưng thêm một chút quảng đại.
Cho họ bớt một chút tự ái cao, nhưng
thêm một chút khiêm tốn phục vụ.
Cho họ bớt một chút tự do hưởng thụ lạc
thú ích kỷ, nhưng thêm một chút hy sinh…
Nhờ đó họ sẽ cộng tác với Thiên Chúa
làm cho cây tình yêu của hai vợ chồng được bền vững và cùng nhau bảo vệ hạnh
phúc gia đình.
5.
LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con xây
dựng hạnh phúc gia đình, Xin cho chúng con tránh những nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh
phúc dẫn đến ly hôn. Cụ thể tránh thói ích kỷ cố chấp. Xin cho chúng con ý thức
sứ vụ phải loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho anh em lương dân chung
quanh, bằng việc làm cho gia đình mình ngày thêm hòa hợp hạnh phúc, cho vợ chồng năng nghĩ đến
nhau và phục vụ lẫn cho nhau.
X)HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -HHTM