.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần một: Con đường Bao dung trong cuộc đời làm người của chúng ta

Phần hai: Những chướng ngại lớn lao trên con đường Bao Dung

Phần Ba: Chuyển biến những Chướng Ngại lớn lao trên con đường BAO DUNG của chúng ta?

2. Con Đường BAO DUNG bắt đầu từ…Thái độ biết Lắng Nghe

3. Ý thức đến Ba nhân vật với bốn bộ mặt…trong con người của chúng ta

4. Tìm cách hóa giải những xúc động… trong những quan hệ của chúng ta

5. Những sinh hoạt chính yếu của con người

6. Mặc cảm là gì ?

7. Bốn vị BỒ TÁT…

8. Thánh Gióng hay là Phù Đổng Thiên Vương và con đường

9. Bảy hạt ngọc cho con…

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Con Đường Bao Dung
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
4. TÌM CÁCH HÓA GIẢI NHỮNG XÚC ĐỘNG… TRONG NHỮNG QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA

Bằng cách này hay cách khác, dưới nhiều hình thức trá ngụy, xúc động luôn luôn có mặt, khi hai người bắt đầu thiết lập những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với nhau. 

Xúc động thường được so sánh như một bản "dự báo thời tiết" của nội tâm: Thời tiết cần được hiểu ở đây là những tâm trạng lo sợ hay buồn phiền, tức giận, bực bội hay là hứng khởi, vui tươi và hạnh phúc… 

Theo lối nhìn của tác giả John GRAY, nếu chúng ta biết lắng nghe và coi trọng những "tiếng nói không lời" ấy, chúng ta sẽ dần dần khám phá 5 sứ điệp hay là 5 tầng lớp khác nhau của nội tâm, đang giao thoa chằng chịt và nuôi sống lẫn nhau:  

*   Tầng lớp thứ nhất bao gồm những xúc động bực bội, tức giận. Những xúc động này có phần vụ nhắn gởi cho những người đang sống chung quanh, một sứ điệp cầu cứu: "Tôi từ chối, phản đối, vì tôi không được lưu tâm và coi trọng. Có người đang xâm lấn vào lãnh vực sở hữu, cũng như quyền quyết định và chọn lựa của tôi".

 

*   Tầng lớp thứ hai bao gồm những xúc động cô đơn, buồn bực, chán nản, thất vọng. Lời kêu cứu ở đây gồm có: "Tôi quá lẻ loi, đơn chiếc… trong cuộc đời. Tôi cần những bàn tay nâng đỡ, những lời nói ủi an, những khuôn mặt hiện diện".

 

*  Tầng lớp thứ ba: "Tôi đang lo sợ, bất an và bất ổn, khiếp đảm và kinh hoàng. Ai sẽ nâng đỡ, chở che, đùm bọc, bênh vực tôi, trước những hiểm nguy, tai họa đang có mặt ở khắp nơi ?"

 

* Tầng lớp thứ bốn: "Tôi đã làm những điều sai trái. Tôi hối hận. Mặc cảm tội lỗi đang đè nặng và nghiền nát tôi. Ai có thể giải thoát tôi khỏi những tù ngục ngột ngạt này ?"

 

* Tầng lớp thứ năm: "Tôi cần có người lại gần, hiện diện với tôi… để tạo quan hệ yêu thương qua lại hai chiều. Ai có thể mang đến cho tôi hạnh phúc và thứ tha, hiểu biết và đồng cảm ?"

 

Nếu một trong năm tầng lớp trên đây bị tổn thương, ức chế, cấm cản, hay là không được đáp ứng và thỏa mãn, toàn bộ đời sống xúc động sẽ dần dần bị khô héo và tê liệt. Hẳn thực, nếu tôi không biết giận, chẳng hạn vì cha mẹ, thầy cô cấm cản hoặc trừng phạt, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ biết được thế nào là yêu, là ghét. Nếu không cảm nghiệm được lo sợ là gì, làm sao tôi hiểu được thế nào là an bình, sung sướng và hạnh phúc ? 

Và cứ như vậy, nếu toàn bộ năm tầng lớp xúc động bị tàn lụi và héo úa, chắc chắn khả năng tư duy của tôi cũng nghèo nàn, cằn cỗi, tàn tạ. Tiếp theo sau, toàn thể thực chất con người của tôi cũng bi suy thoái một cách trầm trọng. 

Hẳn thực, không có những xúc động thúc đẩy, tạo hứng khởi, đốt lên ngọn lửa quyết tâm và nhiệt tình, tôi tìm ở đâu đầy đủ nghị lực và năng động, để xác định những hoài bảo hay là chuyển biến mộng mơ thành hiện thực trong cuộc đời ? 

Những nhận xét trên đây cũng có thể áp dụng cho mỗi triệu chứng đang có mặt nơi trẻ em có nguy cơ tự kỷ. Sở dĩ em đang sống bít kín, không dám tiếp xúc với một ai, phải chăng vì em đang lo sợ, kinh hoàng ? Nếu chúng ta xô đẩy, ép buộc em phải đi ra, tiếp xúc, học tập… chúng ta chỉ gia trọng những phản ứng khép kín của em. Thay vào đó, với kinh nghiệm nghề nghiệp và khả năng chuyên môn, chúng ta có thể sáng tạo những bài học nào, khả dĩ mang đến cho em, những cảm nghiệm an toàn và tự tin ? 

Em đang thét la, bùng nổ, tấn công những bạn bè hai bên cạnh hay là có những hành vi tự hủy, như cắn mạnh vào tay, hay là đập đầu vào vách tường. Thay vì cấm cản, tại sao chúng ta không tổ chức những trò chơi sư phạm "cho phép em ấy giận một cách khác" ? Làm như vậy là chuyển biến tức giận thành một bài học hữu ích cho cuộc đời. 

Khi giam hãm mình suốt ngày trong những trò chơi "lắp ráp, lặp đi lặp lại", phải chăng em đang tìm cách trở lui với những chu kỳ vui thích, an toàn và thoải mái, khi còn sống trong tử cung của mẹ. Chính lúc ấy, chúng ta có thể mang ra nhiều hình ảnh khác nhau của mẹ, cho em sắp xếp. Hay là chúng ta mở ra một bản nhạc êm dịu và thao tác một vũ điệu, với em, bên cạnh em. Nếu em chấp nhận "nhún nhảy", như chúng ta và với chúng ta, em đã bắt đầu kiến tạo quan hệ qua lại hai chiều. Nói khác đi, em đã NHÌN và bắt chước chúng ta. 

Nói tóm lại, ở bên dưới mỗi triệu chúng, chúng ta sẽ tìm gặp một xúc động. Mỗi xúc động ẩn giấu ở dưới tầng sâu của nội tâm, một nhu cầu. Sau khi khám phá nhu cầu, chúng ta sáng tạo những thể thức đáp ứng. Qua những cách làm ấy, chúng ta đang phát huy những quan hệ đồng cảm với trẻ em, và sáng tạo cho em con đường đi ra với thế giới bên ngoài.

 

Tiến trình dồn nén, ức chế…

 

Thay vào những bước đi nhón nhén, từ tốn và kiên nhẫn, như vừa được mô tả và phác họa, chúng ta có thể nôn nóng, muốn "ăn nhanh, ăn vội, ăn liền", như trong các tiệm "Mác-đô-nan kiểu Mỹ". Cho nên, chúng ta không ngần ngại sử dụng những "phương pháp" ức chế, nhồi nhét, áp đặt. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta ép buộc trẻ em "phải tiến bộ một cách nhanh chóng". Phải biết nói. Phải tẩy xóa những "rối lọan hành vi". Phải trở về với "nếp sống bình thường".

 

Với bao nhiêu mệnh lệnh "Phải, Cần, Cấm…", chúng ta đã vô tình sản xuất những trẻ em "bị ức chế và dồn nén".

Theo cách giải thích của tác giả John GRAY, tâm trạng bị dồn nén là kết quả cuối cùng, trong đời sống tương tác xã hội, sau khi chúng ta bị cấm cản, trừng phạt, không có phép làm những gì chúng ta quyết định và chọn lựa.

 

-      Trong công đoạn thứ nhất, chúng ta không có phép từ chối, nói KHÔNG, không có phép bộc lộ quan điểm bất đồng (Resistance).

-      Trong công đoạn thứ hai, chúng ta không có phép bày tỏ ra ngoài nỗi niềm oán hờn, tức giận (Resentment).

-      Trong công đoạn thứ ba, chúng ta không có phép loại trừ, bỏ đi, cắt đứt (Rejection).

-      Trong công đoạn thứ tư, chúng ta mất hết khả năng khẳng định con người đích thực của chúng ta. Chúng ta trở thành "gỗ đá" hay là "hình thì còn, bụng chết đòi nao". Lúc bấy giờ, giá trị làm người, lý tưởng, tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha… chỉ là những nhãn hiệu hoàn toàn thiếu nội dung (Repression, Inhibition).

 

Chính vì bao nhiêu lý do vừa được trình bày, giáo dục có nghĩa là gì, khi chúng ta ép buộc và áp đặt tất cả từ trên và từ ngoài cho trẻ em? Làm người phải chăng là ngày ngày trở nên một chủ thể có khả năng chọn lựa và quyết định một giá trị, một hướng đi, một lý tưởng ? Tuy nhiên, bài học chọn lựa và quyết định này được ai dạy và được dạy làm sao, trong môi trường giáo dục và văn hóa của Quê Hương ?  

 

Diễn tả xúc động

                là một bài học cần học đi học lại 

 

Để có thể dạy trẻ em thành người, người có trách nhiệm – như cha mẹ trong môi trường gia đình –  hãy bắt đầu học cách diễn tả những xúc động của chính mình, một cách hồn nhiên và thanh thản, bình tỉnh và trực tiếp.

 

Từ ngày sinh ra đến lúc lên 5 tuổi, trẻ em học tập bằng cách bắt chước, lặp lại, vọng lại hay là phản ảnh những gì đang có mặt trong thái độ, tác phong và ngôn ngữ của cha mẹ, xuyên qua những trò chơi vui nhộn, những câu chuyện bập bẹ và líu lo. Một cách đặc biệt, hai mẹ con là "hai chiếc bình thông đáy". Cho nên mẹ đầy, thì tự nhiên con đầy. Mẹ vui tươi, hạnh phúc, năng động, thì đứa con  phản ảnh nụ cười của mẹ, nét mặt của mẹ, tâm hồn của mẹ, tính tình dễ thương của mẹ.

 

Chính vì những lý do vừa được trình bày, sau đây tôi mạo muội giới thiệu một số kỹ thuật nhằm giúp cha mẹ và người giáo viên diễn tả và bộc lộ ra bên ngoài, giữa vùng ánh sáng, tất cả nội tâm của mình, với bao nhiêu thời tiết thay dổi thường xuyên "mai mưa, trưa tạnh, chiều dông…". Làm được như vậy, quí vị sẽ có khả năng chuyển hóa những tâm trạng u buồn, trầm cảm, kiệt quệ… thành những quà tặng cho con cái và trẻ em. Phải chăng đó là bài học cao trọng và quí giá, trên tất cả mọi bài học khác ?

 

Kỹ thuật phản ảnh,

                         khi xúc động vừa chớm nở

 

Khi hai vợ chồng hay bạn bè thiết thân đang chuyện trò với nhau, bỗng nhiên một người cảm thấy những phản ứng khó chịu, bất đồng và bất mãn hiện hình trong nội tâm. Chính lúc ấy, kỹ thuật phản ảnh là phương tiện tốt hảo, để hai người trực diện với những quan hệ của mình, một cách thành tâm và can đảm.

Trong thực tế, qua bao nhiêu đời, chúng ta thường đề xuất câu tục ngữ đã được nằm lòng: "Một câu nhịn, chín câu lành". Kỳ thực, thái độ nhịn nhục ấy đang nung nấu, chờ đợi một nơi khác, một lúc khác, hay là một người khác… để bùng nổ. Một xúc động bị kiểm duyệt và dồn nén như thế, sẽ không bao giờ tan biến, Trái lại, khi nội tâm bị ô nhiễm, thể theo định luật của "bình thông đáy", quan hệ giữa hai người sẽ từ từ suy thoái.

Với kỹ thuật phản ảnh, chính thành viên đang cảm nghiệm xúc động, hãy thú nhận và yêu cầu: "Nghe em nói điều ấy, anh thú thật với em là anh bắt đầu bực bội. Anh xin em hãy lắng nghe và phản ảnh, để giúp cho anh nghe lại chính mình".

 

Phần Một: Người A dùng sứ điệp Ngôi Thứ Nhất, để diễn tả xúc động của mình. Mỗi lần, lời phát biểu chỉ thu hẹp trong một câu vắn gọn mà thôi.

 

Người B chỉ phản ảnh, nghĩa là làm tiếng vọng, bằng cách lặp lại y nguyên câu nói của A, thậm chí đại danh từ ngôi thứ nhất, như tôi, em, mình…

Ví dụ:

-  Lời người A: Nghe cô phàn nàn, tôi bực bội, chán nản.

-  Lời người B phản ảnh: Nghe cô phàn nàn, tôi bực bội, chán nản.

-  A: Nhiều lúc tôi muốn bỏ nhà, ra đi.

-  B: Nhiều lúc tôi muốn bỏ nhà ra đi.

 

Phần Hai: Sau độ 5 phút, người A tự nguyện dừng lại, khi cảm thấy tâm linh của mình đã được nuôi dưỡng, tâm hồn của mình đã trở về tình trạng yên nguôi…

 

Lúc bấy giờ, B nhận làm của mình tất cả nỗi lòng mà A đã diễn tả.

 

Sau đó, B tóm lược trong vòng 1 phút những tâm tình của A. Và lúc ấy A thành khẩn lắng nghe, không thêm, không bớt, không điều chỉnh.

 

Sơ đồ tóm lược và phản ảnh của B về A, bao gồm 3 điểm chính yếu sau đây:

 

-  "Tôi cảm thấy…" trình bày xúc động của A.

-  "Tôi muốn… Tôi cần…" trình bày nhu cầu và ước vọng của A.

-  "Tôi thương… tôi thích… tôi khen ngợi…" trình bày quan hệ thân thương, tích cực và năng động của A đối với B, trong giây phút ở đây và bây giờ. Tuyết đối không nhắc lại quá khứ. Không áp đặt với những mệnh lệnh có các từ như  "Phải, Nên, Cần, Cấm, Không được…". 

 

Phần Ba: B diễn tả xúc động của mình.  A bây giờ làm công việc phản ảnh và vọng lại, để cho B nghe lại chính mình.

 

Phần Bốn: A sở hữu hóa và tóm lược xúc động của B.

 

Kỹ thuật này được so sánh như một món ăn lạ. Lúc ban đầu, nó không mang lại những kết quả tức khắc. Nhưng dần dần, nó sẽ trở nên một món ăn có khả năng bồi dưỡng và đổi mới những quan hệ đối tác xã hội của chúng ta. 

Thực ra, điều quan trọng không phải là hình thức, nhưng là tinh thần và ý hướng của kỹ thuật. Tuy nhiên, trong điều kiện và thân phận làm người, phải có hình thức mới có tinh thần. Trí Thông Minh Xã Hội và cơ sở Não Bộ quyện sát vào nhau, cần nhau và phát huy nhau. 

 

Kỹ thuật "Tức giận với chính mình" 

Trong cuộc sống, rất nhiều lúc, chúng ta tức giận với chính mình. Thậm chí, sau khi đã tức giận với người khác, chúng ta quay lại tức giận với chính mình. Từ đó, chúng ta trở nên trầm cảm, kiệt quệ, vì nhiều mặc cảm tội lỗi đang từ từ xói mòn mọi sức sống vươn lên của chúng ta.

 

Sở dĩ như vậy, vì theo lối nhìn của tâm lý đương đại, chúng ta khởi đầu một tiến trình, và rồi không có khả năng hay là không biết phải kết thúc bằng cách nào.

 

Hẳn thực, phần vụ tích cực và năng động của tức giận, là yêu cầu những người đang chung sống hãy tôn trọng giá trị và lãnh thổ "tâm linh" của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều lúc chính chúng ta chưa ý thức rõ ràng về giá trị đích thực và cơ bản của mình. Và khi có ý thức, chúng ta lại không biết tìm cách trình bày ra ngoài, cho kẻ khác hiểu được con người đích thực của chúng ta.

 

Với kỹ thuật "tức giận với chính mình", chúng ta học tập về thể thức kết thúc một cách trọn vẹn, tiến trình tức giận của chúng ta. 

 

Trong phần Một, với sứ điệp ngôi thứ nhất, chúng ta diễn tả xúc động tức giận của mình, với tất cả đoàn tùy tùng:

 

- "Tôi tức giận bạn về việc…"

- "Tôi ghét bạn, KHI…"

- "Tôi khó chịu, bực bội, vì lý do…".

 

Trong phần Hai, chúng ta trình bày những nguyện vọng có liên hệ mật thiết với những giá trị hiện tại của chúng ta:

 

- "Tôi muốn từ đây bạn hãy nói… và làm…"

- "Tôi muốn được cư xử, đãi ngộ…"

- "Tôi thiết tha yêu cầu bạn làm…"

"Ước vọng quan trọng số một của tôi là…".

 

Trong phần Ba: Dựa vào kinh nghiệm cụ thể và khách quan, có mặt trong quá khứ, chúng ta trình bày khả năng và đức tính thực sự của chúng ta:

 

- "Bạn có thể làm…"

- "Bạn có những khả năng…"

- "Bạn xứng đáng với thành tích như…"

- "Bạn rất tài tình về…"

- "Bạn dễ thương, khi…". 

 

Trong phần bốn: Diễn tả quan hệ năng động và tích cực với chính mình:

 

- "Tôi thương bạn, khi…"

- "Tôi sung sướng, khi bạn làm…"

- "Tôi hạnh phúc được thấy bạn…".

 

Khi chúng ta biết tức giận với chính mình như vậy, chúng ta sẽ có khả năng diễn tả nỗi tức giận của mình đối với kẻ khác trong gia đình, cũng như ngoài xã hội, một cách bình tĩnh, ôn hòa và xây dựng. Tức giận lúc bấy giờ không còn và không phải là con đường dẫn đến bạo động, hay là phá hủy những quan hệ mà chúng ta đã xây dựng và nuôi dưỡng. Chính vì lý do này, sau khi tức giận, bùng nổ, bạo động, chúng ta ngụp lặn trong những trạng thái trầm cảm, mặc cảm tội lỗi…

 

Gốc rễ của tâm trạng trầm cảm và kiệt quệ

 

Nguyên nhân của tình trạng trầm cảm không do môi trường bên ngoài mang đến. Chính lối nhìn của chúng ta làm cho chúng ta đánh mất nhiệt tình và nhiệt lực đã và đang có mặt trong chúng ta. Theo quan điểm của Bác sĩ David D. BURNS, chỉ cần chuyển hóa, một cách ý thức và can trường, những cơ chế xuyên tạc và bóp méo của tư duy, chúng ta sẽ tìm lại nội lực đang có mặt trong con người của chúng ta.

 

Sau đây là mười hình thức xuyên tạc, thường có mặt trong tư duy của người đang mang tâm trạng trầm cảm:

 

1) Tư duy "hoặc có tất cả hoặc không có gì cả". Loại tư duy này có tính lưỡng năng, thiếu trung dung (All-or-Nothing Thinking).

- 2) Tư duy tổng quát hóa quá khích (Overgeneralization). Theo loại tư duy này, cái gì chỉ xảy ra một lần, sẽ luôn luôn xảy ra như vậy suốt đời.

- 3) Tư duy sàng lọc (Mental filter). Ông A có rất nhiều đức tính. Chỉ cần một lần ông nói dối, từ đó tư duy của tôi chỉ giữ lại tin tức: ông là người nói dối, tôi khước từ những ý kiến khác.

- 4) Tư duy tiêu cực (Disqualifying the positive). Cơ hồ một người loạn thị, con mắt tư duy của tôi chỉ ghi nhận khía cạnh tiêu cực, và không nhìn nhận bao nhiêu yếu tố tích cực cùng có mặt.

- 5)   Kết luận vội vã (Jumping to conclusions). Dựa vào một hoặc hai dữ kiện cụ thể, tôi đã khẳng định một cách chắc nịch như đinh đóng về giá trị hoặc bản chất của một con người. Chỉ cần mẹ la mắng tôi một lần, tôi đã kết luận: mẹ là bà phù thủy, đối với tôi.

- 6) Bi kịch hay là quan trọng hóa (Catastrophizing): Tư duy của tôi có xu thế phóng lớn ra một chi tiết nhỏ nhặt, hay là giảm khinh một tin tức đang quấy rầy tôi.

- 7)  Biến xúc động thành thực tế (Emotional reasoning). Thể theo loại tư duy này, tôi cảm nhận thế nào, thì thực tế khách quan bên ngoài phải như vậy.

- 8)  Biến lối nhìn thành qui luật, với những mệnh đề có động từ Phải, Nên, Cần…(Should Statements).

- 9)  Gắn nhãn hiệu (Labeling). Trong loại tư duy này, tôi có xu thế biến một hành vi thành một tính chất, một tính tình, một thể loại. Tôi có một kinh nghiệm khó chịu, một lần, với một người miền Trung. Từ đó, mỗi khi có cơ hội phát biểu, tôi luôn luôn khẳng định một cách chắc nịch: người Trung khó chịu.

- 10) Tư duy chủ quan hóa (Personalization). Với loại tư duy này, bạn xem mình là nguyên nhân độc nhất gây ra mọi tai họa, khi đứa con bạn có nguy cơ tự kỷ. Theo bạn, chính bạn đã mang căn tính ác độc, trong nhiều đời nhiều kiếp. Bây giờ con bạn phải gặt hái những hậu họa.

 

Để có thể chuyển biến loại tư duy xuyên tạc và bóp méo này, bạn hãy học tập quan sát và ghi nhận những sự kiện cụ thể, khách quan, bên ngoài. Hãy tôi luyện khả năng đặt ra cho mình câu hỏi: Tôi đang thấy gì, tôi đang nghe gì? Từ những điều mắt thấy, tai nghe như vậy, tôi rút tỉa những kết luận nào? Bạn bè của tôi, những người xa lạ… kết luận như thế nào, khác tôi ở chỗ nào, giống tôi ở chỗ nào? Nói cách khác, cách hành xử mà tôi cần học tập và tôi luyện hằng ngày, là lắng nghe kẻ khác, coi trọng lối nhìn của bao nhiêu người đang cùng chung sống trong môi trường. Hãy nhìn với con mắt của kẻ khác. Hãy lắng nghe, với lỗ tai của những người khác phái, khác miền, khác lập trường, khác chính kiến, khác tôn giáo, khác thế hệ... Người khác, nhờ nét khác biệt của họ, có thể bổ túc và kiện toàn những gì đang thiếu vắng trong con người của tôi.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!