.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Lắng nghe và yêu thương

Chương II: Làm sao chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe

Chương III : Giá trị "Thanh tẩy" của lắng nghe

Chương IV : Những cạm bẫy khi lắng nghe

Lời cuối : Một lời xin lỗi và một lời cám ơn

Trắc nghiệm "Biết mình"

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
LẮNG NGHE, MỘT QUÀ TẶNG VÔ GIÁ !

        Tủ sách: Tình Người

 Tác giả : Nguyễn Văn Thành

Trình bày

Phạm Hồng-Lam - Phan Đức Thông

Ấn loát

Monastère Notre Dame de Fatima

Orsonnens - Fribourg - Suisse

ISBN 2 - 9700137-9-7

Lausanne - Thụy-sĩ. Hè 1999

  

Hãy lắng nghe...

 

Hãy lắng nghe, chia sẻ nỗi buồn vui,

Cùng đồng cảm bao đắng cay ngọt bùi,

Với Anh Em trên khắp mọi nẻo đường,

Mang tâm trạng lở lói đầy vết thương.

 

Hãy lắng nghe tiếng trần gian gào thét,

Bị ngụp lặn trong hận thù ghen ghét,

Đem tình thương cho mọi người lớn, nhỏ...

Hồn mong đợi ánh bình minh rạng tỏ.

 

Hãy lắng nghe lời than van nhắn gọi :

Giữa bàn tiệc lòng ai còn quặn đói;

Dù đám đông đứng vây quanh chào hỏi,

Đường họ bước vẫn ngõ cùng trơ trọi.

 

Hãy lắng nghe ! Thinh lặng và mênh mông

Như người Mẹ hân hoan mở rộng lòng,

Sẵn sàng cho suốt một đời hiện diện,

Sống vì con trọn lời kinh dâng hiến.

 

Hãy lắng nghe ! Bao la và vô tận

Suốt ngày đêm giăng hai tay đón nhận,

Những khuôn mặt quen thân hoặc xa lạ,

Nối kết lại làm bầu trời cao cả!

 

 

Lời mở đường

Lắng nghe là một quà tặng

Trong nhiều cuốn sách được tôi xuất bản trước đây, đề tài "Lắng nghe" thường lui tới xẩn vẫn. Đó là một điệp khúc chủ yếu đánh dấu toàn bộ bản trường ca tư tưởng của tôi. Không lắng nghe, làm sao anh và tôi, em và bạn... có thể cùng nhau ngồi lại đối thoại? Nói một các khác rõ ràng và ngắn gọn hơn, không lắng nghe nhau, chúng ta còn sống tư cách và chất lượng làm người nữa không? Vào những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ 20, trong khi chuẩn bị bước qua một thời đại mới, tiếng súng đạn vẫn còn lấn át tiếng nói của Tình Thương. Kỳ thị chủng tộc, hiểm họa chiến tranh toàn diện đang còn là nỗi bận tâm của những ai đặt niềm tin vào con người, vào tình người! Trong các thành phố lớn như Ba-lê, Luân-đôn, Nữu-ước... thậm chí ở những xứ sở có cơ cấu truyền thống "sống hoà bình" như Thụy-sĩ, Đan-mạch...bạo động cũng đã ngày ngày tràn ra đường. Đó đây, báo chí thường phàn nàn về sự xuất hiện của các băng đảng cướp giật, của các nhóm thanh thiếu niên tìm cơ hội để chơi trò ẩu đã, đổ máu, một cách "lãng nhách, phi lý". Thì ra, lắng nghe đang bị phá giá trầm trọng trong môi trường sinh sống của con người, trên mọi xứ sở, từ Đông sang Tây. Từ Bắc xuống Nam.

Ngày nay con người sống vọng động. Con người lăng xăng. Con người vội vã. Họ không có thì giờ để ngồi lại lắng nghe chính mình. Từ đó, con người cũng dần dần đánh mất khả năng lắng nghe kẻ khác. Trong những hoàn cảnh quá khích, cực đoan... tiêu hủy và đàn áp kẻ khác  phải chăng cũng là một hình thức dập tắt, chối từ tiếng nói lung linh diệu vợi của chính mình. Đó là tiếng nói của Tình Thương.

Nếu chúng ta có gan khai quật và đào sâu hơn nữa, chúng ta sẽ nhận ra: lắng nghe bị phá giá chính trong môi trường gia đình. Giữa quan hệ vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Không được lắng nghe và học tập lắng nghe từ những ngày tấm bé, thậm chí khi còn là bào thai ở trong lòng mẹ, làm sao những thế hệ giới trẻ từ mười tám đôi mươi... ngày mai sẽ có tư cách và khả năng xây dựng thế giớ và Quê Hương trên cơ sở lắng nghe, chia sẽ, đồng cảm?

Nói cách khác, có lắng nghe mới có yêu thương thực sự và trọn vẹn. Có lắng nghe mới có hiểu biết toàn diện, toàn bích. Theo đạo Bụt, phải chăng "Làm Đức Bụt đang thành và sẽ thành" có nghĩa là làm người có khả năng lắng nghe. Lắng nghe không những với hai tai. Nhưng với hai tay, hai chân. Với làn da, hơi thở, nhịp tim. Với đầu óc và tâm hồn. Với trọn con người. Lắng nghe như vậy là tiếp xúc trọn vẹn với thực chất của mình, của người, của sự vật. Niết bàn hay là Chân như biểu lộ ra một cách viên mãn, chính khi chúng ta biết lắng nghe có chất lượng đầy đủ và trọn vẹn. Lắng nghe như vậy là tìm về với mặt mũi nguyên sơ của chính mình. Đó là hạt giống tình thương và hiểu biết đã có mặt từ bao nhiêu đời trong tôi. Trong Em. Trong bạn. Trong mỗi người. Tuy nhiên, hạt giống ấy đang cần mưa sương. Cần bàn tay vun trồng, chăm bón, tưới tẩm của tôi, để lớn lên, nở hoa, làm đẹp bản thân và tô điểm cuộc đời. Tiến trình nầy là công phu hoa trái của cả một đời, trọn một kiếp. Của từng từng, lớp lớp thế hệ. Hẳn thực, luân hồi khổ đau là một vòng dây chuyền mênh mông, vô tận. Tuy nhiên, trong vị trí bản thân nhỏ bé của tôi, nếu tôi phá vỡ được một khâu chuyền mà thôi, toàn thể vòng dây lớn lao, mênh mông kia đã bắt đầu rạn nứt, tan vỡ, mất quyền lực trói buộc, giam hãm cuộc đời. Người trói buộc là tôi. Nhưng người giải thoát, phá vỡ xiềng xích cũng là tôi. Phải chăng Đức Bụt và Ma Vương - còn mang tên là Ba Tuần trong đạo Phật - Hai người đang tranh dành đám đất tâm tưởng của tôi? Tôi lắng nghe ai trong hai, tức khắc vị ấy trở nên con đường và nơi nương tựa cho chính bản thân và toàn thể cuộc đời của tôi!

Trong Kitô giáo, lắng nghe cũng khoác một tầm độ quan trọng tương đương như vậy. Lắng nghe là bản chất hay chân tướng của Thiên Chúa Thánh Linh! Nhờ Hồng ÂnSức Mạnh của Ngài thúc đẩy từ bên trong tâm hồn, người tín hữu mới có khả lực làm con người mới, ở đây và bây giờ trong cuộc sống còn ba chìm bảy nổi nầy. Mặc dù ngày ngày sống Đức Tin, tôi vẫn chưa rõ tôi lắng nghe Ngài như thế nào? Tôi chỉ chắc chắn một điều: Ngài đồng hoá với người anh chị em bần cùng, nghèo đói, nhỏ mọn đang sống hai bên cạnh và trước mặt tôi. Nuôi sống họ là nuôi sống chính Thiên Chúa. Lắng nghe họ là lắng nghe chính mình Ngài.

Trong tinh thần và lăng kính vừa được trình bày và quảng diễn, lắng nghe là một món quà lớn lao nhất, hơn mọi món quà khác. Đó là món quà vô giá, chúng ta trao tặng cho người anh  chị em khi họ tiếp xúc với chúng ta. Hẳn thực họ là người đang chia sẽ thân phận và điều kiện làm người với chúng ta. Nhưng còn hơn thế nữa, khi chúng ta lắng nghe họ một cách thực sự và trọn vẹn, trong lối nhìn hoặc kiến giải của chúng ta, họ là "Đức Bụt đang thành và sẽ thành". Họ là Thiên Chúa "mặc lấy hình người" đang đến thăm viếng chúng ta.

Không khoác vào mình một ý hướng tâm linh sâu xa và cơ bản như thế, tác động lắng nghe không còn là ấn chứng hoặc vết tích làm người của con người trong một thời đại mới đang mở ra. Đó là thời đại của "văn minh tình thương" đang mời gọi phần đóng góp xây dựng của mỗi người, bất luận già trẻ, lớn bé, nam nữ, đông tây, đen trắng...

Thế nhưng cuốn sách nầy không muốn vòng vo, luẩn quẩn trong những mê cung của ý niệm trừu tượng lý thuyết. Kỳ vọng của nó là kết hợp chặt chẽ "Tâm và Tài", nếu chúng ta sử dụng ngôn ngữ của Đoạn Trường Tân Thanh. Tâm không Tài là Tâm hoang tưởng, mộng mơ, quảng cáo. Tài không Tâm là con đường dẫn tới hận thù, chiến tranh, bom nguyên tử, trại tập trung, lò hơi ngạt... Vậy lắng nghe thực sự và trọn vẹn bao gồm những việc làm và cách làm cụ thể nào? Đâu là những cạm bẫy đang rình rập trên mỗi bước đường đi tới của chúng ta? Đâu là những kỹ năng khoa học cần được chúng ta tôi luyện thực tập mỗi ngày trong môi trường gia đình cũng như trong phạm vi xã hội và nghề nghiệp?

Chương một: sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất: Kỹ năng lắng nghe bao gồm những động tác cụ thể nào?

Chương hai: Dựa vào những tiêu chuẩn rõ ràng và khách quan nào, người đối diện có thể xác tín rằng: họ đang được tôi lắng nghe?

Chương ba: Lắng nghe và im lặng là hai mặt phải trái của một đồng tiền duy nhất. Tuy nhiên trong điều kiện nào, im lặng trở thành một giá trị cho cuộc sống làm người?

Chương bốn: tuy dù rất quan trọng, lắng nghe và im lặng là những giá trị làm người rất mong manh, dễ bị thương tổn và tha hóa. Lúc bấy giờ, đó là những trò chơi không lối thoát, nhằm lường gạt nhau trong quan hệ giữa người với người. Vậy phải hành động như thế nào để đề phòng những cạm bẫy ấy?

Trong Lời nói cuối, chúng ta sẽ cùng nhau nhắc lại tư tưởng bất hủ của Nữ triết gia người gốc Do-thái Simone Weil, đã chết rũ tù trong trại tập trung của Đức quốc xã: "Không phải đường chúng ta đi đầy tràn khó khăn trắc trở! Chúng ta chọn lựa khó khăn làm con đường đi tới của chúnbg ta".

Chính vì vậy vấp ngã hay thất bại là chuyện thường tình. Điều cốt yếu là chúng ta sử dụng những thất bại như là bài học để vươn lên, bước tới trên con đường làm người. Đó là bí quyết lớn lao và cao cả của "con người mới". Hẳn thực, khi tôi thất bại, tôi biết tôi thất bại, vì sao? Ở chỗ nào? Tôi cần làm gì để thất bại đừng xuất hiện lại lần thứ hai? Chính nhờ cái biết ấy, tôi trở thành người "thức tỉnh". Tôi không mê muội, vô ý, vô tứ, nửa ngủ, nửa thức; vì tôi là con cái của Chúa Thánh Linh, đang đi giữa Ánh Sáng Ban ngày của Ngài.

 

Nội dung

Lời mở đường :  

Lắng nghe là một quà tặng                  

Chương một  :   

Lắng nghe và yêu thương                    

Chương hai :     

Làm sao chứng minh cho người đang  nói là  họ đang được lắng nghe    

Chương ba :      

Giá trị thanh tẩy của lắng nghe            

3.1- Khả năng đồng cảm      

3.2- Thức tỉnh    

3.3- Khả năng hóa giải                

3.4- Động viên                   

3.5 Xây dựng và phát huy quan hệ

Chương bốn :     

Những cạm bẫy khi lắng nghe              

Lời nói cuối :     

Một lời xin lỗi và một lời cám ơn           

Trắc nghiệm "Biết mình"                                              

Sách tham khảo



Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!